Khi việc làm ổn định không còn hot như xưa, giới trẻ sẽ đổ về đâu? Startup này đã có giải pháp cho việc đó
Đây chắc chắn sẽ là thị trường vô cùng béo bở cho nhiều bên muốn tham gia.
Mang trên mình áo khoác lót bông và chiếc túi đeo vai Miu Miu sành điệu, không ai nghĩ Zhang Chen là một lao động trẻ mới nhập cư lên thành thị. Vậy nhưng Chen lại đang chen chúc với khoảng 40 người khác trong bầu không khí lạnh giá và ô nhiễm của Bắc Kinh để ứng tuyển cho công việc hướng dẫn khách tham quan trong một triển lãm hàng thể thao kéo dài 2 ngày.
Cô sinh viên 21 tuổi đang học ngành kế toán cho biết: “Việc này lương thấp thôi (35 USD/2 ngày) nhưng tôi muốn cuộc sống của mình có thêm phần thú vị.”
Chen tìm được công việc mùa vụ này qua DouMi, một nền tảng cho phép đăng tuyển các công việc tạm thời và part time. Được Baidu và Tencent chống lưng, chỉ trong vòng 6 tháng, lượng người dùng active hàng tháng của DouMi đã tăng gấp đôi lên ngưỡng 20 triệu.
Thành công của DouMi còn có một phần nhờ yếu tố thiên thời địa lợi, khi mà giới trẻ Trung Quốc ngày càng hứng thú với các công việc ngắn hạn, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước khổng lồ cũng đang cắt giảm biên chế khiến nhiều người…bỗng dưng thất nghiệp. Với tốc độ sa thải tại các mỏ than và nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc như hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều người rời bỏ những công việc ổn định truyền thống và chuyển sang những công việc mùa vụ dễ kiếm hơn.
Trong tầm lương khoảng 19 USD/ngày, người dùng DouMi có thể tìm được những công việc vặt như phân loại sữa trong siêu thị hay bày bán sách trên vỉa hè. Những cô gái xinh đẹp trong độ tuổi 18-28 còn có thể kiếm được nhiều gấp 4 lần mức thông thường qua việc làm người mẫu cho các dịch vụ video livestream phục vụ khán giả hầu hết là nam giới.
Các công việc tìm được trên DouMi đều chỉ kéo dài vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tuần với khung thời gian làm việc hết sức linh hoạt, lương không cao nhưng cũng đủ giúp người tìm việc trang trải được những khoản học phí đại học hay cuộc sống khó khăn nơi thành thị.
Theo lời Zhao Shiyong, CEO của DouMi, mỗi tháng nền tảng này tiếp nhận khoảng 300.000 đến 400.000 việc mới. Nhiều người trẻ không cần những công việc có tính an toàn ổn định cao mà chỉ quan tâm đến độ linh hoạt bởi họ ít khi “cắm chốt” mãi ở một thành phố.
Với những thế hệ trước đây, chuyện nhảy việc liên tục nghe có vẻ chẳng mấy hay ho bởi giấc mơ khi đó chỉ là tấm bằng đại học và một công việc ổn định, mà khả năng cao là công chức nhà nước. Thế nhưng thời thế nay đã thay đổi. Trong một cuộc khảo sát trên 13.000 sinh viên đại học năm 2016, 48% trong số này cho biết họ không muốn bước chân vào thị trường lao động truyền thống.
Giới trẻ Trung Quốc ngày nay không còn quá hứng thú với các công việc ổn định nhưng "trói chân" nữa
Khoảng một nửa số người tìm việc trên DouMi là học sinh - sinh viên; khoảng 90% trong số họ ở nhóm tuổi dưới 35. Sinh ra từ năm 1990 đổ lại, lao động trẻ hiện nay không còn quá cần cù chịu khó như các bậc cha ông trước đây nữa. Họ đề cao những giá trị như tự do, sự ung dung tự tại và ghét bị giới hạn bởi những người thế hệ trước trong các công việc truyền thống cố định.
Văn phòng của DouMi tại Bắc Kinh cũng tràn ngập những poster quảng cáo của các công ty muốn tuyển dụng. DouMi hợp tác với các nhà tuyển dụng lớn như KFC, Starbucks,… để giúp họ tìm kiếm lao động tạm thời. Với một khoản phí phụ thêm, đội ngũ của DouMi sẽ thay các doanh nghiệp này phụ trách toàn bộ quy trình tuyển dụng, từ chạy chiến dịch marketing cho đến huấn luyện nhân viên bán hàng mới.
DouMi được thành lập tách ra từ 58.com, thường được biết đến là Craigslist (trang rao vặt mọi thứ từ sản phẩm, nhà thuê đến công việc) của Trung Quốc. Công ty hiện đã được đầu tư khoảng 80 triệu USD, bao gồm cả khoản vốn 40 triệu USD trong series B vừa qua. Với mức chi tiêu hiện tại. DouMi có đủ tiền hoạt động trong khoảng 3 năm tới, cho đến lúc tiến hành IPO như dự kiến.
Mặc dù đang tăng trưởng khá tốt nhưng mô hình của DouMi chắc chắn cũng sẽ không tránh khỏi bị copy bởi nhiều đối thủ với trọng tâm hướng vào những nhóm việc hay tầng lớp “ngách” đặc thù hơn. Tuy nhiên, ít nhất nếu có xảy ra thì điều này cũng cho thấy rõ ràng đây là một thị trường vô cùng béo bở mà nhiều bên muốn nhảy vào.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"