NASA vừa công bố phát hiện ra BẢY hành tinh có thể có sự sống chỉ trong MỘT hệ sao duy nhất, cách ta chỉ 40 năm ánh sáng

    Dink,  

    Không phải gần nhất nhưng với tận 7 hành tinh có kích cỡ và khối tương đương Trái Đất, hệ sao Trappist-1 đang là ứng cử viên vô cùng sáng giá.

    Ngôi sao Trappist-1 nhỏ bé chỉ cách chúng ta 40 năm ánh sáng, là điểm sáng của đêm vừa rồi không phải là vì ta có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường trên bầu trời đêm, mà nơi đó có tới 7 hành tinh có kích cỡ và khối gần bằng với Trái Đất, rất có thể là môi trường cho phép sự sống tồn tại.

    Toàn bộ 7 hành tinh này đều xoay quanh ngôi sao lùn nguội Trappist-1, đều nằm ở một ví trí mà nước (nếu có) trên những hành tinh này đều sẽ không quá lạnh để bị đóng băng, hay không quá nóng để không thể duy trì sự sống. Phát hiện này đã làm các nhà khoa học thuộc NASA cực kì hứng thú: ta lại tìm ra được một hệ sao nữa có thể tồn tại sự sống trong vũ trụ rộng lớn này.

     Nếu Mặt Trời là quả bóng rổ thì Trappist-1 là quả bóng golf kia.

    Nếu Mặt Trời là quả bóng rổ thì Trappist-1 là quả bóng golf kia.

    Và một lý do nữa để các nhà khoa học hứng thú với khám phá lần này đó là họ phát hiện ra không chỉ 1, không chỉ 2 mà là tới BẢY hành tinh có thể chứa được sự sống, tất cả đều nằm trong một hệ sao duy nhất. Giáo sư Michael Gillon tới từ Đại học Liège tại Bỉ là người dẫn dắt một đội ngũ các nhà khoa học, cũng là tác giả của công trình nghiên cứu về các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời vừa mới được đăng tải trên Nature, hào hứng chia sẻ thành quả của họ.

    "Đây là một hệ sao rất phức tạp, các hành tinh có vị trí gần nhau và chúng cũng đều rất gần ngôi sao trung tâm, rất giống với những mặt trăng quay xung quanh Sao Mộc trong Hệ Mặt Trời của ta", ông nói.

    Trong 7 hành tinh được phát hiện đó, 3 hành tinh khả thi nhất đó là:

    - Trappist-1E có kích cỡ và nhiệt độ rất giống với Trái Đất.

     Trappist-1E.

    Trappist-1E.

    - Trappist-1F rất có thể có đại dương lớn, kích cỡ cũng rất gần với Trái Đất. Thời gian quay quay ngôi sao Trappist-1 ở giữa là 9 ngày, lượng ánh sáng mà nó nhận được sẽ gần giống với lượng mà Sao Hỏa của chúng ta nhận từ Mặt Trời.

    - Trappist-1G là hành tinh lớn nhất hệ sao Trappist-1 này, lớn hơn Trái Đất khoảng 30%, nó cũng nhận được lượng ánh sáng đủ nhiều để có thể tạo nên điều khác biệt.

    Đã có người đặt câu hỏi rằng tại sao các nhà khoa học không tìm ra một cái tên nào đó hay hơn để đặt cho chúng, cứ mãi đặt theo thứ tự bảng chữ cái thì hơi ... chán. Bà Sara Seager cười và trả lời rằng có lẽ trong tương lai, hệ thống đặt tên sẽ được cải tiến, giống như cách chúng ta vẫn đặt tên cho các sao chổi, sao băng hiện tại.

    Đây được cho là một bước tiến rất xa của ngành thiên văn học cũng như với toàn bộ cộng đồng tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ, tìm kiếm những hành tinh, những hệ sao có thể chứa đựng sự sống trên Vũ trụ sâu thẳm.

    Trong khoảng thời gian tới, khi mà kính viễn vọng James Webb - một kính viễn vọng được thiết kế đặc biệt để phát hiện và theo dõi tia hồng ngoại - được chính thức đưa vào hoạt động, ta sẽ có thể quan sát được đặc điểm khí quyển của các ứng cử viên sự sống này. Phân tích được thành phần của những hành tinh kia, ta sẽ xác định được chúng có phải là những hành tinh gồ ghề đất đá hay là những quả cầu khí gas lớn hay tuyệt vời hơn, những hành tinh ấy có thể có nước để duy trì sự sống.

    Tuy nhiên, Trappist-1 không phải là hệ sao có thể có sự sống gần chúng ta nhất. Người hàng xóm ấy phải là Proxima Centauri - Cận Tinh với hành tinh Proxima b, cách chúng ta chỉ 4,2 năm ánh sáng. Dự án Starshot của người Nga đang tính tới việc đưa tàu lên thăm dò Proxima b trong một khoảng 2 đến 3 thập kỷ tới.

    Cũng rất có thể rằng, đâu đó trong 7 hành tinh kia, một giống loài nào đó đang sinh sống, đang nhìn xuống Hệ Mặt Trời của chúng ta và đặt cho Quả Cầu Lửa kia một cái tên khoa học nào đó. Họ cũng nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng Sao Kim, Sao Hỏa hay Trái Đất là những hành tinh "có thể có sự sống".

    Những khám phá đầy thú vị này hôm nay là một bước tiến cực lớn, theo như các nhà khoa học NASA nhận định. Nó sẽ là bước đà để ta trả lời câu hỏi vẫn làm nhức nhối nhân loại bấy lâu nay: Liệu con người có thực sự cô đơn trong Vũ trụ này?

    Một câu hỏi ai cũng sẽ trả lời là "Không", nhưng chẳng ai có bằng chứng để chứng minh cả. Những chân trời để khám phá mới sẽ có thể cung cấp cho ta một (hoặc những) bằng chứng không thể chối cãi, để ta có thể lấp đầy khoảng trống kiến thức ấy một cách hoàn toàn trọn vẹn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày