OnePlus, Xiaomi, Honor và những nỗ lực thoát khỏi cái dớp "giá rẻ" của người Trung Quốc

    Liam,  

    Những câu chuyện tăng trưởng thần tốc tại Trung Quốc chắc chắn sẽ không lặp lại. Buộc lòng, các thương hiệu Trung Quốc cũng phải rũ bỏ thế mạnh duy nhất đã đưa họ lên bản đồ smartphone toàn cầu.

    Trong bộ 3 thương hiệu của BKK Electronics (Trung Quốc), OnePlus có thể coi là thương hiệu đặc biệt nhất. Nếu như OPPO và Vivo được BKK dùng để xâm chiếm các thị trường "low tech" (như nông thôn Trung Quốc) thì OnePlus lại ra đời với vai trò "kẻ lật ngôi đầu bảng". Bên cạnh những chiếc Nexus của năm xưa, OnePlus cũng từng là một trong những tên tuổi khai phá cho trào lưu cấu hình cao, giá rẻ.

    Thế nhưng, đến tuần này, vai trò đó của OnePlus có lẽ đã chấm dứt. Với thế hệ OnePlus 6, mức giá được BKK đặt ra là vào khoảng 520 USD. Qua từng năm, giá bán sản phẩm "đầu bảng" của OnePlus đã dần dần gia tăng. Những chiếc OnePlus giá chỉ bằng một nửa Galaxy S đã chỉ còn là dĩ vãng.

    OnePlus, Xiaomi, Honor và những nỗ lực thoát khỏi cái dớp giá rẻ của người Trung Quốc - Ảnh 1.

    OnePlus không còn là thương hiệu "phá giá cấu hình" như ngày nào nữa.

    Một tên tuổi khác từng đại diện cho trào lưu "phá giá cấu hình" cũng đang dần thay đổi. Trong 2 năm qua, Xiaomi cũng đã dần tiến lên các phân khúc giá cao bằng sản phẩm Mix. Với mẫu Mi Mix 2S mới ra mắt, giá trị của Xiaomi đã không chỉ dừng lại ở cấu hình: "Apple của Trung Quốc" muốn thu hút người dùng bằng lớp vỏ gốm sang trọng và độc đáo; một số chi tiết còn được mạ vàng hoặc bạc.

    Ngay cả dòng Mi chủ lực cũng sẽ thay đổi. Theo dự kiến, Mi 7 năm nay sẽ có giá khởi điểm vào khoảng 475 USD.

    Không chỉ là cấu hình

    OnePlus, Xiaomi, Honor và những nỗ lực thoát khỏi cái dớp giá rẻ của người Trung Quốc - Ảnh 2.

    Xiaomi với sức hút chủ yếu nằm ở vỏ gốm.

    OnePlus và Xiaomi chỉ là 2 ví dụ cho thấy ngành sản xuất smartphone Trung Quốc đang đứng trước một cuộc cách mạng toàn diện. Trước đây, các hãng Trung Quốc hoặc bán "phá giá" như Xiaomi, hoặc gần như tránh mặt hoàn toàn phân khúc cao cấp như OPPO/Vivo. Ngày nay, các sản phẩm có giá cận-cao-cấp đang xuất hiện ngày một nhiều.

    Đến cả Honor cũng không phải là ngoại lệ. Được thành lập chỉ để tập trung vào phân khúc giá rẻ và tránh ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của Huawei, đến năm nay thương hiệu này cũng "mon men" vào phân khúc cận cao cấp với Honor 10. Những đặc trưng của smartphone Trung Quốc vẫn còn (cấu hình cao, ngoại hình "học hỏi" và cả... tai thỏ) nhưng Honor 10 đã bắt đầu đi tìm hướng đi mới, tìm cách chạm đến các giá trị "vô hình". Mặt kính 3D 15-lớp bao phía sau lưng là một ví dụ điển hình: smartphone Trung Quốc ngày nay muốn thực sự cao cấp, muốn chứng minh giá trị không chỉ bằng cấu hình mà là cả thiết kế và trải nghiệm sử dụng.

    OnePlus, Xiaomi, Honor và những nỗ lực thoát khỏi cái dớp giá rẻ của người Trung Quốc - Ảnh 3.

    Thương hiệu được Huawei thành lập riêng nhằm kinh doanh giá rẻ đến nay cũng đã chạm vào phân khúc cận cao cấp.

    Cuộc thay đổi của người Trung Quốc bắt đầu trong một tình thế không mấy dễ chịu: trong quý vừa qua, doanh số điện thoại bán ra tại thị trường đông dân nhất thế giới đã giảm tới 34% so với quý trước (số liệu Digitimes). Chỉ có duy nhất Xiaomi ra mắt chiếc Redmi 5 Plus giá siêu rẻ (160 USD) là tăng trưởng, trong khi tất cả các ông lớn khác đều mất doanh số ở mức cao ngất ngưởng: Huawei 40%, OPPO và Vivo khoảng 30%. Các tên tuổi kém ổn định hơn như Lenovo/Motorola hay ZTE giờ vẫn đang ngụp lặn trong khó khăn.

    Các hãng Trung Quốc đang tìm đường "đánh" Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai với tiềm năng phát triển vô cùng rộng khắp. Thế nhưng đừng quên là mới chỉ vài năm trước, Trung Quốc vẫn còn là "chảo lửa" nóng nhất của thị trường smartphone. Không ai nghĩ thị trường Trung Quốc sẽ nguội lạnh như ngày hôm nay.

    Thay đổi để tồn tại

    OnePlus, Xiaomi, Honor và những nỗ lực thoát khỏi cái dớp giá rẻ của người Trung Quốc - Ảnh 4.

    Những câu chuyện tăng trưởng thần kỳ khó có thể lặp lại với các thương hiệu Trung Quốc.

    Ấn Độ hay bất cứ thị trường tiềm năng nào rồi cũng sẽ phải có lúc nguội lạnh như Trung Quốc. Thời đại tăng trưởng "nóng" bằng các sản phẩm "phá giá cấu hình" sẽ phải có lúc kết thúc. Những chiếc smartphone giá rẻ từ chỗ là công cụ gia tăng thị phần sẽ trở thành nhân tố có hại cho sự phát triển của các hãng.

    Chính Xiaomi hiểu rõ điều đó. Năm 2016, nhu cầu smartphone bắt đầu chững lại, Xiaomi lao đao vì thiếu hẳn 30 triệu máy so với mục tiêu đầu năm. Đến nay, "Apple của Trung Quốc" đã chuyển hướng sang dùng điện thoại làm đòn bẩy kích thích "hệ sinh thái". Thế nhưng, sự xuất hiện của dòng Mix – tình cờ cũng là từ năm 2016 – cho thấy Xiaomi đã hiểu rằng smartphone không thể mãi mãi chìm trong cái dớp "giá rẻ".

    BKK hay Huawei/Honor cũng đều hiểu rõ điều này. Trong quá nhiều năm, họ đã phải gánh chịu những khoản chi phí khổng lồ chỉ để bành trướng thị phần. Lợi nhuận của các hãng Trung Quốc đã luôn ở tình thế mỏng như dao cạo. Nếu không thay đổi, một khi quá trình bành trướng tại Ấn Độ hay các quốc gia khác chững lại, họ sẽ chìm vào khó khăn như Xiaomi ngày nào.

    OnePlus, Xiaomi, Honor và những nỗ lực thoát khỏi cái dớp giá rẻ của người Trung Quốc - Ảnh 5.

    Giờ là lúc nỗ lực vươn lên để "đánh" Apple.

    Khoản tiền mỗi người dân Trung Quốc bỏ ra để mua điện thoại cũng ngày một gia tăng. Những chiếc iPhone đắt đỏ cũng ngày một thành công hơn tại quê nhà của Xiaomi, Huawei. Rõ ràng là nhu cầu tại "quê nhà" Đại Lục đã thay đổi: người dùng sẽ mua mới điện thoại ngày một ít đi, nhưng tiền bỏ ra thì ngày một dư dả hơn. Để đáp ứng nhu cầu đó, thương hiệu Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi, buộc phải xóa bỏ cái dớp "giá rẻ" để có thể tiếp tục bành trướng trong tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ