Lần đầu tiên tiết lộ các bí mật kinh doanh, Xiaomi thực chất là một công ty như thế nào?

    tvd,  

    Để đăng ký IPO, Xiaomi đã công bố toàn bộ các hoạt động kinh doanh của mình.

    Có lẽ cái tên Xiaomi không còn quá xa lạ gì với chúng ta, một hãng smartphone đến từ Trung Quốc với triết lý bán giá rẻ. Cái tên Xiaomi cũng từng được nhắc đến rất nhiều trên tấm bản đồ công nghệ thế giới, khi được đánh giá là startup có giá trị lớn thứ hai chỉ sau Uber.

    Tuy nhiên, Xiaomi đã phải trả qua một quãng thời gian rất khó khăn. Khi đó, triết lý giá rẻ không còn tỏ ra hiệu quả. Người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng những chiếc smartphone cao cấp có thương hiệu, họ cũng muốn trải nghiệm thiết bị trước khi mua tại các cửa hàng. Các đối thủ của Xiaomi thì mọc lên như nấm, một số bứt phá nhờ đầu tư vào công nghệ và chiến lược marketing.

    Vậy mà sau khi vượt qua quãng thời gian khó khăn, cái tên Xiaomi lại một lần nữa được cả thế giới chú ý đến. Cái tên Xiaomi được ca tụng sau khi hãng điện thoại này chính thức nộp đơn xin IPO tại Hồng Kông. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây sẽ là sự kiện IPO có giá trị lớn nhất kể từ năm 2014 đến nay, và chỉ xếp sau IPO của Alibaba trong lịch sử.

    Xiaomi được kỳ vọng thu về 10 tỷ USD trong đợt IPO này, nâng vốn hóa thị trường của hãng điện thoại Trung Quốc lên 100 tỷ USD. Trước đây Xiaomi vẫn chỉ là một startup, do đó các kết quả kinh doanh không được tiết lộ một cách chi tiết và đầy đủ.

    Nhưng trước khi thực hiện IPO, Xiaomi sẽ phải công khai mọi hoạt động kinh doanh của mình. Và đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có được cái nhìn rõ ràng và chi tiết nhất về “Hạt gạo nhỏ”.

    Xiaomi kinh doanh gì?

    Xiaomi bắt đầu được sáng lập bởi Lei Jun vào năm 2010, công việc kinh doanh đầu tiên là bán smartphone. Các thiết bị của Xiaomi thu hút được sự quan tâm bởi có chất lượng tốt, cấu hình cao, nhưng giá bán luôn thấp hơn rất nhiều so với các thiết bị cùng loại khác.

    Với đà tăng trưởng mạnh, đã có lúc Xiaomi trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 tại Trung Quốc và đứng thứ 4 trên toàn cầu. Đến năm 2016, Xiaomi gặp khó khăn khi rất nhiều hãng điện thoại Trung Quốc sao chép triết lý giá rẻ.

    Lúc này, Xiaomi tìm một hướng đi mới khi mảng kinh doanh smartphone sụt giảm. Xiaomi hướng tới một loạt các thiết bị thông minh khác, từ bộ định tuyến Wi-Fi, sạc dự phòng, máy lọc không khí, đèn thông minh, thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, TV và loa không dây.

    Đây là chiến lược mới của Xiaomi, biến smartphone thành trung tâm của một hệ sinh thái các thiết bị thông minh. Nhưng chưa dừng lại ở đó, Xiaomi tiếp tục đầu tư vào các startup với những sản phẩm không liên quan đến smartphone. Chúng ta có nồi cơm điện, áo khoác, kính, giầy hay vali Xiaomi.

    Bên cạnh phần cứng, Xiaomi cũng phát triển các dịch vụ của riêng mình trên nền tảng MIUI. Đó là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến và stream video. Xiaomi cũng kiếm tiền từ game mobile và quảng cáo. Mô hình kinh doanh của Xiaomi có khá nhiều điểm tương đồng với Apple, khi kiểm soát cả phần cứng và phần mềm.

    Xiaomi kiếm được bao nhiêu tiền?

    Trong hồ sơ đăng ký IPO, Xiaomi công bố tình hình tài chính của mình trong vài năm qua. Cụ thể trong năm 2017, doanh thu của Xiaomi đạt 18 tỷ USD, tăng mạng 67% so với năm 2016. Tuy nhiên trong năm 2017, Xiaomi thua lỗ 6,9 tỷ USD. Đây là kết quả đảo ngược của năm 2016, với lãi ròng 77 triệu USD.

    Xiaomi cố gắng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình, và khẳng định rằng không đặt mục tiêu lợi nhuận từ smartphone. Tuy nhiên mảng kinh doanh smartphone vẫn là cốt lõi, chiếm hơn 70% tổng doanh thu năm 2017. Các thiết bị thông minh khác chiếm 20,5%, mảng kinh doanh dịch vụ chiếm chưa tới 10%.

    Xiaomi vẫn đặt trọng tâm tại thị trường Trung Quốc, với 72% tổng doanh thu. Các thị trường khác đem về 28% trong tổng doanh thu của Xiaomi năm 2017. Sắp tới, Xiaomi sẽ thâm nhập thị trường Tây Ban Nha và có thể tiếp theo sẽ là Mỹ.

    Xiaomi, Apple và Samsung

    Theo hồ sơ IPO, Xiaomi bán được 91,4 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu trong năm 2017. Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 trên thế giới, xếp sau Apple, Samsung và Huawei. Hãng điện thoại Trung Quốc này vẫn đang cố gắng cạnh tranh với Apple và Samsung bằng chiến lược giá rẻ.

    Giá bán trung bình của một chiếc smartphone Xiaomi là khoảng 138,4 USD, thấp hơn rất nhiều so với Apple (giá bán trung bình 688 USD) hay Samsung (giá bán trung bình 230 USD). Chiếc smartphone có giá cao nhất của Xiaomi là Mi MIX 2S (518 USD), thấp hơn rất nhiều so với iPhone X (999 USD) hay Galaxy S9 (840 USD).

    Tuy nhiên chiến lược của Xiaomi không phải là tạo lợi nhuận từ thiết bị phần cứng. CEO Lei Jun khẳng định tỷ suất lợi nhuận từ thiết bị phần cứng chỉ vỏn vẹn 5%. Thay vào đó, Xiaomi muốn kiếm tiền từ dịch vụ, khi mà số lượng người sử dụng thiết bị Xiaomi ngày càng tăng lên.

    So sánh một chút, mảng dịch vụ của Xiaomi thu về 1,5 tỷ USD trong năm 2017. Trong khi đó mảng dịch vụ của Apple riêng Q1/2018 đã thu về 9 tỷ USD. Tất nhiên so sánh này khá khập khiễng, nhưng sẽ mất rất lâu nữa thì mảng dịch vụ của Xiaomi mới thực sự là mũi nhọn và mang về lợi nhuận khủng cho công ty.

    Những rủi ro Xiaomi phải đối mặt sau khi IPO

    Ngay cả khi IPO thành công và đem lại những khoản tiền khổng lồ cho Xiaomi, để tiếp tục việc xây dựng cửa hàng bán lẻ và mở rộng thị trường. Xiaomi vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, như một công ty công khai trên sàn chứng khoán.

    Đầu tiên, tỷ suất lợi nhuận mỏng là điều các nhà đầu tư không mong muốn, chưa tính đến việc thua lỗ. Mảng kinh doanh cốt lõi của Xiaomi vẫn là smartphone, nhưng có vẻ như Xiaomi không tập trung nhiều vào nó.

    Xiaomi cũng thừa nhận: “Smartphone chiếm phần lớn doanh thu của công ty, bất kỳ sự sụt giảm về doanh số bán smartphone đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công ty”.

    Trước mắt, Xiaomi vẫn phải tiếp tục đốt tiền vào nghiên cứu công nghệ, đăng ký bằng sáng chế, xây dựng các cửa hàng bán lẻ mới, mở rộng thị trường. Vì vậy các nhà đầu tư sẽ phải rất kiên nhẫn nếu thực sự muốn mua cổ phiếu của Xiaomi.

    Tham khảo: CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày