Nếu coi các hệ thống bulletin-board là thời "ẵm ngửa", các chat room là thuở ấu thơ thì Flash sẽ là thời thanh niên của mạng Internet – khi mà nó vẫn còn "quái" và nổi loạn như bất cứ cô cậu tuổi teen nào ngày nay. Flash không chỉ là một công cụ hay một thứ công nghệ mà được xếp hẳn vào một chủng loại riêng.
Adobe Flash khởi nguồn từ phần mềm gốc có tên FutureSplash Animator. Ra mắt từ năm 1995,
FutureSplash Animator được kỳ vọng có thể kết hợp nội dung animation với đồ họa vector để trở thành một công cụ thay thế cho các nhà phát triển Java trên nền web.
Năm 1996, phần mềm này được Macromedia mua lại. Cái tên "FutureSplash" cũng được rút gọn thành "Flash". Mục tiêu của phần mềm Flash là giúp tạo lập animation cũng như các nội dung tương tác giàu trải nghiệm hơn cho Internet.
Thế nhưng phải đến phiên bản Flash thứ 4 năm 1999, phần mềm này mới thực sự được bổ sung những tính năng sau những nâng cấp đáng kể nhất trong ngôn ngữ script. Có thể nói ActionScript – ngôn ngữ lập trình gắn liền với Flash - chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Flash trở nên phổ biến. Đây cũng chính là lúc Flash bắt đầu bùng nổ.
Những đoạn hoạt hình và video game ngắn sử dụng Flash đã nở rộ vào đầu thập niên 2000. Bạn có thể dễ dàng nhận diện chúng qua sự khác biệt rõ rệt trong lối thiết kế so với media truyền thống. Thế giới chưa từng chứng kiến những tựa game như Homestar Runner hay QWOP trước khi Flash xuất hiện.
Đầu thập niên 2000, các nhà phát triển thực sự chẳng có giải pháp nào tốt hơn Flash trong việc hỗ trợ truyền thông đa phương tiện trên các trình duyệt khác nhau. Hầu hết người dùng cài đặt phiên bản trình duyệt mới đều cài sẵn Flash Player (có thể vẫn đúng đến ngày nay). Thay vì phải hỗ trợ đến 2-3 format file khác nhau, bạn có thể "gói" mọi thứ vào một tập tin .swf để nhúng vào site và xử lý phần nội dung ở backend.
Đầu thập niên 2000, các nhà phát triển thực sự chẳng có giải pháp nào tốt hơn Flash trong việc hỗ trợ truyền thông đa phương tiện trên các trình duyệt khác nhau. Hầu hết người dùng cài đặt phiên bản trình duyệt mới đều cài sẵn Flash Player (có thể vẫn đúng đến ngày nay). Thay vì phải hỗ trợ đến 2-3 format file khác nhau, bạn có thể "gói" mọi thứ vào một tập tin .swf để nhúng vào site và xử lý phần nội dung ở backend. Site phổ biến nhất sử dụng Flash Player chính là Youtube, nền tảng video xuất hiện từ 2005. Mỗi video upload đưa lên Youtube đều được chuyển đổi thành một file FLV rồi đưa qua một trình chạy video Flash. Nhờ đó mà nội dung video có thể được bảo vệ khỏi những kẻ muốn download trực tiếp, nhưng đồng thời vẫn cho phép bất cứ ai cũng có thể xem được. Trên thực tế, hầu hết các trang chia sẻ video, thậm chí là cả site animation và chia sẻ nhạc, cũng đều đi theo đúng nguyên mẫu này khi bắt đầu ra mắt.
Thật trớ trêu là năm 2005, Macromedia bị Adobe Systems thâu tóm. Flash, cùng với Dreamweaver và Fireworks, đã lần lượt về tay ông lớn này. Cũng nhờ thương vụ đó mà Flash được đồng bộ vào bộ công cụ của Adobe. Các nhà phát triển đã có thể dễ dàng chuyển file từ các phần mềm như Illustrator vào project Flash. Công nghệ của Flash đã vượt xa khỏi mục đích ban đầu đã khai sinh ra nó (animation) để đạt đến tầm phủ sóng rộng khắp như một công cụ không thể thiếu khi thiết kế các thành tố trên giao diện web.
Xu hướng sử dụng Flash trong truyền thông đa phương tiện có lẽ còn tiếp tục đến tận thời kỳ 2010 – 2011. Thế nhưng cuối năm 2011, Adobe đột ngột thông báo hủy bỏ hoàn toàn hỗ trợ cho các trình duyệt mobile. Kể từ khi Apple quyết định không hỗ trợ Flash trên iPhone (2007), việc vật lộn theo kịp hàng tá loại chipset trên các thiết bị Android đã trở nên quá sức với Flash. Adobe chỉ đơn giản là muốn tập trung hơn vào trình duyệt trên PC cũng như phát triển các tính năng hỗ trợ animation cho game và video phân giải cao.
Nhiều chuyên gia công nghệ thì nhận định rằng đây chính là khởi thủy cho cú trượt dài của Flash bởi ngay khi đó, HTML5 cũng đang nổi lên với tiềm năng quá lớn.
Xuất hiện vào kỷ nguyên bùng nổ smartphone với thiên hướng mobile rõ ràng, HTML5 đã nhanh chóng nhận được sự ưu ái của nhiều nhà phát triển trên khắp thế giới. Họ đã đồng loạt chuyển từ Flash sang HTML5. Cho dù vẫn còn những "hậu phương" lớn như các nền tảng chia sẻ video và thế giới game Flash của Facebook thì Flash cũng không thể "lòe" giới phát triển web về độ phủ đang ngày một thu hẹp của mình.
Khi xu hướng sử dụng HTML5 đã tràn rộng đến mức không thể không thừa nhận, cùng với thông báo khai tử hỗ trợ cho trình duyệt mobile, Adobe đã không quên nhắn gửi đầy đau đớn: "HTML5 hiện nay đã được hầu hết các loại điện thoại trên thế giới hỗ trợ. Điều này đã khiến HTML5 trở thành giải pháp tốt nhất để tạo lập và triển khai nội dung cho trình duyệt trên khắp các nền tảng mobile".
Vài năm sau, HTML5 và các công nghệ liên quan tiếp tục thống trị thế giới web. Đầu năm 2015, mạng video số 1 thế giới Youtube buộc phải thông báo chọn trình video player của HTML5 làm mặc định cho site. Chỉ vài tháng sau đó, vụ việc hacker lợi dụng lỗ hổng trên plugin Flash Player để cài phần mềm gián điệp lên máy tính người dùng bị rò rỉ. Giám đốc an ninh của Facebook thậm chí còn muốn dừng sử dụng plugin này vĩnh viễn. Hàng loạt lỗ hổng bảo mật của Flash bị tiết lộ sau đó cũng dấy lên lo ngại cho những người dùng trung thành còn lại.
Những tưởng game (trên trình duyệt) của Facebook đã là thành trì cuối cùng nhưng hóa ra mạng xã hội này không phải gã khổng lồ duy nhất đóng vai trò quyết định trong tương lai của Flash. Đầu tháng qua, Google cũng vừa thông báo một thay đổi mới trên trình duyệt Chrome là mặc định chặn Flash. Người dùng vẫn sẽ truy cập được nội dung Flash bằng cách click vào nút cài sẵn, nhưng điều này vẫn cho thấy Chrome – trình duyệt lớn nhất thế giới – cũng đã cài sẵn bom hẹn giờ phá bỏ hỗ trợ Flash. Và cho đến ngày đó, chơi game hay xem hoạt hình Flash trên Chrome sẽ chẳng khác gì cố chạy băng cát sét khi không có đài.
Câu hỏi đặt ra giờ đây là: Làm thế nào để bảo tồn nội dung Flash nếu người dùng sau này không thể load được chúng nữa?
Các nhà phát triển nội dung Flash có thể update thành phẩm của mình lên những format hiện đại hơn – chẳng hạn như chuyển hoạt hình và animation thành video và đưa phần đồ họa vector của chúng lên các chương trình như Adobe Illustrator. Video game thì phức tạp hơn nhưng cũng hoàn toàn có thể được lưu thành các chương trình chạy được trên Windows và OSX.
Tuy nhiên, bảo tồn các website được xây dựng hoàn toàn dựa trên Flash với những nút bấm, đoạn text hay animation kỳ công thì lại là một việc khó khăn hơn. Không giống như hoạt hình và game, website thường không được coi là những sản phẩm riêng biệt – có nghĩa là một khi đã được update thì các phiên bản cũ của chúng sẽ bị viết đè lên trên. Tương lai của những website như vậy có lẽ chỉ có thể phụ thuộc vào các nhà bảo tồn Internet.
Nỗ lực này đã và đang được nhiều người thực hiện. Nhóm bảo tồn đứng sau trang oldweb.today đã nỗ lực giúp người dùng truy cập các website từ thời "cổ lỗ sỹ" trên một giao diện mô phỏng IE cho phép xem được nội dung Flash trên cả các trình duyệt đã ngừng hỗ trợ nó. Oldweb.today cho biết ngay cả việc chạy Flash trên một trình duyệt mô phỏng thôi cũng đã vấp phải hàng loạt khó khăn về kỹ thuật rồi. Nỗ lực thu thập, bảo tồn nội dung Flash là một chặng đường không hề bằng phẳng nhưng cũng cần thiết ngang như công tác khảo cổ lưu giữ những nền văn minh đã lùi vào dĩ vãng.
Flash có thể chưa hoàn toàn là một công nghệ chết; plugin Flash Player cũng vẫn đang được gắn với các máy tính Mac và PC. Thế nhưng từ những gì chúng ta được chứng kiến, hỗ trợ video và audio của HTML5 đã mở ra những chuẩn mực mới, đã cho phép các nhà phát triển web tránh xa khỏi những hạn chế cố hữu của Flash. Với hỗ trợ rộng khắp trên hầu hết các dòng smartphone và PC, rõ ràng HTML có nhiều khả năng trở thành kẻ kế vị hoàn hảo của Flash trong tương lai.