2016 là một năm vui-buồn lẫn lộn của Samsung. Vui là vì dòng điện thoại Galaxy tiếp tục trên đà thành công, được sự quan tâm lớn của người dùng và đem lại nguồn lợi nhuận khủng cho hãng. Buồn là vì hình ảnh của Samsung đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự cố Galaxy Note7 cháy nổ, khiến ông lớn Hàn Quốc buộc phải thu hồi toàn bộ máy đã bán ra và công khai xin lỗi trước đại chúng.
Nhưng Samsung biết rằng: Xin lỗi bằng lời không thôi là chưa đủ. Cách duy nhất để lấy lại lòng tin của người dùng là bằng hành động, bằng cách tạo ra những sản phẩm không chỉ chất lượng, mà còn vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ để người dùng sẵn sàng quên đi những bê bối trước đây của Samsung và lựa chọn sản phẩm mới.
Và thời điểm đó đã đến. Đây là Galaxy S8. Nó là lời khẳng định của Samsung về chất lượng, và nó cũng là sự cam kết của Samsung về an toàn cho người dùng. Nhưng quan trọng hơn, Galaxy S8 còn mang một sứ mệnh cao cả của Samsung trong việc tái định hình thiết kế của chiếc smartphone tương lai, ngoài ra còn là những công nghệ bảo mật và trí tuệ nhân tạo mới để đem lại một trải nghiệm tốt hơn.
Galaxy S7 được đánh giá là một trong những chiếc smartphone đẹp nhất năm ngoái, và với Galaxy S8 năm nay, Samsung đã kế thừa những ưu điểm từ thiết kế của Galaxy S7 và đưa nó lên một tầm cao mới. Galaxy S8 tiếp tục được chế tác bằng kính và kim loại, trong đó cả hai mặt kính sử dụng công nghệ Gorilla Glass 5 ở mặt trước và sau đều được uốn cong cân xứng một cách hoàn hảo, tạo nên một cảm giác cầm nắm hết sức thoải mái.
Điểm khác biệt trong thiết kế của Galaxy S8 năm nay nằm ở mặt trước, khi đây là chiếc máy đầu tiên của Samsung được trang bị màn hình vô cực (Infinity Display). Samsung đã loại bỏ những chi tiết thừa ở cạnh trên và dưới của màn hình Galaxy S8, kết hợp với màn hình cong ở hai bên để đem đến cho máy một vẻ ngoài gần như là không viền. Sử dụng Galaxy S8 ngoài đời thực, người dùng có cảm giác hình ảnh trên màn hình như đang lơ lửng giữa không trung, và thứ mà họ đang cầm trên tay không phải là một chiếc điện thoại nữa, mà là thứ gì đó thật sự rất high-tech, thật sự rất tương lai.
Màn hình Infinity Display không chỉ đẹp mắt, mà còn đi đôi với những lợi ích rõ ràng cho người dùng. Galaxy S8 và S8 lần lượt sở hữu màn hình 5.8 và 6.2 inch, lớn hơn đáng kể so với mức 5.1 và 5.5 inch của Galaxy S7 và S7 edge. Tuy nhiên nhờ viền màn hình mỏng, Galaxy S8 và S8 không to hơn về bề ngang so với hai người tiền nhiệm mà chỉ dài hơn một chút. Màn hình lớn trong một thân hình nhỏ bé rõ ràng là một ưu điểm của Galaxy S8 nhằm đánh mạnh vào đối thủ chính là iPhone - những chiếc máy luôn nổi tiếng bởi viền màn hình dày dẫn kích thước lớn, gây khó chịu trong khi nằm trong túi quần.
Kích thước chiều ngang giữ nguyên trong khi chiều dài lại được mở rộng rõ ràng sẽ mang đến một hệ quả là màn hình của Galaxy S8 cũng sẽ dài hơn. Cụ thể, màn hình của Galaxy S8 đạt độ phân giải 1440x2960 pixels và tỷ lệ 18.5:9, so với mức 1440x2560 pixels và tỷ lệ 16:9 của đa số smartphone cao cấp hiện nay. Chính điều này đã giúp cho Galaxy S8 có thể hiển thị nhiều nội dung hơn trên màn hình, giảm thiểu việc người dùng phải thực hiện thao tác cuộn. Ngoài ra, nó cũng trở nên hết sức có ích trong các tác vụ đa nhiệm chia đôi màn hình được tích hợp sẵn trong hệ điều hành Android 7.0 Nougat.
Màn hình dài hơn khiến cho trải nghiệm đa nhiệm chia đôi màn hình tốt hơn rất nhiều, ví dụ như người dùng có thể vừa xem video, vừa lướt web để tiết kiệm thời gian
Đương nhiên, sở hữu tỷ lệ màn hình "lạ" cũng khiến cho Galaxy S8 không thể tránh khỏi một số vấn đề về tương thích. Đa số ứng dụng hiện nay đều chưa được thiết kế cho màn hình dài, để lại hai dải đen ở trên và dưới. Tuy nhiên, người dùng có thể "ép" chúng chạy ở tỷ lệ 18.5:9 mà đa số không gặp vấn đề gì, do các ứng dụng Android đều được thiết kế để có thể thích ứng trên nhiều loại màn hình khác nhau. Còn với video, người dùng cũng có thể sử dụng tùy chọn "Crop to fit" để nó tràn đầy màn hình của Galaxy S8, mặc dù khi làm vậy, hình ảnh sẽ bị cắt đi một phần.
Trong trường hợp ứng dụng chưa hỗ trợ tỷ lệ 18.5:9 của Galaxy S8, người dùng có thể ép ứng dụng đó chạy ở tỷ lệ này chỉ bằng một nút bấm
Không chỉ ấn tượng bởi viền siêu mỏng và được uốn cong, mà khi xét về chất lượng hiển thị đơn thuần, màn hình của Galaxy S8 cũng dễ dàng đạt được danh hiệu số 1 hiện nay và bỏ xa các đối thủ còn lại. DisplayMate - đơn vị đánh giá màn hình hàng đầu hiện nay mới đây đã khẳng định điều này thông qua một bản báo cáo chi tiết. Tuy nhiên không cần đến những con số khô khan kia, chỉ cần nhìn vào màn hình của Galaxy S8 là bạn đã cảm thấy mê hoặc bởi chất lượng mà nó đem lại. Đặc biệt, điều này càng trở nên rõ ràng khi bạn so sánh với những đối thủ khác.
Màn hình AMOLED của Galaxy S8 không chỉ vượt trội so với IPS LCD của LG G6 ở khả năng uốn cong, mà nó còn có màu sắc rực rỡ hơn, góc nhìn rộng hơn, độ tương phản tuyệt đối và độ sáng cao hơn rất nhiều
Bên cạnh những đặc điểm vốn có của công nghệ Super AMOLED như màu sắc rực rỡ, góc nhìn rộng, độ tương phản tuyệt đối, màn hình của Galaxy S8 còn sáng hơn rất nhiều so với các đối thủ và là chiếc smartphone duy nhất có thể đạt mức trên 1000 nits. Con số này của Galaxy S8 là gần gấp đôi so với chiếc LG G6 vốn chỉ đạt 600 nits, hay Apple iPhone 7 là 700 nits. Màn hình vẫn luôn là điểm mạnh của những chiếc flagship Samsung, và với Galaxy S8, ưu thế này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Điều duy nhất mà tôi có thể phàn nàn ở màn hình Galaxy S8, bất ngờ thay, lại chính là một thứ mà nhiều người lại coi là ưu điểm của máy - và đó là màn hình cong. Qua nhiều thế hệ flagship Galaxy S gần đây mà tôi đã có dịp trải nghiệm, màn hình cong là một thứ tuy đẹp mắt nhưng không có nhiều giá trị sử dụng thực tế, do tính năng Edge Screen còn hạn chế.
Cần phải nhấn mạnh rằng khả năng nhận diện và từ chối cảm ứng từ lòng bàn tay (palm-rejection) đã được cải thiện đáng kể trên Galaxy S8. Tình trạng cảm ứng không theo ý muốn đã gần như được loại bỏ hoàn toàn, vậy nên người dùng có thể cầm máy một cách thoải mái mà không lo chạm phải màn hình.
Tuy nhiên, màn hình cong của Galaxy S8 vẫn chỉ nhằm mục đích tôn vinh cho vẻ đẹp của công nghệ Infinity Display là chủ yếu, và vẫn không đem lại lợi ích đáng kể cho người dùng. Họ sẽ vẫn phải chịu cảnh khốn khổ khi đi tìm một miếng dán bảo vệ màn hình ưng ý. Họ sẽ vẫn phải chứng kiến chuyện hình ảnh bị chia cắt bởi hai gợn sáng ở hai cạnh màn hình được uốn cong. Mặc dù vậy, để đánh đổi hai nhược điểm này lấy một thiết kế tuyệt đẹp, cân xứng và cảm giác trên tay thoải mái, tôi tin rằng đó là điều hoàn toàn xứng đáng.
Có thể khẳng định rằng với Galaxy S8, Samsung đã không chỉ nắm chắc vị thế dẫn đầu về thiết kế, mà hãng còn đặt ra một thử thách mới dành cho toàn bộ các nhà sản xuất khác. Trong khi "đẹp" là yếu tố duy nhất mà các nhà sản xuất quan tâm khi thiết kế một chiếc điện thoại, thì với Samsung, đó còn là cảm giác cầm nắm trong tay người dùng, đó còn là giúp cho họ có được một giá trị xứng đáng nhờ vào việc tích hợp một màn hình lớn trong một thân hình nhỏ. Galaxy S8 và màn hình Infinity Display chắc chắn sẽ mở ra một tương lai mới cho thiết kế smartphone, và cũng là hình mẫu lý tưởng để các nhà sản xuất khác học tập.
Sau 7 thế hệ Galaxy S sử dụng ba phím điều hướng vật lý, thì cuối cùng Galaxy S8 đã chuyển sang phím điều hướng ảo trong màn hình. Bạn có thể thích hoặc không thích phím điều hướng ảo, tuy nhiên đây là mẫu hình, là tương lai mà Google đặt ra cho Android. Với việc tuân theo quy chuẩn này, chắc chắn người dùng Galaxy S8 sẽ có thể tận dụng tốt hơn các tính năng như Google Now on Tap hay Google Assistant. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tùy biến vị trí nút Back và Đa nhiệm – một điều chưa bao giờ có thể làm được trên các dòng máy Samsung trước đây.
Tuy nhiên không chỉ đơn giản là hiển thị ba phím điều hướng trong màn hình, Samsung còn mang đến một số thay đổi để ngay trong lần đầu tiên chuyển đổi này, hãng đã tỏ ra vượt trội so với các nhà sản xuất Android khác (vốn đã sử dụng phím điều hướng ảo trong nhiều năm qua).
Đầu tiên, mặc dù sử dụng phím điều hướng ảo, tuy nhiên nó không gây thu hẹp diện tích hiển thị còn lại. Với màn hình độ phân giải 1440x2960, cụm phím điều hướng ảo sẽ có chiều cao 192 pixels và để lại diện tích còn lại là 1440x2768 cho ứng dụng, vẫn dài hơn mức 1440x2560 của các máy flagship sử dụng phím vật lý (như Galaxy S7).
Thứ hai và cũng là quan trọng nhất, đó là Samsung đã tích hợp cho nút Home của Galaxy S8 công nghệ cảm ứng lực. Người dùng sẽ có thể chạm vào nút Home này như các máy Android khác, nhưng họ còn thể ấn mạnh vào nó để về màn hình chính. Lúc này, bộ rung của Galaxy S8 sẽ tạo ra phản hồi để người dùng có cảm giác như đang bấm một phím Home thật. Mặc dù cảm giác bấm phím Home của Galaxy S8 vẫn chưa thật bằng iPhone 7 (chủ yếu do bộ rung vẫn chưa thể tốt bằng Taptic Engine của Apple), tuy nhiên nó vẫn vượt trội hơn bất kỳ giải pháp nào khác của thế giới Android.
Một ưu điểm khác của nút Home Galaxy S8 mà không một máy Android nào có được, đó là việc nút Home này hoàn toàn có thể trở nên "vô hình" (không hiển thị trên màn hình), nhưng người dùng vẫn có thể ấn mạnh vào phần màn hình này để quay về Home. Hay khi máy đang ở trạng thái nghỉ, nút Home của Galaxy S8 vẫn được kích hoạt và người dùng cũng có thể bấm vào nó để đánh thức máy dậy. Nút Home vô hình của Galaxy S8 hoạt động ngay cả khi tính năng Always-on Display bật hay tắt.
Galaxy S8 là chiếc smartphone an toàn nhất của Samsung từ trước đến nay, không chỉ bởi máy được kiểm tra nghiêm ngặt về pin, mà còn vì nó được trang bị rất nhiều công nghệ bảo mật khác nhau. Bên cạnh hai phương thức truyền thống là mã PIN và hình vẽ (Pattern), người dùng còn có thể mở khóa Galaxy S8 bằng dấu vân tay, mống mắt và khuôn mặt, biến đây trở thành chiếc smartphone với nhiều phương thức bảo mật nhất từ trước đến nay. Người dùng sẽ có thể kết hợp các phương thức này lại và lựa chọn nhận dạng mống mắt hoặc khuôn mặt để kết hợp với vân tay và PIN/hình vẽ.
Nhiều sự lựa chọn vẫn luôn là một điều tốt dành cho người tiêu dùng, tuy nhiên trong trường hợp của Galaxy S8, việc có quá nhiều phương pháp bảo mật thiết bị đã vô tình tạo nên sự lúng túng, thậm chí là kém thuận tiện và rườm rà hơn. Mỗi khi cầm trên tay Galaxy S8, tôi thường cảm thấy… bối rối khi phải đối mặt với hàng loạt lựa chọn mở khóa khác nhau, nhưng không một cái nào là hoàn hảo.
Khả năng nhận dạng mống mắt và khuôn mặt của Galaxy S8 rất nhanh, tuy nhiên chỉ trong điều kiện lý tưởng. Đối với nhận dạng khuôn mặt, nó sẽ không hoạt động khi điều kiện ánh sáng xung quanh không tốt, đặc biệt là vào buổi tối. Còn với cảm biến mống mắt, mặc dù nó có thể hoạt động tốt khi trời tối, tuy nhiên khoảng cách, góc cầm máy, các loại kính và một số điều kiện ánh sáng phức tạp có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ mở khóa, hoặc thậm chí khiến cảm biến này hoàn toàn không có tác dụng.
Trong điều kiện ánh sáng không tốt, tính năng nhận diện khuôn mặt của Galaxy S8 sẽ không thể hoạt động được
Tính năng quét mống mắt của Galaxy S8 cho tốc độ nhanh và có thể hoạt động ngay cả trong bóng tối, tuy nhiên không hoàn toàn ổn định
Xét về mức độ hoàn thiện, tôi tin rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và mống mắt vẫn chưa thể bằng cảm biến vân tay. Nhận dạng khuôn mặt tuy có tốc độ nhanh, tuy nhiên kém bảo mật và không thể hoạt động mọi lúc, mọi nơi như cảm biến vân tay. Trong khi đó, công nghệ cảm biến mống mắt lại hạn chế đối tượng người sử dụng (ví dụ những người mắc chứng cận/viễn thị sẽ không thể sử dụng) và tính ổn định của nó cũng chưa thật sự đảm bảo. Ngoài ra, sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt và mống mắt ở chốn đông người cũng khiến bạn trông khá hài hước và không khỏi khiến người khác phải nhìn bạn với một ánh mắt kỳ cục.
Đến màn hình Infinity Display cũng không đủ dài để hiển thị tất cả những khuyến cáo khi sử dụng cảm biến mống mắt
Cảm biến vân tay là phương thức dung hòa nhất giữa tính bảo mật, tiện dụng và tốc độ. Sẽ không có gì đáng nói nếu như Samsung không đặt nó ở vị trí không-thể-tệ-hơn, đó là ở bên cạnh phải camera. Vị trí này không chỉ khiến ống kính camera dễ bị bám bẩn, mà quan trọng hơn, nó rất khó để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận.
Trên phiên bản Galaxy S8 cỡ nhỏ với màn hình 5.8 inch, ngón tay của tôi có thể với đến cảm biến vân tay khi rướn lên một chút. Còn khi ở tư thế cầm nắm thoải mái, ngón tay của tôi chỉ có thể chạm đến một nửa của cảm biến vân tay. Điều này khiến cho máy không thể nhận dạng được dấu vân tay của tôi và từ chối mở khóa. Nếu như phiên bản S8 5.8 inch đã gặp nhiều khó khăn như thế này, tôi tin rằng mọi thứ sẽ chỉ có thể tệ hơn ở phiên bản S8 lớn hơn.
Chính vì vị trí không thích hợp, người dùng sẽ cảm thấy không thật sự thoải mái khi sử dụng cảm biến vân tay của Galaxy S8, và thay vào đó, họ sẽ cố gắng sử dụng những công nghệ được cho là "mới" và "ưu việt" hơn như cảm biến mống mắt và nhận diện khuôn mặt. Nhưng thực chất, chính những công nghệ này lại đang khiến cho họ trở nên tốn thời gian hơn.
Bixby là trợ lý ảo được Samsung tích hợp vào bộ phần mềm của Galaxy S8, và là kết quả sau thương vụ mua lại Viv Labs hồi năm ngoái. Nói thêm về Viv Labs, đây là startup được gây dựng bởi những con người từng tạo ra trợ lý ảo Siri của Apple. Tuy nhiên khác với Siri, Bixby không chỉ bao gồm khả năng nhận dạng và thực hiện mệnh lệnh qua giọng nói, mà còn có thể nhắc việc, gợi ý thông tin và nhận dạng hình ảnh.
Rất tiếc, vào thời điểm hiện tại, tính năng quan trọng nhất của Bixby là nhận dạng giọng nói vẫn chưa hoạt động, ngay cả với tiếng Anh. Thứ mà Bixby có thể làm được ở thời điểm hiện tại là hiển thị một vài thông tin dạng thẻ trên một trang riêng ở màn hình chính, và nhận dạng hình ảnh để giúp người dùng trích xuất văn bản, tìm ảnh liên quan hay tìm sản phẩm tại các website mua bán trực tuyến.
Qua thử nghiệm, Bixby không cho thấy sự nổi trội của mình so với Google Now. Những thẻ thông tin được Bixby đưa ra bao gồm từ những thông tin hữu ích như công việc cần làm, báo thức, thời tiết, tin tức cho đến vô dụng như ứng dụng được gợi ý, trình điều chỉnh chơi nhạc và thậm chí là cả… chủ đề trong kho Samsung Themes.
Một tính năng khác được Samsung nhấn mạnh ở Bixby là khả năng nhận diện hình ảnh, bao gồm việc người dùng có thể biết được sản phẩm mình đang cầm trên tay là thứ gì, giá bao nhiêu thông qua việc liên kết với các trang thương mại điện tử. Đương nhiên, do Bixby chưa hỗ trợ Việt Nam và nên chuyện máy không tìm được thông tin về các sản phẩm bán tại Việt Nam cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên ngay cả khi tìm kiếm các sản phẩm công nghệ phổ biến như điện thoại iPhone hay thậm chí là cả Galaxy S7 edge, Bixby cũng thất bại và thường hiện ra những thứ chẳng liên quan như ốp lưng, hay thậm chí là cả… sữa rửa mặt.
Tính năng nhận diện sản phẩm của Bixby gần như không bao giờ hoạt động chính xác, ngoại trừ trường hợp duy nhất với một chiếc đồng hồ Timex
Tính năng duy nhất mà người dùng có thể tận dụng được từ Bixby ở thời điểm hiện tại là nhận dạng văn bản để trích xuất hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Hiện nó vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt, nhưng một số ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có trong danh sách. Thế nhưng, tại sao chúng ta lại phải dùng Bixby khi Google Translate cũng đã hỗ trợ dịch từ camera với đầy đủ ngôn ngữ và khả năng nhận diện thậm chí còn tốt hơn?
Điểm tôi không hài lòng nhất ở Bixby thực chất lại nằm ở một chi tiết phần cứng: nút bấm thứ ba nằm ở dưới hai nút điều chỉnh âm lượng, được Samsung dành riêng để kích hoạt trợ lý ảo này. Bạn có thể bỏ qua hoặc tắt các tính năng phần mềm của Bixby nếu không muốn sử dụng, nhưng với nút bấm này, bạn sẽ buộc phải sống chung với nó mà không thể thay đổi được tính năng hay vô hiệu hoàn toàn.
Yếu tố gây nhiều phiền toái nhất của Bixby thực chất lại nằm ở phần cứng - nút bấm phụ dưới hai nút điều chỉnh âm lượng
Đã có không biết bao nhiêu lần tôi cảm thấy bực bội vì nó – không chỉ vì những thông tin vô dụng mà Bixby mang lại, mà nó còn rất dễ gây nhầm lẫn với nút giảm âm lượng và gây ra một vài hệ quả không mong muốn như bị văng ra khỏi ứng dụng đang dùng (đặc biệt khi đó là game) hay màn hình bật sáng giữa màn đêm, gây khó chịu cho đôi mắt khi tôi nghe nhạc trước khi ngủ.
Sau thất bại của S-Voice, Samsung vẫn không chịu dừng bước và hãng vẫn ấp ủ ước mơ tạo ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo nhằm cạnh tranh với các đối thủ, vào thời điểm AI đang trở thành một lĩnh vực công nghệ mới với đầy tiềm năng. Việc Samsung không chịu dừng bước và tiếp tục theo đuổi bằng mọi giá là điều rất đáng để trân trọng, tuy nhiên xét một cách thực tế, sẽ chẳng ai dám sử dụng một trợ lý ảo chưa hoàn thiện, không có đặc điểm nào vượt trội so với các giải pháp hiện nay và tương lai còn chưa thật sự tươi sáng.
Điều này đặc biệt đúng khi ngay từ lúc này, "ông trùm" lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhận dạng giọng nói và tìm kiếm – Google đã có các dịch vụ như Google Now, Assistant và Now on Tap được tích hợp sẵn vào hệ điều hành Android mà người dùng Galaxy S8 không cần phải cài đặt thêm, ngoài ra còn có thể hoạt động trên mọi thiết bị mà không nhất thiết phải do Samsung sản xuất. Vậy liệu người dùng có bất kỳ một lý do nào để gắn chặt với Bixby hay không? Ở thời điểm hiện tại, câu trả lời chắc chắn là không.
Google Assistant, Now on Tap và Now được tích hợp sẵn, vậy tại sao người dùng lại phải lựa chọn Bixby?
Với Bixby, Samsung không những tự làm khó cho mình (khi phải tốn công phát triển một thứ mà không ai sẽ sử dụng), mà hãng còn đang làm phân mảnh hệ điều hành Android (do Samsung là nhà sản xuất có thị phần cao nhất hiện nay) và phủ nhận công lao của Google, cũng là đối tác lớn nhất của hãng. Trừ khi Samsung đang có một ý tưởng lớn lao dành cho Bixby mà hãng vẫn còn chưa công bố, thì với khả năng hiện tại của nó, có lẽ Samsung nên nói lời từ biệt với Bixby trên những thế hệ smartphone tương lai để chuyển sang sử dụng các giải pháp của Google.
Sau sự ra đi của chiếc Galaxy Note7, bộ đôi Galaxy S7 và S7 edge phải mang một trọng trách nặng nề với vai trò của chiếc flagship duy nhất của Samsung trong năm 2016, đối chọi trước hàng loạt siêu phẩm được ra mắt. Nhưng rồi trước sức ép từ đối thủ, Galaxy S7 và S7 edge vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và giúp cho Samsung gỡ gạc phần nào trong mùa mua sắm cuối năm.
Lý do mà Galaxy S7 thành công hết sức đơn giản: mặc dù ra mắt từ đầu năm, nhưng chiếc máy này vẫn sở hữu đầy đủ những ưu điểm ở mọi khía cạnh mà nhiều sản phẩm sinh sau đẻ muộn vẫn không thể có được. Đó là sự kết hợp giữa thiết kế cao cấp, màn hình đẹp, cấu hình mạnh, camera đầu bảng và những tính năng bổ sung như chống nước hay sạc không dây.
Chính vì ưu thế vượt trội, nhiệm vụ mà Samsung đặt ra cho Galaxy S8 thực chất là hết sức dễ hiểu: Mang đến cho Galaxy S8 tất cả những gì mà người dùng yêu thích ở Galaxy S7, và cải thiện nó để biến Galaxy S8 trở thành một chiếc Galaxy S7 tốt hơn.
Galaxy S8 vẫn được trang bị những công nghệ đỉnh cao nhất hiện nay của thế giới di động: con chip Exynos 8895 hoặc Snapdragon 835 đều được sản xuất trên tiến trình 10nm tiết kiệm năng lượng, RAM LPDDR4 và bộ nhớ trong chuẩn UFS 2.1, chuẩn Bluetooth 5.0 mới nhất, LTE Cat.16 cho tốc độ lên đến 1Gbps và cổng USB-C 3.1. Công nghệ sạc không dây cũng sẽ có mặt trên mọi chiếc Galaxy S8 mà không phân biệt từng khu vực như LG G6. Và đương nhiên, không thể bỏ qua khả năng kháng nước chuẩn IP68 mà mọi smartphone cao cấp 2017 đều phải có.
Một điều mà Galaxy S8 (có vẻ) như không được nâng cấp nhiều so với người tiền nhiệm là camera. Cảm biến của Galaxy S8 vẫn có độ phân giải 12MP, kết hợp với ống kính khẩu độ f/1.7 và công nghệ chống rung quang học (OIS). Thực chất, cảm biến mà Galaxy S8 sử dụng là Sony IMX333/Samsung S5K2L2 đã được nâng cấp từ Sony IMX260/Samsung S5K2L1 của Galaxy S7, tuy nhiên Samsung cho biết những thay đổi sẽ chủ yếu đến từ thuật toán xử lý ảnh mới.
Trong điều kiện đủ sáng, sự khác biệt giữa hình ảnh của Galaxy S8 và Galaxy S7 là có, nhưng không thật sự lớn trừ khi người dùng săm soi thật kỹ. Do sự thay đổi về cách thức xử lý, ảnh của Galaxy S8 có vẻ như được Samsung tăng độ nét và độ bão hòa màu sắc (saturation) nhiều hơn. Trong đa phần trường hợp, điều này khiến cho ảnh của Galaxy S8 sắc nét và rực rỡ hơn, tuy nhiên ở một số chi tiết phức tạp như lùm cây hay lông của động vật, người dùng sẽ cảm thấy rối mắt vì những điều chỉnh này.
Tình huống ngược lại lại xảy ra với ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của Galaxy S8, khi hiệu ứng khử noise (denoise) được Samsung lạm dụng hơn đáng kể so với Galaxy S7. Ảnh trông có vẻ "mượt" hơn và không gặp tình trạng nhiễu hạt, tuy nhiên mất đi rất nhiều chi tiết.
Nhìn chung camera của Galaxy S8 được thay đổi để phù hợp với tâm lý người dùng hiện nay: màu sắc rực rỡ, chi tiết sắc nét ở điều kiện đủ sáng, và hình ảnh sáng rõ, ít nhiễu hột ở điều kiện thiếu sáng. Nếu bạn là một người am hiểu về nhiếp ảnh và không thật sự hài lòng với thuật toán xử lý ảnh mới, thì may thay, phần mềm camera của Galaxy S8 vẫn có chế độ chỉnh tay, đi kèm với khả năng chụp ảnh RAW để làm hài lòng giới chuyên nghiệp.
Bên cạnh camera chính, camera selfie của Galaxy S8 cũng được cải thiện. Từ cảm biến 5MP, ống kính f/1.7 và không thể lấy nét tự động của Galaxy S7, nay camera selfie của Galaxy S8 có độ phân giải 8MP lớn hơn, ống kính vẫn có khẩu độ f/1.7 nhưng đã có thể lấy nét tự động. Phần mềm camera của Galaxy S8 cũng được bổ sung một số hiệu ứng động, tương tự một số ứng dụng phổ biến hiện nay như Snapchat hay SNOW để người dùng có được những bức ảnh selfie ngộ nghĩnh hơn.
Một điểm dễ nhận ra đầu tiên khi sử dụng camera selfie của Galaxy S8 là góc của nó hẹp hơn khá nhiều so với Galaxy S7. Đây tưởng chừng như một điểm trừ, nhưng theo cá nhân tôi lại là một điểm cộng do camera selfie của Galaxy S7 thường bị chê là có góc quá rộng khiến cho khuôn mặt trở nên bị méo và dài ra. Đương nhiên, nhược điểm không thể bàn cãi là việc chụp những bức ảnh selfie góc rộng cùng bạn bè sẽ trở nên khó khăn hơn, và bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của một chiếc gậy tự sướng.
Với lợi thế của lấy nét tự động, khuôn mặt chủ thể của bức ảnh selfie từ Galaxy S8 có độ sắc nét vượt trội so với Galaxy S7. Công nghệ nhận dạng của phần mềm camera Galaxy S8 cũng đủ nhanh để tình trạng lấy nét sai gần như không bao giờ xảy ra.
Bộ phần mềm đi kèm các máy Samsung thường được chúng ta biết đến với cái tên TouchWiz nay đã có một tên gọi khác mĩ miều hơn là Samsung Experience, và trên Galaxy S8 là phiên bản 8.1, dựa trên nền Android 7.0 Nougat.
Mặc dù đổi tên, nhưng Samsung Experience vẫn được thiết kế theo phong cách mà người dùng đã quen thuộc ở TouchWiz với những icon đầy màu sắc và các ứng dụng được phủ một tông màu trắng. Để phù hợp hơn với màn hình Infinity Display, một số thành phần như thanh tìm kiếm Google ở màn hình chính hay thông báo tin nhắn cũng được thay đổi. Nút để hiện thị App Drawer (bảng ứng dụng) mặc định được gỡ bỏ, và người dùng có thể kích hoạt danh sách này bằng cách hất ngón tay lên trên/xuống dưới, hoặc họ cũng có thể lựa chọn hiển thị tất cả biểu tượng ứng dụng ở màn hình chính, tương tự như iOS.
Bộ phần mềm của Samsung khá "sạch" và không có quá nhiều ứng dụng thừa thãi (ngoại trừ các ứng dụng của nhà mạng, nhưng đây không hoàn toàn là lỗi của Samsung). Một số tính năng bổ sung như Always-on Display (Màn hình luôn bật), Secure Folder (Thư mục bảo mật), Game Launcher (Trình khởi động game với khả năng tự động tắt thông báo để tránh xao nhãng), Smart Switch (Chuyển dữ liệu từ smartphone cũ), Smart Manager (Bảo trì và dọn dẹp thiết bị) hay One-handed mode (Chế độ một tay) đều là những bổ sung rất hữu ích mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở Android gốc.
Một số tính năng hữu ích: One-handed mode, Secure Folder, Game Launcher, Smart Manager, Smart Switch, Blue-light filter
Vấn đề mà người dùng lo lắng suốt nhiều năm qua ở phần mềm Samsung vẫn luôn là hiệu năng, khi máy bị giật, lag trong quá trình sử dụng mặc cho việc có cấu hình rất mạnh. Và có vẻ như trên Galaxy S8, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Cần phải khẳng định rằng, trong suốt 95% thời gian trải nghiệm thì máy cho hiệu năng rất tốt. Tuy nhiên trong số ít thời gian còn lại, hiệu ứng hoạt cảnh được hiển thị trên màn hình một cách không thật sự mượt mà. Các tác vụ như kéo sang trang Hello Bixby ở màn hình chính cũng có độ trễ nhất định.
Xét một cách tổng thể, độ mượt của Galaxy S8 vẫn chưa thể sánh bằng một số mẫu máy sử dụng Android gốc như Google Pixel hay OnePlus 3T, mặc cho việc có cấu hình mạnh hơn. Nhưng theo tôi, cái giá này là hoàn toàn có thể chấp nhận được khi bộ phần mềm của Galaxy S8 sở hữu nhiều tính năng hữu ích hơn hẳn so với Android gốc.
Yếu tố duy nhất mà Galaxy S8 không nhận được bất kỳ nâng cấp nào so với người tiền nhiệm là dung lượng pin. Galaxy S8 vẫn giữ nguyên mức 3000mAh của Galaxy S7, trong khi đó Galaxy S8 (3500mAh) sụt giảm 100mAh so với Galaxy S7 edge (3600mAh). Đi kèm với màn hình lớn hơn, thử thách dành cho thời lượng pin của Galaxy S8 sẽ bị đè nặng ở hai nhân tố chính là mức độ tiêu tốn năng lượng của SoC và tối ưu hóa phần mềm.
Với chiếc Galaxy S8 mà tôi thử nghiệm, thời lượng pin 3000mAh có thể giúp máy trải qua một ngày làm việc với cường độ sử dụng trung bình. Thời gian pin tối đa mà tôi đạt được tính đến thời điểm này là 14 tiếng, trong đó bao gồm 4.5 tiếng on-screen.
Trong quá trình thử nghiệm, tất cả các tính năng của máy đều được bật (Always-on Display, Vị trí, Dữ liệu di dộng, Wi-Fi…) và màn hình được lựa chọn để chạy độ phân giải tối đa (2960x1440) với độ sáng tự động. Trong quá trình sử dụng thông thường, khi mà độ phân giải mặc định mà Samsung lựa chọn là Full HD, kết hợp với việc người dùng không phải lúc nào cũng bật tất cả tính năng, thời gian on-screen của Galaxy S8 có thể kéo dài từ 5-5.5 tiếng. Còn khi người dùng sử dụng các tác vụ tiêu tốn pin hơn như chơi game, truy cập Internet bằng mạng di động, hoặc sử dụng máy dưới trời nắng khiến màn hình đẩy độ sáng lên mức tối đa, con số này cũng có thể sụt giảm chỉ còn mức 3-3.5 tiếng.
Galaxy S8 được trang bị công nghệ sạc nhanh, tuy nhiên theo thử nghiệm thì thời gian sạc của máy vẫn không có sự cải thiện so với Galaxy S7 trước đó. Mặc dù không công bố chính thức, nhưng rất có thể, Samsung vẫn sử dụng công nghệ Quick Charge 2.0 khá cũ cho Galaxy S8. Với việc một số chiếc máy khác cũng với dung lượng pin 3000mAh như OnePlus 3 có thể sạc đầy pin của mình chỉ trong vòng hơn 1 tiếng, đã đến lúc Samsung cần nâng cấp công nghệ của mình để bắt kịp đối thủ.
Không chiếc smartphone nào là hoàn hảo, và Galaxy S8 cũng vậy. Khi chúng ta xét trên từng khía cạnh cụ thể, sẽ vẫn có những đối thủ có thể vượt mặt được Galaxy S8, như về camera là Google Pixel, tốc độ sạc là OnePlus 3/3T hay độ mượt mà thì là Apple iPhone 7/7 Plus.
Tuy nhiên, một sản phẩm là sự kết hợp của nhiều yếu tố, và tính đến thời điểm hiện tại, hiếm có một chiếc smartphone nào có thể làm tốt được ở tất cả chúng như Galaxy S8. Đối với những chiếc máy khác, người dùng sẽ phải trả lời hai câu hỏi: "Mình cần gì?" và "Mình không cần gì?" để từ đó đưa ra quyết định lựa chọn chiếc smartphone ưng ý với nhu cầu của bản thân. Samsung thì không muốn như vậy. Họ muốn tạo ra một sản phẩm có thể không phải là tốt nhất ở một phương diện nào đó, nhưng khi xét một cách tổng thể thì phải là thứ dẫn đầu. Họ muốn tạo ra một sản phẩm mà hễ vào tay ai, là người ấy cũng phải hài lòng.
Galaxy S8 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này. Nó có thể không phải là smartphone mượt mà nhất, camera tốt nhất hay pin "trâu" nhất, nhưng, với những điều cơ bản mà người dùng quan tâm ở một chiếc điện thoại là thiết kế, màn hình, camera và thời lượng pin, thì Galaxy S8 đều làm tốt ở mức mà không một ai phải phàn nàn.
Mặc dù vậy, không thể lấy lý do này để bao biện cho những điểm yếu của máy. Galaxy S7 từng được đánh giá rất cao vì máy không có bất kỳ một tính năng thừa thãi nào mà chỉ tập trung vào trải nghiệm cơ bản của người dùng. Năm nay, sự tập trung này đã không còn và chúng ta đã thấy sự xuất hiện của một vài tính năng mới như bảo mật bằng mống mắt/khuôn mặt và trợ lý ảo Bixby. Cả hai tính năng trên đều chưa đạt được kỳ vọng vì tính hoàn thiện chưa cao, dẫn đến việc nó không thể giải quyết được các vấn đề hiện nay của người dùng mà còn làm mọi thứ trở nên rối rắm hơn.
Thế nhưng, khi chúng ta nhìn vào thời điểm cách đây hai năm trước khi Samsung ra mắt chiếc Galaxy S6, mọi chuyện cũng tương tự như vậy. Thiết kế lột xác đã khiến cho Galaxy S6 buộc phải hy sinh một vài yếu tố về thời lượng pin và khả năng chống nước so với người tiền nhiệm Galaxy S5, khiến nhiều người coi đây là sự thụt lùi. Nhưng rồi sau đó, những vấn đề của Galaxy S6 đã được giải quyết một cách hoàn hảo trên Galaxy S7.
Galaxy S8 cũng như vậy, khi đây sẽ là thời điểm Samsung thử nghiệm những cái mới và không thể tránh khỏi những hạn chế do công nghệ chưa theo kịp, trong đó cụ thể là vị trí cảm biến vân tay mang tính chất tạm thời (do chưa thể tích hợp vào trong màn hình) hay công nghệ nhận dạng khuôn mặt/mống mắt vẫn chưa đủ thuận tiện cho người dùng. Qua thời gian, Samsung sẽ mài giũa sản phẩm tương lai của mình để giúp các công nghệ này hoạt động hiệu quả hơn, cũng như loại bỏ những thứ không có tiềm năng phát triển.
Chính vì điều này nên tôi tin rằng, Galaxy S9 sẽ là một sản phẩm cực tốt. Nhưng liệu bạn có thể chờ đợi đến lúc đó và đủ khả năng "chống chọi" lại vẻ đẹp hoàn mỹ của màn hình Infinity Display và Galaxy S8? Không biết bạn thế nào, còn cá nhân tôi thì không - vì cuộc sống là không chờ đợi.