Trong suốt hơn 15 năm "theo đuổi" công nghệ bắt đầu với chiếc PC Pentium III đầu tiên, tôi mới chỉ sở hữu trong tay 4 sản phẩm của Apple. 1 chiếc iPod, 2 chiếc iPhone và 1 chiếc iPad. Nhưng nếu bạn hỏi tôi khâm phục hãng công nghệ nào nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Apple.
Vì sao ư? Bạn hãy thử so sánh thế giới di động thời kỳ trước iPhone và thế giới di động của thập niên 2010. Hai thế giới hoàn toàn khác biệt nhau, trong khi hàng chục năm trước đó chúng ta chỉ thèm muốn những chiếc điện thoại không phải thanh kẹo thì cũng là vỏ sò.
Steve Jobs đã thay đổi thế giới bằng iPhone.
Tại sao một bài viết dành cho Tesla mà lại nhắc đến Steve Jobs và iPhone?
Vì là một người trực tiếp tham gia thế giới công nghệ, tôi khâm phục Elon Musk và Steve Jobs theo cùng một cách. Cũng giống như Steve Jobs, Elon Musk đã thay đổi một ngành công nghiệp. Khác với Steve Jobs, đối thủ của Musk là một ngành công nghiệp quyền lực và thủ cựu khủng khiếp, hơn 100 năm vẫn chưa có lấy nổi một cuộc cách mạng thay đổi bản chất.
Nhưng Elon Musk đã thành công. Từng ngày từng giờ, ngành công nghiệp xe hơi đang thay đổi. Từng bóp chết EV-1 và Prius, giờ đây họ lại đang khoe khoang về những chiếc xe thân thiện với môi trường. Họ đang mạnh tay theo đuổi lĩnh vực xe tự lái, nơi quy tụ những bộ óc toán học tài ba nhất của thế giới. Nói cách khác, họ đang chạy theo Tesla.
Bởi vậy, nếu được mơ ước về một chiếc xe duy nhất, tôi sẽ lựa chọn Tesla. Theo cùng một cách tôi đã từng mơ về iPhone trong suốt 5 năm trời, bất chấp những lời gàn rằng iPhone so với Nokia, lởm lắm, dở lắm.
Giấc mơ ấy, phải đến Mỹ mới trở thành hiện thực. Ở gần nhà tôi, tại trung tâm mua sắm Park Meadows, Tesla đặt showroom với đầy đủ cả Model S và Model X.
Thực chất, showroom này không quá lớn so với các hãng công nghệ như Microsoft và Apple và cũng có thể coi là nhỏ hơn showroom của các hãng xe khác. Dạo qua một vòng, chúng tôi "ới" nhân viên của hãng và được tư vấn để lại email và số điện thoại để lái thử. Sau quá trình đăng ký khá nhanh chóng này, tôi vào ngồi thử chiếc Model X trong showroom.
Ngay khi ngồi vào bên trong không gian của Model X, bạn sẽ có một cảm giác rất khác biệt: không giống như dashboard các loại xe thông thường vốn có khá nhiều bộ phận lủng củng, dashboard của Tesla gây ấn tượng bằng 2 màn hình lớn, một màn hình đặt ngay sau vô lăng và một màn hình nằm giữa dashboard. Đây chính là hệ thống infotainment lừng danh của Tesla với khá nhiều tính năng (đủ) hữu ích cho quá trình lái xe: điện thoại (kết nối với iPhone), định tuyến (sử dụng nền tảng Google Maps), radio, camera góc chết.
Ấn tượng nhất là phần settings với đủ các thể loại tùy chỉnh "hầm bà lằng" cho đèn, gương, Autopilot (Assistant)… Tesla gợi nhắc khá nhiều đến các tính năng tự động rất nhỏ nhặt gợi nhắc đến Apple, ví dụ như tự động mở cửa xe sau khi cảm biến xác định đã đỗ xe thành công.
Trong trải nghiệm lái thử sau này chúng tôi sẽ không được phép kết nối điện thoại của mình với xe, nhưng may mắn là trong showroom thì kết nối điện thoại qua Bluetooth lại được cho phép thoải mái. Tính năng quan trọng nhất ở đây dĩ nhiên là cho phép gọi điện thoại qua infotainment để tránh tình trạng mất an toàn khi lái xe, còn lại các tính năng nghe nhạc hay radio thì giao diện đều mang phong cách đơn giản trên nền trắng giống như iOS.
Đáng tiếc rằng dù các nhân viên của Tesla khá thân thiện nhưng quá trình chờ đợi thì lại không. Sau khi đến showroom khoảng một tuần chúng tôi có nhận được 1 cuộc điện thoại từ số lạ nhưng sau đó gọi lại thì không thấy nghe máy. Một vị đại diện của Tesla cũng để lại email, tôi gọi tới số liên hệ và để lại tin nhắn thoại rồi sau đó cũng lên trang đăng ký của Tesla đặt hẹn một lần nữa (thực ra nói "đặt lịch" là không chính xác vì tôi không chọn thời gian cố định trên web).
Phải gần 1 tháng rưỡi sau đó chúng tôi mới nhận được một cuộc gọi phản hồi từ phía Tesla. Có lẽ là ở Việt Nam thì bạn sẽ không thấy phiền lòng lắm nhưng ở nước Mỹ thì cách phản ứng này có phần hơi lạ. Thường nhân viên sale sẽ sốt sắng hơn rất nhiều.
Đến buổi hẹn lái thử, showroom của Tesla đã có chút thay đổi. Công ty của Elon Musk sắp sửa mở thêm một gian hàng ở đối diện gian cũ, và chiếc Model S ở trước cửa cũng đã được thay đổi.
Showroom ngày cuối tuần đông hơn rất nhiều so với khi đăng ký (có lẽ là tối thứ ba hoặc thứ tư), và theo quan sát của tôi, rất nhiều người đang hỏi về chiếc Model 3. Giấc mơ Tesla giá rẻ đang tiến gần với họ, nhưng theo thông báo của nhân viên Tesla thì phải rất lâu nữa Model 3 mới xuất xưởng. Elon Musk cũng vẫn còn 400.000 đơn hàng cần đáp ứng trước khi mơ tưởng tới các khách hàng mới.
Dù sao thì chúng ta vẫn còn Model X để thử nghiệm. Chỉ cần "ới một tiếng" là nhân viên Tesla sẽ có mặt để chúng tôi ký cam kết trách nhiệm và bảo hiểm (hoàn toàn miễn phí). Cũng giống như tất cả các tác vụ khác tại showroom, việc ký kết này cũng được thực hiện trên iPad. Rõ ràng là hãng xe của Elon Musk rất thích Apple.
Buổi lái thử của chúng tôi được thực hiện cùng một bạn "co-pilot" khá thân thiện có tên James. Chiếc Model X trong buổi lái thử này là một phiên bản không quá nổi bật màu bạc (và mâm bánh cũng không thực sự "chiến".
Trước khi lái xe, chúng tôi muốn xem xét qua một số chi tiết bên ngoài.
Do Model X cũng như tất cả các mẫu Tesla khác đều được xây dựng trên mô hình "dashboard", chiếc SUV này có cả cốp trước lẫn cốp sau. Cốp trước tuy không quá rộng rãi nhưng lại có ý nghĩa quan trọng với mức độ an toàn: theo khẳng định của James, phần cốp này sẽ đóng vai trò là một bộ hấp thụ lực trong trường hợp va chạm ở phía trước.
Cốp sau của xe tuy khá rộng rãi nhưng cũng không hẳn là thực sự ấn tượng. Phiên bản Model X được chúng tôi thử nghiệm chỉ có 2 hàng ghế và do đó không phù hợp cho các gia đình đông người.
Đầu tiên: chìa khóa. Chắc chắn đây là điểm hấp dẫn ít người biết nhất của xe Tesla. Bạn có thể dùng chìa khóa này để mở tất cả các cánh cửa và mở cốp. Phải cầm chìa khóa trên người (không có chỗ nào để cắm trên xe) thì bạn mới có thể mở được xe. Nhưng tôi thích nhất ý tưởng là nhiều thông tin về cài đặt của lái xe sẽ được lưu trên chiếc chìa khóa xinh xắn này. Nếu lần sau đi nhờ Model X của người khác, bạn không cần phải ngồi chỉnh lại từ đầu.
Đó là một ý tưởng rất đậm màu sắc công nghệ. Cũng giống như khi tôi mượn laptop của anh rể những dịp cuối tuần về quê vợ, tất cả những gì cần làm chỉ là đăng nhập vào tài khoản Google và Microsoft của mình trên trình duyệt. Toàn bộ kho tài liệu đã nằm trong lòng bàn tay.
Cửa trước được đóng và mở bằng cách nhấn vào giữa "tay nắm".
Trở lại với Tesla. Nếu không muốn bỏ khóa ra khỏi túi thì bạn sẽ làm gì? Nếu đã từng thử nghiệm chiếc Model S của Tesla thì chắc chắn bạn sẽ nhớ phong cách giơ tay ra gần cửa để tay nắm tự động bật ra ngoài, nhưng đáng tiếc Model X lại không có tính năng này cho cửa trước. Thay vào đó, người dùng sẽ nhấn vào giữa tay nắm cửa để cửa tự bật ra. Đây cũng là một cách khá hay để đảm bảo thẩm mỹ cho thiết kế.
Xét về khía cạnh cửa thì toàn bộ sự hấp dẫn được tập trung cho cửa sau. Bằng khóa xe, người dùng có thể kích hợp hai cánh cửa "Chim Cắt" (Falcon) mở theo chiều ngang.
Sự hấp dẫn của cửa Falcon nằm ở chỗ trên xe có tích hợp cảm biến để tránh va chạm với xe bên cạnh. Tại Mỹ, nơi các bến đố xe thường khá đông, chuyện mở cửa bị va vào xe bên cạnh là... khá bình thường. Nhưng kể cả khi chúng ta không nhắc đến khía cạnh tiện dụng thực tế thì rõ ràng là cửa Falcon vẫn quá ấn tượng.
Dù vậy, theo như cảm nhận của tôi thì khoảng thời gian 20-30 giây để đợi cửa Falcon tự động mở là quá chậm. Lần đầu tiên thử xe thì Falcon rất ấn tượng, nhưng mỗi ngày bạn phải ra vào xe khoảng 5 – 10 lần... Không sớm thì muộn cũng sẽ có người trong nhà cảm thấy bực mình về chiếc cửa này.
Đầu tiên là bật sưởi cho từng ghế trong xe. Hệ thống điều khiển quả thật quá hấp dẫn.
Cách điều khiển Model X thực chất là không khác biệt nhiều so với các mẫu xe tự động thông thường. "Nổ" máy (thực ra máy "nổ" cực nhẹ), gạt cần và lái là tất cả những gì bạn phải làm.
Đây chính là lúc "cảm giác Tesla" được kích hoạt. Vì là xe điện, lại dẫn động 4 bánh nên Model X tăng tốc rất êm và nhanh so với xe ga FWD thông thường. Tuy vậy, so với những chiếc Ford Explorer hay Audi Q5 mà đồng nghiệp của chúng tôi thường lựa chọn, sự khác biệt lại không nhiều. Chúng tôi đã từng hy vọng sẽ được tận hưởng một cảm giác "vọt lên" mỗi lần nhấn ga, nhưng trong thực tế thì cảm giác nhấn ga lại không nhanh chóng đến như vậy.
Dashboard khi lái thông thường. Xe sẽ tự nhận diện chướng ngại vật và cũng sẽ thông báo mức độ "đốt" pin hiện tại.
Cảm giác nhấn ga thậm chí còn hơi nặng giống như các dòng xe của Đức.
Khác biệt rõ rệt nhất nằm ở độ êm của xe khi vận hành. Trước khi thử nghiệm Model X tôi đã từng được nghe nói rằng Tesla thậm chí còn phải giả lập tiếng ồn để tránh cảm giác say xe cho những người đã quen ngồi trên xe chạy xăng, tuy vậy bạn co-pilot mang tên James lại khẳng định tin đồn này là không chính xác. Đi trên những đoạn đường êm và vắng xe, Model X sẽ thực sự là thiên đường dành cho những người thích yên tĩnh.
Tuy vậy trải nghiệm trên đường cao tốc lại khác biệt hoàn toàn. Có vẻ như mất đi tiếng ồn của xe, tiếng ồn từ mặt đường và các phương tiện khác lại càng trở nên rõ rệt hơn. Với người bạn cùng đi với chúng tôi lần này, đây có vẻ là một điểm trừ khó chấp nhận.
Trải nghiệm trên đường khác biệt hoàn toàn
Ở ghế phía sau, nội thất của Tesla có lẽ có thể gói gọn lại trong hai từ đã được rất nhiều người nhắc đến khi mô tả Model S và Model X: "Not fancy enough".
Quả thật, ở mức giá gốc hơn 100.000 USD, nội thất của chiếc Model X được chúng tôi thử nghiệm không có điểm gì quá nổi bật so với những chiếc Ford Explorer hay Audi Q5 có giá chỉ không bằng một nửa. Một số chi tiết có thể coi là khá thú vị như bề mặt cạnh trước được bọc chất liệu "giả nhung" có các đường viền chỉ hoặc bề mặt dashboard bằng gỗ, tuy vậy tựu chung thì có lẽ người dùng sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở tầm giá 6 chữ số.
Chất lượng ghế ngồi có thể coi là một điểm cộng. Như bạn đọc có thể thấy, ghế ngồi của Model X có kiểu dáng khá hầm hố mô phỏng theo phong cách xe đua cả mặt trước lẫn mặt sau. Quả thật thì bộ ghế này cũng thoải mái hơn ghế xe "thường".
Trở về bãi đỗ xe, camera sau được kích hoạt. Không gian phía trước là 17 inch.
Cần chắn nắng của Model X được cố định bằng nam châm nên chỉ có 2 vị trí: chắn trước mặt (gắn vào cạnh gương) hoặc gắn với cửa.
Một điểm đặc biệt khác của Model X là kính trước nối thẳng với cửa sổ trời. Thiết kế này, kết hợp cùng với ngôn ngữ thiết kế bo tròn (tạo ra hệ số cản khí cực kỳ thấp) tạo ra một cảm giác rất "viễn tưởng" cho mẫu SUV của Tesla. Tuy vậy, cho dù ngày thử xe thời tiết khá âm u, chúng tôi có thể thấy ngay rằng kiểu thiết kế này sớm hay muộn cũng sẽ gây ra vấn đề về tầm nhìn. "Nếu không thích thời tiết Denver thì hãy đợi 5 phút", những ngày tuyết trắng phản chiếu ánh nắng vàng, chắc chắn bạn sẽ phải mang theo kính râm khi lái Model X.
Tôi có thể khẳng định với bạn rằng đường xá ở Colorado còn thua xa Autobahn, Downtown Denver vẫn còn kém Singapore. Nhưng đường ở Mỹ có 2 đặc điểm rất quan trọng: 1, đi đâu cũng có vạch kẻ và biển báo rõ ràng và 2, đường lớn (road) và phố nhỏ (street) được phân định rành mạch. Và đây là cơ sở để tạo ra bước đột phá tiếp theo của Tesla: xe tự lái.
Đáng tiếc rằng xe tự lái vẫn chưa tiến xa như chúng ta mong đợi.
Để kích hoạt Autopilot trên đường cao tốc, người lái trước tiên cần đưa xe xuống tốc độ dưới 55 dặm/h (khoảng 90 km/h). Với đường nhỏ, con số này là 35 dặm/h (khoảng 55 km/h). James khẳng định với chúng tôi rằng các mức giới hạn này sẽ được gia tăng sau khi cập nhật lên các bản firmware mới cho hệ thống infotainment trên xe, nhưng đáng tiếc rằng tốc độ mạng 4G tích hợp trong xe lại không đủ nhanh để cập nhật trong quá trình chúng tôi lái thử.
Gạt cần khởi động dưới cần số là bạn có thể kích hoạt Autopilot. Một tiếng "ping" nhẹ báo hiệu Autopilot đã khởi động, chiếc xe chính thức tự lái.
Vậy trải nghiệm ngồi trên một chiếc xe tự lái như thế nào?
Kích hoạt tính năng Auto Pilot như thế nào?
Câu trả lời là không có gì đặc biệt cả. Xe đơn giản là... tự lái và bạn vẫn sẽ phải đặt tay trên vô lăng. Tesla rõ ràng đã lường trước những sự cố có thể xảy ra nên nếu bạn thả tay lái khỏi vô lăng, màn hình dashboard trước mặt sẽ nhấp nháy để cảnh báo. Thả tay càng lâu thì mức độ cảnh báo càng tăng, nên tốt nhất là bạn vẫn nên đặt tay trên vô lăng, ở đúng vị trí Tesla đặt cảm biến
Kích hoạt Auto-pilot trên đường nhỏ. Tốc độ bị giới hạn ở 35 dặm/h.
Tôi có ấn tượng rằng Autopilot là một công nghệ khá "mong manh". Trong hành trình của chúng tôi, hệ thống đột ngột mất nhận diện làn đường ngay cả khi vạch kẻ hai bên vẫn rất rõ ràng (dĩ nhiên là sẽ có cảnh báo âm thanh và hình ảnh rất rõ để người lái phản ứng ngay lập tức). Bạn nhấn ga, bạn đạp nhẹ phanh, bạn bẻ lái, Autopilot sẽ tự ngừng hoạt động để trả lại quyền điều khiển cho con người.
Tất cả những đặc điểm này khiến tôi tự hỏi, cuối cùng thì Autopilot có thể thực sự giúp gì cho người dùng? Dĩ nhiên là trên những con đường vắng thì bạn có thể thư giãn hơn một chút, nhưng cứ phải để tay để phản ứng bất cứ lúc nào Autopilot ngừng hoạt động có lẽ còn dễ gây căng thẳng hơn là tự lái ngay từ đầu.
Autopilot rõ ràng là một trong những tính năng hấp dẫn nhất của Model X cũng như các mẫu Tesla khác, nhưng liệu tính năng này có hoạt động hiệu quả trên những con đường của Việt Nam. Câu trả lời ai cũng biết, là "không". Vạch đường của chúng ta không rõ ràng, dữ liệu của Google cho đường Việt Nam cũng không thể chính xác như tại Mỹ. Và với đường Mỹ thì chí ít bạn có thể yên tâm rằng không có một thứ gì đó bỗng dưng "vọt" ra đường cao tốc, luồn lách vô ý thức.
Những yếu tố khác cũng làm cho chúng tôi mất đi ít nhiều hy vọng về giấc mơ Model X tại Việt Nam. Nếu sạc điện cho chiếc SUV này bằng ổ cắm thông thường, bạn sẽ mất 3 ngày. Trạm sạc của Tesla có giá "chỉ" 500 USD nhưng vận chuyển về Việt Nam có lẽ sẽ không dễ dàng, và kể cả có ở Việt Nam thì tìm được kỹ thuật viên lắp đặt cho "chuẩn" có lẽ cũng không dễ.
Bù lại thì thời lượng pin của Model X khá tốt. Pin tối đa có thể đi được khoảng 300 dặm, tức khoảng gần 500 km. Ngay cả chuyến roadtrip 4 bang của chúng tôi cũng chỉ vào khoảng hơn 1 nghìn dặm có nghỉ đêm, do đó bài toán "làm thế nào để không hết pin giữa đường" thực chất lại là "tìm ở đâu được trạm sạc Supercharger để dừng chân". Tính đến cuối năm 2016 thì Tesla có hơn 5000 trạm Supercharger trên toàn nước Mỹ - một con số nghe có vẻ rất lớn, nhưng nước Mỹ thì thực sự là quá rộng.
Có thể nói rằng lần lái thử Model X đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tôi đã từng hy vọng sẽ được thử nghiệm một chiếc xe có thể thay đổi hoàn toàn bản chất của xe hơi, nhưng xe hơi vẫn là... xe hơi. Apple cách mạng hóa trải nghiệm điện thoại bằng cách đem đến rất nhiều tính năng không phải là nghe gọi. Nhưng Model X thì vẫn đòi hỏi bạn phải lái, vẫn là phương tiện giao thông.
Và thực tế là Tesla đã nghĩ ra rất nhiều cách để làm cho trải nghiệm giao thông trở nên hấp dẫn hơn. Từ những cánh cửa tự động, những chi tiết nhỏ-và-thú-vị dành cho ghế xe, tay nắm cửa cho đến Autopilot, Elon Musk đã giúp cho trải nghiệm xe hơi trở nên khác biệt.
Nhưng những khác biệt mới và cả những thiếu sót trong trải nghiệm truyền thống thực sự buộc tôi phải nghĩ lại về giá trị của Model X. Nhắc đến mức giá 100.000 đô cho một chiếc xe hơi là nhắc đến một mức giá thực sự xa xỉ, ngay cả khi chia thành các khoản trả góp/lease (thuê xe và mua đứt sau 3 năm ở khoảng 70% giá trị) khoảng 1000 đô mỗi tháng. Ở mức giá này, một người thực sự hiểu về xe hơi, đặc biệt là những người "cuồng" xe như dân Mỹ, có lẽ sẽ đòi hỏi nhiều hơn.
Vậy cuối cùng, Model X là gì? Đó có lẽ là một tầm nhìn dành cho tương lai của Model 3 và những chiếc crossover/SUV Tesla giá rẻ hiện vẫn chưa được công bố, giống như chiếc Surface Laptop đại diện cho tất cả các model Windows 10 S. Mức giá dành cho Model X hiện tại là chưa đủ thuyết phục cho những người dùng "bình thường" như chúng tôi.