Là gương mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại khi nhận danh hiệu Tiến sỹ của ĐH Stanford danh giá ở độ tuổi 28, Vũ Duy Thức còn là niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khi tham gia sáng lập hàng loạt startup công nghệ mà mới đây nhất là OhmniLabs.
Việc OhmniLabs ra mắt sản phẩm đầu tiên cũng như chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày đã khiến nhiều kênh truyền thông một lần chú ý tới cái tên Vũ Duy Thức. Thực tế, thành công này không phải chỉ đến sau một đêm mà là thành quả của cả một chặng đường dài nỗ lực từ khi anh còn là sinh viên.
Ngay khi mới 10 tuổi, Vũ Duy Thức đã mê toán đến nỗi có thể ngồi nguyên một ngày để giải cho ra đúng một bài. Anh từng kể rằng thứ thực sự thu hút anh không phải là đáp số, mà chính là quá trình đi tìm lời giải ngắn nhất từ hàng chục cách khác nhau.
Niềm đam mê ấy đã thôi thúc anh theo học cùng lúc hai ngành Toán – Tin tại Đại học Carnegie Mellon (CMU) thay vì học y khoa như kỳ vọng của cha mẹ. Cũng tại đây, anh vượt qua hàng triệu sinh viên từ các trường ĐH ở Mỹ và Canada để trở thành người Việt đầu tiên đoạt Giải thưởng sinh viên ưu tú nhất vùng Bắc Mỹ năm 2004.
Học tập ở CMU, bén duyên với công nghệ robot và AI, ngay từ năm hai Duy Thức đã bắt tay vào nghiên cứu hệ thống đa tác nhân trong trí tuệ nhân tạo – bài toán lập trình đa đối tượng có thể trở thành nền tảng cho các hệ thống robot và xe tự lái. Coi việc học tập, nghiên cứu là niềm vui, chưa học hết đại học, anh đã công bố 3 công trình nghiên cứu và xuất bản 3 bài báo khoa học về AI. Điều này đã gây ấn tượng mạnh với các trường đại học mà anh ứng tuyển cho chương trình Tiến sỹ.
Nhận được học bổng Tiến sỹ toàn phần từ hàng loạt trường danh tiếng, Duy Thức quyết định dành tiếp 5 năm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo ở bậc học này. Năm 2010, ở tuổi 28, anh trở thành người Việt trẻ nhất từng nhận bằng Tiến sỹ tại ĐH Stanford.
Không sai khi gọi Vũ Duy Thức là một "serial entrepreneur" – thuật ngữ chỉ những người từng sáng lập hàng loạt công ty khác nhau.
Từng chia sẻ với báo chí rằng thành công và hạnh phúc đối với anh chính là việc tạo ra giá trị cho nhiều người, Duy Thức chia cuộc sống theo tam trụ: nghiên cứu, kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Cả ba đều là những lĩnh vực khó nhằn nhưng anh vẫn luôn muốn dung hòa tất cả khi bắt đầu khởi nghiệp ngay từ khi còn đang học Tiến sỹ.
Một trong những startup mà anh hoạt động thời còn học Tiến sỹ là Katango - ứng dụng AI phân tích các mối quan hệ của người dùng trên mạng xã hội từng nhận đầu tư 5 triệu USD từ quỹ Kleiner Perkins. Cuối năm 2011, sau khi Google mua lại Katango, anh Thức và các cộng sự gia nhập nhóm phát triển Google và Android tại đây.
Một trong những startup mà anh hoạt động thời còn học Tiến sỹ là Katango - ứng dụng AI phân tích các mối quan hệ của người dùng trên mạng xã hội từng nhận đầu tư 5 triệu USD từ quỹ Kleiner Perkins. Cuối năm 2011, sau khi Google mua lại Katango, anh Thức và các cộng sự gia nhập nhóm phát triển Google và Android tại đây.
Nói về bí quyết cân bằng được giữa việc học hỏi, nghiên cứu và khởi nghiệp, anh cho biết sẽ chia đều thời gian của mình cho hai việc trên. "Tất nhiên làm quá nhiều thứ một lúc không phải điều tôi muốn khuyên mọi người, nhưng nếu thực sự cần thì bắt buộc phải nghiêm túc với việc phân chia thời gian của mình thành các timebox (khoảng ngắn trong ngày). Nếu mỗi tuần tôi đặt ra cho mình 20 tiếng để nghiên cứu thì sẽ dành đúng chừng đó thời gian chỉ tập trung cho nghiên cứu, hoàn toàn không nghĩ gì đến những thứ khác nữa" – anh chia sẻ.
Hoàn thành việc học, Duy Thức bỏ qua cơ hội việc làm ở các công ty lớn để tham gia sáng lập startup Tappy cùng nữ cofounder Trương Thanh Thủy. Tappy là ứng dụng chat cho phép những người đang ở cùng một địa điểm (đặc biệt là các sự kiện) có thể kết nối, trao đổi với nhau tức thì. Sau hơn 1 năm hoạt động, Tappy đã được hãng game Weeby.co mua lại với mức giá không công khai nhưng được tiết lộ cũng ở mức hàng triệu USD.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp sẵn có, anh tiếp tục đầu tư và làm cố vấn cho các startup tiềm năng đi sau như Umbala (ứng dụng chat video tự hủy hiện rất phổ biến tại Châu Âu), ELSA (app học phát âm tiếng Anh ứng dụng công nghệ AI) và startup robot KnightScope.
Xuất phát từ chính đam mê với robot gia đình, bản thân cũng sống xa nhà nên luôn muốn có cơ hội được quan tâm, thăm hỏi ông bà cha mẹ, Duy Thức muốn thiết kế một sản phẩm high tech giúp những người xa xứ có thể tham gia vào cuộc sống ở nhà với người thân, đồng thời cũng dễ sử dụng cho những người cao tuổi không rành công nghệ. Nhờ một phiên bản robot Ohmni dùng thử, một người con đã phát hiện mẹ của mình ở nhà có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và kịp về nhà để đưa bà đến bệnh viện. CEO OhmniLabs hy vọng sản phẩm này không chỉ giúp người dùng cập nhật tình hình của nhau mà còn có thể bớt vất vả với những tính năng giúp việc, chăm sóc sức khỏe sẽ được phát triển thêm trên các phiên bản sau.
Sản phẩm công nghệ của Vũ Duy Thức
Ở phiên bản hiện tại, với tính năng cơ bản là giúp người dùng kết nối và điều khiển robot từ xa để tham gia vào cuộc sống của người thân ở xa, Ohmni đã được cả giới truyền thông lẫn người dùng đón nhận rất tích cực. Dự án huy động vốn cộng đồng trên Indiegogo của công ty đã huy động đủ mục tiêu 100.000 USD chỉ sau chưa đầy 4 ngày khởi động.
Ở phiên bản hiện tại, với tính năng cơ bản là giúp người dùng kết nối và điều khiển robot từ xa để tham gia vào cuộc sống của người thân ở xa, Ohmni đã được cả giới truyền thông lẫn người dùng đón nhận rất tích cực. Dự án huy động vốn cộng đồng trên Indiegogo của công ty đã huy động đủ mục tiêu 100.000 USD chỉ sau chưa đầy 4 ngày khởi động.
Khi được hỏi về việc nhiều nhóm khởi nghiệp IoT tại Việt Nam gặp khó khăn trong chuyện thu hút vốn đầu tư cũng như sản xuất quy mô lớn, anh đưa ra lời khuyên: "Startup phần cứng nên tích cực tham gia các vườn ươm (incubator/accelerator) phần cứng trong khu vực (có thể là Singapore, Hong Kong, Trung Quốc,…), nơi các bạn sẽ được học hỏi nhiều về dây chuyền sản xuất hàng loạt. Thứ hai, các bạn hãy tận dụng các site gọi vốn cộng đồng như Indiegogo hay Kickstarter. Những site này không chỉ giúp các startup quảng bá, bán sản phẩm ngay từ khi chưa ra mắt mà còn mang về một khoản vốn ban đầu để sản xuất, nhân rộng."
Một hướng tiếp cận khác giúp các startup phần cứng tiết giảm chi phí thiết kế nguyên mẫu là sử dụng máy in 3D làm các bộ phận cấu thành thay cho đặt khuôn sản xuất như trước đây. Nói về giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp phần cứng/IoT tại Việt Nam, anh cũng cho rằng các công ty bất động sản nên hợp tác với các trường đại học để tạo ra các quỹ đầu tư/ươm mầm startup IoT phát triển smarthome, smart building tại Việt Nam. Lý do là bởi các sản phẩm smarthome vừa là đặc thù của công nghệ IoT, vừa phù hợp với lợi ích và mục tiêu của các chủ dự án bất động sản trong tương lai nên có thể tạo ra giá trị cho tất cả các bên.
Chia sẻ về những sai lầm từng mắc phải trong quá trình khởi nghiệp, Duy Thức kể về thời còn làm Kantago, khi anh và team phải mất tới 6 tháng mới tìm ra được sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng. Bài học mà anh rút ra là cần nhanh chóng đưa ra quyết định dứt khoát về sản phẩm, tránh sa đà vào những thứ đang làm, tránh tình trạng chờ sản phẩm hoàn chỉnh hẳn rồi mới đưa đến tay người dùng.
Quá trình chờ đợi quá lâu này sẽ khiến bản thân founder có thể rơi vào những định hướng sai lầm, chẳng hạn như việc bỏ phí mất 6 tháng phát triển nhưng lại cho ra thứ mà không ai muốn dùng. Thay vào đó, hãy giới thiệu bản thử nghiệm tới người dùng sau khoảng 2-3 tháng phát triển. Phiên bản dùng thử có thể mắc nhiều lỗi sai nhưng tối thiểu nó giúp startup biết được người dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm hay không, phản ứng của họ về sản phẩm như thế nào,…, từ đó có kế hoạch nâng cấp sớm và hiệu quả hơn.
Lời khuyên chung cho các nhà sáng lập startup tương lai, theo anh Thức, đầu tiên là cần có cái nhìn hết sức thực tế về hành trình khởi nghiệp cũng như chịu khó tìm hiểu, trò chuyện với các doanh nhân có kinh nghiệm.
Thứ hai, các bạn nên nghiên cứu về các giải pháp sẵn có của người đi trước cho các vấn đề mà họ đang theo đuổi – bạn không nhất thiết phải giải quyết lại những thứ đã có sẵn.
Thứ ba, người làm kinh doanh cần nắm bắt tốt các xu hướng công nghệ và nên có chiến lược đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng/người dùng thử sớm hơn các đối thủ cạnh tranh, như đã nói đến ở trên.
Cuối cùng, khi khởi nghiệp, bạn cũng cần có sự chuẩn bị kỹ cho việc gọi vốn. Đối với OhmniLabs, ngoài nguồn vốn có được từ việc bán công ty trước của mình, Duy Thức còn tiến hành huy động vốn cộng đồng qua Indiegogo cũng như gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài. Anh cũng cho rằng nhà đầu tư thường sẽ quan tâm đến 3 rủi ro:
- Rủi ro về thị trường: Liệu sản phẩm tung ra có được người dùng đón nhận? Liệu công ty có xây dựng được một mô hình kinh doanh bền vững/mang về lợi nhuận?
- Rủi ro về công nghệ: Liệu startup có phát triển được sản phẩm hoạt động tốt như đã hứa hẹn?
- Rủi ro về quản trị: Bao gồm từ việc điều hành nhân viên, PR, tìm kiếm và xây dựng quan hệ đối tác,…
Nếu đưa ra được những giải pháp giúp trấn an nhà đầu tư, cho họ thấy những điều trên không còn là rủi ro nữa, thì khả năng gọi vốn thành công của startup sẽ khá cao.
Tự nhận mình may mắn khi có nhiều cơ hội học tập và theo đuổi đam mê, anh muốn đền đáp lại cho người dân quê hương bằng việc tạo ra điều kiện tương tự cho các em sinh viên nghèo.
Cùng chung một ý tưởng muốn hỗ trợ cho sinh viên nghèo tại Việt Nam, Duy Thức đã cùng Văn Vũ - cũng là CEO startup ELSA - thành lập nên Vietseeds Foundation - quỹ học bổng chuyên hỗ trợ tiền học và một phần sinh hoạt phí cho sinh viên khó khăn. Tính đến nay, sau 5 năm hoạt động dưới sự điều hành của các nhà sáng lập và một đội ngũ tại Việt Nam, Vietseeds đã trao hàng trăm suất học bổng chắp cánh cho các bạn trẻ tiềm năng. Hầu hết các sinh viên nhận hỗ trợ đều có kết quả học tập tốt, nhiều bạn thậm chí còn đứng đầu khoa, giành được các giải thưởng quốc tế hay học bổng đi du học nước ngoài.
Cuối cùng, chia sẻ về những dự định sắp tới, Duy Thức cho biết trong tương lai, anh cũng muốn mở thêm trụ sở OhmniLabs tại Việt Nam, tuyển dụng kỹ sư trong nước nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đây rất có thể sẽ là cơ hội mới giúp các sinh viên IT yêu thích robot và trí tuệ nhân tạo học hỏi và thử thách bản thân trong lĩnh vực đang cực hot này.