Trên con đường dài, nữ lãnh đạo chưa đầy 30 tuổi bắt đầu nghĩ đến chiếc máy tính đa năng của riêng mình, một chiếc máy có thể dùng để vừa liên lạc với đối tác, vừa nghe nhạc và quan trọng nhất, có thể để trong túi quần.
Năm 1987, sức ảnh hưởng của Cher Wang lên ngành công nghiệp PC Đài Loan chính thức được xác lập thông qua sự kiện thành lập VIA Technologies. Năm 1997, "Hi-Tech Computer" ra đời để bắt kịp cơn sốt laptop. Nhưng thị trường PC sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn hỗn loạn nhất, và Wang buộc phải đưa ra một quyết định sẽ thay đổi cuộc đời: tiếp tục làm laptop, hay là bắt tay vào hiện thực giấc mơ di động của mình.
Từ 1998, HTC chuyển hướng và bắt đầu cho ra mắt những thiết bị cầm tay cảm ứng đầu tiên trên thế giới. Năm 2000, HTC là đối tác sản xuất trực tiếp cho chiếc iPAQ của HP. Năm 2002, HTC Canary (hay còn gọi là Orange SPV) ra mắt, mở màn cho nỗ lực di động đầu tiên của Microsoft – Windows Mobile. Từ 2004, HTC lại là nhà sản xuất của Palm Treo 650, một cột mốc quan trọng trong cuộc cách mạng smartphone thời kỳ trước iPhone.
Năm 2007, Apple vén màn "cú sốc" iPhone. Một chiếc điện thoại đẹp, dễ sử dụng và quan trọng nhất là sử dụng công nghệ cảm ứng không cần bút trên giao diện trực quan được rút gọn từ Mac OS X.
Sự kiện iPhone đã thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của ngành công nghiệp di động, buộc những nỗ lực non trẻ của Google và Android Rubin phải suy nghĩ lại về hướng đi của Android. Trong vòng 1 năm, HTC trở thành đối tác quan trọng của Google trong hành trình vén màn chiếc smartphone Android đầu tiên của lịch sử: HTC Dream.
Vai trò là nhà sản xuất đã cùng Google "khai sinh" ra Android giúp cho HTC có được lợi thế rất lớn trong những năm đầu tiên bùng nổ của thị trường smartphone. Trong lúc các thế lực cũ như Nokia và BlackBerry tụt hậu, HTC không chỉ trở thành đối trọng đầu tiên của Apple mà còn là tên tuổi đầu tiên đưa Android vào phân khúc tầm trung: ngày 17/2/2009, HTC Magic ra mắt với giá sau chiết khấu chỉ hơn 90 Euro.
Nửa năm sau, thế hệ đầu bảng thứ hai (và cũng là chiếc smartphone Android thứ tư trong lịch sử) được vén màn: HTC Hero. Trên một sân khấu lớn tại London, HTC đã chứng minh cho cả thế giới một sự thật quan trọng: Android không "ngán" Apple cả về thiết kế, chất lượng sản phẩm lẫn mức độ hoành tráng của những sự kiện vén màn.
Trong những năm cuối thập niên 2000, HTC trở thành đại diện của Android và là đối thủ duy nhất của Apple. Người ta cho rằng nhân tố giúp tạo ra kỳ tích này là CEO, nhà đồng sáng lập Peter Chou. Mang tâm lý "ám ảnh" tới từng khớp nối, đường gờ và cả... cân nặng của điện thoại, chính sự cầu toàn của ông Chou đã giúp Android tránh khỏi diện mạo "thấp kém" trong những năm đầu hỗn loạn.
Cùng lúc, sự kết hợp giữa tâm lý tỉ mỉ và đầu óc nhanh nhạy của ông Chou đã giúp HTC nhanh chóng bành trướng. Kết thúc 2009, thị phần smartphone của HTC trên toàn cầu đạt 4,7% - một con số cực kỳ đáng nể trong bối cảnh Nokia và BlackBerry vẫn đang "hấp hối" một cách quá... hùng mạnh và Samsung mới chỉ đạt 3,3%.
Mùa đông năm đó, niềm vui Android sẽ hiện hình ở một đẳng cấp khác: Nexus One, chiếc smartphone đầu tiên mở màn cho nỗ lực Nexus của Google. So với các đối thủ cạnh tranh tại thời điểm này, Nexus One có thể coi là một sản phẩm hoàn toàn đi trước thời đại. Mang trong mình màn hình AMOLED 3.7 inch, vi xử lý Snapdragon 8250, bộ nhớ 512MB (có hỗ trợ thẻ microSD) và camera 5MP, Nexus One "sexy" đến mức ngay cả huyền thoại Motorola DROID phải xấu hổ khi sánh vai.
Quan trọng hơn, Nexus One cũng là điểm khởi đầu của lý tưởng "Android nguyên bản": không phần mềm rác từ các đối tác nhà mạng hay từ chính... HTC.
Tháng 2/2010, HTC cải tiến Nexus One để tạo ra Desire, mẫu smartphone đến cuối năm sẽ được TechRadar xếp hạng số 1 thế giới: "Giống như Nexus One, nhưng tuyệt vời hơn. Vì lý do này, HTC Desire đã lọt vào top 10 của chúng tôi ở vị trí số 1 còn Nexus One thì biến mất".
Đến tháng 6, HTC ra mắt EVO 4G, chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ mạng LTE tại Mỹ. Sang đến 2011, HTC ThunderBolt ra đời với sự hỗ trợ của nhà mạng Verizon, tiếp tục dấu ấn đậm nét của công ty Đài Loan lên cuộc cách mạng 4G tại Mỹ.
Bất chấp những sản phẩm đỉnh cao, những hạt giống đầu tiên cho thất bại của HTC sau này đã được hình thành ngay từ 2009. Với bộ đôi Nexus One – Desire cũng như bộ ba Desire HD – Inspire 4G – ThunderBolt, công ty Đài Loan đã đưa tới thông điệp ngầm không mấy dễ chịu: HTC sẵn lòng tạo ra các sản phẩm có cấu hình/tính năng tương tự nhau để phục vụ cho các nhu cầu phân phối khác nhau. EVO 4G, Inspire 4G và Thunderbolt thực chất chỉ là 2 phiên bản của Desire HD được sản xuất cho 2 nhà mạng đối tác, còn Desire là bản nâng cấp phần cứng và phần mềm từ Nexus One.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Nexus One và Desire là bộ giao diện Sense UI. Ban đầu, Sense UI là sự bổ sung hoàn hảo cho Android thô sơ, kém trau chuốt. Trên khắp thế giới, biểu tượng đồng hồ lật của HTC trở thành khuôn mặt đại diện cho Android.
Tổng cộng, trong năm 2010, doanh số của HTC đã lên tới 24,6 triệu đơn vị, tăng 111% so với 2009.
Nhưng với ThunderBolt - chiếc smartphone lập kỷ lục đặt trước tại Mỹ, vai trò của Sense sẽ sớm bị đảo ngược. Được ra mắt từ tháng 2, phải đến tận tháng 9/2011 ThunderBolt mới được cập nhật lên Android 2.3 Gingerbread – phiên bản Android đột phá vốn đã ra mắt từ tháng 10 năm... 2010. Đến tận tháng 2/201 3, HTC mới tiếp tục cập nhật ThunderBolt lên 4.0.4 Ice Cream Sandwich.
Lúc này, Google đã kịp ra mắt 4.2 Jelly Bean.
Từng cùng Google khai sinh ra Android, và từng cùng Google mở màn cho nỗ lực Android nguyên bản, HTC bỗng dưng lại trở thành đại diện cho vấn đề trầm trọng nhất trên hệ điều hành của Google: mâu thuẫn và phân mảnh. Những lỗi lầm trên Nexus One bị Google và HTC đem đổ lỗi cho nhau, gây tổn hại sâu sắc tới mối quan hệ khăng khít đã có từ 2007. Tiếp đến, Andy Rubin từng bày tỏ sự tức giận khi các mẫu HTC đầu bảng như ThunderBolt luôn quá chậm chân với các bản cập nhật Android: HTC thường mất quá nhiều thời gian để "đắp" Sense UI lên nền Android.
Trong những năm sau đó, Sense UI kéo tụt chất lượng trải nghiệm người dùng khi cả một binh đoàn Gingerbread giật, lag vì không đủ cấu hình để "kéo" thêm một lớp giao diện trên nền hệ điều hành. Tâm lý chuộng Android gốc bắt đầu xuất hiện và ngày một phổ biến trên phần cứng của HTC: unlock để loại bỏ Sense UI là chìa khóa tới một trải nghiệm Android mượt mà hơn.
Khi bộ phận phần mềm của HTC vẫn phải mải mê đuổi bắt Google, gã khổng lồ xứ Đài Loan vẫn có thể yên tâm vào chất lượng phần cứng đỉnh cao dưới bàn tay lãnh đạo của CEO Peter Chou. Con mắt tỉ mỉ và bàn tay khéo léo của ông cho phép HTC có thể dễ dàng thay đổi linh kiện vào phút chót để tạo lợi thế cạnh tranh với một đối thủ vừa ra mắt hoặc để tận dụng một thiết kế có giá thành rẻ hơn. Khi Android ngày một bùng nổ - và khi HTC đưa Android xuống cả mức giá tầm trung, chiến lược này đã giúp HTC có thể bứt tốc bành trướng.
Ví dụ điển hình: Sensation XL. Chou hoàn thiện thiết kế và quyết định tung ra Sensation XL chỉ... 3 tháng trước ngày ra mắt. Các đối thủ như Apple hoặc Samsung thường cần tới 18 tháng để phát triển sản phẩm mới, ấy vậy mà Sensation XE vẫn ra mắt đúng ngày và vẫn nhận được những lời ca ngợi nhiệt tình từ báo giới và người dùng.
Bởi vậy, trong năm 2011, HTC là vua của Android nói riêng và smartphone nói chung. Tháng 5, Best Global Brands trao tặng HTC vị trí số 98 trong danh sách các thương hiệu mạnh nhất thế giới – một bước tiến dài với một công ty trước đó chỉ vài năm vẫn còn phải "núp" sau O2, Vodafone hay Compaq. Doanh số hàng tháng vượt quá 1 tỷ USD. Đến quý 3, HTC còn lật đổ Apple và Nokia để chiếm ngôi vị số 1 về thị phần smartphone tại Mỹ.
Để ăn mừng sự kiện này – cũng như để ăn mừng thương vụ mua lại Beats Electronics, HTC thuê hẳn sân khấu London Roundhouse cho sự kiện ra mắt Sensation XL, vốn chỉ là một bản cải tiến từ Sensation. Dr. Dre, Lady Gaga, will.i.am, Fedde Le Grand và Nero là một vài trong số những ngôi sao có mặt tại sự kiện ra mắt chiếc smartphone tầm trung của HTC.
Với khẩu hiệu "quietly brilliant", HTC đang bùng nổ.
Beats Audio chỉ là biểu hiện đắt tiền nhất của căn bệnh "mất phương hướng" tại HTC. Cũng giống như bất kỳ một ông lớn công nghệ nào khác, gã khổng lồ Đài Loan đã nhanh chóng bỏ ra hàng núi tiền để thâu tóm các công ty con ngay sau khi đạt được những thành công bước đầu với Android.
Với cái giá 300 triệu USD dành cho 50,1% cổ phần, Beats gần như không mang lại gì cho HTC ngoại trừ logo phía sau lưng điện thoại và những chiếc tai nghe đắt đỏ bán cùng điện thoại để... chịu lỗ. Ở khía cạnh phần mềm, "Beats Audio" chẳng có nghĩa gì ngoài những hiệu ứng EQ mà cộng đồng "vọc" Android có thể dễ dàng cài đặt lên bất cứ một chiếc điện thoại nào. Trong lúc Samsung đang chuẩn bị bỏ ra một núi tiền để quảng bá cho Galaxy S II, HTC lại không thể tận dụng dàn sao hàng đầu thế giới của Beats nhằm đưa ra những chiến dịch marketing quy mô.
Thất bại của HTC với Beats hiện hình rõ rệt nhất trên Rezound, chiếc điện thoại biểu trưng cho mối duyên HTC Beats. Ra mắt với chip xử lý âm thanh của Beats và một bộ tai nghe in-ear đắt tiền, Rezound có giá bán kèm hợp đồng mạng lên tới 300 USD trong khi tất cả các đối thủ cao cấp (bao gồm cả iPhone 4S) đều lựa chọn mức giá 200 USD.
Như Apple sau này đã chứng minh với các quyết định khai tử iPod Classic cũng như cổng tai nghe trên iPhone 7, phần đông người dùng smartphone chẳng mảy may quan tâm đến chất lượng âm thanh của smartphone. Kết quả là Rezound thất bại ê chề.
Đáng buồn nhất, HTC còn rất nhiều thương vụ mua sắm vô nghĩa. "Yêu âm nhạc" nhưng không có tầm nhìn rõ ràng, công ty Đài Loan bỏ ra 50 triệu USD để mua Saffron Digital (sản xuất nội dung video), đầu tư 40 triệu USD vào OnLive (chơi game trực tuyến), 18 triệu USD vào Dashwire (sao lưu đám mây). Tổng cộng, HTC đã bỏ ra hơn 100 triệu USD để đấu với Apple, một đối thủ mà đến nay cả Google lẫn Samsung đều không thể đánh bại trong cuộc chiến nội dung.
Ngang tầm với "thảm họa" Beats là S3 Graphics, vẫn là với giá 300 triệu USD. Khi thâu tóm S3 Graphics, HTC chỉ mang một tham vọng nhỏ nhoi là sử dụng kho bằng sáng chế của công ty này nhằm chống lại Apple trong cuộc chiến sở hữu trí tuệ. Cuối cùng, Apple chọn Samsung làm đối thủ chính, những vụ kiện của HTC và Apple chỉ diễn ra một cách nhỏ lẻ. Kinh nghiệm hàng chục năm phát triển đồ họa và chip của S3 bị lãng quên bên trong đế chế HTC trong lúc Apple dùng chip tự thiết kế để đánh bại Android về tốc độ trải nghiệm.
Chiến lược mất trọng tâm của HTC được thể hiện rõ rệt nhất qua danh mục smartphone. Chỉ trong vòng 2 năm, công ty Đài Loan đã ra mắt... hàng chục thương hiệu, bao gồm: Desire, Droid Incredible, Legend, Wildfire, myTouch 3G Slide, Aria, Evo 4G, Desire HD, Desire Z/T-Mobile G2, Panache/T-Mobile myTouch 4G, Gratia, Inspire 4G, ThunderBolt, Evo Shift 4G, Incredible S, Wildfire S, Droid Incredible 2, Nexus One, Merge, Sensation, ChaCha, Salsa, Evo 3D, myTouch 4G Slide, Evo 4G , Raider 4G/Vivid 4G/Velocity 4G, Rhyme, Evo Design 4G, Hero S, Amaze 4G, Explorer, Sensation XE, Sensation XL và Rezound.
Hiển nhiên, rất nhiều trong số này là những sản phẩm thất bại. Rezound, Evo 3D, ChaCha, Salsa..., mỗi chiếc thất bại theo một vẻ. Rezound quá đắt. ChaCha mang giao diện Android lên thân hình... BlackBerry. Salsa là sản phẩm mở màn cho một ý tưởng sẽ sống lay lắt tới tận 2013 với mẫu HTC First cũng thảm họa không kém: "Facebook phone", còn Rhyme thì lấp liếm cấu hình yếu bằng thông điệp "ngầm": Phụ nữ không cần điện thoại tốt, chỉ cần điện thoại màu... hồng tím.
Và đó là còn chưa tính đến một loạt các sản phẩm đã mở màn thảm hại cho thời đại mới của Windows trên điện thoại: HTC 7 Mozart, HTC HD7, HTC 7 Pro, HTC 7 Trophy, HTC Surround, HTC Radar, HTC Titan và HTC Titan II.
Đau lòng nhất, ngay đến cả những nỗ lực sáng tạo của HTC cũng thất bại thảm hại. Tháng 3/2011, HTC Evo 3D ra mắt để tận dụng cơn sốt hình ảnh 3 chiều đã được Avatar khai sáng một năm trước đó. Cái chết của các công nghệ 3D nói chung sẽ diễn ra rất từ từ, nhưng riêng Evo 3D đã "chết" ngay tại chỗ: chẳng mấy ai thực sự hứng thú với việc tự chụp ảnh 3D cho riêng mình cả.
Điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp những thiết bị như EVO 3D hay Rhyme, HTC vẫn tiếp tục tung ra những sản phẩm thực sự chất lượng. Đến cả HTC ChaCha cũng được ca ngợi vì có chất lượng gia công ngang tầm với siêu phẩm HTC Hero. Từng khởi đầu cho trào lưu thiết kế kim loại, đến Sensation, HTC tạo ra một tuyệt phẩm với tấm lưng 3 màu và màn kính vát tròn có thể khai sáng những "cảm xúc lôi cuốn" từ bất kỳ một tín đồ smartphone nào.
Nhưng "Sensation" và "Desire" sẽ sớm chìm trong một biển tên gọi vô nghĩa. Khi Samsung sẽ sớm có Galaxy và Apple vẫn luôn có "iPhone", HTC liên tục mở ra "phụ tố" như "S", "X", " ", "4G", "XE", "XL". Người dùng bị rối loạn: đâu mới là sản phẩm cao cấp nhất của HTC? Liệu tôi có thể yên tâm khi mua smartphone HTC ngày hôm nay chỉ để cảm thấy bực mình khi HTC ra mắt một phiên bản cải tiến nhỏ vào ngày mai?
Như thế, HTC đã tự cạnh tranh với chính mình.
Là đại diện của cả thế giới Android, HTC lại không thể chen chân vào một chiến trường sôi sục mới được Apple khai phá: tablet. Tháng 9/2011, công ty Đài Loan vén màn một mẫu tablet 10.1 inch với vi xử lý lõi kép ở mức giá... 850 USD. Jetstream, tên của mẫu tablet này, thậm chí còn được AT&T phân phối với giá 700 USD đi kèm hợp đồng... 2 năm.
Nỗ lực tiếp theo của HTC, Flyer (hay còn gọi là HTC View 4G), cũng chẳng khá khẩm hơn. Với màn hình chỉ 7 inch, Flyer có giá sau chiết khấu là 400 USD, đắt hơn cả iPad 9.7 inch đang thống trị thị trường. Chỉ trong vòng vài tháng, HTC đã phải vội vã giảm giá Flyer xuống còn 200 USD (vẫn là giá đi kèm hợp đồng 2 năm).
Chẳng ai bỏ tiền ra mua, và phải đến tận 2014 HTC mới "núp bóng Google quay trở lại sản xuất tablet với Nexus 9.
Khác với các mẫu smartphone đầu bảng, Jetstream và Flyer đều là những sản phẩm kém cỏi. Chúng gặp phải một vấn đề mà ngay cả tablet Android ngày nay vẫn gặp phải: phần mềm không tối ưu. Trên trải nghiệm dở tệ này, HTC đã đòi hỏi những khoản tiền cao vô lý, đã đặt ra một chính sách giá "hoang tưởng".
Chỉ ít lâu sau đó, cái danh "hoang tưởng" của HTC càng trở nên trầm trọng khi Peter Chou đưa ra thông điệp "ngầm" rằng smartphone Android giá rẻ sẽ luôn có chất lượng dở tệ. Đáng tiếc, vị CEO huyền thoại của HTC đã không nhận ra một sự thật cay đắng: HTC chỉ là một nhà sản xuất smartphone. HTC sẽ luôn phải mua linh kiện từ bên ngoài, trong khi các đối thủ như Sony và Samsung có thể tự sản xuất và tùy biến tấm màn, chip SoC hay cảm biến camera cho chính smartphone của mình. Tệ hại hơn, chiến lược sản phẩm đầy rối loạn của HTC vừa khiến cho các chiến lược hoạch định trở nên rối loạn, vừa khiến giá mua linh kiện lẫn chi phí sản xuất tăng cao.
Năm 2012 sẽ sớm đánh dấu bước ngoặt của thị trường Android với cú sốc Galaxy S III. Nếu như Galaxy S thể hiện quyết tâm theo đuổi Android của Samsung và Galaxy S II là minh chứng cho thấy Samsung có thể tạo ra những chiếc smartphone chất lượng thì Galaxy S III lại là tuyên ngôn rằng Samsung có thể đưa Android lên đỉnh cao của thế giới. Danh hiệu "chiếc smartphone của năm" từ HTC lọt vào tay người Hàn.
Quan trọng hơn cả, Galaxy S III là bài học để đời cho bất cứ một gã lớn nào muốn đứng lên bá chủ thế giới: muốn bán được hàng thì phải "to mồm". Chiến dịch "Next Big Thing Is Here" của Samsung được tiến hành với chi phí hàng trăm triệu USD, mở ra những chiến thuật chưa mấy ai dám nghĩ đến như công kích Apple và công kích cả... fan của Apple.
Với một cộng đồng công nghệ đã quá ngán ngẩm với sự thống trị của iPhone và cũng đã phải chờ đợi một trải nghiệm Android hoàn thiện quá lâu, bộ máy marketing của Samsung đã biến Galaxy S III trở thành một biểu tượng thực thụ, một sản phẩm có thể đánh bại chiếc iPhone 5 đình đám.
Trong cùng một năm, HTC ra mắt One X, One XL, One S, One V, Evo 4G LTE, J, Desire C, Droid Incredible 4G LTE, Desire V, Desire X và J Butterfly. Quyết tâm "tinh giản lực lượng" tan vào mây khói. Không ai biết đâu mới là sản phẩm "số một" của HTC.
Nghịch lý vẫn tiếp diễn: mẫu đầu bảng One X vẫn thực sự là một sản phẩm chất lượng với Android 4.0, màn hình 4.7inch và vi xử lý NVIDIA lõi tứ. Chỉ vài tháng sau, HTC vén màn thêm một chiếc "One XL" sử dụng chip Qualcomm lõi kép. Sang đến 2013, tổng cộng 4 sản phẩm mang thương hiệu "HTC One" sẽ được nối tiếp bằng một chiếc smartphone đỉnh cao mang tên gọi... "HTC One".
HTC One là điểm khởi đầu cho cái kết của HTC. Trong một năm Samsung gây thất vọng lớn khi tiếp tục sử dụng lớp vỏ nhựa kém cao cấp cho Galaxy S4, HTC One đã giành lại vị trí "đại diện cho Android" từ tay đối thủ Hàn Quốc – ít nhất là trên khía cạnh chất lượng: cấu hình cao, Sense tinh giản, loa BoomSound choáng ngợp và nhất là thiết kế tuyệt mỹ. Danh hiệu "smartphone tuyệt nhất" từ một loạt các trang công nghệ uy tín là minh chứng cho thấy tín đồ Android không chỉ yêu cấu hình mà còn yêu những sản phẩm hoàn thiện về thiết kế và tính năng.
Cùng với One M3, HTC cũng mở ra một chiến dịch quảng bá quy mô với sự góp mặt của "Người Sắt" Robert Downey Jr. Từ bỏ khẩu hiệu "tuyệt vời một cách lặng thầm", HTC đã sẵn sàng bùng nổ.
Đáng tiếc rằng HTC đã không thể làm được phép màu "hồi sinh" như Apple của thập niên 90. Vị thế của người Đài Loan trên phân khúc cao cấp đã tiêu tan trước bộ máy marketing khổng lồ của Samsung và lòng hâm mộ cuồng nhiệt dành cho iPhone. Tháng 9/2014, Apple vén màn iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Cả thế giới phát cuồng với những chiếc iPhone màn lớn đầu tiên.
Đến đầu năm 2015, chẳng còn ai để ý tới chiêc One M9 vừa ra mắt. Cũng trong năm đó, Samsung đẩy mạnh nỗ lực thiết kế bằng cách tung ra bộ đôi Galaxy S6 cùng Galaxy S6 edge. Sau nỗ lực lật đổ bất thành của HTC One, thị trường smartphone cao cấp đã chính thức nằm gọn trong lưỡi kìm của Apple và Samsung.
Cũng trong khoảng thời gian này, các công ty Trung Quốc bắt đầu nổi lên với chiến lược phá giá cấu hình để đổi lấy thị phần. Điện thoại tầm trung của HTC nhanh chóng bị giết chết bởi những chiếc Xiaomi hay Huawei Honor có cấu hình ngang ngửa các mẫu Galaxy S hay HTC One nhưng giá chỉ bằng Desire.
Cứ như thế, HTC ngày một chìm sâu vào khủng hoảng. Doanh số của HTC 10 (sản phẩm từ bỏ thương hiệu One) tại Trung Quốc chỉ đạt... 251 máy. Ngay đến cả miếng bánh Nexus 9 được Google trao tặng cũng chẳng thể tạo ra sức sống mới cho nỗ lực tablet của HTC nói riêng hay cho tablet Android nói chung. Những cái tên rối loạn như "One M9 Prime Camera", "Desire 10 Lifestyle" và "10 evo" tiếp tục xuất hiện.
HTC U Ultra và HTC U11 ra mắt trong những lời chỉ trích "hoang tưởng" khi thế giới đang chuẩn bị quay cuồng với Galaxy S8 và iPhone X.
Và thật trớ trêu, chiếc điện thoại đáng chú ý nhất của HTC trong những năm gần đây lại đưa công ty Đài Loan trở về với điểm khởi đầu khiêm tốn của 10 năm trước: gia công cho Google. Cuối 2016, Google tỏ rõ tham vọng phần cứng khi ra mắt chiếc smartphone Pixel do HTC trực tiếp sản xuất. Doanh số của Pixel được ước tính vào khoảng 2,8 triệu chiếc, cao hơn tất cả những mẫu đầu bảng của HTC trong vòng 3 năm trước đó.
Những tưởng Google sẽ dìu dắt HTC thêm một năm nữa thì đến 2017, chất lượng dở tệ của bản mẫu Pixel 2 buộc gã khổng lồ tìm kiếm phải chuyển quyền sản xuất chiếc điện thoại này sang cho LG. Cuối tháng 9, Google tuyên bố bỏ ra 1,1 tỷ USD để mua lại đội ngũ kỹ sư HTC đã từng cùng Google phát triển Pixel 1. Điều đáng ngạc nhiên là HTC vẫn giữ phần còn lại của mảng mobile đã lụi bại.
Để làm gì ư? Có lẽ là để bán nốt cho một tên tuổi khác, hoặc tạo ra một mẫu One cuối cùng như một lời tri ân tới những tín đồ Android đầu tiên. Kết thúc quý 2/2017, HTC đã lỗ tới 64 triệu USD trên doanh thu chỉ vỏn vẹn 531 triệu USD. Không còn ai tin rằng HTC có thể hồi sinh nữa: Peter Chou đã rời bỏ HTC từ 2016, Cher Wang khi trở lại lãnh đạo cũng đã liên tiếp bày tỏ tham vọng từ bỏ smartphone để chuyển sang VR.
Như thế, thời đại Android đầu tiên sẽ sớm vĩnh viễn rời xa. HTC đã không còn là bộ mặt của Android từ lâu, đến hết 2018, liệu gã khổng lồ xứ Đài có còn sống sót để trở lại?