Đừng tưởng cứ nhiều RAM là máy chạy nhanh! (Phần cuối)

    PV, S&L 

    Cùng nhau tìm hiểu tại sao không phải lúc nào nhiều hơn cũng là tốt hơn.

    phần một của Series bài viết, chúng ta đã phần nào hiểu được tác dụng của RAM và mức độ ảnh hưởng của việc nâng cấp RAM với tốc độ chung của hệ thống. Không chỉ vậy, đó cũng là bước đầu tiên để bạn hiểu được rằng có nên nâng cấp RAM hay không và có những suy nghĩ đúng đắn hơn về việc này. Tuy nhiên, cho dù hệ thống quá chậm chạp bởi thiếu RAM đi chăng nữa thì bạn cũng không thể ngay lập tức chạy đi mua RAM và cắm vào máy. Lý do là còn nhiều yếu tố bạn cần xem xét trước khi quyết định có nâng cấp hay không?
     
    Khả năng nhận RAM của bo mạch chủ
     
    Không phải bạn cứ cắm bao nhiêu RAM thì máy sẽ nhận bấy nhiêu. Trên thực tế, khả năng nhận RAM của main là một trong những yếu tố quan trọng quyết định con số dung lượng bộ nhớ lớn nhất mà bạn có thể nhận được. Vượt qua ngưỡng này của main thì dù bạn có cắm thêm bao nhiêu RAM hay sử dụng cách nào đi chăng nữa thì  máy cũng không thể nhận thêm. Và kết quả là bạn chỉ tốn tiền oan.
     
     
    Tuy nhiên là tin vui là hầu hết các loại Mainboard đời mới hiện nay đều hỗ trợ tới 16GB RAM (thông số lý thuyết). Đối với nhu cầu phổ thông thì gần như chắc chắn người dùng không thể sử dụng hết, thậm chí là 1 nửa con số này. Bởi vậy, nếu bạn sở hữu một số main đời cũ thì hãy để mắt đến yếu tố này.
     
    Tuy thông số kỹ thuật của các dòng main "cũ" thường là hỗ trợ tối đá bộ nhớ RAM 4GB nhưng thực tế nó chỉ nhận được khoảng 3,5GB RAM vì nhiều lý do. Do đó, nếu kiểm tra thấy máy chỉ có 3,5GB RAM (trong khi trên giấy tờ mua bán là 4GB) thì bạn cũng đừng vội vác máy đi bảo hành hoặc "bắt đền" nhà phân phối linh kiện.
     
    Khả năng nhận RAM tối đa của hệ điều hành
     
    Bên cạnh khả năng nhận RAM tối đa của mainboard thì việc bạn sử dụng hệ điều hành nào cũng quyết định tới lượng RAM tối đa mà bạn có thể lắp. Vượt quá giới hạn RAM tối đa mà HĐH xử lý được, bạn sẽ mất tiền vô ích cho phần dung lượng thừa đó.
     
    Mỗi phiên bản Windows có khả năng nhận RAM khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thông thường, một hệ điều hành 32 bit sẽ chỉ nhận tối đa 4GB RAM (còn phụ thuộc vào main và phiên bản của Windows). Dưới đây là khả năng nhận RAM của một số phiên bản Windows mà bạn cần lưu tâm.
     
    Windows XP (all versions) 4 GB RAM*
    Windows Server 2003 (and SP1), 4 GB RAM*
    Windows 7 Starter 2GB RAM
    Windows 7, các phiên bản khác: 4GB RAM (x86-32bits)
    Windows 7, x64-64bits: 8GB (bản Basic), 16 GB (Bản Home Premium), 192GB (Còn lại).
    Windows Vista, Starter 1GB RAM
    Windows Vista, các phiên bản khác: 4GB RAM (x86-32bits)
    Windows Vista, x64-64bits: 8GB (Bản Home Basic), 16GB (Home Premium), 128GB (Còn lại)
     
    *: RAM thực, không tính RAM ảo lấy từ ổ cứng.
     
    Với các phiên bản 64 bit, số lượng RAM bạn nhận được là rất lớn và bạn hầu như không phải quan tâm đến giới hạn này bởi nó vượt rất xa so với giới hạn của hầu hết các loại main hiện nay.
     
     
    Như vậy, nếu sử dụng Win 32 bit, các bạn chỉ nên dừng lại ở khoảng 4GB RAM. Nếu muốn hơn 4GB, hãy sử dụng Win 64 bit.
     
    Số khe cắm

    Nếu muốn nâng cấp RAM thì hiển nhiên bạn phải mua và... cắm thêm RAM. Chính vì vậy, bạn phải chú ý xem liệu máy bạn còn khe cắm RAM trống hay không. Hiện nay, các loại mainboard thông thường đều hỗ trợ 4 khe cắm RAM.
     
     
    Nếu không còn thừa khe cắm thì bạn nên cân nhắc nghiêm túc việc nâng cấp có cần thiết không bởi nếu muốn nâng cấp bạn sẽ phải mua mới hoàn toàn. Lý do là vì nếu sử dụng 2 thanh RAM có dung lượng khác nhau (chưa kể tốc độ Bus), hiệu năng đạt được sẽ không cao.
     
    Cắm thêm vào có lợi hay không?

    Đương nhiên đây là câu hỏi muôn đời của bất cứ việc nâng cấp linh kiện phần cứng nào. Để biết được việc nâng cấp có lợi hay không xin mời các bạn đọc lại phần 1 của bài viết. Ngoài ra, còn 1 số yếu tố liên quan đến công nghệ sau đây ảnh hưởng đến quyết định nâng cấp RAM của bạn.
     
    Hầu hết các loại mainboard hiện nay đều hỗ trợ công nghệ Dual Channel hay các công nghệ tương tự (nhưng hiện đại hơn với 3 4 channel chạy song song). Điều này mang lại hiệu năng tối đa cho máy tính.
     
     
    Để có được Dual Channel (của RAM) bạn cần nhiều yếu tố, một trong số đó là phải có RAM với thông số giống nhau. Đương nhiên, nếu bạn cắm thêm một thanh RAM với thông số khác vào có thể hệ thống sẽ không cho phép bạn kích hoạt tính năng Dual Channel.
     
    Ngoài ra, hãy chú ý sự xung đột thiết bị. Trong một số ít trường hợp, các thiết bị khác đặc biệt là Main không thể hoạt động được với RAM vì nhiều lý do. Hãy tham khảo kỹ trước khi quyết định có nâng cấp RAM hay không.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ