Bất cứ sự cố hư hỏng nào liên quan đến RAM đều dẫn đến hậu quả là máy làm việc chập chờn hoặc treo máy ngay lập tức. Khi RAM bị hỏng (nhiều khi chỉ đơn giản là chân cắm lỏng) thì máy không thể boot vào hệ điều hành được, và sẽ có những tiếng beep phát ra bên trong thùng máy cùng với màn hình xanh “chết chóc” xuất hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc RAM bị hư hỏng và bạn phải loại trừ dần từng khả năng một trước khi đi đến quyết định cuối cùng là thay RAM mới.
1. Sau khi di chuyển máy tính sang một vị trí khác, máy không vào được HĐH nữa
Nếu vấn đề xuất phát từ RAM thì nguyên nhân có thể chân cắm bị lỏng, bạn chỉ việc tháo ra và cắm lại (có thể bạn phải cắm vào khe khác nếu vẫn không khắc phục được), đảm bảo lau sạch chân cắm RAM bằng một tờ giấy sạch và mịn, chùi dọc theo các thớ đồng ở chân RAM. Gắn lại thanh RAM một cách cẩn thận bằng cách đè hai bên đầu thanh, đẩy nó vào khe cắm trên mainboard. Lưu ý không cố gắng dùng sức để ấn vào. Nếu cảm thấy kẹt, có thể do bạn đã gắn sai hướng RAM vào chân cắm. Phải đảm bảo các chốt hai bên cánh đã vào đúng khớp hai bên hông thanh RAM.
2. Dual Channel
Nếu máy hỗ trợ kênh đôi (Dual Channels) mà bạn lại đang gắn thêm 1 thanh RAM nữa cho máy, bạn phải cắm đúng vị trí qui định theo sách hướng dẫn của mainboard. Nếu không, máy chỉ tăng dung lượng RAM thôi chứ không tăng tốc độ vì vẫn chạy ở chế độ kênh đơn (Single Channel).
3. Lỗi do nguồn
RAM bị hư cũng có thể do bị sốc điện, nguồn bị mất đột ngột như cúp điện khi máy đang hoạt động. Trừ trường hợp nguồn hệ thống có vấn đề, nếu không khả năng này ít xảy ra, thậm chí ngay cả khi máy của bạn bị chập điện. Việc sử dụng bộ nguồn tốt sẽ cho bạn sự an toàn cao hơn và loại được sự cố liên quan đến nguồn điện.
4. Cắm thêm RAM
Khi cắm thêm một thanh RAM vào hệ thống, cần quan tâm đến tính tương thích giữa thanh RAM đó với mainboard của bạn, cũng như khả năng hỗ trợ dung lượng RAM tối đa là bao nhiêu, loại RAM gì, bus của RAM nên nhỏ hơn hoặc bằng bus hệ thống, cách cắm... Chẳng hạn chế độ Dual Channels có 4 khe cắm theo thứ tự 1, 2, 3, 4 thì bạn phải cắm là 1, 3 hoặc 2, 4 hoặc 3 khe cắm thì cắm 1, 3 hoặc 2, 3... Mặt khác, 2 thanh RAM tốt nhất phải cùng bus, những mainboard cũ còn giới hạn khả năng chỉ nhận một thanh RAM, do đó nếu máy không nhận hết dung lượng 2 thanh RAM sau khi gắn thêm vào, thì có thể là do nguyên nhân này.
5. Không vào được hệ điều hành
Nếu hệ thống không thể vào được hệ điều hành (bỏ qua sự cố về phần mềm, virus..., tức chỉ xét đến phần cứng), bạn muốn xác định nguyên nhân có phải do RAM hay không thì có thể dùng phương pháp thử chéo, tức đem thanh RAM này sang máy khác và thử thanh RAM khác ở máy của mình (dĩ nhiên, thanh RAM này phải còn tốt, đang hoạt động). Một khi không phải do thanh RAM gây ra thì bạn sẽ tiếp tục xét đến theo thứ tự card màn hình, ổ cứng, mainboard. Tất cả đều có thể thử chéo. Cách này tuy thủ công và tốn thời gian nhưng cho kết quả chính xác và không cần thiết bị test chuyên nghiệp.
6. Chọn RAM
RAM là thiết bị quan trọng và có tuổi thọ cao so với tần suất hoạt động liên tục của nó, việc sử dụng một thanh RAM của một hãng tên tuổi nào đó như Kingmax, Kingston... sẽ cho bạn sự đảm bảo dài lâu về chất lượng, cũng như chế độ bảo hành tốt. RAM thường hiếm khi tự nhiên hư hỏng trừ lỗi sự cố do sản xuất, hầu hết nó đều có thời gian bảo hành khá lâu (3 năm).