Trong tất cả các loại linh kiện máy vi tính, mainboard (hay còn được biết đến với tên gọi là bo mạch chủ) được coi như một phần vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Quả thực, mainboard được coi là nền tảng và bản mạch chính để lắp ghép các linh kiện cũng như kết nối chúng nhằm giúp cho PC có thể hoạt động. Bởi tính chất quan trọng của mình, người sử dụng nói chung và game thủ nói riêng nên lưu ý khá nhiều yếu tố để có thể chọn mua một chiếc bo mạch chủ vừa tiết kiệm mà vẫn đạt được mục đích
Kích cỡ
Yếu tố đầu tiên cần phải cân nhắc khi lựa chọn một chiếc mainboard là kích thước. Thật vậy, tùy theo nhu cầu mà người sử dụng có thể chọn lựa bo mạch chủ để phù hợp. Ví dụ, một chiếc mainboard cỡ nhỏ (Micro – ATX) sẽ rất hữu dụng trong việc lắp ráp PC với mục đích tiết kiệm không gian hoặc dùng cho những nhu cầu giải trí cơ bản như xem phim hoặc trình chiếu hình ảnh trong phòng khách.
Trái lại, một chiếc mainboard cỡ ATX sẽ phù hợp cho đại đa số khách hàng phổ thông. Không chỉ vậy, kích cỡ của bo mạch chủ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí các loại cổng cắm. Một chiếc mainboard có diện tích lớn hiển nhiên sẽ được “trang bị” các loại khe cắm và tính năng phong phú hơn so.
Slot cắm Ram
Thông thường, mỗi chiếc mainboard sẽ có từ 2 đến 4 chân để cắm Ram. Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý chọn mainboard đúng với chủng loại Ram mà mình sử dụng. Ví dụ, nếu CPU dùng thích hợp nhất với Ram DDR2 thì bạn cũng nên chọn mainboard có slot cắm và loại Ram tương ứng thay vì “đú đởn” đồ công nghệ cao như DDR3. Bên cạnh đó, mainboard có số lượng khe cắm Ram nhiều cũng là một lựa chọn thông minh khi bạn có thể thoải mái nâng cấp về sau để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của mình.
Đế cắm CPU (CPU socket)
Một trong những quyết định quan trọng nhất khi mua một chiếc mainboard là xác định loại CPU mà chiếc main đó hỗ trợ. Điều đáng nói là cả 2 hãng sản xuất vi xử lý lớn nhất thế giới là Intel và AMD đều có những loại sản phẩm khác nhau và được sản xuất với số lượng chân cắm khác nhau. Bởi vậy, nếu muốn mua một chiếc mainboard, hãy chú ý đến loại chip mà bo mạch chủ hỗ trợ cũng như số lượng chân cắm phù hợp.
Các cổng cắm PCI
Đa phần các loại mainboard ATX đều cung cấp ít nhất 4 khe cắm PCI mở rộng. Các khe này có thể dùng để cắm các loại card bổ sung như âm thanh, mạng. Đặc biệt, một số mainboard còn được tích hợp 1 khe PCI tốc độ cao hơn (PCI Express – PCIe) để người sử dụng có thể sử dụng card màn hình rời.
Bởi vậy, khi chọn bo mạch chủ, bạn nên tìm hiểu kỹ lưởng mainboard đó sẽ hỗ trợ bao nhiêu khe PCI, và có khe PCIe hay không. Nếu nhu cầu xử lý đồ họa cao (dựng phim, render ảnh hay chơi game) thì khe cắm PCIe luôn luôn là một tiêu chí vô cùng quan trọng để giúp bạn bổ sung VGA bất cứ khi nào có điều kiện.
Chip
Một điểm đáng lưu tâm khác khi lựa chọn mainboard chính là chipset. Dù mỗi hãng sản xuất có trang bị cho sản phẩm của mình những tính năng hấp dẫn hoặc độc đáo đến đâu, thì vẫn tồn tại một yếu tố hầu như tương tự giữa các loại mainboard. Đó là chipset. Mỗi loại chipset sẽ hỗ trợ những CPU và tính năng phụ thêm khác nhau. Ví dụ như băng thông của RAM, âm thanh HD hay bộ xử lý đồ họa tích hợp.
Các yếu tố phụ thêm
Bên cạnh những tính năng quan trọng kể trên, khi lựa chọn một chiếc bo mạch chủ, người sử dụng cũng nên để ý đến một số tính năng theo kiểu “giá trị gia tăng” như cổng xuất HDMI, chipset âm thanh tích hợp (có main tích hợp một số loại chip âm thanh khá tốt và cho xuất ra âm thanh 5.1 nhưng có loại mainboard chỉ cho xuất ra định dạng stereo).
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn phần nào hiểu được những yếu tố cơ bản nhất trong việc lựa chọn mainboard. Trong các phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích tính năng, thông số kỹ thuật và đưa ra lời khuyên cụ thể đối với từng dòng mainboard.