Trung Quốc ra lệnh cấm lạm dụng kháng sinh mạnh nhất, nhưng các chuyên gia nói giờ đã quá muộn

    zknight,  

    Vi khuẩn kháng colistin có cơ hội lan rộng, và sẽ gây ra nhiều ca nhiễm trùng vô phương cứu chữa.

    Cuối tháng 4 này, Trung Quốc sẽ thực hiện một “cuộc cách mạng” chống lại siêu vi khuẩn kháng thuốc: Họ sẽ chính thức cấm sử dụng kháng sinhcolistin làm phụ gia trong thức ăn chăn nuôi.

    Mỗi năm ở Trung Quốc, có khoảng 8.000 tấn colistin bị lạm dụng theo cách này, nhằm giúp vật nuôi tăng trọng và phòng bệnh không cần thiết. Hoạt động lạm dụng thúc đẩy vi khuẩn trở nên kháng thuốc, cả trên động vật lẫn con người.

    Bây giờ, động thái mới của chính phủ Trung Quốc được đánh giá là có trách nhiệm. Bởi nó sẽ hạ nhiệt tình hình kháng kháng sinh, đồng thời bảo toàn hiệu lực cho colistin, loại kháng sinh mạnh nhất và cuối cùng trong phác đồ điều trị nhiễm khuẩn trên người lúc này.

    Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia lo ngại hành động vào lúc này đã là quá muộn. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh ở mức cao. Các bác sĩ của họ sẽ sớm phải kê ngày càng nhiều đơn colistin trên người hơn, và vi khuẩn kháng colistin vì vậy sẽ có cơ hội lan rộng.

    Và nếu bạn còn nhớ, khi ngay cả colistin cũng không còn hiệu lực, nó sẽ gây ra những ca nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa, mà bây giờ ngày càng xuất hiện nhiều trên thế giới.

     Trung Quốc cấm dùng kháng sinh mạnh nhất làm phụ gia thức ăn chăn nuôi, nhưng các chuyên gia nói đã quá muộn

    Trung Quốc cấm dùng kháng sinh mạnh nhất làm phụ gia thức ăn chăn nuôi, nhưng các chuyên gia nói đã quá muộn

    Kế hoạch cấm sử dụng colistin trong thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc được tiết lộ trong một bài báo khoa học trên tạp chí Lancet hồi đầu năm. Colistin là một loại kháng sinh được sản xuất từ năm 1950. Mặc dù đã có mặt trong gần 7 thập kỷ, hiếm khi loại thuốc này được sử dụng để chữa trị bệnh cho con người.

    Tác dụng phụ của colistin khá nghiêm trọng, đặc biệt, nó có thể gây tổn thương thận. Cũng bởi vậy mà các bác sĩ chỉ sử dụng colistin, như một loại thuốc dự phòng cuối cùng trong trường hợp tất cả các kháng sinh khác đã mất tác dụng.

    Chỉ có những trường hợp nhiễm trùng máu, hoặc nhiễm trùng phổi hậu phẫu đa kháng thuốc, là hay phải sử dụng colistin nhất. Và cũng vì ít được sử dụng trên người như vậy mà colistin mới bảo toàn được tác dụng của nó.

    Nhưng từ lâu, các nghiên cứu đã tiết lộ: dù sử dụng colistin trên động vật cũng sẽ thúc đẩy khiến kháng sinh này mất hiệu lực trên người. Điều này đã thuyết phục được chính phủ Trung Quốc để họ ban hành lệnh cấm.

    Ngày 30 tháng 4 này, khi nó có hiệu lực, hơn 8.000 tấn colistin mỗi năm sẽ được loại bỏ khỏi hoạt động nông nghiệp ở Trung Quốc, nơi kháng sinh chăn nuôi bị lạm dụng nhiều nhất thế giới.

    Colistin thường được trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để phòng bệnh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Đó là một hành động lạm dụng, thúc đẩy siêu vi khuẩn phát triển và trở nên kháng thuốc.

    Nỗi lo lắng tiếp tục tăng cao, khi colistin bây giờ đã được kê toa trên người ở Trung Quốc. Động thái này sớm muộn cũng khiến nhiễm trùng kháng colistin trên người trở nên phổ biến hơn. Như chúng ta đã biết, đó là những ca bệnh vô phương cứu chữa. Bởi vi khuẩn kháng colistin nghĩa là nó đã kháng tất cả các loại thuốc hiện có.

     Vi khuẩn kháng colistin nghĩa là nó đã kháng tất cả các loại thuốc hiện có.

    Vi khuẩn kháng colistin nghĩa là nó đã kháng tất cả các loại thuốc hiện có.

    Ngay lúc này, vi khuẩn kháng colistin trong ngành nông nghiệp đã được cảnh báo ở mức rất cao, giáo sư Timothy Walsh đến từ Đại học Cardiff cho biết. Ông cùng giáo sư Jianzhong Shen, đến từ Đại học Nông nghiệp Trung Hoa, là hai trong số các tác giả bài báo trên tạp chí Lancet.

    Hầu hết các quốc gia đều đã không dám sử dụng colistin như một loại thuốc kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình sử dụng nó trong quá khứ đã kéo dài hàng thập kỷ. Và hậu quả là vi khuẩn đã có thừa thời gian để phát triển những gen hoặc hình mẫu kháng lại colistin.

    Một số vi khuẩn đã được xác nhận sở hữu gen “mcr-1”, gen kháng kháng sinh colistin. Đáng lo ngại hơn là mẩu gen này nằm trên DNA, mà có thể dễ dàng được chuyển từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Như vậy thì chúng có thể đồng loạt học được khả năng đề kháng với loại kháng sinh mạnh nhất của loài người.

    Bài báo công bố trên tạp chí Lancet là kết quả của nghiên cứu tài trợ bởi các tổ chức khoa học Trung Quốc và Anh. Trong đó, giáo sư Timothy Walsh và Jianzhong Shen đã điều tra sự phổ biến của các vi khuẩn mang gen kháng colistin trên người tại 2 bệnh viện Trung Quốc.

    Nó đã thuyết phục được chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm sử dụng colistin trong thức ăn chăn nuôi. Mặc dù vậy, điều này chưa khiến giáo sư Walsh quá hài lòng. Bởi lệnh cấm không áp dụng cho hành động sử dụng colistin để điều trị bệnh trên động vật, điều mà ông cũng ủng hộ nên dừng lại.

     Colistin thường được trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để phòng bệnh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng

    Colistin thường được trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để phòng bệnh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng

    Trở lại năm 2015, lần đầu tiên gen kháng colistin mcr-1 được phát hiện tại Trung Quốc. Ngay sau đó, nó cũng xuất hiện ở Mỹ, Đan Mạch, cùng hàng loạt quốc gia khác.

    Mặc dù chưa rõ Trung Quốc có kế hoạch đưa ra một hướng dẫn, giúp các bác sĩ trên đất nước này kê toa colistin hay không, nhưng giáo sư Walsh nói rằng có khả năng họ đã dự trữ loại thuốc kháng sinh mạnh nhất này, phòng cho các trường hợp khó chữa trị nhất.

    Đó là khi các xét nghiệm chỉ ra khả năng vi khuẩn gây nhiễm trùng đề kháng với tất cả kháng sinh khác, đặc biệt là carbapenems, cũng là một loại kháng sinh thuộc hàng mạnh nhất chuyên điều trị các nhiễm trùng đa kháng thuốc.

    Trung Quốc đang gặp vấn đề ngày càng nghiêm trọng với [vi khuẩn và nhiễm trùng] đề kháng carbapenem. Vì vậy, sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác”, giáo sư Walsh cho biết.

    Các bác sĩ ở Trung Quốc tất yếu sẽ phải kê đơn có colistin thường xuyên hơn, giống như nhiều trường hợp đã xuất hiện trên thế giới. Điều này sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc hiện có, bao gồm cả carbapenem và colistin, giáo sư Michael Gillings đến từ Đại học Macquarie, Australia lo ngại.

    Ông cho biết rằng đó là một tương lai khó tránh khỏi. Nhưng nếu các bác sĩ tại Trung Quốc có trách nhiệm hơn để sử dụng colistin thận trọng, họ có thể trì hoãn lại cơn ác mộng này không chỉ cho đất nước mình, mà còn cho cả thế giới.

    Xét nghiệm những bệnh nhân trước, để xem họ có mang gen mrc-1 hay không rồi mới kê toa colistin”, giáo sư Gillings nhấn mạnh. “Khả năng hoàn hảo nhất là đừng có dùng đến colistin. Nhưng bạn biết đấy, tôi sẽ không làm vậy nếu một bệnh nhân của mình [đã kháng tất cả các loại thuốc khác và] đang hấp hối”.

    Theo Qz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày