Những người từng gắn bó với chiếc PC từ thập niên 80, 90 chắc chắn đều hiểu rõ một điều: công nghệ bắt nguồn từ những vật dụng đi trước. PC khởi nguồn không chỉ từ những cỗ mainframe khổng lồ mà cả từ các cỗ máy gõ chữ lạch cạch. Macintosh OS và Windows đều khởi đầu với một không gian "desktop" (tạm dịch: đặt trên bàn) với các "vật phẩm" như cuốn sổ, đồng hồ, thùng rác, máy tính cầm tay... được ảo hóa.
Nếu được lịch sử ưu ái hơn, tablet có lẽ đã trở thành loại vật phẩm đầu tiên được "hi tech hóa": trong hàng triệu năm, con người đã quen với những phiến đá mỏng khắc chữ, những cuốn sổ, cuốn sách cầm tay. Trong thập niên 60, các bộ phim kinh điển như 2001: A Space Odyssey hoặc Star Trek đã vẽ ra tương lai về các loại thiết bị di động mỏng có màn hình cảm ứng để nhập liệu đơn giản.
Chẳng mấy lâu sau, các kỹ sư đã bắt tay vào công cuộc biến tầm nhìn viễn tưởng ấy thành sự thật. Đáng tiếc rằng trong thời đại của những cỗ máy bấm chữ, những bóng đèn chiếm cả căn phòng, "tablet số" chỉ có thể dừng ở một ý tưởng mang tên Dynabook.
Tác giả của Dynabook là Alan Kay, người đặt nền móng cho công nghệ, "như Neil Armstrong với chương trình thám hiểm không gian" – theo Fred Vogelstein, một cây viết lừng danh của giới công nghệ Mỹ. Trong một tài liệu nghiên cứu có tên "Máy tính cá nhân cho trẻ em mọi lứa tuổi", Kay mô tả về một ý tưởng sau này có thể dùng để mô tả cả iPad, Fire Tablet lẫn Surface:
Mất tới 20 năm, các đồng nghiệp của Alan Kay tại phòng nghiên cứu huyền thoại Xerox PARC mới có thể hiện thực hóa một phần Dynabook vào một sản phẩm có tên "Alto", chiếc máy tính đầu tiên có giao diện đồ họa trực quan GUI. Một chuyến tham quan phòng lab của Kay đã giúp Steve Jobs chế tạo ra LISA và Macintosh, khai màn thời đại GUI. Chàng trai Jobs lúc đó đã không "ăn trộm" chỉ ý tưởng GUI trên Alto mà còn tìm mọi cách để đưa Alan Kay về Apple vào năm 1984.
Đáng tiếc cho Apple, cho đến hết thời đại Macintosh, Apple vẫn chưa thể đi hết chặng đường khai phá hết ý tưởng tablet. Thế nhưng, như thể định mệnh đã sắp đặt sẵn, mối lương duyên trồng chéo của Apple, Steve Jobs và chiếc tablet đã bắt đầu. Từ 1983 đến 1985, Steve Jobs đã thuê nhiều công ty thiết kế tạo ra các ý tưởng Macintosh "thân dẹt", tiến sát đến ý tưởng "tablet" hơn bao giờ hết. Tháng 6/1985, Jobs còn yêu cầu ban quản trị Apple cung cấp 20 triệu USD đầu tư để sản xuất 20.000 tấm nền phẳng, đưa ý tưởng của mình vào sản xuất.
Yêu cầu bị từ chối, đổ thêm dầu vào mối quan hệ gay gắt giữa Jobs và CEO John Sculley. Ngày 17/9/1985, sau một cuộc "đảo chính" bất thành, Jobs rời bỏ công ty do chính mình sáng lập, chấp nhận rằng Apple nay đã thuộc về Sculley.
Nhờ có chiếc Macintosh đột phá và một bộ máy quản lý đã không còn rối ren, Apple bắt đầu đi vào giai đoạn hoàng kim với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục từ máy Mac. Không ngủ quên trên chiến thắng, Sculley vẫn hiểu rõ một điều: không một công ty nào nên đặt cược số phận của mình vào một sản phẩm duy nhất.
Alan Kay vẫn ở lại với Apple sau khi Steve Jobs ra đi. Nói về tương lai, Kay khẳng định với Sculley: "Lần sau, chúng ta sẽ không có Xerox nữa đâu". Toàn bộ doanh số của Apple lúc này, từ giao diện GUI trên chiếc Mac cho đến máy in LaserWriter, đều đến từ những ý tưởng bị bỏ phí của Xerox.
Tham vọng và nỗi sợ hãi thôi thúc đã giúp Kay và Sculley tạo ra mẫu concept máy tính bảng mang tên Knowledge Navigator. Dù sự thật là Alan Kay chỉ có thể đưa tablet từ một ý tưởng sang... một ý tưởng, Knowledge Navigator vẫn là một cột mốc chói lọi của Apple. Trước Apple (của Steve Jobs), Google, Microsoft và Amazon hàng chục năm, Apple của Sculley đã giúp con người có thể hình dung ra màn hình cảm ứng, camera tích hợp, điều khiển và nhập liệu bằng giọng nói, nhận diện hình ảnh, tìm kiếm dữ liệu, phân tích dữ liệu, lưu trữ "đám mây", nhắn tin qua mạng...
Điều lạ lùng nhất có thể xảy ra đã xảy ra: dù chỉ là 1 ý tưởng, Knowledge Navigator vẫn khiến thế giới công nghệ "phát cuồng". Thung lũng Silicon, phố Wall và cả Washington coi John Sculley là "nhà tiên tri" cho kỷ nguyên điện toán mới. Macintosh tiếp tục kinh doanh tốt, riêng Sculley thậm chí còn được mời đi dự lễ nhậm chức của tổng thống Bill Clinton.
Quan trọng hơn cả, những ý tưởng từ Knowledge Navigator sẽ góp phần tạo ra một sản phẩm bước ngoặt (và yểu mệnh của Táo). Cuối 1987, một kỹ sư tài năng của Apple mang tên Steve Sakoman tự khởi động một dự án mang tên "Newton" với mục đích tạo ra "một thiết bị số có kích cỡ ngang bằng giấy A4, có giao diện tương tác cảm ứng, có nhận diện chữ viết tay và có kết nối chéo bằng hồng ngoại".
2 năm sẽ trôi qua, Newton sẽ chứng kiến một loạt các xáo trộn và... chìm vào khủng hoảng. Cái chết đến cận kề với ý tưởng tablet mới khi CEO Sculley yêu cầu phó tướng Larry Tesler đến thu hồi tài sản và công nghệ từ Newton. Một bước ngoặt xảy ra: khi đến thăm dự án sắp "chết", Tesler bỗng nhận ra tiềm năng công nghệ (3 vi xử lý, pin chạy hàng tuần) của bản mẫu và thuyết phục "sếp" của mình đến tham quan. Tại phòng nghiên cứu, vị CEO của Apple nhận ra rằng Newton mang trong mình hình bóng của Knowledge Navigator. Không chỉ là có giao diện cảm ứng và khả năng nhận diện chữ viết, Newton thậm chí còn tự dự đoán và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Chiếc tablet này biết tự động đọc email để tự lưu liên lạc và đường dẫn, tự nhận diện ngày giờ để tạo lịch hẹn.
Sẽ phải mất thêm 4 năm nữa Newton mới được ra mắt. Xoay quanh dự án Newton, những cuộc đấu đá nội bộ liên tiếp diễn ra, những vấn đề phần cứng/phần mềm liên tiếp xuất hiện. Các bản mẫu Newton cỡ lớn dần dần rơi rụng, và sản phẩm hoàn thiện được Apple công bố vào năm 1993, kích cỡ cuối cùng của chiếc PDA này từ chỗ ngang ngửa tablet đã về gần với iPad Mini.
Khi Newton đi từ khó khăn này sang khó khăn khác, Apple cũng lần lượt bỏ lỡ danh hiệu tablet đầu tiên trong lịch sử và bỏ lỡ cuộc chiến tablet đầu tiên. Năm 1989, GRiDPad chạy DOS ra mắt với khả năng nhận diện chữ viết trên màn hình cảm ứng. Năm 1992, GO Corporation ra mắt hệ điều hành PenPoint OS, phát triển riêng cho những thiết bị dạng bảng mà người dùng có thể cầm trên tay để điều khiển bằng bút. Hệ điều hành này chính là điểm khởi đầu của thương hiệu ThinkPad lừng danh đến từ IBM: chiếc ThinkPad đầu tiên sử dụng PenPoint OS chứ không phải là Windows.
Ông chủ của phần mềm x86 hiển nhiên không đứng yên để đối thủ có thể đặt chân lên sân nhà của mình. Vài tháng sau khi PenPoint được công bố, Microsoft ra mắt phiên bản cảm ứng đầu tiên của Windows với tên gọi "Windows for Pen Computing" trên nền 3.1.
Tất cả đều không thành công. GRiD bị bán cho Tandy, Tandy bị bán cho AST, AST bị bán cho Samsung và rồi sụp đổ vì thua lỗ. Cả Windows for Pen Computing lẫn PenPoint OS đều không thể đạt thị phần đáng kể, bởi cả chất lượng phần cứng lẫn phần mềm đều chưa đạt đến độ "chín" được lòng người dùng. Chúng xấu và khó sử dụng.
Nhưng tất cả đều không thê thảm như Newton. Năm 1993, chiếc PDA của Apple ra mắt trong sự đón nhận nồng nhiệt của cả thế giới công nghệ. Gần như bất cứ một tính năng nào cũng được tán tụng lên tận mây xanh, bao gồm cả khả năng gửi file qua hồng ngoại! Thế rồi, đến khi ra mắt, chiếc Newton MessagePad được Apple nhượng quyền cho Sharp gặp phải một loạt các vấn đề về chất lượng. Tồi tệ nhất, khi tính năng nhận diện chữ viết không hoạt động tốt, người ta mang Newton ra so sánh với những cuốn sổ rẻ tiền và kết luận: đây chỉ là một phụ kiện vô dụng.
Dù vậy, Newton vẫn được coi là một sản phẩm mang tính lịch sử, bởi nhờ có chiếc PDA yểu mệnh này mà cả thế giới công nghệ nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ cảm ứng trực quan và hình thái di động cho thiết bị số. Hiển nhiên, gã khổng lồ sẽ thống trị tuyệt đối thế giới số cũng nhận ra điều đó: tự thập niên 90, Microsoft đã có Windows CE và Windows Mobile.
Những nỗ lực đáng chú ý nhất của Microsoft khi tấn công vào thị trường di động phải là Tablet PC. Thời điểm lúc này là 2002: sau thành công đầy thuyết phục của XP và ngay trong tâm bão Internet, gã khổng lồ phần mềm ra mắt một phiên bản XP mang tên "Tablet PC Edition". Với nụ cười rạng rỡ, chủ tịch Bill Gates cầm trên tay một chiếc Tablet PC với dòng chữ "Tablet PC is super cool".
Lời dự đoán ấy đã không thành hiện thực. Lần lượt những Tablet PC do Lenovo, Fujitsu, Toshiba và nhiều hãng khác ra đời chỉ để nhận về doanh số thảm hại. Đứng ở đỉnh cao thế giới với một núi tiền, Microsoft vẫn không chịu bỏ cuộc: một phiên bản cập nhật mang tên "Windows XP Tablet Edition 2005" ra mắt vào năm 2004. Đến 2006, ngay cả các phiên bản gốc của Vista đã được tích hợp trực tiếp các tính năng hỗ trợ cảm ứng.
Tất cả đều là vô nghĩa. Người dùng không mảy may quan tâm đến những chiếc Tablet PC giá 2000 đô mà cấu hình lại "làng nhàng" trong thời đại cảm ứng vẫn còn đắt đỏ. Tính đến 2007 – thời điểm Bill Gates khẳng định Tablet PC sẽ thống lĩnh thị trường, tổng thị phần của những chiếc tablet cảm ứng đến từ Toshiba, Fujitsu hay Lenovo mới chỉ đạt... 2%.
Tệ hại hơn nữa, Tablet PC là khởi điểm cho một cuộc cách mạng đã góp phần giết chết netbook và đẩy laptop vào suy thoái: iPad. Trong buổi ăn tối với một vị lãnh đạo của Microsoft – cũng là người bạn của vợ ông, Steve Jobs cảm thấy nóng mặt vì người này dám tuyên bố rằng Microsoft "tìm ra lời giải cho thế giới điện toán" bằng TabletPC. Gặp Scott Forstall, người từng đứng đầu bộ phận phần mềm của Táo, Steve Jobs giận giữ nói:
Và Apple bắt đầu công cuộc xây dựng công nghệ cảm ứng đa điểm cùng giao diện trực quan, đơn giản sẽ trở thành iOS sau này. Ban đầu, Jobs muốn tạo ra một chiếc tablet để dạy cho Microsoft một bài học.
Đến 2004, Jobs cùng Forstall ghé thăm một quán cà phê và nhận ra rằng điện thoại di động mới là thứ vật phẩm thiếu trực quan nhất thế giới. Ông yêu cầu thu nhỏ bản mẫu tablet của Project Purple để tạo ra iPhone.
Ngày 7/1/2007, Apple khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi ra mắt iPhone. Xóa bỏ đi tất cả những ấn tượng xấu xí, khó sử dụng và chậm giật của smartphone thế hệ trước, Steve Jobs mở ra một kỷ nguyên mới cho di động. Cũng như BlackBerry OS hay Symbian, số phận của Windows CE đã chính thức bị định đoạt. Microsoft thua cuộc hoàn toàn trong cuộc chiến di động và bắt đầu hành trình trượt dài khỏi vị thế thống trị thế giới.
Không phải tất cả mọi thứ đều đã khép lại với Microsoft: bộ sậu của Steve Ballmer hiểu rằng tablet cảm ứng vẫn sẽ là bước tiến tự nhiên tiếp theo của PC. Năm 2009, Gizmodo hé lộ về một dự án bí mật của chiếc tablet mang tên "Courier". Đó là một sản phẩm đi trước thời đại: với 2 màn hình cảm ứng 7 inch, Courier có thể gập lại nhỏ gọn hoặc mở rộng để tạo không gian sáng tạo cho tất cả mọi người. Và sáng tạo cũng là tuyên ngôn sống của Courier: đây sẽ là thiết bị Windows giúp cho người dùng có thể thoải mái vẽ vời, ghi chú cho thỏa trí tưởng tượng.
Thế rồi, đến ngày 27/1/2010, Apple ra mắt iPad. "Tablet" đã bị định nghĩa lại. Tháng 4/2010, Courier bị khai tử. Ngày 3/5, iPad bán được 1 triệu chiếc. Sau 80 ngày, doanh số máy tính bảng của Apple lên đến 3 triệu. Ngày 18/10, Jobs tuyên bố iPad đã vượt mặt Mac về doanh số trong quý 3 năm đó.
Khi so sánh với iPad, Bill Gates nói lý do vì sao một danh sách dài những chiếc tablet của Microsoft không thành công:
Ấy vậy mà sau này Microsoft vẫn sẽ đạt được thành công tương đối với những chiếc tablet không đẹp, không mỏng bằng iPad. Khi Courier bị khai tử, Microsoft đã đang trong quá trình phát triển Windows 8 và Windows RT, hai phiên bản Windows đầu tiên tích hợp thêm 1 loại giao diện dành riêng cho cảm ứng (Metro UI). Cuối năm 2012, đầu 2013, Microsoft lần lượt ra mắt Surface RT và Surface Pro để làm biểu tượng phần cứng cho tầm nhìn phần mềm mới – cảm ứng trên PC.
Đó là một khởi đầu không thể tệ hại hơn. Phiên bản Windows 8 đầy đủ gây tức giận cho người dùng vì quá tập trung vào cảm ứng mà làm "què quặt" các tính năng bàn phím/chuột truyền thống. Windows RT vì chạy trên ARM nên không thể hỗ trợ các ứng dụng x86 truyền thống. Những bản sao của Surface RT nhanh chóng ra đời chỉ để nhận lấy những lời chỉ trích của cả người dùng lẫn chính các đối tác sản xuất của Microsoft. Hơn 1 năm sau, tháng 8/2014, Microsoft khai tử danh mục Surface ARM lẫn Windows RT.
Thế rồi, đến quý tài chính đầu 2015, Surface bỗng nhiên trở thành một mảng kinh doanh tỷ đô của Microsoft. Dell, HP, Lenovo, ASUS... lần lượt hưởng ứng tầm nhìn tablet lai để dần dần hồi phục doanh số. Sức hấp dẫn của các thiết bị lai giúp cho thị trường PC giảm suy thoái ngay trong quý đó và quan trọng hơn nữa là tăng trưởng mạnh mẽ trên phân khúc đắt tiền. Người dùng PC, qua hàng năm trời "lười" nâng cấp, nay đã bị thu hút bởi tablet "lai" cao cấp.
Thành công bất ngờ của Surface trong năm 2015 cũng chính là lý do vì sao Microsoft đi trước Apple hẳn một thập kỷ nhưng không thể giành chiến thắng: tất cả các giao diện tablet của Microsoft trước Windows 8.1 đều bị phát triển "thêm thắt" từ giao diện chuột/bàn phím của PC. Phải đến Windows 8.1 và đặc biệt là Windows 10, gã khổng lồ phần mềm mới cân bằng được nhu cầu cảm ứng và chuột/phím trên Windows. Trước đó, tất cả những chiếc Tablet PC, tất cả các mẫu laptop cảm ứng chạy Windows Vista hay 7 đều ép người dùng phải dùng bút stylus trên những ứng dụng đồ họa xấu xí có các chi tiết nhỏ, khó sử dụng.
Steve Jobs thì sao? Ông diễu cợt bút stylus trong lễ ra mắt iPhone. iPad trở thành chiếc tablet đầu tiên không đi kèm stylus hay phần mềm nhận diện chữ viết. Trái lại, chúng đi kèm bàn phím QWERTY "ảo" đầy đủ để người dùng có thể nhập liệu một cách tự nhiên nhất bằng... hai ngón tay.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Steve Jobs luôn đúng. Ngay từ ban đầu, nhà sáng lập Apple đã cho rằng bản chất của tablet là những thiết bị tiêu thụ nội dung. Bởi Apple chỉ nhắm vào những người "chịu chi", doanh thu ứng dụng và sách báo điện tử từ iPad sẽ cao hơn hẳn từ tablet Android. Nói cách khác, tham vọng của Apple không phải là nắm giữ thị trường phần cứng mà là thao túng thị trường phần mềm và nội dung, nơi iPad chỉ là "công cụ" bán hàng.
Đáng buồn rằng, chỉ 3 năm sau, khi doanh số iPad ngừng tăng trưởng, vẫn chẳng có cuộc cách mạng ebook, nhạc số và ứng dụng nào diễn ra cả. Từ quý này sang quý khác, chiếc máy tính bảng của Steve Jobs đã lùi về trở thành diễn viên phụ cho iPhone.
Chiếc iPad có vai trò đặc biệt trong sự hòa giải của Apple và Microsoft trong thời đại mới. CEO Satya Nadella thậm chí còn chọn Office for iPad làm sự kiện đầu tiên để ra mắt công chúng sau khi nhậm chức. Các nhân viên Microsoft xuất hiện tại sự kiện iPad của Apple để giới thiệu Office. Nhưng ở sâu trong tâm can, 2 gã khổng lồ lại mang 2 tầm nhìn mâu thuẫn đến đỉnh điểm về tablet: Microsoft tin rằng cảm ứng là tương lai của PC, còn Apple tin rằng những chiếc PC không nên có cảm ứng.
Khi vai trò "tiêu thụ nội dung" của iPad sụp đổ, Apple buộc phải tìm hướng đi mới. Ngày 9/9/2015, Tim Cook công bố chiếc iPad Pro với màn hình lớn hơn Surface và mức giá khởi điểm lên tới 800 USD. Apple khẳng định iPad Pro là sản phẩm dành cho người dùng chuyên nghiệp khi thực hiện các tác vụ... không phức tạp đến tầm cỡ Mac. Apple muốn gia tăng tính năng đơn giản nhất của laptop cho tablet.
Còn Microsoft thì làm điều trái ngược Năm 2016, Microsoft chứng minh tablet có thể biến hình thành PC "khủng" nhất. 2017, hãng này ra mắt "Surface Laptop" như để "phán" một câu xanh rờn, tablet nay chỉ là một phần của laptop "thường" mà thôi.
Cuộc chiến tablet giữa 2 cựu thù lại tiếp tục. Nhưng có lẽ là sẽ chẳng có ai thành công cả: doanh số của Surface và iPad những năm qua vẫn cứ "lẹt đẹt" như vậy. Trong quý tài chính gần đây nhất –mùa mua sắm màu mỡ cuối năm 2017, doanh số Surface sụt giảm còn iPad gần như không thay đổi so với cùng kỳ 2016. Trong sự sống vật vờ ấy, với tầm nhìn trải rộng từ "nội dung" đến "người dùng chuyên nghiệp", với vô số phương thức kết hợp giữa tablet và laptop, với sự cạnh tranh quá mạnh mẽ từ smartphone cỡ lớn, Apple và Microsoft cuối cùng vẫn rối loạn. Apple và Microsoft vẫn chưa thực sự trả lời được một câu hỏi lớn: tablet sinh ra để làm gì?
2 gã khổng lồ buộc phải tiếp tục tranh đấu để tìm ra câu trả lời. Ngày 27/3, Apple vén màn ...... với một tầm nhìn hoàn toàn mới: đẩy mạnh trọng tâm vào giáo dục. Trước lời thách thức ấy, một Microsoft vừa phải từ bỏ tầm nhìn "tablet Windows giá rẻ cho nhà trường" qua Windows 10 S chắc chắn sẽ không nhẫn nhục ngồi yên.