Ngày 10/6/2000, AMD tổ chức một buổi tiệc lớn tại sân vận động San Jose Arena với sự góp mặt của vợ chồng siêu sao nhạc country Faith Hill và Tim McGraw.

Theo lời kể của Fran Barton, giám đốc tài chính (CFO) của AMD từ 1998 đến 2001, " Nhân viên AMD có thể đưa bất cứ ai tới cùng tham dự, vợ con, bạn bè... Ngay đến cả sếp chúng tôi cũng party tưng bừng. Sanders đi thăng bằng trên dây, rồi lại đi xe một bánh. Cảnh tượng hoành tráng như Hollywood vậy ".

Lý do của buổi tiệc hoành tráng này? Năm 1999, Advanced Micro Devices đã chính thức trở thành một đối thủ nghiêm túc của Intel khi ra mắt Athlon, dòng CPU được nhiều tạp chí danh tiếng vinh danh là "CPU của năm". Trong năm 2000, AMD thu về 1 tỷ USD lợi nhuận, cao hơn cả khoản lời Apple thu được trong lúc đang rục rịch bước lên đỉnh cao với iPod.

Năm 18 tuổi, Jerry Sanders suýt mất mạng sau một cuộc ẩu đả kinh hoàng. "Chúng đánh tôi nứt sọ, vỡ mũi. Rồi chúng bỏ mặc tôi nằm chờ chết trong thùng rác" .

Sau 3 ngày hôn mê, chàng trai trẻ có ý chí kiên cường ấy đánh bại thần chết.

"Tôi có lần đã nói, 'Với tôi, cái chết là thứ chấp nhận được, nhưng thất bại thì không. Tôi thà chết chứ không chịu thất bại."

Sau một thời gian làm việc cho công ty hàng không Douglas Aircraft, Sanders chuyển đến làm việc cho Motorola, nơi phong cách sống ngổ ngáo của ông nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo thủ cựu. Trong văn phòng, Sanders treo một tấm poster lớn có nội dung nhái Thánh Thi XXIII: "Vâng, dù con đi qua vũng tối của sự chết, Con không sợ điều ác, Vì con là thằng chó chết khốn nạn nhất ở cái vũng này".

Điểm đến tiếp theo của Sanders, Fairchild Semiconductor, cũng nhanh chóng trở thành địa ngục khi nhà sáng lập Sherman Fairchild chiêu mộ một phần lớn bộ sậu của Motorola Semiconductor. Bất mãn, một vài nhân viên của Fairchild ngỏ ý cùng Sanders tách ra thành lập một công ty mới. Ông chỉ chấp nhận với một điều kiện duy nhất: ghế chủ tịch. Bất chấp một vài tiếng nói phản đối, ngày 1/5/1969, AMD chính thức thành lập với Jerry Sanders ở vị trí CEO.

Cựu CFO Barton kể lại về Sanders: "Ông ấy là kiểu người lai giữa Don Quixote và Indiana Jones. Một gã đầy lý tưởng, không sợ lao đầu về phía cối xay gió và mơ những giấc mơ hoang đường".

Phong cách lãnh đạo của Sanders có lẽ cũng không khác tinh thần hành hiệp của Don Quixote là mấy. AMD trở thành một trong những công ty đầu tiên bán cổ phiếu cho nhân viên, cho phép từng người có thể cùng chia sẻ thành công và thất bại. Khi AMD "ăn nên làm ra", nhân viên có thể nhận được những khoản thưởng lên tới 1000 USD. Khi gặp khó khăn, Sanders vẫn kiên quyết từ chối sa thải, thể hiện rõ tư tưởng đối lập với Motorola Semiconductor. Ông muốn tất cả các nhân viên của mình cùng sống với giấc mơ đánh bại Intel.

"Ông ấy chiến đấu vì giấc mơ ấy trong hàng thập kỷ", CFO Barton kể lại. Ban đầu, AMD chỉ là một nhà cung ứng hạng hai cho các công ty sử dụng chip Intel. Năm 1982, khi IBM ép Intel phải có thầu phụ trong hợp đồng dành cho chiếc IBM PC, Sanders thuyết phục được "Gã khổng lồ xanh" dành vị trí ấy cho mình. Suốt những năm sau đó, bất chấp một vài lần vượt mặt Intel về xung nhịp, về bản chất công ty của AMD vẫn là một "lò luyện chip" cho các thiết kế của Intel.

Bắt đầu từ mẫu 80386 (1985), Intel ngừng cung cấp thiết kế của mình ra bên ngoài. Trong vòng nhiều năm tiếp theo, AMD buộc phải tìm cách đạo nhái các dòng chip của Intel. Lối đi của AMD lúc này là ngõ cụt. Qua từng thế hệ, chip Intel càng ngày càng phức tạp: 486 có 1.18 million bán dẫn, Pentium (1993) có 3,1 triệu; Pentium Pro (1995) có 5,5 triệu bán dẫn. Quá trình sao chép càng ngày càng tốn kém, nhưng AMD vẫn phải dính với phân khúc giá rẻ để cạnh tranh thị phần với Intel.

Năm 1990, một nhà phân tích của Merrill Lynch khẳng định AMD đã "chết". Mỗi lần Intel ra sản phẩm mới, AMD thường phải mất tới 4, 5 năm mới có câu trả lời.

Đường đi mới là bắt buộc. Năm 1996, nỗ lực tự thiết kế chip của AMD kết trái dưới tên gọi K5. Khó khăn vẫn ngập tràn, bởi K5 có hiệu năng chỉ ngang ngửa chip Pentium đời đầu nhưng lại ra mắt sau Pentium Pro hẳn 1 năm.

Lúc này, một tên tuổi mới xuất hiện trên bản đồ bán dẫn toàn cầu: NexGen. Với quy mô chỉ 60 kỹ sư và một khoản đầu tư không đáng kể từ IBM, NexGen chỉ mất vài tháng để tạo ra một mẫu CPU x86 ngang ngửa với Pentium II có tên gọi Nx686. Đáng tiếc rằng dù sở hữu một đội ngũ kỹ sư tài năng, NexGen cũng chỉ là một gã tí hon so với cả Intel lẫn AMD.

Phép màu đến với cả AMD và NexGen khi Bill Gates bỗng dưng bày tỏ mong muốn gặp mặt Atiq Raza, nhà sáng lập gốc Pakistan của NexGen. Trong buổi gặp này, Gates khẳng định với Raza rằng AMD và NexGen chính là 2 mảnh ghép hoàn hảo: AMD có nhà máy nhưng toàn sản phẩm dở, NexGen có sản phẩm tốt nhưng không có nhà máy.

Raza đồng tình và chia sẻ với Gates rằng ông không biết làm thế nào để tiếp xúc với AMD. Gates cầm điện thoại gọi cho Sanders, và hai mảnh ghép trở thành một theo cái cách không thể lạ lùng hơn:

“Khi tôi được Bill giới thiệu với Jerry Sanders, ông ta thậm chí còn không thèm dừng để nghe rõ tên tôi. Ông ta gọi tôi là ‘Raja’. Trong suốt 45 phút ông ta khẳng định AMD sẽ đè bẹp NexGen. Tôi ngồi nghe điện thoại với một nụ cười trên miệng, nhưng tôi làm thế nào để nói chuyện với một kẻ như vậy. Bảo sao Bill lại nói với tôi rằng ‘Đừng đánh giá thấp Jerry. Hắn là kẻ thông minh, cực kỳ kiêu ngạo, và cực kỳ lung tung”.

Năm 1995, AMD mua lại NexGen với giá 615 triệu USD. Không chỉ được trao chức vụ COO, Raza còn được Sanders chọn làm người kế nhiệm ở vị trí lãnh đạo: theo tờ WSJ, đã có lúc nhà sáng lập của AMD gọi “thái tử” của mình là “Michael Jordan của bán dẫn". Cùng lúc, Nx686 (vốn được thiết kế cho dây chuyền IBM) cũng được AMD hoàn thiện dưới tên gọi mới: K6.

Năm 1997, K6 ra mắt với hiệu năng ngang ngửa với Pentium II. Lần đầu tiên trong lịch sử, AMD có thể cạnh tranh với Intel cả về giá lẫn hiệu năng. PC World khẳng định: “K6 233 sẽ có giá thấp hơn Pentium MMX 200 nhưng lại nhanh hơn mọi mặt. K6 nhanh hơn tất cả các mẫu CPU chạy Windows 95 và có lẽ sẽ có tốc độ ngang ngửa Pentium II ở cùng một xung nhịp”.

Bắt đầu từ đây, AMD thực sự trở thành đối trọng của Intel. Nhưng ngọn lửa mâu thuẫn cũng sẽ sớm bùng phát bên trong công ty của Jerry Sanders.

Tính cách của Sanders vừa dễ truyền cảm hứng, vừa dễ gây khó chịu cho các phó tướng tài ba. Patrick Moorhead, phó chủ tịch phụ trách marketing của AMD từ 2000 đến 2010 kể lại về ngày phỏng vấn với Sanders: "Tôi đậu chiếc Camry 1990 của mình cạnh chiếc Bentley convertible của ông ấy. Chúng tôi nói về chuyện tạo ra khác biệt, thay đổi cả ngành công nghiệp chip và thực sự tôi thấy rất tuyệt vời" .

Đi kèm với chiếc Bentley convertible là văn phòng đặt tại Beverly Hills (gần Hollywood) thay vì tại trụ sở AMD. Với phó tướng Raza, những vật phẩm xa xỉ như vậy không phải là biểu hiện của một nhà lãnh đạo tốt. Vị cựu COO của AMD kể lại lần đầu tiên đến thăm nhà Sanders: "Ông ấy kể lại 'Tôi phải đấu giá với Madonna để mua căn biệt thự này. Cuối cùng tôi thắng'. Rồi ông ấy nói 'Tôi biết cậu đang nghĩ gì. Tôi tiêu xài nhiều hơn số tiền tôi làm ra.Từ trước đến nay vẫn vậy'. Lúc nghe câu này tôi bỗng thấy lo lắng. Rồi tôi nói rằng 'Tôi hy vọng rằng ông sẽ không tiêu xài kiểu như vậy ở AMD'".

Bất chấp lời khuyên ấy, thành công của K6 đã khiến cho AMD vứt bỏ hoàn toàn quá khứ dè xẻn đến từng chiếc máy... gọt bút chì. New York Times khẳng định: "Thói quen tiêu xài hoang phí của Sanders đã lan ra cả công ty. Những chiếc đồng hồ của nhân viên bán hàng nếu không phải là Rolex đều sẽ bị các vị quản lý ném vào sọt rác với lý do giữ hình ảnh cho AMD".

Nhưng AMD vẫn chưa phải là Rolex của thế giới bán dẫn. Bất chấp thành công tương đối của K6, cứ vài tuần một lần CFO Barton lại phải kéo AMD đi qua những 'thảm họa tài chính': “Trong một buổi họp thứ hai nào đó, sẽ có một người nói rằng ‘Chúng ta có vấn đề. Sản lượng giảm khủng khiếp và tuần sau không có hàng để bán. Thế rồi ai đó sẽ làm công việc của họ và một, hai ngày sau đó tôi sẽ nhận được email nói rằng ‘Hết lỗi rồi. Tuyệt vời hơn, doanh số sẽ lại tăng’” .

"Cả đời tôi không có thứ gì thử thách hơn thế", Barton hồi tưởng.

Trong lúc Raza và Barton ra sức "dập lửa", Sanders chỉ đứng ngoài ra lệnh. Theo lời kể của Raza, "Nếu Sanders liên tục để ý đến công ty của mình thì đã tốt. Nhưng ông ấy không như vậy. Ông ấy chỉ đến Silicon Valley từ thứ ba đến thứ sáu. Ông ấy sẽ bực mình nếu tôi gọi điện quá sớm hoặc quá muộn" .

Nếu như K6 là minh chứng rằng AMD có thể cạnh tranh với Intel thì K7 có thể coi là nỗ lực đầu tiên của AMD nhằm vượt mặt Intel. Nhờ công nghệ bán dẫn đồng được hợp tác phát triển với Motorola Semiconductor (lúc này vẫn là một trong số những gã khổng lồ vi xử lý), AMD chạm tay tới tiến trình 180nm sớm hơn đối thủ Intel hẳn 1 năm. Các con chip AMD nhanh chóng nhận được cú sốc về hiệu năng, sản lượng cũng nhờ chu trình mới mà tăng lên đáng kể.

Đây cũng là giai đoạn đội ngũ kỹ sư của AMD đạt tới đỉnh cao về chất xám: khi DEC bị bán cho Compaq vào năm 1998 và dự án chip Alpha của hãng này bị khai tử, Sanders ra tay thâu tóm toàn bộ các kỹ sư mất việc. Sự kết hợp giữa đội ngũ của Raza cùng các kỹ sư tài năng của Alpha giúp Athlon K7 đạt 3 cột mốc cực kỳ quan trọng: chip đầu tiên chạm tới tốc độ 1GHz; chip đầu tiên hỗ trợ DDR (kênh đôi) trong khi Pentium III vẫn chỉ có SDR; socket đầu tiên phát triển riêng cho AMD thay vì phải dựa dẫm vào Intel như trước kia.

Nhưng trong lúc tương lai của AMD đang ngày một tươi sáng hơn, Raza bất ngờ đệ đơn từ chức vào ngày 23/6/1999, tức chỉ vài tuần sau ngày ra mắt của Athlon K7. Giới đầu tư bày tỏ quan ngại, bởi “Atiq là người duy nhất trong bộ máy lãnh đạo của AMD có thể hiểu được công nghệ đằng sau K6 và K7”, trích lời WSJ.

Không mấy bất ngờ, lý do khiến cho “Jordan của bán dẫn” từ bỏ AMD chính là kiểu làm ăn "vung tay quá trán" của Sanders. Vị cựu COO của AMD kể lại: “Với tôi, giọt nước làm tràn ly là khi Sanders bắt đầu xây dựng một nhà máy mới tại Dresden bằng vốn vay. Vấn đề là AMD không có đủ vốn để duy trì cho các nhà máy. Chúng tôi không cần thêm bất cứ một nhà máy nào cả, ít nhất là trong vòng 1 năm tiếp theo. Tôi nói đừng làm vậy. Tôi ra lệnh ngừng tất cả các đơn hàng. Ông ấy giấu tôi và tự mình tiếp tục”.

Rồi Sanders giải thích với Raza: "Real men have fabs" - "Đàn ông thì phải sở hữu nhà máy luyện chip". Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, vị COO từng được hy vọng sẽ thế chỗ Sanders đã vĩnh viễn rời bỏ AMD.

Bất chấp tổn thất này, thành công của Athlon K7 vẫn giúp cho AMD gia tăng doanh số từ 2,5 tỷ USD năm 1998 lên mức 4,6 tỷ USD năm 2000.

Khi đã giáng được cho Intel một đòn đau, Sanders lại phải suy nghĩ đến tương lai của AMD. Trong con mắt của ông, người duy nhất có thể thay thế Raza là Hector Ruiz, giám đốc bộ phận bán dẫn của Motorola.

Quen nhau sau thương vụ hợp tác 1998, Sanders để mắt tới Ruiz vì cả hai đều đã từng trải qua tuổi thơ đầy khó khăn: Ruiz là người Mexico, tuổi trẻ phải đi bộ qua biên giới Mexico-Mỹ để đến học trường cấp 3 tại Eagle Pass, Texas. Chỉ 3 năm sau khi bắt đầu học tiếng Anh, Ruiz đã tốt nghiệp phổ thông ở vị trí thủ khoa. Tính đến thời điểm được Sanders mời gọi, Ruiz đã có bằng tiến sĩ và cũng đã gắn bó với Motorola được 22 năm.

Cách Sanders “quyến rũ” Ruiz cũng không mấy khác biệt so với Raza ngày nào: “Bây giờ anh cần một công việc thực sự. Hãy gia nhập AMD, và tôi hứa anh sẽ trở thành CEO trong vòng 1 hoặc 2 năm”.

Ruiz có lẽ đã cười thầm trong bụng. AMD vẫn chưa phải là một thế lực bán dẫn. Ngay đến cả mảng bán dẫn của Motorola – nơi Ruiz đang nắm quyền lãnh đạo – cũng có doanh số cao gấp 3 lần AMD trong năm 1998.

“Nhưng rồi tôi nghĩ, chỉ ở một công ty vớ vẩn như AMD tôi mới có thể tạo ra khác biệt. Chưa kể, trên khía cạnh công nghệ, AMD đang tiến xa hơn bất cứ tên tuổi nào tôi từng biết”.

Hector Ruiz nhận lời và trở thành COO của AMD vào tháng 1/2000. 2 năm sau đó, lời hứa của Sanders trở thành hiện thực và ghế CEO được trao lại cho nhà cựu lãnh đạo của Motorola Semiconductors.

Nhiệm vụ khó khăn nhất của Ruiz là thay đổi một di sản không mong muốn từ Sanders. Với giấc mơ đánh bại Intel, với vị thế của kẻ thách thức, Sanders cũng đã vô tình tạo ra tâm lý “kẻ về nhì” cho tất cả các nhân viên cấp dưới. Nói cách khác, “Chẳng có bất kỳ ai ở AMD tin rằng AMD có thể đánh bại Intel hay thậm chí là tạo ra một mối đe dọa thực sự đáng kể”, Ruiz kể lại.

Tệ hại hơn, trên mặt trận kinh doanh, việc thiếu đi một kế hoạch dài hạn cũng có nghĩa rằng vai trò của từng danh mục sản phẩm là không rõ ràng. Cuối thập niên 1990, AMD về bản chất đang sống bằng chip nhớ flash chứ không phải là CPU.

Trong suốt một thập niên trước khi Ruiz lên nắm quyền, thị phần CPU của AMD vẫn chỉ ở mức 15% và vẫn chủ yếu xoay quanh phân khúc giá mềm. Một tầm nhìn mới được Ruiz vạch ra: AMD phải trở thành một thương hiệu cao cấp có thể làm ăn trực tiếp với các gã lớn như IBM, Dell và Compaq. Với tầm nhìn mới, Ruiz đưa AMD tiến vào một thị trường cực kỳ khó nhằn đang do Intel độc chiếm: máy chủ.

Kiến trúc chip tiếp theo của AMD, K8, được ưu tiên phát triển cho máy chủ trước tiên dưới tên gọi Opteron. So với sản phẩm tiền nhiệm, K8 mang đến 2 cải tiến cực kỳ quan trọng. Đầu tiên, mạch memory controller được tích hợp trực tiếp vào chip để giảm độ trễ cho bộ nhớ - nguồn cảm hứng để tạo ra các mẫu APU sau này, khi AMD đã thâu tóm AMD.

Nhưng thay đổi đáng kể nhất của K8 lại là kiến trúc 64-bit, cho phép CPU của AMD có thể hỗ trợ các server UNIX có bộ nhớ lớn hơn 4GB. Trong khi người dùng sẽ phải mất thêm vài năm mới cảm thấy sức ép của 64-bit, Opteron K8 sẽ sớm trở thành một thắng lợi giòn giã của AMD trước Intel trên khía cạnh công nghệ: K8 có thể chạy các hệ điều hành và ứng dụng 32-bit mà không cần hy sinh tốc độ hay tính tương thích còn Itanium 64-bit của Intel lại phải giả lập x86 với độ trễ cực lớn. Phần lớn các bài benchmark tại thời điểm cuối 2003 đều cho thấy chip của AMD đè bẹp Intel về hiệu năng.

Đi kèm với các đột phá về công nghệ, AMD cũng sử dụng một phương pháp tiếp cận rất khôn khéo với AMD64: các kỹ sư dưới trướng Ruiz luôn sẵn sàng lắng nghe các góp ý từ Microsoft trong khi ủy ban phát triển IA64 lại chọn cách “chốt” thiết kế trước khi giới thiệu kiến trúc này tới giới phát triển phần mềm. Khi lợi thế hiệu năng của K8 đã được thể hiện rõ ràng, Microsoft thẳng thừng lựa chọn AMD64 thành tập lệnh tiêu chuẩn cho Windows, buộc Intel phải mua bản quyền công nghệ này tích hợp vào các con chip của chính mình.

Vai trò giữa Intel và AMD ngày nào bỗng dưng bị đảo ngược. Cục diện thị trường cũng vì thế mà thay đổi. Ước tính của giới tài chính cho thấy doanh số của Itanium trong năm đầu tiên chỉ vào khoảng 2.000 - 10.000 đơn vị, trong khi với Opteron con số này là 150.000. Tháng 8/2004, Sun Microsystems tuyên bố máy chủ Opteron áp đảo doanh số máy chủ IA64. Lúc này, cả IBM và HP đều đã trở thành đối tác của AMD. Từ chỗ hoàn toàn không có chỗ đứng trên thị trường máy chủ và workstation, đến đầu năm 2006 AMD đã đạt thị phần lên tới 22.9%.

Đã có lúc, Opteron còn cháy hàng tới mức AMD sẽ chỉ nhận đơn hàng của các nhà sản xuất OEM.

Bill Caders, đại diện của Intel, kể lại về thất bại trước AMD: "Rõ ràng Opteron là một sản phẩm cạnh tranh rất mạnh mẽ của AMD. Nội bộ Intel lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian vừa để giải quyết vấn đề của mình, không chỉ là với khách hàng trên thị trường mà là cả với báo giới".

Nhưng khi nhìn vào tình cảnh của AMD vào thời khắc hoàng kim, bạn cũng sẽ hiểu được vì sao AMD không thể thực sự trở thành một đối thủ ngang tầm với Intel theo cái cách Google trở thành đối thủ của Microsoft hay Samsung đã trở thành đối thủ của Apple. Năm 2003 - khi phát hành các mẫu chip K8, AMD lỗ 274 triệu USD. Năm 2005, năm rực rỡ nhất của Athlon và Opteron, AMD lãi 165 triệu USD. Một năm sau, AMD lỗ 166 triệu USD.

Điều gì tạo ra tình cảnh trồi sụt bất thường này của AMD? Theo đúng như dự đoán của Raza, chính các nhà máy chip bị xây dựng vô tội vạ đã khiến cho hãng này phải đốt tiền một cách vô lý. Năm 2001, AMD khẳng định tổng số vốn cần phải đầu tư vào Fab 30, Dresden sẽ là 2,6 tỷ USD cho đến cuối năm 2005. Khoản tiền phải "nướng" vào AMD Saxony, công ty con được thành lập để quản lý Dresden là 410 triệu USD.

Đi qua những khó khăn này, thương vụ mua lại ATI và cả sự tuột dốc không phanh của thị trường PC trong những năm gần đây khiến cho AMD cho đến bây giờ vẫn không thể trở thành một công ty ổn định về mặt tài chính. Chỉ riêng trong năm vừa rồi, đối thủ của Intel đã lỗ hơn 500 triệu USD, một phần lớn đến từ các trục trặc với nhà cung ứng GlobalFoundries (vốn chính là các nhà máy AMD tách ra thành thực thể riêng). Bước sang năm 2017, AMD bỗng dưng lại bừng sáng hy vọng với Ryzen, mẫu chip "khủng" có tỷ lệ giá thành/hiệu năng áp đảo cả Intel.

Lịch sử AMD từ trước đến nay vẫn vậy, lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên, có lỗ hay lãi cũng chẳng có gì bất ngờ. Nhưng từ một công ty nhỏ bé, dưới quyền một nhà sáng lập điên khùng, Advanced Micro Devices đã vươn lên trở thành một thế lực bán dẫn toàn cầu, thậm chí còn đánh bại được cả gã khổng lồ Intel trong cuộc đua 64-bit.

Chỉ như vậy thôi đã là một phép màu rồi.

Bài viết: Lê Hoàng

Thiết kế: Tom. V.,Hoang

Theo Trí Thức Trẻ

20/04/2017