World Cup 2022 đã đi được gần hết chặng đường.
Sau những cuộc đua tranh khốc liệt tới từng điểm số ở vòng bảng, hay những màn sút luân lưu thót tim ở vòng loại trực tiếp, những cái tên cuối cùng đã dần lộ diện.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các trận đấu đỉnh cao tiếp theo để xác định đội tuyển quốc gia nào sẽ lên ngôi vô địch, hãy cùng dành chút thời gian nhìn lại 48 trận đấu ở vòng bảng và 8 trận đấu loại 1/8 của vòng chung kết bóng đá thế giới năm nay. Chắc chắn, nhiều người hâm mộ bóng đá trên toàn cầu có thể mơ hồ thấy tồn tại một vấn đề. Đó là việc các trận đấu ở World Cup đang trở nên thiếu cảm xúc và nhạt nhòa hơn.
Thậm chí, sẽ không ngoa khi nói rằng kỳ World Cup ở Qatar lần này có thể sẽ là kỳ World Cup gây nhiều hụt hẫng nhất trong nhiều năm qua.
Đừng vội phản biện, đây không chỉ là một câu cảm thán, hay một quan điểm bị lấn át bởi cảm xúc cá nhân. Bởi chúng ta đã có các con số và dữ liệu để chứng minh cho điều đó.
World Cup 2022 có 6 trận đấu kết thúc với tỷ số 0 - 0 ở vòng bảng và tổng cộng 120 bàn thắng được ghi sau 48 trận (trong đó có riêng 15 bàn được ghi trong hai trận), tức là tỷ lệ trung bình 2,5 bàn mỗi trận. Để so sánh, kỳ World Cup 2018 diễn ra tại Nga có tổng cộng 122 bàn thắng được ghi tại vòng bảng, với tỷ lệ trung bình là 2,54 bàn mỗi trận. Còn tại vòng bảng kỳ World Cup 2014 diễn ra ở Brazil trước đó nữa, 136 bàn thắng đã được ghi, với tỷ lệ trung bình là 2,83 bàn mỗi trận.
Các con số cho thấy tổng số bàn thắng được ghi ở vòng bảng World Cup đã có xu hướng giảm trong 3 kỳ liên tiếp. Đồng thời, những trận đấu không bàn thắng ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Không chỉ vậy, hiệp 1 của các trận đấu tại vòng bảng của kỳ World Cup năm nay có tới 24 trận hòa 0-0, tức là tỷ lệ lên tới 50%. Để so sánh thì xác suất không có bàn thắng nào được ghi trong hiệp 1 của 5 kỳ World Cup trước đó cao nhất chỉ là 37%.
Tại sao việc ghi bàn ở World Cup năm nay lại khó khăn đến vậy, và người xem bóng có thể cảm thấy rất rõ ràng rằng các trận đấu đã không còn cảm giác trôi chảy mượt mà, hay chiến thắng cuối cùng của một trận đấu không còn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát các đường chuyền và sút bóng trên sân?
Ai là người phải chịu trách nhiệm cho một kỳ World Cup gây nhiều hụt hẫng đến như vậy?
Bóng đá đã bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Không chỉ còn là một môn thể thao đơn thuần, nó trở thành một cỗ máy, một hệ thống, chứa đầy kỹ thuật cao và sự tính toán. Trò chơi thể thao này đang ngày càng trở nên thực dụng, và nếu để ý kỹ, chúng ta có thể dễ dàng “gọi tên chỉ mặt” những kẻ đang phá hoại sự tuyệt vời của bóng đá đương đại.
Đó chính là việc hệ thống VAR đang biến trọng tài thành một công cụ; việc các đội phòng thủ thường xuyên “phạm lỗi chiến thuật” làm hạn chế nhịp độ phản công của đối phương; hay quá trình vận hành các dây chuyền đào tạo tài năng bóng đá trẻ đã sản sinh ra một lượng lớn cầu thủ có các đặc điểm giống hệt nhau như “gà công nghiệp”.
Đây chính là ba “kẻ tội đồ”đang âm thầm đánh cắp sức hấp dẫn của bóng đá hiện đại.
Năm nay, khi xem World Cup, hầu hết mọi người đều có chung một cảm giác bức bối khi thấy các cầu thủ dường như bị mắc kẹt trong sự kiểm soát của các hệ thống giám sát, khi mọi trận đấu đều được “nắm tay chỉ việc” bởi VAR - Video Assistant Referee - hay còn gọi là Hệ thống video hỗ trợ trọng tài.
Tất cả các bàn thắng, các quả phạt đền, tình huống việt vị và cả việc liệu bóng có đi ra ngoài đường biên hay không đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của hàng loạt camera độ nét cao được lắp đặt khắp sân. Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên mà sau khi một cầu thủ ghi bàn, anh ta cũng sẽ không ai dám ăn mừng quá phấn khích. Trọng tài chính sẽ không dám chỉ tay ngay lên vạch giữa sân mà phải đưa tay lên bấm tai nghe, còn các cổ động viên phải dán mắt vào màn hình lớn chờ phán quyết của vị "anh cả" mang tên VAR.
Một cuộc chơi thể thao đáng lẽ hoàn toàn thuộc về con người giờ đã chính thức bị những cỗ máy và AI thống trị.
Mục đích ban đầu của việc giới thiệu công nghệ VAR là để tránh việc tồn tại những quyết định xử phạt không công bằng trong bóng đá. Ví dụ, trong trận đại chiến Anh-Đức năm 2010, sau khi cầu thủ Frank Lampard thực hiện cú dứt điểm từ xa, bóng đã đi hẳn vào khung thành đội Đức nhưng trọng tài sau đó phán quyết bàn thắng không hợp lệ.
Những pha bóng có vấn đề trong lịch sử World Cup còn nhiều hơn thế, ngoài "Bàn tay của Chúa" nổi tiếng của Maradona ở World Cup 1986, còn có cú sút ấn định chức vô địch của tuyển Anh ở World Cup 1966 bởi Geoff Hurst ở phút thứ 101.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tin rằng sử dụng VAR là có lợi khi đem lại sự công bằng trên sân, khi chấm dứt các "hành vi bẩn thỉu", đồng thời hỗ trợ các bàn thắng bình thường và các quả phạt đền quan trọng. Mục đích ban đầu này đương nhiên là tốt. Hãy thử đặt mình vào vị trí của cổ động viên đội tuyển Anh năm 1986 hay 2010, bạn sẽ thấy việc triển khai VAR thật quan trọng biết bao. Nếu lúc đó có VAR, những trường hợp oan sai và tranh cãi như trên sẽ không xảy ra, và các trận bóng cũng sẽ trở nên công bằng hơn.
Chính vì vậy, trong kỳ World Cup 2018, FIFA đã chính thức đưa vào vận hành công nghệ VAR, phá bỏ quan điểm ngụy biện cho rằng "các phán đoán sai lầm cũng là một loại vẻ đẹp trong bóng đá".
Nhưng ở kỳ World Cup 2022 tại Qatar năm nay, dường như VAR đã can thiệp vào các trận đấu quá mức. Hệ thống này đã đưa hầu hết mọi diễn biến trên sân vào phạm vi giám sát, khiến nó thực sự trở thành “anh cả” đằng sau mỗi trận bóng đá. Đến đây, một câu hỏi đặt ra là có thực sự cần thiết phải theo dõi tỉ mỉ các trận đấu bóng đá đến như vậy hay không?
So với các môn thể thao khác, chẳng hạn như quần vợt và bóng chuyền, công nghệ hỗ trợ trọng tài quan sát sẽ tập trung vào việc quyết định xem liệu bóng có nằm ngoài đường biên hay không. Một sự tương đồng với bóng đá là trong nhiều trường hợp việc hỗ trợ ra quyết định loại này sẽ rất hiệu quả và cần thiết, như khi hỗ trợ phán quyết của trọng tài rằng cú sút xa của Frank Lampard năm 2010 đã qua vạch cầu môn hay chưa. Hay trong trận đấu giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha của kỳ World Cup năm nay, khi Kaoru Santoma thực hiện cú chuyền định mệnh, quả bóng đã đi hết đường biên ngang hay chưa.
Việc một quả bóng có đi ra ngoài đường biên hay không là vấn đề khoảnh khắc, và nó thường diễn ra ở tốc độ cao nên việc mắt người (cả khán giả lẫn các trọng tài) không thể theo dõi được chính xác là chuyện hết sức bình thường. Sự xuất hiện của VAR ở đây hoàn toàn cần thiết để tránh đi các tranh cãi không đáng có. Một ví dụ khác là tình huống để bóng chạm tay trong vòng cấm. Do vấn đề góc nhìn nên trọng tài có thể sẽ không nhìn thấy rõ khi có quá đông cầu thủ tụ tập trong vòng 16m50. Việc cần VAR hỗ trợ cũng là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, quả bóng có đập vào tay hay không cũng là một vấn đề khoảnh khắc, và việc dùng VAR để phán đoán xem nó đã đập trúng hay không là điều có thể xác định và tin tưởng được.
Nhưng giờ đây phạm vi can thiệp của VAR đã trở nên rất rộng, chẳng hạn như một số tình huống phạm lỗi trong vòng cấm, hay tình huống xác định việt vị. Không chỉ là vấn đề khoảnh khắc, các quyết định này liên quan đến hành vi của con người và do đó nó sẽ tạo ra nhiều biến số. Nhìn lại mục đích ban đầu của FIFA khi đưa ra VAR, dường như việc theo đuổi "sự công bằng tuyệt đối" trên sân đang bị ảnh hưởng đáng kể, khi một số lượng lớn bàn thắng đã không được công nhận và nhiều quả phạt đền đã bị đảo ngược quyết định.
Tại sao đây lại là vấn đề? Bởi các tình huống liên quan tới hành vi của con người thường xuất hiện các yếu tố không thể kiểm soát. Lấy ví dụ trận đấu giữa Uruguay với Bồ Đào Nha năm nay, pha để bóng chạm tay của cầu thủ Jimenez ở phút 88 là một trường hợp điển hình. Từ chuyển động quay chậm có thể thấy tay của cầu thủ này đã chống xuống khi anh bị ngã, và nó đã chạm vào trái bóng đang lăn tới. Vấn đề là việc chống tay là chuyển động rất tự nhiên của một người khi ngã xuống đất, và chắc chắn nó không thể liệt vào trường hợp cầu thủ dùng tay để mở rộng khu vực phòng thủ nhằm mang lại lợi thế cho mình.
Nhưng pha bóng này dù có VAR hỗ trợ, trọng tài vẫn quyết định thổi phạt đền. Một số người sẽ nói, quyết định của trọng tài như vậy dường như hơi quá khắt khe. Nhưng như đã nói ở trên, một khi đã sử dụng VAR để theo đuổi "sự công bằng tuyệt đối", thì sự khắt khe khi đưa ra phán quyết đương nhiên là khó tránh khỏi.
Một vấn đề quan trọng nữa là các tình huống việt vị. Trong kỳ World Cup năm nay, hiệu suất làm việc của tổ VAR để xác định việt vị trong các trận đấu có thể nói rằng đã chạm tới "đỉnh cao của sự tỉ mỉ". Dù đó là bả vai hay ngón chân cầu thủ rơi vào tình thế việt vị, chúng đều sẽ bị VAR chỉ điểm. Trong quá khứ, đôi mắt của trọng tài rất dễ phán đoán sai và bỏ sót lỗi việt vị, nhưng việc tính toán chi ly tới từng sợi tóc như kỳ World Cup năm nay quả là quá khác biệt.
Trong lịch sử, quy tắc về việt vị được tạo ra để mang tới lợi thế cho bên tấn công. Nhưng sau lần sửa đổi năm 1995, khi nhấn mạnh lỗi việt vị của tứ chi thay vì chỉ có đôi chân như trước, việt vị bắt đầu trở nên có lợi cho bên phòng thủ. Và giờ dưới con mắt soi xét tỉ mỉ của VAR, các phán quyết việt vị ở kỳ World Cup năm nay đã nâng nó lên một đẳng cấp mới, có thể hoàn toàn phá hủy lối chơi quen thuộc của một số đội bóng. Trong trận đấu giữa Argentina và Saudi Arabia, đội tuyển đến từ Nam Mỹ đã bị từ chối 3 bàn thắng trong vỏn vẹn 15 phút. Đáng chú ý là ngoài 3 tình huống này, Argentina còn bị thổi việt vị thêm 4 lần nữa trong các pha lên bóng ở hiệp 1.
Một số người nói AI là không thể sai lầm và VAR là đỉnh cao của sự chính xác. Nhưng một vấn đề gây tranh cãi là với sự hỗ trợ của công nghệ cao, các hình ảnh hiển thị của VAR trong các phán quyết lại không phải là người thật. Đó lại là các nhân vật mô phỏng. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thể bị thay đổi, can thiệp trước khi hiển thị để có lợi cho một bên nào đó hay không?
Dần dần, VAR đã dần biến vai trò của trọng tài thành kẻ phụ thuộc. Đặc biệt là trọng tài biên, giờ đây, bạn có thể nhận ra nhiều tình huống họ không dám phất cờ khi gặp lỗi việt vị, hay trước các tình huống phạm lỗi như trước dù ở rất gần. Thậm chí cả một số quả ném biên, phạt góc đều phải nhìn lại trọng tài chính, rồi chờ trọng tài chính chỉnh tai nghe để tổ VAR tư vấn.
Công việc của trọng tài chính cũng không khá hơn là mấy, khi những vấn đề nhỏ nhặt đôi khi cũng bị tổ VAR ở hậu trường gọi chạy tới xem màn hình ở ngoài sân. Các tình huống này rõ ràng đã làm gián đoạn nghiêm trọng nhịp độ của các trận đấu.
Trọng tài nổi danh Collina đã nói: “Dù công nghệ có tối tân đến đâu thì trọng tài vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng”.
Nhưng uy quyền của trọng tài chính đang dần phai nhạt. Trọng tài ngày nay đã trở thành một nhân vật thiếu khả năng đưa ra các phán đoán chủ quan, thiếu tự tin và tinh thần trách nhiệm, và một phần đáng kể nguyên nhân chính là sự ảnh hưởng của hệ thống VAR.
Mục đích ban đầu của VAR là tốt. Tuy nhiên, khi công nghệ cao bị chỉnh sửa quá mức và can thiệp quá nhiều vào trận đấu, thì trận bóng lấy con người làm trung tâm đã dần hóa thành một “video game” với những quy tắc đo lường đến từng milimet và sự điều khiển của công nghệ cao.
Một “tên trộm”khác ở kỳ World Cup năm nay bên cạnh VAR là những pha phạm lỗi chiến thuật, thứ thường xuyên làm gián đoạn các pha phản công và phá vỡ nhịp độ của các trận cầu.
Việc phạm lỗi từ lâu đã được coi là một phần của bóng đá, nhưng khi việc phạm lỗi phát triển thành một “chiến thuật” để các đội tận dụng nhằm giành chiến thắng là điều không bình thường.
Sau năm 2000, xu hướng phát triển của bóng đá chuyển từ phòng ngự sang tấn công, thông qua việc chuyển đổi trạng thái của phe tấn công và phòng thủ một cách nhanh chóng. Ở kỳ World Cup năm nay, minh chứng tiêu biểu nhất là trận thắng Iran của đội tuyển Anh, với hầu hết các bàn thắng đều đến từ những pha phản công ở khu vực giữa sân. Cầu thủ tuyển Anh sau khi cướp được bóng thường thực hiện các màn tấn công nhanh trong lúc hàng thủ bên phía đội bạn chưa thể quay về vị trí ổn định.
Trước đó ở kỳ World Cup 2018, Anh cũng đánh bại Panama với tỷ số 6-1 bằng lối chơi có phần tương tự.
Nhưng bóng đã hiện đại cũng theo sự thay đổi đó mà phát triển, khi bên phòng ngự cũng tiến hành tìm cách để “bẻ khóa” chiến thuật phản công nhanh này.
Với một đội bóng mạnh, họ có thể chống lại nó bằng cách dồn ép với cường độ cao, dùng sức mạnh cùng kỹ thuật cá nhân áp đảo để chèn ép đối phương không cho họ phát động phản công, thậm chí trực tiếp cướp bóng rồi phản công trở lại.
Còn với một đội bóng yếu hơn, mọi thứ đã đi theo con đường “xấu xa hóa”. Đó chính là việc các cầu thủ sẽ phạm lỗi ngay sau khi mất bóng. Và họ gọi đó là “phạm lỗi chiến thuật”.
Trong quá khứ, các trọng tài đặc biệt chú ý đến những pha phạm lỗi cản trở lượt tấn công và thường phạt thẻ vàng, thậm chí thẻ đỏ, nếu hành động đó quá lộ liễu, nguy hiểm hoặc có thể ảnh hưởng tới việc xuất hiện một bàn thắng.
Nhưng các đội bóng yếu hơn sau đó vẫn tìm ra cách “lách luật”, đó là phạm lỗi ngay khi vừa mất bóng ở phần sân đối thủ. Các cầu thủ lúc này thường dùng động tác kéo người bằng tay hoặc tiến hành va chạm nhẹ. Điều này không chỉ đạt được mục đích ngăn cản đối phương phản công mà còn tránh được việc bị phạt thẻ.
Ở kỳ World Cup năm nay, có một số đội bóng đã áp dụng chiến thuật này đến mức cực đoan. Ví dụ điển hình chính là Maroc. Đại diện đến từ châu Phi này trung bình phạm lỗi khoảng 15 lần mỗi trận đấu. Tức là cứ sau 6 phút, họ sẽ làm gián đoạn trận đấu một lần. Ví dụ, ở phút thứ 58 của trận đấu với Tây Ban Nha, cầu thủ Ziyekh đã phạm lỗi với cầu thủ Gavina ngay trên phần sân của đội Tây Ban Nha, chấm dứt sớm một pha phản công chớp nhoáng. Đó là minh chứng điển hình của chiến thuật này.
Có thể sẽ có người cho rằng, đội yếu muốn thắng đội mạnh thì phải làm mọi cách. Nhưng các số liệu đã chứng minh trên thực tế, phạm lỗi chiến thuật nhiều không mang lại chiến thắng. Ba đội phạm lỗi nhiều nhất ở vòng bảng của World Cup năm nay là Saudi Arabia (56 lần), Mexico (51 lần) và Ecuador (50 lần) đều đã phải sớm xách vali về nước.
Và sự tồn tại của cái gọi là “phạm lỗi chiến thuật” này đang khiến FIFA vướng vào vòng luẩn quẩn, khi một mặt họ đang muốn giương cao ngọn cờ fair-play, nhưng mặt khác lại chẳng thể thay đổi hay thậm chí dung túng cho chiến thuật tăng cường phạm lỗi này.
Quay trở lại với ví dụ của đội Maroc, họ phạm lỗi 44 lần trong ba trận ở vòng bảng, nhưng chỉ nhận một thẻ vàng. Bởi các pha phạm lỗi xảy ra ngay sau khi mất bóng, một dạng hành động được cho là phạm lỗi bộc phát vì ham bóng chứ không quá có chủ ý của cầu thủ. Nhưng quan trọng hơn cả, lý do đằng sau việc chỉ có một thẻ vàng này liên quan đến chuyện FIFA đang không muốn xuất hiện quá nhiều thẻ vàng trong một trận đấu. Bởi theo các quy định hiện nay, nhận thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến các trận đấu tiếp theo của cầu thủ bị phạt.
Có rất ít thẻ vàng được rút ra trong kỳ World Cup năm nay, chính xác là 200 thẻ sau vòng ⅛. So với các kỳ World Cup trước đây, con số ít hơn rất nhiều. Kỳ World Cup năm 2002 là 272 thẻ, năm 2006 là 373 thẻ, năm 2010 là 279 thẻ, năm 2014 là 187 thẻ và năm 2018 là 219 thẻ.
Số liệu thống kê đang cho thấy khi số lượng thẻ vàng có xu hướng đi xuống, các trận đấu không trở nên văn minh và đẹp mắt hơn. Neymar, danh thủ người Brazil, bị phạm lỗi 9 lần trong trận đấu đầu tiên của kỳ World Cup năm nay, dẫn tới việc bị dính chấn thương mắt cá dẫn tới phải nghỉ thi đấu 2 trận tiếp theo. Ở trận đấu đó, đối thủ của họ là Serbia chỉ nhận 3 thẻ vàng, thậm chí chưa bằng mức thẻ phạt trung bình.
Rõ ràng, sau kỷ lục về thẻ vàng của kỳ World Cup năm 2006, FIFA đã âm thầm và cố tình hạ thấp cường độ rút thẻ của các trọng tài. Nhưng chính điều này đã tạo cơ hội cho các đội đưa ra nhiều chiêu trò tiểu xảo hơn để phá rối nhịp độ trận đấu.
Kết quả là chúng ta đã chứng kiến một vòng bảng World Cup diễn ra chậm chạp và hụt hơi, với 120 bàn thắng sau 48 trận, với hiệu suất trung bình chỉ là 2,5 bàn thắng mỗi trận. Tình trạng này sau đó đã được cải thiện ở vòng loại trực tiếp 1/8, khi các đội ghi 28 bàn sau 8 trận, với trung bình 3,5 bàn mỗi trận. Lý do giải thích hóa ra rất đơn giản, một số lượng lớn các đội thi đấu với phong cách “phạm lỗi chiến thuật” đã bị đào thải. Càng vào sâu, tâm lý cũng chiến thuật thi đấu của các đội cũng sẽ dần chuyển biến theo từng đối thủ cụ thể khác nhau.
Nhưng nếu FIFFA tiếp tục giữ các quy định hiện hành về thẻ phạt, trong kỳ World Cup 2026 tới đây, khi số đội tham dự sẽ được mở rộng lên con số 48 thay vì 32 như hiện tại, chất lượng thi đấu của các trận thư hùng sẽ như thế nào, có lẽ mọi người đã dần mường tượng được.
Kể từ khi bóng đá bước vào thế kỷ 21, dưới mức độ thương mại hóa và chủ nghĩa thực dụng cao, hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ cũng trở nên dần thay đổi.
Ở các CLB châu Âu, do chú trọng tính hiệu quả nên các cầu thủ trẻ ngày càng trở nên cân đối về chiều cao và thể hình, với kỹ thuật hướng tới sự đơn giản và hiệu quả.
Đây là vấn đề tập trung vào hiệu suất. Bởi ai cũng rõ, chiều cao, sức mạnh sẽ tỷ lệ nghịch với độ khéo léo của các cầu thủ. Người chơi càng cao lớn thì sự nhanh nhẹn của anh ta bị giảm sút, một phần liên quan tới vấn đề trọng tâm của cơ thể.
Tất nhiên, có một số cầu thủ dáng người cao to vẫn sở hữu kỹ thuật và sự khéo léo. Nhưng đó đều là của hiếm, ví dụ như Ronaldo hay Ibrahimovic. Bản thân danh thủ Messi cũng phải nhờ vào việc tận dụng trọng tâm thấp để đạt được ưu thế tối đa khi rê dắt.
Do yêu cầu của bóng đá hiện đại, hệ thống đào tạo trẻ của các câu lạc bộ chuyên nghiệp châu Âu, cái nôi của nền bóng đá toàn cầu hiện nay, đang dần chịu ảnh hưởng dưới sự thỏa hiệp của thể hình và kỹ thuật. Họ đang đi theo hướng tuyển chọn nhiều cầu thủ cao lớn hơn với kỹ năng cá nhân hướng tới sự đơn giản. Bởi dù sao, bóng đá hiện đại đang đòi hỏi sự phối hợp giữa các tuyến, với tần suất chuyền và nhận bóng cao hơn là các pha đột phá rê dắt cá nhân. Các cầu thủ dần thui chột đi cá tính riêng và các kỹ năng cá nhân đặc trưng, bởi thứ được chú ý giờ là khả năng xử lý tốt khâu chuyền và nhận bóng. Các tiền đạo cũng hướng tới khả năng dứt điểm đơn giản, dứt khoát hơn là qua người kỹ thuật.
Kết quả là, một số lượng lớn cầu thủ có thể chạy nhanh, nhảy cao và dứt điểm tốt nhưng có kỹ năng cá nhân đơn giản đã được tạo ra.
Lấy ví dụ như hệ thống đào tạo trẻ của đội bóng Hà Lan Ajax. Nơi đây vốn nổi tiếng khi đã tạo ra các danh thủ có kỹ thuật cao một thời như Cruyff, Bergkamp hay Seedorf. Nhưng đừng vì thế mà lầm tưởng tư duy hoạt động của cơ sở này.
Tư duy bóng đá của Ajax là chơi bóng chỉ vì chiến thắng mà không có tính thẩm mỹ sẽ nhàm chán, nhưng chỉ theo đuổi tính thẩm mỹ mà không quan tâm đến kết quả sẽ là vô ích.
Dưới sự thay đổi của bóng đá hiện đại, hệ thống của Ajax đang ngày càng chú ý đến sự cân bằng và phối hợp tổng thể. Điều này dần khiến các cầu thủ của họ trở nên ôn hòa hơn, giống nhau hơn khi phong cách chơi tập trung vào kỹ năng cá nhân dần bị loại bỏ.
Tại kỳ World Cup năm nay, những cái tên nổi bật trong đội tuyển Hà Lan như De Jong, De Ligt đều thi đấu khá nhạt nhòa. Họ có thể vẫn là các cỗ máy chuyền bóng và chạy chỗ hiệu quả, nhưng đó rõ ràng không phải là thứ mà mọi người trông đợi. Và khi ngay cả Ajax vốn nổi tiếng với việc tạo ra các cầu thủ với kỹ thuật tinh tế trong quá khứ cũng đã dần biến đổi thành ra thế này, huống chi là lò đào tạo trẻ của các quốc gia khác.
Kể từ năm 2000, bóng đá châu Âu ngày càng theo đuổi lối đào tạo trẻ mang tính thực dụng và hiệu quả, đồng thời mài mòn đi sự khác biệt của các tài năng trẻ.
Những cầu thủ được sản xuất hàng loạt này, thậm chí bạn có thể thấy động tác kỹ thuật của họ cũng rất giống nhau. Bởi vì tất cả đều khá cao (đa số trên 1,8m), khi dẫn bóng họ sẽ ngẩng cao đầu và lao lên một cách dũng mãnh, bởi nhiệm vụ quan trọng nhất giờ đây là nhìn lên và quan sát thế trận, vị trí của các đồng đội để chuyền bóng. Yêu cầu họ chơi theo cách cảm tính và rê dắt bóng nhiều hơn là điều bất khả thi. Kiểu cầu thủ này bạn có thể dễ dàng nhận thấy rất phổ biến ở các đội tuyển như Đức, Hà Lan, Đan Mạch và thậm chí cả Anh.
Rất may, vẫn còn có những cá nhân thiên về lối chơi kỹ thuật như Neymar, hay Messi. Và đó là lý do tại sao những trận cầu của Argentina hay Brazil vẫn luôn thu hút sự chú ý của đông đảo những người đam mê trái bóng tròn. Chẳng phải vì mỗi cầu thủ của họ đều có kỹ thuật cá nhân riêng biệt, và có thể thể hiện vẻ đẹp của bóng đá bất kể khi đang chuyền hay dứt điểm hay sao?
Đáng tiếc rằng trong kỳ World Cup năm nay, ngoài một số cái tên nổi bật như Brazil, Pháp hay Nhật Bản, các đội bóng khác hầu hết đều bao gồm các cầu thủ xuất thân từ dây chuyền sản xuất bóng đá chuyên nghiệp châu Âu. Bởi đây vẫn là hướng đi có chi phí thấp và hiệu quả tương đối cao, đặc biệt tạo ra “sản phẩm” phù hợp với nhu cầu của các giải đấu chuyên nghiệp.
Nhưng với những cầu thủ như vậy, những đội bóng như vậy và những trận đấu như vậy, bóng đá sẽ ngày càng mất dần đi sức hấp dẫn vốn có.
“Ba tên trộm”nói trên đều là sản phẩm của chủ nghĩa thực dụng ngày càng tăng trong bóng đá. Chúng ta sẽ không biết lợi nhuận thương mại và việc chạy theo mục tiêu chiến thắng thuần túy sẽ đẩy bóng đá đi tới đâu.
Nhưng có một điều chắc chắn, đó là thời của chủ nghĩa lãng mạn trong bóng đá đã qua rồi.