Nếu phải dùng một âm thanh duy nhất để mô tả Samsung trong quý cuối cùng của năm 2017 thì đó chắc chắn sẽ là một tiếng thở phào nhẹ nhõm.
Tháng 11, cổ phiếu của gã khổng lồ Hàn Quốc sụt giảm mạnh sau khi giới đầu tư đưa ra dự đoán rằng thị trường chip nhớ đã bắt đầu đi vào suy thoái trong "siêu chu kỳ" tăng giảm. Tuy vậy, đến tháng 12, giá bán DRAM cho máy chủ tăng 45%, DRAM cho di động tăng 20%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kết thúc năm vừa qua, gã khổng lồ Hàn Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh để chạm mốc 15 tỷ USD. Con số này cao hơn 74% so với cùng kỳ năm 2016 và sẽ tiếp tục chứng kiến Samsung đè bẹp đối thủ Apple để trở thành công ty công nghệ có lợi nhuận cao nhất thế giới.
Nhưng đây có thể là tiếng thở phào nhẹ nhõm cuối cùng trước khi bước vào thời kỳ mới cam go hơn rất nhiều. Phó chủ tịch Gartner, Andrew Norwood khẳng định:
Đó cũng là nhận định của các nhà đầu tư phố Wall và thậm chí là cả các nhà đầu tư Hàn Quốc. Năm 2017, bất chấp sự thật rằng tổng doanh thu của các tập đoàn Hàn Quốc đạt mức cao nhất lịch sử nhờ vào chip nhớ, giám đốc công ty phân tích thị trường Chaebul.com vẫn buộc phải đưa ra nhận định u ám: "Giá chip suy giảm là không thể tránh được".
70% lợi nhuận của Samsung trong quý 3/2017 đến từ mảng chip. Con số này được dự kiến sẽ không thay đổi quá nhiều trong quý 3.
Thử thách lớn nhất đối với tương lai của Samsung, ít nhất là trên mặt công nghệ, sẽ không phải là cái kết tất yếu của "siêu chu kỳ" chip đang diễn ra. Theo ước tính của GBH, tính đến hết năm 2017 tổng số S8/S8 và Note8 bán ra đã đạt tới 33 triệu chiếc. Một nguồn tin khác, HMC Investment & Securities, cho rằng số lượng Note8 bán ra hiện đã đạt 10 triệu chiếc.
Thế nhưng, trong khi Samsung vẫn là đối thủ duy nhất của Apple trên phân khúc cao cấp, những chiếc Galaxy cao cấp vẫn chưa thể so với iPhone về doanh số. Theo các nhà phân tích tại Rosenblatt, số iPhone X bán ra tính riêng trong ngày Black Friday vừa qua đã đạt 6 triệu chiếc. Tương tự, tính toán của Forbes cho thấy số lượng iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X bán ra có thể lên tới 1 triệu chiếc mỗi ngày.
Doanh số thấp hơn Apple trên phân khúc cao cấp chính là lý do vì sao Samsung vẫn chiếm số 1 thế giới về thị phần smartphone nhưng mảng di động lại không đóng góp nhiều cho chiến thắng về tổng lợi nhuận. Kết thúc quý 4 vừa qua, lợi nhuận của mảng di động có thể sẽ không tăng trưởng so với mức 2,5 nghìn tỷ won đạt được trong quý 3.
Một trong những chìa khóa bắt buộc phải có để đánh bại Apple là phần mềm. Nhưng Samsung không có hệ điều hành ngang tầm iOS, thay vào đó buộc phải sử dụng Android của Google. Với chiếc Pixel ra mắt ngay trong tâm bão Note7, Google đã bộc lộ một tham vọng rõ ràng: biến Android thành của riêng mình.
Đòn đáp trả của Samsung là Bixby, trợ lý ảo cao cấp đã có mặt trên Galaxy S8 và Galaxy Note8. Tháng 18/10, tại hội nghị các nhà phát triển tự tổ chức tại San Francisco, Samsung công bố Bixby 2.0 với mục tiêu tích hợp trợ lý ảo này vào cả điện thoại, TV và tủ lạnh.
Quan trọng hơn, qua công nghệ tích hợp của Viv Labs, Bixby sẽ được phát triển mở rộng cho cả các bên thứ ba. Điều này có nghĩa rằng, một ngày nào đó, trợ lý ảo của Samsung sẽ có mặt trên sản phẩm của chính các đối thủ cạnh tranh với phần cứng Samsung.
Trong cùng một ngày, Samsung tuyên bố hợp nhất cả 3 dịch vụ Internet of Things sẵn có vào làm 1 với tên gọi "SmartThings Cloud". Trong tuyên bố chính thức, Samsung khẳng định "các nhà phát triển sẽ được tiếp cận với một API đám mây trên tất cả các sản phẩm SmartThings. API này sẽ cung cấp khả năng hoạt động chéo và các dịch vụ an toàn cho các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ thương mại và công nghiệp".
Những bước đi của Bixby và SmartThings được thực hiện trong cùng một năm với thương vụ đắt giá nhất của gã khổng lồ Hàn Quốc. Tháng 3/2017, Samsung bỏ ra 8 tỷ USD để thâu tóm Harman, một trong những hãng thiết bị âm thanh đình đám nhất thế giới. Trả lời phỏng vấn Forbes, giám đốc chiến lược Kim Yong Sohn khẳng định:
Rõ ràng, gã khổng lồ đang chuẩn bị bước tiến lên một kỷ nguyên mới, nơi smartphone vừa là khuôn mẫu, vừa chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh tổng thể của vạn vật kết nối Internet. Trên khía cạnh phần mềm, Bixby có thể chính là sợi dây kết nối cần có.
Cuộc chiến trước mắt chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tại thời điểm ra mắt phiên bản 2.0, Samsung khẳng định mới chỉ có 30% người dùng Galaxy S8 kích hoạt Bixby trên chiếc smartphone cao cấp của họ. Nhưng, trong cuộc chiến này, Samsung vẫn có lợi thế đặc biệt: Apple, Google hay Amazon đều không sản xuất TV hay tủ lạnh. Trong tương lai gần, Samsung sẽ phủ sóng Bixby lên tất cả các mẫu Smart TV và tủ lạnh Family Hub.
Những thay đổi cốt lõi trong tầm nhìn kết nối có thể sẽ đưa Samsung vào một giai đoạn bước ngoặt, nơi chủ tịch di động DJ Koh sẽ nắm một vai trò vô cùng quan trọng. Từng nắm giữ vai trò lãnh đạo R&D cho phần mềm di động, ông Koh mang phong thái của một người làm phần mềm dịch vụ tươi trẻ và năng động, thay thế cho hình ảnh quan liêu, bảo thủ đã gắn bó với Samsung trong suốt 10 năm vừa qua.
Với kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, ông Koh còn được coi là bộ mặt cho nỗ lực "startup hóa" của Samsung Electronics. Tháng 4/2016, vị CEO di động nhận định trong một buổi phỏng vấn với Strait Times: "Hãy lắng nghe các nhân viên cấp thấp của bạn, hãy suy nghĩ cẩn thận, hãy rộng mở, và bằng cách lắng nghe bạn sẽ thu phục được trái tim của họ".
Đáng tiếc rằng, như ông Koh sau này sẽ khẳng định với Bloomberg, "Nhưng không phải dễ để mà thay đổi chỉ trong một ngày", DJ Koh. Không đầy nửa năm sau, Samsung đi vào thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử smartphone: hơn 2,5 triệu chiếc Note7 bị thu hồi. Một trong những nguyên nhân rõ rệt nhất dẫn đến tình trạng này là sự yên lặng của các nhân viên cấp thấp: theo nhiều nguồn tin, khi phát hiện các dấu hiệu sự cố, nhân viên cấp dưới thường không dám cảnh báo vì lo sợ phải gánh chịu hậu quả từ quản lý trực tiếp.
Một năm sau, tại buổi lễ ra mắt Note8, DJ Koh và các nhà lãnh đạo khác của Samsung không thể ngừng nói về chiếc đầu bảng xấu số của mình. "Phát hành Note Fan Edition không phải là vì vấn đề tiền bạc, chỉ là để khẳng định rằng quyết định thu hồi là do lỗi pin chứ không phải bất kỳ lỗi nào khác", ông Koh tuyên bố với TechCrunch.
Đúng một năm sau thảm họa Note7, CEO kiêm chủ tịch Kwon Oh-hyun của Samsung Electronics bất ngờ tuyên bố từ chức với lý do "khủng hoảng chưa từng có tiền lệ". 3 tuần sau đó, 2 vị "đồng CEO" khác là là JK Shin (di động) và BK Yoon (điện tử) cũng từ chức cùng ông Kwon (lãnh đạo mảng chip, màn hình và linh kiện).
Tại IFA diễn ra vào tháng 9, ông Yoon từng đưa ra lời ám chỉ:
Theo nguồn tin của Nikkei, quyết định loại bỏ hoàn toàn bộ máy lãnh đạo cũ và bổ nhiệm các tên tuổi mới đến từ chính Thái tử ngồi tù Jay Y. Lee. Suốt từ tháng 2 tới nay, ông Lee đã bị tạm giam với cáo buộc hối lộ cho văn phòng tổng thống bị lật đổ Park Geun-hye. Theo các công tố viên, Samsung đã 2 lần đóng góp vào các tổ chức phi lợi nhuận do bạn thân bà Park là Choi Soon-sil điều hành để được chính phủ bật đèn xanh cho sáp nhập Samsung C&T và Cheil Industries.
Với bản chất là một mạng lưới sở hữu chồng chéo, vụ sáp nhập 2 công ty con được cho là sẽ củng cố quyền kiểm soát của gia đình Lee lên toàn bộ tập đoàn Samsung. Năm 2014, người cha Lee Kun-hee bất ngờ đột quỵ, vị thế lãnh đạo của Samsung được cho là sẽ được trao vào tay Jay Y. Lee, con trai duy nhất của ông Lee.
Trong một phiên toà, Jay Y. Lee tuyên bố:
Bản án 5 năm tù được tuyên vào mùa hè vừa qua có thể sẽ chứng kiến mối liên hệ tương đối chặt chẽ giữa các công ty con của Samsung dần dần bị nới lỏng. Trong một bước đi chưa từng có tiền lệ, 2 chiếc ghế CEO và chủ tịch HĐQT của Samsung Electronics sẽ được tách rời. Khác với mô hình cũ, nơi ông Kwon nắm giữ vị trí cao hơn so với 2 "đồng CEO" còn lại, chưa có thông báo nào cho thấy 1 trong 3 vị CEO mới sẽ là lãnh đạo tối cao của Samsung Electronics.
Nói cách khác, người kế nhiệm của ông Kwon trong mảng linh kiện/bán dẫn là Kim Ki-nam sẽ có quyền hành ngang ngửa DJ Koh và HS Kim (chủ tịch mới của mảng TV và gia dụng, thế chỗ BK Yoon).
Bước đi này, tuy được chính "thái tử" Jay Y. Lee thực hiện để tăng sức cạnh tranh cho Samsung trong thời đại mới, cũng có thể sẽ trở thành thời khắc gã khổng lồ Hàn Quốc bắt đầu đi vào giai đoạn phân tán. Trong quá khứ, các bộ phận của Samsung vốn đã luôn coi nhau là đối tác độc lập. Sợi dây duy nhất kết nối về mặt chiến lược tổng thể là "văn phòng" của họ Lee.
Một số nguồn tin cho biết Samsung hiện vẫn chưa có "kế hoạch B" để thay thế thái tử Lee trong 5 năm sắp tới. Hiện tại, vụ án của Jay Y. Lee vẫn đang chờ được xét xử trên tòa phúc thẩm Hàn Quốc.
Những rủi ro của một tương lai tách rời không thể làm lu mờ sự thật rằng Samsung có thể sắp bước vào kỷ nguyên gắn kết nhất trong lịch sử. Từ chỗ là một gã khổng lồ với vô số danh mục sản phẩm rời rạc (smartphone, laptop, TV, máy giặt, tủ lạnh...), lựa chọn đặt cược vào Bixby có thể giúp Samsung cung cấp một trải nghiệm đồng nhất trên tất cả các loại hình thiết bị và hệ điều hành khác nhau.
Quan trọng hơn cả, dù sẽ sớm chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, mảng chip vẫn sẽ là chìa khóa tới tương lai gắn kết của Samsung và của cả thế giới. Những chiếc smartphone khi được "AI hóa", những chiếc TV, tủ lạnh và xe hơi khi được thông minh hóa vẫn sẽ đòi hỏi những con chip.
Trái tim của Samsung vẫn sẽ là chip Samsung. Và, trái tim của các đối thủ cũng có thể là chip của Samsung: kết thúc năm 2017, gã khổng lồ Hàn Quốc đã vượt mặt Intel để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với thị phần 14,3%.
Và Samsung có đầy đủ tinh thần để đón đầu cuộc cách mạng mới. Trả lời phỏng vấn Korean Herald, CEO mới của mảng chip/linh kiện tại Samsung Electronics, ông Kim Ki-Nam khẳng định:
20 năm là một con số quá dài với bất kỳ một công ty nào. Với Samsung, ngay cả 5 năm tới cũng sẽ cực kỳ vô định nếu như bản án 5 năm của Jay Y. Lee không được hủy bỏ.
Nhưng với những người thực sự hiểu Samsung, 20 năm sẽ không phải là thử thách. Vị thế số 1 thế giới của gã khổng lồ Hàn Quốc ngày hôm nay thực chất đã bắt đầu từ 40 năm trước, khi Samsung thâu tóm Korea Semiconductor. Công cuộc công nghệ hóa của Samsung gia tăng mạnh mẽ vào thập niên 80, khi công ty Hàn Quốc bắt đầu lật đổ vị thế thống trị của các gã khổng lồ Nhật Bản trong ngành chip, trái tim vĩnh viễn của thế giới hi-tech.
Và cũng chỉ mới 20 năm trước thôi, không có ai coi Samsung là một tên tuổi nghiêm túc trên thị trường điện tử người tiêu dùng. Điện thoại, TV, đồ gia dụng Samsung, tất cả đều chỉ là những thứ đồ giá rẻ đứng dưới Sony, Nokia và các thương hiệu khác.
20 năm trước, không ai tin được rằng 20 năm sau, Samsung đã là thương hiệu smartphone số 1 thế giới về thị phần. Tính đến 2017, công ty Hàn Quốc đã nắm giữ danh hiệu này được nửa thập kỷ.
20 năm trước, không ai tin được rằng Samsung sẽ trở thành thương hiệu TV số 1 thế giới. Trong suốt 10 năm qua, Samsung đã liên tục giữ vững vị trí số 1 ở mốc thị phần trên dưới 20%. Tính riêng thị trường cao cấp, thị phần của Samsung trong năm 2017 đạt khoảng 60%.
Trong 20 năm, Sony, Sharp, Nokia, BlackBerry, Compaq, IBM... và rất nhiều tên tuổi lớn khác đã chỉ còn là cái bóng của chính mình. Chỉ như vậy thôi đã là quá đủ để người ta tin rằng, với Samsung, mọi cơn giông tố đều sẽ qua, ngày mai sẽ lại tươi sáng.