Từ tháng 7/2109, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát động chương trình "ngày vì môi trường Phú Quốc" nhưng đến nay tình trạng rác thải vẫn đang tràn ngập ở "đảo ngọc" này.
Rác bủa vây không chỉ tại bãi biển mà còn dưới sông, kênh rạch ở Phú Quốc khiến du khách và người dân rất ám ảnh, còn nhận ra đây là "đảo ngọc". Nhiều người dân cho biết, "đảo ngọc" luôn được tô điểm đẹp lung linh trên các trang mạng du lịch khiến du khách không thể cưỡng lại sức hút của nó, nhưng khi đến đây thì vỡ mộng, tự nhủ rằng một đi sẽ không trở lại vì… rác thải bủa vây khắp nơi khiến nước biển cũng thay đổi màu sắc.
Theo người dân, trước đó chính quyền địa phương và các tình nguyện viên thường xuyên đi dọn rác tại các bãi biển và dưới sông nhưng vẫn "đâu lại vào đấy".
"Mỗi lần trời mưa gió thì rác lại xuất hiện khắp bãi biển do sóng đưa rác thải từ ngoài khơi vào bờ. Mỗi lần như vậy thì du khách không dám xuống biển luôn. Nếu có dịp đi tàu ra xa bờ hơn xíu là thấy rác ngập tràn ngoài biển", một người dân sống ở gần Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) chia sẻ.
Tại khu vực ven biển bờ biển gần Dinh Cậu – một địa điểm du lịch nổi tiếng ở trung tâm Phú Quốc rác thải nhựa chất thành đống trên bãi cát.
Đi dọc bờ biển này, chúng tôi được người dân phản ánh không hiểu sao nhiều đống rác này không có ai dọn dẹp, vì vậy rác ngày một tăng dần do một số du khách du lịch tưởng đây là bãi rác nên vứt ly, hộp nhựa,… vào. Ngoài ra ven bờ biển cũng có một số du khách không ý thức để lại sau buổi tiệc ăn uống, khiến rác càng nhiều hơn.
Còn tại khu vực sát Dinh Cậu, nơi có những bãi đá ngầm thì càng ô nhiễm hơn gấp bội khi đủ loại rác thải bủa vây từ trên mặt đến chìm xuống nước nhưng không được ai vớt.
Bà Nguyễn Thị Nga (64 tuổi) người dân buôn bán hơn 10 năm ở bãi biển Dinh Cậu cho hay: "Rác thải chủ yếu từ các khu du lịch đổ ra biển rồi mỗi lần có gió thì sóng cuốn đi đến bãi biển khác. Cứ như thế tại khu Dinh Cậu luôn có rác từ ve chai, túi nilon, hộp xốp,… nhiều lắm. Công cũng hay đi vớt rác nhưng không xuể, mỗi lần có gió thì ngập rác. Cách đấy mấy năm trước thì ít nhưng những năm gần đây thì nhiều lắm. Bãi biển trung tâm thị trấn Dương Đông được xem như nhiều rác nhất trong các bãi biển ở Phú Quốc vì người dân và khách du lịch ngày càng đông".
Theo bà Nga, mới đây đây bà chứng kiến khách du lịch phàn nàn vì biển quá dơ khiến một người dân địa phương như bà không khỏi chạnh lòng.
"Du khách này định xuống biển tắm thì thốt lên một câu: ‘Trời ơi sao biển Phú Quốc dơ như thế này, sao mà dám tắm’ khiến tôi cũng thấy tiếc cho hòn đảo ngọc", bà Nga chia sẻ.
Trong khi bãi biển ngập tràn rác thải thì dưới sông cũng bị nhiều loại rác độc hại tấn công, thậm chí càng nặng nề hơn. Đặc biệt tại khu vực tàu thuyền nhà hàng, du lịch trên sông bên công viên thị trấn Dương Đông, ngoài nilon, hộp xốp thì còn cả rác thải rắn độc hại khác ngập ngụa từ dưới đáy đến trên mặt nước.
Khu vực này đang là nơi neo đậu của hàng chục chiếc tàu nhà hàng, du lịch và luôn thu hút du khách mỗi đêm. Do phát triển du lịch trên sông nên việc chế biến thức ăn, đồ uống đều ở trên tàu. Mỗi ngày đều có cả trăm lượt khách du lịch đến các tàu nhà hàng này nên lượng rác thải cứ ngày càng tăng lên theo số lượng người.
Nước bẩn từ sinh hoạt, nấu nướng có một số tàu đổ thẳng xuống sông khiến dòng nước đổi màu từ trong xanh sang màu đen. Phía trước và hai bên tàu du lịch xuất hiện một lượng rác tràn kín mặt nước khiến người dân dạo chơi công viên gần đó chỉ biết thở dài trong tuyệt vọng vì từ ngày này qua ngày khác rác vẫn còn ở đó.
Daniel – một du khách nước ngoài đến từ Anh đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến rác ngập tràn quanh tàu nhà hàng, du lịch mình định ghé vào ăn uống. Sau một hồi phân vân du khách này cũng rời đi nơi khác vì không thể chịu nổi rác và mùi hôi dưới chân mình.
Còn anh Trần Minh Duy (khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: "Mình thấy rác ở những chỗ du lịch như thế này nguyên nhân một phần do ý thức con người. Nếu mình đi du lịch thì đã ý thức được rằng chỗ đó không có thùng rác thì nên mang về khách sạn bỏ vào thùng rác chứ không nên vứt bừa bãi. Tại khu vực công viên này thì hiện tại đã sạch sẽ nhưng dưới sông có các tàu du lịch thì quá ô nhiễm, rác ngập tràn khiến ai cũng không dám ra công viên ngồi gần đó hóng mát".
Một thành viên của tàu nhà hàng, du lịch cho hay, không biết rác dưới sông này từ đâu nhưng cũng ít thấy ai đến vớt.
Theo Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, hải đảo điển hình như Phú Quốc là do các nguồn phát sinh chất thải trên biển chủ yếu như nước thải, rác thải phát sinh từ nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất chế biến thủy hải sản và cư dân sinh sống ven biển, các loại chất thải trực tiếp xuống kênh rạch, cửa sông trực tiếp đổ ra biển, từ các phương tiện vận tải và khai thác thủy hải sản gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nước mặt và chất lượng nước vùng ven biển.
Từ đó sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước mặt do ảnh hưởng của nước thải trong quá trình phát triển công nghiệp.
Trong tháng 10/2019, tỉnh Kiên Giang đã phát động sự kiện "Ngày vì môi trường Phú Quốc", mặc dù phong trào đạt hiệu quả tích cực khi được nhiều người dân ủng hộ, dọn dẹp nhưng sau đó rác vẫn tràn ngập khắp nơi tại "đảo ngọc".
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu trung tâm Phú Quốc luôn xuất hiện rác tràn lan từ chân cầu, hè phố, dưới nhà dân, kênh rạch,... Công nhân vệ sinh và xe gom rác hoạt động liên tục ngày đêm nhưng vẫn không thể dọn hết rác thải. Thậm chí, trong khu dân cư rác được chất cao gần bằng ngôi nhà.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo huyện Phú Quốc khẳng định: "Huyện tổ chức thường xuyên, liên tục hoạt động cộng đồng ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, đặc biệt 'Ngày vì môi trường Phú Quốc', nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh và bảo vệ môi trường. Huyện cũng đã bổ sung thùng rác công cộng trên các tuyến đường, bố trí thùng rác ở những vị trí hợp lý khu vực đông người, không để phát sinh các điểm tập kết rác tự phát".
Tuy nhiên thực tế "đảo ngọc" vẫn đang bị đe doạ từng ngày bởi rác dù chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa ra các giải pháp cải thiện tình hình.
Bỏ thời gian một ngày đêm dạo quanh trung tâm Phú Quốc, chúng tôi không khỏi rùng mình khi đi đến đâu cũng thấy rác trên hòn đảo này...
Rác dày đặc, kín mặt nước dưới chân nhà dân. Hầu hết những loại rác này đều không thể phân huỷ trong vòng vài chục năm. Mặc dù bị rác tấn công ngay dưới chân mình nhưng không thấy người dân vớt, hay dọn dẹp.
Hầu hết người dân ở đây cho biết, cảnh tượng rác trước mặt nhà mình là điều bình thường vì cho rằng không phải do mình vứt. Người dân cho rằng, rác từ những nơi khác đổ theo nước mưa đổ về rồi đọng lại đây nên không ai dọn. Người dân Phú Quốc chấp nhận sống chung với rác ngày càng tăng lên mà không có cách nào khác để giảm thiểu.
Do rác nằm nơi công cộng nên không ai quan tâm và tiện tay vứt vào, lâu ngày thành đống rác to hơn. Hành vi vứt rác bừa bãi ra đường phố, vỉa hè bị phạt khá nặng nhưng nhiều người tại "đảo ngọc" vẫn vứt rác.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc cho hay, trước đó tại khu vực sân bay cũ này được các đơn vị thu gom hàng chục tấn rác trong chiến dịch "Ngày vì môi trường Phú Quốc", chỉ vài ngày sau nơi này lại tiếp tục ngập ngụa rác thải do bị người dân vứt lén.
Tình trạng rác thải ngày một tăng lên chóng mặt, khiến chính quyền huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đang đau đầu vì tìm phương án giải quyết. Hiện tại, ở "đảo ngọc" chỉ có 4 bãi rác gồm bãi rác tại xã Hàm Ninh, bãi rác xã An Thới, bãi rác Ông Lang xã Cửa Dương và một bãi rác tạm khác nằm trên khu đất trống cũng thuộc địa phương này (cách bãi rác ông Lang chừng 3km).
Đáng chú ý bãi rác mới này ở ấp 4, xã Cửa Dương này là nơi duy nhất hiện nay còn nhận rác ở Phú Quốc do các bãi khác đã quá tải, không thể nhận thêm rác. Hiện bãi rác tại đây cũng đã cao như ngọn núi, mùi hôi thối tấn công vào khu du lịch tại bãi biển gần đó mỗi khi có gió.
Theo ghi nhận, mỗi ngày hàng chục xe rác thay phiên nhau ra vào khu đất này để đổ rác. Cạnh bãi rác là những túp lều tạm bợ, nơi sinh sống của những người làm nghề nhặt ve chai trong bãi rác. Hiện tại bãi rác nào ở "đảo ngọc" đang nhận rác lại kéo theo hàng chục người lao động nghèo mưu sinh từ rác, bất chấp mùi hôi thối nồng nặc.
Đơn cử như cả gia đình anh Nhỏ gồm 6 người đang mưu sinhtại bãi rác này. Ban ngày, bất kể nắng mưa gia đình anh đến núi rác, bới từng bịch nilon tìm những vật dụng nào có thể bán ve chai được thì nhặt như kiếm chai nhựa, lon, sắt,…
Anh Nhỏ cho biết, tại bãi rác này có khoảng hàng chục người nhặt ve chai. Họ tự thoả thuận chia theo ca, ai còn trẻ hơn chịu nắng giỏi thì nhặt ban ngày, những người già lớn tuổi thì đến bãi rác vào ban đêm để tìm ve chai.
Bãi rác mới này nằm trên bãi đất trống hàng chục hecta đang dần phình to ra.
Theo anh Nhỏ, trước đây gia đình anh Nhỏ mưu sinh ở bãi rác Ông Lang, An Thới nhưng hiện tại 2 nơi này đã ngừng nhận rác nên chuyển qua bãi rác mới này để tiếp tục công việc.
"Sức khoẻ yếu và ai cũng không được học hành nhiều nên gia đình tôi chọn công việc đi nhặt ve chai để kiếm sống. Trung bình mỗi ngày mỗi người kiếm được 200.000 đồng, đủ sống chứ không dư giả gì. Ban đầu mới qua bãi rác mới này mùi hôi chịu không nổi luôn, ban ngày nhặt ve chai tối về đau đầu muốn bệnh. Nhưng dần về sau cũng quen với mùi hôi rồi", anh Nhỏ chia sẻ.
Đang ở trong bãi rác với gia đình là em Chí (14 tuổi, cháu anh Nhỏ) cũng tích cực phụ giúp kéo các bao ve chai tập trung lại một chỗ, chờ chủ vựa vào thu mua. Mặc dù đang ở tuổi ăn học nhưng do gia đình khó khăn nên em phải nghỉ học sớm, nhặt ve chai phụ giúp gia đình. Nhà của em có lẽ là ở bãi rác này.
Khi thấy chúng tôi nhăn mặt vì lần đầu cảm nhận được mùi hôi nồng đến mức khó thở, Chí nói: "Anh chị bịt khẩu trang vào chứ chịu không nổi đâu, còn em ở bãi rác nhiều cũng quen mùi rồi, những người mới đến bãi rác có khi về nhức đầu, sổ mũi. Hồi mới đầu em nhặt ve chai ở bãi rác cũng vậy".
Mặc dù Chí đã 14 tuổi nhưng thân hình như cậu bé 10 tuổi vì hàng ngày em phải kéo hàng chục bao ve chai to và nặng gấp 3 cơ thể mình.
Thấp thoáng lưng chừng giữa núi rác là Chị Tím (em anh Nhỏ) đang cặm cụi bới từng bao nilon để tìm ve chai, kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ đang đi học vì chị đã ly hôn từ 8 năm. Đứa con út còn bé nên chị không thể đi làm công nhân do bị ràng buộc thời gian, vì vậy chị chọn công việc nhặt rác được hơn năm nay để chủ động giờ giấc về thăm các con ở đất liền.
"Mỗi ngày tôi đều ở bãi rác này để tìm ve chai nên cũng quen với mùi hôi thối. Mọi người nhặt ve chai ở đây ai cũng đã quen rồi nên thấy bình thường lắm, không cần mang khẩu trang. Tôi thấy công việc này phù hợp nên làm thôi", chị Tím chia sẻ.
Việc sống ở bãi rác nên điều kiện sinh hoạt cũng tạm bợ, sức khoẻ của những người này thì phó mặc cho… ông trời. Nước sinh hoạt tắm giặt của hơn chục hộ dân sống trong lều tạm cạnh bãi rác được lấy từ giếng khoan tại đây.
Bước vào xóm lều tạm này chúng tôi không khỏi ám ảnh vì ruồi bao vây, các vật dụng sinh hoạt đều có ruồi nhặng bám. Mỗi lần nấu nướng và ăn uống, họ phải ăn kiểu… cuốn chiếu, mở nắp xong đựng thức ăn phải đậy lại, thậm chí khi nói chuyện chẳng dám cười to vì sợ ruồi bay vào miệng.
Vợ chồng chú Hà (55 tuổi) và cô Kiều (53 tuổi) đang ăn cơm cho biết, các con đã lập gia đình, nhưng vì nghèo nên chỉ lo được cho bản thân. Hai vợ chồng cô chú khăn gói từ đất liền ra đảo Phú Quốc mưu sinh bằng việc nhặt ve chai trong bãi rác. Cứ nơi nào có bãi rác thì vợ chồng chú dọn đến dựng lều ở tạm để bơi rác nhặt ve chai như những "đồng nghiệp" khác.
Theo cô Kiều, những ngày đầu chuyển đến bãi rác sống, mùi hôi nồng nặng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống. Nhưng riết rồi cũng quen mùi hôi từ rác nên hai vợ chồng cô chú chịu được đến nay được mấy năm nay.
Trước đó hai vợ chồng mưu sinh ở bãi ông Lang, khi bãi này đóng cửa chuyển sang bãi rác tạm này thì vợ chồng chú cùng một số người dân khác chuyển đến đây luôn, ngót nghét chừng hơn 3 tháng nay.
Sau bữa cơm tối, đợi đến gần khuya thì hai vợ chồng chú Hà lại ra bãi rác để tìm ve chai như thường lệ.
Những người dân tại bãi rác này gần như thiếu thốn đủ thứ, trẻ em không được đi học và ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh nhưng họ vẫn chấp nhận vì cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn.
Hiện nay cùng với sự phát triển của ngành du lịch, "đảo ngọc" Phú Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Mới đây Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho biết, theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) năm 2018 về hoạt động khảo sát chất thải rắn tập trung vào việc giảm thiểu rác nhựa tại Phú Quốc tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại "đảo ngọc" là 155 tấn/ngày, đêm.
Bãi rác Ông Lang (xã Cửa Dương) đã ngưng nhận rác và nhà máy đốt rác cũng không hoạt động. Núi rác có nguy cơ tràn ra đường do đã bị quá tải. Đơn vị quản lý dựng tạm rào chắn phía trước mặt đường để tránh tràn ra đường.
Mỗi ngày thu gom được 91 tấn rác, như vậy còn 64 tấn/ngày vẫn chưa thu gom. Lượng rác này còn lại trong các khu dân cư, đổ trực tiếp xuống sông, biển.
Ngoài ra, theo dự báo riêng trên địa bàn huyện Phú Quốc đến năm 2030 chất thải rắn sinh hoạt sẽ phát sinh ngày càng tăng, lần lượt qua từng giai đoạn năm 2020 là 392 tấn/ngày, năm 2025 là 517 tấn/ngày và đến năm 2030 là 718 tấn/ngày.
Bãi rác càng phình to hơn vào mỗi ngày khi có người lén đổ rác thường xuyên mặc dù có cảnh báo cấm đổ rác.
Sở TN&MT cho biết thêm hiện Phú Quốc có 9/10 đơn vị thu gom rác thải, riêng xã Bãi Thơm vẫn chưa có đội thu gom rác; có tất cả 4 bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác theo quy trình, ảnh hưởng nguồn nước ngầm và nước mặt, mùi hôi thối, gây ô nhiễm không khí, phát sinh ruồi, muỗi lây truyền dịch, bệnh.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết giải pháp xử lý tình trạng rác thải hiện nay ở "đảo ngọc" là thu gom đưa về nhà máy rác ở ấp Bãi Bốn, xã Hàm Ninh.
Tuy nhiên do nhà máy tạm ngưng hoạt động nên phải đổ tạm tại bãi rác mới ở xã Cửa Dương.
Theo ông Hưng, hiện nay UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế (QLKKT) Phú Quốc thực hiện giải quyết tình trạng rác thải ở "đảo ngọc".
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hệ thống xử lý rác duy nhất ở Phú Quốc nhìn từ trên cao. Được biết, nhà máy có vốn đầu tư khoảng 230 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10 ha. Trước đó, công suất xử lý 200 tấn rác mỗi ngày nhưng sau khi có nhà thầu mới dự kiến công suất sẽ tăng lên.
Bên trong nhà máy xử lý rác ở Phú Quốc. Sau khi hoàn thành xử lý phần rác thải còn tồn đọng, hiện tại nhà máy tạm ngưng hoạt động để bảo trì lại máy móc, nhằm đảm bảo đi vào hoạt động hiệu quả hơn, năng suất cao hơn lần trước. Lúc chúng tôi tiếp quản nhà máy rác ở đây vẫn còn tồn đọng khoảng 40.000 tấn rác, UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo phải xử lý hết trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên nhờ có kinh nghiệm xử lý rác trước đó trong đất liền, nên chúng tôi đã hoàn thành trước tiến độ.
Phía sau nhà máy vẫn còn tồn đọng một số lượng rác nhỏ đã khô nên không còn mùi hôi thối. Số rác khô này được để lại làm mồi cho quy trình xử lý lần tiếp theo.
Hiện các công nhân đã tạm nghỉ làm việc trong thời gian nhà máy tạm ngưng hoạt động. Về phương pháp xử lý, nhà thầu mới vẫn dùng các máy móc cũ nhưng áp dụng quy trình mới hơn với công nghệ nước ngoài. Người này cho biết, công nghệ xử lý rác thải tại nhà máy này đầu tiên sau khi thu gom từ các bãi rác và từ khu dân cư về phải tiến hàng sấy khô, sau đó ép rác rồi tiến hành đốt tiêu huỷ.
Mỗi ngày nhà máy vận hành liên tục xử lý được khoảng 2.000 tấn rác, với tất cả 30 người gồm kỹ sư và công nhân vận hành. "Trước đây nhà máy rác nhiều ruồi lắm, nhưng nhờ xử lý hiệu quả rác thải thì tình trạng này đã được kiểm soát. Người dân xung quanh cũng không còn phản đối nhiều như trước", người này cho hay. Hiện nhà máy đang chờ chính quyền cấp giấy phép hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.