Chúng tôi muốn bắt đầu bài viết bằng những giấc mơ.
Soichiro Honda - nhà sáng lập hãng xe hơi Honda - một trong những đế chế hùng mạnh nhất đất nước Nhật Bản - từng có câu nói rất nổi tiếng: "Hãy tin vào những giấc mơ, và chúng sẽ tin vào bạn".
Không bão tố, không kịch tính, giấc mơ của Soichiro Honda là một bản nhạc du dương đầy hoài bão. Từ biệt danh "chú chồn nhọ mũi" với vẻ mặt lấm lem mỗi lần xuất hiện bên trong xưởng cơ khí của cha mình, Soichiro Honda vươn mình trở thành "người đặc biệt nhất của năm" trong năm 1980, người đương thời coi ông như một huyền thoại "Henry Ford của Nhật Bản".
Cậu học sinh lớp 12 trong vòng 2 năm lắp ráp thành công 2 ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời
Giấc mơ ấy, không chỉ có hình dáng chiếc xe đạp gắn máy đầu tiên do Soichiro Honda sáng chế, mà còn cả một hoài bão lớn đầy tính nhân văn và cao cả, góp phần mang tới sự phát triển và thịnh vượng cho một nước Nhật đang trong giai đoạn khó khăn. Thay vì sản xuất ra những chiếc xe máy đơn thuần, nhà máy của "chú chồn nhọ mũi" thậm chí còn sản xuất ra nhiều giấc mơ khác.
Nhiều người hẳn sẽ cho là khập khiễng khi chúng tôi so sánh Soichiro Honda với một thanh niên 17 tuổi ở Việt Nam. Không tìm kiếm sự toàn diện, nhưng ở khía cạnh những giấc mơ, chúng tôi tin giữa 2 con người xa lạ này có sự đồng điệu.
Ngô Việt Cường, học sinh lớp 12 trường THPT Tống Văn Trân (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), là một "Soichiro Honda phiên bản thời thơ ấu" mà chúng tôi muốn giới thiệu tới các bạn.
Ngô Việt Cường sinh ra trong gia đình có truyền thống cơ khí, bố là một trong những người thợ có tay nghề cao của vùng. Từ nhỏ, Cường đã thấm trong mình mùi dầu máy, đam mê lắp ráp, thường xuyên theo chân bố đến gara mày mò sửa chữa ô tô như một "thanh niên học việc" chính hiệu.
Cường thích được sáng tạo, được "nghiền ngẫm" những bộ máy. Mỗi lần nhìn chúng hoạt động trơn tru, cậu cảm thấy rất... "đã". Cậu khao khát một ngày nào đó không xa, có thể tự chế tạo ra những động cơ của riêng mình.
Đầu năm lớp 10, Cường nói với bố, "Con có ý định chế tạo xe ô tô!". Chú Ngô Văn Ngọc nghe thế gạt phăng, "sợ con học hành sa sút, dáng vóc lại nhỏ bé, gầy yếu, sức khoẻ không đảm bảo". Và quan trọng hơn cả, để chế tạo ra một chiếc xe hơi, cậu học sinh lớp 10 như Cường lấy đâu ra tiền mua nguyên vật liệu, phụ tùng và máy móc?
Nhưng bố tính không bằng Cường tính, cậu quyết định gia nhập "hàng ngũ lao động chân chính" khi chưa tròn 18, với quyết định táo bạo: kí với "bà chủ" - là mẹ - hợp đồng làm việc nhà, rửa bát trong vòng 3 năm để dành dụm tiền mua vật liệu chế tạo xe ô tô.. Cường tự hào nói, đó là bước khởi đầu trong hành trình "khởi nghiệp" của cậu.
Dù chưa đủ kinh nghiệm, trình độ để thiết kế một chiếc xe hơi đảm bảo chất lượng và có thể lưu thông trên đường, nhưng Cường vẫn quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu và liệt kê những vật dụng cần mua, chỗ mua.
Cuối năm lớp 10, cậu khuân về nhà hàng tá phụ tùng, động cơ tái chế sau khi nhờ anh trai chở đi các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình tìm kiếm. Đến lúc này, "có đồ rồi mà giờ không làm thì phí lắm, nên bố... "bắt buộc" phải giúp đỡ mình sáng chế xe ô tô". Kể từ đó, Cường bước vào "chặng đua" với chính mình.
Cường mất đến 3 tháng để hoàn thành bản thiết kế chi tiết, từ phần khung đến các bộ phận cấu tạo máy bên trong. Đầu tiên, cậu có ý định lắp ráp chiếc xe có ngoại hình theo Lamborghini nhưng sau phải chuyển hướng sang Volkswagen (con bọ) của Đức để đơn giản hoá phần vỏ.
"Volkswagen mang vẻ ngoài thật nhỏ gọn, xinh xắn, đặc biệt cặp đèn xe rất đẹp. Mỗi khi di chuyển, Volkswagen uốn mình tạo nên những đường cong mềm mại, khác xa so với những chiếc xe bây giờ thiết kế khí động học lướt gió thông thường. Hơn nữa, mình thích nhạc vàng - loại nhạc "sến" cổ điển, do đó không có chiếc xe nào ngoài Volkswagen có thể hợp hơn với dòng nhạc này. Nếu trang trí chiếc xe bên trong các tiệm cà phê, bật nhạc "sến" lên, thì... rất là hợp lý".
Kỳ nghỉ hè năm 2018, Cường bắt tay vào chế tạo chiếc xe, đặt tên là "Cường car". Sau khi có bản vẽ, cậu tính toán số liệu, kích cỡ, đắp từng miếng tôn, định hình khung gầm, tạo phần xương xe.
Để tạo đường cong, cậu mất nhiều thời gian và công sức, xẻ từng đường tôn, cua góc, cân chỉnh sao cho tai lốp cân bằng với nhau mới có thể cân đối được chiếc xe. Quy trình này phức tạp hơn trong tưởng tượng rất nhiều.
Trở ngại lớn nhất là thiết kế các cánh cửa, làm sao khi đóng vào, cửa phải khớp và không bị lệch. Cường sử dụng tôn là chất liệu chính, để lỡ có va chạm sẽ không gây nguy hiểm cho người bên trong.
"Cường car" dài 2,6 m, cao 1,2 m, nặng 400 kg, chở được 2 người và có thể đạt vận tốc 40 km/giờ, chạy được 50km hết điện sau đó sạc 6 tiếng sẽ đầy. Chiếc xe sử dụng động cơ điện, sạc điện bằng tấm pin năng lượng mặt trời, vô lăng, hệ thống lái được tận dụng từ xe ô tô cũ hỏng, giảm xóc cũng được tiết kiệm từ xe máy.
Nội thất bên trong từ sàn, trần, taplo đều được bọc bằng da màu nâu kẻ caro trang nhã. Hệ thống âm thanh chạy bằng thẻ nhớ hoặc bluetooth giống những ô tô thông thường. Tổng chi phí lắp ráp vào khoảng 40 triệu đồng.
"Xu thế thế giới đang hướng tới sự phát triển và cải tiến dòng xe điện. Mình thiết kế ra một chiếc xe điện, trang bị thêm những tấm pin năng lượng mặt trời để nó không xả thải ra môi trường, mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu sạch sẵn có trong tự nhiên".
Nhìn lại hành trình lắp ráp "con bọ", không nể chàng trai này cũng không được. 100% tự làm, tự mua vật dụng ở khắp nơi, chỉ nhờ sự trợ giúp của bố về các thông số kỹ thuật, còn lại cậu đều loay hoay thực hiện 1 mình, có hôm tới 12h đêm vẫn chưa đi ngủ.
"Mình không thể lường trước được để sáng chế một chiếc xe ô tô lại khó khăn như vậy. Lúc đó chỉ có đam mê, thích quá nên mình quyết tâm làm cho bằng được. Sau khi phần thô của xe được dựng lên, gần như hoàn thiện và có thể chạy được, mình rất vui và hạnh phúc. Nhiều người đi ngang qua cũng tạt vào ngắm nghía, xin chụp ảnh. Lúc đó mình biết, bao nhiêu công sức bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng".
Cường luôn xem bố là người thầy đầu tiên trong ngành cơ khí, người luôn tin tưởng và hỗ trợ cậu con trai hết sức cho giấc mơ đầu đời. Bài học lớn nhất chú Ngọc dạy con, không phải bất cứ lý thuyết khô khan nào. Chú dạy Cường cách kiên nhẫn.
"Chế tạo xe rất khó, nhất là khi phải tháo ra lắp lại nhiều lần, nếu không có sự kiên nhẫn rất dễ nản chí. Nhiều lần mình muốn từ bỏ, mệt mỏi và chán chường. Nhưng bố đã luôn ở bên, truyền năng lượng, truyền cả những đam mê. Bố luôn bảo, đã làm là phải cố gắng hết sức".
Lần đầu tiên Cường đưa chiếc xe Volkswagen vượt khỏi biên giới xưởng cơ khí của bố, là lúc 2 vợ chồng chú Ngọc đang du lịch bên Lào. Bình thường, chú chỉ cho phép con trai chạy thử loanh quanh trong xưởng. Lần này, Cường quyết định "chơi lớn", mang xe ra khu công nghiệp gần nhà.
Khi về Việt Nam, chú Ngọc bất ngờ khi chiếc xe "con bọ" của Cường đón nhận sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Hoá ra, cậu con trai đã giấu bố một số chuyện.
"Chú giật mình, hỏi Cường sao dám lái xe ra ngoài đường. Con chỉ bảo xe 'ngon' lắm, rất dễ lái, độ an toàn cũng tương đối. Cậu này nói chung có máu lái xe, có năng khiếu và hiểu biết nhiều hơn nên chú cũng yên tâm" - chú Ngọc tâm sự.
Năm 2018, "con bọ" đã giúp cậu học trò Ngô Việt Cường đạt giải Nhất cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ VI" do sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tổ chức. Cũng từ đó, Cường có một khoản tiền thưởng, cộng vào "tiền lương" rửa bát cố định, ấp ủ một giấc mơ to lớn hơn.
Volkswagen "con bọ" là chiếc xe chỉ chở tối đa được 2 người, Cường nghĩ rằng cậu cần một chiếc xe khác đủ lớn để chở lũ bạn đi du lịch, hay đơn giản đến trường thuận tiện, tránh được mưa nắng. Volkswagen Roadtrip - dòng xe bus có thể chở được khoảng 12 người đã ra đời chỉ sau đó một năm, cũng chính từ xưởng cơ khí của bố.
Chiếc xe lần này được thiết kế rộng, động cơ lực kéo gấp đôi được li hợp qua hộp số 5 cấp, mạnh mẽ hơn và tốc độ lên tới 60km/h. Tấm pin năng lượng mặt trời sản sinh công suất gấp 8 lần so với chiếc xe trước, hệ thống lưu trữ lớn hơn để cho thời gian hoạt động lâu hơn, có thể phục vụ cho điện sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, lốp xe được cải tiến loại không săm bản rộng giúp chiếc xe hoạt động êm ái, chịu tải tốt và giảm tiếng ồn.
Để lắp ráp chiếc ô tô này, Cường đã mất 7 tháng cặm cụi trong xưởng với đống vật dụng, đồ nghề cùng với việc lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ. Bố luôn bên cạnh để hỗ trợ hết sức cho cậu con trai. Từ chiếc xe của bản thân, đến phương tiện dành cho người khác, không phải một, mà rất nhiều người ngồi trên, chú Ngọc luôn nhắc nhở Cường, quan trọng đầu tiên phải là an toàn.
"Cường bình thường rất gần gũi, vui vẻ, nhưng trong công việc tuyệt đối chú tâm, không thích bị xao nhãng bởi ồn ào xung quanh. Nghĩ lại, ngày xưa chú chưa có xưởng cơ khí, chỉ sửa xe dọc đường. Mỗi khi thấy bố đi làm, đều vác đồ chạy theo sau. Cường cũng có đam mê như thế. Chú muốn kể cho con nghe trước kia bố cũng từng theo ông đi làm, bất kể ngày đêm, để bây giờ khi con lớn lên, được thoải mái làm việc trong nhà xưởng như thế này" - chú Ngọc nói.
Các hãng xe lớn trên thế giới, họ có nhà máy, hệ thống con người và chất xám khổng lồ để sáng chế, lắp ráp ô tô. Trong khi đó, Ngô Việt Cường tập tễnh trên con đường vô cùng thách thức ấy khi mới học lớp 10, trong tay chẳng có gì ngoài vài món đồ nghề, kinh nghiệm ít ỏi và chút truyền thống gia đình.
Cả "con bọ" và Volkswagen Roadtrip đều đã thay đổi cuộc sống và nhận thức của Cường. Trong vòng 2 năm, cậu cho ra đời 2 chiếc "siêu xe", tuy chưa thực sự hoàn hảo, nhưng đủ để giúp cậu học sinh lớp 10 năm nào trưởng thành và chín chắn hơn. Mỗi khi bắt tay vào thiết kế một sản phẩm mới, cậu luôn nghĩ sao cho chiếc xe an toàn, đẹp và có thể đi xa hơn, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, không gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều người muốn hợp tác cùng Cường để phát triển các dòng xe điện tại Việt Nam, nhưng lời đề nghị này còn bỏ ngỏ câu trả lời. Bản thân cậu còn đang ấp ủ nhiều dự định khác mới mẻ và tập trung hướng tới cộng đồng nhiều hơn.
"Mỗi người một đam mê, khi còn trẻ đều có mơ ước và hoài bão, nhưng cơn lốc của cuộc đời thường cuốn nó đi. Tuy nhiên, mình vẫn quyết theo đuổi giấc mơ của bản thân dù biết là rất khó. Nếu không kiên nhẫn, mình không thể thực hiện được" - Cường đúc kết.
Khoa Cơ Khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội, là mục tiêu tiếp theo của Ngô Việt Cường trên hành trình kiến tạo những giấc mơ, đặc biệt là phát minh ra những chiếc xe ô tô chạy bằng điện phục vụ người già và người khuyết tật. Trong tương lai, cậu cũng sẽ đăng ký bằng độc quyền sáng chế khi "những đứa con tinh thần" đủ điều kiện đảm bảo chất lượng và an toàn.
Mơ ước có lẽ là điều khó biến thành sự thật nhất, nhưng con người luôn biết cách vượt qua thử thách để theo đuổi nó. Bạn có biết, một trong những chiếc xe máy do Soichiro Honda sáng chế, ông đặt tên là "Dream". Bởi lẽ ông cảm nhận rằng, với sản phẩm này, những giấc mơ sẽ trở thành hiện thực.
Soichiro Honda có thể là bất kỳ ai, là cậu học sinh Ngô Việt Cường, là chính bạn, chỉ cần chúng ta có niềm tin vào những giấc mơ, và bởi vì sự vĩ đại luôn bắt đầu từ những giấc mơ đó.