Trên nhiều khía cạnh, Nadella là một lựa chọn kỳ lạ. Không giống như Bill Gates xuất thân là kẻ "cuồng phần mềm" hay Steve Ballmer đi lên từ vị trí quản lý kinh doanh, Satya Nadella là một kỹ sư điện chính hiệu. Cậu bé Nadella Satyanarayana sinh ngày 19/8/1967 tại Hyderabad, Ấn Độ. Cha của cậu là Bukkapuram Nadella Yuganher, một nhân viên hành chính công và mẹ là Prabhavati Yuganhar, một giáo sư dạy ngôn ngữ cổ Sanskrit. Tuổi trẻ, Nadella thừa hưởng tình yêu thơ ca từ mẹ và cũng từng mang ước mong trở thành một vận động viên cricket. Thế rồi, cậu nhận ra sở thích thực sự của mình là những thứ đồ điện kì diệu.
Tuổi thơ của Nadella gắn liền với giai đoạn nội chiến của phiến quân Naxalites với chính quyền của Indira Gandhi. "Một ngày, tôi nhìn thấy hai bức ảnh mà đến giờ vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi thấy hai người nằm chết trên những chiếc võng, bên cạnh là hai máy radio bán dẫn của Philips. Sau này tôi mới biết đó là 2 phiến quân nổi dậy. Bức ảnh chụp năm 1970 ở quận Srikalulam. Họ vốn là thầy giáo dạy học, cuối cùng bỏ dậy... Tôi thường nghĩ về cuộc đời của hai người đó và những người đã chọn cùng một con đường sai lầm. Tôi thường nghĩ, nếu như có thể thực sự hiểu được sự kỳ diệu của công nghệ và những gì chúng ta có, họ đã có thể làm được nhiều hơn".
Theo học Trường Công Hyderabad, gặp và cưới người vợ có tên Anupama vào năm 1992, Nadella sẽ theo đuổi khao khát của mình bằng tấm bằng Kỹ thuật Điện lực tại Viện Công nghệ Manipal. Thế rồi, chàng kỹ sư điện ấy lại phát hiện ra rằng trên đời còn tồn tại một thứ còn nhiệm màu hơn cả các bảng mạch - chiếc máy vi tính. Anh quyết định rời Ấn Độ để đến Mỹ, tốt nghiệp bằng thạc sĩ Khoa học Máy tính với đề tài thuật toán song song. Khởi nghiệp kỹ sư phần mềm tại Penta Technologies, chuyển đến Sun Microsystems được hơn một năm, Nadella được Microsoft chiêu mộ vào năm 1992.
So với các ứng viên khác trong đợt lựa chọn CEO vào năm 2014, Satya Nadella có lẽ là vô danh hơn cả. Tony Bates từng thành danh với Cisco và Skype, Alan Mullaly là người giúp Ford đi qua khủng hoảng còn Stephen Elop thì đã từng đem Nokia "hiến dâng" cho Microsoft.
Còn Satya Nadella, suốt 22 năm hoạt động tại Microsoft, ông gần như chỉ gắn bó với một mảng kinh doanh không được mấy người dùng bình thường quan tâm: khách hàng doanh nghiệp. Vị trí lãnh đạo đầu tiên của Nadella thuộc về mảng "Microsoft bCentral", quản lý các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong vòng 10 năm tiếp theo, Nadella được cất nhắc 3 lần lên các vị trí "chóp bu" của Microsoft, vẫn là với các bộ phận đám mây và doanh nghiệp. Windows Server, Windows Azure, System Center, SQL Server... là các sản phẩm từng qua tay vị CEO hiện tại của Microsoft.
Đúng, với người tiêu dùng, "đám mây", "doanh nghiệp", "Azure" hay SQL Server đều là những cái tên vô nghĩa nếu sánh cùng các thương hiệu như iPhone, iPad, Galaxy hay Lumia. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng vai trò của vị lãnh đạo gốc Ấn là không quan trọng: trong vòng 3 năm trước khi trở thành CEO, mảng Dịch vụ Đám mây của Nadella có doanh thu từ 16,6 tỷ USD đến 20,3 tỷ USD mỗi năm. Năm vừa qua, tổng doanh thu của Facebook chỉ ở mức trên 27 tỷ USD.
Nói cách khác, chính mảng kinh doanh "vô danh" của Satya Nadella đã là trụ cột giữ cho Microsoft tiếp tục là một gã khổng lồ đúng nghĩa.
Khi Satya Nadella lên tiếp quản ghế nóng từ Steve Ballmer vào tháng 7/2014, tình cảnh của Microsoft lúc này đang thê thảm hơn bao giờ hết. Trong suốt thời đại Ballmer, tất cả các cuộc cách mạng nhạc số, smartphone, mạng xã hội, tìm kiếm... đều bị bỏ lỡ. Vị trí số 1 thế giới về trị giá vốn hóa đã bị Apple chiếm đoạt từ năm 2010.
Tệ hại hơn nữa, thời đại Ballmer cũng chứng kiến những cuộc tranh giành nội bộ vô cùng khốc liệt bên trong Microsoft. 2 năm sau, vết thương vẫn chưa lành hẳn.
Thừa hưởng vô số khó khăn nhưng vị CEO mới của Microsoft vẫn chỉ biết dành những lời cảm tạ:
"Tôi đã lớn lên ở Microsoft. Cả cuộc đời của tôi từ khi trưởng thành là Microsoft. Tôi là một sản phẩm từ Microsoft của Steve Ballmer và Bill Gates, và tôi tự hào về điều đó. Không phải là tôi ở đây để trở nên khác biệt; khi tôi trở thành CEO tôi muốn định hướng công ty này theo chính con người mình".
Nhưng sự kính trọng dành cho những người tiền nhiệm không có nghĩa rằng Satya Nadella sẽ tiếp tục nhân nhượng để con thuyền Microsoft tiếp tục chìm. Chưa đầy nửa năm sau ngày lên nắm quyền, ông sa thải hàng loạt các vị trí cao cấp như Mark Penn, Kirill Tatarinov và Eric Rudder và cựu CEO Nokia, Stephen Elop. Bộ máy mới được tinh chỉnh thành 3 lĩnh vực chính: Đám mây và Doanh nghiệp, Ứng dụng và Dịch vụ, Windows và Thiết bị.
Một bầu không khí mới được thiết lập:
"Quá nhiều năm rồi Microsoft đã nuôi dưỡng những thế hệ lãnh đạo chỉ biết làm theo ý mình. Nhưng để làm chủ bạn phải biết hợp tác. Đây sẽ là một Microsoft rất khác", ông tuyên bố với nhân viên.
Bên dưới phát ngôn to lớn đó, Satya Nadella đổi mới hoàn toàn chính sách của Microsoft: thay vì bị đánh giá theo cá nhân, kết quả làm việc sẽ được đánh giá theo từng nhóm. Phép màu diễn ra. Tim O'Brien, giám đốc truyền thông toàn cầu của Microsoft kể lại về trang mới của Microsoft:
"Mô hình cũ khiến Microsoft giống như một nhóm người bị sư tử đuổi, bạn không cần phải là kẻ nhanh nhất mà chỉ cần nhanh hơn kẻ chậm nhất mà thôi. Nhưng với Nadella, tôi thấy mọi thứ biến mất, tất cả những cảm giác bất lực, sự nhỏ mọn và tất cả những thứ điên khùng của môi trường công sở. Thay vào đó là tinh thần hợp tác và niềm tin. Mọi người nay có thể cùng nhau chia sẻ ý tưởng mà không sợ bị ảnh hưởng đến tiền lương, đến các bản đánh giá nữa".
"Tôi đã từng tưởng tượng sự kiện ra mắt Office cho iPad cùng với Steve Ballmer, rằng mọi thứ nó sẽ như thế nào. Nhưng ở đó, với Nadella trong buổi ra mắt đầu tiên, tôi chợt nhận ra 'Ồ, Microsoft đã trở thành một nơi hoàn toàn mới", Julia White, người sau này sẽ nắm giữ vai trò phó chủ tịch phụ trách mảng Azure và bảo mật của Microsoft nhớ lại về sự kiện ra mắt Office cho iPad. Diễn ra vào ngày 27/3/2014, đây chính là sự kiện đầu tiên của Satya Nadella với vai trò CEO của Microsoft.
Trước đó, trong email nhậm chức, nhà lãnh đạo mới xóa bỏ khẩu hiệu "thiết bị và dịch vụ" của Ballmer. Kể từ nay, Microsoft sẽ tập trung vào "di động và đám mây trên hết". Một tầm nhìn khó hiểu, bởi Microsoft đã bắt đầu ghẻ lạnh những chiếc Lumia từ đây.
Sự ra đời của Office dành cho iPad là lời lý giải rõ ràng nhất cho tuyên bố mâu thuẫn ấy: đưa các dịch vụ Microsoft, các ứng dụng từ đám mây Microsoft đến càng nhiều người dùng di động càng tốt, bất kể là họ đang dùng iPhone, Galaxy hay laptop cảm ứng của Lenovo. Phần cứng và thậm chí là hệ điều hành di động không còn ý nghĩa nữa, điều quan trọng nhất là các thiết bị di động trên toàn cầu sử dụng càng nhiều đến công nghệ và đám mây của Microsoft càng tốt.
Nói cách khác, di động của Satya Nadella không phải là vũng lầy Lumia/Windows Phone. Năm 2014, Microsoft tuyên bố cắt giảm 18.000 việc làm, phần lớn thuộc về mảng sản xuất cũ của Nokia. Năm 2015, 7.8000 việc làm bị xóa sổ, đi kèm với khoản giảm trừ trị giá 7,6 tỷ USD dành cho các tài sản thu về từ Nokia. Cuối năm đó, Microsoft chỉ ra mắt duy nhất bộ đôi Lumia 950/950 XL. Năm 2016, tiếp tục 1800 người cũ của Nokia mất việc, quyền thương hiệu Nokia được bán cho liên minh HMD Global và Foxconn.
Bên cạnh Nokia, Nadella cũng cho dừng toàn bộ quá trình phát triển Windows RT cũng như các mẫu Surface chạy hệ điều hành này. Tầm nhìn Windows chạy trên ARM (và không tương thích với x86) đã khiến cho Surface có một khởi đầu tồi tệ, bị các đối tác phần cứng công khai chỉ trích và thậm chí lây cả tiếng xấu ra Windows 8.
Kết quả, từ thế hệ Surface Pro 3 được "cởi trói" để trở thành trung tâm của thế giới phần cứng laptop, những chiếc Surface nhanh chóng vươn lên trở thành mảng kinh doanh tỷ đô tiếp theo của Microsoft. Lần lượt từng thế hệ Surface cao cấp ra đời, trong đó đặc biệt nhất là chiếc Surface Book có card NVIDIA gắn trong... bàn phím được người dùng ưa chuộng tới mức cháy hàng liên tục trong một quý. Trong mùa nghỉ lễ 2016 – cũng là mùa mua sắm bận rộn nhất trong năm, Microsoft chứng kiến doanh số Surface tăng tới 37%.
Bên cạnh những thất bại được xóa bỏ dần dần, quá trình lãnh đạo của Satya Nadella từ 2014 đến nay còn có rất nhiều thương vụ thâu tóm đình đám. Trong khi phần lớn trong số này đều nhằm phục vụ cho các lĩnh vực mới mẻ và trọng yếu của Microsoft như đám mây, AI, analytics, 3 cái tên đình đám được Microsoft "nuốt chửng" từ 2014 đến nay chắc chắn sẽ khiến bạn nhìn gã khổng lồ phần mềm theo một cách khác.
Đầu tiên: Mojang, nhà phát triển của tựa game Minecraft lừng danh được Microsoft mua lại vào tháng 9/2014. Minecraft tượng trưng cho tinh thần sáng tạo vô bờ bến trên Internet và cũng hứa hẹn rất nhiều công nghệ có thể tích hợp vào thực tại kết hợp. Sau 3 năm, Minecraft không chỉ tiếp tục chứng minh là "nền tảng game" sáng tạo số 1 thế giới mà còn được Microsoft của Nadella biến thành một công cụ giáo dục cho các thế hệ coder tương lai cũng như một phần quan trọng của thế giới ảo HoloLens đang dần hé lộ.
Thương vụ thứ hai: SwiftKey (2016), một trong những bộ keyboard "ảo" phổ biến nhất trên Android và iOS. Việc bỏ ra tới 250 triệu USD để mua Swiftkey cho thấy Windows Phone thực sự không còn đường sống trong thời đại Satya Nadella, bởi đến nay phần mềm này vẫn chưa được phát hành trên Lumia. Nhưng, là ứng dụng được 300 triệu người dùng (iOS và Android) sử dụng, SwiftKey lại mang tới một nguồn dữ liệu khổng lồ và cực kỳ hữu ích về ngôn ngữ tự nhiên để Microsoft có thể sử dụng cho Cortana cùng các dịch vụ cognitive (nhận thức thông minh).
Nhưng quan trọng nhất phải kể đến sự kiện thâu tóm LinkedIn vào cuối năm 2016. Mạng xã hội được coi là "CV ảo" cho rất nhiều người dùng chuyên nghiệp trên toàn cầu này được Microsoft bỏ ra tới 25 tỷ USD để sở hữu, gấp 3 lần số tiền đã bỏ cho Nokia. Nếu như Mojang và SwiftKey và Minecraft được sử dụng để mở rộng ra các lĩnh vực mới thì LinkedIn lại chính là tài sản vô giá để Microsoft đảm bảo cho tương lai lâu dài: Microsoft là ông vua trên lĩnh vực doanh nghiệp, và LinkedIn đảm bảo rằng tất cả các mối quan hệ, tất cả các nhu cầu nhân sự trong giới doanh nghiệp đều sẽ xuất hiện trên môi trường của Microsoft trước tiên.
Nói cách khác, LinkedIn là sự đảm bảo rằng không một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Microsoft trên lĩnh vực doanh nghiệp, "sân nhà" của Satya Nadella.
Một cái tên rất đáng chú ý khác được Satya Nadella thâu tóm là Xamarin, công cụ cho phép phát triển một ứng dụng đồng thời cho cả iOS, Android và Windows. Đây chính là tuyên ngôn rằng, "Đã qua lâu rồi cái quá khứ Microsoft tìm mọi cách để chèn ép các nền tảng cạnh tranh. Microsoft yêu tất cả các nhà phát triển".
Trước đó, tháng 10/2014, Satya Nadella tổ chức một buổi webcast với sân khấu có dòng chữ "Microsoft <3 Linux. Đầu thập niên 2000, hệ điều hành mã nguồn mở này từng bị Steve Ballmer gọi là "những khối u". Bây giờ, Azure đang hỗ trợ ít nhất là 5 phiên bản của Linux, CoreOS, Ubuntu, CentOS, OpenSuse và Oracle Linux.
iOS và Android cũng được ưu ái không kém gì Linux. Số lượng ứng dụng trên 2 hệ điều hành này gia tăng với tốc độ chóng mặt trong 3 năm nắm quyền của Satya Nadella. Các phiên bản chất lượng của Office có mặt trên iPhone và iPad trước tiên, tiếp đó là đến Android. Với hệ điều hành của Google, Microsoft còn mang những tham vọng khá phức tạp. Mới đây nhất, Samsung bắt tay với Microsoft ra mắt chiếc "Galaxy S8 Microsoft Edition" với rất nhiều dịch vụ Microsoft được cài đặt sẵn. Xiaomi cũng sẽ thực hiện một bước đi tương tự với Xiaomi 5s.
Dĩ nhiên, mức độ ưu ái dành cho iOS vẫn cao hơn Android. Ngoài sự kiện ra mắt Office cho iPad đình đám vào cuối 2014, Microsoft còn trực tiếp xuất hiện tại sự kiện ra mắt chiếc iPad đầu bảng tiếp theo - iPad Pro. Trước đó, Bing được lựa chọn làm bộ máy tìm kiếm trên trợ lý ảo Siri. Rất nhiều ứng dụng của Microsoft xuất hiện trên iOS trước tiên rồi mới đến Android.
Khi trở lại Apple với khoản vốn 150 triệu USD từ Microsoft vào năm 1997, Steve Jobs nói "Đã qua lâu rồi cái thời để Apple thắng thì Microsoft phải thua và ngược lại". Phải đến 20 năm sau đó, những lời có cánh này mới trở thành sự thật - nhờ vào một vị CEO của Microsoft.
Cuộc đại chuyển dịch quan trọng nhất của Microsoft nằm ở lĩnh vực đã đưa Satya Nadella trở thành một nhân tố quan trọng trong công ty.
Năm 1999, tức là khi Satya Nadella mới chỉ nắm mảng "bCentral" nhỏ bé, Salesforce gây chấn động thế giới với mô hình "Application as a Service" - bán ứng dụng dưới mô hình dịch vụ mạng. Thay vì phải bỏ ra rất nhiều tiền mua bản quyền ứng dụng để cài đặt lên máy, người dùng có thể tiếp cận ứng dụng này qua trình duyệt web và trả tiền theo phí. Cuộc chiến đám mây - nơi nhà cung cấp dịch vụ đưa ra các mô hình mềm dẻo phù hợp với tài chính của khách hàng - đã chính thức bắt đầu.
Sang tới năm 2000, bong bóng Dot-com bắt đầu vỡ, đẩy hàng loạt startup công nghệ vào chỗ chết. May mắn thay, một trong số những kẻ sống sót hiếm hoi bắt đầu tìm ra một hướng đi mới: Amazon. Hiểu quá rõ cái giá quá đắt của hạ tầng máy chủ và cũng đã sở hữu đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu của một lượng khách hàng khổng lồ, Amazon ra mắt AWS vào năm 2006, bắt đầu hành trình trở thành nhà cung cấp nền tảng máy chủ số 1 thế giới.
Cuộc chiến đám mây chứng kiến vô số khó khăn cho Microsoft, vốn có nguồn sống là tiền bản quyền từ Windows và Windows Server. Từ trước đến nay, tất cả các công nghệ cần thiết cho người dùng đều được cung cấp qua các ứng dụng cài đặt trên PC Windows hoặc từ máy chủ Windows Server đến trình duyệt Internet Explorer trên máy tính người dùng. Khi cuộc chiến đám mây bắt đầu, bất cứ một tập đoàn nào cũng có thể thấy rằng họ không nhất thiết phải mua và cài đặt các công nghệ của Microsoft nữa. Bạn có thể mua dịch vụ của Salesforce và Amazon theo từng tháng, trả tiền theo nhu cầu thực tế. Tại sao lại lại bỏ ra một đống tiền mua phần mềm Microsoft rồi bỏ phí ở đó?
Phải mất 2 năm Microsoft mới có câu trả lời trực tiếp dành cho AWS: Azure. Bắt đầu từ đây, và với Satya Nadella ở vị trí lãnh đạo các nỗ lực đám mây, một gã khổng lồ từng bị coi là "chậm chân" và "không quan tâm" đến đám mây bắt đầu chuyển mình.
Theo lời kể của giới quan sát thị trường, Nadella đi tìm gặp từng startup để hỏi họ cần gì từ Microsoft. Ông kiên quyết đấu tranh để được quyền "ném" tiền vào Azure. Các phần mềm mã nguồn mở, các công nghệ cạnh tranh lần lượt được hỗ trợ trên đám mây của Microsoft. Khác với tất cả các câu chuyện tụt hậu bi thảm của TV Sony, máy ảnh Kodak và điện thoại Nokia, Satya Nadella hiểu một sự thật rất căn bản: "Nhịn thở dưới nước cho đến khi mặt mũi tái xanh không phải là cách thay đổi thế giới".
Đáng kinh ngạc hơn, Nadella biết cách để dung hợp bản quyền và đám mây. Công nghệ nền tảng của Azure hoàn toàn tương thích với Windows để quá trình chuyển đổi và kết hợp có thể diễn ra dễ dàng. Microsoft thậm chí còn hỗ trợ cả mô hình hybrid: một vài phần mềm doanh nghiệp vẫn được đặt trên máy chủ riêng, một vài phần mềm khác lại nằm trên Azure, tương tác hoàn hảo cùng nhau.
"Tua" nhanh đến năm 2014, doanh thu dự phóng của đám mây Microsoft (bao gồm cả Amazon, Office 365 và nhiều dịch vụ khác) đã lên tới mức 4,4 tỷ USD. Đến năm 2016, con số này là 14 tỷ USD. Doanh thu của Azure tính riêng thường được ước tính chỉ vào khoảng 1/3 hoặc 1/4 của Microsoft, nhưng rõ ràng nếu nói đến "song mã" của điện toán đám mây, Amazon và Microsoft là hai cái tên duy nhất bạn có thể nghĩ đến. Ngay cả Google cũng không phải là đối thủ.
Còn với mô hình "Application as a Service", ngôi vương thuộc về Office 365. Dịch vụ của Microsoft đã vượt mặt Saleforces từ năm 2015 và đến nay đang có 85 triệu người dùng.
Nếu như bạn chỉ được chọn một khoảnh khắc duy nhất để thấy một Microsoft rất, rất khác so với hình ảnh Microsoft đã hằn sâu vào tâm trí của các fan công nghệ, đó có lẽ sẽ là sự kiện BUILD diễn ra vào cuối tháng 4/2016. Tại đây, Microsoft tuyên bố tích hợp Bash và khả năng chạy file thực thi của Linux Ubuntu vào Windows. Một nền tảng chatbot tân tiến và tiện dụng sẵn sàng phục vụ cho Skype và gần như bất cứ một dịch vụ chat đáng kể tên nào trên thế giới ra đời. Chiếc kính thực tại hỗ trợ HoloLens chính thức đến tay các nhà phát triển. Đáng kể nhất, một bộ AI tri thức cực kỳ siêu việt cũng được ra mắt để coder có thể đưa trí thông minh siêu việt vào bên trong các ứng dụng tự viết một cách dễ dàng.
Sự kiện ấy là tất cả những gì người ta trông chờ ở một gã khổng lồ phần mềm đáng ngưỡng mộ. Không còn nữa tinh thần hằn học với các đối thủ cạnh tranh. Không còn nữa những phản ứng vụng về trước những đòn tấn công quá mạnh mẽ của đối thủ. Không còn những sản phẩm khiến giới phát triển gặp ác mộng như Windows Vista hay Internet Explorer, thế chỗ là một cảm xúc ngập tràn rằng Microsoft đang đưa chúng ta tiến về tương lai. Microsoft của hiện tại đã trở lại thành một thế lực công nghệ thực sự sau hàng năm trời chìm khuất dưới Apple và Google.
Và đó là Microsoft của Satya Nadella. Một người đàn ông như thế nào mới có thể phá bỏ một nền văn hóa doanh nghiệp ngột ngạt và trì trệ, một người như thế nào mới dám mạnh tay cắt bỏ những sai lầm của quá khứ, sẵn sàng hy sinh những trụ cột cũ để đem lại đường sống cho tương lai?
Hãy nghe ông nói về mình:
"Với tôi, tôi thường đánh dấu cuộc đời của mình bằng những cuộc hội thảo dành cho các nhà phát triển của Microsoft. Thậm chí, khi tôi nghĩ về ngày sinh của các con tôi, tôi thường liên tưởng ngay tới các giai đoạn khác nhau của các nền tảng Microsoft. Con trai của tôi gắn với thời IaaS, còn hai con gái của tôi là thời .NET".