Năm 1996, Chủ tịch tập đoàn Samsung khi đó, ông Lee Kun-Hee cảm thấy sự thất vọng đối với tình hình hiện tại. Ông cho rằng để trở thành một thương hiệu hàng đầu, Samsung cần phải đổi mới mạnh mẽ về thiết kế - yếu tố cốt lõi mà ông tin chắc chắn rằng đây sẽ là "Chiến trường tối thượng cho cạnh tranh toàn cầu trong thế kỷ 21". Và thế là Samsung bắt đầu một cuộc cải tổ mạnh mẽ bậc nhất trong lịch sử để rồi sau đó, viết nên một kỳ tích mới ảnh hưởng đến xu hướng cả thị trường cho tới tận những năm gần đây.
Chủ tịch Lee lúc đó đã bắt đầu xây dựng một văn hóa tập trung vào thiết kế. Nhưng khởi đầu như thế nào mới là câu hỏi khó. Nhiều lãnh đạo cấp cao của công ty khi đó cho rằng họ nên mời những nhà thiết kế hàng đầu của Hàn Quốc đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo thiết kế thế nhưng cuối cùng, Chủ tịch Lee lại lựa chọn con đường bền vững và lâu dài hơn tất cả. Thay vì mời những nhà thiết kế hàng đầu để có được thành tựu tức thời, Samsung đã xây dựng nên 3 chương trình đào tạo thiết kế ngay trong nội bộ và mời các giáo viên từ những trường nghệ thuật, thiết kế nổi tiếng về đào tạo. Một chương trình đào tạo đặc biệt dành cho những nhà thiết kế nội bộ, tách biệt họ khỏi công việc hiện tại trong thời gian lên tới 2 năm. Hai chương trình còn lại bao gồm một chương trình đào tạo cấp độ Đại học và Sau Đại học cùng một chương trình thực tập.
3 chương trình này đã từng gây nên sóng gió ngay trong nội bộ Samsung vì khiến các nhà quản lý đau đầu khi phải "chia tay" nhân viên thiết kế của mình tới 2 năm trời. Nhưng Chủ tịch Lee Kun-Hee đã làm tất cả để bảo vệ ý tưởng này. Cho đến ngày nay, không còn một ai thắc mắc về quyết định lịch sử này nữa vì Samsung đã trở thành nhà sản xuất thiết bị công nghệ điện tử hàng đầu thế giới với dấu ấn vô cùng mạnh mẽ về thiết kế trong tất cả dải sản phẩm của mình, từ TV, tủ lạnh cho tới smartphone, smartwatch…
Triết lý thiết kế của Samsung khi đó được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: Đồng cảm (Empathy), Hình tượng hóa (Visualize) và Thực nghiệm (Experimenting). Cần phải biết rằng quy trình để cho ra khuôn mẫu thiết kế cuối cùng trong một tập đoàn lớn là cực kỳ khó khăn. Bạn phải vượt qua vô số những vòng xét duyệt, đánh giá, cân đo đong đếm, thậm chí là chỉ trích tới từ các bộ phận trong công ty, bao gồm kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia trải nghiệm người dùng, lãnh đạo, quản lý và cả nhà cung cấp nữa.
Một ví dụ đáng nói như trong trường hợp của thiết kế nổi tiếng One Design do Samsung sáng tạo, khởi đầu với mẫu TV huyền thoại Bordeaux năm 2006: Ban đầu Samsung đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội tới từ chính các nhà cung cấp màn LCD của mình do họ sẽ phải bổ sung thêm một lớp bảo vệ bên ngoài, dẫn đến sản phẩm cuối cùng bị dày hơn. Trên thực tế, các nhà thiết kế của Samsung đã "hình tượng hóa" về một sản phẩm tương lai với thiết kế mảnh dẻ, bọc kim loại - điều mà thị trường còn chưa bao giờ nhìn thấy trong các bản concept chứ đừng nói gì tới một sản phẩm thương mại. Để giải quyết điều này, Samsung áp dụng triết lý "đồng cảm", chia sẻ với chính các nhà cung cấp khi tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng đặc biệt dành riêng cho các mẫu LCD áp dụng One Design nhằm giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Toàn bộ chi phí vận chuyển tiết kiệm được sẽ chia sẻ với chính các nhà cung cấp và thế là Samsung đã có được thứ mình muốn: những mẫu TV thiết kế vô cực đầu tiên trên thế giới.
Thành công nhờ "Đồng cảm" và "Hình tượng hóa" nhưng chính "Thực nghiệm" mới là yếu tố dẫn dắt Samsung đến thành tựu về mặt doanh số lớn nhất. Các nhà thiết kế của Samsung phải thực sự nghiên cứu và đóng vai người sử dụng trong tất cả các trường hợp để hiểu về sản phẩm của mình, nhằm đưa ra những mẫu phục vụ nhu cầu sử dụng một cách hoàn hảo nhất. Năm 2003, các nhà thiết kế của Samsung mang tới một quyết định cách mạng thị trường TV lúc đó: Thông qua thực nghiệm và nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng trong hầu hết các gia đình, thời gian TV tắt thực ra nhiều hơn là thời gian bật. Nói cách khác, trong nhiều trường hợp, TV chỉ là món đồ nội thất thông thường. Vì vậy theo quan điểm của nhà thiết kế, các bộ loa gắn 2 bên TV lúc đó là thiếu thẩm mỹ. Các nhà thiết kế Samsung khi đó đã dũng cảm loại bỏ loa khỏi vị trí thông thường và ẩn chúng đi một cách kín đáo.
Nhiều quản lý của Samsung ban đầu còn tỏ ra nghi ngờ. Họ vẫn tin vào lời khuyên thông thường về thiết kế TV rằng theo thứ tự giảm dần, ưu tiên phải là chất lượng hình ảnh, chất lượng âm thanh, tính sử dụng và hình dạng vật lý. Giám đốc điều hành khi đó đã rất lo lắng về ý tưởng đặt loa phía dưới màn hình, theo lời của Kim Young-Jun, một Phó Chủ tịch thiết kế. Để xây dựng sự nhất trí, nhóm thiết kế thúc đẩy công ty thử nghiệm ý tưởng này trên thị trường châu Âu. Mẫu TV này khi đó đã trở thành một cơn sốt, và được Giám đốc điều hành cùng toàn bộ đội ngũ phát triển TV, bao gồm cả những người tiếp thị và kỹ sư ủng hộ ý tưởng. Cuối cùng Samsung đã bán được một triệu đơn vị TV chỉ trong vòng sáu tháng.
Tính từ thời điểm 2006, khi mẫu TV Bordeaux huyền thoại chính thức ra mắt, đặt nền móng cho Samsung trở thành nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới cho tới tận ngày nay, đội ngũ thiết kế của Samsung đã trở thành bộ phận mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng không chỉ với nội bộ công ty mà còn với toàn thị trường.
Thế nhưng rõ ràng với bất kỳ ai đọc qua về triết lý "Đồng cảm", "Hình tượng hóa" và "Thực nghiệm" như đã nói ở trên, sẽ chẳng có ai nghi ngờ về khả năng của Samsung trong lĩnh vực này cả. Công ty không dễ dàng tung ra một sản phẩm khi chưa có đủ hiểu biết và nghiên cứu về thị trường.
TV kích thước lớn chính là xu hướng của thời đại mới. Theo thống kê của Omdia, công ty nghiên cứu thị trường TV hàng đầu thế giới, kích cỡ của các mẫu TV LCD đang tăng trưởng rất mạnh. Sự tăng trưởng này phản ánh một xu hướng kéo dài trong nhiều năm về màn hình lớn, do yêu cầu của người tiêu dùng và kinh tế sản xuất, như ông David Hsieh, chuyên gia công nghệ hiển thị tại Omdia, đã chia sẻ. Lượng xuất xưởng các tấm màn hình TV LCD kích thước 32 inch và 43 inch giảm lần lượt 47% và 24% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 9. Trong khi đó, lượng xuất xưởng các mẫu từ 65 inch đến 98 inch tăng từ 20% đến 155%.
"Những nhà sản xuất tấm màn hình TV LCD dần giảm sản xuất kích thước nhỏ hơn và tập trung hơn vào kích thước lớn", Hsieh nói. "Điều này cho thấy sự chuyển đổi sang các kích thước lớn là một xu hướng lâu dài."
Neo QLED 8K 98 inch có thể coi là hình mẫu đại diện tiêu biểu nhất cho các dòng TV kích cỡ siêu lớn của Samsung, khi tập trung vào sự tối giản. Samsung đã mang tới một chiếc "TV không viền" thực thụ để mang đến trải nghiệm liền mạch, loại bỏ những xao nhãng không cần thiết trong khi vẫn tuân theo nguyên tắc "đơn giản, nhưng ý nghĩa". Trong năm nay, thiết kế không viền 19.9 mm của chiếc Neo QLED 8K 98 inch đã đưa ra một bước tiến mới, đại diện cho đỉnh cao của triết lý thiết kế của Samsung.
"Chúng tôi tập trung vào những hoạt động cốt lõi của trải nghiệm TV - đó là xem và nghe nội dung - và mang lại giá trị bằng cách chỉ giữ lại vẻ đẹp của sự đơn giản" Jangho Kim, Nhà thiết kế TV tại Samsung cho biết.
Có một sự thật rằng kích thước màn hình càng lớn, người dùng có kỳ vọng cao hơn đối với một trải nghiệm xem mới. Triết lý thiết kế TV hiện tại của Samsung, tổng hợp trong "One Plate Design" đã tạo ra một môi trường hoàn toàn chìm đắm trong khi giải quyết những lo ngại liên quan đến kích thước lớn, như trường hợp của Neo QLED 8K 98 inch.
Kim giải thích, "Chúng tôi đã tạo ra 'One Plate Design' bằng cách áp dụng một ngôn ngữ thiết kế cơ bản, đơn giản để TV không gây ấn tượng là ảnh hưởng tới không gian. Với thiết kế hoàn toàn phẳng, bạn có thể treo TV sát vào tường. TV vật lý mảnh mai, nhưng mang mục đích: tất cả đều kết hợp với nhau để tạo ra một trải nghiệm thực sự chìm đắm."
Khi chất lượng hình ảnh đã đạt tới mức "sống động như thật" với công nghệ chấm lượng tử, người tiêu dùng kỳ vọng một sự đột phá về trải nghiệm xem khi tìm kiếm các mẫu sản phẩm kích cỡ siêu lớn. Samsung tiên phong mang tới các mẫu sản phẩm TV thương mại kích cỡ siêu lớn chính là để phục vụ nhu cầu đang ngày một lớn đó.
"Bigger is Better", tập đoàn công nghệ số 1 Hàn Quốc rõ ràng không chỉ muốn tạo ra thành công về mặt doanh số mà còn muốn trở thành hãng đầu tiên mang tới cho người tiêu dùng những lợi ích thiết thực bằng cách tung ra các sản phẩm hiện đại nhất. Bởi vì chỉ có cách dám bước chân vào thị trường bằng những sản phẩm thương mại, người tiêu dùng mới có thể kỳ vọng các mẫu sản phẩm giá thành phải chăng hơn, công nghệ hiện đại hơn trong các thế hệ tiếp theo. Muốn làm được điều đó, chắc chắn phải cần dấu ấn người tiên phong.