Tiếp kỳ trước, "Chúng ta đang hít vào phổi 270 hạt vi nhựa mỗi ngày: Đó là một loại thuốc lá, một dạng mưa axit mới (Phần 1)".
Như vậy, bản thân sự hiện diện vật lý của các hạt vi nhựa siêu nhỏ, như một hạt trơ cũng đã có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật. Có điều, chúng ta đều biết nhựa không phải là một hạt trơ.
Tiến sĩ Heather Leslie, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Môi trường và Sức khỏe, Đại học Vrije, ví hạt vi nhựa giống như những bát mì spaghetti với nước sốt.
Sợi mì là phần chuỗi xương sống polymer cấu thành lên nhựa. Còn nước sốt là các chất chống cháy, chống oxy hóa và phụ gia được thêm vào nhựa để giúp chúng hoặc cứng, hoặc mềm dẻo hơn.
Một nghiên cứu năm 2021 đã xác định được hơn 10.000 hóa chất có trong thứ "nước sốt" của nhựa. Hơn 2.400 hóa chất trong số này là các hóa chất đáng lo ngại, 901 hóa chất thậm chí còn bị cấm sử dụng trong bao bì thực phẩm ở một số quốc gia.
Nhiều hóa chất trong số này sẽ hoạt động như các hợp chất gây rối loạn nội tiết, hoặc chất độc bắt chước hormone khi chúng xâm nhập vào cơ thể. "Đôi khi, ngay cả một liều lượng thấp của một số chất phụ gia này cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn", Tiến sĩ Leslie nói.
Ví dụ, Bisphenol A (BPA) là một hóa chất được thêm vào nhựa để giúp chúng cứng hơn. Hóa chất này đã được tìm thấy trong 47 mô cơ quan nội tạng trong nghiên cứu năm 2020. Sự hiện diện của BPA là đáng lo ngại, bởi đây là một chất gây rối loạn nội tiết nổi tiếng.
BPA có thể bắt chước estrogen, hormone sinh dục nữ cần thiết cho quá trình sinh sản, phát triển thần kinh và mật độ xương. Ở nam giới, estrogen điều chỉnh số lượng tinh trùng, ham muốn tình dục và chức năng cương dương.
Phơi nhiễm BPA có liên quan đến nhiều bệnh bao gồm ung thư, ADHD, béo phì và số lượng tinh trùng thấp. Tiến sĩ Dusza cho biết hầu hết mọi người đều có một lượng BPA lưu thông trong máu, nhưng hạt vi nhựa có thể làm tăng mức độ phơi nhiễm của chúng ta, dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Và BPA mới chỉ là một trong số 2.400 hóa chất "đáng lo ngại" có thể bị "tan ra" từ hạt vi nhựa. Chưa kể, hạt vi nhựa lơ lửng trong không khí có thể đóng vai trò như một vật vận chuyển thêm nhiều hóa chất độc hại vào cơ thể người.
"Các hạt vi nhựa trong môi trường có thể hút [hóa chất] như một miếng bọt biển. Những hóa chất này được biết đến là chất gây ô nhiễm, như thuốc trừ sâu, hợp chất flo hóa, chất chống cháy, v.v.", Tiến sĩ Hanna Dusza đến từ Viện Khoa học Đánh giá Rủi ro tại Đại học Utrecht, cho biết.
Khi vào cơ thể, các hóa chất này có thể được giải phóng, có khả năng dẫn đến ung thư, viêm mãn tính hoặc các tác dụng phụ chưa biết khác.
Các hạt vi nhựa cũng có thể hoạt động như một vật chuyên chở vi sinh vật, vi khuẩn và virus. Một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2022 cho thấy virus truyền nhiễm có thể tồn tại 3 ngày trong nước bằng cách "quá giang" trên hạt vi nhựa.
Bản chất xốp của cấu trúc vi nhựa cung cấp cho vi khuẩn một môi trường hoàn hảo để sống và sinh sản, tiến sĩ Dusza nói. Vì vậy, nếu bạn ăn hít hạt vi nhựa, nhiều khả năng bạn cũng sẽ hít phải vi khuẩn.
Trở lại với hành trình của Brahney năm 2018, sau khi tìm thấy hàng nghìn tỷ hạt vi nhựa ở những vùng hẻo lánh nhất của miền tây nước Mỹ, cô cùng các đồng nghiệp đã mất thêm 2 năm để thu thập, phân tích dữ liệu và xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí Science.
Bài báo với tựa đề "Những cơn mưa nhựa tại các khu bảo tồn của Mỹ" bắt đầu bằng một lời khẳng định: "Không còn bất kỳ một nơi nào trên Trái Đất được coi là an toàn với ô nhiễm nhựa. Nhựa ở đây, ở kia, và ở khắp mọi nơi".
Việc Brahney tìm thấy hàng nghìn tỷ hạt vi nhựa ở miền tây hoang dã nước Mỹ cũng giống như cách các nhà khoa học khác tìm thấy chúng ở Bắc Cực, trên dãy Alps, hay thậm chí bên dưới rãnh đại dương Mariana sâu nhất thế giới.
"Chúng ta đang sống trên một quả bóng được bọc bằng một bong bóng khí khác (khí quyển). Và cả hành tinh này không hề có biên giới hay góc cạnh", Steve Allen, một nhà nghiên cứu hạt vi nhựa tại Đại học Strathclyde, giải thích.
"Sau khi các hạt vi nhựa đi từ đất liền vào biển, chúng lại quay ngược trở lại từ biển cả. Nhựa rơi xuống mặt đất từ bầu trời rồi lại bị thổi ngược lên không trung. Chúng sau đó sẽ di chuyển đến một nơi khác, không có gì ngăn cản nổi một khi nhựa đã thoát được ra ngoài đó".
Một thực tế đó là vòng đời của nhựa có thể kéo dài từ 400-1.000 năm. Những hạt vi nhựa cần mất ngần đó thời gian để phân hủy hoàn toàn. Có nghĩa là toàn bộ nhựa mà con người tổng hợp được trong lịch sử, từ năm 1907 đến nay, vẫn còn đang trôi nổi đâu đó ngoài kia. Và chúng vẫn liên tục được tích lũy.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết sản lượng nhựa được sản xuất hàng năm trên toàn cầu đã tăng từ 2 triệu tấn năm 1950 lên hơn 450 triệu tấn vào năm 2019.
Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về chất thải này tích tụ trong môi trường, lượng nhựa vẫn liên tục gia tăng – nhất là khi một số công ty dầu mỏ gần đây đang chuyển sang sản xuất nhựa vì nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch giảm.
Nghiên cứu của Brahney cho biết với tốc độ tăng trưởng 5% thì đến năm 2025, tổng lượng rác thải nhựa mà con người thải ra môi trường sẽ lên tới 11 tỷ tấn. Điều đó có nghĩa là sẽ ngày càng có nhiều nhựa trong không khí.
Brahney cho biết các nỗ lực ngăn chặn rác thải nhựa sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực vĩ mô, chẳng hạn như các phong trào chống ô nhiễm nhựa đã dẫn tới một số lệnh cấm ống hút nhựa, túi nhựa và hạt vi nhựa được thêm vào sản phẩm chăm sóc cá nhân như mỹ phẩm, sữa rửa mặt, kem đánh răng.
Mỹ, Liên Minh Châu u và Vương Quốc Anh là những quốc gia đang đi tiên phong trong vấn đề vi nhựa. UNESCO gần đây cũng đã tài trợ cho các chương trình nghiên cứu và đánh giá ô nhiễm vi nhựa xuyên biên giới. Áp lực từ phía các nhà khoa học, công chúng và các nhóm môi trường dần dần sẽ khiến các công ty tìm cách loại bỏ nhựa khỏi sản phẩm của mình để duy trì hệ sinh thái lành mạnh.
Tuy nhiên, Brahney dự báo chúng ta vẫn còn cách rất xa một tương lai mà vấn đề rác thải nhựa có thể được giải quyết. "Một điều rõ ràng là chúng ta vẫn đang hít thở hạt vi nhựa", cô nói. "Đó là những hạt vi nhựa trong không khí chủ yếu đến từ quần áo, lốp xe ô tô và sự phân mảnh của hàng hóa và bao bì được sử dụng trong thời gian ngắn rồi vứt bỏ, đôi khi là từ nhiều thập kỷ trước".
Vậy trong thời đại ô nhiễm hạt vi nhựa, bạn có thể làm gì để tự bảo vệ bản thân mình, giảm thiểu phơi nhiễm với những hạt nhựa vô hình trong không khí? Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:
Nếu bạn biết không khí xung quanh mình đang hít thở chứa đầy hạt vi nhựa, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là đeo khẩu trang. Thế nhưng, trớ trêu thay bạn có biết chính chiếc khẩu trang bạn đang đeo cũng được làm từ sợi nhựa, và chúng có thể giải phóng hạt vi nhựa.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Hazardous Materials đã thử nghiệm 7 mẫu khẩu trang phổ biến trên thị trường để xem chúng sẽ giúp bạn cản hạt vi nhựa hay thậm chí còn khiến bạn hít phải chúng nhiều hơn.
Kết quả cho thấy đeo khẩu trang N95 có thể giúp làm giảm 25,5 lần nguy cơ hít phải hại vi nhựa so với không đeo khẩu trang. Khẩu trang y tế (hàng loại 1), khẩu trang cotton, khẩu trang thời trang, và khẩu trang không dệt cũng cho hiệu quả bảo vệ cao.
Ngược lại, khẩu trang than hoạt tính và khẩu trang y tế (hàng loại 2) có độ bền rất kém. Chỉ sau 2 giờ đeo, khẩu trang than hoạt tính bắt đầu giải phóng hạt vi nhựa nhiều hơn lượng nó cản được. Con số với khẩu trang y tế kém chất lượng là trong vòng 48 giờ.
Các nhà khoa học vì vậy khuyến khích mọi người sử dụng khẩu trang N95 để phòng chống ô nhiễm hạt vi nhựa.
Như nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch đã cho thấy, vi sợi từ quần áo là một nguồn gây ô nhiễm hạt vi nhựa lớn đối với không khí trong nhà.
Khi lựa chọn quần áo, bạn nên tránh các loại vải làm từ sợi nhựa như spandex, polyester, nylon, acrylic và polyamide. Thay vào đó, hãy chọn các loại sợi tự nhiên như bông hữu cơ 100%, sợi gai dầu hoặc sợi tre.
Ngoài ra, bạn nên biết máy giặt và máy sấy là hai nguồn phát thải sợi vi nhựa lớn trong nhà. Quá trình giặt có thể bóc tách 3 triệu sợi vi nhựa ra khỏi quần áo của bạn mỗi năm, trong khi đó, con số với máy sấy là 120 triệu sợi.
Để hạn chế lượng nhựa thoát ra khỏi quần áo, bạn nên đảm bảo máy giặt của mình có bộ lọc để lọc được sợi nhựa. Sử dụng ít nước hơn trong mỗi lần giặt và phơi quần áo thay vì sấy với máy cũng sẽ giúp không khí trong nhà của bạn sạch hơn.
Nhà ở, văn phòng, trường học ngày nay thường sử dụng rất nhiều đồ nội thất bằng nhựa hoặc có chứa nhựa, từ rèm cửa, thảm trải sàn cho đến sàn gỗ (đúng vậy, sàn của bạn có thể là gỗ, nhưng lớp phủ chống nước của nó thì được làm từ nhựa polyvinyl).
Mặc dù rất khó, nhưng nếu có thể, bạn nên chọn đồ nội thất và đồ gia dụng không chứa nhựa, chẳng hạn như gạch men, bàn ghế gỗ không phủ, chưa qua xử lý. Điều này không chỉ giúp bảo vệ bạn mà còn bảo vệ cả con cái bạn - những đứa trẻ thường xuyên chơi gần mặt sàn và các đồ vật, nội thất trong nhà hơn và vì thế bị phơi nhiễm nhiều hơn với hạt vi nhựa.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Australia cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi có khả năng hít vào một lượng hạt vi nhựa cao gấp ba lần người trưởng thành trong nhà. Đó là khoảng 18.000 hạt mỗi năm, tương đương với 0,3 miligam trên 1 kg trọng lượng cơ thể. Con số gấp 20 lần đối với vi nhựa xâm nhập vào đường tiêu hóa, lên tới 6,1 miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi năm.
Mặc dù một tỷ lệ đáng kể các hạt vi nhựa trong không khí có thể nhỏ tới 1 micromet và gây ra những rủi ro lớn cho sức khỏe khi hít phải, nhưng các hạt vi nhựa thường lớn hơn nhiều so với hầu hết các hạt gây ô nhiễm trong không khí như PM10 và PM2.5.
Điều này giúp việc sử dụng máy lọc không khí để thu giữ chúng là khả thi. Trên thị trường có những loại máy lọc không khí hiệu suất cao có thể cho phép bạn lọc tới hạt nhỏ có kích thước 0,003 micromet – nhỏ hơn hàng nghìn lần so với cả những hạt vi nhựa nhỏ nhất.
Nhưng hãy nhớ rằng do kích thước của chúng, vi nhựa nặng hơn nhiều so với các chất gây ô nhiễm trong không khí thông thường, chúng sẽ không thể bị hút vào bởi các loại máy lọc không khí rẻ tiền, có động cơ nhỏ và yếu.
Đối với những hạt nhựa đã lắng xuống sàn nhà và các bề mặt trong nhà bạn, sử dụng máy hút bụi và lau nhà ít nhất một lần một tuần là cách hiệu quả hơn để loại bỏ chúng.
Ngoài ra, trang bị máy lọc không khí cá nhân có thể giúp lọc vi hạt nhựa khỏi không khí trong các môi trường như phòng ngủ hoặc không gian làm việc, nơi vi hạt nhựa có thể được thải ra ở mức độ cao từ quần áo, thiết bị máy tính để bàn và hộp đựng.
Máy lọc không khí ô tô cũng có thể giúp lọc các hạt vi nhựa phát tán từ lốp xe hoặc những con đường đông đúc lọt vào bên trong xe của bạn.
Bạn đã nhận được những lời khuyên để giảm khả năng phơi nhiễm với hạt vi nhựa trong không khí. Nhưng đừng quên rằng nhựa có thể thâm nhập cơ thể bạn qua cả đường tiêu hóa, thậm chí qua da. Ngay cả khi một hạt vi nhựa không tìm được vào cơ thể bạn, chúng vẫn có thể tồn tại ngoài môi trường để gây hại cho các sinh vật sống khác và hệ sinh thái.
Vì vậy, giảm phơi nhiễm hạt vi nhựa cũng nên được thực hành song song với việc giảm dấu chân nhựa (plastic footprint) trong cuộc sống. Bạn có thể sẽ muốn tránh sử dụng toàn bộ đồ nhựa dùng một lần như ống hút, thìa nhựa, nước uống đóng chai.
Hạn chế sử dụng túi nilon và cốc nhựa bằng cách đeo túi vải đi chợ, sử dụng bình nước inox khi mua đồ uống là những đóng góp hiệu quả khác để hạn chế rác thải nhựa.
Bên cạnh hành động cá nhân, bạn cũng có thể ủng hộ các phong trào môi trường tập thể, bỏ phiếu cho các chính trị gia ưu tiên giải quyết vấn đề rác thải nhựa và hỗ trợ các sáng kiến cắt giảm sản xuất nhựa, chất thải nhựa và hạt vi nhựa trên toàn cầu.
Tổng hợp