Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã nhìn thấy một tấm hình như trên, hoặc ‘na ná’ như vậy được sử dụng để làm hình nền mặc định cho những chiếc laptop, smartphone thế hệ mới. Giống như rất nhiều người, tôi cũng tự hỏi rằng đây là thứ gì mà nhìn ‘mộng mơ’ vậy? Và những nhiếp ảnh gia làm cách nào mà chụp được những bức hình đẹp không tưởng đó, liệu rằng họ đã sử dụng những thiết bị đặc biệt gì?
Một ngày nọ, sự tò mò của tôi chuyển thành ý định muốn tự thực hiện, như một cách để mở tầm hiểu biết nhiếp ảnh. Và chỉ sau một vài bước ‘Google’ ngắn, những câu hỏi của tôi đã có lời giải đáp. Để chụp được bức hình có những bong bóng nhiều màu sắc, các nhiếp ảnh gia đã không sử dụng nước thông thường, mà có sự trợ giúp của...dầu ăn!
Do khối lượng riêng nhẹ, mật độ phân tử và sức căng bề mặt, dầu ăn luôn luôn nổi ở trên mặt nước, tạo ra những khối trôi nổi trên bề mặt mà ta thấy trong bức hình. Thế nhưng nhiêu đó là chưa đủ để tạo ra những bức hình lung linh ta thấy, để làm được điều đó ta sẽ phải có những bước chuẩn bị kỹ càng hơn!
Để chụp hình dầu ăn đầy màu sắc, ta sẽ cần một vài đạo cụ bao gồm một chai dầu ăn (tất nhiên rồi), một bát thủy tinh trong suốt để đựng nước, một chiếc đèn LED lớn (nếu không có đèn LED bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng đèn pin) và ‘món vũ khí đặc biệt’: giấy bóng kính màu. Giấy bóng kính hoặc những loại giấy mỏng có màu sắc sẽ có đóng vai trò đổi màu ánh sáng, giúp những hạt dầu của chúng ta nổi bật hơn rất nhiều so với việc được chiếu bằng ánh sáng trắng.
Một thứ khác cũng quan trọng không kém: thứ dùng để chụp hình. Để chụp những hạt dầu nhỏ bé, những nhiếp ảnh gia đã phải sử dụng máy ảnh thay đổi ống kính và dùng ống kính chuyên cho mục đích chụp macro (chụp siêu cận cảnh), phóng đại lên tạo ra những bức hình ấn tượng. Nhưng thời gian gần đây, một số hãng smartphone cũng đã tích hợp loại camera chuyên dụng cho sản phẩm của mình.
Một trong số đó là chiếc Galaxy A71 - smartphone tầm trung mới nhất đến từ nhà sản xuất Hàn Quốc Samsung. Galaxy A71 được trang bị tới 4 camera sau, trong đó có một camera 5MP f/2.4 dành riêng cho mục đích chụp cận cảnh, bằng cách cho phép người dùng chụp những sự vật cách máy chỉ 3 - 5cm, và đây sẽ chính là trợ thủ đắc lực cho buổi chụp của chúng ta ngày hôm nay.
Sau khi đã đầy đủ dụng cụ và máy chụp, ta sẽ tiến hành sắp đặt. Bước đầu tiên là cắt một miếng giấy màu nhỏ để vừa với chiếc đèn LED. Đặt giấy lên trên mặt đèn LED, bật đèn lên và quan sát xem ánh sáng có lọt qua được hay không, nếu ánh sáng không lọt qua thì bạn sẽ phải tìm loại giấy màu mỏng hơn. Đặt chiếc đèn một cách chắc chắn, song song với mặt đất.
Tắt tất cả những loại đèn khác trong phòng, để nguồn sáng duy nhất là từ chiếc đèn LED có màu được dùng trong buổi chụp. Với máy ảnh và ống kính thông thường, bức hình quả thực nhàm chán. Nhưng khi sử dụng ống kính chuyên macro từ Samsung Galaxy A71 để chụp gần hơn, tôi có thể tạo ra được tác phẩm ‘dầu và màu’ lung linh như thế này:
Nước động càng mạnh thì dầu càng có nhiều các bọt khí, ta vẫn tạo được những bức hình đẹp nhưng theo một phong cách khác.
Sau khi đã chụp thành công lần đầu, bạn hãy thử nghiệm đổi những giấy màu khác nhau. Những bước thực hiện của buổi chụp hình này không quá đơn giản, thậm chí có thể dây bẩn vì sử dụng đến dầu ăn, nhưng kết quả cuối cùng quả thực là rất đáng! Nhìn những bức hình này, có lẽ những nhiếp ảnh gia lâu năm cũng sẽ tưởng rằng chúng được chụp trên máy ảnh chuyên nghiệp, mặc dù trên thực tế tất cả đều được thực hiện trên một chiếc smartphone.
Một vài hình ảnh dầu ăn đầy màu sắc khác mà tôi đã thực hiện với Galaxy A71:
Ngoài việc chụp những cảnh đã được ‘set-up’ kỹ càng trong nhà, camera macro trên Galaxy A71 cũng rất hữu dụng trong những trường hợp chụp đời thường khác.
Một ví dụ điển hình mà bất cứ ai có trong tay camera macro cũng muốn thử đó là những bông hoa. Thay vì chụp cả một cụm, giờ ta có thể chụp đặc tả một bông hoa duy nhất để thấy được rõ từng cánh hoa, nhụy, phấn, hay đẹp hơn cả là những giọt nước bé nhỏ sau cơn mưa còn đọng lại trên bông hoa mà camera thông thường không thể chụp được.
Bên cạnh camera macro mới được trang bị, Galaxy A71 cũng được trang bị đầy đủ những loại camera khác để phục vụ những nhu cầu chụp hình khác nhau. Một camera thuộc dạng ‘chuyên dụng’ khác đó là camera góc siêu rộng độ phân giải 12MP f/2.2, với tiêu cự tương đương với ống kính 12mm của máy ảnh Full-frame.
Trái ngược với camera macro chuyên để chụp những sự vật nhỏ bé mà mắt thường khó nhìn thấy được, camera góc siêu rộng lại dành cho những cảnh vật to lớn, thường bắt người dùng phải lùi lại khá xa trước khi có thể chụp được với camera thông thường.
Với loại camera này, ta có thể dễ dàng chụp những bức ảnh kiến trúc, những cảnh đẹp lớn, hoặc đơn giản là thêm một chút ‘drama’ cho các ảnh chụp đời thường nhờ hiệu ứng làm méo góc ảnh tự nhiên của ống kính siêu rộng.
Mặc dù được trang bị rất nhiều camera chuyên dụng dành cho các thể loại chụp hình khó, Samsung cũng không bỏ qua việc nâng cấp camera chính trên Galaxy A71. Thay vì ‘tái chế’ camera 48MP đã có mặt ở sản phẩm tầm trung Galaxy A51, Galaxy A71 lại sở hữu cảm biến độ phân giải cao 64MP mới do chính hãng điện tử Hàn Quốc sản xuất.
Độ phân giải cao, đồng nghĩa với việc hình ảnh từ camera chính của Galaxy A71 sẽ có nhiều chi tiết hơn. Có lẽ ảnh có nhiều chi tiết sẽ không đem lại nhiều lợi ích khi đăng lên mạng xã hội, vì trong đa phần trường hợp ảnh sẽ qua những bước nén nên người xem sẽ không thấy được độ nét giống như ảnh gốc. Lợi ích lớn nhất đối với tôi đó là khả năng chỉnh sửa, cắt ảnh chụp để tạo ra bức ảnh cuối cùng đẹp hơn, tránh những yếu tố ‘rác’ không đáng có.
Hệ thống camera trên những smartphone tầm giá trung trong thời gian vừa qua đã có những bước cải tiến lớn. Galaxy A71 thuộc phân khúc này, nhưng có tới 4 camera để dùng ở nhiều điều kiện khác nhau, từ chụp những thứ nhỏ bé như giọt dầu, to lớn như một tòa nhà hay tạo ra các bức hình độ phân giải cao vượt trội.
Thiết bị không tạo nên những bức ảnh đẹp mà phụ thuộc vào tay nghề của người chụp, nhưng với những hệ thống camera đa dụng như thế này người dùng sẽ không còn cảm thấy gò bó, tự do sáng tạo theo đúng ý đồ của mình!