1 tháng sau khi bộ 3 Reno8 Series ra mắt, OPPO tiếp tục ra mắt thêm một phiên bản nữa mang tên Reno8 Pro 5G. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, đây mới chính là sản phẩm cao cấp nhất của dòng Reno8, sở hữu những điểm tân tiến từ ngoài vào trong so với bộ 3 đi trước.
Qua từng thế hệ Reno, OPPO đã làm tốt công tác “đồng nhất” thiết kế để dù bạn có mua phiên bản giá rẻ tới cao cấp nhất thì sẽ đều có một ngôn ngữ bên ngoài giống nhau. Dù có chọn Reno8 4G hay Reno8 Pro 5G thì ta vẫn có một smartphone với các cạnh bên vuông vức, mặt lưng phẳng với cụm camera tiệp với thân máy ở cạnh trái và màn hình kích thước lớn dạng phẳng.
Nhưng trong cùng một giới hạn thiết kế, OPPO vẫn tìm được cách để thêm độ “sang” cho Reno8 Pro 5G. Thay vì được hoàn thiện bằng nhựa, máy đã sử dụng mặt lưng kính và các cạnh bên bằng nhôm. Reno8 Pro 5G từ đó chắc chắn hơn một chút, cầm “đầm” tay hơn một chút, mỗi thứ “một chút” như vậy thôi cũng đủ để tạo ra sự khác biệt trong sử dụng hàng ngày.
Cụm camera của máy được làm lớn hơn hẳn so với các dòng Reno8 khác, thậm chí là lớn hơn bất cứ một smartphone nào trên thị trường. Tùy vào cách nhìn của từng người mà đây sẽ trở thành một ưu điểm hay yếu điểm. Cụm camera lớn thể hiện rằng hãng đã sử dụng những thành phần phần cứng tốt để phục vụ cho mục đích nhiếp ảnh, không bị giới hạn về diện tích. Ngược lại, camera lớn cũng sẽ dễ làm người dùng chạm tay vào ống kính đặc biệt là khi cầm máy theo phương ngang để xem video và chơi game.
Nâng cấp mà tôi cho là quan trọng nhất trong thiết kế của Reno8 Pro 5G lại nằm ở mặt trước, cụ thể hơn là màn hình. Máy được trang bị một màn hình lớn 6.7 inch dạng AMOLED độ phân giải FullHD+, với các thông số ấn tượng như khả năng hiển thị 1 tỷ màu, độ sáng cao nhất 950nits và đặc biệt là tần số làm tươi cao 120Hz.
Sử dụng trên thực tế, đây là một màn hình cho màu sắc tươi nhưng không quá đậm, không bị ngả về màu xanh hay vàng, tương phản tốt nhờ công nghệ AMOLED có thể tắt được từng điểm ảnh và “mượt” hơn nhờ tần số 120Hz.Thị trường vẫn sẽ còn có những màn hình cao cấp hơn ở các smartphone đầu bảng đắt tiền, nhưng chắc chắn sẽ không ai phàn nàn về vấn đề hiển thị từ Reno8 Pro 5G vì máy đã làm rất tốt rồi.
Một yếu tố không hoàn toàn nằm trong vấn đề thiết kế nên nhìn bằng mắt thường không thấy được nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm là bộ rung. Reno8 Pro 5G được trang bị một motor rung chất lượng cao, kết hợp với tính năng trong ColorOS 12 mà hãng gọi là “O-Haptics” cho cảm giác sử dụng rất “vật lý”. Những nút bật tắt trong hệ thống khi được kích hoạt sẽ làm máy rung liên tục rồi dừng đột ngột giống với công tắc ngoài đời thật, hay khi nhấn giữ nút tăng giảm âm lượng thì máy sẽ rung thành những đợt nhỏ giống với việc quay núm vặn âm lượng trên các thiết bị âm thanh.
Cụm camera “khổng lồ” của máy chụp ảnh liệu có đẹp hay không? Chiếc máy này có tổng cộng 4 camera, một camera góc rộng thông thường độ phân giải cao 50MP với cảm biến IMX766, góc siêu rộng 8MP f/2.2, macro 2MP f/2.4 và camera selfie 32MP f.2.4. Điểm đặc biệt là máy cũng trang bị Marisilicon X - một chip AI riêng biệt để cân bằng ánh sáng, khôi phục độ chi tiết, xử lý HDR đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng. Đây là một con chip đã xuất hiện trên dòng Find X5 Pro và giờ đã có mặt ở một smartphone tầm dưới.
Với hệ thống camera sau, điểm nhấn chắc chắn sẽ nằm ở camera chính với độ phân giải cao 50MP. Trong điều kiện thông thường, máy sẽ chụp ở độ phân giải 12.5MP bằng cách gộp 4 điểm ảnh lại, và chỉ chụp 50MP ở một chế độ riêng biệt. Hình ảnh từ camera chính cho chất lượng tốt, với độ nét cao và màu sắc đậm đà vừa đủ để không cần phải chỉnh thêm bằng phần mềm hậu kỳ. Chế độ 50MP sẽ cho ảnh nét hơn đôi chút, nhưng không vượt trội hoàn toàn so với chụp thông thường nên trong đa phần trường hợp sẽ không quá cần thiết.
Thế mạnh của Marisilicon X được thể hiện rõ rệt nhất trong những điều kiện thiếu sáng. Reno8 Pro 5G trong ở chế độ chụp tối cho ảnh rõ ràng ở cả các chi tiết nhỏ, màu sắc không bị quá đậm hoặc bệt (thường thấy ở những máy xử lý ảnh thiếu sáng kém) và cũng làm tốt việc “dọn” nhiễu ở những vùng tối.
Camera siêu rộng có độ phân giải thấp hơn so với camera chính, nên việc nó có độ nét trên thực tế cũng không bằng là chuyện đương nhiên. Tuy vậy OPPO cũng đã làm tốt việc cân bằng độ tương phản và màu sắc với camera chính, từ đó cho hình ảnh tương đồng để khi chụp thành album sẽ có tính đồng nhất cao.
Có chất lượng thấp nhất chắc chắn sẽ là camera macro 2MP của máy. Đây là camera macro dạng góc rộng và lấy nét cố định, nên muốn chụp được sự vật ta sẽ phải tới rất gần. Chất lượng hình ảnh cũng không có gì đáng để nói, màu sắc mặc dù vẫn được đảm bảo nhưng các yếu tố như độ nét, tương phản phụ thuộc nhiều vào độ sáng môi trường, nếu đủ sáng thì sẽ ở mức chấp nhận được còn chỉ hơi thiếu sáng thì sẽ giảm đi nhiều.
Thực hiện tốt những điều cơ bản, nhưng ở tầm giá của Reno8 Pro 5G người dùng sẽ có những đòi hỏi cao hơn. Có thể đó là một camera siêu rộng có độ nét cao hơn, hoặc có thêm camera zoom và macro dạng hiển vi như OPPO Find X3 Pro chẳng hạn. Hay một tính năng cũng khá hay của chiếc Find X5 Pro là chụp ảnh Xpan, giả lập chiếc máy ảnh phim Hasselblad Xpan cũng khá hay nhưng không được OPPO đem xuống Reno8 Pro 5G.
Là sản phẩm cao cấp nhất của dòng Reno8, Reno8 Pro 5G cũng nhận được nâng cấp về phần cứng bên trong. Máy sở hữu vi xử lý Dimensity 8100-MAX, một phiên bản chip Dimensity 8100 được BBK (công ty mẹ của OPPO) tùy chỉnh để sử dụng trên các dòng máy của hãng. Đây cũng không phải là một con chip “hạng xoàng” khi được xây dựng trên tiến trình 5nm với 4 nhân hiệu năng cao Cortex A78, 4 nhân tiết kiệm điện Cortex A55, GPU Mali-G610 MC6 và được so sánh với Snapdragon 888 và 888+.
Hiệu năng của riêng GPU được thử với 3DMark Wild Life Extreme với con số là 1551 điểm và 9.3 FPS, tức đã có sự nhỉnh hơn so với Snapdragon 888 trên chiếc Xiaomi 11T Pro (1464 điểm và 8.8 FPS). Những bài thử với GFX Aztek Vulkan của trang GSMArena cũng cho thấy Reno8 Pro 5G vượt mặt khá nhiều dòng máy với Snapdragon 888 về hiệu năng GPU như Galaxy S21 FE 5G và OnePlus 9 Pro.
Tuy vậy Qualcomm từ đó đến nay cũng đã có những dòng chip mạnh mẽ hơn là Snapdragon 8 gen 1 và 8+ gen 1, và cả 2 đều cho điểm hiệu năng CPU và GPU cao so với Dimensity 8100-MAX. Vậy ta có thể kết luận là Reno8 Pro 5G có cấu hình ngang ngửa, thậm chí lấn lướt các smartphone đầu bảng của thế hệ trước, nhưng mới chỉ ở hạng “cận cao cấp” của năm nay.
Không sở hữu cấu hình mạnh nhất, Reno8 Pro 5G vẫn không “ngại” trong vấn đề chơi game. Thử với tựa game Liên Quân Mobile, máy có thể đặt được cấu hình cao nhất ở tất cả các thanh đồ họa, bật cả đổ bóng và 60 FPS. Trong game, đôi lúc ta vẫn bắt gặp các khoảnh khắc game bị giảm xuống còn 57 - 58 FPS nhưng cuối cùng FPS trung bình vẫn đạt 59.5, không thành vấn đề.
Với tựa game Genshin Impact nặng hơn, ta chỉ có thể đặt cấu hình đồ họa ở mức trung bình. Ở những cảnh có ít hành động như khi đi vào thành, máy có thể đạt gần 50FPS, nhưng ở nơi có quái và liên tục giao tranh thì mức FPS sẽ giảm xuống khoảng 44 - 45, tổng kết cho mức FPS trung bình đạt 46.1. Những ai chơi tựa game này nhiều thì cần điều chỉnh các lựa chọn đồ họa giảm xuống một chút để cho trải nghiệm mượt nhất, vì cấu hình hiện tại vẫn xuất hiện một chút giật (stutter) nhẹ.
Một điểm mà OPPO từ trước đến nay vẫn làm tốt và thậm chí là dẫn đầu thị trường là về vấn đề pin - sạc. Với công nghệ VOOC và sau này là SuperVOOC, OPPO liên tiếp đạt kỷ lục về tốc độ sạc nhanh, rút ngắn thời gian người dùng phải ngồi đợi máy sạc và cũng từ đó tăng thời lượng máy được sử dụng cho các công việc hữu ích hơn.
Reno8 Pro 5G cũng không phải là ngoại lệ khi được trang bị SuperVOOC 80W, được quảng cáo là phải sạc tới 45% trong chỉ 10 phút từ trạng thái cạn kiệt, và chỉ 31 phút để đầy pin. Thử nghiệm trên thực tế có một chút sai lệch nhỏ khi máy chỉ sạc được 40% trong 10 phút đầu, tới mốc 31 phút sạc được 95% và sẽ tốn thêm khoảng hơn 4 phút nữa để sạc đầy. Dù không “chuẩn chỉ” được như quảng cáo, nhưng đây vẫn một tốc độ sạc nhanh “chóng mặt” đến từ chiếc máy này, nhanh hơn rất nhiều những dòng máy flagship đắt tiền hơn rất nhiều so với Reno8 Pro 5G.
Một tính năng mà các bạn thường xuyên sạc smartphone qua đêm sẽ rất thích là “Chế độ sạc tối ưu vào ban đêm” của ColorOS 12. Tính năng này sẽ giới hạn công suất sạc những lúc người dùng đi ngủ, vừa đủ để sáng thức dậy là pin đầy chứ không thực hiện sạc nhanh và đặt máy vào tình trạng 100% mà vẫn sạc suốt đêm gây chai pin.
Sạc thì nhanh nhưng Reno8 Pro 5G lại tiêu tốn pin không hề nhanh. Trong một ngày tôi nghỉ ở nhà giải trí, máy mất khoảng 20% sau khi xem Youtube trong 4 tiếng, thêm 10% nữa sau khi chơi Genshin Impact 30 phút và thêm 22% nữa để chơi Liên Quân trong 1 tiếng 30 phút. Cộng thêm khoảng 4% lượng pin trong chế độ chờ thì cuối ngày Reno8 Pro 5G vẫn còn 45%, một con số khá ấn tượng. Nếu sử dụng máy giải trí ít hơn thì việc có thể qua được 2 ngày là rất khả thi.
Trong tất cả các sản phẩm Reno từ trước đến nay, chiếc máy làm mình cảm thấy ấn tượng sâu sắc và lâu dài nhất là Reno 10X Zoom. Bên cạnh thiết kế camera ẩn “vây cá mập” dành riêng cho dòng Reno, Reno 10X Zoom còn có cấu hình flagship của năm nhờ vi xử lý Snapdragon 855 và camera tiềm vọng nữa, giúp nó trở thành một sản phẩm thú vị, đúng chất cao cấp hơn.
Qua từng năm, dòng Reno đã được định nghĩa lại để chỉ gói gọn trong phân khúc tầm trung nằm dưới dòng OPPO Find X nên cũng không còn được các tính năng khác lạ như Reno 10X Zoom nữa, ta có thể thấy rõ ở Reno8 Pro 5G. Đây mặc dù vẫn là một chiếc máy có độ hoàn thiện tốt từ chất liệu, thiết kế bên ngoài, cấu hình tới khả năng chụp hình, nhưng tôi cảm thấy vẫn còn có những thứ đã được hãng “để dành” cho Find X5 Pro hay các máy Find X sau đó.
Trong năm sau, bên cạnh việc tiếp nối các thế mạnh của Reno8 Pro 5G thì Reno9 Pro có thể khai phá thêm những tiềm năng của phiên bản năm nay. Là một dòng máy với chữ “Pro” trong tên và có giá bán cũng khá cao (18.990.000đ), những chiếc smartphone này cần phải làm người dùng phải “Wow” hơn nữa mới đủ.