Bởi vị thế quá thống trị của các gã khổng lồ đến từ nước Mỹ, ít người nhận ra rằng các quốc gia châu Á đã và đang luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trên chiến trường công nghệ toàn cầu. Thập niên 1980 đã từng là của người Nhật, nơi Sony dẫn đầu một loạt các tên tuổi nay đã chìm khuất vào dĩ vãng để biến Đất Nước Mặt Trời Mọc trở thành trái tim của tivi, đài radio, audio v...v... Thập niên 90 chứng kiến các công ty "gia đình trị" như Samsung, LG và SK lần lượt biến Hàn Quốc trở thành bộ mặt của các ngành công nghiệp bán dẫn, hiển thị và viễn thông trên toàn cầu.
Thập niên 2010, thời đại của di động, có lẽ là thời đại dành cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thế nhưng, trong tất cả các thương hiệu smartphone Trung Quốc đang giành giật miếng ăn với Apple và Samsung, chỉ có duy nhất một ông lớn dám cạnh tranh công bằng với 2 gã lớn đã từng khai sinh ra thị trường smartphone hiện tại.
Nếu bạn vẫn chưa tin vào vị thế quá khủng khiếp của đất nước đông dân nhất thế giới, hãy ghi nhớ một sự kiện quan trọng: đầu tháng 9, ngay trước thềm sự kiện iPhone, một hãng điện thoại Trung Quốc đã bất ngờ vượt mặt Apple để trở thành hãng smartphone đứng thứ 2 thế giới về doanh số trong một quý tài chính.
Đó là một khoảnh khắc vô cùng đáng kinh ngạc cho cả thế giới di động. Bởi, trong suốt nửa thập kỷ vừa qua, người ta đã quen với vị trí số 1 của Samsung và vị trí số 2 của Apple. Khi Samsung không may gặp sự cố pin của Note7, Apple còn bất ngờ vươn lên nắm giữ ngôi vị đứng đầu cả thế giới trong quý cuối năm 2016. Dù chỉ là trong một quý ngắn ngủi, ngôi vị số 1 về thị phần của gã khổng lồ vốn đã thâu tóm gần như toàn bộ lợi nhuận của thế giới smartphone đã trở thành một lời cảnh báo quan trọng: Apple vẫn là một thế lực đáng phải kiêng dè trong thế giới smartphone.
Ấy thế mà ngay trong quý huy hoàng đó của Apple, Huawei bỗng dưng lại đưa ra lời cảnh báo tới Apple. Không phải những tuyên bố chẳng đúng chẳng sai như "smartphone của chúng tôi tốt hơn", CEO Richard Yu của Huawei Consumer Business (mảng điện tử người tiêu dùng) đặt ra một mục tiêu rõ ràng mà bất kỳ một công ty nghiên cứu thị trường nào cũng có thể kiểm chứng:
Chỉ mất không đến một năm, mục tiêu của Huawei đã trở thành hiện thực.
Để có được 1 khoảnh khắc huy hoàng trong năm 2017, Huawei đã phải liên tục nỗ lực trong vòng 5 năm trời. Năm 2012, gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc mới ra mắt chiếc smartphone đầu tiên. Chỉ trong vòng 1 năm, Huawei và đồng hương ZTE đã cùng nhau lọt vào top 5 nhà sản xuất smartphone thế giới, chỉ đứng sau Apple.
Khi ấy, sự kiện 2 tên tuổi gần như hoàn toàn xa lạ với người dùng Mỹ, châu Âu và Nhật lọt vào top 5 đã được rất nhiều nhà phân tích và chuyên gia công nghệ nhắc tới. Không còn bất ngờ gì nữa, vị thế và tiềm lực của smartphone Trung Quốc đã được xác lập ngay trong thời điểm này.
Thế nhưng, trong những năm tiếp theo, khi Trung Quốc vẫn là canh bạc quan trọng với tất cả các hãng công nghệ toàn cầu, vị thế đại diện cho Trung Quốc sẽ sớm rơi vào tay một kẻ nổi loạn khác: Xiaomi. Khởi nghiệp smartphone trước cả Huawei (từ 2011), Hạt Gạo Nhỏ của tỷ phú Lei Jun nhanh chóng gây sốc bằng chiến lược phá giá cấu hình, bao gồm cả những chiếc smartphone có vi xử lý, RAM và độ phân giải ngang ngửa smartphone cao cấp từ Samsung nhưng giá bán chỉ bằng một nửa.
Kết thúc năm 2013, Xiaomi trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. Mức giá trung bình của một chiếc smartphone tại Trung Quốc giảm xuống dưới 150 USD. Bản chất của cuộc đua đã thay đổi hoàn toàn.
Vậy thì, đâu là lời giải của Huawei? Rất đơn giản, câu trả lời nằm ở chiến lược ngàn đời của các doanh nghiệp Trung Quốc: học hỏi. Ngày 29/4/2014, thương hiệu giá rẻ Honor được hồi sinh dưới mô hình flash sale của Xiaomi để làm bàn đạp tiến đánh các thị trường đang phát triển. Tháng 10 năm đó, Huawei đưa Honor sang châu Âu. Trong vòng 1 năm, thương hiệu giá rẻ của Huawei đã có mặt tại 74 quốc gia. Doanh số cả năm 2014 là 20 triệu chiếc, một thành tích mà Huawei sau đó đã có thể tái lập chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015.
Ngay trong năm đó, Xiaomi chịu sự đả kích lớn khi thiếu hụt hẳn 30 triệu máy so với mục tiêu đặt ra vào đầu năm.
Đến quý 3/2015, vị trí số 3 toàn cầu đã rơi vào tay Huawei trong khi Xiaomi thậm chí còn thua kém OPPO 0,1% thị phần và bị kẹt lại vị trí thứ tư. Bằng cách áp dụng lại chiến lược của chính đối thủ, Huawei đã nhắc lại bài học khắc nghiệt nhất của thế giới công nghệ: bất cứ lúc nào, các chiến lược đột phá của các startup cũng có thể bị "học hỏi" bởi các gã khổng lồ đi trước. Bất cứ lúc nào, vũ khí của những kẻ mới nổi cũng có thể bị sử dụng để chống lại chính bản thân họ.
Nếu để ý tới những chiếc Honor ngay từ 2014, bạn sẽ thấy chúng có một điểm đặc biệt. "Honor" là thương hiệu duy nhất xuất hiện trên thân máy, còn tên gọi "Huawei" bị ẩn giấu khá kỹ trên hộp đựng. Dường như, Huawei muốn truyền tải thông điệp rằng, "Honor" là thương hiệu độc lập với Huawei".
Tại sao?
Bởi ngay từ năm 2014, khi Huawei bị Xiaomi vượt mặt để trở thành tên tuổi smartphone đáng chú ý nhất đến từ Trung Quốc, thị trường smartphone toàn cầu nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng đã bắt đầu chứng kiến những bước ngoặt gây sốc. Năm đó, tổng doanh số toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ máy. Các nhà phân tích nhanh chóng đưa ra nhận định rằng, thị trường smartphone không thể tiếp tục bùng nổ như trước.
Trong quý thứ tư, thị phần của Apple bất ngờ vượt mặt Samsung. Và chỉ trong vòng 1 năm - đến cuối 2015, giá bán trung bình của một chiếc smartphone tại Trung Quốc nhanh chóng tăng vọt để trở lại mức cao hơn cả 2012, khi cuộc cách mạng phá giá của Xiaomi vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Bước ngoặt đã xảy ra: thị trường đã bắt đầu bão hòa. Người dùng bắt đầu chuyển từ mua mới sang nâng cấp. Họ bắt đầu hướng tư duy sang trải nghiệm và tính năng, bắt đầu đặt ra những bài toán mà các công ty Trung Quốc – vốn đang mải mê chạy đua cấu hình – không thể nhanh chóng đặt ra lời giải.
Cái giá phải trả khi người dùng chịu chi hơn và khó tính hơn là quá khốc liệt. Từ 2014 đến 2015, tổng cộng 136 nhãn hiệu smartphone Trung Quốc phá sản. Xiaomi từ chỗ đặt mục tiêu 100 triệu máy phải hạ xuống 80 triệu và rồi cuối cùng chỉ đạt vỏn vẹn 70 triệu. Lenovo và ZTE dần dần chìm vào dĩ vãng. LeEco khủng hoảng thoi thóp.
Đi qua cơn thảm sát của năm 2015, chỉ có 2 công ty Trung Quốc là tăng trưởng: Huawei và BKK Electronics (cha đẻ của các thương hiệu OPPO, Vivo và OnePlus). Giữa hai gã khổng lồ ấy tồn tại một sự khác biệt không thể rõ rệt hơn: OPPO và Vivo thu hút người dùng bằng cách quảng bá các tính năng chụp ảnh "low tech", thậm chí có lúc còn khoe... linh kiện do Sony sản xuất để ám chỉ chất lượng.
Còn Huawei, năm 2016, gã khổng lồ Trung Quốc đã cùng với LG trở thành 2 tên tuổi đầu tiên vén màn camera kép trên chiếc smartphone đầu bảng. Apple mất nửa năm mới bắt kịp, còn Samsung mất tới... 1 năm rưỡi kể từ ngày Huawei khai màn cuộc chiến mới có camera kép trên Galaxy Note8.
Như thế, từ chỗ là kẻ "học hỏi" rõ rệt các thiết kế của Apple và Samsung, Huawei đã trở thành kẻ đi đầu. Thế giới Huawei được chia làm 2 nửa: Honor để "dằn mặt" những kẻ mới nổi, để đối đầu với Xiaomi, OPPO và Vivo. Còn các mẫu đầu bảng dòng Ascend, Mate, P v...v..., chúng sẽ đảm đương một sứ mệnh khác: biến Huawei trở thành đối thủ đích thực của Samsung và Apple.
Chìa khóa của sứ mệnh mới không phải là camera. Ngay trong năm 2014 Huawei đã đưa chip tự thiết kế lên smartphone đầu bảng. Ra mắt vào thời điểm giữa năm, chiếc Ascend P7 đã trở thành một cột mốc lịch sử: đây là chiếc smartphone (cận) cao cấp đầu tiên sử dụng một con chip do người Trung Quốc tự thiết kế.
Không khó để hình dung một trong những lời chỉ trích nặng nề nhất nhắm vào Ascend P7 lúc đó là tốc độ quá í ẹ của con chip Kirin 910T. Ấy vậy mà, chỉ trong vòng 2 năm sau đó, Huawei và hãng chip HiSilicon của mình đã làm được một điều tưởng chừng không thể: đưa Kirin trở thành một dòng chip có tốc độ ngang ngửa Snapdragon của Qualcomm và Exynos của Samsung. Năm 2017, chiếc Mate 10 Pro lại trở thành chiếc smartphone Android thứ 2 có chip AI tự thiết kế.
Với Mate 10 Pro, người ta mới bỗng chợt nhận ra rằng, trong suốt 3 năm kể từ khi lọt vào top 5 cho đến khi chiếm vị trí số 2 thế giới của Apple, Huawei vẫn là 1 trong 3 ông lớn duy nhất trên thế giới có thể tự thiết kế chip cho smartphone của mình. Kết thúc năm 2017, Huawei cũng vẫn là 1 trong 3 ông lớn duy nhất có khả năng đầu tư để tự tùy biến chip smartphone cho mục tiêu máy học.
Những người hiểu về ngành công nghiệp bán dẫn cũng hiểu rằng đó là một kỳ tích. Kinh ngạc thay, một hãng smartphone lớn lên từ một thị trường giá rẻ đã vượt mặt hãng bán dẫn số 1 thế giới (Samsung) để đưa chip máy học lên smartphone của riêng mình.
Ngày 12/9, Apple vén màn iPhone X. Chỉ vài tiếng sau, Huawei đã kịp đăng tải một mẩu video mỉa mai đối thủ của mình. "Hãy đối diện với sự thật, nhận diện khuôn mặt không phải là dành cho tất cả mọi người. Mở khóa tương lai với Điện thoại AI đích thực".
Một tháng sau, Mate 10 Pro mới được vén màn. Lời hứa "smartphone AI đích thực" của Huawei sớm trở thành... một trò hề khi gã khổng lồ Trung Quốc không thể vén màn bất kỳ một tính năng AI mới lạ nào thực sự ngang tầm Apple hay Google. Cũng chỉ sau đó vài ngày, Huawei tiếp tục bộc lộ sự ám ảnh với Apple khi công bố một phiên bản Face ID nhiều điểm nhận diện hơn, (có vẻ) chính xác hơn và... chưa hoàn thiện, chưa có ngày ra mắt chính thức.
Bằng chính sự ám ảnh với Apple, Hoa Vỹ vẫn đang thể hiện một vị thế đặc biệt. Một vị thế mà tất cả các đối thủ đồng hương đều chưa thể chạm tay tới.
Hãy thử nhìn vào đối thủ Trung Quốc duy nhất có thể vượt mặt Huawei về doanh số: BKK Electronics (ông chủ của OPPO và Vivo). Chìa khóa của OPPO và Vivo không phải là cấu hình, cũng không phải là những tuyên ngôn thiết kế/tính năng đủ tầm đánh bại Galaxy S hay iPhone mà là một mạng lưới phân phối phủ rộng các khu vực nông thôn của Trung Quốc. Tại đây, bằng cách bán hàng vật lý thay vì dựa dẫm vào flash sale, OPPO và Vivo thực chất đã khai thác được đối tượng người dùng kém hiểu biết công nghệ và không có thói quen mua hàng online. Đó là đối tượng mà Huawei và Xiaomi hay Honor chưa thể với tay tới một cách hiệu quả.
Nhưng, tất cả các mảng thị trường sớm hay muộn đều sẽ chuyển mình thành cuộc chiến nâng cấp. OPPO và Vivo từ lâu đã không dám bén mảng đến phân khúc cao cấp, vẫn chẳng phải là đối thủ thực thụ của những chiếc iPhone tháng 9. Khi Apple vén màn Face ID, OPPO và Vivo vội vã trả lời bằng cách tung ra các tính năng... có vẻ tương tự nhưng thực chất lại sử dụng nhận diện hình ảnh 2D có thể đánh lừa bằng ảnh chụp.
Một lần nữa, các thương hiệu của BKK lại thể hiện sự kém cỏi khi chạy theo Apple bằng các công nghệ nửa vời. Còn riêng Huawei, dù chưa thể tạo ra sự đột phá, vẫn cứ là tên tuổi đầu tiên có thể công bố một phiên bản Face ID vừa là AI đúng nghĩa, vừa chính xác hơn cả Apple.
Nhìn theo nhiều cách, 2018 lẽ ra sẽ là một năm dễ dàng trên con đường tiến của Huawei. Trong vòng 1 tháng sau ngày lên kệ, Mate 10 đã đạt doanh số cao gấp đôi chỉ tiêu ban đầu. Tất cả các kỷ lục tại thị trường châu Âu của các thế hệ Mate trước đều đã bị phá vỡ.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm, CEO Richard Yu xác nhận tổng số máy đã xuất xưởng trong năm 2017 thậm chí đã đạt tới 153 triệu máy.
Trên hết, một cơ hội lịch sử chuẩn bị mở ra. 4 năm sau ngày bị Bộ Tư Pháp Mỹ ra lệnh cấm do lo ngại có liên hệ với quân đội Trung Quốc (nhà sáng lập Ren Zhengfeng từng là quân nhân), Huawei có vẻ sẽ sớm được cởi trói trên thị trường smartphone số 1 thế giới. CES sẽ là khoảnh khắc cho cuộc xâm lược của Huawei lên nước Mỹ.
Thế rồi, khi vừa giới thiệu Mate 10, CEO Richard Yu bất ngờ tuyên bố một cách giận dữ:
Sự kiện qua đi, không có một thương vụ làm ăn nào được công bố giữa Huawei và các nhà mạng Mỹ. Có vẻ như, ngay vào phút cuối, chính quyền Mỹ đã lại một lần nữa ra tay ngăn chặn sự xâm lấn của người Trung Quốc.
Bên cạnh giấc mơ Mỹ còn dang dở, cuộc đua smartphone 2018 sẽ đem đến cho Huawei những thách thức mới. Trong khi con số 153 triệu đã là rất ấn tượng, tốc độ tăng trưởng trong năm vừa qua của Huawei thực chất đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại. Chưa thể công phá thị trường Mỹ và cũng đang gần như bỏ ngỏ hoàn toàn Ấn Độ cho 2 đại kình địch Samsung và Xiaomi, canh bạc lớn nhất của Huawei vẫn sẽ là quê nhà Trung Quốc. Tại đó, sức ảnh hưởng của Apple vẫn còn quá rõ rệt: thị phần của thương hiệu được nhiều người dùng coi là "top sang trọng" này tại quê nhà Huawei vẫn lên tới 17,4% (số lượng Kantar, tháng 12/2017).
Thế nhưng, như một gã khổng lồ công nghệ thực thụ, Huawei sẽ không chỉ sống bằng canh bạc smartphone. Tháng 9, gã khổng lồ Trung Quốc tuyên bố bắt tay cùng chính quyền thành phố Duy Phường (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) xây dựng một nền tảng thành phố thông minh. Tham vọng của Huawei sẽ sớm mở tới châu Âu, châu Úc và châu Mỹ.
Ngay đầu năm nay, một trong những đối thủ lớn nhất của Huawei trên thị trường viễn thông là Ericsson đã phải thực hiện cắt giảm trị giá tài sản 1,8 tỷ USD. Chiến lược linh hoạt của gã khổng lồ Trung Quốc hiện đang gây những khó khăn cực kỳ đáng sợ cho gã khổng lồ châu Âu.
Cuối tháng 12, Huawei cũng ký hợp đồng hợp tác với Baidu để xây dựng một nền tảng AI di động. Trong lúc các đối thủ đồng hương vẫn đang mải mê với những vấn đề "bình thường", phần cứng của Huawei sẽ trở thành bến đỗ cho phần mềm AI từ một trong những thế lực máy học hàng đầu thế giới.
Và trong trái tim smartphone, nơi tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, nỗ lực tiến đánh thị trường tầm cao của Huawei đã mang lại những trái ngọt đầu tiên. Một cuộc khảo sát của Penguin Integlligence (trực thuộc Tencent) cho thấy những người dùng từ bỏ iPhone để chuyển sang Android tại Trung Quốc đã lựa chọn Huawei nhiều nhất, tiếp đó là Samsung, Xiaomi, OPPO và Vivo. Như vậy, Huawei đã trở thành lựa chọn nâng cấp hấp dẫn hơn cả Samsung, tên tuổi trước nay vẫn được coi là đối thủ duy nhất có thể đe dọa đến vị thế của Apple trên tầm cao.
Đó quả là một kỳ tích. Từ một đất nước ngập tràn trong sự ám ảnh với Apple, nơi các đối thủ vẫn đang kệch cỡm copy Face ID thành "Face Unlock", một thương hiệu có thể đánh bại Apple và Samsung đã thực sự xuất hiện.