Tôi đã từng nghĩ, khi làm ra tiền mình sẽ tiêu xài thoải mái cho thú vui lớn nhất của mình - chơi game "khủng". Nhưng càng lam việc, tôi càng quý sức lao động của mình, và càng "kẹt xỉn" khi build máy chơi game. May mắn thay, bong bóng Bitcoin nổ và những linh kiện Haswell tràn ngập thị trường đã cho phép thú vui đắt đỏ ngày nào trở nên đỡ "đau ví" hơn rất nhiều.


Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 1.

Nếu lớn lên trong những gia đình không khá giả như tôi, có lẽ bạn sẽ hiểu được cảm giác "ám ảnh" với 2 chữ "cấu hình". Từ khoảng năm 2001, các tựa game bắt đầu đòi hỏi một thứ linh kiện gọi là "card màn hình". Máy tính đắt đỏ thì đã đành, làm sao một đứa trẻ có thể thuyết phục bố mẹ mua một thứ linh kiện thực sự là "chỉ dành để chơi game"… Mà trớ trêu là tôi lại ít thích các tựa game e-sport, các game online cấu hình nhẹ như CS, MU hay Đế Chế, chỉ thích các tựa game chơi đơn có cốt truyện hoành tráng. Những cỗ máy đủ mạnh đã luôn là niềm ước ao khó chạm tới.

Đến giờ đã là 15 năm kể từ ngày tôi xin được bố mẹ mua cho chiếc card màn hình đầu tiên. Đi học đại học, làm thêm rồi đi làm, niềm đam mê chơi game dù chưa bao giờ chấm dứt nhưng đã trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều. 6 triệu đồng dành cho một chiếc card màn hình, 15 triệu đồng dành cho một bộ case khó có thể coi là hợp lý khi bạn chỉ có 6 tiếng để chơi game. Nỗi ám ảnh cấu hình vẫn luôn luôn tồn tại, vì đơn giản là khi bạn đã kiếm ra tiền, bạn càng trân trọng đồng tiền của mình hơn.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 2.

Nhưng may mắn thay, bong bóng tiền ảo bùng nổ trên toàn thế giới rồi… xì hơi. Những dàn máy dùng để đào tiền liên tục bị bán tống bán tháo, tạo ra một nguồn cung card màn hình khổng lồ cho những kẻ không dư dả tài chính. Cho kỳ nghỉ cuối năm sắp tới, tôi bắt tay vào xây dựng cho mình một cỗ máy chơi game tại gia.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 3.

Lưu ý: Mức giá dưới đây được tham khảo từ các trang thương mại điện tử tại thời điểm tháng 2/2020 và có thể thay đổi theo thời gian.

Trong bong bóng Bitcoin, card màn hình của AMD được ưa chuộng hơn cả. Đến khi bong bóng xì hơi, thị trường cũng nhanh chóng tràn ngập những chiếc card đến từ đội đỏ. Ban đầu, tôi định lựa chọn một chiếc card RX570 4GB với giá chỉ từ 1 triệu đồng. Nhưng rồi vì có thêm tiền thưởng giữa năm cao hơn dự kiến, tôi "đầu tư" hẳn một chiếc RX580 giá 1,4 triệu đồng.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 4.

Lựa chọn tiếp theo có lẽ quan trọng hơn: một con chip như thế nào thì vừa đủ rẻ để không phải đắn đo, vừa đủ mạnh để chơi game mới. Câu trả lời là chip Haswell. Có một sự thật ít người nhận ra, rằng trong cả 10 năm qua game PC thường có "chu kỳ đồ họa" gắn liền với vòng đời của console (Xbox và PlayStation). Tức là, nếu máy tính của bạn đủ mạnh để chơi những tựa game "khủng" trong năm 2013 – những tựa game có cả phiên bản Xbox One và PS4, chắc chắn chiếc máy tính ấy vẫn sẽ đủ sức mạnh để chơi những tựa game "khủng" trong năm 2019, khi thế hệ PS5 vẫn chưa thành hình.

Bởi thế, tôi chọn Haswell Refresh, dòng chip năm 2014. Tôi chọn Core i5 4460 với giá 1.150.000 đồng. Mainboard H81 cho chip có giá 400.000 đồng. Riêng RAM là thực sự rẻ như bèo: 2 thanh RAM 8GB (tổng cộng 16GB) có giá 1.150.000. Tổng chi phí cho các thành phần liên quan đến sức mạnh xử lý như vậy là 4,1 triệu đồng.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 5.

Bộ nguồn và vỏ case được tôi… xin lại từ em trai mới nâng cấp. Ổ cứng tôi tái sử dụng từ case cũ. Để bạn đọc tiện tham khảo, case Trung Quốc có giá khoảng 500.000 đồng, ổ SSD 120GB mới có giá khoảng 500.000 đồng. Nguồn "hãng" Trung Quốc 450W mới, bảo hành 36 tháng cũng cùng khoảng giá này. Tổng chi phí như vậy vào khoảng 5,6 triệu đồng cho cả bộ case "hợp lý".

Với người chưa có case, tôi nghĩ các linh kiện này đều nên mua mới: case giá rẻ hơn sẽ tản nhiệt không tốt, ổ lưu trữ mua cũ chẳng rẻ hơn được bao nhiêu mà lại dễ gây phiền toái nếu hỏng hóc, riêng nguồn điện lại càng nên tránh đồ cũ để đảm bảo an toàn cho thiết bị lẫn người dùng. Còn nếu bạn thực sự chấp nhận được mạo hiểm thì cũng có những bộ nguồn "thương hiệu" giá chỉ 300.000 đồng trở xuống. Nếu lùng được case giá rẻ, bạn có thể chỉ tốn 100.000 đến 150.000, đặc biệt là với các thùng máy "thanh lý" ở các cửa hàng sửa chữa. Ổ SSD 120GB giá từ 350.000 trở lên; 8GB có lẽ cũng là khá đủ với nhiều tựa game. Nếu đi theo hướng RẺ NHẤT CÓ THỂ, tổng chi phí về mức 4,3 triệu đồng cho cả bộ case. Dù sao, do các linh kiện này không ảnh hưởng nhiều tới sức mạnh xử lý và cũng có thể tái sử dụng cho các thế hệ phần cứng tương lai, tôi vẫn khuyến khích bạn mua mới hơn là mua cũ.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 6.

Công đoạn tiếp theo dĩ nhiên là lắp ráp. Theo kinh nghiệm của tôi, muốn mua rẻ nhất có thể thì bạn cần lên dò la các trang thương mại điện tử "cái gì cũng bán" thay vì đi mua tại các cửa hàng truyền thống hay cửa hàng Facebook. Mà đã mua qua mạng thì bạn phải biết hí hoáy và lắp ráp.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 7.

Một lưu ý rất quan trọng là bạn phải hỏi rõ "bảo hành" trên card màn hình là từ phía nhà phân phối tại Việt Nam hay từ người bán. Một số nơi bán cố tình nhập nhằng hai khái niệm này, chưa kể một số nhà sản xuất sẽ thẳng thừng từ chối bảo hành cho "card trâu" – ASUS chẳng hạn. Thật ra thì hàng trâu dùng được thì vẫn… được, nhưng nếu người bán đăng hàng "còn bảo hành" mà thật ra là không thì bạn nên mặc cả giảm giá, hoặc đơn giản là đi tìm hàng khác. Với hàng giá rẻ - không có bảo hành hãng, hãy yêu cầu người bán vệ sinh và tra lại keo tản nhiệt cho bạn. Họ rất thoải mái làm điều này, và bạn thì đỡ được kha khá công sức.

Khi lắp ráp thì không có thày dạy nào tốt hơn… YouTube. Nếu chiếc mainboard của bạn không có sản phẩm giống hệt trên YouTube thì có lẽ một sản phẩm khác tương đồng đã có rồi. Bạn cần đặc biệt lưu ý đến 4 con ốc cách điện giữa mainboard và case. Với chip, đừng trét quá nhiều keo tản nhiệt - một hạt đậu là vừa đủ. Có lẽ là có rất nhiều tip khác cho việc lắp ráp nhưng nói chung là 1, mua hàng giá rẻ thì phải biết hí hoáy và 2, lắp case không khó.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 8.
Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 9.

Để kiểm nghiệm hiệu năng chơi game của dàn máy "giá mềm" này, trước hết tôi sẽ thực hiện benchmark trên một vài tựa game. Đầu tiên là The Division, ra mắt năm 2016. Ở mức cấu hình cao nhất, tôi đạt được 55 khung hình/giây, tức là gần mức 60 fps. Tiếp đến là Battlefront II (2017), tựa game dùng chung engine Frostbite với loạt Battlefield (Battlefield 1, Battlefield V): mức khung hình/giây được phần mềm AMD thường đạt trên khoảng 5x, gần 60 trong map Felucia. Đây là map khá rực rỡ, nhiều hiệu ứng ánh sáng. Cuối cùng, tôi thử Assassins’ Creed: Origins, cấu hình vẫn ở mức cao nhất. Lần này kết quả không tốt bằng, chỉ được hơn 45 fps. 

Thử nghiệm là vậy, còn chơi game thực tế thì sao? Trong tất cả các tựa game tôi chơi, nếu đã mượt ban đầu thì hiện tượng framedrop (sụt khung hình) gần như không bao giờ xảy ra. Kết quả thực tế có khi còn tốt hơn cả benchmark, ví dụ như benchmark tích hợp trong The Division thường xuyên chọn cảnh góc rộng thì khi chơi chỉ có góc nhìn của nhân vật – hẹp hơn và do đó mượt hơn. Với những tựa game nhẹ ký hơn như Apex Legends hoặc Rainbox Six:Siege, tôi càng chẳng phải suy nghĩ một chút nào về chuyện khung hình. Nhìn chung, thứ sướng nhất là kể cả với một cỗ máy giá rẻ, tôi vẫn có thể chỉnh cấu hình lên mức gần cao nhất mà hiếm khi gặp phải vấn đề thực sự đáng kể.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 10.

Dĩ nhiên, vẫn luôn sẽ có những tựa game đem lại thử thách. Battlefield 1 chẳng hạn. Trong map River Somme, thi thoảng tôi sẽ gặp hiện tượng CPU lên mức gần 100% và khựng hình. Điều khó hiểu là, các map khác đều có thể chơi khá mượt mà, bao gồm những map rộng và nhiều hiệu ứng không kém. Đây cũng là ngoại lệ duy nhất, bởi các map khác trong BF1 luôn mặt mà, game Battlefront II sử dụng cùng một engine Frostbite, cùng có map rộng cũng chẳng bao giờ bị chậm giật cả. Như bạn có thể thấy kết quả Assassin’s Creed: Origins ở trên, kết quả ở mức cấu hình cao nhất có vẻ hơi nặng ký quá mức. Giải pháp cho vấn đề này thật ra cũng đơn giản: chỉnh xuống High hoặc Medium thôi.

Về mặt độ ổn định, tính đến giờ tôi đã dùng dàn máy này được 6 tháng, đi qua mùa hè nóng nực (có lúc lười không bật điều hòa). Đến giờ, tôi vẫn chưa thấy bất kỳ biểu hiện lỗi nào cả.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 11.

Như vậy, dàn máy giá rẻ của chúng ta thực sự đủ sức để gánh các tựa game mới. Nhưng để đánh đổi lại, hiển nhiên chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Từ chip, main cho đến card màn hình, tất cả đều có rủi ro... chết bất thình lình. Khoản thời gian mà các cửa hàng bán đồ cũ cho phép thử nghiệm thường chỉ từ 1 tuần đến 1 tháng. Khi khoản thời gian này kết thúc, nếu card hay main gặp lỗi, bạn chẳng có lựa chọn nào ngoài việc mua mới.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 12.

Riêng RAM lại là một câu chuyện đặc biệt. Loại RAM mà tôi mua được quảng cáo là FuryX của Kingston, nhưng khi bật CPU-Z thì lại không phải vậy. Có thể khẳng định chắc chắn đây là hàng nhái. Chủ cửa hàng online khẳng định sẽ bảo hành đến 3 năm, nhưng ai dám chắc cửa hàng bán hàng nhái sẽ giữ uy tín? Chỉ có riêng con chip là có lẽ không bao giờ hỏng – tôi chưa bao giờ gặp hiện tượng hỏng chip trừ trường hợp gãy chân cả.

Một lưu ý khác là câu chuyện vệ sinh... Nếu đã thử nghiệm đủ loại "trâu cày" bạn sẽ biết rằng chúng bám bụi khủng khiếp, không khác gì trâu bám đầy đất khi mới ở dưới đồng lên. Những chiếc card bụi bẩn này có thể đạt nhiệt độ lên tới hơn 90 độ C. Nếu sản phẩm thuộc loại bị từ chối bảo hình khi đã tháo tem void (loại tem dán lên ốc vít gắn giữa quạt tản nhiệt và bo mạch của card), bạn có lẽ nên trả hàng cho người bán.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 13.

Như bạn có thể thấy, cuối cùng thì cỗ máy giá rẻ của chúng ta có vẫn chưa phải là hoàn hảo. Tôi có thể chỉ luôn cho bạn thấy rằng điểm nút thắt đang là CPU khi những chiếc Core i5 Haswell (Refresh) đã quá cũ kỹ là sẽ luôn là điểm thắt cổ chai trong hệ thống. Tuy vậy, cần phải nhắc lại rằng bài toán của chúng ta là xây dựng một cỗ máy rẻ nhất có thể nhưng vẫn chơi được game mới ở mức độ hợp lý. Thị trường đồ cũ hiện tại chỉ có Haswell là phổ biến, Skylake dù đã 4 năm tuổi nhưng vẫn khó tìm.

Để bạn có thể tiện đối chiếu, 5,1 triệu đồng khi mua mới chỉ đủ cho một con chip Core i5 9400F và 16GB RAM. Mainboard tương thích sẽ có giá 2 triệu đồng. Riêng card màn hình thì tôi thực sự không muốn nghĩ đến chuyện mua mới: khoản tiền 5,1 triệu giờ khó có thể mua được một chiếc card "tử tế". Thậm chí, nếu cộng thêm khoảng 2 triệu đồng tiền nguồn mới, case mới, SSD 240GB mới và cả một mẫu quạt tản nhiệt giá mềm, tổng kinh phí của chúng ta mới chỉ là 7,1 triệu đồng. Ra cửa hàng, khoản tiền này chỉ gần đủ để bạn mua duy nhất 1 chiếc card GTX 1660 Ti.

Giấc mơ thành hiện thực: Build một chiếc PC giá 5,6 triệu đồng để chiến các tựa game mới nhất - Ảnh 14.

Nhưng phép so sánh của chúng ta là khập khiễng. Bỏ ra 15 triệu và mua một cỗ máy hợp lý, tôi chắc chắn sẽ chờ đợi trải nghiệm chơi game tuyệt vời. Nhưng tôi không ở vị trí có thể bỏ ra 15 triệu một cách dễ dàng. Thú chơi game không phải là mối ưu tiên quan trọng nhất của tôi lúc này – khi đã có gia đình, khi chỉ ở nhà vào buổi tối và cuối tuần, khi 15 triệu là hơn 3 tháng tiền con học mẫu giáo của con.

Bởi thế, thị trường đồ cũ tại Việt Nam với tôi thực sự là một phép màu. Xét tới mức thu nhập của tôi hiện tại, tôi không phải đắn đo quá nhiều khi bỏ ra 5,1 triệu đồng cho một bộ chip/main/RAM/VGA. Tùy vào nhu cầu và khả năng chấp nhận rủi ro, bạn thậm chí còn có thể giảm tổng chi phí hơn nữa, ví dụ như bớt 1 thanh RAM, chuyển sang chip đời 3 hoặc chuyển sang dùng PSU Trung Quốc. Ngay cả màn hình cũ cũng có bán rất nhiều, và khác với main hay RAM, màn hình sau này không cần phải nâng cấp cùng một lúc với chip.

Điều quan trọng nhất là, với những khoản tiền không quá lớn, chúng ta vẫn được quyền sống trong thế giới game - bao gồm những tựa game mới. Tôi vẫn có thể hòa mình vào thế giới Star Wars, Witcher, Assassins’ Creed, The Division... trên một cỗ máy không đắt đỏ. Gaming trên PC không còn là một giấc mơ xa vời nữa.

Gia Cuong Le
Gia Cuong Le
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ