Là một trong những trào lưu mới và thu hút nhiều sự chú ý nhất hiện nay nhưng IoT lại là một khái niệm rất đơn giản: Internet của Vạn Vật. Trong IoT, Internet không chỉ dành cho những chiếc PC hay smartphone mà dành cho tất cả mọi thứ: từ tủ lạnh, đồng hồ, xe hơi cho đến… đường ray và ống nước. Hàng chục năm phát triển đã tạo ra những con chip đầy đủ nhưng lại siêu nhỏ, siêu tiết kiệm điện năng. Bất kỳ một thứ đồ vật nào nay cũng đã có thể được gắn chip – và kết nối Internet.
Đơn giản đến vậy nhưng Internet of Things lại tiềm ẩn những phép màu đem lại ý nghĩa vô cùng lớn lao cho cuộc sống con người. Mới gần đây, tại sự kiện vén màn iPhone mới, Apple cũng đã đăng tải một đoạn video vô cùng ý nghĩa về smartwatch: nhờ có cảnh báo nhịp tim bất thường và nhờ có cảnh báo ngã tự động, chiếc đồng hồ gắn mác Táo đã cứu mạng được nhiều người. Thật đáng kinh ngạc, một thứ đồ vốn là vật trang sức, khi được gắn cảm biến và chip kết nối lại đã có thể cứu mạng được con người.
Tất cả những tên tuổi số 1 trên toàn cầu đều đang chạy theo IoT – hay nói đúng hơn là chạy theo vô vàn những hướng đi do IoT mở ra. Google, Tesla và Uber cạnh tranh với nhau rất gay gắt trong lĩnh vực xe tự lái: bằng cách gắn cảm biến, những cỗ máy vốn là động cơ đốt nay đã có thể tự tìm đường đi, tự dừng đèn đỏ, tự tránh tai nạn. Trong lĩnh vực smarthome, các ông lớn hàng đầu châu Á như LG, Samsung và Xiaomi đều đang chạy đua để cải tiến cuộc sống của con người bằng cách "thông minh hóa" những vật dụng nhỏ nhất. Ví dụ, LG có máy giặt tự động ngừng quay và gửi thông báo tới người dùng khi phát hiện quần áo đã khô, Samsung có tủ lạnh thông minh tự động… mua sữa khi đã hết hàng, Xiaomi thì có nồi cơm tự động biết "cách" nấu cơm khi nhận được bức ảnh chụp barcode trên túi gạo.
Trong thế giới startup, trào lưu IoT lại càng đa dạng hơn. Petnet gắn con chip vào… hộp thức ăn mèo để tự động tính toán ra lượng calorie phù hợp nhất trong từng bữa ăn. Máy pha cà phê Gourmia có khả năng kết hợp với Alexa, cho phép người dùng ra lệnh "rót cà phê cho tôi". Trong thế giới của Vạn Vật Kết Nối, giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của con người.
Là một quốc gia với nền kinh tế đang phát triển nhanh, dân số trẻ và hạ tầng Internet giá rẻ, Việt Nam hứa hẹn là môi trường tuyệt vời cho IoT phát triển. Minh chứng rõ rệt nhất là doanh số IoT tới người dùng cuối: theo tập đoàn BKAV, tỷ lệ nhà có lắp đặt thiết bị thông minh năm 2018 đã tăng tới 33% so với năm 2018. Cuối năm 2018, tập đoàn thiết bị Internet lừng danh thế giới là Cisco đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp tại Việt Nam, theo đó hơn một nửa công ty ở Việt Nam được hỏi đã xếp IoT là một trong ba công nghệ hàng đầu sẽ tác động đến tương lai kỹ thuật số. Bên trong IoT là 3 chìa vàng hướng tới tương lai: tăng năng suất, giảm chi phí và mở rộng thị trường.
Bởi thế, không có gì khó hiểu khi các ông lớn công nghệ Việt Nam đều đã tìm cách đón đầu trào lưu IoT từ lâu. Năm 2016, Intel và VNPT bắt tay xây dựng phòng lab IoT đầu tiên tại Việt Nam. Kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm 2017, FPT Telecom tuyên bố IoT là một trong 2 mục tiêu hướng đến trong vòng 10 năm tiếp theo, theo đó mỗi người dùng Việt Nam sẽ sở hữu ít nhất một sản phẩm của tập đoàn này. Năm 2018, FPT bắt tay cùng Microsoft, Amazon và VNPT tổ chức "Vietnam IoT Day" với mục tiêu xây dựng cộng đồng năng động về IoT tại Việt Nam.
Tại sự kiện này, ông Lê Hồng Việt, giám đốc công nghệ FPT kể lại cách IoT đã giúp người Việt "ghi điểm" ngay tại quốc gia công nghệ số 1 thế giới: "Vừa rồi một tổ chức làm về hội nghị vật liệu mời FPT đến trình bày về IoT, sau một vài tìm hiểu chúng tôi thấy IoT giúp tiết kiệm vật liệu. Một cơ quan quản lý đuờng ống nuớc ở Mỹ sau khi ứng dụng IoT đã tiết kiệm 20% chi phí lắp ống. Mong cộng đồng tạo ra các sản phẩm IoT để đưa Việt Nam phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng và từng cá nhân. Chúng ta hãy nhìn vào các bài toán đang gặp hàng ngày, tìm ra điểm kém hiệu quả rồi giải quyết."
Với tất cả tiềm năng cho tương lai, IoT tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một trở ngại rất lớn, một trở ngại chỉ có thể được giải quyết bởi một thế hệ trẻ mới, giàu đam mê và tinh thần học hỏi. Trong khảo sát của Ciso, các doanh nghiệp đã nêu các lý do dẫn đến việc chưa mở rộng triển khai IoT, trong đó đứng thứ 2 về độ phổ biến là do đội ngũ nhân viên chưa đủ nhân lực.
Nói cách khác, người Việt hiện tại chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu IoT cho người Việt.
Không khó để nhận ra nguyên nhân sâu xa nằm ở khâu đào tạo: mặc dù nhiều trường đại học Việt Nam đã đưa IoT vào giảng dạy trong chương trình chính quy, quy mô giảng dạy thường gói trong một môn, một học kỳ. Trong một lĩnh vực rộng lớn và đòi hỏi kiến thức trên nhiều lĩnh vực liên quan như IoT, phương thức giảng dạy đang là trở ngại lớn nhất đối với tương lai IoT của Việt Nam.
Nắm bắt tình hình đó, học viện IoT - FPT Coking đã ra đời. Đây là cái bắt tay hợp tác giữa 2 ông lớn trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin là Tập đoàn FPT và Jetking Ấn Độ. Qua đó, FPT Coking được thiết kế với chương trình học chuyên biệt, các học viên phải trải qua vòng tuyển chọn đầu vào để đánh giá trình độ bản thân, cũng như đảm bảo cho việc lĩnh hội được thông tin chuyên ngành sau này. Trong thời gian hai năm, các kỹ sư IoT tương lai sẽ trải qua 4 học kỳ với giáo trình xuyên suốt, bao gồm: xây dựng ứng dụng IoT cơ bản đến hoàn chỉnh, khai thác lập trình kết nối ứng dụng IoT. Với chương trình học Master in IoT Technology, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận bằng Higher Diploma quốc tế.
"Chương trình đào tạo IoT tại FPT Coking không chỉ là chương trình đào tạo đầu tiên mà còn đầy đủ và bài bản nhất ở thời điểm hiện tại", đó là những chia sẻ từ bạn Nguyễn Phước Nguyên, sinh viên khoa Công nghệ điện tử và cũng là người giành học bổng toàn phần tại học viện IoT - FPT Coking.
Ngày 12/8, FPT Coking tổ chức lễ khai giảng đầu tiên. Sắc cam nổi bật trong màu áo "thương hiệu" của FPT Coking không chỉ là gam màu tràn đầy sức sống, biểu tượng cho sự năng động, tự tin mà còn là thông điệp khuyến khích các học viên không ngừng sáng tạo, đam mê và thể hiện sự quyết đoán của chính mình.
Khóa học dài 2 năm sẽ là điểm khởi đầu cho một hành trình bất tận: "IoT là một cơ hội mở chỉ có điểm khởi đầu chứ không có kết thúc. Ở đó không có bất kỳ giới hạn hay sự ràng buộc nào, dù bạn là nam hay nữ không quan trọng, miễn là bạn có đam mê và mong muốn phát triển khởi nghiệp trong lĩnh vực này", Chị Võ Ngọc Quế Trân, người từng giành giải thưởng sáng tạo tại cuộc thi Bình Dương Hakothon và cũng là cô gái duy nhất trong khóa học IoT đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ đầy tự tin.
Rất nhiều thử thách đang chờ đợi những chàng trai cô gái của Coking. Nhưng những trái ngọt cũng vậy: theo dự đoán của Gartner, tới năm 2025 giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ đạt mốc 11 nghìn tỷ USD. Trong vườn trái ngọt ấy có bao nhiêu phần dành cho Việt Nam, câu trả lời sẽ dành cho những trẻ tuổi dám theo đuổi những ước mơ về cuộc sống mới.