Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chính sách của Việt Nam chắc chắn sẽ hỗ trợ cho những công nghệ, mô hình kinh doanh mới chứa đựng sự hữu dụng lớn lao cho xã hội. Bởi đó điều buộc phải làm để đất nước phát triển. Tuy nhiên, ông thừa nhận những cái mới, khi được sinh ra, sẽ luôn phải đối diện sự mâu thuẫn, đối đầu với cái cũ.
Xung đột giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống là một ví dụ điển hình. Sự xuất hiện của Uber, kế đó là Grab, những doanh nghiệp không sở hữu bất cứ phương tiện, tài xế nào đang đe doạ đến việc làm ăn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lâu đời. Căng thẳng đến nay vẫn chưa dứt đã đặt ra nhiều bài toán về chính sách, cách ứng xử với các loại hình kinh doanh mới.
Nhưng, có một điểm tích cực mà ít khi được nhắc đến, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là Chính phủ Việt Nam đã cho các doanh nghiệp như Uber, Grab được thí điểm kinh doanh. “Điều này không dễ chút nào”, ông nói.
Mặt khác, đầu năm 2019, Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ. Thanh toán điện tử bằng tài khoản điện thoại (Mobile Money) có thể "động chạm" đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. "Đây là những thí điểm không phải nước nào cũng dám làm".
"Chính phủ Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng cho thử những cái mới như fintech, taxi công nghệ, thậm chí tiến tới chính sách Sandbox. Như vậy, Việt Nam không bảo thủ lắm đâu. Chấp nhận những cái mới là cuộc đấu tranh rất quyết liệt vì không phải ai cũng muốn", ông nhận định thêm.
Cách tiếp cận Sandbox là với những hình thức kinh doanh chưa biết quản lý như thế nào, sẽ cho thử nghiệm, thí điểm trong một thời gian, không gian nhất định, sau đó mới tính đến việc cấm hoặc quản lý theo phương cách gì. Điều này khác hẳn với tư duy cũ: Cái gì không quản được thì cấm.
Chính sách với Grab đến nay vẫn chưa đi đến tuyên bố cuối cùng nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đã có những bước tiến lớn ở cả hai phía: Chính phủ - doanh nghiệp trong nhận thức vấn đề.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Hùng nhận xét: "Công nghệ mới ra đời sẽ kéo theo xu hướng nới lỏng quản lý. Chúng ta theo hướng đó để phát triển. Cái mới nếu ép vào khung luật, nghị định cũ thì không thể được nhưng tư duy này tồn tại ở nhiều nơi, vậy phải thay đổi".
Điểm đáng chú ý trong Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là khẩu hiệu "Make in Vietnam". Đây không phải lần đầu tiên cụm từ này xuất hiện nhưng là lần đầu tiên thông điệp được làm tường minh và nhấn mạnh.
"Nội hàm của cụm từ này muốn thể hiện những sản phẩm công nghệ được sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
"Make in Vietnam" dành cho ai?
Thứ nhất là những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp theo đúng nghĩa là sáng tạo. Sản phẩm sáng tạo ở đây được ông Hùng định nghĩa là những người tạo ra sản phẩm, giải pháp hữu dụng nhưng cực kỳ mới mẻ, có thể gây kinh ngạc cho bất cứ ai tiếp xúc.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp như thế tại Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm.
Thứ hai là nhóm những doanh nghiệp dùng công nghệ - có thể có sẵn – về "may đo" lại, từ đó, làm ra sản phẩm, giải pháp cho chính họ hoặc giúp cho các doanh nghiệp khác trong nước.
"Ví dụ như các đơn vị tư vấn công nghệ cho nông dân", ông Hùng nói và cho biết đây là cách làm dễ, mang lại kết quả nhanh hơn. "Make in Vietnam" đa phần nhắm vào đối tượng này.
Nhóm đối tượng cuối cùng là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu – tức doanh nghiệp công nghệ lớn.
Các doanh nghiệp này hiện được chia thành hai nhánh gồm: doanh nghiệp công nghệ ICT truyền thống như FPT, CMC, VNG, VCCorp... và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khác chuyển hướng đầu tư sang công nghệ.
Với nhánh đầu tiên, Bộ trưởng Hùng cho rằng các đơn vị này cần nhận cho mình những sứ mạng lớn hơn. Còn với nhánh thứ hai, phía Bộ TTTT đang muốn khuyến khích ngày càng nhiều hơn nữa những doanh nghiệp lớn nhận lấy sứ mệnh quốc gia để phát triển lĩnh vực này. Đây cũng là cách thức để chính doanh nghiệp tồn tại lâu dài.
Vingroup và Viettel đã lần lượt tuyên bố không còn là tập đoàn bất động sản và nhà mạng viễn thông chính là những ví dụ điển hình cho xu hướng đầu tư mới.
Hay Phenikaa – vốn là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp vật liệu ốp lát đã đầu tư vào 2 viện nghiên cứu và mua lại một trường Đại học với cam kết trở thành doanh nghiệp công nghệ.
"Sungroup cũng đang thể hiện quyết tâm hay Geleximco đã cam kết đầu tư vào CMC", Bộ trưởng Hùng nói thêm và cho biết điều này thể hiện rất rõ khát vọng của các doanh nhân trong việc phát triển công nghệ cho đất nước.
Mỗi khi nhắc đến chính sách phát triển cho một ngành, nghề, câu hỏi thường được đặt ra cho Chính phủ, cơ quan quản lý là sẽ có cơ chế ủng hộ nào.
Nhưng, ông Hùng cho rằng trong nhiều trường hợp, muốn doanh nghiệp tồn tại, phát triển thì phải tạo ra một số khó khăn, thách thức.
"Nhiều khi các ưu ái về chính sách sẽ dẫn đến thất bại. Đôi khi phải tạo ra khó khăn mới là giúp đỡ doanh nghiệp".
Chính bởi vậy, tại Diễn đàn, một đề xuất đi ngược với thông thường được đặt ra: "Chính phủ, các bộ ngành hãy nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm Việt Nam. Đấy là biện pháp giúp hình thành doanh nghiệp công nghiệp nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh, buộc họ luôn phải đổi mới".
"Lão Tử có một câu nói rất hay là muốn sống hãy đẩy vào chỗ chết", Bộ trưởng nói.
Nhân lực cho ngành công nghệ cũng cần một cách tư duy khác. Với câu chuyện đã được nói dai dẳng này, ông Hùng lưu ý: "Con người giỏi lên là do việc".
Người Việt Nam có đặc điểm rất quan trọng là học hỏi rất nhanh, tính linh hoạt cao nhưng đi kèm với đó là điều kiện "nước đến chân mới nhảy". Do vậy, để tìm được người, phải nghĩ ra việc.
"Hiện nay ai cũng khen là người Viettel giỏi nhưng có ai biết được người Viettel là dốt nhất. Dốt là vì ở lứa của những người ngày xưa xây dựng lên Viettel, thì người nào giỏi nhất năm thứ 3 đã có học bổng đi nước ngoài, giỏi loại 2 thì khi ra trường làm cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc MobiFone, tiếp theo là VinaPhone rồi đến doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ. Cuối cùng mới đến Viettel.
Nhưng tại sao giờ những người từng bét bảng đó trở nên rất giỏi, thậm chí là giỏi nhất? Đó là vì họ làm rất nhiều và làm toàn việc khó", ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng TTTT nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực trong nước không thể ngồi chờ giáo dục đổi mới với quãng thời gian có thể kéo dài đến tận 20 năm.
"Chúng ta không phải đào tạo nhân lực mà là đào tạo lại và nâng cấp lại. Nếu tiếp cận theo hướng đó sẽ thấy bài toán khả thi hơn", ông nói và cho biết phương pháp này chỉ đúng với người Việt Nam bởi những căn tính dân tộc riêng biệt.
Tất nhiên, việc thay đổi ở phương thức đào tạo vẫn phải thực hiện, nhưng duy trì với đó phải là niềm tin có việc sẽ có người. Mặt khác, Việt Nam còn "sở hữu" 5 triệu người Việt ở nước ngoài với số lượng không nhỏ những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ.
Với Diễn đàn lần này, Bộ trưởng cho biết có thể có rất nhiều kỳ vọng về một bước ngoặt ngay tức thì. Tuy nhiên, ông khẳng định đó là sự ảo tưởng. Thành công sẽ không đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như thế. Thậm chí, nếu có sự đột phá ngay thì có thể sau đó, thoái trào cũng đến rất nhanh.
Bộ trưởng nói rằng Diễn đàn chỉ tương tự như một phát súng gợi cảm hứng cho sự thay đổi trong nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước để từ đó hình thành chiến lược.
Ông cũng gợi ý về một sự thay đổi từ từ. Nếu Diễn đàn là tiếng súng hiệu từ vạch số 0, sự thay đổi của doanh nghiệp và các cơ quan sẽ tiến dần từng bước đến giai đoạn bước ngoặt. Bước chuyển này có thể đến chậm hơn nhưng hàm chứa sự tăng trưởng chắc chắn và bền vững.