Nguyễn Ngọc Liêm tự nhận mình là người có suy nghĩ hơi khác về nghệ thuật. Anh nhìn nghệ thuật dưới một lăng kính chân phương và nhẹ nhàng, thay vì đặt nặng những danh xưng như họa sĩ, nghệ sĩ đương đại, hay bất kỳ điều gì khác. Thậm chí, Nguyễn Ngọc Liêm thoải mái thừa nhận anh hiểm khi tự xưng là “họa sĩ”, mà gọi mình là “người vẽ” nhiều hơn. Anh cũng không nói rằng mình đang “thực hành nghệ thuật”, mà đơn giản là “vẽ tranh”. Thành phẩm cuối cùng trên bức toan, anh không gọi là “tác phẩm" mà thay thế bằng “một bức tranh".
Nguyễn Ngọc Liêm đã bắt đầu hành trình hội họa của mình như thế nào?
Từ bé tôi đã thường tham gia những giải vẽ dành cho thiếu nhi. Tôi tự học vẽ chứ không tham gia bất kỳ trường lớp nào. Có chăng, so với bạn bè đồng trang lứa, tôi dành phần yêu thích và hứng thú đặc biệt với những tiết mỹ thuật bắt buộc trong chương trình học phổ thông, thay vì những môn toán, văn như các bạn.
Hồi còn đi học, chỉ cần có hoạt động liên quan đến vẽ là tôi đều tích cực tham gia. Phải đến học kỳ 2 năm lớp 12 tôi mới chính thức đăng ký một lớp luyện thi vẽ với mục tiêu đậu trường Đại học Mỹ thuật.
Với những người thích vẽ, học vẽ và quyết tâm theo đuổi nghề vẽ, có nhiều con đường mở ra cho họ lựa chọn: thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật… Khi trở thành sinh viên Mỹ thuật, anh đã hạ quyết tâm trở thành nghệ sĩ? Hay anh nghĩ mình sẽ làm những công việc khác liên quan đến mỹ thuật?
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định thi hai trường: Một là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, hai là Đại học Kiến Trúc, và thi khối H (thiết kế nội thất) cho cả hai trường. Tôi gần như không có bất kỳ khái niệm nào về ngành mình đang thi, nhưng mường tượng “thiết kế nội thất" hẳn sẽ liên quan đến thiết kế bàn ghế, đồ đạc gia dụng. Nghĩ vậy, tôi đủ an tâm để đăng ký thi, dẫu gia đình lo lắng, bà con lối xóm chât vấn về tương lai mờ mị.
Anh vẽ rất nhiều tranh tĩnh vật và phong cách. Niềm yêu thích này đến từ đâu?
Tôi nghĩ tĩnh vật và phong cảnh giống với tính cách của mình. Có một thời gian tôi hoang mang với tất thảy, đặc biệt là sau khi bước chân ra khỏi cổng trường Đại học Mỹ thuật. Xưa tôi coi nghề vẽ là cái nghề để kiếm sống và quyết tâm ra đời làm họa sĩ, nhưng học ròng rã 8 năm trời, tôi nhận ra thị trường thay đổi liên tục, còn mình bị tụt lại phía sau. Đó là khoảng thời gian tôi đau đáu với rất nhiều trăn trở. Quanh đi quẩn lại vẫn là câu hỏi muôn thuở: “Mình phải làm gì để sống?”.
Tôi tìm một vài công việc khác để có thu nhập. Tôi làm đủ thứ nghề: phục vụ bàn, rửa chén, làm tiệm bánh… Tôi vừa lăn lộn mưu sinh bên ngoài, vừa dành thời gian nghe nhạc và vẽ. Ban đầu, khi mới tìm được lời giải cho bài toán nói trên, tôi hạnh phúc vô cùng vì thấy đời mình bắt đầu có quỹ đạo trở lại. Nhưng một thời gian sau, tôi nhận ra công việc bên ngoài khiến tôi cạn kiệt năng lượng để vẽ. Đỉnh điểm là cuối năm 2015, sau nửa năm loay hoay tìm việc, tôi nhận ra mình chẳng còn vẽ tranh được nữa.
Tôi không muốn những bức tranh mình vẽ mãi ám mùi sinh viên. Tôi muốn tạo ra một thứ gì đó trẻ trung hơn, mạch lạc hơn, và quan trọng nhất là đúng với con người mình hơn. Sau quãng thời gian loay hoay, tôi hiểu vì sao mình vẽ nhiều tranh tĩnh vật. Đó là những thứ hiện hữu, sẵn có ngay trong căn nhà. Và bắt đầu với những thứ quen thuộc là dễ nhất. Nhưng ngày ấy tôi chưa thể tìm được ngôn ngữ của bản thân.
Giờ thì sao? Anh đã tìm chính xác rồi, hay vẫn đang trong quá trình đi tìm?
Tôi khẳng định bản thân đã làm đúng điều mình muốn.
Hiện tại, ngôn ngữ của tôi không nằm toàn bộ trong ngôn ngữ tạo hình, mà nằm cả ở những mục tiêu khác, ước mơ khác. Ngày xưa, mình cố gắng gò ép ngôn ngữ của mình trong một cái khung, bắt nó phải đi theo một hướng; và mình loay hoay với nó vô cùng. Quá trình đi tìm ngôn ngữ là cả một quãng thời gian tôi vật lộn. Tôi giam mình trong căn phòng gác mái ở nhà mẹ, một mình làm, một mình phán xét, một mình đi tìm lời giải. Nó khó khăn hơn rất nhiều so với việc có một người hướng dẫn và phản biện với mình. Tôi đau đáu mông lung về cơm áo gạo tiền, về việc phải bán được một bức tranh, phải tìm cách sống được với nghề.
Nhưng rồi quá trình vật lộn với bản thân đã cho tôi cơ hội tìm thấy lời giải cho vấn đề tạo hình, và cả nhiều mặt khác trong cuộc sống cá nhân. Tôi nhìn thấy cái đẹp ở mọi nơi, và điều đó khiến tôi như được giác ngộ. Nói ví von, tôi nhìn đâu cũng ra tranh. Chỉ với một cái ghế, tôi có thể khai triển thành 100 bức tranh hoàn toàn khác nhau.
Anh kể rất nhiều về những thăng trầm mà anh đã trải qua. Những suy nghĩ của anh rất trắc trở, nhưng tranh của anh lại rất êm đềm…
Thực ra điều đó không hề mâu thuẫn. Nếu đã quá mệt mỏi trong đời sống, thì tôi muốn tranh mình vẽ ra phải thật êm dịu để chính mình có thể tận hưởng và đắm chìm. Sự êm dịu đó, tôi tạo ra trước hết là để cho tôi. Và may mắn là cái êm dịu, tĩnh tại trong tranh tôi đã được nhiều người yêu thích, đón nhận.
Anh muốn người xem cảm nhận được điều gì từ những bức tranh anh vẽ?
Tôi muốn họ đồng cảm với mình trước nhất. Họ xem tranh và hiểu được câu chuyện đằng sau. Nếu không thể hiểu sâu, thì chí ít phải cảm nhận được trạng thái mà bức tranh muốn truyền tải. Tranh của tôi có phong cách và trạng thái nhất quán. Những cảm xúc đối lập như vui - buồn có hiện diện, nhưng biên độ chênh lệch không nhiều. Gần như mọi bức tranh đều yên tĩnh và êm đềm.
Đó có phải một tư duy bị ảnh hưởng từ quá trình anh định thi kiến trúc?
Không. Nhưng cách tôi sắp xếp cuộc sống và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn thì có: Mình vẽ tranh để làm gì? Tại sao mình phải mất tới 10 năm để theo đuổi nó? Ý nghĩa thật sự của nghề này là gì? Nếu tranh mình vẽ ra không bán được, thì giá trị nào còn sót lại - ngoài giá trị vật chất? Những câu hỏi về “giá trị” luôn là thứ tôi đặt ra và nghĩ về trong quá trình làm việc.
Đó cũng là câu hỏi mà các sinh viên trường mỹ thuật đều đặt ra và nghĩ về, từ trước tới nay.
Nếu chẳng may tranh không bán được, thì bức tranh phải có giá trị với bản thân mình, khiến mình cảm thấy hạnh phúc trước đã. Mất một giờ, một tuần, hay một tháng với một bức tranh, tôi đều cảm thấy hài lòng cả. Đó là giá trị mà tôi cảm nhận được; còn giá trị vật chất sẽ đến do mình làm việc chăm chỉ trong thời gian dài; đương nhiên không thiếu phần may mắn.
Cho đến thời điểm hiện tại, anh nghĩ mình đã thành công phần nào hay chưa?
Thành công thì có. Điều đầu tiên và tiên quyết là tôi đã làm được điều mình muốn, và tìm được đường đi cho ngôn ngữ biểu hình của tranh. Tôi nghĩ mỗi người họa sĩ sẽ có quan điểm làm nghề khác nhau, nhưng điều khiến tôi tự hào nhất là mình luôn giữ được hệ tư duy mạch lạc, nhất quán; để khi nhìn vào, người xem biết ngay đó là tranh của Nguyễn Ngọc Liêm.