Lược dịch từ bài viết của nhà báo, nhà văn Johann Hari, đã được đăng tải trên The Guardian. Bài viết đồng thời dẫn ý từ cuốn sách do Johann Hari chắp bút, tựa đề “Sự tập trung bị đánh cắp: Tại sao bạn không thể chú tâm”. Trích lời tác giả, danh tính và một số tiểu tiết đã được thay đổi để bảo vệ những nhân vật được nhắc tới.
Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 1.

Khi lên 9, đứa con đỡ đầu Adam của tôi đam mê Elvis Presley vô độ. Nhóc hát ông ổng Jailhouse Rock với đủ cao độ thăng trầm, đánh hông không khác gì ông hoàng nhạc Rock & Roll. Trong một ngày ru cháu ngủ, khi tôi đang kéo chăn đắp cho cháu, Adam nhìn tôi khẩn khoản: “Chú Johann, có ngày chú sẽ dắt cháu tới Graceland chơi chứ?” Không mảy may suy nghĩ, tôi đồng tình. Tôi không thực sự để tâm tới biệt thự của Elvis nữa, cho đến khi mọi sự đổ bể.

Mười năm sau, chúng tôi đã đánh mất Adam. Cậu thôi học khi mới 15 tuổi, dành phần lớn thời gian tỉnh táo nhìn vô hồn vào những màn hình quanh mình - chắp vá ký ức tuổi niên thiếu thành một thước phim mờ ảo của YouTube, WhatsApp và nội dung khiêu dâm. Dường như cậu bị cuốn theo tốc độ cập nhật của Snapchat, chẳng còn thứ gì tĩnh lặng nghiêm trang có thể thu hút sự chú ý Adam.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 2.

Một buổi tối nọ, khi trải mình trên sofa và đang bị cuốn trong những nội dung giải trí của riêng mình, tôi quay ra nhìn cậu cháu mà cảm xúc âu lo dâng trào. “Adam”, tôi nhẹ nhàng gọi cháu, “cùng tới Graceland đi.”

Tôi gợi cho cháu nhớ về lời hứa năm nào. Tôi hạnh phúc hình dung ra cảnh tượng chú cháu phá vỡ cái vòng tuần hoàn nhàm chán, điều đó sẽ khơi gợi cảm xúc bên trong Adam, nhưng tôi vẫn đưa ra một điều kiện cậu phải tuân theo nếu hai chú cháu quyết định đi tham quan. Adam sẽ phải tắt điện thoại suốt cả ngày. Cậu hứa sẽ vâng lời.

Tới Graceland, bạn sẽ thấy không còn hướng dẫn viên đưa bạn quanh biệt thự nữa. Khách tới thăm được nhận một chiếc iPad, đeo một đôi tai nghe, và rồi iPad sẽ dẫn đường bạn - khi nào rẽ trái, rẽ phải, hay tiến thẳng. iPad sẽ hiển thị tấm hình của chính căn phòng bạn đang đứng, đồng thời giọng dẫn bên trong tai nghe sẽ mô tả nội thất và bố cục phòng. Trong chuyến tham quan, chúng tôi bị bủa vây bởi những khách viếng thăm không mặt, khi hầu hết họ đều cúi xuống nhìn màn hình. 

Càng đi sâu, tôi càng thấy căng thẳng. Khi tới phòng rừng nhiệt đới, góc yêu thích của Elvis trong toàn căn biệt thự, người đàn ông đứng tuổi đứng kế tôi quay ra mở lời với vợ. Trước mắt tôi sum sê những cành cây giả mà năm nào, Elvis đã trang trí để biến phòng thành khoảng rừng tư của mình. “Em ơi, tuyệt vời chưa”, người đàn ông lên tiếng, “nhìn này.” Ông giơ chiếc iPad ra cho vợ xem, đồng thời lướt ngón tay ngang màn hình. “Kéo phía này, em sẽ thấy phía trái căn phòng. Kéo hướng ngược lại, em sẽ thấy phòng rừng nhiệt đới về bên phải”.

Vợ ông nhìn một hồi, cười, và bắt đầu động tác vuốt trên chiếc iPad của mình. Tôi nói về phía họ. “Thưa ông, có một phương pháp xem nội dung cổ điển mà ông có thể thử đấy. Đó là dùng cổ quay đầu. Chúng ta đang ở ngay đây. Đang trong phòng rừng nhiệt đới mà. Ông có thể nhìn trực tiếp nó đấy. Đây này.” Tôi khua tay, những tán lá giả rung rinh theo nhịp. Cặp vợ chồng nhanh chóng rời ra chỗ khác. Quay đầu về phía Adam, tôi đã sẵn sàng phá lên cười với cháu về sự việc mới diễn ra - nhưng ở góc xa căn phòng, cậu đang giấu điện thoại bên dưới áo khoác, tay liên tục vuốt màn hình.

Suốt chuyến đi, Adam không hề giữ lời hứa. Khi máy bay vừa đáp xuống New Orleans hai tuần trước, cậu đã rút điện thoại ra dùng ngay. “Cháu hứa rồi cơ mà”, tôi hỏi. Cậu đáp: “Cháu có dùng đâu. Còn không kết nối được Snapchat và nhắn tin mà”. Trong phòng rừng nhiệt đới, tôi đã mất bình tĩnh, cố giằng điện thoại khỏi tay cháu, và Adam bực tức chạy mất. 

Tối hôm đó, tôi thấy cháu đã về Khách sạn Trái tim Tan vỡ, ngồi cạnh cái bể bơi được tạo hình giống với chiếc guitar, đeo một vẻ mặt rầu rĩ. Khi ngồi xuống cạnh cháu, tôi nhận thấy cái bực tức trước hành động của cháu thực tế là tôi đang tự giận mình. Tôi cũng thấy sự mất tập trung diễn ra với chính tôi. Bản thân tôi đang đánh mất dần khả năng tương tác với người khác, và tôi thực sự căm ghét nó.

“Cháu biết có chuyện gì đó không ổn”, Adam thổ lộ, tay vẫn nắm chặt chiếc điện thoại. “Nhưng cháu không biết phải sửa sai thế nào”. Nói xong, cháu lại nhắn tin tiếp.

Tôi nhận thấy mình phải thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra với Adam, và cũng đang xảy đến với nhiều người trong chúng ta. Khoảnh khắc ấy là điểm xuất phát của chuyến hành trình thay đổi cách nghĩ của tôi về sự chú ý. 

Ba năm tiếp theo, tôi đi từ Miami tới Moscow rồi tới Melbourne, phỏng vấn những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu khả năng chú ý. Kiến thức học được đã thuyết phục tôi rằng chúng ta không đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tập trung thông thường, vốn là thứ mà thế hệ nào cũng trải qua khi luống tuổi.

Chúng ta đang thực sự chìm trong đại khủng hoảng chú ý, và nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới cách chúng ta sống. Tôi biết thêm về một loạt những yếu tố đã được chuyên gia chứng minh là làm giảm khả năng chú ý trên người, rất nhiều trong số đó xuất hiện ngày một nhiều suốt những thập kỷ qua, một vài yếu tố tăng đột biến.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 3.

Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của nó tại bất kỳ đâu. Một nghiên cứu quy mô nhỏ trong trường đại học cho thấy các sinh viên chỉ tập trung được 65 giây vào một tác vụ. Một nghiên cứu khác trên nhân viên văn phòng cho thấy giới hạn tập trung chỉ vỏn vẹn 3 phút. Điều này không xảy ra bởi ý chí cá nhân đang ngày càng mai một. Khả năng tập trung của bạn không vụn vỡ dưới áp lực. Nó đã bị tước khỏi bạn.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 4.

Trở về từ Graceland, tôi nghĩ rằng khả năng chú ý của mình rệu rã là do bản thân tôi không đủ ý chí, cũng bởi tôi bị choáng ngợp bởi chính chiếc điện thoại của mình. Tôi bị cuốn vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực. Tôi tự đánh giá rằng mình yếu hèn, lười biếng và vô kỷ luật. Tôi cho rằng giải pháp đã quá rõ ràng: phải kỷ luật hơn, và loại bỏ hoàn toàn yếu tố điện thoại.

Thế là tôi lên mạng tìm một căn phòng nhỏ bên bờ biển Provincetown, sát rìa Mũi Cod nhìn ra bờ tây của Bắc Đại Tây Dương. Tôi dõng dạc tuyên bố với mọi người, rằng tôi sẽ ngụ tại đây suốt 3 tháng mà không dùng smartphone hay máy tính có kết nối mạng. Tôi mệt lắm rồi, mệt với việc kết nối liên tục. Tôi biết mình có điều kiện thực hiện vì mình may mắn, khi có được chút tiền tiết kiệm từ việc bán sách. Tôi biết đây không thể là giải pháp lâu dài. Tôi quyết tâm vì nghĩ rằng nếu không thực hiện ngay, tôi sẽ đánh mất một trong những yếu tố vốn giúp mình có được những suy nghĩ sâu xa. Tôi cũng mong nếu mình có thể rũ bỏ được mọi kết nối dù chỉ trong thời gian ngắn, tôi có thể trải nghiệm được những thay đổi mà ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện.

Trong tuần đầu ngắt kết nối, tôi bối rối giữa một loạt khoảnh khắc giải tỏa. Provincetown là một thị trấn nghỉ dưỡng với tỷ lệ các cặp đôi đồng tính cao nhất nước Mỹ. Tôi ăn bánh, đọc sách, trò chuyện với người lạ và hát ca sảng khoái. Mọi thứ dường như trôi chậm lại. 

Thông thường tôi sẽ cập nhật tin tức theo từng giờ, nhận về từng giọt sự thật gây lo lắng, cố ráp nối chúng lại thành một bức tranh toàn cảnh mang chút nghĩa. Thay vào đó, tôi đọc báo giấy hàng ngày. Vài tiếng một lần, tôi sẽ cảm thấy một cảm giác thiếu quen thuộc quấy rầy tâm trí bên trong, để rồi tự hỏi: Cái gì thế nhỉ? À đúng rồi. Ấy, là cảm giác bình yên.

Sau này, khi phỏng vấn chuyên gia và đọc các nghiên cứu của họ, tôi mới nhận ra nhiều những lý do khiến khả năng chú ý của tôi dần hồi phục. Giáo sư Earl Miller, một nhà khoa học thần kinh công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu. Ông nói rằng “não bạn chỉ có thể sản sinh một hoặc hai dòng ý nghĩ”.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 5.

Giáo sư nhận định con người “là những sinh vật suy nghĩ kiên định”, với một bộ não “sở hữu khả năng nhận thức giới hạn”. Thế mà chúng ta vẫn hoan hỉ trong ảo mộng. Một cậu thiếu niên tin rằng ta có thể theo dõi tới sáu loại hình truyền thông cùng lúc. Khi các nhà khoa học thần kinh nghiên cứu vấn đề này, họ phát hiện ra trong lúc con người thực hiện một lúc nhiều tác vụ, thực chất não bộ đang tung hứng giữa các việc.

Thử tưởng tượng cảnh bạn đang ngồi làm toán và nhận về một tin nhắn, bạn quay sang nhìn màn hình trong 3 giây rồi quay về với sách bút. Theo Giáo sư Miller, tại thời điểm đó, “não bộ sẽ phải tái điều chỉnh khi chuyển trạng thái xử lý các tác vụ.” Bạn sẽ phải động não nhớ lại những gì mình đang làm, dòng suy nghĩ đã có khi làm việc đó. Khi việc chuyển trạng thái diễn ra, kết quả nghiên cứu cho thấy “hiệu năng làm việc giảm, bạn chậm chạp hơn, và đó là kết quả của việc chuyển tác vụ.”

Giới nghiên cứu sử dụng thuật ngữ “hiệu ứng chi phí thay đổi” để mô tả hiện tượng này. Nó cho thấy nếu bạn kiểm tra tin nhắn trong lúc đang cố tập trung làm việc, bạn sẽ không chỉ mất một chút ít thời gian đánh mắt sang nhìn tin nhắn, bạn còn mất thời gian để tái tập trung vào tác vụ, và việc tích lũy sẽ khiến thời gian lãng phí tăng dần. 

Lấy ví dụ, một nghiên cứu do khoa tương tác con người-máy tính của Đại học Carnegie Mellon thực hiện đã yêu cầu 136 sinh viên thực hiện bài thử. Một phần sinh viên được yêu cầu tắt điện thoại; số còn lại vẫn có quyền truy cập điện thoại bình thường, họ sẽ nhận được tin nhắn từ các chuyên gia. Những sinh viên phải nhận tin nhắn thực hiện tác vụ kém hơn số sinh viên “offline” với năng suất chênh lệch khoảng 20%. Dường như, đa số chúng ta đã đang đánh mất 20% hiệu suất não bộ. Giáo sư Miller nói với tôi rằng hậu quả đã đang hiện hữu, và ta đang sống trong “tâm cơn bão hoàn hảo của thoái hóa nhận thức.”

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 6.

Khi nghỉ ngơi tại Provincetown, tôi nhận ra đã lâu lắm rồi mình mới được làm một việc mà không bị gián đoạn. Tôi được sống đúng với giới hạn của não bộ mình. Tôi cảm thấy khả năng chú ý cải thiện theo từng ngày, nhưng đột nhiên tôi trải nghiệm bước lùi trong nỗ lực tìm lại sự tập trung. Khi tản bộ bên bờ biển, tôi nhận thấy điều vẫn làm mình đau đáu từ lúc đi thăm biệt thự của Elvis Presley. 

Khách du lịch coi Provincetown như phông nền chụp selfie, chẳng mảy may nhìn nhau hay ngắm cảnh biển. Nhưng lúc này, tôi không còn muốn dạy họ cách sống, khuyên họ bỏ điện thoại xuống mà hưởng đời đi. Thay vào đó, tôi lại muốn giành lấy điện thoại của họ để tự mình lên mạng.

Suốt một thời gian dài, tôi đã quen nhận về những tín hiệu Internet vốn xuất hiện vài giờ một lần, là những cái like, dòng comment ngụ ý “Tôi đang để ý tới bạn, bạn có ảnh hưởng đó”. Nhưng giờ chúng biến mất cả. Như triết gia Simone de Beauvoir đã từng nói khi bà trở thành một người vô thần, rằng dường như thế giới này đã trở nên câm lặng. Việc đánh mất kết nối với Internet mang lại cảm giác vậy đó. Sau khi tắm trong cái nóng của mạng xã hội, những tương tác thực tế giữa người với người dù dễ chịu, nhưng lại mang cảm giác thiếu thốn. Chẳng có tương tác xã hội thực tế nào tạo ra một loạt “tim” cả.

Tôi nhận ra để chữa lành khả năng chú ý của mình, tôi không thể chỉ loại bỏ những thứ gây xao nhãng là xong. Việc đó có thể khiến bạn thoải mái khi mới bắt đầu, nhưng dần dà nó tạo ra một khoảng trống vốn chứa chấp những tạp âm từ internet. Tôi nhận ra rằng mình sẽ phải sớm lấp đầy khoảng chân không này.

Để làm được điều đó, tôi bắt đầu để tâm nghĩ tới một lĩnh vực thần kinh học đã từng nghe qua trước đây, là môn khoa học nghiên cứu trạng thái “xuôi dòng - flow”. Hầu hết độc giả đọc những dòng này đã từng trải nghiệm cảm giác xuôi dòng đặc biệt. Đó là khi bạn đang làm việc gì đó có nghĩa với cá nhân, bạn thực sự nhập tâm, thời gian trôi đi rất nhanh, cái tôi dường như biến mất, và bạn cảm thấy mình tập trung cao độ mà không cần tận dụng tối đa trí lực. Xuôi dòng là trạng thái tập trung sâu nhất mà con người có thể chạm tới. Nhưng làm sao để đạt được nó?

Thế là tôi phỏng vấn Giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi sống tại California, ông là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu trạng thái xuôi dòng và đã có 40 năm kinh nghiệm. Từ nghiên cứu của ông, tôi học được rằng có 3 yếu tố chủ chốt giúp bạn xuôi dòng. 

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 7.

Thế là hàng sáng, tôi bắt đầu viết, theo một lối hành văn khác những tác phẩm trước đây của mình, nhờ đó tác phẩm mới đẩy được tôi tới giới hạn. Chỉ trong vài ngày, tôi rơi vào trạng thái xuôi dòng, hàng giờ tập trung trôi đi không mấy khó khăn. Tôi cảm thấy mình như đang trở về thời niên thiếu, khi có thể tập trung lâu dài mà không tốn mấy công sức. Tôi đã từng sợ rằng não bộ mình bắt đầu rệu rã. Giọt nước mắt vui sướng đã tuôn ra, khi tôi nhận thấy nếu đặt trong đúng hoàn cảnh, sức mạnh tuyệt đối của não bộ có thể trở về.

Cuối mỗi ngày, tôi ngồi bên bãi biển để ngắm ánh sáng đổi màu theo thời gian. Ánh Mặt Trời miền đất mũi khác biệt với mọi nơi tôi từng tới, và tại Provincetown này, tôi có cho mình tầm mắt sáng hơn bất cứ lúc nào trước đây - giờ đã thấy rõ suy nghĩ cá nhân, mục tiêu bản thân, và cả ước mơ đời mình. Tôi đang được sống trong nguồn sáng. Và khi tôi rời khỏi ngôi nhà nghỉ dưỡng bên bờ biển và trở về thế giới vạn vật kết nối, tôi đã tự thuyết phục được mình rằng tôi đã hóa giải được bí ẩn của khả năng tập trung. 

Trở về với xã hội đời thường, tôi quyết tâm áp dụng bài học mình ngộ ra được vào hoạt động hàng ngày. Khi tái ngộ với điện thoại và laptop, tôi cảm thấy chúng xa lạ vô cùng. Rồi chỉ trong vòng vài tháng, thời gian nhìn màn hình của tôi lại về mốc 4 tiếng/ngày, và khả năng chú ý của bản thân lại có dấu hiệu mai một.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 8.

Tại Moscow, cựu kỹ sư Google James Williams, một trong những triết gia nổi tiếng Tây phương về triết học của sự chú ý, đã chỉ cho tôi thấy sai lầm tai hại của mình. Ông Williams nhận định hoạt động kiêng khem do cá nhân đặt ra “không phải giải pháp, cũng tương tự lý do bạn không đeo mặt nạ phòng độc ra đường hai lần một tuần để tránh ô nhiễm vậy. Nó có thể chặn đứng hiệu ứng độc hại trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nó không giải quyết được loạt vấn đề đã mang tính hệ thống”.

Ông cho rằng khả năng chú ý của con người đã bị biến đổi bởi những thế lực xâm lấn, đã thành hình từ các yếu tố xã hội. Giải pháp tự kiểm soát thói quen bản thân - ví dụ như tự hạn chế thời gian sử dụng điện thoại của mình - chỉ là “giải pháp đẩy lui cái xấu mang tính cá nhân”, phải khi “đạt được những thay đổi mang tính môi trường, khác biệt mới xuất hiện”.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 9.

Cách sống của con người thay đổi nhanh chóng mặt, nguồn thức ăn thay đổi, đường phố quanh ta không được thiết kế cho việc đi bộ hay đạp xe, và những biến đổi trong môi trường sống khiến cơ thể ta thay đổi. Phần đông chúng ta đều nặng hơn. Theo lời Giáo sư Nigg, điều đó cũng đang xảy ra với khả năng chú ý của con người.

Tôi còn biết thêm rằng những yếu tố gây ảnh hưởng xấu tới khả năng chúng ý của ta không hẳn trực quan. Tôi đã tập trung vào mặt xấu của công nghệ, nhưng thực tế nguyên do của đại nạn giảm khả năng chú ý lại đa dạng hơn nhiều - lý do tới từ thực phẩm ta tiêu thụ, không khí ta thở, thời giờ ta làm việc hay những khoảng thời gian đã không còn dành cho giấc ngủ. Danh sách những nguyên do bao gồm rất nhiều thứ ta vẫn khuất mắt trông coi - từ việc ta giằng mất quyền được chơi của con trẻ, cho tới việc trường lớp làm phai nhòa bản chất của ý nghĩa, khi chỉ tập trung vào các bài kiểm tra, các bài thử khả năng. 

Tôi tin rằng chúng ta cần phản ánh đúng tác động của những hành vi xâm lấn này, với hai cấp độ tách biệt. 

Đầu tiên, là ở mức cá nhân. Ta có thể làm rất nhiều việc cho bản thân mình để bảo vệ khả năng chú ý. Tôi tự thấy khi mình làm được những việc đó, tôi đã cải thiện khả năng chú ý của mình thêm khoảng 20%. Nhưng cũng phải thành thật: những thay đổi này có giới hạn thôi, chúng ta cần phải phản ánh vấn nạn từ cấp độ gốc rễ.

Ở thời điểm này, dường như chính nguồn căn gây ra sự giảm chú ý đang cố hướng dẫn chúng ta cách cải thiện tình hình. Xu hướng thiền đang nổi lên trên khắp các mạng xã hội, được tung hô như một phương pháp đơn giản giúp một người làm chủ bản thân. Thiền là một công cụ hiệu quả, nhưng việc cắt giảm nguồn gốc nảy sinh vấn đề mới là thượng sách. Chúng ta cần chung tay giành lại khả năng chú ý của mình.

Nghe có vẻ hơi trừu tượng, nhưng tôi đã gặp những cộng đồng thực sự cắt bỏ được ảnh hưởng từ những kết nối không ngừng nghỉ. Có thể lấy ví dụ, chúng ta đã đang có bằng chứng khoa học cho thấy áp lực và trạng thái mệt mỏi có thể hủy hoại khả năng chú ý. Khảo sát cho thấy 35% nhân viên được hỏi cho rằng họ không thể tắt điện thoại, bởi sếp có thể gửi email nhắc việc bất cứ lúc nào. 

Khi người làm công ăn lương tại Pháp nhận thấy hiện trạng quá sức chịu đựng, họ gây áp lực yêu cầu chính quyền phải thay đổi cái nhìn về cách làm việc. Giờ đây, nhân công Pháp đã có cho mình “quyền được ngắt kết nối”. Khái niệm đơn giản vô cùng: bạn có toàn quyền quyết định giờ làm việc của mình, đồng thời có quyền không bị làm phiền ngoài giờ công tác. Những doanh nghiệp vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn.

Khả năng tập trung tâm trí của bạn không vụn vỡ trước áp lực. Nó đã bị tước mất. - Ảnh 10.

Một số nhà khoa học cho rằng những lo lắng xoay quanh hiện tượng giảm chú ý chỉ là những lo lắng xuất thân từ một khía cạnh đạo đức mới, so sánh được với những vụ rùm beng trong quá khứ liên đới tới truyện tranh hay nhạc rap, đồng thời họ cho rằng bằng chứng không đủ thuyết phục. Một số nhà nghiên cứu khác khẳng định bằng chứng nhiều phần vững chắc, nhận định rằng những mối lo của hôm nay đích thị là những cảnh báo sớm cho nhân loại, giống với thời kỳ đầu của cách đại nạn béo phì hay khủng hoảng khí hậu, là hồi thập niên 70. 

Chúng ta phải hành động dựa trên những rủi ro có cơ sở. Nếu như những cảnh báo liên quan tới hiện tượng giảm chú ý mà sai, nhưng chúng ta vẫn cứ thực hiện những thay đổi, thì liệu thiệt thòi có thể là gì? Chúng ta sẽ ít bị làm phiền bởi công việc, hạn chế bị công nghệ chi phối, bên cạnh một loạt những cải thiện có lợi khác. Nếu những cảnh báo kia mà đúng, rồi chúng ta không thực hiện những bước phòng bị cần thiết, thì thiệt hại sẽ lớn nhường nào?

Cựu kỹ sư Google Tristan Harris nói với tôi, rằng nhân loại sẽ thụt lùi, khi khả năng chú ý của ta suy giảm đúng lúc ta đang đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng, những thứ vốn cần sự chú ý của ta hơn bao giờ hết.

Nhưng không sự thay đổi nào thành hình khi ta không quyết tâm hành động. Cũng như nỗ lực của phụ nữ trong việc giành quyền kiểm soát chính cơ thể của họ (với một chiến dịch tranh đấu vẫn còn kéo dài tới ngày nay), tôi tin rằng đây là lúc ta cần khởi động chiến dịch vì khả năng chú ý, nhằm giành sự tỉnh táo cho chính tinh thần con người. Tôi tin chúng ta cần nhanh chóng hành động, vì có thể hiện tượng này cũng sẽ giống với khủng hoảng khí hậu hay khủng hoảng cân nặng - càng để lâu, vấn đề sẽ càng khó giải quyết. Khi khả năng chú ý suy giảm, sẽ càng khó quy tụ năng lượng từ các cá nhân và cộng đồng nhằm ép hệ thống phải thay đổi.

Bước đầu tiên yêu cầu ta phải thay đổi nhận thức. Chúng ta cần dừng việc đổ lỗi cho chính mình, hay chỉ yêu cầu những thay đổi nhỏ nhặt từ cấp trên những nhà cung cấp dịch vụ. Ta là người sở hữu trí óc của mình - và cùng nhau, ta có thể lấy lại trí óc từ tay những thế lực đã đang đánh cắp chúng.



Kim
Tom
Theo Trí Thức Trẻ01/06/2022 00:00