Trong những tháng trước khi sinh đứa con đầu lòng cách đây khoảng hơn một năm, Annie Midori Atherton thường thức trắng đêm để lo lắng về việc nuôi dạy con cái như thế nào. Và đứng đầu trong số những băn khoăn này là một quyết định mà bây giờ nhìn lại có vẻ tầm thường, nhưng vào thời điểm đó dường như rất quan trọng: Đứa trẻ nên ngủ trong phòng như thế nào?
Theo các nguồn trực tuyến mà bà mẹ sống ở Seatle (Mỹ) này đã tham khảo, lựa chọn tốt nhất là Snoo - một chiếc nôi “thông minh” trị giá 1.695 USD, có khả năng phản ứng lại với tiếng khóc của trẻ bằng các chuyển động bập bênh nhẹ nhàng giúp chúng tiếp tục đi vào giấc ngủ. Annie đã có thể tiếp nhận đề xuất này một cách dễ dàng, nhưng thay vào đó, cô đã dừng lại để suy nghĩ.
Mua "chiếc giường trẻ em thông minh và an toàn nhất thế giới", như hãng Snoo tuyên bố, dường như là một lựa chọn có trách nhiệm. Nhưng nhiều thế hệ trẻ sơ sinh đã ngủ ngon mà không có Snoo, vì vậy chắc chắn lũ trẻ không thực sự cần nó? Nhưng sau đó, một lần nữa, câu hỏi đặt ra là bây giờ có một thứ như vậy tồn tại, tại sao lại không nên sử dụng nó? Nhưng việc chi tiêu nhiều tiền như vậy có phải là vô trách nhiệm về mặt tài chính đối với ngân sách của gia đình không? Và cái nôi điện này có thực sự là lựa chọn tốt nhất hiện có? Có thể có một cái gì đó thậm chí còn tốt hơn trên thị trường không?
Hầu hết mọi giao dịch mua đồ cho em bé sau đó của Annie đều diễn ra theo cách này. Cô đã dành thời gian nghiên cứu các bài đánh giá về những chiếc xe đẩy được bán với giá hơn 1.000 USD, hay kéo chồng mình đến một đại siêu thị để ngồi trong những chiếc ghế cho con bú khác nhau, để thử chúng xem có thoải mái và vừa vặn không. Cô không biết chắc nên lấy núm vú giả hoặc loại chũn quấn nào. Cô đã đăng ký nhận tất cả các sản phẩm mẫu từ nhiều nhãn hàng để đứa trẻ khi ra đời có thể thử một loạt các lựa chọn và Annie có thể đánh giá xem bé thích loại nào nhất. Rõ ràng, các em bé hiện đại đã trở thành một người đánh giá sản phẩm theo đúng nghĩa. Trước đây, cô không cần phải lùng sục trên internet để tìm ra đâu là chiếc máy nướng bánh mì tốt nhất thế giới, thứ thống trị tất cả các lò nướng bánh mì, để làm bánh mỗi cuối tuần. Nhưng lần này lại khác. Annie thấy mình phải chịu trách nhiệm cho một người khác, và cô cảm thấy ngay cả một sai lầm khi chọn núm vú giả cũng có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù mọi người luôn có thể hỏi ý kiến bạn bè, nhân viên bán hàng và thậm chí cả các tạp chí cho mẹ và bé, nhưng internet đã mang tới một loạt tài nguyên mới - chẳng hạn như các danh sách đề xuất, phần nhận xét và đánh giá trên trang thương mại điện tử - cho bạn biết những gì bạn nên và không nên mua. Và khi tất cả chúng ta đang sống trong thời đại tối ưu hóa thì đối với các bậc phụ huynh, áp lực càng trở nên nặng nề hơn. Khi bạn sắp có em bé, việc mua một chiếc xe đẩy không giống như việc chỉ mua một chiếc xe đẩy. Nó giống như một thước đo giá trị của bạn, với tư cách là cha mẹ, cũng như sự thành công trong tương lai của con bạn hoặc thứ gì đó tương tự.
Steven Abelowitz, một bác sĩ nhi khoa ở Quận Cam, California nói rằng ông đã thấy sự lo lắng của các bậc cha me mới trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, trong số các bệnh nhân của mình. Các bậc phụ huynh luôn muốn làm mọi thứ có thể cho con họ, nhưng mạng xã hội đã cường điệu các mong muốn đó, đồng thời khiến quá trình lựa chọn điều tốt nhất trở nên choáng ngợp hơn. Gần như ngay lập tức sau khi biết một bà mẹ đang muốn tìm gì, nguồn cấp dữ liệu trên Facebook hay Instagram đã tràn ngập các sản phẩm có liên quan dành cho trẻ em. Video về những chiếc tã hứa hẹn mang lại giấc ngủ ngon hơn - một viễn cảnh đầy cám dỗ đối với các bà mẹ trong những tháng đầu sau sinh - khiến họ có thể chấp nhận trả giá gấp đôi, thay vì mua các loại tã thông thường. Trang web cho một công ty bán thiết bị camera theo dõi trẻ sơ sinh tuyên bố sản phẩm của họ cho phép cha mẹ “theo dõi sức khỏe, thể trạng và sự phát triển của con họ”, điều đã khiến Annie tự hỏi liệu mình có đang tước đi sức khỏe của con mình nếu không mua nó.
Những người mới làm cha mẹ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi kiểu thông điệp này, vì cảm giác nuôi dạy con cái giống như việc bạn đã đặt cọc một số tiền rất lớn trong một canh bạc. Những mô tả các sản phẩm là “thiết yếu” hoặc “phải có” có thể khiến nhiều cha mẹ cảm thấy rằng con cái của họ không thể phát triển nếu không có chúng. Thậm chí tệ hơn, nó tương đương với một số tiêu chuẩn nhất định trong việc nuôi dạy con cái có trách nhiệm.
Lấy ví dụ như đồ chơi. Sau khi Annie mang thai, trong số các quảng cáo đầu tiên mà cô thấy là những món đồ chơi cao cấp mang thương hiệu Lovevery. Chúng được tuyên bố cung cấp “những thứ cần thiết cho việc chơi theo từng giai đoạn cho trí não đang phát triển của con bạn”, và phiên bản dành cho trẻ sơ sinh có giá 80 USD một hộp. Khi đọc cái này, cô ngay lập tức cảm thấy tội lỗi vì không sở hữu chúng. Các công ty khác thì bán nhiều loại đồ chơi được làm thủ công đẹp mắt trên thị trường như một phần của các phương pháp giáo dục mầm non nổi tiếng như Montessori hoặc Waldorf, đôi khi với giá hơn 100 USD một món đồ. Bình luận để lại từ những gia đình giàu có đã mua chúng cho thấy những món đồ như thế này thường được trưng bày trong những khu vui chơi đẹp mắt, và chúng như đang trêu ngươi Annie bằng một lối sống mà cô cảm thấy không thể nắm bắt được.
Ảo tưởng rằng việc chọn một món đồ chơi đẹp mắt (hoặc bất kỳ sản phẩm trẻ em nào khác) có thể giúp con bạn phát triển đang thu hút nhiều bậc cha mẹ.
“Các công ty biết chúng ta đang căng thẳng và họ kinh doanh dựa theo điều đó”, Hayley DeRoche, một phụ huynh kiêm TikToker nổi tiếng với các quảng cáo đồ chơi, chia sẻ. Các sản phẩm đều hứa hẹn một sự kiểm soát lung linh nhưng lại dựa trên một quy trình chứa đầy sự không chắc chắn. Bạn có thể không thể bảo vệ con cái khỏi những kẻ bắt nạt và thảm họa khí hậu, hoặc trả học phí vào trường tư, nhưng một món đồ chơi xếp cầu vồng trị giá 96 USD là điều nằm trong tầm tay. Nghe qua thì cũng có vẻ không quá phi lý?
Giả định cơ bản đối với nhiều bậc cha mẹ là nếu họ tuân theo công thức mua sắm tiêu dùng phù hợp, họ có thể đảm bảo thành công cho con cái mình. Thật vậy, việc chuyển những lo lắng chung về việc nuôi dạy con cái thành một mục tiêu có thể quản lý được, chẳng hạn như chọn chiếc nôi phù hợp, có thể mang lại sự nhẹ nhõm cho các bậc cha mẹ. Đôi khi, họ trao quyền cho các chuyên gia, hoặc thậm chí chỉ là một người có ảnh hưởng hoặc một đánh giá 5 sao nào đó trên trang thương mại điện tử. Đứng trước một loạt các lựa chọn khó khăn, nhiều người chỉ mong mắc sai lầm ít nhất có thể. Lúc này, ngay cả công việc sắp xếp các bài đánh giá và danh sách đề xuất sản phẩm cũng mất rất nhiều thời gian và năng lượng, nhưng các bậc phụ huynh cũng có thể cảm thấy nó giống như việc họ đang nuôi dạy con cái tốt. Và họ lúc này đang hi sinh thời gian và công sức của mình vì lợi ích của con cái mình trong tương lai.
Hầu hết các bậc cha mẹ không thực sự tin rằng các quyết định mua sắm thông minh sẽ giúp vượt qua những trở ngại mang tính hệ thống mà con họ phải đối mặt. Annie cũng nghĩ như vậy. Nhưng điều đó không khiến cô ngừng cố gắng trong những quyết định nhỏ này. Trong nền kinh tế siêu cạnh tranh của hiện tại, mọi người đều cảm thấy dường như có rất ít chỗ cho việc sai sót. Ngay cả những người có tài chính an toàn cũng có thể bất ngờ mất đi vị thế của họ, và tiền cược cho việc mua nhầm thường cao hơn đối với những người có ngân sách eo hẹp. Bởi rốt cuộc, mua một món hàng tồi là lãng phí tiền bạc.
Nhưng những người đang lo lắng về việc không có tiền hoặc thời gian để tìm mua những gì mà các tổ chức trên mạng internet khuyên dùng không cần phải quá lo lắng. Theo các chuyên gia, không có đủ nghiên cứu để nói rằng các thiết bị lạ mắt đang bán tràn lan trên thị trường thực sự có thể tạo ra sự khác biệt trong sự phát triển khỏe mạnh của em bé. Ngươc lại, sự chú ý từ chính những người chăm sóc trẻ còn quan trọng hơn nhiều. Theo Rebecca Parlakian, giám đốc cấp cao của Zero to Three, một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho trẻ em, nói rằng ngoài việc đảm bảo thứ gì đó an toàn, việc lựa chọn các sản phẩm có giá rẻ hơn sẽ không làm tổn thương hay cải thiện cuộc sống của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
“Khi nói đến đồ chơi, thì cả thế giới đều mới mẻ đối với trẻ sơ sinh”, Parlakian nói. “Bạn có thể đặt một chiếc thìa cao su từ nhà bếp trên sàn nhà, và nó sẽ là món đồ chơi tuyệt vời nhất trên toàn thế giới đối với chúng, bởi vì chúng có thể chạm vào nó và chúng có thể ngậm nó".
Đối với nôi hoặc cũi, bác sĩ nhi khoa Abelowitz nói rằng miễn là nó đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thì mức giá của nó sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Tất nhiên, điều này đi kèm giả định rằng cha mẹ cũng tuân theo các nguyên tắc tiêu chuẩn về giấc ngủ an toàn. Và mặc dù nhiều người đã thề rằng một chiếc nôi phù hợp đã mang lại cho con cái họ giấc ngủ ngon hơn, thì không gì có thể thay đổi được một sự thật không thể tránh khỏi rằng trẻ sơ sinh cần được cho ăn vài giờ một lần trong ít nhất một vài tháng, bất kể trẻ đang ngủ ngon như thế nào.
Tất nhiên, mọi người có thể chọn một số sản phẩm vì những lý do khác, chẳng hạn như thẩm mỹ, mối quan tâm về môi trường và sự tiện lợi. Những thứ lạ mắt hoàn toàn có thể làm cho công việc chăm sóc trẻ hàng ngày trở nên dễ chịu hơn, nhưng dù chúng rất tốt để mua về, hầu hết đó lại không phải là nhu cầu cần thiết nhất.
“Tôi luôn cố gắng đặt mình trong bối cảnh lịch sử lâu đời của sự phát triển của trẻ sơ sinh”, Parlakian chia sẻ. "Và nên nhớ rằng chúng ta đã không có những sản phẩm này trong nhiều thiên niên kỷ."
Thậm chí ngày nay, việc nuôi dạy một đứa trẻ sơ sinh cũng khác nhau ở mọi nơi trên toàn cầu. Ví dụ, nhiều bậc cha mẹ vẫn nuôi dạy con tốt mà không cần các thiết bị theo dõi có màn hình để kết nối mọi lúc mọi nơi. Hay mặc dù các gia đình ở Mỹ có thể có hai hoặc thậm chí ba xe đẩy cho nhiều mục đích khác nhau, thì ở nhiều nơi, kể cả các thành phố lớn, thậm chí việc mua một chiếc cũng là điều không thực tế, nếu đường xá khu vực đó không đủ tốt. Hay như ở Phần Lan, chính phủ tặng cho các bậc cha mẹ những “hộp dụng cụ” khi họ sắp có em bé, bao gồm các vật dụng như cũi tạm và một bộ đồ nhỏ. Đây là những món quà không chỉ mang tính hỗ trợ về vật chất mà còn mang lại sự thoải mái cho các bậc cha mẹ khi biết rằng mọi gia đình đều bắt đầu với cùng một chiếc hộp như nhau.
Cuối cùng, Annie đã vung tiền cho một vài món đồ, chẳng hạn như một chiếc gối cho con bú khá mềm mại và một chiếc xe đẩy siêu bền có giá hàng trăm USD. Nhưng cô chọn mua đồ đã qua sử dụng. Cô cũng tìm thấy rất nhiều mặt hàng miễn phí hoặc giá rẻ trên các nhóm Facebook tại địa phương, từ các bà mẹ khác. Annie cho biết cô không hối hận khi mua những thứ đẹp đẽ mới mẻ này, nhưng cô cũng không chắc bất kỳ thứ nào trong số chúng thực sự đã giúp ích, đặc biệt trong việc giải quyết thách thức lớn nhất của mình. Đó là điều chỉnh lối sống để trở thành cha mẹ, giữa các ảnh hưởng từ một đại dịch vẫn tồn tại và một cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả ngày càng tăng cho việc chăm sóc trẻ em.
“Vì vậy, mặc dù tôi không nghĩ rằng mình đã lựa chọn sai, nhưng chúng không phải là quá hợp lý”, cô nói.
Bà mẹ này cho biết không có sản phẩm nào có thể xoa dịu nỗi sợ hãi rằng cô sẽ là một người mẹ tồi. Tuy nhiên, quá trình ra quyết định mua sắm giống như một bài thực hành cho cả cuộc đời phía sau. Bởi khi nuôi dạy con cái, bạn sẽ luôn phải đưa ra các lựa chọn khó khăn, với vô số những lựa chọn không thể giải quyết bằng cách mua sắm.
“Học cách sống với khái niệm ‘đủ tốt’’ có thể là một trong những điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm với tư cách là cha mẹ”, Annie tâm sự. “Ngay cả khi đó là một bài học phải học đi học lại nhiều lần.”