Hôm đó là thứ Sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2019, Matthew Prince và Michelle Zatlyn, hai nhà đồng sáng lập công ty an ninh mạng Cloudflare, đứng cạnh nhau trên ban công nhìn xuống đám đông trong Sở giao dịch Chứng khoán New York. Quanh Prince là một loạt các ông lớn đứng đầu nhiều công ty danh tiếng, ai cũng sẵn sàng đếm ngược tới khoảnh khắc quan trọng.

Hôm đó là thứ Sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2019, Matthew Prince và Michelle Zatlyn, hai nhà đồng sáng lập công ty an ninh mạng Cloudflare, đứng cạnh nhau trên ban công nhìn xuống đám đông trong Sở giao dịch Chứng khoán New York. Quanh Prince là một loạt các ông lớn đứng đầu nhiều công ty danh tiếng, ai cũng sẵn sàng đếm ngược tới khoảnh khắc quan trọng. “To lên nữa! Đếm to lên!”, anh Prince hối thúc mọi người trong cái hừng hực của thành công. “NĂM! BỐN! BA! …”. Đúng 9 giờ 30 sáng, Prince và Zatlyn với tay xuống rung chiếc chuông trứ danh, tiếng ngân nga báo hiệu phiên giao dịch bắt đầu và đồng thời nói cho cả thị trường biết, rằng đứa con Cloudflare 10 năm tuổi của các anh đã sẵn sàng bước vào thương trường. Hồi chuông vừa là một phần nghi lễ “trưởng thành” của Cloudflare, lại vừa mở ra một viễn cảnh trị giá triệu đô cho các nhà sáng lập.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 1.

Bên dưới ban công, hơn 100 nhân viên và nhà đầu tư cười mừng rỡ, giơ điện thoại lên để chộp lấy khoảnh khắc quý giá. Một trong số đó là Kristin Holloway, cô chụp nhanh một tấm ảnh rồi gửi cho chồng mình là anh Lee Holloway, một nhà sáng lập khác của Cloudflare. Anh Holloway đang ngồi nhà khi hồi chuông nhiều ý nghĩa kia vang khắp sảnh Sở giao dịch. Thỉnh thoảng, lại có người len lỏi qua đám đông để nói với chị Holloway rằng “Đáng lẽ anh Lee nên có mặt ở đây”.

Trong những năm đầu của Cloudflare, Lee Holloway chính là thiên tài tạo nên điều không tưởng: anh có thể ngồi tập trung trước màn hình máy tính nhiều giờ đồng hồ, những dòng code tuôn ra từ 10 đầu ngón tay của anh trong lúc nhạc rock gầm rú trong tai nghe. Anh chính là vị kiến trúc sư tài ba dẫn lối cho Cloudflare trưởng thành từ một bản nháp ý tưởng thô sơ viết trên tờ giấy ăn, để rồi nó lớn mạnh thành gã khổng lồ công nghệ với 1.200 nhân viên phục vụ tới 83.000 khách hàng. Lee Holloway là bộ não viết nên hệ thống xử lý 10% yêu cầu truy cập của toàn bộ Internet, đồng thời chặn đứng hàng tỷ mối đe dọa bảo mật tiềm tàng. Phần lớn những gì Holloway lập trình từ những ngày đầu vẫn còn trong hệ thống của Cloudflare.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 2.

Nhưng vài năm trước giây phút IPO kia, người xung quanh bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong cách hành xử của Lee. Anh bắt đầu thờ ơ với dự án cũng như với đồng nghiệp, lơ đãng trong buổi họp, ngày một khắt khe và hiếu chiến, không còn chào đón ý tưởng đổi mới của ai và bỏ ngoài tai mọi ý kiến phản hồi.

Những người bạn lâu năm của Lee bối rối trước sự thay đổi nơi anh. Cuộc đời anh xoay quanh đứa con tinh thần Cloudflare, đến mức đã có lần anh thề thốt không cắt tóc cho tới khi traffic web của mình vượt qua Yahoo (lời thề độc kéo dài vài tháng ngắn ngủi thôi, tóc anh mọc dài thêm khoảng 10cm thì bị cắt). Từ xưa, anh vẫn là người dễ tính, sẵn lòng chỉ bảo bất kỳ ai và ngồi trò chuyện vui vẻ với bất kỳ bạn bè nào bên bàn ăn trưa. Tại bữa tiệc sinh nhật cô Zatlyn, vây quanh anh Lee Holloway là lũ trẻ với những đôi mắt sáng ngời, nuốt từng lời anh Lee kể về hành trình thú vị của một coder. Việc anh Lee gây gổ với người khác nằm ngoài trí tưởng tượng của bất kỳ ai quen biết anh.

Lee bắt đầu hành xử khác lạ ở những mảng ngoài công việc. Một vài đồng nghiệp ngẩn người khi biết anh chia tay vợ để qua lại với một cô đồng nghiệp. Họ cho rằng thành công và của cải dồi dào đã làm thay đổi cách nghĩ của Lee. “Tất cả chúng tôi đều nghĩ đơn giản rằng anh ấy làm ra được một đống tiền, cưới cô người yêu mới. Như kiểu anh sắp xếp lại đời mình và quyết định trở thành một gã tồi”, anh Prince kể.

Những người thân thiết nhất với Lee đều chung một cảm giác bị ra rìa. Họ đều nghĩ rằng anh Lee của ngày xưa đã bỏ đi mãi mãi. Thực tế, đây là những thay đổi theo năm tháng chứ chẳng phải quyết định được đưa ra một sớm một chiều. Trong những năm tiếp theo, nhân cách anh Lee ngày một sa sút, những người thân thiết nhất không còn nhận ra anh. Phải mất nhiều năm tìm hiểu, người ta mới biết nguồn căn của sự thay đổi chóng mặt nơi Lee, và buộc gia đình anh đối diện với những câu hỏi khó trả lời liên quan trực tiếp tới nhận thức cá nhân của một người.

Buổi sáng tháng Chín ấy, trên sàn giao dịch, em trai của anh Lee là Alaric đi lại mà khiến người tham dự ngỡ ngàng; anh selfie với nhân viên gạo cội của Cloudflare rồi ngay lập tức gửi ảnh cho anh trai mình. Alaric chưa từng làm việc tại công ty của anh trai và gần như chẳng quen biết ai tại sự kiện IPO. Nhưng vì vẻ ngoài của hai anh em giống nhau từ mái tóc, ánh mắt cho tới làn da, anh Alaric kể “người ta cứ nhìn tôi như kiểu họ quen tôi từ lâu rồi”.

Lúc ấy, anh Lee đang ở cùng gia đình tại San Jose. Lee sải dài những bước chân vội vã quanh phòng khách, dọc hành lang của căn nhà 150 mét vuông; ấy là quãng đường anh đã đi quen suốt 2 năm nay từ khi chuyển về đây sống. Chẳng nói chẳng rằng, anh cứ rảo chân đi quanh nhà, luôn miệng nhai hạt điều như để che đi cái bối rối trong anh.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 3.

Thứ gì tạo nên bạn, để bạn là chính mình? Câu hỏi xoáy sâu vào bản chất con người, với câu trả lời là một định nghĩa cho phép chúng ta nghĩ mình là sinh vật đặc biệt trong Vũ trụ này. Đi tìm lối thoát cho câu hỏi khó, ta lại thấy một thắc mắc mang tính triết học khác: Nếu một cá nhân không còn là chính mình, thì họ là ai? 

Vô số triết gia nỗ lực tìm cách giải đáp câu hỏi khó. Thế kỷ 17, John Locke gắn tính cá nhân với ký ức, nỗ lực liên kết quá khứ của một người với nhân cách hiện tại của họ. Nghe cũng hợp lý lắm chứ, khi ta xét tới việc ký ức là cách chúng ta ghi chép lại hành trình tồn tại của mình. Nhưng ký ức không lại là một tập hợp dữ liệu không đáng tin. 

Thập niên 70, triết gia nổi tiếng Derek Parfit đúc kết lại nhận định xưa kia của Locke, rồi cho rằng nhân cách của một người xuất phát từ góc nhìn tâm lý phức tạp trải dài theo năm tháng. Parfit cho rằng một tập hợp các sự kiện tâm lý của một người - bao gồm ký ức, mục đích, đức tin và nhiều hơn nữa - tạo ra những sợi dây xích vô hình gắn kết một người với những phiên bản quá khứ của họ. Mỗi một ký ức, một đức tin lại là một đoạn xích xuyên không về quá khứ, là một cái neo níu giữ nhân cách một người không sụp đổ trong thực tại thay đổi chóng mặt và không thể tránh khỏi.

Về cơ bản, một người "là chính mình" nhờ một loạt những dữ liệu, những tác phẩm tâm hồn họ tạo ra để giữ cho họ không bị lạc lối, đánh mất chính mình khi sống từ ngày này qua ngày khác. Khó có thể so sánh khái niệm này với tâm hồn một người, và cũng không chỉ ra được một cá nhân có thể mất đi bao nhiêu "sợi xích" trước khi họ đánh mất bản thân. Hành trình tìm hiểu chính mình mới chỉ dừng lại tại đó.

Mạng thần kinh con người sắp xếp những ký ức, các "tác phẩm tâm hồn" kia thành một nền móng kiến tạo nên hành vi mỗi cá nhân. Khi một chất xúc tác đi vào não, những tín hiệu điện hóa học sẽ chạy qua một loạt neuron thần kinh để bảo ta phải làm gì cho đúng với hành vi thường nhật, cho hợp lý với trạng thái "là chính mình".

Suốt nhiều năm trời, nhân cách anh Lee vẫn cứ kiên định như vậy. Cho tới khi mọi thứ không còn như xưa nữa …

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 4.

Từ thuở nhỏ, Lee đã có thể mường tượng ra những cấu trúc phức tạp. Lớn lên trong thập niên 90 tại Cupertino, nơi cha anh công tác tại Apple, Lee đã được tiếp xúc với máy tính và trò chơi điện tử từ rất sớm. Anh nổi tiếng trong xóm với khả năng đọc tình huống phức tạp cực nhanh, thay đổi chiến thuật ngay lập tức để liên tục giành chiến thắng. Và đầu óc chiến thuật này còn thể hiện cả trong môn cờ vua, khi mà anh vô địch giải trường nhưng không với tư cách thành viên câu lạc bộ cờ. Cậu Lee thông minh nhưng không hề khiến người khác khó chịu với bộ não của kẻ mọt sách chỉ biết tới kiến thức, tính tình hóm hỉnh và những nhận xét hài hước luôn khiến bạn bè quanh cậu khó mà nhịn cười, cùng lúc đó phải vận dụng khả năng suy nghĩ để mà bắt kịp cậu. 

Lee và bạn quanh nhà thường xuyên bưng cả dàn máy tính để họp lại mà chơi game. Ngày một tò mò về cỗ máy mà mình gắn bó từ bé, Lee bắt đầu hứng thú với khoa học máy tính từ thời trung học. Khi lên đại học, hoàn cảnh đưa Lee tới gặp Matthew Prince.

Khi đó, với cương vị nhà đầu tư trẻ, Prince đang theo đuổi ý tưởng tạo nên một phần mềm chống spam khi ngồi bàn luận với giáo sư khoa học máy tính Arthur Keller công tác tại Đại học Santa Cruz; ông Keller và các học viên đã đang nghiên cứu một công cụ tương tự. Anh Prince, giáo sư Keller và các học trò dưới trướng Keller đồng ý chia sẻ lợi ích có được từ bằng sáng chế. Anh Lee là một trong số các sinh viên dưới trướng Keller, và Prince ngay lập tức nhận ra tài năng của Lee rồi tuyển anh về làm việc. "Tôi không ngờ ý tưởng về dự án khi còn ngồi ghế giảng đường lại biến thành một thứ to lớn đến vậy", Lee trả lời trong một buổi phỏng vấn sau này.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 5.

Prince gây dựng công ty Unspam Technologies tại Park City, Utah, nằm chẳng xa sườn núi anh Prince vẫn thường lui tới chơi trượt tuyết. Lee chuyển tới sống trong tầng hầm nhà Prince, thời gian đầu anh làm việc không công để đổi lấy miếng ăn và chỗ ở. Thời gian trôi, Lee và các cộng sự khác không thỏa mãn với Unspam, họ cùng nhau thực hiện một vài dự án bên lề, một trong số đó là Dự án Hũ Mật - Project Honey Pot, có khả năng lần dấu những địa chỉ gửi thư spam dù những kẻ “spammer” này đi tới đâu trên Internet. Dự án chỉ làm được vậy, chỉ thu thập và công bố dữ liệu của các spammer mà không có hành động chặn spam nào cụ thể. Dù vậy, Hũ Mật vẫn thu hút được một cộng đồng người theo dõi tận tâm. 

Năm 2007, Prince rời Utah để theo học khóa kinh doanh tại Harvard, còn Lee chuyển về California để sống với bạn gái, cô Alexandra Carey. Họ gặp nhau từ hồi Lee còn đi học, khi Alexandra là trợ giảng trong lớp cấu trúc máy tính của Lee. Họ để ý tới nhau từ lâu, và đến sau khi Lee tốt nghiệp, mối tình mới đơm hoa. Hai người sống tại hai thành phố, nhưng nhờ thời gian cùng chơi tựa game online Savage mà họ lại phải lòng nhau. Khi Prince rời đi, hiển nhiên Lee tính ngay tới chuyện về sống với Alexandra. Họ cưới nhau năm 2008.

Lee và Prince tiếp tục cộng tác gây dựng Unspam, nhưng khi Prince bận rộn với việc học hành, Lee thổ lộ về việc muốn tìm công việc mới. Prince phản đối việc Lee rời đi với một lời đề nghị táo bạo, có vẻ quá hời để mà từ chối: Prince và bạn học, cô Michelle Zatlyn có một ý tưởng startup mới rất có tiềm năng. Nếu như Dự án Hũ Mật tiến thêm một bước nữa, có thêm khả năng đánh trả những spammer thì sao? 

Đề xuất ban đầu như sau: xây dựng một mạng lưới server khổng lồ phủ toàn cầu, thuyết phục các chủ website đưa traffic vào web đi qua server của dự án, rồi thu thập đủ dữ liệu để nhận dạng được đâu là mối đe dọa an ninh và đâu là những request thường của người dùng. Đây có thể trở thành công cụ tối ưu để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng xuất hiện ngày một nhiều, Prince cần một nhà đồng sáng lập rành về công nghệ, và anh Lee chính là cá nhân sáng giá đó.

Prince ngồi nói qua điện thoại liên tục một giờ đồng hồ. Anh nói xong, đầu dây bên kia của Lee vẫn lặng thinh. “Tôi gặng hỏi ‘Anh còn ngồi đó không?’. Rồi anh ấy trả lời "Ừ, có vẻ ổn đấy, làm thôi nhỉ’”. Mọi thứ diễn ra “chóng vánh” vậy đó, Prince kể lại.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 6.

Cuối năm 2009, họ viết thành công demo của hệ thống server và gây được số quỹ 2 triệu USD. Từng ấy là đủ để thuê một nhà trọ hai phòng ngủ nằm bên trên một tiệm nail ở Palo Alto, đây mới là đại bản doanh để những người bạn trẻ toàn lực nuôi dưỡng ước mơ. Ngày nào cũng thế, Lee đến “cơ quan” trong chiếc quần jean Calvin Klein, áo khoác da và mũ len trên đầu; trong cặp của anh là chiếc laptop ThinkPad được đặt biệt danh “Quái vật - The Beast”. 

Chúng tôi đều chung một tầm nhìn. Và anh Lee chính là kiến trúc sư tạo nên nó. Anh mê đắm dự án này”, cô Zatlyn nói. 

Năm khởi nghiệp thứ hai, Prince khéo léo tìm được đường vào TechCrunch Disrupt, một cuộc thi giữa các startup trên sân khấu và trước ban giám khảo, với tiềm năng nhận về những khoản đầu tư hậu hĩnh. Ngày dự thi Disrupt tới ngày một gần, Prince và Zatlyn bộc lộ lo lắng ra mặt; Lee nghỉ làm nhiều ngày do đau nửa đầu triền miên, có vẻ như anh còn chưa xong bản demo để trình diện trên sân khấu. Ngày trọng đại cũng tới, Prince và Zatlyn bước lên sân khấu trong tâm trạng thấp thỏm. Họ khấn đủ các thánh thần họ biết, mong sao cho phần mềm hoạt động được. 

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 7.

Prince mở lời trước, “Tôi là Matthew Prince, đây là Michelle Zatlyn, Lee Holloway đang trong cánh gà. Chúng tôi là ba nhà sáng lập Cloudflare”. Giữa lúc Prince cười nói trên sân khấu, mười đầu ngón tay anh Lee hoạt động không ngừng, gắng sửa hàng loạt bug để màn trình diễn được suôn sẻ. Prince nín thở, khởi động chương trình và có lẽ, phép màu của cả Lee lẫn thế lực khác nữa đã khiến Cloudflare hoạt động được. Ngay sau màn trình diễn ấn tượng, Cloudflare nhận về thêm hơn 1.000 khách hàng mới.

Những tuần tiếp theo, một loạt các nhà đầu tư mạo hiểm mà chúng tôi mới chỉ nghe danh hay đọc được trên báo gọi trực tiếp cho Cloudflare”, Prince kể lại. Nhận về quá nhiều sự chú ý, anh Prince, anh Holloway và một nhân viên mới nữa, anh Sri Rao liên tục ngồi sửa lỗi để giữ cho hệ thống đứng vững. “Chúng tôi ra mắt dịch vụ hồi tháng Chín, và chỉ sau một tháng, đã có 10.000 website đi qua server của chúng tôi”, anh Lee nói trong một buổi phỏng vấn. “Nếu mà biết trước, chúng tôi đã chuẩn bị hẳn tám trung tận dữ liệu chứ không chỉ năm”. 

Khách hàng ngày một đông, Ian Pye, một kỹ sư mới được tuyển vào khác, đã moi ruột một chiếc máy nướng bánh mì gối, nhồi vào trong một bảng mạch Arduino và cắm vào hệ thống. Mỗi khi có một website đăng ký sử dụng dịch vụ Cloudflare, cái “máy nướng bánh” kia sẽ hát một điệu nhạc điện tử do chính anh Pye sáng tác. Cái máy tồn tại được hai tuần thì đội ngũ Cloudflare không chịu nổi nữa, nó hát hò nhiều quá. 

Mất an toàn an ninh vô cùng. Nhưng người ta [hacker] sẽ làm được gì, tấn công máy nướng bánh của chúng tôi à?”, anh Pye cười nói. Cloudflare tăng trưởng nhanh chóng, Lee phải ngồi nhà làm việc nhiều ngày liên tục. Lúc này, anh và cô Alexandra đã có một con nhỏ. Trong những tháng chăm con đầu tiên, cả Lee và Alexandra đều tìm được thời giờ chơi game cùng nhau. Mỗi tuần, bạn anh lại ghé nhà chơi boardgame phiên bản Game of Thrones hay Team Fortress 2. Alexandra chăm con nhưng vẫn đảm bảo nhóm bạn có đủ đồ ăn vặt trong những buổi hẹn hò. “Tôi làm vậy vì anh ấy”, cô kể.

Nhưng tới giai đoạn 2011, Alexandra bắt đầu nhận thấy thay đổi nơi Lee: anh bắt đầu xa lánh mọi người và nảy sinh nhiều thói quen lạ. Mệt mỏi sau ngày dài làm việc, anh Lee về tới cửa, tháo giày và ngay lập tức nằm ra sàn ngủ. Thỉnh thoảng, mèo nhà nuôi ra nằm cùng anh và đứa con trai chưa được 2 tuổi của Lee lại gần, cố gọi bố dậy để cùng chơi với mình.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 8.

Anh từ chối những lời rủ rê đi chơi của bạn bè. Alexandra phải đi dự tiệc cưới một mình, cô cảm thấy tổn thương khi thấy ai cũng có cặp, trong khi chiếc ghế cạnh mình lại trống trơn. Tại nhà, cô nấu bữa tối cho Lee để rồi nhận lời đáp rằng anh đã gọi pizza rồi. Trong chuyến đi Pháp dài một tuần cùng gia đình, anh Lee ngủ suốt 3 ngày trong phòng khách sạn, khăng khăng rằng mình mệt lắm. Khi đó, Alexandra đang trong thời kỳ hoàn thiện bằng thạc sĩ, vừa phải chăm con; cô cũng mệt chứ đâu chỉ riêng anh. Cô hối thúc anh đi gặp bác sĩ tâm lý và chơi với con, nhưng anh chẳng màng.

Năm 2012, Alexandra nói với chồng về cơ hội thực tập tại NASA ở miền Nam California, và cô muốn đưa con theo cùng. Phản ứng của anh Lee khiến cô bất ngờ và tổn thương sâu sắc: anh nói hãy ly hôn đã rồi đi. 

Khi Prince và Zatlyn nghe Lee kể về chuyện ly hôn, họ đều bất ngờ vô cùng và ngỏ lời chia buồn, nhưng cả hai đều nhận thấy Lee tỏ ra dửng dưng trước việc chia tay vợ con. Cảm giác kỳ lạ sớm qua đi, khi Prince và Zatlyn tự thuyết phục mình rằng có nhiều lý do để một mối tình tan vỡ; hai người họ đều cưới khi còn trẻ, đều làm việc nhiều giờ mà quên đi cuộc sống gia đình, có lẽ họ xa cách vì lẽ đó. Chưa kể Lee vẫn sống tốt trong môi trường công việc, nên hai nhà đồng sáng lập Cloudflare không gặng hỏi sâu hơn.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 9.

Vài tháng sau khi Alexandra rời đi, trong một buổi họp giữa các nhân viên Cloudflare, Lee buông lời khen Kristin Tarr, một chuyên viên liên lạc vừa đăng tải bài blog mô tả cách thức người dùng có thể bật chức năng xác nhận hai chiều. “Tôi đọc blog của cô rồi. Thực sự hay đó”. Một người bạn để ý câu nói ấy, bông đùa cô Tarr rằng: anh Lee đang tán cô kìa!

Rồi Lee và Kristin gần gũi với nhau hơn. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, Lee đưa cô tới nghe ban nhạc rock yêu thích của mình, nhóm Opeth tới từ Thụy Điển. Anh biến cô thành “con nghiện” bóng rổ, trở thành fan của Golden State Warriors. Kristin cũng thay đổi được con người Lee: cô thuyết phục anh bỏ đi chiếc quần jean và cái áo da cũ, thay những thứ trẻ trung hơn của Rag & Bone. Anh vẫn giữ cái mũ len và mấy chiếc hoodie, nhưng giờ chúng tới từ hãng Lululemon, hãng quần áo thể thao mà cô Kristine làm đại diện. Đôi lúc anh Lee từ chối rời giường hay viện cớ đau đầu để được ở nhà nghỉ ngơi, cô Kristin lại đăng ký cho anh tham gia đường chạy dài, hối thúc anh tập luyện cho khỏe người. Đồng nghiệp của Lee bỡ ngỡ và choáng ngợp trước con người mới của Lee, một trưởng ban kỹ thuật năng động và “thể thao” hơn trước.

Yêu nhau vài tháng, họ chuyển về sống cùng nhau. Cô kéo anh khỏi màn hình máy tính của code và game, dẫn lối anh đi phiêu lưu đó đây. Họ chơi cả trăm ván boardgame với đồng nghiệp. Cả hai đôi mắt đều kém do cận thị, họ tự gọi mình là chuột chũi, rồi đặt biệt danh động vật cho cả đồng nghiệp; anh Prince là “ngỗng”, rồi một quản trị viên khác là thiên nga. Tháng Năm/2014, Kristin dừng công tác tại Cloudflare, ngay ngày hôm sau cô và Lee vi vu du lịch đất Ý. Họ đính ước tại Rome.

Lee Holloway vẫn cứ là ngôi sao của đội lập trình. Cuối mùa hè năm 2014, anh nhận thực hiện dự án đưa danh tiếng Cloudflare lan trên Internet nhanh như lửa cháy: Cloudflare sẽ giúp mã hóa các website, hoàn toàn miễn phí. Thời đó, việc mã hóa website công ty vẫn là thứ gì đó xa lạ lắm. 

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 10.

Lee hứa hẹn sẽ hoàn thiện những phần cần thiết trước khi tháng Mười tới. Ngày hẹn tới gần, Prince hỏi tiến độ thì bị Lee gạt đi. Để rồi một ngày trước khi hệ thống chính thức lên sóng, Lee mặc hoodie và đội mũ trùm kín đầu, tai nghe vang lên những bản nhạc yêu thích, anh ngồi xuống gõ code.

Hôm ấy là Chủ nhật, nhưng văn phòng chật kín nhân viên, ai cũng đang chuẩn bị cho buổi công bố sản phẩm và tiếp tế đồ ăn cho những người “trực chiến”. Nhưng điểm nhấn của buổi chuẩn bị này là anh Lee đang cặm cụi gõ code. “Anh ấy cứ gõ và gõ, tôi nghĩ chẳng ai dám làm phiền anh”, John Graham-Cumming, lúc ấy là kỹ sư và hiện đang là trưởng ban kỹ thuật của Cloudflare, kể lại. “Trên người bận chiếc hoodie, anh ấy đang tự do thoải mái trong thế giới của riêng mình. Anh đang thực hiện phẫu thuật não trên chiếc máy tính ấy”. 

Đêm muộn, Lee đứng bật dậy, tuyên bố mình xong việc, và lờ lững trở về nhà.

Đội kỹ sư ngay lập tức ngồi kiểm tra code của anh Lee gõ ra. Tới sáng, quá trình debug diễn ra, phần mềm chạy trơn tru, toàn bộ dữ liệu của khách hàng đều được mã hóa. Giây phút đó khiến toàn bộ đội ngũ Cloudflare tự hào, rằng mình là một phần của hệ thống đi trước thời đại này.

Lee và Kristin lên kế hoạch cưới, và anh coder tài năng cũng quyết định xử lý vấn đề sức khỏe một lần cho xong. Anh bị bệnh hở van động mạch chủ, vài bác sĩ cho rằng đây cũng là lý do khiến anh đau nửa đầu nhiều năm nay. Ý kiến chuyên gia không nhất quán, nhưng rồi anh Lee nghe lời bác sĩ phẫu thuật tại Stanford, rằng anh nên tiến hành mổ tim luôn, anh đồng ý. Nằm trên giường bệnh, anh gửi cho con trai mình video cập nhật tình hình: “Bố yêu con! Bố sẽ sớm gặp con với một trái tim hoàn toàn mới!”. Nở nụ cười, anh chào tạm biệt con và tắt máy.

Ghé đầu vào ngực anh, bạn có thể thấy tiếng bệnh tim của anh. Chúng tôi gọi nó là ‘trái tim yếu đuối’”, cô Kristin kể.

Cô Kristin nhận định ca phẫu thuật diễn ra vào tháng Giêng năm 2015 chính là bước ngoặt đời anh, dẫn Lee đi vào con đường tăm tối. Trái tim anh coder khỏe mạnh hơn bao giờ hết, nhưng tinh thần anh bị tổn thương trầm trọng; anh ngủ liên miên. Lee xin nghỉ phép để phục hồi sau phẫu thuật, thời gian tính bằng tuần được gia hạn lên một tháng, rồi vài tháng, anh Lee đi làm lại khi cái nắng mùa hè chuẩn bị gõ cửa văn phòng.

Lee và Kristin cưới vào tháng Sáu tại Hawaii, trước mặt đông đảo bạn bè và người thân. Kristin bắt đầu nhận thấy Lee khác trước, dường như ai đó đã xóa bỏ sắc màu sặc sỡ của tính cách anh Lee. Prince cũng thấy điều đó, nhưng cho rằng ấy chỉ là cái u ám của thời kỳ sau phẫu thuật.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 11.

Sau đám cưới ít lâu, Lee và Kristin tới thăm Châu Âu, dạo chơi một vài ngày tại Pháp như Lee đã từng đi với Alexandra khi xưa. Kristin chưa từng tới Paris, cô hào hứng thăm thú những ngõ ngách thành phố nhưng rồi phải đi phiêu lưu một mình: cũng như xưa, Lee chỉ ở trong phòng, ngủ li bì suốt cả ngày. Trong chuyến đi Ý trước đó, Lee khác lắm, anh sẵn sàng thăm thú bảo tàng và các hàng quán địa phương. Kristin cũng chẳng biết phải thuyết phục anh ra sao khi lý do “đau nửa đầu” và “bệnh tim” vẫn cứ nằm đó để anh Lee vin vào. 

Ở văn phòng, không ai còn có thể cộng tác được với Lee. Anh thường xuyên nạt nộ người khác, hay lơ đãng trong buổi họp và thậm chí còn công khai ngồi chơi game trên điện thoại. Có lần, giữa lúc họp, Prince nhắn tin nhắc nhở anh rằng mọi người đang chú ý, và rằng đó không đúng mực trong vai một lãnh đạo.

Prince và Zatlyn nói chuyện với Lee cho ra nhẽ, nhận về lời hứa “sẽ làm tốt hơn”, nhưng lời hứa ấy nghe chẳng chút chân thành. Họ cho rằng anh đã kiệt sức. Thế nhưng sự việc vẫn khiến họ đau lòng lắm; như thể Lee chia tay với công ty vậy. Cô Zatlyn nhớ lại những câu chuyện về các nhà sáng lập startup chia tay “đứa con tinh thần”, đôi khi còn khiến cả công ty sụp đổ.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 12.

Họ quyết định vớt vát bằng được trụ cột công ty; Prince và Zatlyn ứng dụng một chương trình cải thiện hiệu suất làm việc mới. Nhiều tuần liên tiếp, hai người họ cố gắng kết nối với Lee nhưng bất thành. “Suốt nhiều năm, điều khiến tôi bức bối vô cùng là dù mình chân thành hết mực với con người này, rồi họ lại trở thành kẻ tệ bạc”, anh Prince nói.

Chuyện gì tới cũng phải tới: năm 2016, Prince và Zatlyn đưa quyết định cuối cùng, rằng anh Lee phải rời công ty. Theo lời kể của Prince, thái độ anh Lee chỉ gọn lỏn rằng “ừ, nghe cũng đúng thôi” và thế là hết. Họ tổ chức tiệc chia tay vào tháng Bảy, Prince cảm ơn những cống hiến của Lee với hai hàng nước mắt, còn Lee đứng cạnh Prince với cốc bia trên tay, một nụ cười nhẹ thoáng môi anh.

Lee thường xuyên ngủ trong khoảng thời gian thất nghiệp. Khi đó, Kristin đang mang bầu bảy tháng, và họ quyết định để anh Lee nuôi con ở nhà cho tới khi anh xác định được công việc tương lai. Trong lúc này, họ sẽ sống bằng tiền tiết kiệm và bằng lương tháng của Kristin - cô vừa nhận việc trong một công ty công nghệ.

Nhưng tính cách anh Lee ngày một kỳ lạ. Anh liên tục ngồi xem Ở Nhà Một Mình tới vài lần một tuần. Trên đầu anh vẫn là cái mũ len năm xưa, Lee kéo nó xuống ngày một thấp. Khi Kristin nhập viện phụ sản, anh Lee ngủ li bì cả hai ngày chị Kristin đau đẻ, vừa ngủ ở nhà lại vừa ngủ cả ở viện. Khi tỉnh, anh cãi nhau với một trong các bác sĩ về việc có gây mê vợ mình hay không. Khi con trai anh ra đời, mẹ của Kristin kể về câu nói của bác sĩ làm bà nhớ mãi, rằng họ chưa từng thấy người cha chờ vợ sắp sinh nào có thái độ như vậy. Mặt đối mặt với Lee, Kristin chất vấn anh về những cư xử không phải phép dạo gần đó, để rồi lại nghe lời hứa “anh sẽ cố tốt hơn”.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 13.

Lee thất bại trong vai trò làm cha, ở những tháng đầu con anh mới sinh. Anh tiếp tục ngủ vô tội vạ những giấc ngắn. Thỉnh thoảng, khi vợ anh đã nấu xong bữa tối, anh từ chối ăn và đặt đồ bên ngoài. Kristin không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô dần cảm thấy cuộc sống vợ chồng bắt đầu đi ngoài tầm kiểm soát.

Bực mình vì anh Lee không mấy chú ý tới con trai, cô quyết định tự dựng lên giây phút gần gũi cha con, suy nghĩ rằng nếu không thể sử dụng lời nói để thuyết phục anh bên con, cô sẽ tự tạo nên ảo mộng ấy vậy, biết đâu ấy sẽ là thứ kích thích được anh Lee. Thấy chồng đang nằm dài trên ghế, cô đưa anh đứa bé và nhanh chóng cầm điện thoại quay lại cảnh gia đình đầm ấm. Anh Lee nựng con được vài câu, bế con được vài phút thì trả lại bé cho vợ.

Kristin cố đào sâu vào suy nghĩ anh Lee, mong muốn tìm ra nguồn căn mọi chuyện nhưng anh chỉ hứa rằng “sẽ tốt hơn”. Câu trả lời trăm lần như một khiến Kristin cảm thấy như mình đứng đàm đạo với một cỗ máy, cũng như cách anh đưa tay chạm lấy mọi thân cây mà Lee lướt qua trên đường đi tản bộ vậy.

Tôi nghĩ trong sâu thẳm tâm hồn ai, có gì đó bất ổn”, cô Kristin nói, nghĩ rằng anh bị sang chấn tâm lý sau phẫu thuật hay gặp rắc rối với căn bệnh trầm cảm. Kristin cố gắng thuyết phục anh Lee tới gặp chuyên gia tư vấn với mình, nhưng phải tới khi cô đe dọa ly dị, anh mới chịu đồng ý. 

Trong buổi tư vấn tình cảm gia đình, cô Kristin khóc hết nước mắt, kể rằng chồng mình không mảy may quan tâm tới đứa bé mới sinh. “Lee ngồi như phỗng”, cô nhớ lại, thắc mắc tại sao Lee không tỏ ra cảm thông khi thấy cô chìm trong nước mắt. Rồi đột nhiên anh đứng bật dậy, nói rằng anh quên trả chìa khóa phòng vệ sinh cho lễ tân, rời phòng vài phút rồi quay lại ngồi tiếp.

Khi hết kỳ nghỉ sinh, Kristin thuê người trông trẻ và quay lại làm việc, tuy nhiên tâm trạng cô không thoải mái hơn chút nào khi chồng mình chưa quay về trạng thái bình thường. Lee ngủ li bì, còn Kristin chạy khắp nơi mong tìm được một chuyên gia trị liệu có thể cứu vớt được cuộc hôn nhân và người chồng yêu dấu. Cô tung hứng giữa việc công ty, việc chăm sóc Lee và đảm bảo con vui vẻ bên người trông trẻ, việc công ty; “mọi việc cứ kéo dài như vậy suốt ba tháng”, Kristin kể.

Giữa tháng Ba năm 2017, Kristin và Lee tới gặp một bác sĩ thần kinh để nhận kết quả chụp cắt lớp MRI. Cô Kristin nghĩ rằng vị chuyên gia nghi ngờ những lo lắng mình nêu ra, với nhận định rằng anh Lee vẫn còn rất trẻ, khỏe mạnh và giao tiếp tốt.

Nhưng kết quả chụp MRI kể nên một câu chuyện khác: não của anh Lee bị teo trước tuổi. Khi cô Kristin hỏi chi tiết căn bệnh, bà chuyên gia nói rằng anh Lee mắc chứng bệnh thoái hóa thần kinh nào đó, cần phải làm thêm các thử nghiệm khác nữa để đưa ra chẩn đoán chính xác. Có bác sĩ khuyên họ nên tới Trung tâm Trí nhớ và Lão hóa tại UC San Francisco để có kết quả chính xác hơn.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 14.

Tối hôm đó, Kristin ngồi lục Google về tất cả những gì liên quan tới căn bệnh teo não. Cô nhận thấy ngay những triệu chứng bệnh nơi chồng mình, và đã nghĩ ngay tới trường hợp xấu: anh Lee sẽ không còn trên đời được bao lâu nữa. Cô nhớ lại cảnh anh ngồi ôm con và nghĩ rằng còn nước còn tát.

Chúng tôi có tiền, quen biết những bác sĩ hàng đầu. Tôi có thể đưa anh bay tới bất cứ nơi nào có chuyên môn tốt nhất. Nhưng khi ở trong tình cảnh vô vọng mà không thể làm gì, cảm giác ấy tệ lắm”, cô Kristin kể lại. Ngày hôm sau, cô xin thôi việc.

Vài tuần sau nhận định ban đầu của bác sĩ, Kristin và Lee, cha mẹ hai bên và cả cậu em Alaric ngồi trong phòng họp của UC San Francisco (UCSF) để nghe chẩn đoán với các chuyên gia hàng đầu. Trưởng ban thần kinh học hỏi Lee: “Anh có hay tại sao mình lại ngồi đây không?”. Anh đáp: “Vợ tôi đã sắp đặt buổi gặp mặt này”.

- Anh có biết rằng mình đang bệnh chứ? 

- Tôi rất hay bị đau nửa đầu. Và tôi cũng trải qua một buổi phẫu thuật tim nữa. 

Nhóm chuyên gia thần kinh học đưa chẩn đoán cuối cùng: anh Lee mắc chứng sa sút trí tuệ tiền đình thái dương, được gọi tắt là FTD. Nó tấn công vào một loạt các vùng não, và đôi lúc làm lung lay khả năng nhận thức bản thân của một người. Bệnh tiến triển, nó sẽ tạo ra một nhân cách hoàn toàn khác từ những gì vốn làm nên con người Lee; nó khiến một người giảm khả năng nói chuyện hay hành vi một người, tuy nhiên lại không ảnh hưởng gì tới trí nhớ. 

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 15.

Không như Alzheimer, FTD không phải căn bệnh thường thấy. Chứng sa sút trí tuệ hiếm gặp này mới chỉ xuất hiện trên khoảng 5.000 người, các chuyên gia nghiên cứu nó cho rằng y học vẫn chưa đánh giá đúng mức độ bệnh, và rằng con số còn cao hơn nữa. Theo những gì các bác sĩ biết, FTD thường gây chứng tâm thần phân liệt ở người dưới 60 tuổi. Tuy nhiên, Lee mới chỉ ngoài 30, còn quá trẻ để mắc FTD. Trong nhiều trường hợp, người bệnh mắc FTD thường tới từ những gia đình có tiền sử bệnh thoái hóa thần kinh, đôi khi đột biến cũng gây ra FTD, tuy nhiên cả hai yếu tố trên đều không ứng với trường hợp anh Lee.

Dù điều gì khiến Lee mắc bệnh, tiên lượng của anh vẫn xấu. FTD không có thuốc chữa, mà bác sĩ cho rằng triệu chứng sẽ còn nặng hơn, sẽ tới lúc anh mất khả năng nói và vận động, gặp khó khăn cả trong việc nuốt thức ăn. Rồi sẽ tới lúc một vết nhiễm trùng, một chấn thương nào đó sẽ lấy đi tính mạng Lee. Các chuyên gia chỉ có thể khuyên anh ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.

Gia đình anh lặng đi trước chẩn đoán của bác sĩ, tấm phim chụp não anh Lee là bằng chứng sắt đá cho thấy hiện trạng không khỏe của chàng coder trẻ. Phần não trước của anh tiêu biến trông thấy, nhỏ hơn hẳn so với hình ảnh bộ não khỏe mạnh được đặt cạnh bên nhằm mục đích so sánh. Những điểm đen hiện trên bộ não anh Lee như những đốm tối màu nằm ngoài da một con báo gấm mỏi mệt.

Lee nhận tin dữ trong trạng thái tĩnh tâm tuyệt đối. Khi gia đình ngồi khóc cạnh bên, anh buông lời khen nhẫn cưới của một vị bác sĩ ngồi đối diện. Đó là thời điểm khiến Alaric lần đầu tiên nhận ra sự khác biệt rõ rệt của người anh.

Chẳng mấy chứng rối loạn so sánh được với FTD - con quái thú có thể hủy hoại nhận thức của một con người. Nó xóa bỏ mọi thứ tạo nên một cá nhân, từ sở thích, thú vui cho tới thói quen hàng ngày, thậm chí cả mong muốn kết nối với những người thân quen nhất. Theo thời gian, FTD biến bệnh nhân thành một con người hoàn toàn khác, ký ức của họ vẫn còn đó, nhưng các hành vi tạo nên người xưa đã biến mất. Dần dần, căn bệnh quái ác gột bỏ ngôn ngữ, vận động và cách người bệnh nhìn nhận mọi thứ xung quanh.

Bởi FTD vẫn còn là ẩn số mà dấu hiệu bệnh lại giống với Alzheimer hay nhiều chứng rối loạn tâm thần khác, các bác sĩ khó có thể chẩn đoán thành công FTD. Như trong trường hợp của anh Lee, những giai đoạn đầu phát bệnh trông chẳng khác gì dấu hiệu khủng hoảng tuổi trung niên. Người bệnh mắc FTD có thể tốn nhiều năm gặp gỡ các chuyên gia tư vấn hôn nhân, đàm đạo với ban nhân sự của nhiều công ty họ làm việc, liên tục nghe lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý. Tới khi họ biết được tên chứng bệnh mình mắc phải, họ sẽ chẳng còn đủ minh mẫn để nhận ra tình hình hệ trọng. 

Triệu chứng bệnh khác nhau tùy vào việc khu vực não nào bị FTD tới trước. Có trường hợp người bệnh đột ngột sùng đạo đến lạ lùng, lại có những cá nhân thay đổi quan điểm chính trị 180 độ, có người hoàn toàn thay đổi cách ăn mặc. Các bác sĩ kể lại trường hợp một nhà môi giới chứng khoán đột nhiên mê đắm quần áo màu tím và thích thú với hội họa; khi căn bệnh tiến triển, anh này lại quay sang trộm cắp vặt rồi thường xuyên “tắm tiên” ở bể bơi công cộng. 

Điểm chung thường thấy của những người mắc FTD là mất khả năng cảm thấy xấu hổ, con người quá khứ của họ mà thấy bản thân mình hiện tại ắt sẽ hoảng hốt lắm. Họ chẳng ngại ngần phóng uế nơi công cộng, ăn cắp vặt, vượt đèn đỏ, tỏ thái độ sàm sỡ người khác một cách công khai, bới thùng rác tìm đồ ăn, … Đa số họ mất khả năng đánh giá mối quan hệ xã hội, và cũng khó gần hơn bình thường nhiều. Có trường hợp cô vợ đứt lìa ngón tay khi dùng kéo tỉa cây của hàng xóm, chạy vào nhà gọi chồng đưa mình vào viện thì nghe lời khuyên “trả kéo cho hàng xóm đã rồi tính”. 

Những hành vi này đều xuất hiện khi neuron thần kinh của người bệnh chết dần trong cả hai vùng thùy trái và thùy thái dương. Thứ dễ bị tổn thương trong hai khu vực này là bộ phận có tên "salience network", tạm dịch là "mạng nổi bật", chịu trách nhiệm rà soát mọi cảm nhận, ký ức và cảm xúc của con người để tập trung vào việc cần làm ở thời điểm nhất định. Khi mạng lưới này suy sụp, người bệnh sẽ không thể hiểu được ảnh hưởng của hành động mình thực hiện lên cảm xúc người khác.

Cảm xúc chi phối hầu hết các lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống, nếu không có những hệ thống đó, bạn sẽ không còn là chính mình. Nếu ý thức cá nhân không còn gì để bám víu, sẽ không còn giới hạn nào kiềm chế được họ cả”, Virginia Sturm, nhà thần kinh học tới từ UCSF cho hay. 

Dần dần, người bệnh mắc FTD sẽ trở nên lãnh đạm giống như cách anh Lee đối xử với gia đình. Và sự thờ ơ đó sẽ khiến họ quên cả chăm sóc bản thân.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 16.

Trong những tháng sau chẩn đoán, Kristin cố gắng ở bên anh Lee bất cứ lúc nào có thể. Anh ngày một khác xưa, và cô Kristin biết tình trạng bệnh sẽ không thể khá hơn được. Mùa hè năm 2017, họ cùng nhau tản bộ những chuyến dài quanh khu mình sống, rồi họ đi du lịch xa nhà lâu ngày. Nhưng cô Kristin không thể nào gạt được mối lo, cô theo dõi sát sao từng hành động của anh Lee mà đặt câu hỏi: Liệu kia có phải câu bông đùa cuối cùng của anh? Điệu cười cuối cùng của anh? Là cái ôm cuối cùng của anh? Cô chẳng biết chắc được. Khi anh Lee nhiều lần đột nhiên rời nhà mà chẳng nói chẳng rằng, cô Kristin đã phải bế con chạy theo chồng giữa đường phố San Francisco đông đúc.

Bệnh tình tiến triển xấu, Kristin không kiểm soát được hành vi anh Lee nữa. Khi em bé biết bò, Kristin lắp một cửa chắn ở đầu cầu thang nhằm ngăn bé ngã xuống dưới. Nhưng lần nào Lee đi qua cái cửa, anh cũng thò tay xuống mà mở khóa rồi để đó. Anh bật nhạc ầm ĩ trong nhà lúc 11 giờ tối dù cho con nhỏ ngủ ngay phòng bên. Đôi lúc, anh thức cả đêm mà đi loanh quanh trong phòng. Kristin vất vả khi một tay phải trông con, một tay phải giữ chồng, không để anh im ỉm rời nhà.

Cô Kristin và cha mẹ anh Lee lo lắng anh sẽ bị cướp của, lạc đường hay gặp tai nạn khi đi tản bộ. Dù đã ngoài 60, cha mẹ anh Lee tình nguyện chăm sóc người con của họ; mùa thu năm 2017, Kristin đồng ý để Lee về sống với cha mẹ, trong thời gian này họ sẽ tìm kiếm một kế hoạch lâu dài để chăm sóc Lee. “Quả thật quá khó để cho nó an toàn sinh sống tại San Francisco. Nó phải ra ngoài đi bộ mới chịu được”, ông Rendon Holloway, cha của anh Lee nói. Kristin và đứa bé ở lại San Francisco, và Lee tới thăm họ một tháng vài lần.

Cứ tới cuối tuần, Kristin sẽ đưa con về chơi với ông bà nội tại San Jose. Bà Kathy Holloway kể lại rằng trong năm đầu tiên khi Lee mới chuyển về sống với cha mẹ, cứ thấy bóng dáng hai mẹ con tới là anh Lee chạy ngay vào phòng ngủ để lấy vali, rồi nói với cả nhà rằng mình sẽ về San Francisco.

Lee thường xuyên tìm cách ra khỏi nhà. Cha mẹ anh phải đặt chuông báo hiệu ở cửa, thiết bị nhỏ sẽ kêu bất cứ khi nào cửa mở. Họ giấu giày anh nhưng chẳng được bao lâu, anh Lee lục lọi quanh nhà để tìm giày, một khi xỏ được chân vào nó, anh lập tức chạy thẳng về phía cửa.

Lúc Lee có thể ngồi im một chỗ, anh sẽ ngồi lướt xem ảnh gia đình trên điện thoại, ngồi chơi Mario Kart hay xem YouTube - tất cả số hành động trên đều diễn ra trong vòng 30 giây. Anh sẽ ngồi tìm từ khóa “Cloudflare”, “Kristin Holloway” hay video về band nhạc yêu thích. Rồi anh dậm chân đi quanh nhà, ầm ĩ tới mức bà Kathy phải trải thảm cao su để tiếng bước đi của Lee không quá ồn ào.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 17.

Thời gian trôi, anh Lee ngày một ít nói hơn. Trong một video được quay vào tháng Bảy năm 2018, Lee ngồi ôm con và đọc truyện cho con nghe. Anh lẩm bẩm không ra tiếng, cố gắng lật trang sách càng nhanh càng tốt. Ngồi quay phim, Kristin nhận thấy rằng đây có lẽ là lần cuối anh kể chuyện cho con mình, nhưng rồi vẫn kết thúc video với lời động viên cho cả hai bố con.

Rồi cũng đến lúc anh Lee không trò chuyện được nữa. Lee bắt đầu nói lòng vòng, với những câu thoại lặp lại nhiều lần. Anh nói với vợ: “Chúng ta gặp ở Cloudflare. Đính hôn ở Rome. Cưới nhau ở Maui, Hawaii”. Anh nhắc lại chuỗi câu kia hàng trăm lần một ngày. Rồi vòng lặp ấy dần ngắn lại, khó dịch nghĩa hơn. Anh nói ít đi, thay vào đó Lee lẩm bẩm những chuỗi ký tự và số tự nhiên.

Tháng Chín năm 2018, Prince và Zatlyn tới thăm anh. Lần đầu gặp Lee sau nhiều tháng không liên lạc, họ tưởng rằng mình đang nói chuyện với một xác sống biết đi, cứ loanh quanh hết phòng này tới phòng khác với đôi mắt vô hồn. Trong lúc họ ngồi trò chuyện với gia đình, Lee ngồi xem TV, bật từ kênh này tới kênh khác mà chẳng dừng lại trước bất cứ chương trình nào quá một phút. Rồi anh lại quanh quẩn trong nhà, trên môi thì thầm các số từ một tới bảy.

Khi tôi tới thăm bố mẹ anh Lee hồi tháng Tư năm 2019, Kristin và Alaric cũng có mặt tại đó. Bà Kathy lui vào bếp pha trà để chúng tôi ngồi trò chuyện. Từ phòng hậu, Lee xuất hiện với chiếc áo phông và quần ngủ, hai tay buông thõng. Khi Kristin giới thiệu tôi với anh Lee và rằng tôi đang viết câu chuyện đời anh, Lee nhìn vợ mà chẳng mảy may bộc lộ cảm xúc. Anh quay vào bếp, chìa tay về hướng bà Kathy tỏ ý mình muốn ăn nhẹ. Kristin và Alaric đưa anh đi tản bộ, còn tôi ngồi nhà trò chuyện với bố mẹ anh.

Bà Kathy kể lại việc chăm sóc cho cậu con trai ngày một xa cách gia đình. Bà nhớ những cử chỉ đầm ấm của Lee xưa kia. “Nó thường ôm tôi và nói ‘Con yêu mẹ’, nhưng giờ không còn nữa”.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 18.

Bà Kathy không phải người duy nhất cảm thấy bối rối trước tình cảnh của anh Lee. Việc chăm sóc anh khiến gia đình nhiều lần căng thẳng, khi mà họ tranh cãi về người chăm anh cũng như cách chăm Lee. Trong những buổi gặp bác sĩ tâm lý, Kristin vừa buồn, vừa tội lỗi khi muốn sống tách xa Lee. Cô nói rằng đã nhiều năm trời, cô cảm thấy cô đơn trong mối quan hệ vợ chồng, nhưng cô vẫn gắng hết sức tạo cho đứa con trai của hai người một tuổi thơ êm đềm. Cô Alexandra, vợ cũ của Lee, không rõ liệu gia đình của họ tan vỡ là do căn bệnh hay việc hai vợ chồng không hợp nhau. Liệu Lee là người có thể ngủ suốt cả chuyến du lịch Châu u hoa lệ và gạt bữa cơm gia đình đầm ấm sang bên để đặt pizza, hay đó là những triệu chứng căn bệnh quái ác?

Chẳng thể nào biết chắc được nữa. Anh là ai lúc đó? Rồi đã trở thành ai trong lúc này? Bản thân anh còn được bao nhiêu sau suốt khoảng thời gian bệnh tật kia? Những thắc mắc kia cũng mập mờ như những gì ta hiểu về phương thức hoạt động chính xác của não bộ.

Tháng Giêng năm 2019, Kristin đang đánh xe vào bãi đỗ của siêu thị thì điện thoại đổ chuông. Cô không tin vào mắt mình khi nhìn thấy màn hình điện thoại đang sáng lên: khuôn mặt anh Lee nằm đó, là hình ảnh của cái thời họ mới hẹn hò. Cô đã chẳng thấy lại nó suốt 2 năm nay, vì chồng cô đã không còn gọi cho cô suốt quãng thời gian ấy.

Nhấc máy trả lời, Kristin run rẩy nói ra những từ ngữ siết lòng: “Anh à, em yêu anh nhiều lắm, em nhớ anh”. Và cô bật khóc. “Anh có làm sao không? Anh cần gì chứ?”. Lee chẳng nói gì, nhưng Kristin có thể nghe thấy tiếng thở ở đầu dây bên kia.

Rồi Lee dập máy.

Đó là lúc cô Kristin nhận ra mình nhớ giọng chồng tới nhường nào. “Tôi đã đang trong quá trình chấp nhận rằng mình sẽ mất anh, rồi đột nhiên giây phút ấy xuất hiện, là nỗ lực tìm tới tôi của Lee dù đầu óc anh đang vương vấn nơi đâu. Nó thực sự khiến tôi ngạc nhiên tột cùng”.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 19.

Tháng Chín, Cloudflare huy động được số tiền lên tới 525 triệu USD khi buổi IPO kết thúc. Lee Holloway, với tư cách một trong ba nhà sáng lập, giàu lên trông thấy. Khi đã không còn phải lo lắng về mặt tài chính, Kristin thực hiện kế hoạch chăm sóc chồng lâu dài. Cô mua căn nhà hơn 450 mét vuông ở Bờ biển Trung tâm California; cô mong bố chồng mình, ông Rendon có thể dắt anh Lee dọc bờ biển để anh thỏa thú vui đi lại. Cô làm việc với một kiến trúc sư để sắp đặt khuôn viên ngoài trời sao cho đáp ứng được mọi điều anh Lee muốn; có đường zigzag để anh Lee thoải mái đi quanh, có rào chắn ngăn anh không ngã sang hai bên, cây cối đều không có độc, và chẳng cây nào kết được quả - bác sĩ đã từng dặn rằng sẽ đến lúc anh Lee gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn. 

Lee cùng cha mẹ chuyển về đây sống, anh được chuyên gia chăm sóc theo dõi tình hình sức khỏe 24/7. Kristin chuyển về căn nhà những món đồ mà họ mua từ thời mới cưới, để nơi đây quen thuộc hơn với nhận thức của Lee; trong nhà còn có cả một bức tường lớn treo đầy những tấm ảnh gia đình. Cô Kristin, cô Alexandra và con của Lee vẫn thường xuyên tới thăm anh.

Lee Holloway - Hành trình suy sụp đến chạnh lòng của thiên tài coder trẻ tuổi - Ảnh 20.

Kristin hi vọng mình thiết kế được môi trường hoàn hảo cho anh Lee thoải mái nhất. Đa số bệnh nhân FTD không may mắn vậy, chẳng có được khuôn viên sống riêng và một đội ngũ chăm sóc sức khỏe quanh năm suốt tháng. Nhưng rồi, bao nhiêu của cải cũng chẳng đem lại lời giải đáp về ẩn số lớn, ai là người đàn ông mang tên Lee sống trong căn nhà kia. 

Trong những dịp hiếm có, anh Lee làm cha mẹ ngạc nhiên với một cái vỗ về nhẹ. Thỉnh thoảng, anh vẫn nhấc máy lên gọi cho người này người kia, dù rằng anh chẳng nói được từ nào. Có đồng nghiệp cũ còn thấy anh mới bày tỏ trạng thái “Thích” ở một bài đăng trên LinkedIn. Dù tâm trí Lee có ở phương trời nào, trong bộ não chàng coder sáng chói một thời kia, vẫn còn bản ngã của Lee lẩn khuất đâu đó.

Vài tháng trước, Lee gửi cho Kristin một chuỗi dài những tin nhắn. Chúng là những tấm ảnh cô chia sẻ cho anh cách đó không lâu, mô tả cảnh gia đình họ tới công viên nhân dịp Halloween. Cuối tin nhắn, Lee gửi thêm hai từ “the love”, “tình yêu”.

Dựa theo câu chuyện do Sandra Upson, phóng viên kỳ cựu của Wired kể lại và đăng trên tạp chí Wired tháng Năm. Ảnh trong bài do Jack Bool chụp, chỉnh sửa bởi Amy Friend.

Dink 
Toran
Toran
Theo Trí Thức Trẻ