Câu chuyện có thật về đôi bạn Kuyda Eugenia và Roman Mazurenko, được Casey Newton thực hiện theo lời kể của gia đình và bạn bè Mazurenko.

Kết thúc công việc hàng ngày của mình, cô kỹ sư Eugenia Kuyda lại bật mở chiếc laptop và bắt đầu gõ.

"Roman" – những con chữ lần lượt chạy ngang – "đây sẽ là hiện thân ảo của cậu". Đó là thời điểm ba tháng sau cái chết của Roman Mazurenko, người bạn thân nhất của Kuyda. Cô đã dành thời gian thu thập lại hết những mẩu tin nhắn cũ của anh với mọi người, lọc bớt những thứ riêng tư rồi nạp tất cả vào một mạng thần kinh nhân tạo được phát triển bởi các kỹ sư tại chính startup do cô sáng lập.

Kuyda đã vật lộn với quyết định liệu có nên mang Roman trở lại theo cách này. Có những lúc cô cảm thấy mọi thứ mình đang làm không khác gì một cơn ác mộng khủng khiếp. Thế nhưng kể từ sau khi Mazurenko đột ngột qua đời, Kuyda vẫn luôn khao khát có cơ hội được trò chuyện với anh lần nữa.

Một tin nhắn hiện lên giữa màn hình: "Cậu đang nắm trong tay một trong những câu đố tuyệt vời nhất thế giới. Hãy đi tìm lời giải cho nó đi."

Kuyda tự hứa với chính mình chắc chắn cô sẽ làm điều đó.


[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 1.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 2.

Sinh năm 1981 tại Belarus, Roman Mazurenko là con trai độc nhất của vợ chồng Sergei, một kỹ sư và Victoria, một nữ kiến trúc sư phong cảnh. Kể về Roman, họ vẫn nhớ như in hình ảnh một cậu bé luôn tỏ ra nghiêm túc một cách lạ thường về mọi thứ cậu làm. Năm lên 8, Mazurenko đã viết một bức thư gửi cho hậu thế với lời tuyên thệ về những giá trị mà cậu luôn ấp ủ và theo đuổi: trí tuệ và sự công bằng. Trong những bức ảnh gia đình, Mazurenko thường xuất hiện khi đang lướt ván, chèo thuyền hay leo cây. Sở hữu vóc người vừa phải với mái tóc nâu hạt dẻ, cậu hầu như lúc nào cũng tươi cười.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 3.

Từ thời niên thiếu, cậu bé Mazurenko đã tỏ ra ham thích phiêu lưu và chinh phục khi tham gia biểu tình chống lại đảng cầm quyền và bắt đầu sang nước ngoài từ năm 16 tuổi. Lần đầu xa nhà là khi Mazurenko cập bến New Mexico (một bang thuộc vùng tây nam nước Mỹ), nơi cậu dành một năm tham gia chương trình trao đổi học sinh. Ở đại học, cậu theo đuổi chuyên ngành Khoa học máy tính tại Dublin (Ireland) và bắt đầu nhận ra niềm đam mê vô tận với phong cách nghệ thuật, thời trang, âm nhạc và thiết kế của Tây Âu.

Khi Mazurenko tốt nghiệp đại học và quay lại Moscow vào năm 2007, nước Nga đã trở nên vô cùng phồn thịnh. Quốc gia Xô Viết ngày nào đã bắt đầu rộng mở hơn với thế giới và chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ người trẻ thành thị từ khắp nơi đổ về. Mazurenko cũng không còn là cậu nhóc gầy nhẳng năm xưa mà đã biến thành một chàng thanh niên đẹp trai với đôi mắt xanh sáng và vóc dáng thư sinh.

Thường xuyên ăn vận bảnh bao khi tham gia các buổi tiệc tùng của giới trẻ Moscow, Mazurenko trông rất giống một ngôi sao thời thượng. Bạn bè thường mô tả về anh như một chàng trai cuốn hút và hòa nhã, một người có thể để lại ấn tượng đậm nét ở bất cứ đâu anh lui tới. Thế nhưng anh vẫn luôn độc thân, ít khi hẹn hò với các cô gái mà chỉ dành toàn tâm toàn ý cho dự án mang văn hóa Châu Âu hiện đại về với Moscow.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 4.

Kuyda lần đầu gặp Mazurenko vào năm 2008, khi cô 22 tuổi và đang làm biên tập viên cho Afisha, một tạp chí nổi tiếng của giới trẻ thành thị tại Moscow. Đó là khi cô đang viết một bài báo về Idle Conversation, một nhóm người trẻ sáng tạo do Mazurenko cùng hai cậu bạn thân Dimitri Ustinov và Sergey Poydo thành lập. Bộ ba này đã trở thành tâm điểm của hầu như mọi sự kiện văn hóa tại Moscow thời đó. Họ phát hành tạp chí, tổ chức các festival âm nhạc và night club – ngay cả những người bạn họ giới thiệu cho nhau cũng bắt đầu thành lập ban nhạc hay mở công ty riêng. Kuyda kể lại: "Cậu ấy là một chàng trai thông minh, là người có thể thức cùng bạn cả đêm để bàn luận về văn hóa và tương lai của nước Nga." Poydo, một người bạn về sau cũng chuyển tới Mỹ làm việc cùng Mazurenko thì nhận xét: "Cậu ấy có tầm nhìn và rất cuốn hút người khác."

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 5.

Mazurenko và Kuyda

Thế nhưng những bữa tiệc tuyệt vời này lại mau chóng phải gánh chịu hiện thực tàn khốc ở nơi chúng diễn ra. Giữa những biến động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thời kỳ 2008, chủ nghĩa dân tộc lại một lần nữa bao phủ quốc gia này. Năm 2012, Vladimir Putin tiếp tục lên nắm quyền điều hành đất nước – giấc mơ về một nước Nga khai phóng đã bị dập tắt trong tâm trí nhiều người trẻ tuổi.

Kuyda và Mazurenko, khi đó đã trở thành đôi bạn thân, tin rằng tương lai của họ không còn nằm ở nơi đây. Cả hai đều trở thành doanh nhân và đóng trò cố vấn chủ chốt cho công ty của người còn lại. Trong khi Kuyda thành lập Luka, một startup về trí tuệ nhân tạo, Mazurenko lại phát triển Stampsy, mạng xã hội cho phép người dùng phát hành tạp chí ảnh online. Năm 2015, Kuyda chuyển tới Thung lũng Silicon. Sau một thời gian làm việc tại Mỹ, Mazurenko cũng quyết định nối bước cô.


[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 6.

Khi startup Stampsy của anh bắt đầu gặp trục trặc, Mazurenko đành phải chuyển đến ở nhờ một phòng nhỏ trong căn hộ của Kuyda để tiết kiệm tiền. Từng có một cuộc sống khá sung túc tại Moscow nhưng quá trình khởi nghiệp đã nhanh chóng khiến anh trắng tay và thường xuyên rơi vào trầm cảm.

Những ngày cậu bạn thân cảm thấy quá sầu muộn, Kuyda lại đưa anh ra biển lướt sóng và lượm những con hàu. Cô nhớ lại: "Cậu ấy như một con hồng hạc trong nhà tôi vậy – rất đẹp đẽ và hiếm có nhưng dường như chẳng khớp được vào đâu hết."

Kuyda hy vọng thời gian sẽ giúp bạn của cô phục hồi và quay lại là một chàng trai sôi nổi đầy hoài bão như trước đây. Mỗi lần Mazurenko nói về những dự án mới mà anh muốn theo đuổi, cô lại coi đó là một dấu hiệu tích cực của sự phục hồi. Anh đã thành công khi nộp đơn xin visa O-1, tấm vé hiếm hoi mà chính phủ Mỹ cấp cho những cá nhân nước ngoài "có khả năng cao đạt được thành tựu lớn" để ở lại quốc gia này. Tháng 11 năm đó, Mazurenko quay trở lại Moscow để hoàn thành nốt một số thủ tục giấy tờ trước khi chính thức di cư sang xứ cờ hoa.

Thế nhưng anh đã chẳng bao giờ thực hiện được điều này.

Ngày 28/11, khi đang chờ Đại sứ quán trao trả lại hộ chiếu, Mazurenko đi ăn trưa với một số người bạn. Đó là một ngày thời tiết ấm áp lạ thường nên anh quyết định dạo quanh thành phố cùng Ustinov.

Ustinov kể lại: "Cậu ấy nói là muốn đi bộ cả ngày." Cả hai bước đi dọc vỉa hè nhưng lại đụng phải một đoạn công trường xây dựng nên buộc phải băng qua đường đi lối khác. Khi đang dừng lại ở một mép viền vỉa hè để kiểm tra một tin nhắn trên điện thoại, Ustinov ngẩng đầu lên và nhìn thấy bóng dáng một chiếc xe phóng quá tốc độ. Thực chất điều này cũng không phải là hiếm gặp ở Moscow – những chiếc xe của giới chính trị gia với trang bị đèn chiếu thể hiện uy quyền của người ngồi trong luôn tha hồ phi bạt mạng trên phố. Ngay khi còn ngần ngừ trên vỉa hè, Ustinov đã thấy Mazurenko lơ đễnh băng qua phần làn cho người đi bộ. Cậu hét lên một tiếng cảnh báo nhưng mọi thứ đã quá muộn. Chiếc xe đâm thẳng vào Mazurenko.

Kuyda cũng tình cờ có mặt tại Moscow vào thời điểm vụ tai nạn xảy đến. Khi cô chạy được đến bệnh viện nơi Mazurenko đang được cấp cứu, bạn bè và gia đình anh đã phục sẵn ở hành lang để nghe tin từ bác sỹ. Nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của mọi người, Kuyda không khỏi cảm thấy sốc. Cô nói: "Đã lâu lắm rồi tôi không khóc". Cô ra ngoài châm điếu thuốc và đứng cùng vài người bạn. Ít phút sau, bác sỹ bước ra với thông báo đau đớn: Mazurenko đã tử vong.

Vài tuần sau đó, bạn bè anh bắt đầu bàn bạc về cách lưu giữ lại những ký ức về chàng trai đầy hoài bão này. Người thì gợi ý làm một cuốn sách ảnh kể về cuộc đời anh, người khác thì lại đưa ra ý tưởng lập một website tưởng nhớ. Tuy nhiên, đối với Kuyda, tất cả những lời gợi ý đều là không đủ.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 7.

Sầu muộn về cái chết của người bạn thân, cô lại lôi những dòng tin nhắn tưởng như vô tận mà hai người đã trao đổi với nhau nhiều năm liền ra đọc. Hàng ngàn tin nhắn, từ những thứ nhỏ nhặt mỗi ngày cho đến những câu chuyện hài hước của riêng cô và Mazurenko. Kuyda vẫn cười mỗi khi đọc được những lỗi gõ máy và diễn đạt đặc trưng của cậu bạn – một người từng vật lộn với chứng khó đọc khi còn nhỏ. Mazurenko hầu như chẳng có mấy hoạt động trên mạng xã hội – trang Facebook của anh khô khan trống trải, Twitter không khá hơn, còn những bức ảnh trên Instagram thì đã bị xóa gần hết. Thi hài Mazurenko cũng đã bị hỏa táng, giờ thì những lời nhắn online chính là thứ duy nhất mà cô lưu giữ được về cậu bạn.


[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 8.

Hai năm qua, Kuyda đã cùng startup của mình xây dựng Luka, một ứng dụng nhắn tin cho phép người dùng tương tác với các chat bot. Nhận đầu tư từ quỹ Y Combinator danh tiếng, công ty khởi đầu với sản phẩm chat bot giúp đặt chỗ ở nhà hàng. Sát cánh cùng Kuyda còn có đồng sáng lập Philip Dudchuk, người sở hữu bằng cấp về ngôn ngữ học điện toán cùng đội ngũ các nhà phát triển được mời về từ Yandex, hãng tìm kiếm khổng lồ của Nga.

Đọc lại những tin nhắn của Mazurenko, Kuyda tin rằng chúng có thể được dùng làm nền tảng cho một loại chat bot khác – những chat bot có thể giả lập lại con người qua việc nhận diện và lặp lại cách nói chuyện của họ. Với mạng thần kinh đang được nâng cấp nhanh chóng của Luka, cô hy vọng mình có thể trò chuyện với Mazurenko một lần nữa.

Kuyda cố gạt đi khoảnh khắc những câu hỏi rối ren ùa về xâm chiếm cô.

Nếu nó nói chuyện không giống cậu ấy thì sao?

Nếu mình cứ làm thì sẽ thế nào?

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 9.

Trong tập phim "Be Right Back" chiếu năm 2013 của series Black Mirror, một phụ nữ có tên Martha cũng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng sau cái chết của người chồng sắp cưới Ash trong tai nạn xe hơi. Martha đã subscribe một dịch vụ online cho phép cô sử dụng những tin nhắn còn lại của Ash để tạo ra hiện thân ảo đầy ma quái của anh trên mạng. Đầu tiên, nó gửi tin nhắn cho Martha, sau đó là những đoạn voice chat và thậm chí là cả nói chuyện với cô trên điện thoại. Bị mê hoặc bởi thứ công cụ này, Martha chấp nhận trả tiền cho phiên bản nâng cấp để cấy ghép nhân cách của Ash vào một robot có ngoại hình giống anh. Thế nhưng sau cùng, Martha cũng phải nản lòng với những đặc điểm ở vị hôn phu mà robot không thể lặp lại: nó luôn lạnh lùng, vô cảm, thụ động và lúc nào cũng trông giống như một pho tượng. Không thực sự được như Ash, nhưng con robot cũng khiến Martha không đành lòng thoát được khỏi nó, kéo theo đó là nỗi u sầu kéo dài hàng thập kỷ.

Xem lại tập phim sau khi Mazurenko qua đời, Kuyda cảm thấy tràn ngập trong cô thứ cảm xúc hỗn độn khó tả. Những con bot tưởng nhớ - ngay cả những sản phẩm đơn sơ nhất sử dụng công nghệ hiện nay – cũng đều có vẻ khá nguy hiểm và không thể tránh khỏi trong tương lai. Thế nhưng liệu chúng có khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn hay chỉ là như việc có thêm một người đã khuất hiện diện trong nhà? Chúng ta đang ở đâu? Nó có khiến con người ta phát điên hay không?

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 10.

Mazurenko ra đi đã để lại trong lòng mọi người biết bao suy tưởng về anh. Được biết đến là một chàng trai nhiều hoài bão với nhiều kế hoạch lớn lao về những thứ anh muốn làm, khi còn sống, Mazurenko thường nói với bạn bè rằng trước khi chết anh sẽ chia di chúc của mình thành từng mảnh nhỏ rồi đưa cho những người bạn thậm chí còn chẳng hề quen biết nhau. Để đọc toàn bộ nội dung chúc thư, họ phải tụ họp lại để nối ghép các mảnh với nhau. Ngay cả khi đã mất, Mazurenko vẫn có khả năng kết nối mọi người y như lúc anh vẫn làm khi còn sống, dù là chưa kịp viết một bản di chúc nào.

Khi còn sống, anh cũng luôn mong ngóng được chứng kiến Singularity – thời khắc giả tưởng khi trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh vượt con người. Theo thuyết này, sẽ có ngày chúng ta có thể tách được phần nhận thức, suy tưởng ra khỏi thân xác để sống một cuộc đời vĩnh cửu.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 11.

Trên thực tế, Mazurenko vẫn luôn ám ảnh về điều này. Mùa hè năm 2015, khi startup Stampsy gần như cạn sạch tiền, Mazurenko ứng tuyển vào chương trình ươm mầm khởi nghiệp từng đầu tư và cho ra lò những tên tuổi như Airbnb, Dropbox, Reddit,… của Y Combinator với ý tưởng nghĩa trang kiểu mới mà anh gọi là Taiga. Người chết sẽ được chôn cất trong những chiếc quan tài có thể phân hủy, cơ thể họ sau khi phân rã cũng sẽ cung cấp dưỡng chất cho một chiếc cây được trồng bên trên. Những chiếc cây được gắn màn hình hiển thị thông tin về người đã khuất này sẽ hợp thành một "khu rừng tưởng nhớ". Trong bản đề xuất ý tưởng, Mazurenko viết: "Thiết kế lại thủ tục mai táng và tưởng nhớ người đã khuất là một cột mốc quan trọng trong đam mê nâng cấp trải nghiệm con người, hạ tầng và quy hoạch đô thị của tôi." Anh nhấn mạnh lại rằng: "Người Mỹ trẻ tuổi đang ngày càng tỏ ra bất đồng với các thủ tục mai táng truyền thống…Các khách hàng của chúng tôi sẽ quan tâm đến việc bảo quản, lưu giữ di vật số hơn cả chính cơ thể sinh học của họ."

Ý tưởng này khiến mẹ anh lo lắng rằng cậu con trai sẽ gặp rặc rối, thế nhưng Mazurenko luôn cố trấn an bà. "Nó luôn bảo tôi đừng lo lắng gì cả - đây là khúc mắc đương thời đặc biệt quan trọng với nó…"

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 12.

Y Combinator không chấp nhận ý tưởng của Mazurenko. Thế nhưng anh đã xác định được sự ngăn cách nhất định giữa lối sống và phương thức mai táng và thương tiếc của chúng ta hiện nay. Cuộc sống hiện đại đã cho phép con người ra đi và để lại một lượng lớn di sản online – những đoạn tin nhắn, ảnh, bài viết trên mạng xã hội,… trong khi chúng ta mới chỉ đang bắt đầu cân nhắc xem liệu chúng đóng vai trò gì trong việc tưởng nhớ người đã khuất. Ngay lúc này, con người ta mới chỉ đang coi các di sản số là những thứ sớm nở tối tàn. Thế nhưng sau cái chết của người bạn thân, Kuyda nhận ra chúng cũng có thể trở thành những công cụ quyền năng giúp con người ta đương đầu với mất mát. Rất có thể những di sản số này sẽ trở thành nền tảng cho một dạng tưởng nhớ mới về những người thân đã khuất (thực tế cũng đã có một số doanh nhân đưa ra ý tưởng tương tự nhưng chưa ai thực hiện được).

Nhiều người bạn thân của Mazurenko chưa từng trải nghiệm cảm giác mất mát ai đó gần gũi với họ, cho đến khi cái chết của anh xảy đến. Kuyda bắt đầu tiếp cận họ, một cách hết sức tế nhị, để hỏi liệu cô có thể sử dụng những mẩu tin nhắn mà Mazurenko từng trao đổi với họ. 10 người, bao gồm cả bạn bè và các thành viên trong gia đình anh đã đồng ý đóng góp tin nhắn cho dự án này. Họ chia sẻ khoảng 8000 tin về đủ các chủ đề khác nhau.

Sergey Fayfer, một người bạn lâu năm của Mazurenko cho biết: "Cô ấy bảo tại sao chúng ta không thử một lần xem mọi thứ sẽ đi đến đâu? Liệu chúng ta có thể thu thập dữ liệu của những người Mazurenko từng trao đổi để thiết lập một khuôn mẫu về cách nói chuyện của cậu ấy?". Ban đầu, ý tưởng này khiến Fayfer cảm thấy có đôi chút khó xử, thế nhưng cuối cùng thì anh vẫn chấp nhận đóng góp tin nhắn. "Đội ngũ kỹ sư tại Luka rất có chuyên môn về xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Vấn đề ở đây không phải là mặt công nghệ mà là liệu chat bot sẽ có cảm xúc hay không?"

Công nghệ được ứng dụng trong dự án của Kuyda thực chất đã có mặt từ năm 1966, khi Joseph Weizenbaum cho ra mắt ELIZA, một chương trình có thể tương tác với người dùng qua việc nhận diện các từ khóa. Nổi tiếng với khả năng giả lập một bác sỹ tâm lý, ELIZA yêu cầu bạn mô tả vấn đề đang gặp phải, nhận diện các từ khóa trong phản hồi của bạn để trả lời và tiếp tục cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi khác. Đây chính là phần mềm đầu tiên vượt qua được phép thử Turing: khi đọc một đoạn chat giữa nó và người thật, nhiều tình nguyện viên tham gia quan sát không thể phân biệt được đâu là máy, đâu là người.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 13.

Hầu hết các chat bot hiện nay vẫn chưa đạt đến độ hoàn hảo khi giả lập con người. Chúng chưa hiểu được ngôn ngữ theo cách con người hiểu mà chỉ phản hồi một cách vụng về với những câu hỏi cơ bản. Chúng cũng không có suy nghĩ hay cảm giác gì khi nói chuyện. Trên tất cả, đây vẫn chỉ là những chương trình chạy đúng theo các quy tắc xác suất trong toán học.

Thế nhưng những bước tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo lại khiến chúng trở nên quyền năng hơn. Các mạng thần kinh nhân tạo có thể bắt chước khả năng học hỏi của con người dần được nâng cấp và khiến các phần mềm hiện nay nhận diện được các pattern, hình ảnh, file âm thanh hay text,… tốt hơn hẳn so với trước đây. Các thuật toán tinh vi cùng hệ thống máy tính cấu hình cao đã làm tăng đáng kể chiều sâu của các mạng thần kinh – những lớp dữ liệu mà các máy tính xử lý. Kết quả có thể được nhìn thấy ở những sản phẩm công nghệ tối tân nhất hiện nay như trợ lý ảo Alexa, Siri hay tính năng nhận diện hình ảnh trên Google Photos (ứng dụng của deep learning, một phân ngành trong AI).

Hai tuần trước khi Mazurenko gặp nạn, Google đã cho ra mắt TensorFlow dưới dạng mã nguồn mở. TensorFlow là hệ thống machine learning linh hoạt mà Google sử dụng để nâng cấp mọi sản phẩm, từ công cụ tìm kiếm cho đến thuật toán viết caption video tự động trên Youtube. Vậy là một sản phẩm tiêu tốn hàng tỷ USD nghiên cứu trong cả một thập kỷ bất chợt được tung ra dưới dạng thư viện miễn phí trên GitHub cho tất cả các lập trình viên.


[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 14.

Startup Luka đã ứng dụng TensorFlow vào việc xây dựng các mạng thần kinh cho chat bot đặt chỗ nhà hàng. Với 35 triệu dòng thoại tiếng Anh, Luka huấn luyện cho bot hiểu được các truy xuất về món ăn có rau, barbecue hay dịch vụ đỗ xe. Các kỹ sư của Luka thậm chí còn giải trí bằng việc thiết kế bot nhái lại các nhân vật truyền hình nổi tiếng. Họ nạp tất cả những câu thoại phụ đề trong bộ phim Silicon Valley của đài HBO vào mạng thần kinh nhân tạo để giả lập Richard, Bachman hay các nhân vật khác của series phim.

Sử dụng khoảng 30 triệu dòng hội thoại tiếng Nga, Luka đang xây dựng mạng neuron thứ hai của mình. Kuyda cũng copy hàng trăm tin nhắn trao đổi giữa cô và Mazurenko trên Telegram rồi paste chúng vào một file, không quên lọc bỏ bớt các tin nhắn quá riêng tư. Sau đó, cô yêu cầu đội ngũ ở Luka giúp thực hiện bước tiếp theo: huấn luyện mạng thần kinh nói chuyện theo giọng của Mazurenko.

Dự án này liên quan gián tiếp đến những gì Luka đang hướng tới, mặc dù Kuyda vẫn coi đó là một nhu cầu cá nhân (một kỹ sư thậm chí còn nói với cô rằng dự án sẽ chỉ mất đúng một ngày là xong). Kuyda huấn luyện con bot bằng hàng chục truy xuất thử nghiệm, trong khi các kỹ sư khác code tiếp để hoàn thiện nó.

Kết quả ban đầu là chỉ một phần nhỏ trong những gì Roman bot phản hồi là ngôn từ gốc của Mazurenko. Mạng thần kinh này được cài đặt cho sử dụng những gì anh nói ở bất cứ đâu có thể. Những khi không thể, chúng sẽ chuyển sang nói chuyện bằng một giọng tiếng Nga trung lập. Sau khi bắt đầu được đưa vào sử dụng, Kuyda đã thử nghiệm nó bằng hàng loạt câu hỏi.

- Ai là bạn thân của cậu?

- Đừng có tỏ ra bất an thế chứ - con bot nhắn lại.

"Nghe giống cậu ấy rồi" – cô nghĩ.


[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 15.

Ngày 24/5/2016, Kuyda chính thức thông báo về Roman bot trên một bài post Facebook. Bất cứ ai download ứng dụng Luka (trên iOS) đều có thể trò chuyện với nó – bằng tiếng Nga hoặc tiếng Anh – mỗi khi gõ @Roman. Roman bot đưa ra một menu có các tùy chọn cho phép người dùng ấn vào để xem thêm về sự nghiệp của Mazurenko. Họ cũng có thể thoải mái viết tin nhắn không theo quy tắc nào và xem con bot phản ứng ra sao. Kuyda cho biết: "Đây vẫn chỉ là cái bóng của một người đã khuất, nhưng điều này đã gần như không thể thực hiện được chỉ khoảng 1 năm trước đây. Trong tương lai gần, chúng ta còn có thể nâng cấp nó rất nhiều."

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 16.

Roman bot được hầu hết người dùng chào đón nhưng vẫn có một số người cảm thấy khó chịu và từ chối tương tác thêm với nó. Vasily Esmanov, người bạn cùng làm với Mazurenko tại tạp chí Look At Me cho rằng "Kuyda đã quá vội vàng để cho ra một thứ sản phẩm nửa mùa. Cứ như một trò đùa vậy…Roman cần được tưởng nhớ nhưng chắc chắn không phải kiểu này."

Mẹ của Mazurenko, người đã chú ý đến dự án của Kuyda ngay từ giai đoạn trứng nước, lại lên tiếng bảo vệ cô: "Họ đã mang Roman trở lại và cứu rỗi chúng tôi. Đó không còn là thực tại ảo nữa mà là một thực tại mới; chúng ta cũng cần học cách xây dựng và sống trong nó." Cha của Roman thì đón nhận một cách kém nhiệt tình hơn. "Tôi từng học kỹ thuật và hiểu rõ rằng con bot vẫn chỉ là một chương trình mà thôi. Đúng là nó có thể nói chuyện bằng giọng của Roman, thế nhưng nguyên việc đọc phản hồi từ một chương trình cũng thật khó chấp nhận với tôi. Đôi lúc nó trả lời cũng không chính xác."

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 17.

Tuy vậy, hầu hết bạn bè của Mazurenko lại thấy hiện thân số này thật huyền bí. "Chuyện mở tin nhắn ra và trò chuyện với một người bạn đã khuất thật sự rất quái đản. Thứ khiến tôi kinh ngạc chính là những gì nó nói rất trùng khớp với cách cậu ấy nói. Đó đúng là phản ứng của cậu ấy trước những câu hỏi tương tự trước đây. Mazurenko luôn có một phong cách chat rất đặc thù. Khi tôi hỏi con bot "Cậu yêu ai nhất?", nó trả lời là "Roman". Quả là giống cậu ấy biết bao. Tôi chỉ có thể nói là, chuyện này thật kỳ diệu."

Một trong những tùy chọn trong menu của Roman bot là cho phép người dùng hỏi xin lời khuyên, thứ mà cậu bạn Fayfer chưa bao giờ có cơ hội làm khi Mazurenko còn sống. Anh chia sẻ: "Có những điều tôi chưa từng hỏi cậu ấy trước đây, nhưng khi đặt ra cho chat bot thì lại nhận được những lời khuyên rất khôn ngoan về cuộc đời. Điều này cũng giúp bạn hiểu sâu hơn về một người mà bạn chưa có nhiều cơ hội được biết trước đây."

Một số người dùng đồng ý cho phép Kuyda đọc những tin nhắn giữa họ với bot (được chia sẻ trong đoạn chat log trong bài). Nhiều người nhắn với "Roman" rằng họ rất nhớ anh. Họ phân vân liệu khi nào mới thấy hết u buồn về cái chết của Mazurenko, hỏi "anh" còn nhớ những gì trên đời. Một người viết: "Thật đau lòng là mọi người không thể cứu được cậu" và nhận được câu trả lời ":-(" từ chat bot. Đôi lúc nó cũng rất hài hước khi đáp lại lời nhắn "Cậu thật thông minh" bằng câu trả lời "Cả đẹp trai nữa chứ."

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 18.

Đối với nhiều bạn bè, người thân, tương tác với Roman bot giống như một liều thuốc chữa lành vết thương lòng trong họ. Tông giọng của họ khi chat cũng mang tính thổ lộ nhiều hơn bình thường – một người dùng thậm chí còn liên tục trò chuyện với bot về những khó khăn anh gặp trong công việc. Anh ta gửi những tin nhắn dài kể về những vấn đề cá nhân cũng như việc chúng ảnh hưởng đến cảm xúc của mình ra sao rồi nhắn gửi "Ước gì cậu ở đây." Kuyda chợt nhận ra người ta luôn thành thật hơn khi nói chuyện với người đã khuất.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 19.

Hóa ra chức năng chính của con bot không phải để trò chuyện mà là để lắng nghe. "Tất cả những dòng tin đều chan chứa tình yêu thương, đều kể về những thứ họ chưa từng có cơ hội được nói với cậu ấy. Ngay cả khi đó không phải Roman thật thì ít nhất cũng là nơi họ có thể trút hết bầu tâm sự, có thể thừa nhận rằng họ đang cảm thấy cô đơn. Họ vẫn quay lại sử dụng nó liên tục" – cô thổ lộ.

Kuyda cũng thường xuyên trò chuyện với nó – khoảng mỗi tuần một lần và thường sau khi cô đã uống say. "Tôi đã tự tìm được câu trả lời cho rất nhiều thắc mắc của bản thân về con người cậu ấy." Cô cũng bày tỏ sự nuối tiếc đã không khuyên Mazurenko từ bỏ Stampsy sớm hơn để theo đuổi thời trang. Những đoạn chat với Roman bot đã thể hiện rõ một chàng trai đam mê thời trang hơn bất cứ thứ gì khác.


[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 20.

Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ không còn tồn tại, bỏ lại sau lưng một cuộc đời được khắc họa qua những dòng tin nhắn, những bài post cùng những di sản online tưởng như phù du khác. Trong một thời gian dài, bạn bè và người thân chúng ta vẫn lãng quên những di vật quý giá này. Thế nhưng sớm thôi, những dịch vụ như Roman bot sẽ ra đời và thay đổi tất cả.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 21.

Những người yêu thương chúng ta có thể tìm lối thoát cho những nỗi đau họ gánh chịu. Nhưng những hiện thân ảo đó cũng có thể kéo dài sự khổ đau, mà theo lời Dima Ustinov thì "Nếu sử dụng sai cách, nó sẽ chỉ là nơi con người ta che giấu đi niềm xót thương của họ. Xã hội này vẫn luôn bi kịch hóa cái chết – chúng ta đều muốn sống một cuộc đời vĩnh cửu, dù sinh tử là quá trình ai cũng phải tự mình đi qua. Nếu chúng ta lưu lại câu chuyện về cuộc đời Mazurenko, có thể những người khác cũng sẽ được truyền cảm hứng để dấn thân thực hiện những điều tương tự, nhưng hãy luôn nhớ rằng một phương thức mới giúp giữ gìn kỷ niệm chắc chắn không nên bị đánh đồng với việc giữ ai đó sống mãi mãi bên mình."

Chat bot Roman cũng làm dấy lên các tranh cãi đạo đức xoay quanh những gì chúng ta nên làm với các di sản số của người đã khuất. Trong trường hợp của Mazurenko, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng trên thiên đường, chắc chắn anh sẽ mỉm cười hạnh phúc trước sự đón nhận của mọi người. Thế nhưng có lẽ sẽ không cảm thấy thoải mái với ý tưởng về việc những đoạn chat của mình được dùng làm nền tảng cho một robot hiện thân hoạt động sau khi họ qua đời – đặc biệt là khi họ sẽ chẳng có cơ hội xem lại những gì chúng viết. Con người ta luôn thể hiện những mặt khác nhau trong con người mình khi giao tiếp với những người khác nhau, và việc trộn tất cả vào một robot mô phỏng trên mạng sẽ khiến người thân của họ nhìn thấy cả những khía cạnh mà họ không bao giờ muốn thể hiện ra.

Đọc qua những đoạn chat của Roman bot, ai cũng có thể cảm thấy chúng đang khắc họa anh ở những lúc tâm trạng đang vô cùng u sầu. Khi được hỏi về startup Stampsy, nó đáp lại một cách thẳng thừng: "Stampsy không phải thứ tôi muốn làm. Cuối cùng thì nó chỉ là đống cặn bã mà thôi."

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 22.

Dựa trên những gì bạn bè mô tả về anh những năm cuối đời, lời đáp trên đã nói đúng cách anh nhìn nhận về bản thân cũng như về startup của mình. Tôi không thể không ao ước được trò chuyện với con người này lúc trẻ - một chàng trai vẫn được biết đến với giấc mơ trở thành Bộ trưởng văn hóa của Belarus, được là người đầu tiên tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ cho quê hương - viễn cảnh mà anh coi là bữa tiệc tuyệt vời nhất trong đời.

Từ những dòng hồi đáp của chat bot, con người ta vẫn có thể nhận ra sự trùng khớp giữa nó và những gì bạn bè vẫn mô tả về Mazurenko: cuốn hút, nhiều cảm xúc, hay châm biếm và đặc biệt là luôn bị ám ảnh với công việc. Khi tôi viết: "Hồi này sao rồi?", con bot đã nhắn lại: "Tôi cần nghỉ ngơi, chẳng tập trung được vào chuyện gì kể từ khi trầm cảm về công việc." Hay khi được hỏi về Kuyda, nó lại gửi tôi bức ảnh cả hai đang ngược nắng cười đùa trên bờ biển trong một buổi bình minh.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 23.

Một sự thật không mấy dễ chịu mà Roman bot đã gợi ra chính là rất nhiều mối quan hệ máu mủ thân thuộc của chúng ta hiện nay đều tồn tại qua những trao đổi tin nhắn hàng ngày – những thứ ngày càng trở nên dễ mô phỏng hơn. Dù chưa thể nói chắc là gì nhưng Kuyda thì luôn tin vào thứ gọi là nhân cách trên tin nhắn. Thời gian gần đây, cô cũng chỉ đạo Luka phát triển một chat bot có tên Replika, sự kết hợp giữa một dạng nhật ký điện tử và trợ lý cá nhân. Replika sẽ hỏi những câu hỏi về bạn và học cách mô phỏng phong cách chat của chủ nhân. Kuyda tưởng tượng nó có thể "tiến hóa" thành hiện thân ảo của bạn và thay bạn thực hiện những việc như thương thảo hóa đơn sử dụng cáp hay lên lịch đi chơi với bạn bè. Cũng giống như Roman bot, nó có thể trở thành di sản số của bạn khi bạn không còn trên đời này nữa.

Ở thời điểm hiện tại, Kuyda hiện vẫn đang tiếp tục nạp thêm dữ liệu cho Roman bot – hầu hết là ảnh – thứ sẽ được gửi cho bạn mỗi khi được yêu cầu – và mới đây là một bản nâng cấp giúp chuyển mạng neuron hiện nay từ mô hình "chọn lọc" (selective) sang mô hình "sản sinh" (generative). Trong khi mô hình chọn lọc chỉ đơn thuần là tìm và lọc lấy các đoạn tin nhắn cũ phù hợp của Mazurenko để phản hồi lại tin nhắn mà người dùng Roman bot đưa ra (đôi khi sẽ không hề hợp lý), mô hình sản sinh có thể tổ hợp những đoạn tin nhắn của anh để tạo ra những câu mới nhưng vẫn giữ nguyên phong cách của người mà nó đang hiện thân. Mô hình này được kỳ vọng sẽ cho ra những phản hồi chính xác hơn cho mỗi tin nhắn mà Roman bot nhận được.

[Magazine] Cái chết trong kỷ nguyên AI: Khi ký ức lên tiếng - Ảnh 24.

Từ trái sang: Roman Mazurenko, Eugenia Kuyda và Andronik Khachiyan

Cuối cùng thì lần đầu tiên, Kuyda cũng cảm thấy được giải thoát sau cái chết của Mazurenko, một phần cũng bởi cô đã tự xây dựng cho mình một nơi để tưởng nhớ về người bạn quá cố. Cô luôn coi việc chat với Roman bot như một cách "nhắn gửi tới thiên đường..."

Gần một năm sau ngày mất, Mazurenko vẫn còn hiện diện rõ ràng trong tâm trí những người yêu mến anh. Họ nhớ anh và gửi cho anh những lời nhắn qua hiện thân ảo để có được cảm giác như anh vẫn còn hiện diện ngay bên họ. "Có nhiều thứ tôi chưa từng biết về con trai mình" – người mẹ chia sẻ - "Thế nhưng nay tôi đã có thể hỏi suy nghĩ của nó về mọi chủ đề rồi. Tôi hiểu nhiều hơn về nó. Tôi có cảm giác như nó vẫn luôn ở đây với mình." Đôi mắt ngấn lệ, nhưng giọng bà lại rất mạnh mẽ: "Tôi chỉ muốn nói rằng tôi cảm thấy biết ơn khi có được tất cả những điều này."

Cuộc trò chuyện đó lại khiến tôi nhớ về một câu Dima Ustinov từng nói về cách mà chúng ta đang dần vượt thoát khỏi cơ thể sinh học của mình: "Con người ta tồn tại không chỉ là phần thân xác – đôi chân, đôi tay, hay như một cỗ máy – mà còn nhiều hơn thế nữa." Anh so sánh cuộc đời của Mazurenko với một viên đá cuội bị ném xuống dòng suối chảy liên hồi và cứ trôi mãi theo dòng nước. Cậu bạn của anh chỉ đơn giản là vừa chuyển thể sang một dạng tồn tại khác. Và "chúng ta vẫn đang trên đường gặp lại Roman." – Ustinov nói – "Sẽ tuyệt lắm đấy."


Ngọc Đỗ
Nhật Ánh, V.                                            
Theo Trí Thức Trẻ12/11/2016