Những đứa trẻ tuổi teen lớn lên trong thiên niên kỷ mới có lẽ sẽ không thể nào hình dung được khung cảnh công nghệ đầy khác biệt của 10 năm trước. Netbook vẫn còn sống và thậm chí vẫn còn đang bán chạy như tôm tươi. Những chiếc tablet đã bắt đầu phổ biến trên thị trường, nhưng chúng chạy Windows và mang dáng vẻ cục mịch không thua kém những chiếc laptop cùng thời. Cộng đồng PC vẫn đang vui vẻ chờ đợi Windows Vista mà không biết rằng một thảm họa đang chờ đợi họ trước mắt. Myspace vẫn đang là mạng xã hội thống trị còn Facebook mới chỉ vừa mở cửa tới công chúng.
Chiếc iPhone mới chỉ là một tin đồn được Steve Jobs và Apple liên tiếp phủ nhận. Trong trí tưởng tượng của các iFan, "iPhone" lúc này là một chiếc iPod có thêm cụm phím số vật lý. Thị trường điện thoại thông minh của năm 2006 vẫn còn rất nhỏ bé và bị thống trị bởi bộ 3 Symbian, Windows Mobile cùng BlackBerry. Ý tưởng điện thoại hội tụ tính năng với PC đã bắt đầu thành hình, nhưng với số đông, "điện thoại thông minh" vẫn là một ý tưởng xa lạ, đắt đỏ và khó sử dụng.
Những chiếc smartphone của giai đoạn giữa thập niên 2000 không chỉ hạn chế về mặt công nghệ mà còn chịu sự kìm kẹp nặng nề của các nhà mạng. Lấy lý do hạ tầng mạng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu dữ liệu của người dùng, ngành công nghiệp viễn thông gây sức ép buộc BlackBerry, Nokia và Motorola phải hạn chế các tính năng của smartphone, bao gồm cả những nhu cầu căn bản như ứng dụng chat và trình duyệt. Với cộng đồng phát triển app, kỷ nguyên di động tiền-iPhone chẳng khác gì một bãi mìn nổ chậm: ứng dụng bị coi là thứ yếu còn tất cả các hệ điều hành đều không có một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai.
Đây chính là bối cảnh cho sự ra đời của Android, hệ điều hành sau này sẽ vươn lên vị trí số 1 thế giới.
Cũng giống như nhà sáng lập Nest Tony Fadell, "cha đẻ" của Android là Andy Rubin cũng lớn lên từ cái nôi Apple. Sau khi rời Apple đến làm việc cho MSN TV (sau này sẽ được Microsoft mua lại), Rubin cùng 2 người bạn sáng lập ra một công ty có tên gọi Danger Inc và bắt đầu đạt được thành công bất ngờ với chiếc điện thoại có tên Hiptop.
Hiptop có hai điểm đặc biệt. Đầu tiên, đây là một chiếc smartphone thực thụ với các tính năng phần mềm khá đầy đủ như trình duyệt web, trình duyệt mail cùng ứng dụng chat. Thứ hai, Hiptop mang đến một mô hình chia sẻ doanh thu khá đặc biệt: chiếc điện thoại này được T-Mobile với giá rất sát với giá mua từ Danger, bù lại Danger và T-Mobile sẽ chia sẻ doanh thu các dịch vụ dữ liệu đi kèm trên điện thoại. Nói cách khác, nguồn sống của Hiptop không phải là phần cứng mà là phần mềm.
Dù không đạt được thành công tầm cỡ như BlackBerry hay Microsoft nhưng Rubin cũng đã nhanh chóng thu hút được một cộng đồng người dùng khá ấn tượng. 2 trong số này là Larry Page và Sergey Brin, 2 nhà sáng lập huyền thoại của Google. Năm 2006, chẳng có gì tuyệt vời hơn một chiếc điện thoại có thể cho phép bạn truy cập vào Google.com mọi lúc, mọi nơi.
Thế rồi, cũng như câu chuyện Steve Jobs bị "đá" khỏi Apple, Rubin bị ban quản trị của Danger loại bỏ khỏi công ty do chính mình sáng lập ra. Cùng với 3 đồng nghiệp cũ, Rubin thành lập một công ty mới có tên gọi trùng với tên miền www.android.com mà ông đã mua lại từ nhiều năm trước đó. Tháng 10/2003, Android Inc. chính thức được thành lập.
Rất nhiều ý tưởng còn dang dở tại Danger sẽ được Rubin theo đuổi tại Android, song ít ai biết rằng vào thời kỳ đầu trọng tâm của công ty này lại là các phần mềm nhúng cho máy ảnh số. Khi nhận ra rằng thị trường này sẽ không mang nhiều tiềm năng, Rubin chuyển hướng cho Android sang điện thoại di động. Trong bối cảnh thị trường viễn thông vẫn đang chịu sự kìm kẹp nặng nề của các nhà mạng và ứng dụng vẫn bị coi là "công dân hạng hai", vị cha đẻ của Android xác định tầm nhìn chính cho hệ điều hành mới: một nền tảng mở không thuộc về riêng bất cứ ai, không gây khó cho bất cứ một nhà phát triển nào cả.
2 năm sau đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn với vị cha đẻ của Android khi ông phải phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của công ty mới. Chỉ trong vòng vài tháng, Rubin đã "cháy túi" và Android Inc. đứng bên bờ vực cái chết. May mắn thay, một người bạn thân của Rubin và cũng là một huyền thoại của ngành công nghiệp viễn thông có tên Steve Perlman đã đưa Android Inc. thoát khỏi hiểm nguy bằng khoản tiền hỗ trợ lên tới 10.000 USD. Đáng ngạc nhiên hơn, Perlman từ chối nhận dù chỉ là một phần cổ phiếu nhỏ trong công ty mới.
Nếu như Rubin giữ lại dù chỉ là một phần nhỏ tư tưởng Apple khi dìu dắt Android đi qua những ngày đầu tiên thì đó có lẽ là tinh thần "giấu, giấu hết, giấu tuyệt đối". Trong suốt 2 năm đầu, không ai thực sự biết Rubin và các cộng sự đang phát triển sản phẩm gì. Cho đến tận năm 2005, khi mang chào bán Android Inc. cho các nhà đầu tư tiềm năng, Rubin cũng chỉ tiết lộ với bênngoài rằng sản phẩm đầu tiên của công ty là một hệ điều hành điện thoại.
Đúng vào lúc này, các nhà sáng lập của Google cũng bắt đầu manh mún những tham vọng di động đầu tiên ngay dưới lưỡi dao của Microsoft.
Người hâm mộ công nghệ của những năm gần đây có lẽ sẽ phì cười khi nghe ai đó nói "Microsoft là một thế lực đáng sợ", nhưng vào giữa thập niên 2000, nếu Microsoft tuyên bố sẽ sản xuất ô tô thì chắc chắn Toyota và GM cũng phải thấy sợ hãi. Không may cho Google, mối quan hệ giữa Microsoft và Google lúc này cũng đang đi vào giai đoạn cực kỳ tồi tệ khi cả chủ tịch Bill Gates lẫn CEO Steve Ballmer đều coi việc đánh bại Google là mục tiêu cá nhân.
"Sẽ thật là khó để hình dung ra nỗi sợ hãi ấy vào thời điểm này, nhưng lúc đó chúng tôi rất lo lắng rằng chiến lược di động của Microsoft sẽ thành công", cựu CEO và chủ tịch Google (nay là Alphabet) Eric Schmidt khẳng định trong phiên toàn xét xử vụ án Oracle v. Google năm 2012.
Đúng là ngày nay người ta sẽ nhìn nhận Android là cơ hội tuyệt vời để Google vươn lên vị trí số 1 thế giới về phần mềm. 10 năm trước, đây chính là thử thách có ý nghĩa sống còn với công ty. Google có thể áp đảo thị trường phần tìm kiếm, nhưng một khi Microsoft đã nắm giữ hệ điều hành phổ biến nhất trên cả PC và di động, điều gì sẽ ngăn cản công ty của Bill Gates sử dụng lại các chiêu trò độc quyền để bóp chết Google theo cùng một cách đã bóp chết Netscape?
May mắn là Google, cũng giống như bất kỳ một gã khổng lồ công nghệ nào khác, sẽ không bao giờ chấp nhận ngồi yên chịu chết. Lời giải mà Page, Brin và Schmidt tìm ra là Android. Tháng 7/2005, Google bỏ ra khoản tiền hơn 50 triệu USD để mua lại Android Inc. và chiêu mộ toàn bộ các nhân viên cao cấp của công ty này. Trong một góc của tầng 1 tòa nhà Building 44, Android bắt đầu trưởng thành với vai trò là một hệ điều hành nhân Linux có khả năng nâng cấp, cập nhật tính năng một cách dễ dàng.
Quyết định lớn tiếp theo của Google là lựa chọn đối tác phần cứng cho Android: HTC. Đây là một quyết định cực kỳ không an toàn với cả hai bên. Với vai trò gia công điện thoại cho các nhà mạng, HTC không sở hữu sức mạnh thương hiệu như Motorola hay Samsung và hoàn toàn có thể đẩy tham vọng phần mềm của Google vào thế khó. Còn với HTC, vốn chuyên sản xuất điện thoại chạy Windows Mobile, "chọc giận" Microsoft chắc chắn sẽ không phải là một quyết định an toàn.
May mắn là nhà sáng lập và CEO cũ của HTC là Peter Chou đã đi đến quyết định sau này sẽ đổi đời cho HTC. Giám đốc HTC Mỹ, Jason Mackenzie khẳng định: "Ngay từ khi Rubin còn ở Danger, anh ấy đã có quan hệ tốt với ông Chou. Họ gặp gỡ và nói chuyện với nhau, và HTC tỏ ra cực kỳ phấn khích về một nền tảng có cốt lõi là Internet, có khả năng cho người hâm mộ một cơ hội đặt Internet vào túi quần".
Năm 2006, Google cùng HTC bắt tay vào phát triển những thiết bị mẫu đầu tiên cho hệ điều hành mới. Theo lời kể của Giám Đốc Sản phẩm và Dịch vụ HTC Châu u, Graham Wheeler, HTC đã không mất nhiều thời gian để nhận ra tiềm năng to lớn của Android: "Android là một hệ điều hành rất khác biệt và theo đuổi một hướng đi khác với Windows Mobile lúc đó. Windows Mobile kén người dùng hơn rất nhiều. Ngay cả với một đối tác tuyệt vời như Microsoft ngày trước và bây giờ, chiến lược của Google vẫn tỏ ra khác biệt ở chỗ họ sẽ trao cho chúng tôi một nền tảng để chính chúng tôi tự sáng tạo. Họ muốn chúng tôi, HTC, sáng tạo trên nền tảng đó. Và chúng tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi được quyền cởi trói cho các kỹ sư của mình".
Nhiều fan "ruột" của chú robot màu xanh chắc hẳn sẽ không thể quên được rằng chiếc smartphone đầu tiên chạy Android được phát hành ra thị trường là HTC Dream (phát hành tại Mỹ dưới tên T-Mobile G1 theo tên nhà mạng). Điều mà họ chưa chắc đã biết là chiếc Android đầu tiên ra mắt suýt nữa đã không phải là HTC Dream.
Nổi nhất (và quan trọng nhất) trong số các thiết bị thử nghiệm không được phát hành của HTC và Google là một chiếc điện thoại có tên "Sooner". Trong khi tất cả những chiếc Android điển hình sau này đều có trọng tâm cảm ứng, HTC Sooner có dáng vẻ giống với các mẫu Android cùng thời nhờ bộ bàn phím vật lý đầy đủ ẩn dưới màn hình trượt 320 x 240 pixel không hỗ trợ cảm ứng. Nếu như Apple không phát hành một sản phẩm mà cả Jobs lẫn cộng sự đều đã kiên quyết phủ nhận vào nhiều năm trước đó, Sooner sẽ trở thành con tàu tiên phong cho binh đoàn Android.
Tại sự kiện MacWorld diễn ra vào đầu năm 2007, Steve Jobs vén màn chiếc iPhone đầu tiên. Với tầm nhìn loại bỏ bút stylus và đặt các tính năng Internet lên hàng đầu, Steve Jobs đã tạo ra một chiếc điện thoại rất dễ sử dụng và có trọng tâm là giải trí, đối nghịch hoàn toàn với những chiếc smartphone cục mịch khó dùng của thời đại trước. Dù không phải là chiếc smartphone đầu tiên và cũng không phải là sản phẩm tiên phong cho công nghệ cảm ứng, iPhone đã thay đổi hoàn toàn ấn tượng về khái niệm "điện thoại thông minh".
Nhưng thành công của iPhone nói riêng và smartphone cảm ứng nói chung không đến trong một ngày. Khi chiếc điện thoại này ra đời, cả người tiêu dùng, báo giới lẫn lãnh đạo các công ty công nghệ đều đã lớn tiếng bày tỏ hoài nghi về tầm nhìn của Apple. Steve Ballmer, CEO của Microsoft, khẳng định: "Khả năng iPhone đạt được thị phần đáng kể là không thể xảy ra. Chắc chắn là không thể". Jim Basillie, một trong 2 CEO đồng nhiệm của RIM tỏ vẻ coi thường: "Tôi còn chưa sờ tay vào cái iPhone nào hết". Anssi Vanjoki, giám đốc chiến lược của Nokia thì khiêm nhường hơn: "Thị trường di động sẽ giống như thị trường PC. Apple đã thu hút sự chú ý ban đầu với chiếc Mac nhưng rồi sẽ bị thu nhỏ thị phần. Mọi chuyện sẽ diễn ra như vậy với điện thoại".
Không may cho Apple là không phải đối thủ nào của Táo cũng chủ quan khinh địch đến vậy.
Tại thời điểm iPhone ra đời, Android đã phát triển vượt mặt iPhone OS 1. Không chỉ có một trình duyệt Internet đầy đủ và toàn bộ các ứng dụng tuyệt vời của Google (tìm kiếm, Maps, YouTube...), Android còn có khả năng chạy đa nhiệm thực thụ và có thể cài đặt ứng dụng mọi lúc mọi nơi. Trái lại, iPhone thời kỳ đầu có mức độ phụ thuộc rất lớn vào iTunes, gần như không có bất cứ một hình thức đa nhiệm nào và thậm chí còn không hỗ trợ ứng dụng của bên thứ 3 (App Store phải đến năm 2008 mới ra mắt).
Đáng tiếc rằng phần cứng, hay nói chính xác hơn là tầm nhìn phần cứng của Google và HTC đang thua kém iPhone một cách toàn diện. Chiếc Sooner không chỉ xấu xí mà còn không có tính năng cảm ứng dễ dàng. Trước khi iPhone ra mắt, Rubin và các cộng sự của mình tin rằng người tiêu dùng sẽ quan tâm đến phần mềm nhiều hơn là thiết kế điện thoại.
Nhưng điều đáng nói là iPhone không chỉ đẹp mà còn kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa ngoại hình hoặc tính năng theo những cách mà kỹ sư Android không thể nghĩ đến hoặc không dám theo đuổi vì sợ rủi ro. Ví dụ, bằng cách loại bỏ hoàn toàn bàn phím vật lý, Apple đã cho phép mỗi ứng dụng – thậm chí là mỗi màn hình ứng dụng được sở hữu một bộ giao diện điều khiển riêng. Các phím số sẽ chỉ xuất hiện trong ứng dụng gọi điện, nút Play và Pause sẽ chỉ có mặt trên ứng dụng chơi nhạc/video, bàn phím QWERTY đầy đủ sẽ xuất hiện khi bạn nhập địa chỉ web trên Safari và tự động biến mất khi bạn đã nhấn Enter. Trong mọi trường hợp sử dụng, iPhone đạt được kích thước hiển thị lớn gấp 2 lần bất kỳ một mẫu điện thoại nào khác trên thị trường. Chế độ nằm ngang hay nằm dọc đều hoạt động tốt – một điều bất khả thi với điện thoại có nút bấm.
Cũng giống như BlackBerry, đội ngũ Android thời kỳ đầu không tin rằng người dùng sẽ chấp nhận từ bỏ các nút bấm để gõ phím trên màn hình. Đó cũng là lý do vì sao chiếc smartphone Android đầu tiên ra mắt vẫn sẽ có một bộ phím trượt đầy đủ ấn dưới màn hình cảm ứng. Song, sự thật là iPhone đã khiến cho Google bị bất ngờ.
"Chúng tôi biết Apple sẽ sớm ra mắt một chiếc điện thoại. Tất cả mọi người đều biết điều đó. Chúng tôi chỉ không biết rằng chiếc điện thoại ấy lại tuyệt đến vậy", Chris DeSalvo, một trong các thành viên ban đầu của đội ngũ Android nhớ lại.
Đây chính là phản ứng của Rubin khi được biết về chiếc iPhone, và đi kèm với câu nói ấy, Sooner ("chiếc điện thoại này") bị khai tử. Trong vòng vài tuần, bản mẫu Dream được thay đổi vai trò từ dự án thử nghiệm lên thành dự án trọng tâm. Thay vì ra mắt vào cuối năm 2007, HTC và Google quyết định cùng nhau sẽ đẩy lùi ngày ra mắt Android đến mùa thu năm 2008. Tầm nhìn mới của Rubin: xây dựng một chiếc điện thoại đi theo hướng cảm ứng của iPhone, đồng thời tập trung giải quyết những điểm yếu vẫn tồn tại trên chiếc smartphone của Táo.
Chiếc điện thoại Android đầu tiên sẽ được phát triển trong vòng vài tháng ngắn ngủi sau đó. Tháng 2/2008, Qualcomm đồng ý tham gia vào liên minh Open Handset Allience và bắt đầu sản xuất mẫu chip đầu tiên cho Android: Qualcomm MSM7201A. Ngày 23 tháng 9 năm 2008, hành trình dài của Rubin và Google đi đến cái đích đầu tiên. Chiếc HTC Dream chính thức được phát hành tại Mỹ dưới tên gọi T-Mobile G1.
Điều kỳ lạ là, cũng chính một lịch trình phát triển gấp rút như vậy sẽ khiến cho RIM vấp ngã: khi vội vã bám đuổi iPhone, RIM gặp thất bại đau đớn với chiếc BlackBerry Storm và sau này cũng không thể nào đứng dậy nổi. Tầm nhìn vĩ đại của Steve Jobs là không thể phủ nhận, nhưng hãy nhớ rằng sau khi iPhone ra đời cả BlackBerry, Nokia, Microsoft, HP và LG đều đã mất một thời gian dài loay hoay tìm lối đi. Rubin và Google chính là những người đầu tiên nhìn ra hướng đi đúng đắn trong kỷ nguyên hỗn loạn mở màn cho sự bành trướng của smartphone cảm ứng.
Trong kỷ nguyên của những chiếc siêu máy tính bỏ túi với đầy đủ tính năng như Galaxy S7 edge hay HTC 10, cấu hình của HTC Dream sẽ không thể gây ấn tượng cho bất kỳ một fan Android nào cả: chip 528MHz cùng 192MB RAM. Phiên bản Android đầu tiên vẫn còn khá thô sơ với giao diện giống với các bản distro Linux khó sử dụng hơn là giống với Material Design của ngày nay. Và cả Google lẫn HTC đều chưa tin rằng bàn phím vật lý sẽ chết: ẩn dưới màn hình kích cỡ 3,2 inch của Dream là một bộ phím QWERTY dạng trượt đầy đủ.
Bất chấp những điểm yếu ấy, Dream vẫn thực sự là một giấc mơ trở thành hiện thực cho người hâm mộ công nghệ và cũng là một điềm báo cho sự vĩ đại của Android sau này. Nhờ có sức mạnh vượt trội so với iPhone và iPhone 3G, phiên bản Android 1.0 trên Dream mang đến một loạt tính năng phần mềm đi trước thế giới di động của năm 2008: ứng dụng đa nhiệm, cơ chế thông báo (notification) dạng trượt và cả... copy paste, một tính năng mà mãi đến năm 2009 mới có mặt trên iPhone OS. Trong những năm sau đó, những chiếc smartphone từ HTC, Motorola và đặc biệt là Samsung sẽ liên tiếp đánh bại iPhone cả về cấu hình để Android vươn lên trở thành hệ điều hành đi đầu thế giới về sáng tạo.
Quan trọng nhất, sự ra đời của HTC Dream/T-Mobile G1 là minh chứng cho thấy mô hình viễn thông cũ có thể được thay đổi một cách dễ dàng. Bằng một hệ điều hành mở cho phép tất cả các bên can thiệp, Android vừa có thể tích hợp các dịch vụ Google để mang đến nguồn doanh thu quảng cáo khổng lồ cho công ty mẹ, vừa cho phép các nhà sản xuất dễ dàng tạo các bộ giao diện riêng nhằm tăng tính thu hút, vừa cho phép các nhà mạng hưởng lợi bằng cơ chế cài đặt dịch vụ bổ trợ dễ dàng.
Đến tháng 4 năm 2009, T-Mobile tuyên bố doanh số G1 đã đạt tới mốc 1 triệu máy. Với Rubin, giấc mơ Android đã hoàn thành. Với Google, hành trình vượt mặt Apple và Nokia để trở thành bá chủ thế giới di động sẽ bắt đầu từ đây.