2019 chứng kiến rất nhiều sản phẩm phần cứng quan trọng của Apple ra mắt. Đầu năm, công ty của Tim Cook bất ngờ hồi sinh iPad Air và iPad Mini – hai dòng tablet vốn đã bị bỏ quên trong cả nửa thập kỷ qua. Giữa năm, Apple chấm dứt cuộc đời của chiếc Mac Pro "thùng rác" gây tranh cãi khi quay trở lại với thiết kế khối hộp xưa cũ. Cuối năm, AirPods Pro ra đời, đánh dấu một chương mới cho chiếc tai nghe đã khai sinh ra danh mục True Wireless đang bùng nổ.
Nhưng dĩ nhiên nhắc đến Apple là nhắc đến iPhone. Trong năm nay, iPhone 11 Pro là một câu chuyện buồn: doanh số quý 3 (quý lên kệ) vừa qua vẫn tiếp tục suy giảm. Đó có lẽ là một bất ngờ khá đáng buồn dành cho nhà Táo, bởi từ chất lượng camera được cải thiện đáng kể bằng Deep Fusion cho đến thời lượng pin lần đầu khiến smartphone Android "ngửi khói", iPhone 11 Pro đều nhận được những lời khen có cánh từ cả báo giới lẫn iFan. Thậm chí, iPhone 11 Pro hấp dẫn tới mức ngay cả khi mới chỉ rò rỉ qua tin đồn, Phố Wall đã sẵn sàng đưa Apple trở lại cột mốc nghìn tỷ.
Và rồi khi thông tin về doanh số iPhone suy giảm được Tim Cook công bố, Apple vẫn chễm trệ ở mức trên nghìn tỷ. Kết thúc năm, trị giá vốn hóa của Apple vẫn ở mốc kỷ lục 1,2 tỷ USD, đè bẹp Amazon, Microsoft và tất cả những ông lớn khác. Lý do đơn giản là bởi Apple đã lột xác thành công: mỗi quý qua đi, doanh thu mảng dịch vụ (app, game, nhạc, phim…) cứ thế lớn dần. Hết quý 3 – quý cuối cùng của năm tài chính 2019, mảng kinh doanh mới mẻ này còn đạt mốc trên 12 tỷ USD, cao hơn Mac và iPad cộng lại.
Một con đường mới đang mở ra trước mắt Apple. Và sang đến 2020, khi một chiếc iPhone mang trong mình đầy những đột phá mới lạ ra mắt, Apple có lẽ sẽ đảo được chiều suy thoái của iPhone? Hãy cùng chờ xem.
Nếu chỉ nhìn vào sổ kế toán thôi, năm 2019 là năm thảm họa của Samsung khi lợi nhuận tất cả các quý đều bốc hơi quá nửa. Sau năm 2018 thăng hoa, con ngỗng đẻ trứng vàng của Samsung là mảng bán dẫn đã tuột dốc không phanh. Cú đặt cược vào màn hình dẻo (trên thị trường linh kiện) thậm chí còn thất bại ê chề khi mảng màn hình của Samsung có quý phải chịu lỗ.
Nhưng thật trớ trêu, đó cũng chính là cú huých cần thiết để Samsung trở lại tập trung vào lĩnh vực mà hãng này đang làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu: smartphone. Trọng tâm được tái thiết lập trên thị trường di động đã giúp cho Samsung thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử. Ở phân khúc cấp thấp, dòng Galaxy J bị khai tử để thay thế bằng dòng Galaxy M hoàn toàn mới. Ở phân khúc tầm trung, dòng A được áp cơ chế đặt tên mới cùng một danh sách sản phẩm dài chưa từng có.
Cuộc cải tổ quan trọng nhất có lẽ được thực hiện trên 2 chiếc Galaxy A80 và A90: A80 mang trong mình cơ chế camera "nhào lộn" độc đáo chưa từng thấy trước đó, còn A90 là sản phẩm tầm trung đầu tiên của Samsung được trang bị cấu hình mạnh mẽ nhất. Vừa ưu tiên sáng tạo cho smartphone tầm trung, vừa phá giá cấu hình, Samsung rõ ràng đang thể hiện mong muốn giữ vững ngôi vương về thị phần. Số lượng lựa chọn dành cho Samsung hơn bao giờ hết, và những trái ngọt cũng đã bắt đầu đơm hoa: trong bối cảnh thị trường tiếp tục suy thoái, doanh số smartphone vẫn tiếp tục gia tăng trong quý 2 và quý 3.
Quan trọng nhất, cũng giống như các phân khúc dưới, phân khúc cao cấp của Samsung năm 2019 cũng chứng kiến sự bùng nổ chưa từng thấy. Sau thế hệ S9/Note9 khá nhàm chán, S10 và Note10 không chỉ được làm mới về lớp vỏ hay cấu hình mà còn chứng kiến 2 thành viên mới: Galaxy S10e giá "mềm" và Galaxy Note10 Plus cho người yêu Note thêm lựa chọn. Một phiên bản Note10 Lite đang mấp mé ra mắt để tiếp tục hướng đi "giá dễ tiếp cận" của Samsung. Và quan trọng hơn cả, tháng 12/2019, sau khá nhiều trục trặc, Galaxy Fold đã chính thức lên kệ, dịch vụ hỗ trợ 24/7 riêng và trải nghiệm màn hình gập được người dùng đón chờ. Các tin đồn cho rằng Galaxy Fold 2 giờ đã trong giai đoạn phát triển – Samfan có quyền tin rằng một chương mới trong lịch sử smartphone sẽ sớm khởi động.
Nếu như những gã khổng lồ khác đã có một năm 2019 buồn vui lẫn lộn thì Google lại tỏ ra khá đặc biệt khi trải qua năm 2019… làng nhàng. Trong lĩnh vực phần mềm, Android chuyển từ chế độ gọi tên theo đồ ăn vặt sang đánh số, và cùng với đó là cơ chế điều chỉnh cảm ứng học hỏi nguyên xi từ iOS của Apple. Trong lĩnh vực phần cứng, Giấc mơ laptop được tiếp tục khi Google vén màn Pixelbook Go ở mức giá 650 USD, gần bằng Surface Pro 7. Lĩnh vực IoT chứng kiến một điều chỉnh nhỏ khi chiếc loa Google Home được đổi tên thành Nest Home theo tên công ty con của Google. Có lẽ, gã khổng lồ tìm kiếm muốn tạo ra một hình ảnh thống nhất và mạnh mẽ trong lĩnh vực smarthome.
Với điện thoại, đầu năm Pixel 3a ra mắt và trở thành chiếc smartphone Pixel đầu tiên tiến vào phân khúc trung cấp với cấu hình yếu hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh. Pixel 4 mặc dù vẫn tiếp tục truyền thống hiện thực những điều điên rồ qua nhiếp ảnh điện toán nhưng cuối cùng lại không được đón nhận thực sự tích cực. Gã khổng lồ tìm kiếm thực sự đã có cố gắng khi đem hẳn cảm biến radar lên thế hệ Pixel mới, song có lẽ chưa có mấy người dùng thực sự muốn sử dụng smartphone theo cách… quơ tay từ xa.
Nếu phải chọn ra một sản phẩm mới đáng chú ý nhất thì đó có lẽ là Stadia, dịch vụ "stream game" cho phép người dùng chơi game bằng sức mạnh phần cứng từ đám mây của Google. Song, cũng như Pixel 4 hay Pixelbook Go, Stadia không hề có tính thuyết phục: giá không rẻ (130 USD cho bộ điều khiển cùng Chromecast Ultra), game không miễn phí và chất lượng kết nối cũng vẫn chưa đủ để thay thế PC hay console. Cùng lúc, các sản phẩm của Google vẫn tiếp tục bị khai tử. Kẻ xấu số năm nay là Inbox và YouTube Gaming. Giữa năm, YouTube còn gặp scandal khi kẻ xấu chèn ảnh kinh dị Momo vào
Sự kiện lớn nhất của Google năm nay có lẽ sẽ là sự ra đi của 2 nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page ở vị trí lãnh đạo công ty mẹ (Alphabet), nhường chỗ cho Sundar Pichai lên nắm quyền lực tối cao. Là người đã lãnh đạo Google kể từ 2016, Pichai rõ ràng là một vị CEO không hề tệ khi vẫn giữ vững doanh thu và lợi nhuận của công ty qua từng năm. Song, so với các đối thủ thì Google vẫn cứ làng nhàng – đến giờ, trong Big Four của làng công nghệ Mỹ, chỉ có Google chưa từng một lần chạm mốc nghìn tỷ mà thôi.
Sau một năm rất thành công với chiến tích lật đổ Apple khỏi vị trí số 2 thế giới, Huawei bước vào năm 2019 đầy tự tin. Kết thúc quý 1, thành công của dòng P30 bất chấp những lùm xùm xung quanh chất lượng màu sắc của cảm biến RYYB đã giúp Huawei xác định vị trí số 2 một cách tuyệt đối khi bỏ cách Apple tới hơn 20 triệu đơn vị sản phẩm xuất xưởng (số liệu IDC). Thế rồi, đến ngày 23/5, tổng thống Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ không được hợp tác với các thực thể kinh doanh nằm trong "danh sách đen" với cáo buộc ảnh hưởng an ninh quốc gia. Trong số này có Huawei: mất quyền hợp tác với Google, Huawei buộc phải chuyển sang dùng Android "tự chế" thay vì Android cài đặt sẵn Google Play, Gmail và các ứng dụng Google khác.
Con đường bành trướng toàn cầu của Huawei coi như chấm dứt, nhưng điều không ai ngờ đến lại xảy ra khi smartphone Huawei tiếp tục bùng nổ một cách mạnh mẽ. Đến khi số liệu quý 3 toàn cầu được công bố, người ta mới hiểu vì sao lại có hiện tượng lạ đời này: do Huawei bị coi là tâm điểm của chiến tranh Mỹ Trung, người Trung Quốc quay ra ủng hộ hãng smartphone số 1 nước nhà, đưa doanh số nội địa của Huawei bùng nổ. P30 bán được 16 triệu chiếc trong vòng nửa năm, Mate 30 bán được 7 triệu chiếc trong vòng 2 tháng. Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi còn cười đùa tổng thống Trump cứ tiếp tục cấm Huawei đi.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa rằng ông Trump đã không giáng cho Trung Quốc một đòn đau. Mặc dù Huawei đạt được đà tăng trưởng mạnh mẽ (và nhờ đó cũng giữ vững được vị thế trên toàn cầu), tổng doanh số smartphone Trung Quốc nói chung không thay đổi và thậm chí còn suy giảm 3%. Mức tăng trưởng của Huawei tại quê nhà đã chính các hãng đồng hương khác phải trả giá. Bù lại, OPPO, Vivo và Xiaomi bớt đi được một đối thủ trên chiến trường toàn cầu.
Khi tháng cuối cùng của năm chỉ bắt đầu được vài ngày, Xiaomi fan nhận một tin sốc: nhà sáng lập, CEO và cũng là bộ mặt của công ty, tỷ phú Lei Jun sẽ từ chức chủ tịch tại quê nhà Trung Quốc. Trước đó chỉ vài ngày, Xiaomi công bố kết quả quý 3, chính thức xác thực rằng đà tăng trưởng của Xiaomi đã chính thức chấm dứt. Xét về doanh thu, Xiaomi suy giảm giảm 7,8% so với năm 2018. Xét về mặt doanh số, tổng lượng smartphone Xiaomi xuất xưởng trong quý 3/2019 giảm hơn 1 triệu chiếc so với cùng kỳ 2018. Trước đó, "Apple của Trung Quốc" cũng đã chứng kiến các con số suy giảm trong quý 2.
Muốn biết lý do tại sao Xiaomi lại đang khó khăn tới vậy, hãy nhìn vào danh sách sản phẩm của Xiaomi trong năm 2019. Các phiên bản Mi 9 tuyệt đối không có một chút sáng tạo nào so với các đối thủ cạnh tranh. Mi Watch sao chép Apple Watch một cách không biết xấu hổ. Mi Mix Alpha nỗ lực vươn lên khung giá siêu cấp bằng một tính năng vô nghĩa chưa từng thấy (màn hình bao quanh điện thoại). Sáng tạo duy nhất đáng kể tên là những chiếc Mi CC9 Pro (Mi Note 10) với camera cảm biến 108MP, song đó lại là cảm biến mua từ... Samsung. Về bản chất, Xiaomi vẫn là một hãng smartphone nghèo nàn sáng tạo, sử dụng khung giá/cấu hình làm vũ khí cạnh tranh chủ chốt.
Rõ ràng là đến thời điểm này, chiến lược ấy đã không còn hiệu nghiệm nữa. Tại quê nhà Trung Quốc, Xiaomi bị Huawei nghiền nát một cách không thương tiếc. Trên thị trường quốc tế, Xiaomi vừa phải chống đỡ với Samsung đang trở lại, vừa phải chống đỡ một đối thủ mới nổi nhưng vô cùng đáng sợ là Realme. Giới lãnh đạo Xiaomi mà đặc biệt là Lei Jun vẫn cố giương cao khẩu hiệu "công ty Internet", nhưng chưa một quý nào doanh thu Internet của Xiaomi vượt quá 10% tổng nguồn thu của công ty cả.
Xiaomi đang cần thay đổi hơn bao giờ hết. Nhưng chí ít thì năm 2019 của "Apple Trung Quốc" cũng không chỉ có duy nhất những tín hiệu buồn. Cả 3 quý trong năm, Xiaomi đều kinh doanh có lãi chứ không chìm trong thua lỗ. Mảng "AIoT" tỏ ra khá thành công thi doanh số TV thông minh của hãng lọt vào top 5 tại Trung Quốc; nhiều mảng thiết bị thông minh ngoài smartphone và laptop cũng đạt kết quả khả quan. Tầm nhìn dùng điện thoại giá rẻ làm bàn đạp doanh thu có vẻ đang diễn ra tốt đẹp, dù là trên một mảng kinh doanh khác chứ không phải là dịch vụ Internet như Lei Jun vẫn khoe khoang.
Kể từ khi Satya Nadella lên nắm quyền tại Microsoft 5 năm trước, hành trình của gã khổng lồ phần mềm thực sự là một điều kỳ diệu. Và 2019 chính là khúc khải hoàn kỳ diệu cho hành trình hồi sinh ấy: ngày 25/4, Microsoft chính thức trở thành gã khổng lồ nghìn tỷ thứ 3 trong lịch sử công nghệ nước Mỹ, nối chân Amazon và Apple. Thậm chí, có thời điểm Microsoft còn vượt mặt cả 2 đối thủ để đứng đầu thế giới về trị giá vốn hóa.
Những gì Microsoft làm được thể hiện vì sao niềm tin của Phố Wall lại lớn đến vậy: mảng đám mây – chìa khóa "hồi sinh" của Microsoft – tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 3 quý đầu năm. Trong một bước đi khiến các fan ngỡ ngàng, Microsoft thậm chí còn ký được hợp đồng với đại địch thủ Sony để đưa nền tảng PlayStation lên đám mây Azure. Trong lúc đối thủ AWS (đám mây của Amazon) gặp khó vì không giữ được tốc độ tăng trưởng, Microsoft tung ra đòn đau khi chiến thắng hợp đồng 10 tỷ USD với Lầu Năm Góc.
Bất ngờ hơn cả là pha bứt tốc thần kỳ trên lĩnh vực phần cứng. Trong một sự kiện vốn chỉ dành để cập nhật Surface, Microsoft vén màn ý tưởng tablet gập mang tên Surface Duo, hứa hẹn đưa lịch sử PC sang chương tiếp theo khi sản phẩm chính thức vén màn vào năm 2020. Bất ngờ hơn, Microsoft còn bắt tay với Google để phát triển một chiếc smartphone Android dạng gập, có đầy đủ các ứng dụng/dịch vụ Microsoft và chợ Google Play. "Đó là một thiết bị Surface thực thụ", phó chủ tịch mảng phần cứng Panay Panos khẳng định, hứa hẹn phục hận cho Microsoft trên lĩnh vực đã từng tước mất vị thế của hãng này vào thập niên trước.
Chỉ đáng tiếc cho Microsoft rằng không phải mọi chuyện đều đang diễn ra một cách êm đẹp: trong cùng sự kiện Surface Duo và Surface Neo, Microsoft còn vén màn 1 chiếc Surface Pro X với tham vọng hiện thực hóa giấc mơ Windows on ARM. Khi Surface Pro X chính thức lên kệ, mẫu tablet này nhanh chóng nhận được vô số những lời chỉ trích do hiệu năng kém cỏi và thời lượng pin hay trọng lượng không thay đổi so với Surface Pro 7. Do SQ1 đã được chính Microsoft tận tâm cùng phát triển với Qualcomm, có lẽ thất bại của Pro X sẽ chính thức là điểm dừng cho Windows trên ARM. Cũng không cần phải quá lo lắng, bởi ít nhất năm 2019 họ vẫn còn 2 giấc mơ cần bắt đầu.
Là thương hiệu thành công nhất của BKK Electronics (OPPO, Vivo, OnePlus), OPPO đã dành năm 2019 đi theo 2 hướng quan trọng. Ở phân khúc dưới, OPPO đẩy mạnh phát triển thương hiệu con Realme và không ngần ngại khẳng định sẽ chuyển giao dần toàn bộ khúc giá rẻ/tầm trung cho thương hiệu này. Nhờ vào sự nỗ lực vượt bậc trong năm 2019, hết quý 3 vừa qua Realme đã kịp lọt vào top 7 thế giới với doanh số 10 triệu máy trên toàn cầu. Thương hiệu con này tạo ra mối đe dọa rất lớn tới Xiaomi khi sử dụng chung một chiến thuật phá giá cấu hình đã từng đưa "Apple của Trung Quốc" lên bản đồ thế giới vào đầu thập niên 2010. Đặc biệt đáng chú ý, Realme có những chiếc smartphone phá giá đặc biệt như Realme X2 Pro với giá chỉ 2699 Tệ (khoảng 9 triệu đồng) nhưng vẫn có chip Snapdragon 855 hạng nhất.
Còn ở phân khúc cao cấp, OPPO chứng minh khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn thông qua OPPO Reno 10X Zoom, chiếc smartphone mở màn cho một phong cách thiết kế mới, camera trước vây cá mập và camera sau zoom tối đa 60X. Dòng F từng rất thành công trước đây bị khai tử hoàn toàn để thay thế bằng các sản phẩm Reno, và chỉ nửa năm sau đó, Reno 2 ra mắt với 3 sản phẩm cùng lúc. Và nỗ lực ấy đã đem lại trái ngọt: khi doanh số tầm trung/giá rẻ đã được tái định hướng sang Realme, doanh số của OPPO vẫn gần như không thay đổi, thể hiện người dùng cũ đang tích cực nâng cấp lên những chiếc Reno mới.
Những chiếc Surface là một trong những trận chiến đáng chú ý của Intel và Qualcomm, nhưng đó chưa phải là tất cả. Năm nay, cuộc chiến silicond đã chứng kiến rất nhiều chuyển biến đáng chú ý, trong đó có sự kiện Apple và Qualcomm bắt tay làm hòa trong chiến tranh bằng sáng chế vào tháng 5. Cái bắt tay này đã giúp Qualcomm trở lại với một trong những khách hàng "sộp" nhất, cùng lúc giúp những chiếc iPhone 11 thoát khỏi vấn đề kết nối thiếu ổn định của năm ngoái.
Ngay trong ngày thông tin này được công bố, Intel cũng tuyên bố sẽ rút lui khỏi cuộc chiến 5G trên di động và bán lại toàn bộ mảng chip modem thế hệ mới (trên smartphone) cho Apple. Rõ ràng là công ty của Tim Cook vẫn chưa bằng lòng với những gì mình nhận được từ Qualcomm, và cuộc chiến giữa Apple cùng hãng chip đại diện cho Android chắc chắn sẽ có ngày khởi động trở lại.
Nhưng kể cả trong trường hợp phải đại chiến Apple trở lại, Qualcomm cũng không cần phải quá lo lắng khi tất cả các hãng Android đều đã đặt chân vào cuộc chiến 5G: Samsung Galaxy S10, Xiaomi Mi 9, OPPO Reno là một vài trong số các mẫu đầu bảng đầu tiên được đặt chân lên thế hệ kết nối mới. Thậm chí, Qualcomm còn có lý do để vui mừng hơn nữa khi hãng smartphone hiếm hoi không dùng modem Qualcomm là Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại của nước Mỹ. Tuy vẫn thua xa chip A13 iPhone về hiệu năng nhưng khoảng cách giữa Snapdragon 855 và chip Apple trong năm vừa qua đã được rút ngắn đáng kể, và vì thế Qualcomm hoàn toàn có quyền hy vọng những điều tươi đẹp đang đón chờ phía trước trong cuộc cách mạng 5G.