Người ta nói một con bướm đập cánh ở Việt Nam có thể gây ra cơn bão ở phía bên kia bán cầu. Nhưng rốt cuộc, hai sự kiện này có mối liên hệ thế nào với nhau?

Hãy nhìn vào tấm biểu đồ này.

Đăng trên Tạp chí Công Thương số tháng 6 năm 2021, tấm biểu đồ được vẽ nhằm nhấn mạnh cột mốc Đổi mới năm 1986, khi lần đầu tiên, những chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam vươn lên - từ một nước phải nhập khẩu gạo để giải quyết nạn đói - trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới.

Sản lượng và kim ngạch về cơ bản đã tăng liên tục, thậm chí đạt mức tăng trưởng đột phá gần 200% chỉ trong vòng bốn năm, từ 2008 đến 2012:

Giải mã El Nino: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Có thể nói giai đoạn 2008-2012 là cú cất cánh thứ hai của ngành lúa gạo Việt. Kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi nhờ vào việc giá gạo thế giới đã tăng 300% trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007-2008. 

Và cơ hội đã đến với Việt Nam ngay khi đó, việc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) đã mở đường cho hạt gạo Việt tiếp cận hơn 170 thị trường với mức thuế ưu đãi. Kết quả là đến năm 2012, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt đỉnh 7,72 triệu tấn, mang về kim ngạch 3,7 tỷ USD. 

Đó đều là những con số kỷ lục, cho tới nay, vẫn chưa bị phá vỡ. Bởi chỉ sau năm 2012, mũi tên bắt đầu đảo chiều.

***

Trong vòng 4 năm liên tiếp, cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục sụt giảm. Con số chạm đáy vào năm 2016, xuống 4,88 triệu tấn, tương đương mức giảm 37% và kim ngạch chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 41% so với năm 2012.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm đó đã phải thừa nhận: "2016 được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam". 

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lần đầu thiết lập đáy trong vòng 10 năm. Đáng buồn thay, điều này lại xảy ra vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm "Đổi mới". 

Thành tích của ngành xuất khẩu gạo - vốn được coi là ví dụ thần kỳ cho những chính sách kinh tế thị trường - đã bị kéo lùi tới hơn một thập kỷ.

Rốt cuộc thì, điều gì đã xảy ra vào năm 2016?

Giải mã El Nino: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Tìm lại những báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Tổ chức Nông-lương Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2016, bạn sẽ thấy một cụm từ không thể dịch được ra Tiếng Việt nhưng xuất hiện đi xuất hiện lại: El Niño.

Là một từ gốc Tây Ban Nha, El Niño trong những báo cáo này được dùng để chỉ một giai đoạn thời tiết cực đoan, xuất hiện theo chu kỳ và mới được các nhà khoa học quan tâm trong khoảng 4 thập kỷ gần đây.

Theo quan sát của họ, bất kể năm nào vùng biển ngoài khơi Peru xuất hiện một dòng biển ấm, thì đó là năm mà các quốc gia Châu Mỹ ở Đông Thái Bình Dương phải hứng chịu mưa lớn, bão lũ và lụt lội.

Ngược lại, ở phía Tây Thái Bình Dương, El Niño báo hiệu hạn hán sẽ bao trùm lên các quốc gia như Australia, Indonesia và Việt Nam.

Giải mã El Nino: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Nếu bạn nhìn trở lại biểu đồ phía trên, El Niño xuất hiện vào năm 2019, 2016, 2009, 2006, 2003 đều tạo ra những vùng trũng trên biểu đồ xuất khẩu gạo Việt Nam khi thì trong sản lượng, khi thì trong kim ngạch.

2016 là năm cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm mạnh nhất. Không phải trùng hợp, đó cũng là năm chứng kiến đợt El Niño mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, và Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. 

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long, một trong những vùng đồng bằng cho sản lượng lương thực lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp hơn 55% sản lượng lúa cả nước và 95% sản lượng gạo xuất khẩu.

Trong đợt hạn năm 2016, chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã có 160.000 ha lúa bị thiệt hại. Con số tương đương với hơn 10% diện tích xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 khiến sản lượng sụt giảm hơn 1,1 triệu tấn.

Vậy là, El Niño đã tạo ra cú rơi trên biểu đồi xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016. Không những vậy, những thiên tai mà hiện tượng thời tiết này gây ra còn khiến tổng sản phẩm quốc nội bị thiệt hại tới 1,7 tỷ USD, tương đương với 1% GDP.

Giải mã El Nino: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 4.

Những con số không khỏi khiến chúng ta phải thắc mắc: 

Nếu El Niño bắt đầu chỉ từ một dòng nước biển ấm ngoài khơi Nam Mỹ, tại sao nó lại có thể kết thúc bằng một đợt hạn hán kỷ lục ở Việt Nam? Hiệu ứng cánh bướm đã diễn ra như thế nào ở hai bên bờ Thái Bình Dương khi khoảng cách lên tới cả nửa vòng Trái Đất?

Tất cả những bí ẩn ấy bỗng trở nên quan trọng. Bởi ngay lúc này, các nhà khí tượng quan sát thấy dòng nước biển ở ngoài khơi Peru lại đang ấm dần lên. Đó là dấu hiệu cho thấy El Niño đang trên đường quay trở lại.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 5.

Bất cứ ai từng học tiếng Tây Ban Nha đều biết "El Niño" vốn chỉ là một từ bình thường. Nó được ghép từ mạo từ "el" để chỉ giống đực, với "niño" có nghĩa là "đứa trẻ". El Niño vì vậy có thể được hiểu là một "cậu bé".

Thuật ngữ này chỉ bắt đầu được sử dụng để ám chỉ một hiện tượng thời tiết từ thế kỷ 17 bởi ngư dân Peru, những người phát hiện ra rằng cứ sau một vài năm không chắc chắn, sẽ có một dòng hải lưu ấm xuất hiện ở ngoài khơi nước họ.

"Một vài năm không chắc", có nghĩa là dòng biển ấm sẽ đến rồi đi. Nhưng nó chắc chắn sẽ trở lại, khi thì sau 2 năm, khi thì sau 5 năm hoặc thậm chí lên tới 7 năm. 

Và như đã trở thành quy luật, cứ mỗi khi biển ấm xuất hiện, dòng chảy của nó sẽ áp đảo luồng hải lưu Humboldt, thứ đang mang nước lạnh, chất dinh dưỡng và cá biển từ những đáy sâu của Nam Cực chảy ngược lên phía bắc Peru.

Đó là lúc tại họa bắt đầu giáng xuống.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 6.

Nếu như Humboldt là dòng nước tạo ra mưa thuận gió hòa, thúc đẩy sự phát triển của nghề cá và nuôi sống những nền văn minh trong lịch sử Peru cổ đại. Dòng hải lưu ấm thì ngược lại, nó bị coi là điềm gở.

Vào những năm mà nước biển ấm xuất hiện, trai và nghêu thường chết hàng loạt trên bờ biển. Cá ngoài khơi và các loài chim ăn cá cũng biến mất. Chúng hoặc cũng chết hoặc phải chạy tới những vùng nước lạnh hơn.

Những con cá cố gắng ở lại cũng trở thành mồi cho cá mập, những sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn tới cùng dòng hải lưu ấm. Sự có mặt của cá mập một lần nữa không phải tin tốt cho những làng chài ven biển Peru.

Người dân ở đây nhận thấy vào năm mà dòng biển ấm xuất hiện, lượng cá mà họ đánh bắt được bắt đầu giảm từ tháng 6 và xuống thấp nhất vào gần Lễ Giáng sinh. Vì vậy, họ đặt tên cho sự xuất hiện của dòng hải lưu ấm này là El Niño, với ý nghĩa là "Cậu bé Giáng sinh" hay "Chúa Hài đồng".

Giải mã El Niño: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 6.

Khi biển một mình không còn nuôi sống được nghề cá, cộng thêm nền kinh tế của các xã hội Peru cổ đại chỉ phụ thuộc vào biển, El Niño đẩy người dân ở những nền văn minh này di chuyển sâu vào đất liền.

Họ phải tìm kế sinh nhai khác từ việc săn bắn, trồng trọt và nuôi nấng gia súc. Nhưng ngay cả khi đã làm vậy, Chúa Hài đồng vẫn chưa buông tha cho họ.

Dòng nước biển ấm hơn chạy men qua đất liền đồng nghĩa với việc nó sẽ tạo ra nhiều mây và mưa lớn. Những cơn mưa xối xả kéo dài liên miên qua nhiều tuần lễ, thậm chí có thể khiến hoa nở trên sa mạc Sechura.

Bù lại, vùng nông thôn, thành thị và cả cao nguyên của Peru đều phải đối diện với lũ lụt. Những trận lũ chính là thứ từng hủy diệt nền văn hóa Nazca và Moche vào những năm 700 và 800 Sau Công Nguyên.

Ngay cả Chimu, một trong những đế chế hùng mạnh nhất thời kỳ tiền Columbia cũng đã bị xóa sổ, bắt đầu từ những đợt El Niño liên tiếp xảy ra cách đây 6 thế kỷ.

Giải mã El Niño: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 7.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một lớp bùn dày ở ven biển Peru có niên đại trong khoảng từ năm 1400-1450. Bùn dày đại diện cho những trận mưa lớn kéo hàng tháng. Và bên bên dưới lớp bùn đó, họ tìm thấy hài cốt của 269 đứa trẻ bị chôn sống.

Những đứa trẻ trong độ tuổi từ 5-14, thuộc đủ mọi tầng lớp từ nông dân cho tới quý tộc. Phân tích đồng vị răng và trang sức cho thấy chúng đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các vùng khác nhau trên khắp đế chế, để trở thành vật hiến tế cho một nghi lễ được cho là khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại.

Nguyên nhân, có lẽ đến từ việc người Chimu muốn xoa dịu cơn thịnh nộ của Chúa Hài Đồng. Họ đang hiến dâng những đứa trẻ, được coi là tài sản quý giá nhất của đế chế, chỉ với một hi vọng duy nhất là những cơn mưa sẽ dừng lại.

Thế nhưng, những cuộc hiến tế của người Chimu cuối cùng không đem lại kết quả. Nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông và ngư nghiệp của Chimu trở nên suy yếu theo từng đợt El Niño xảy đến liên tiếp. Cuối cùng, sự suy yếu đó đã khiến chế đã thất thủ trước cuộc xâm lược của người Inca.

Giải mã El Niño: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 8.

Nỗ lực hối lộ các vị thần của người Chimu thất bại cho thấy một thực tế, El Niño không xuất phát từ một thế lực siêu nhiên nào.

Bằng chứng về những đợt El Niño sớm nhất trên Trái Đất đã được ghi lại trong cuốn nhật ký của hành tinh. Bên dưới những lớp trầm tích ngoài khơi Peru, các nhà địa chất học đã tìm thấy những vệt san hô bị tẩy trắng, trùng với giai đoạn nước biển ấm lên theo chu kỳ ít nhất từ 13.000 năm trước.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Ecuador cũng phát hiện những đợt mưa lớn xuất hiện cách đây 15.000 năm từng tác động đến miền núi tây nam nước này, khu vực tiếp giáp với Peru. Bằng chứng, một lần nữa, gián tiếp đến từ lớp trầm tích chứa những cây gỗ lớn bị quật đổ trong gió bão.

Trong vài ngàn năm trở lại đây, sự nổi lên, thịnh vượng và diệt vong của các đế chế cổ đại ở Peru cũng gắn liền với những giai đoạn biến đổi tần suất El Niño.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 10.

Bằng chứng khảo cổ cho thấy trong một giai đoạn từ khoảng năm 800 đến 1250 sau Công Nguyên, El Niño hoạt động rất yếu đã tạo ra một thời kỳ gọi là "dị thường trung cổ". Nó khiến dòng hải lưu Humboldt chảy gần như liên tục, cung cấp lượng sản vật biển dồi dào cho đế chế Chimu trỗi dậy.

Biển lạnh cũng đồng nghĩa với không khí khô và lượng mưa thấp. Thế nhưng, sau khoảng thời gian đó là thời kỳ El Niño hoạt động mạnh trở lại. Mưa đã trút xuống Peru như báo thù, nước cuốn trôi đồng ruộng, nuốt chửng những thị trấn. 

Một cách gián tiếp, chính El Niño đã đóng góp vào sự sụp đổ của đế chế Chimu năm 1470.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 11.

Cùng khoảng thời gian đó, cách Peru hơn 19.000 km về phía tây Thái Bình Dương, có một đế chế khác cũng đang trên bờ vực sụp đổ. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông của Đại Việt thân chinh dẫn quân tấn công vương quốc Chăm Pa.

Cuộc chiến kết thúc nhanh chóng với chiến thắng nghiêng về Đại Việt. Năm 1471, kinh thành Vijaya của Chăm Pa thất thủ, vua Chà Toàn bị bắt sống và chết trên đường áp giải về Thăng Long. 

Vua Lê Thánh Tông sau đó sáp nhập các vùng đất chiếm được từ Chăm Pa vào Đại Việt và thành lập nên thừa tuyên Quảng Nam.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 12.

Có một số bằng chứng văn hóa cho thấy, trong hàng thiên niên kỷ, Chăm Pa cũng là một vương quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi El NiñoChẳng hạn như trong cùng một năm lịch Chăm, họ phải tổ chức tới 4 lễ cầu nước Pơh băng yang, Yõr Yang, Plao Sah và Kap Hlâu Krong. 

Một trong số những nghi lễ đó - Yõr Yang - được tiến hành theo những chu kỳ từ 3-7 năm, trùng với tần suất của El Niño

Vào những năm này, người Chăm nhận thấy mưa sẽ tới trễ khoảng 2 tháng so với lịch thời vụ. Vì vậy cứ đến tháng Tư Chăm lịch, tức tháng Năm âm của người Việt, mà mưa vẫn chưa tới, họ sẽ lập nhà đàn (Ka jang) để cầu mưa.

Ka jang được làm từ tấm liếp đan tre, lợp mái, chỉ mở một lối ra vào hướng về phía Biển Đông. Lễ vật được dâng lên các vị thần bao gồm rượu, xôi chè và trầu cau. Ngoài ra còn có chuối và cá cơm. 

Nhưng bắt buộc không thể thiếu trong những nghi lễ hiến tế cổ là một tài sản thể hiện lòng thành với các vị thần. Trong khi người Chimu ở Peru hiến tế những đứa trẻ và lạc đà không bướu, người Chăm coi trâu trắng là lễ vật giá trị quý giá nhất của mình.

Họ đã chém những con trâu để thể hiện thành ý, mong rằng các vị thần sẽ lắng nghe lời khẩu cầu, mủi lòng và rồi ban mưa tới.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 13.

El Niño chắc chắn là đã đóng góp vào sự suy yếu của vương quốc Chăm Pa. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng trong những năm vương quốc này bị sáp nhập, hạn hán đã xảy ra với tần suất lớn gấp 10 lần.

Trước đó, cũng giống như Chimu, sự hưng thịnh của Chăm Pa đã được hưởng lợi từ giai đoạn "dị thường trung cổ". El Niño hoạt động yếu đi đã đem đến cơ hội cho các quốc gia nông nghiệp ở Đông Nam Á bao gồm Chăm Pa, Đại Việt, Pagan (Myanmar) và Angkor (Campuchia). 

Hết giai đoạn dị thường này, El Niño đã trở lại dồn dập. Nó vửa là tai họa với Chimu, vừa là tai họa với Chăm Pa và các quốc gia phía Tây Thái Bình Dương. Chỉ khác là ở Chimu, El Niño nghĩa là những trận mưa như trút nước. Còn với Chăm Pa cũng như Đại Việt, đó là hạn hán. 

Thống kê từ Đại việt sử ký toàn thư cho thấy trong thời Lê Sơ, hạn hán có tần suất lên tới 3 năm một lần, cao hơn hẳn các triều đại phong kiến trước đó như thời Lý và đầu thời Trần, khi đó, Đại Việt chỉ gặp một đợt hạn hán sau mỗi 10-30 năm.

Trong 36 năm trị vì của vua Lê Thánh Tông, có 12 đợt hạn hán được ghi nhận. 

Đối với những đất nước nông nghiệp dựa vào lúa nước ở Đông Nam Á, hạn hán đồng nghĩa với mất mùa, kéo theo nạn đói và làm suy yếu nhà nước phong kiến. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục từng liệt kê một loạt các đợt hạn hán xảy ra vào cuối thời nhà Trần, gây ra nạn đói và khủng hoảng kinh tế, cuối cùng góp phần vào sự sụp đổ của triều đại này.

Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 14.

Tương tự, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn do tác động của El Niño cũng góp phần vào sự sụp đổ của triều Lê sơ. Trong một bài phân tích có tựa đề "Khí hậu và sự suy vong triều Lê sơ", tác giả Lưu Vĩ An, một nhà nghiên cứu tại Đại học Istalbun, Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét:

"Áp lực thiên tai liên tiếp và kéo dài có thể làm xói mòn địa vị của triều đại trị vì vốn được cho là người chịu trách nhiệm duy trì sự hài hòa vũ trụ trời đất. Điều này có thể góp phần lý giải nguyên nhân vì sao thời Lê sơ chỉ tồn tại trong khoảng một thế kỷ".

Tất nhiên, ngay tại thời điểm đó, sự trùng hợp trong những đợt El Niño tác động cùng lúc đến Peru và Việt Nam đã không được biết đến. Cho tới tận cuối thế kỷ 19, El Niño vẫn chỉ được coi là một hiện tượng thời tiết cục bộ ở Peru và chẳng liên quan gì đến hạn hán ở Việt Nam.  

Mặc dù vậy, đã có những nghi vấn bắt đầu được đặt ra.

Năm 1895, tại một hội nghị quốc tế được tổ chức ở Lima, nhà địa lý học người Peru Federico Alfonso Pezet đã nói: "Việc một dòng nước ấm gây ra những trận mưa lớn ở Peru vốn là một sự thật hiển nhiên. Nhưng điều cần thiết phải tìm hiểu là độ mở rộng, thể tích và nhiệt độ của dòng hải lưu chảy ngược này. Điểm kết thúc của nó là tại đâu?".

Giải mã El Niño: Lịch sử, nguồn gốc và những bí ẩn của hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh 13.

Những mảnh ghép thời tiết trong nửa thế kỷ tiếp theo đã dần dần tiết lộ bản chất El Niño là một hiện tượng thời tiết toàn cầu. El Niño không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển Peru, mà nó xảy ra trên quy mô rộng lớn của toàn bộ Thái Bình Dương, bầu khí quyển phía trên đó và vì thế ảnh hưởng đến gần như toàn bộ Trái Đất.

Trong cuốn "Lũ lụt, Nạn đói và Hoàng đế: El Niño và số phận của các nền văn minh", tác giả Brian Fagan thậm chí đã lập luận El Niño là tác nhân gây ra nạn đói ở Pháp cuối thế kỷ 18. Khu vực tây bắc Châu Âu khi đó đã phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết kỳ lạ, nhiệt độ xuống âm kỷ lục vào mùa đông và mưa đá vào mùa xuân tàn phá mùa màng.

Nạn đói gây ra bởi El Niño thúc đẩy người dân nghèo nổi dậy trong cách mạng Pháp 1789. Một lần nữa, hiện tượng thời tiết này nhúng bàn tay vào quá trình sụp đổ của đế chế quân chủ tại Pháp.

 Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương (Kỳ 1) - Ảnh 16.