Khác với iOS và Android, Symbian là một hệ điều hành "của chung": thuộc về liên minh Nokia, Ericsson và Motorola, được chia sẻ cho nhiều nhà sản xuất khác - Samsung, LG, Sharp... Nói cách khác, Symbian là cơ hội kiếm lời doanh thu cho tất cả mọi người.
Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 1.

Năm 2020, cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế giới smartphone sẽ không phải là cuộc chiến giữa Apple với Google, Samsung hay Xiaomi. Trái lại, đó sẽ là cuộc chiến giữa những kẻ làm chủ nền tảng (Apple và Google) với những các nhà phát triển phần mềm.

Cuộc chiến bùng nổ vào cuối tháng 8, khi Epic cố ý đưa hệ thống thanh toán riêng vào cả hai phiên bản iOS và Android của tựa game Fortnite. Điều này vi phạm trực tiếp một trong những điều luật cứng rắn nhất đã được Apple và Google đặt ra ngay từ đầu: các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán của hệ điều hành, và phải trích phí 30% cho kẻ làm chủ nền tảng. Fortnite nhanh chóng bị xóa khỏi App Store và Google Play, Epic cũng nhanh chóng đệ đơn kiện đòi hỏi được dùng kênh thanh toán riêng, thậm chí là được mở cửa chợ ứng dụng của riêng trên chính hệ điều hành của Apple và Google.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 2.

Spotify, Match (Tinder) cùng nhiều nhà sản xuất khác đứng về phía Epic trong "Liên minh Ứng dụng bình đẳng" trong khi Facebook cũng lên tiếng chỉ trích chính sách 30%. Ở phía còn lại, Apple áp dụng tất cả các biện pháp mạnh tay để trừng trị Epic, trong đó có việc xóa bỏ tài khoản của công ty này trên App Store. Google cũng không nhân nhượng mà còn siết chặt gọng kìm kiểm soát: mọi hành vi trả tiền mua hàng trên Android đều sẽ phải được thực hiện qua hệ thống thanh toán của Google.

2 bên chiến tuyến, kẻ nào cũng tuyên bố phần đúng thuộc về mình. Chia sẻ 30% là xứng đáng, hay là quá cao? Liệu Apple và Google có cần "mở" iOS và Android cho các nhà phát triển thoải mái kinh doanh? Câu trả lời nằm ở những năm giữa thập niên 2006, khi "iPhone" và "Android" vẫn chưa là những cái tên đại diện cho thị trường di động.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 3.

Năm 2006, tức 1 năm trước khi App Store và Android Marketplace ra đời, Symbian vẫn là hệ điều hành thống trị thị trường smartphone. Thị phần của hệ điều hành từng gắn liền với điện thoại Nokia lên đến 67%, bỏ xa Windows Mobile, BlackBerry OS, Palm OS và Linux. Điểm đặc biệt nhất của Symbian là ở chỗ, khác với các hệ điều hành cùng thời, và cũng khác với Android hay iOS ngày nay, Symbian không thuộc về một nhà sản xuất duy nhất. Năm 1998, công ty Symbian Ltd. được thành lập với vai trò là liên doanh giữa Nokia, Motorola và Ericsson.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 4.

Từ thời đại Android nhìn lại, Symbian có lẽ phải thực sự là một giấc mơ cho các nhà phát triển: đó là một hệ điều hành có có thị phần thống trị, lại được nhiều nhà sản xuất hỗ trợ. Nhưng đáng tiếc, vai trò "con chung" đã khiến cho Symbian trở thành một cơn ác mộng với các lập trình viên. 

Đầu tiên, Symbian bị phân mảnh thành quá nhiều dòng nhánh khi các nhà sản xuất mang tiếng là "dùng chung" nhưng lại luôn cố gắng tạo ra cái riêng để cạnh tranh lẫn nhau. Nokia, Samsung và LG từng cùng bắt tay sử dụng S60, Sony Ericsson và Motorola cùng sử dụng UIQ trong khi các nhà sản xuất Nhật Bản dùng phiên bản dành riêng có tên gọi MOAP(S). Các phiên bản riêng có tính tương thích chéo rất kém. Thậm chí, S60 v3 còn không tương thích với hai phiên bản S60 đầu tiên: các nhà phát triển từng tạo ra ứng dụng cho v1 và v2 sẽ phải tốn rất nhiều công sức để "port" ứng dụng sang S60 v3. 

Một trở ngại khổng lồ khác là sự phân mảnh về phần cứng: trong thời đại Symbian, nhắc đến "smartphone" không phải là nhắc đến duy nhất một kiểu dáng "màn hình cảm ứng bốn góc bo tròn" như hiện nay. Nokia N95 và Sony Ericsson W95 cùng dùng Symbian trên kiểu dáng nắp trượt, Nokia 5800 Xpress Music và Sony Ericsson Vivaz Pro cùng có màn hình cảm ứng, Nokia E71 thì lại dùng kiểu dáng bàn phím vật lý. Phát triển ứng dụng cho mỗi chiếc điện thoại này đều đòi hỏi các lập trình viên phải bỏ ra rất nhiều công sức, bởi đơn giản là các "ông chủ" Symbian chẳng hề có biện pháp nào để chuẩn mực hóa cả.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 5.

Chưa hết, các nhà sản xuất cung cấp một công cụ phát triển (IDE) riêng, một gói phần mềm triển khai (SDK) riêng. Nhiều ngôn ngữ được hỗ trợ (OPL, Symbian C , Java…) nhưng chẳng có ngôn ngữ nào được hỗ trợ "đến nơi đến chốn". Phát triển cho Symbian vì thế chẳng khác gì phát triển cho nhiều hệ điều hành cùng lúc: phần lớn các studio nhỏ lẻ sẽ không đủ năng lực tài chính hay nhân lực để theo đuổi trải nghiệm di động.

Quan trọng nhất, Symbian (và tất cả các hệ điều hành smartphone cùng thời) đều thiếu đi một chợ ứng dụng tập trung. Các nhà phát triển vì thế cũng không hề có một kênh phân phối nào để tiếp cận cộng đồng người dùng smartphone vốn đang ngày một đông đảo hơn.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 6.

14 năm trước, kẻ thiệt nhất chính là người dùng smartphone: họ không được tận hưởng một thư viện ứng dụng di động dồi dào như ngày nay. Lý do là bởi, khi chưa có iOS và Android, các ông chủ hệ điều hành chỉ muốn dùng phần mềm để tạo ra sự khác biệt cho riêng mình. Với họ, các ứng dụng độc lập, các nhà phát triển bên thứ ba chỉ là một nguồn thu "phụ" mà thôi.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 7.

Ngay cả khi Apple vén màn iPhone vào năm 2007, Steve Jobs vẫn muốn giữ iPhone OS cho riêng Apple và các đối tác thân cận mà thôi. Mọi thứ chỉ thay đổi một năm sau, khi ông đổi ý cho phép các lập trình viên được phép viết ứng dụng cho iPhone OS và phát hành lên "App Store". Chiếc điện thoại Android đầu tiên tuy ra mắt muộn hơn iPhone tới 1 năm nhưng Android Marketplace được vén màn sau App Store chỉ vài tháng.

Trong những năm tháng tiếp theo, iPhone OS (iOS) và smartphone Android dần dần đẩy Symbian, BBOS, Palm OS, Windows Mobile vào dĩ vãng.. Ngay cả những hệ điều hành "mới" như Windows Phone và BB10 cũng không thể cạnh tranh nổi. Lý do khiến cho Apple và Google vươn lên và giữ vững vị trí thống trị là ứng dụng: các hệ điều hành "cũ" và "mới" đều chết khi chẳng có lập trình viên nào muốn viết app bên ngoài iOS và Android.

Đến ngày hôm nay, các lập trình viên muốn đặt chân lên di động bắt buộc phải chọn iOS, Android, hoặc cả hai. Cả Apple và Google đều thu phí 30% và vì thế có thể coi là "độc quyền song mã". 

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 8.

Nhưng sự thật vẫn chỉ có 1: trước Apple và Google, chẳng có ai tạo ra những kênh phân phối ứng dụng di động được người dùng tin tưởng, chẳng mấy nhà phát triển tham gia mở rộng trải nghiệm di động bằng phần mềm. Nokia, BlackBerry, Microsoft… tuy là đi trước trong thế giới di động nhưng lại là đi sau trong chiến lược ứng dụng: Nokia Ovi Store, BlackBerry App World, Windows Marketplace for Mobile… đều phải đợi đến 2009 mới ra mắt, tức là khi thành công của Apple và Google đã quá rõ ràng.

Tất cả các chợ ứng dụng đều buộc nhà phát triển phải chia sẻ doanh thu. Ngay cả Microsoft sau bao năm bỏ mặc cho các nhà phát triển "tự bơi" đến 2012 cũng đã ra mắt Windows Store và cố gắng áp dụng tầm nhìn riêng (và khoản phí riêng). Tính đúng đắn của mô hình App Store/Google Play đã được chứng minh một cách tuyệt đối. 

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 9.
Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 10.

Trong nhiều năm, Epic đã cố gắng tự phát hành Fortnite qua file APK để cài đặt trực tiếp lên điện thoại Android, "bỏ qua" khoản phí 30% của Google. Nhưng tháng 4 vừa qua, khi nhu cầu chơi game lên cao do Covid-19 bùng phát, Epic vẫn phải đưa Fortnite lên Google Play.

Nghịch lý này cho thấy những giá trị mà 2 ông lớn "độc quyền" đang mang đến. Người dùng không thiếu kênh để tải ứng dụng Android, nhưng vẫn chỉ chọn duy nhất Google Play để tải ứng dụng vì họ tin Google, tin vào kênh kiểm duyệt và đánh giá của Google. Tương tự, iOS dù bị jailbreak từ rất sớm nhưng App Store vẫn cứ phát triển hơn. Người dùng tin vào Apple hơn là các kênh phân phối khác.

Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với thời đại Symbian. Nokia, Sony Ericsson, Samsung hay LG đều coi Symbian là công cụ tạm thời để tạo ra hệ điều hành của riêng mình - vì thế, họ bỏ ra rất ít công sức để giúp đỡ cho các nhà phát triển ứng dụng độc lập. Nếu như trên Symbian (và Windows) các nhà phát triển phải tự tìm cách tạo dựng lòng tin từ người dùng thì ngày nay, đưa ứng dụng lên App Store và Google Play, họ sẽ được "chứng thực" bởi 2 cái tên hàng đầu thế giới. Và nếu như ngày trước các nhà phát triển phải tự tìm cách phân phối ứng dụng của mình thì ngày nay họ sẽ được tiếp cận với hàng tỷ người dùng. Hàng tỷ người dùng này đều có thể dễ dàng chi tiền cho ứng dụng - họ chỉ cần một nút bấm và một lần xác thực bảo mật mà thôi.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 11.

Công sức của Apple và Google bỏ ra để phát triển các bộ công cụ lập trình cũng không kém phần quan trọng. Tuy các nhà phát triển buộc phải tìm đến công cụ do Apple và Google tạo ra (Xcode, Android Studio), sự thật là 2 ông lớn này đã liên tục cải thiện để tạo ra môi trường tốt nhất, những tính năng tiện lợi nhất để giúp cho việc phát triển app trở nên dễ dàng nhất. Ngay cả các ngôn ngữ mới được Google/Apple ra mắt sau này để phục vụ cho việc lập trình app (Swift, Kotlin) cũng được đánh giá cao. Không như Nokia hay Sony Ericsson ngày trước, Apple và Google tìm mọi cách để các ứng dụng giữ được sự tương thích lớn nhất qua mọi phiên bản.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 12.

Trên tất cả, từ vị thế là những kẻ không hề bán điện thoại, Apple và Google đã thay máu cho toàn bộ thị trường di động, biến smartphone từ những thiết bị khó sử dụng, kén người dùng thành tiêu chuẩn chung của cả thế giới. 2 ông lớn smartphone tạo ra một kênh phân phối uy tín và những công cụ phát triển chất lượng, nơi bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể làm giàu từ con số 0. Angry Birds, Whatsapp, Instagram, Flappy Bird, Among Us... tất cả đều là những câu chuyện cổ tích không thể xảy ra trong thời đại Symbian ngày trước.

Những kẻ chống lại Apple/Google cần nhớ lại thời kỳ Symbian: Thảm họa khi Nokia, Sony Ericsson và Motorola cùng bắt tay làm chủ thị trường ứng dụng smartphone - Ảnh 13.

15 năm trước, chưa có Apple và Google, các nhà phát triển không phải trả khoản phí 30%. Nhưng họ cũng phải tự tìm cách phát hành ứng dụng của mình, tự chống chọi với nạn lừa đào và mã độc, phải đầu tư vào vô số nền tảng có chất lượng kém. Tất cả những vấn đề trầm trọng ấy xảy ra vì một lý do thật "ngược đời": không có ai đứng ra làm chủ nền tảng, không có ông chủ nào gắn liền doanh thu của riêng mình với doanh thu của nhà phát triển ứng dụng.

Bởi thế, trong trường hợp Epic, Spotify hay Facebook được quyền sử dụng nền tảng của Apple và Google một cách hoàn toàn miễn phí (mở chợ ứng dụng riêng, đưa nền tảng thanh toán riêng vào Google Play/App Store), ông chủ nền tảng và nhà phát triển ứng dụng sẽ lại chia làm hai phe đối nghịch. Apple và Google sẽ phải bỏ công sức ra xây dựng nền tảng cho kẻ khác tận hưởng. 2 ông lớn làm chủ hệ điều hành sẽ mất đi động lực để duy trì các nền tảng di động chất lượng, iOS và Android sẽ dần trở thành "chiến trường" rối loạn như Symbian và Windows ngày trước. Đến cuối cùng, kẻ chịu thiệt sẽ lại là người dùng mà thôi.

Lê Hoàng
Tom
Theo Trí Thức Trẻ11-10-2020