Tại các mỏ ở Cộng hòa Congo, những đứa trẻ như Dorsen không phải hiếm. Thậm chí, còn có những đứa bé mới chỉ 4 tuổi đã phải bán sức lao động tại các hầm mỏ lụp xụp, có thể sập xuống bất cứ lúc nào, để tìm thứ kim loại xám ngoét người ta gọi là cobalt. Khốc liệt chẳng kém cuộc tranh giành "kim cương máu", cobalt - thứ kim loại quan trọng để chế tạo pin điện thoại thông minh - mang lại sự giàu có cho một vài ông trùm nhưng khiến cả một quốc gia phải đổ máu từng ngày.
Sự thịnh hành của pin lithium-ion khiến cobalt trở thành thứ kim loại được săn lùng. Với ưu điểm lưu trữ lượng điện năng lớn cùng độ bền cao, pin lithium-ion tạo ra cuộc cách mạng với điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay những chiếc xe ô tô sử dụng năng lượng điện – phương tiện được coi là giải pháp của tương lai cho vấn đề ô nhiễm môi trường.
Các công ty đa quốc gia, chẳng hạn như Apple và Samsung, đang chi hàng tỷ USD để mua loại nguyên liệu này để chế tạo pin. Tuy nhiên, lao động trẻ con ở Congo chỉ nhận được 8 pence, tương đương gần 3.000 VNĐ/ngày cho công việc nguy hiểm, có thể phải đánh đổi bằng tính mạng bất cứ lúc nào.
Tại một loạt mỏ khai tác cobalt ở tỉnh Katanga cũ của Cộng hòa Congo, phóng viên Skynews phát hiện rất nhiều lao động trẻ em, trong đó có những đứa mới chỉ 4 tuổi, đang làm việc trong các khu mỏ. Bất chấp trời mưa tầm tã, những đứa trẻ vẫn phải lầm lũi lao động trong những vũng bùn lầy lội, cố đội trên đầu những bao quặng nặng trĩu về nơi tập kết.
Dorsen, 8 tuổi, là một trong những lao động nhí ở mỏ cobalt ở tỉnh Katanga. Cậu bé nói rằng số tiền kiếm được sau 12 giờ lao động không đủ để có những bữa ăn chắc dạ. Mồ côi cha mẹ, số tiền công ít ỏi chưa tới 3.000 VNĐ/ngày, khiến Dorsen và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ chẳng biết đến một nữa no. Tình trạng này diễn ra phổ biến và kéo dài ở quốc gia giàu tài nguyên nhưng kiệt quệ về kinh tế Congo.
Một trong những người bạn của Dorsen là Richard. Đứa trẻ 11 tuổi, đau mỏi khắp người vì những công việc nặng nhọc phải làm hàng ngày. Không chỉ ở trên mặt đất, nhiều đứa trẻ còn phải chui xuống đào quặng ở những hầm mỏ thô sơ, không có hệ thống cột đỡ và có thể sập bất cứ lúc nào. Chúng càng trở nên nguy hiểm khi trời mưa.
Trong thời gian ngắn thị sát các khu mỏ ở tỉnh Katanga, phóng viên Skynews đã phải chứng kiến cảnh tượng những người lao động cố gắng đào đất để tìm xác một người chết do sập hầm. Với hàng nghìn khu mỏ bất hợp pháp và nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, số người chết vì tai nạn dường như không bao giờ được thống kê đầy đủ.
Những khu mỏ "thổ phỉ" này cũng là nơi con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, phải chịu cảnh bóc lột tới tàn tạ trong điều kiện làm việc chẳng khác gì nô lệ. Những đứa trẻ chỉ 4 tuổi cũng phải làm những công việc độc hại và nặng nhọc, trong đó có việc đội trên đầu những bao quặng nặng trĩu từ hầm mỏ về bãi chứa.
"Những đứa trẻ nhỏ hơn ngồi nhặt đất bẩn khỏi những đống quặng cobalt gần đó. Một phụ nữ mang thai cõng một đứa trẻ mới biết đi trên lưng cũng ở trong nhóm này. Găng tay, mặt nạ bảo hộ dường như là thứ xa xỉ với những người làm việc như nô lệ nhưng vẫn thiếu ăn ở những khu mỏ phi pháp này", phóng viên Alex Crawford của Skynews, mô tả.
Cuộc sống nô lệ của những đứa trẻ 8 tuổi. Video: Sky News
Khoảng một thập kỷ trước, ít ai ngờ quốc gia Trung Phi nghèo nàn đến cùng cực này sẽ trở thành trung tâm của cuộc tranh giành điên cuồng nhất thế giới cho cobalt giá rẻ. Kim loại với vẻ ngoài tầm thường lại có vai trò rất lớn trong quá trình sản xuất pin lithium-ion, linh hồn cho những thiết bị công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, những người như Sidiki Mayamba, thợ mỏ 35 tuổi người Congo, lại chẳng hay biết gì về vai trò của mình ở một trong những ngành công nghiệp phát triển nhất thế giới.
Cuộc sống của Mayamba, cũng giống như bao gia đình Congo khác, luôn bị đói nghèo bủa vây. Bữa đói, bữa no không phải chuyện gì lạ lẫm đối với gia đình 3 người. Vác chiếc xẻng trên vai, Mayamba rời nhà tới khu mỏ khi chủ nợ vừa đến lấy tiền muối. Khoản tiền, đáng lẽ được dùng để mua bột mì cho cả gia đình một bữa no, phải đem ra trả nợ.
Nhu cầu cobalt tăng chóng mặt khiến những lao động như Mayamba ngày càng nhiều. Là công việc kiếm ra chút tiền so với mặt bằng chung của xã hội, những người lao động, bao gồm cả trẻ em, bất chấp điều kiện làm việc khắc nghiệt và nguy hiểm để chui xuống đất tìm loại khoáng sản này. Có khoảng 100.000 thợ mỏ ở Congo hàng ngày khai thác cobalt bằng những công cụ đơn sơ và đôi tay trần.
Chui xuống hầm mỏ chỉ rộng hơn một chút so với cơ thể người, máy nén khí là thứ duy nhất Mayamba trang bị để đảm bảo an toàn. Chiếc máy đưa không khí xuống lòng đất thông qua một ống nhỏ bằng nhựa. Đường hầm tăm tối được chiếu sáng bằng chiếc đèn nhỏ gắn trên đầu những "creuseurs", tiếng Pháp nghĩa là những kẻ đào bới. Cobalt được tìm dựa vào trực giác của người thợ mỏ.
Các hoạt động tìm kiếm cobalt tự phát còn có nguy dẫn tới xung đột giữa các nhóm nhằm bảo vệ lợi ích. Ngoài ra, các thợ mỏ còn xâm phạm khu vực khai thác khoáng sản của các công ty khai khoáng tư nhân, dẫn tới những cuộc đụng độ chết người với nhân viên an ninh hoặc cảnh sát địa phương. Đổi lại, họ kiếm được số tiền ít ỏi, tương đương 2 tới 3 USD/ngày, để trang trải cuộc sống.
Bán mạng dưới các hầm mỏ cobalt. Video: Washington Post
Những lao động nghèo ở Cobalt dường như chẳng hay biết về những nguy hiểm mà họ đang đối mặt từng ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc tiếp xúc trực tiếp với cobalt hay hít phải khói bụi trong quá trình khai thác kim loại này có thể để lại tác động lâu dài với sức khỏe. Những người lao động thấy mình đang yếu đi nhưng bản thân họ chẳng thể tìm được câu trả lời vì sao.
Makumba Mateba có một khối u khổng lồ trên cổ. Ông bán tín bán nghi rằng nước sinh hoạt bị ô nhiễm bởi các hoạt động khai thác cobalt là nguyên nhân của căn bệnh.
"Chúng tôi phải uống nước chảy ra từ các mỏ khai thác sau khi chúng lắng hết cặn. Chắc thứ nước đó đã khiến chúng tôi bị bệnh", Mateba nói về tình trạng của bản thân.
Không chỉ người trưởng thành cảm thấy không khỏe, bác sĩ Becha Gibu sống ở làng Kimpesa, cho biết, nhiều đứa trẻ có dấu hiệu của một căn bệnh bí ẩn. Cơ thể chúng bị lở loét, phát ban và nhiễm trùng khắp người. Nhiều bà mẹ cũng gặp dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai và sinh con. Đó là tác động từ các hoạt động khai thác khoáng sản.
Tử vong, thương tích và bệnh tật là hậu quả tất yếu từ quá trình khai thác cobalt ở Congo. Số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tới hô hấp và dị tật bẩm sinh tăng đột biến cùng với cơn sốt cobalt ở quốc gia Trung Phi nghèo khó này. Tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn khi hỗn loạn và tham nhũng tràn lan khiến mạng sống con người bị coi rẻ.
Được coi là quốc gia chậm phát triển, Cộng hòa Congo nằm trên một trong những mỏ khoáng sản trù phú nhất thế giới, với trữ lượng lớn vàng, thiếc và cobalt dưới lòng đất. Quốc gia này xuất khẩu tới 60% cobalt trên toàn thế giới và 1/5 trong số đó được khai thác bằng tay từ những khu mỏ phi pháp. Cobalt từ các hoạt động khai thác trái phép được bán cho thương nhân Trung Quốc, những người chỉ quan tâm tới giá cả phải chăng.
Sau khi thu gom từ những kẻ tổ chức khai thác trái phép, Cobalt được bán cho Congo Dongfang International, một chi nhánh của Công ty Huayou Cobalt ở Chiết Giang, Trung Quốc. Từ đây, cobalt được cung cấp cho hầu hết các nhà sản xuất pin lithium-ion trên khắp thế giới.
Đãi quặng cobalt gây ô nhiễm nghiêm trọng các dòng sông. Video: Washington Post
Vào năm 2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hiện không quốc gia nào yêu cầu các công ty khai khoáng phải báo cáo về chuỗi cung ứng cobalt của họ, cho phép các công ty đa quốc gia dễ dàng phủ nhận nguồn gốc cobalt họ sử dụng để chế tạo pin. Tuy nhiên, không thể chối cãi là chiếc điện thoại thông minh bạn đang dùng có nguy cơ sử dụng pin chứa cobalt được đánh đổi bằng công sức và máu của trẻ em ở quốc gia Trung Phi nghèo khó.
Trở lại với vấn đề của các tập đoàn đa quốc gia, một số công ty chuyên về ô tô khẳng định họ sẽ làm rõ nguồn cung cobalt trong các loại pin đang được sử dụng. Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ cam kết gây sức ép để cải thiện điều kiện làm việc ở các mỏ cobalt thay vì tạo ra một chuỗi cung ứng cobalt sạch.
Apple, công ty sở hữu thương hiệu iPhone và một loạt thiết bị điện tử khác, cũng khẳng định họ sẽ đình chỉ việc mua cobalt từ các mỏ phi pháp ở nhà máy luyện kim Huayou Cobalt. Ngay sau nhận thông báo từ Skynews, Apple đã tuyên bố tạm thời đình chỉ mua cobalt khai thác thủ công ở Congo, nơi trẻ em bị đối xử như nô lệ.
Người phát ngôn của Apple cho biết, công ty đang làm việc với đối tác về nguồn gốc cobalt được sử dụng để chế tạo pin. Việc tái nhập nguyên liệu sẽ chỉ được tiến hành khi các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động được nâng cao hơn và chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em. Trong khi đó, người phát ngôn của Huayou khẳng định rằng công ty sẽ chú ý đến các vấn đề về lao động trẻ em cũng như theo dõi chặt chẽ chuỗi cung ứng của mình.
Vai trò của trẻ em trong các mỏ khai thác cobalt phi pháp cũng khiến nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ phải lên tiếng cam kết sử dụng cobalt sạch. Ngoài Apple, những tên tuổi khác như LG Chem hay Samsung SDI cũng khẳng định ngừng mua cobalt từ Congo hoặc đang điều tra nguồn gốc của kim loại này trong quá trình sản xuất.
90% cobalt của các công ty Trung Quốc xuất khẩu được khai thác ở Congo, nơi họ sớm giành lấy quyền khai thác khoáng sản. Những nguyên liệu này sau đó được xuất khẩu và trở thành phần không thể thiếu cho ngành công nghiệp công nghệ đang bùng nổ trên khắp thế giới. Sự lỏng lẻo trong quy định của các quốc gia khiến "cobalt máu" có đất sống và phát triển mạnh mẽ.