Nếu như Apple đã sáng tạo ra chiếc “modern smartphone” bằng cách chọn màn hình làm yếu tố giao tiếp duy nhất giữa thiết bị và người dùng thì Samsung lại luôn là kẻ cách mạng hóa smartphone bằng cách đưa ra những thay đổi choáng ngợp trên màn hình. Trong suốt 10 năm, những cuộc cách mạng như màn hình lớn, màn hình vát, tỷ lệ 18:9 hay OLED đều do Samsung khởi xướng. Năm 2019 sẽ chứng kiến gã khổng lồ Hàn Quốc tiếp tục hành trình vẻ vang này bằng thiết kế “nốt ruồi”, chấm dứt kỷ nguyên “khoét rãnh” do Essential và Apple mở ra vào năm ngoái.
Theo các tin đồn rò rỉ, Galaxy S10 sẽ là mẫu smartphone đầu tiên được sở hữu loại màn hình này, cho phép thế hệ Galaxy đầu bảng tiếp theo có thể tiến gần hơn tới khái niệm “toàn màn hình” mà vẫn giữ được chất lượng camera trước.
Không chỉ có màn hình “nốt ruồi”, các fan của Samsung có thể sẽ còn được đón chờ nhiều tính năng mới thú vị khác: cảm biến vân tay siêu âm, cụm 3 (hoặc 4) camera, trải nghiệm phần mềm OneUI thay thế cho Samsung Experience. Đến cuối năm, Galaxy Note10 sẽ mang toàn bộ những bất ngờ của S10 kết hợp với bút S Pen – và nếu ngay cả chiếc smartphone trong mơ ấy vẫn chưa đủ để bạn chờ đón, Samsung vẫn còn lá bài bí ẩn “Galaxy X”, điện thoại màn hình gập đầu tiên trong lịch sử.
Năm 2018 là một vừa đáng nhớ, vừa đáng quên của Tim Cook. Tháng 7/2018, Apple trở thành công ty công nghệ đầu tiên cán mốc nghìn tỷ USD trị giá thị trường. Trong suốt 2 quý đầu năm – cũng như trong mùa mua sắm 2017, iPhone X liên tiếp giữ vững vị trí là mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới. Vượt qua những lo ngại về cái chết của Touch ID, vượt qua trở ngại về mức giá nghìn đô, iPhone X đã minh chứng rằng những chiếc iPhone “hoàn toàn mới” sẽ luôn khiến người hâm mộ phát cuồng.
Chỉ tiếc rằng thành tựu nghìn tỷ đã nhanh chóng bay biến khi Apple vào quý 3/2018 phải lên tiếng khẳng định XS, XS Max và XR sẽ không thể tái lập lại phép màu của năm trước. Ngay những ngày đầu 2019, Apple đã khiến Phố Wall hoảng loạn khi đưa ra con số doanh thu dự tính thấp hơn hẳn so với mức ban đầu. So với mức “đỉnh”, Apple đã chứng kiến gần 500 tỷ USD trị giá thị trường bay hơi.
May mắn cho Tim Cook, 2018 là năm của một thế hệ S, là năm mà không có một ai chờ đợi những cải tiến vượt bậc. Điều kỳ diệu sẽ phải chờ đợi tới tháng 9 năm nay, khi Apple sẽ ra mắt một mẫu iPhone mới hoàn toàn để bù đắp cho năm trước.
Những bất ngờ nào đang chờ đón? Một khối camera vuông vắn và nhiều cảm biến phía sau lưng? Một trải nghiệm “toàn màn hình” thực thụ khi nhà cung ứng của Táo mới đây đã khẳng định có thể “giấu” camera xuống dưới tấm màn? Một bộ camera 3D có khả năng tái tạo không gian trong bán kính 5 mét? Giờ vẫn còn là quá sớm để chờ đợi, nhưng chắc chắn tháng 9 năm nay sẽ lại chứng kiến một cơn sốt không kém gì ngày iPhone X ra đời.
Ngay từ quý 2/2018, Apple đã không còn là tên tuổi đứng thứ hai thế giới về thị phần smartphone. Thế chỗ cho Táo là gã khổng lồ số 1 của Trung Quốc, Huawei.
Vị trí số 2 thế giới chỉ đến sau những cố gắng không ngừng nghỉ. Một mặt, Huawei tiếp tục đẩy mạnh chiến lược giá rẻ khi đưa cấu hình của các mẫu Mate và P cao cấp xuống thương hiệu tầm trung Honor. Mặt khác, các thương hiệu cao cấp được gã khổng lồ Trung Quốc đầu tư phát triển AI vượt bậc. Bỏ xa các đồng hương như Xiaomi hay OPPO, Huawei dễ dàng trở thành khuôn mặt đại diện cho “smartphone AI” của Trung Quốc khi liên tục nhắc đến trí thông minh nhân tạo trong các buổi trình diễn của mình. Mặc dù hiệu quả thực tế của các tính năng AI này vẫn còn phải bàn cãi (chưa nhiều tính năng thực sự thông minh, ảnh chụp vẫn bị xử lý quá đà), rõ ràng là Huawei đã tạo ra sức ép không hề nhỏ lên Apple và Google, 2 tên tuổi số 1 về AI trên smartphone hiện nay.
So với các đối thủ khác, Huawei đang ở vị thế thuận lợi nhất để tung ra những đòn đánh gây sốc. Trong quý 1 này, P30 và P30 Pro khả năng cao sẽ ra mắt với camera 3 (hoặc 4) ống kính và màn hình “giọt nước”. Năm ngoái, bộ đôi P20 đã chạm mốc 10 triệu máy sau 5 tháng phát hành – nếu tiếp tục phát huy được thành tựu này, Huawei có thể sẽ sớm tạo ra được đối thủ thực thụ dành cho Galaxy S và iPhone.
Với Xiaomi, năm 2018 cũng là năm đan xen của những niềm vui và nỗi buồn. Dẫu Hạt Gạo Nhỏ đã có một kỳ IPO khá thất vọng, Xiaomi cũng đã vươn lên số 1 tại Ấn Độ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón. Mới gần đây, công ty của tỷ phú Lei Jun đã tách rời thương hiệu con Redmi ra hoạt động độc lập, cùng lúc Pocophone cũng được thành lập để tiếp tục triết lý “phá giá cấu hình” quen thuộc. Với 2 bước đi này, Xiaomi bày tỏ rõ tham vọng đưa thương hiệu con “Mi” lên các phân khúc cao cấp, và quả thật trong năm qua Mi 8 EE và Mix 3 đã lên kệ ở mức giá cao hơn bất kỳ một người tiền nhiệm nào khác.
Muốn Mi trở thành thương hiệu thực sự cao cấp, Xiaomi sẽ không còn là “Apple của châu Á” nữa. Dẫu rằng âm hưởng iPhone vẫn còn rõ, Tiểu Mễ trong năm vừa qua đã bắt đầu đi tìm cái riêng, như tấm lưng “giả linh kiện” trên Mi 8 EE hay thiết kế nắp trượt trên Mix 3 chẳng hạn.
Không chỉ là những hướng đi mới phân hóa rõ rệt hơn cho Redmi và Mi, Xiaomi vẫn còn 3 thương hiệu mới tiềm ẩn nhiều bất ngờ: Meitu (thương hiệu con “nhái” Vertu được Xiaomi thâu tóm vào tháng 6/2018), Black Shark (smartphone “chuyên game”) và Pocophone. Như vậy, Tiểu Mễ sẽ bước chân vào 2019 với danh mục smartphone đa dạng nhất từ trước đến nay, và quả thật Mi fan có thể chờ đợi một năm 2019 thú vị chưa từng có.
Sự trỗi dậy của bộ 3 nhà BBK Electronics giống với Xiaomi hơn là Huawei: OPPO, Vivo và OnePlus được người ta biết đến không phải nhờ thành tựu công nghệ hay sáng tạo riêng mà nhờ... học hỏi Táo và nhờ những chính sách phân phối, quảng bá thông minh.
Nhưng nếu như Xiaomi có thể thay đổi thì BBK cũng vậy: năm 2018, anh em nhà OPPO cũng lột xác. Đầu năm, Vivo trở thành tên tuổi đầu tiên có cảm biến camera dưới màn (do Synaptics cung cấp). Cơ chế camera thò thụt được Vivo tiên phong trên mẫu concept Apex sau đó cũng trở thành hiện thực cùng Vivo NEX và OPPO Find X. Cuối năm, Vivo thậm chí còn ra mắt thêm phiên bản 2 màn hình cho NEX.
Tất cả những sản phẩm kể tên này đều có giá thành không hề rẻ. OnePlus, thương hiệu anh em của OPPO và Vivo mới đây cũng khẳng định sẽ ngày một đẩy giá đầu bảng lên cao hơn nữa. Lá bài đã được lật ngửa, tham vọng “đánh lên” cũng đã được bộc lộ rõ, hãy cùng chờ xem
Với doanh số cả năm chỉ vào khoảng 3-4 triệu máy, thị phần của Google quá nhỏ bé so với các tên tuổi Android khác như Samsung và Huawei. Thế nhưng, Google là ông chủ của Android, và smartphone của Google là bản mẫu hoàn hảo của Android trong tương lai.
Trong năm ngoái, “Android của Google” tiếp tục đi theo hướng đi mà Google đã theo đuổi bao lâu nay: AI. Vẫn tiếp tục gắn bó với bộ camera đơn, Pixel 3 và Pixel 3 XL gây sốc vì khả năng zoom số... gần với zoom quang học. Tiếp tục mở rộng các tính năng dạng HDR, Google sẽ kết hợp dữ liệu từ nhiều bức ảnh để “giả lập” hiệu ứng phơi sáng trên các bức ảnh chụp tối. Sử dụng AI, Gmail giờ có thể giúp soạn các bức thư như người, và tính năng Duplex gây tranh cãi giờ cũng đã bắt đầu đi vào thử nghiệm.
Năm 2019 sẽ tiếp tục mang đến những tính năng AI ấn tượng khác cho Google, nhưng đáng chú ý hơn cả sẽ là nỗ lực lấn sân của “ông chủ Android” vào phân khúc tầm trung. Khi Pixel 4 vẫn còn khá xa vời, những tin tức về Pixel 3 Lite và Pixel 3 XL Lite đang xuất hiện dồn dập, hứa hẹn ngày ra mắt ngay trong quý 1. Có lẽ, Huawei, Samsung, OPPO và Xiaomi bắt đầu phải lo lắng là vừa.
2019 sẽ không phải là một năm đáng chờ đón với tất cả các tên tuổi lớn, đặc biệt là những “cựu binh” của Android thời kỳ đầu. Qua một năm sống lay lắt, 2019 có thể sẽ là cột mốc cuối cùng của HTC khi hãng này chỉ thu về vỏn vẹn 770 triệu USD trong cả năm 2019. Dĩ nhiên, con số này không bao gồm 1,1 tỷ USD khi công ty Đài Loan bán một phần lớn nhân sự cho Google.
Chưa đến mức cận kề chỗ chết nhưng Sony có lẽ cũng đang suy tính từ bỏ cuộc chơi smartphone. Trong năm 2018, mỗi quý Sony chỉ bán được khoảng 1,5 đến 2 triệu máy và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm khi gã khổng lồ Nhật Bản ngày một lạnh nhạt với phần cứng.
Khá khẩm hơn một chút là LG: dù vẫn liên tục đốt hơn 100 triệu USD mỗi quý, LG vẫn đủ tiềm lực để kiên quyết theo đuổi cuộc chơi đến cùng. Dù vậy, những khoản lỗ của năm 2018 đã được giảm phần nào so với năm 2017, và LG có vẻ sẽ tiếp tục điều chỉnh để theo đuổi cuộc chơi đến cùng.
Bất ngờ đáng mừng nhất của năm 2018 phải kể đến Nokia: sau một năm hồi sinh, thương hiệu “từ cõi chết trở về” này hiện đã có doanh số vượt mặt cả Sony, LG lẫn Google (gần 10 triệu máy). Mặc dù mới chỉ chiếm vỏn vẹn 1% thị phần toàn cầu, tương lai vẫn đang rộng mở trước mắt Nokia khi thương hiệu này đưa các công nghệ quá khứ trở lại. Sắp tới, Nokia sẽ vén màn một sản phẩm cực kỳ đáng chú ý cho năm 2019: Nokia 9 PureView với cụm 5 camera Carl Zeiss phía sau lưng.
Chưa bao giờ thị trường smartphone lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong năm vừa qua, thị trường Trung Quốc đã liên tục chứng kiến mức suy giảm lên tới 2 chữ số trong lúc thị trường toàn cầu đã chững lại đáng kể. Các ông lớn buộc phải đi tìm tăng trưởng tại các thị trường mới, đặc biệt là Ấn Độ. Lợi nhuận trở thành một câu chuyện xa xôi, ngay cả Apple cũng đã phải suy thoái.
Muốn sống sót, các hãng buộc phải tung ra con bài hấp dẫn nhất, bất ngờ nhất để chinh phục người mua khó tính. Và điều đó sẽ giúp 2019 trở thành năm cực kỳ đáng trông đợi của tín đồ smartphone.