ào cuối 2014, tôi có dịp công tác tại Singapore. Tại đây, thu nhập của một kỹ sư phần mềm 5 năm kinh nghiệm cùng định hướng thị trường của công ty cho phép tôi liên tục được chạm tay vào những chiếc smartphone đầu bảng đắt tiền.
Với cuộc sống và công việc của tôi lúc ấy, nhắc đến "đầu bảng" là nhắc tới sự thống trị của iPhone, Galaxy S và Galaxy Note.
Ít ai nhớ được rằng thị trường smartphone không phải lúc nào cũng ở thế song mã như vậy. Và không, tôi không nói đến sự trỗi dậy của các hãng smartphone Trung Quốc trong vòng vài năm trở lại: cho dù thị phần có gia tăng, họ vẫn không thể tấn công vào phân khúc đắt tiền và cho đến nay vẫn thường phải chấp nhận những khoản lợi nhuận rất nhỏ bé.
Thời đại "không-song-mã" mà tôi nhắc đến là những năm từ 2008 đến gần cuối 2011. Trong những năm Android tiền khởi, HTC và Motorola mới là 2 tên tuổi nổi bật nhất nhờ vào G1 và DROID. Đến tận 2010, Samsung vẫn chỉ là 1 tên tuổi bình thường trong danh sách rất nhiều các tên tuổi công nghệ đang nhòm ngó vào một thị trường "nóng" nhưng vẫn còn khá non trẻ...
Lúc ấy, không có ai dám nghĩ Nokia và BlackBerry chắc chắn sẽ chết. Không một ai dám chắc rằng Android sẽ trở thành hệ điều hành số 1 thế giới. Không ai nghĩ Apple sẽ có đối thủ xứng tầm.
Vậy Samsung đã làm thế nào để vươn lên vị trí thống trị của ngày hôm nay? Người ta nói rất nhiều đến những chiến dịch marketing khôn khéo để đánh vào tâm lý chán ngán tình cảnh "chỗ nào cũng iPhone", nhưng tôi lại không tin rằng một chiến dịch quảng bá lại có thể "vực" dậy những sản phẩm không phù hợp. Lịch sử công nghệ nói chung đã có quá nhiều những thất bại như vậy: Apple Newton, Microsoft TabletPC, BlackBerry Storm, LG G5...
Với riêng tôi, vị thế của Samsung có thể được lý giải bằng một kỷ niệm đẹp và 3 tượng đài thiết kế.
Trong năm 2017, khi tất cả các nhà sản xuất smartphone đều đang áp dụng triệt để chiến lược tinh giản lực lượng (chính Samsung cũng đang rút gọn phân khúc tầm thấp/trung của mình vào 2 thương hiệu Galaxy J và Galaxy A), có lẽ ít ai sẽ nhớ được rằng Samsung đã có một thời cực kỳ "mắn" đẻ. Thú vị nhất trong đại gia đình Galaxy của quá khứ là Galaxy S4 Zoom, một chiếc điện thoại tôi từng tiếp xúc khá nhiều trong thời gian sinh sống tại Singapore.
Theo lời kể của "khổ chủ" chiếc S4 Zoom, đồng nghiệp và cũng là bạn cùng phòng của tôi, trải nghiệm chiếc S4 Zoom này có những niềm vui rất riêng. Về bản chất, Galaxy S4 Zoom là một chiếc máy ảnh lai với điện thoại, được tích hợp hẳn một ống zoom "nghiêm túc" làm cho lưng máy gồ lên khá dị thường. Những lúc hứng lên mượn cầm thử, ngay cả những chiếc quần khaki được tôi thửa riêng chỉ để... đựng vừa Note 3 vẫn có một chút khó chịu khi phải đựng S4 Zoom.
Chiếc điện thoại lai máy ảnh này sẽ là chủ đề bàn tán tại bất cứ nơi nào, trong bữa ăn cuối tuần đầy ắp tiếng cười và những câu đùa nhảm, trong phòng họp nghẹt thở hay trong một chuyến roadtrip cùng những người bạn xa lạ. Rõ ràng, S4 Zoom đáng chú ý hơn cả iPhone, hơn cả Galaxy S, bởi bạn bè tôi thường chỉ tò mò về các mẫu đầu bảng này trong 1, 2 tháng đầu. Nhưng với S4 Zoom, kể cả khi bạn đã sử dụng cả năm, vẫn có những người đòi cầm tay và trầm trồ "Kì dị quá".
Và S4 Zoom sẽ biến bạn thành "người giữ ảnh được ủy quyền" trong bất cứ cuộc hội họp nào. Rõ ràng, zoom số thông thường không thể đọ được với ống zoom quang học. Cầm trong tay S4 Zoom, trong bất cứ cuộc hội họp nào, bạn bè đều sẽ gọi tên bạn khi cần chụp ảnh cả nhóm.
Như thế, ngay cả khi đã sở hữu chiếc Note 2 tương đối "hot", tôi vẫn là kẻ lép vế về độ "dị" của smartphone. Cũng may ngày ấy tôi và cậu bạn không cùng nhau thích một cô gái. Ví dụ, đi chơi nhóm mà cô gái (giả tưởng) ấy hỏi, "Chụp cho em một kiểu ở chỗ này với", ai sẽ là người có vinh hạnh được rút máy?
Smartphone nào cũng đến lúc phải thay. Ngày làm mới hợp đồng, cả hai đứa tôi đều chọn Note 4. Samsung đã không ra mắt S5 Zoom hay bất cứ một chiếc "điện thoại lai camera" nào khác.
Cái chết của dòng Zoom không làm tôi bất ngờ. Nếu thành công như iPhone, như S, như Note thì chiếc S4 Zoom của bạn tôi đã không thu hút sự chú ý đến thế. Dù có thú vị đến mấy, Galaxy S4 Zoom vẫn không phải là một sản phẩm sinh ra để dành cho tất cả mọi người. Không phải ai cũng cần zoom quang học. Không phải ai cũng chấp nhận mang một "cục" smartphone đúng nghĩa theo mình.
Với tôi, S4 Zoom là hiện thân rõ rệt nhất của tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, không giới hạn. Không màng tới những giới hạn thương mại.
Nhưng cái chết của S4 Zoom cũng khiến tôi nghĩ lại về những chiếc Note khá... bình thường của mình. Dòng Note ra đời vào năm 2011, khi thị trường smartphone đã đi qua những cơn biến động đầu tiên: xu thế bỏ hoàn toàn phím vật lý đã trở nên quá rõ ràng, cuộc đua cấu hình đã được thiết lập, thế thắng của Android đã được khẳng định. Nói cách khác, chiến trường smartphone lúc này dù đang nóng dần nhưng vẫn nhàm chán. Về bản chất, cả thị trường vẫn chạy theo iPhone.
Chiếc Note N7000 to gấp đôi iPhone bởi vậy là một đột phá. Đó là cú sốc bắt cả thị trường phải thay đổi. Khái niệm phablet ra đời, tận 3 năm trước khi Apple buộc phải ra mắt iPhone 6 Plus.
Cũng giống như trường hợp của iPhone hay Amazon Echo, bạn phải hiểu được hoàn cảnh ra đời của từng đột phá để thấy được rằng không có thành công nào là hiển nhiên. Thị trường smartphone Android của năm 2011 vẫn đang cực kỳ rủi ro: những thành công như Motorola DROID có thể sẽ không có hậu duệ, những kẻ đứng đầu như HTC có thể gục ngã bằng một vài sai lầm ngớ ngẩn như EVO, những công thức tưởng chừng hoàn hảo như Galaxy Nexus cũng có thể chìm khuất.
Nói cách khác, ở khung cảnh smartphone 2011, bạn hoàn toàn có lý do để tin rằng Galaxy Note cũng sẽ giống như Galaxy S4 Zoom, như Galaxy Beam, như Samsung Sonata. Chúng đều là những chiếc điện thoại phá cách, và bất cứ một phá cách nào cũng có thể chìm vào quên lãng.
Khi Galaxy Note ra đời, ảnh hưởng của Steve Jobs lên cả thị trường smartphone vẫn còn đang quá rõ ràng. Và ông nói "đừng tạo ra những chiếc điện thoại lớn". Ông khinh thường chiếc bút stylus. Nhưng có lẽ, nếu còn sống đến ngày Samsung tạo ra khái niệm phablet, Jobs cũng sẽ đồng ý rằng phải sáng tạo, phải chấp nhận rằng sản phẩm của bạn có thể chết một cách hiển nhiên thì bạn mới có thể thúc đẩy cả thị trường lên thời đại mới.
Nếu có một lý do duy nhất để tôi cảm thấy không vừa lòng về chiếc Note 4 cũ của mình thì đó có lẽ là thành công quá bất ngờ của chiếc điện thoại đầu bảng nối tiếp ngay sau đó. Tại sự kiện Unpacked 2015, gã khổng lồ Hàn Quốc không chỉ thực hiện bước tiến lên thiết kế kim loại mà còn bỗng dưng ra mắt một sản phẩm còn đắt tiền hơn cả Galaxy S: Galaxy S6 edge.
Sự ra đời của Galaxy S6 edge thực chất là không đáng ngạc nhiên. Trước S6 edge, Samsung đã từng ra mắt nhiều mẫu điện thoại "dị" như Galaxy Round, Galaxy Note Edge... để làm bạn đồng hành cho các sản phẩm chủ lực. Trong ánh mắt của tôi, những chiếc điện thoại đắt đỏ này đều chỉ là diễn viên phụ. Chúng không được sinh ra để khiến bạn và tôi phát cuồng mà chỉ là tuyên ngôn ích kỷ của Samsung rằng gã khổng lồ Hàn Quốc có thể làm được rất, rất nhiều điều bất ngờ .
Vậy điều thực sự đáng ngạc nhiên là gì? Khi trở lại Singapore khoảng vài tháng sau ngày S6 và S6 edge được phát hành, tôi chợt nhận ra rằng trên tàu điện ngầm, trên xe bus, trong mall... người ta đang sử dụng Galaxy S6 edge nhiều hơn Galaxy S6. Một năm sau đó, kịch bản tương tự lại lặp lại với S7 edge. Nói cách khác, dòng sản phẩm màn hình vát cạnh của Samsung, vốn lẽ ra chỉ là "phụ trợ", nay đã vươn lên trở thành tiêu chuẩn mới cho smartphone đầu bảng.
Các đối thủ cũng chạy theo Samsung. Từ iPhone 6, 6s cho đến Huawei Mate 9, vát nhẹ hai cạnh bên đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc mới của smartphone. Quan trọng hơn là phản hồi tích cực của người hâm mộ: trong lúc thị trường lại một lần nữa rơi vào tình cảnh thiếu hụt những điều mới mẻ đáng nói, Samsung đã thiết lập ra một chuẩn mực thiết kế mới lạ để chúng ta bàn tán.
Một người bạn của tôi nói về S6 edge: "Nó rất là khác. Nhưng dùng mãi rồi cũng quen. Mà vẫn thích".
Với tôi, S6 edge mang bản chất khác hẳn với những thử nghiệm như Galaxy Round hay Galaxy Note Edge. Round và Note Edge chỉ dành cho những fan công nghệ cuồng tín luôn sẵn sàng hy sinh trải nghiệm hiện tại để chấp nhận những trải nghiệm mới vừa thú vị, vừa tiềm ẩn những bất tiện khó đoán trước. Còn S6 edge sẽ không biến các bộ phim "tủ" của tôi trở nên dị thường như Note Edge, cùng lúc vẫn thú vị và lạ lẫm hơn hẳn so với S6 phiên bản thường.
Như thế, Samsung đã làm được một điều không phải bất cứ thương hiệu nào cũng làm được trên hành trình sáng tạo đầy khó nhọc: cân bằng giữa nhu cầu sử dụng của người dùng và nhu cầu đột phá của nhà sản xuất. Và đó là chìa khóa để S6 edge trở thành biểu tượng của năm 2015.
Tôi thấy mừng vì "trời không phụ người tài": từ Galaxy S6 edge, qua mỗi quý tài chính Samsung lại đưa ra những con số đáng khích lệ hơn cùng kỳ trước đó. Điều này cho thấy ngay cả trong lúc thị trường đang trở nên ngày càng khắc nghiệt, tinh thần sáng tạo vẫn có chỗ đứng.
Thử thách lớn nhất sẽ đến vào năm nay. Thị trường đã bão hòa, gần như ai cũng có smartphone. Ngoài những sản phẩm như S6 edge hay Gear VR, các nhà sản xuất vẫn chưa tìm ra cách thuyết phục người dùng rằng các thế hệ smartphone cũ thực sự đáng bị thay thế.
Nan giải nhất, những chiếc điện thoại thông minh của ngày hôm nay đã tiến quá gần đến giới hạn hoàn hảo. Câu hỏi "Làm thế nào để cải thiện trải nghiệm smartphone?" càng ngày càng khó trả lời.
Nhưng tôi tin rằng Samsung đã tìm ra câu trả lời, bằng cách một lần nữa thay đổi kênh giao tiếp quan trọng nhất giữa người dùng và smartphone: màn hình. Sau khi tạo cú sốc về kích cỡ, sau khi loại bỏ ấn tượng rằng màn hình cần phải phẳng lỳ, Samsung lại tìm đến một yếu tố vô cùng quan trọng nhưng lại được ít ai để ý tới: tỷ lệ màn hình.
Trong năm nay và nhiều năm sắp tới, Infinity Display chắc chắn sẽ là sáng tạo smartphone được nhiều người nhắc tới nhất. Với tỷ lệ 18.5:9, Galaxy S8 trở thành bước tiến đầu tiên trong hành trình thay thế tiêu chuẩn 16:9 đã gắn bó với con người trong suốt 10 năm qua. Đây sẽ là bước tiến đưa smartphone đến gần trải nghiệm điện ảnh đã luôn được Hollywood lựa chọn (tỷ lệ 2.39:1), tới trường nhìn phù hợp cho VR. Với giới văn phòng cuồng công việc, tỷ lệ mới sẽ giúp tạo ra những trải nghiệm ứng dụng đa nhiệm hữu ích nhất có thể trên những chiếc smartphone.
Cần phải chỉ ra rằng trước S8 vài tuần lễ, LG G6 cũng đã ra mắt với tỷ lệ 18:9. Song, Galaxy S8 sẽ là sản phẩm đầu bảng duy nhất sở hữu sức mạnh của Exynos 8895/Snapdragon 835 thay vì phải chấp nhận Snapdragon 821 cũ kỹ như G6. Quan trọng hơn, Samsung là nhà sản xuất đứng đầu về thị phần toàn cầu, là tên tuổi duy nhất có thể sánh bước Apple để thống trị phân khúc cao cấp. Phải một gã khổng lồ như vậy mới có đủ thực lực để đưa thị trường lên một tiêu chuẩn mới. Samsung đã lãnh lấy trách nhiệm đi tìm điểm cân bằng và tất cả những rủi ro trên hành trình mới. Nhưng một khi người dùng lên tiếng rằng 18:9 là con đường đúng đắn, tất cả đều sẽ chạy theo Samsung.
Vậy, liệu Samsung có còn muốn ra mắt những tiêu chuẩn mới, đưa Infinity Display đi xa hơn nữa? Tôi cho rằng câu trả lời là "không", vì màn hình cũng phải có giới hạn trước khi trở nên quá kỳ dị. Tỷ lệ 18.5:9 của Galaxy S8 bởi vậy sẽ là mức "vàng", là điểm cân bằng giữa nhu cầu hiển thị và thẩm mỹ thiết kế.
Tôi cho rằng Galaxy S8 sẽ là tượng đài thiết kế cuối cùng của ngành smartphone.
Nhưng đó cũng chỉ là những phỏng đoán của riêng tôi, một kỹ sư phần mềm trong đầu lúc nào cũng đặt nặng những khái niệm "quy trình", "ổn định" lên trên tất cả. Sức sáng tạo không thể và cũng không nên có giới hạn – nếu không bất chấp những suy nghĩ nghi ngại, bất chấp những thất bại như Galaxy S4 Zoom, Samsung có lẽ đã không thể 3 lần thiết lập xu thế mới cho thị trường smartphone.
Bất chấp kết quả ra sao, năm 2018 sẽ là năm chứng kiến khái niệm smartphone một lần nữa thay đổi.