Nếu nhìn lại chiều dài lịch sử công nghệ, bạn sẽ nhận ra rằng "lấn sân" từ phần cứng sang phần mềm không phải là chuyện hiếm. Cả Amazon, Google, Microsoft đều đã có những sản phẩm phần cứng của riêng mình, Apple vẫn làm chủ các hệ điều hành riêng còn Samsung thì cũng đã từng mang tham vọng với Tizen và một số dịch vụ Milk Music/Video.
Đáng tiếc rằng gần như chẳng có một gã khổng lồ nào có thể thực sự thành công khi vượt ra khỏi lĩnh vực truyền thống của mình. Thử lấy 2 kẻ đại diện cho 2 thời đại hệ điều hành và web làm ví dụ. Microsoft liên tiếp mắc phải những thảm họa muối mặt như Zune, Kin, Surface RT và đến bây giờ cũng chẳng đảm bảo được chất lượng của Surface Pro. Tầm nhìn Nexus ban đầu của Google là để làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm Android chẳng đi đến đâu; mới đây Pixel hay (các tin rò rỉ về) Pixel 2 cũng chỉ có thể gây tranh cãi chứ chẳng thể thực sự thu hút khi được thiết kế dựa trên các bản mấu kém ấn tượng như HTC One A9 và LG G6.
Samsung, gã khổng lồ phần cứng có lợi nhuận số 1 thế giới trong quý tài chính vừa qua cũng vậy. Sau đại thành công của Galaxy S3 và S4, Samsung đã từng mong trở thành một đế chế độc lập khi cùng Intel vén màn Tizen. Đáng tiếc, hệ điều hành của bộ đôi này đã không thể làm nên chuyện trong một thị trường di động quá chật chội.
Tiếp đến, Samsung còn mang tham vọng đánh vào thị trường nội dung khi ra mắt các dịch vụ nhạc/phim và một chợ ứng dụng riêng. Đến nay, chợ ứng dụng này vẫn còn tồn tại nhưng là với số người dùng "tí hon" so với lượng người dùng smartphone Galaxy, còn các dịch vụ stream mang thương hiệu Milk thì đều đã đóng cửa.
Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là tham vọng của Samsung trên chính các mẫu chủ lực chạy Android của dòng Galaxy S và Galaxy Note. Trong rất nhiều năm, một lượng người dùng không nhỏ đã phàn nàn rằng chiến lược "nhồi nhét" của Samsung vào TouchWiz đã khiến cho các mẫu Galaxy cao cấp không thể phát huy hết tiềm năng sức mạnh của phần cứng vượt trội.
Lúc ấy, nhìn vào Samsung, gần như tất cả mọi người đều có ấn tượng rằng gã khổng lồ Hàn Quốc đang chỉ làm phần mềm smartphone theo kiểu "được thì được không được thì thôi" khi cố gắng siết chặt vị trí số 1 về thị phần phần cứng đã nằm trong tay suốt nửa thập kỷ vừa qua.
Đến 2017, mọi chuyện đã thay đổi. Không thể đánh bại Android bằng Tizen, gã khổng lồ Hàn Quốc lại chuyển sang đánh bại cả iOS, LG UX, Mi UI, Huawei EMUI lẫn Android gốc bằng trải nghiệm Samsung Experience đỉnh cao.
Ai cũng có thể nhìn thấy bước tiến rõ rệt từ TouchWiz lên Samsung Experience. Sự thay đổi diễn ra trên cả "bình" lẫn "rượu" khi Samsung Experience ngày nay đi theo hướng phẳng, tối giản và hạn chế tối đa bloatware. "Hạn chế bloatware" không có nghĩa rằng Samsung đã loại bỏ hết tất cả các ứng dụng cài đặt sẵn. Trái lại, Samsung đang cài đặt sẵn những ứng dụng thực sự có ý nghĩa. Không chỉ có ứng dụng của Google, Samsung còn cung cấp cả Microsoft Office cho những doanh nhân "nghiện" công việc.
Đáng chú ý hơn cả, ứng dụng tự phát triển như Health, Gear và Switch đã đảo ngược tình thế để được "Samfan" đón nhận vô cùng tích cực – cùng với Office, chúng tạo ra trải nghiệm hữu ích và đỡ nhàm chán hơn Android nguyên bản rất nhiều. Một số ví dụ có thể kể đến là khả năng phát Bluetooth qua nhiều tai nghe cùng lúc, lưu trữ an toàn (có mật khẩu) với SecureFolder hay tùy chỉnh độ phân giải màn hình. Một số tính năng được Samsung tiên phong phát triển trước cả Google nay cũng đã trở thành tiêu chuẩn của toàn bộ Android; đáng chú ý nhất là khả năng đa nhiệm xuất hiện trên Galaxy NotePRO từ tận 2014.
Không dừng lại tại đây, Samsung còn tạo ra những tính năng phần mềm riêng để làm bật lợi thế phần cứng của mình so với các đối thủ. Giao diện Edge có mặt từ thế hệ S6 đến Note8 ngày nay là một ví dụ: sau khi tiên phong cho ngôn ngữ vát cạnh tuyệt đẹp, Samsung cũng đã cung cấp các tính năng phần mềm có thể kích hoạt dễ dàng từ cạnh vát để giúp trải nghiệm hữu dụng hơn.
Chiếc bút stylus độc tôn của Samsung cũng được hỗ trợ các phần mềm tương xứng về chất lượng. Trên Galaxy Note8, rút S Pen ra là bạn có thể bắt đầu ghi chú thoải mái dù đã unlock hay chưa unlock điện thoại. Dù không đến từ một gã khổng lồ phần mềm, Samsung Notes vẫn thuộc hàng "top" trong số các ứng dụng ghi chú nhờ vô số lựa chọn nét vẽ, màu, bố cục... Người dùng còn có thể dùng S Pen để cắt ảnh GIF hoặc tạo một tấm thiệp ảnh "động' bằng cách viết lời chúc lên tấm ảnh. Thậm chí, S Pen ngày nay còn được dùng làm công cụ dịch thông minh cho các chi tiết chữ viết trên màn hình.
S Pen không phải là ý tưởng phần cứng độc tôn duy nhất của Samsung trên thị trường di động đã quá bão hòa tại thời điểm hiện tại. Đầu năm nay, gã khổng lồ Hàn Quốc ra mắt DEX và nhanh chóng trở thành giải pháp smartphone "biến hình" thành PC tốt nhất trên thị trường.
Phép màu của DEX không chỉ đến từ phần cứng. Để tạo ra một trải nghiệm desktop chất lượng từ smartphone, Samsung đã phải thực hiện chỉnh sửa và tạo ra rất nhiều ứng dụng của riêng mình để tạo ra một giao diện đủ tốt cho người dùng. Đến thời điểm hiện tại, DEX đã có tất cả những ứng dụng cần thiết từ Google, Adobe và Microsoft. Thật khó có thể tin rằng giờ đây một chiếc điện thoại có thể sử dụng được (nói cách khác, trải nghiệm không dở tệ như Windows Phone) lại đã có thể biến hình thành một trải nghiệm desktop vừa đủ cho các nhu cầu văn phòng phổ thông.
Samsung đã biến kịch bản ấy trở thành hiện thực với Galaxy S8 và Galaxy S8 . Với chiếc Note8 có một loạt các tính năng tập trung cho công việc nhờ vào S Pen, Samsung đã hoàn thiện trải nghiệm làm việc di động đáng mơ ước nhất.
Tham vọng phần mềm của Samsung không chỉ dừng ở tầm nhìn "đồng nhất" mà Microsoft và Google đã mất hàng năm trời không thể hiện thực hóa. Ra mắt cùng Galaxy S8 và Galaxy Note8 là trợ lý ảo đầu tiên của Samsung nói riêng và toàn bộ thế giới công nghệ châu Á nói chung: Bixby.
Bixby ra đời trong lúc tất cả các tên tuổi lớn của thế giới công nghệ đều tập trung vào cuộc chiến trợ lý ảo vốn đang do các thế lực phần mềm như Amazon, Apple, Google, Microsoft dẫn đầu. Trên Galaxy Note8, Samsung vừa nâng cấp Bixby để sở hữu giao diện giọng nói tân tiến không kém gì Siri hay Alexa. Một số đối tác phần mềm lớn đã đặt chân lên Bixby (YouTube, Uber, Facebook, Instagram Spotify), nhưng Samsung thậm chí còn mong muốn đưa trợ lý ảo của mình lên nhiều loại phần cứng đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau - bao gồm cả phần cứng đối thủ.
Chỉ có một gã khổng lồ phần mềm mới mang tham vọng như vậy.
Bên lề sự kiện Note8, gã khổng lồ Hàn Quốc khẳng định Bixby sẽ sớm được "hiện thân" thành một chiếc loa. Hệ sinh thái Galaxy sẽ lại đón thêm một thành viên bên cạnh những sản phẩm ấn tượng như Gear VR (đón đầu tương lai thực tại ảo) và Gear S4 (cho một cuộc sống khỏe mạnh). Bằng hệ sinh thái cho Galaxy Note8, Samsung sẽ thay mặt cho binh đoàn Android tấn công vào 3 cuộc chiến công nghệ "hot" nhất của tương lai: trợ lý ảo, VR và healthtech.
Tham vọng của Samsung với Bixby rõ ràng sẽ khiến mếch lòng các đối tác truyền thống, nhưng trong một cuộc phỏng vấn, giám đốc DJ Koh của Samsung Mobile đã mạnh mẽ khẳng định rằng Samsung sẵn sàng chấp nhận thách thức những kẻ đi trước để giành chiến thắng trong cuộc chiến định hình tương lai. Thực tế là trước cả Bixby, Samsung cũng đã tham dự vào một cuộc chiến tổng lực vốn chỉ dành riêng cho những kẻ làm chủ hệ điều hành: thanh toán di động. Tháng 5/2017, Samsung Pay ra mắt với một đột phá đặc biệt: vừa hỗ trợ kết nối NFC phổ biến trên di động, vừa hỗ trợ chuẩn MST vốn phổ biến tại các điểm giao dịch thẻ truyền thống.
Ngay trong tháng 9 này, Samsung Pay đã đặt chân đến Việt Nam. Người mua từ các sản phẩm tầm trung chất lượng như Galaxy J5/J7 cho đến các siêu phẩm đầu bảng như Galaxy S8 và Galaxy Note8 đều sẽ được tận hưởng một trải nghiệm thanh toán tiện lợi và an toàn hơn nhờ vào các công nghệ Samsung Knox, ARM TrustZone nói riêng và trào lưu tokenization nói chung. Một gã khổng lồ phần mềm thực thụ sẽ không "kén" người dùng, và việc Samsung đặt quyết tâm cao với các thị trường đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ trong lúc Apple và Google vẫn chẳng hề mặn mà cho thấy thế lực phần cứng từ Hàn Quốc đã trở thành thế lực phần mềm thực thụ.
Galaxy Note8 đã thể hiện cho thế giới thấy tiềm lực phần cứng lẫn phần mềm của Samsung, và hiển nhiên, thị trường đã bày tỏ sự đón nhận vô cùng tích cực: Galaxy Note8 đã phá mọi kỷ lục đặt trước với trong phân khúc phablet. Chỉ trong 5 ngày đầu tiên sau khi công bố, Galaxy Note 8 đạt tới 650.000 đơn đặt hàng tại hơn 40 quốc gia, nhanh gấp 2,5 lần Galaxy Note7. Cần phải nhớ lại rằng, bản thân Galaxy Note7 cũng là từng một chiếc smartphone được yêu quý, một siêu phẩm cả về thiết kế lẫn tính năng nhưng lại mắc phải một lỗi trầm trọng duy nhất.
Vượt qua sự cố đau đớn của Galaxy Note7 năm ngoái, doanh số khổng lồ dành cho Galaxy Note8 năm nay là minh chứng cho thấy người tiêu dùng sẽ luôn luôn mở rộng vòng tay đón các sản phẩm xuất sắc. Tại Việt Nam, 15.000 người đã bỏ tiền đặt Galaxy Note8 từ trước khi Samsung vẫn… chưa công bố giá bán.
Và tính đến hôm nay, con số ấy đã lên tới 40.000 - cao kỷ lục trong lịch sử với một chiếc flagship smartphone.
Bởi chúng ta đã chờ đợi một chiếc phablet hoàn hảo từ rất lâu rồi. Và hôm nay, chúng ta đã được thực sự cầm máy trên tay để trải nghiệm, để yêu, để tận hưởng những gì xuất sắc nhất của công nghệ mà Samsung đã mang lại - trên cả 2 khía cạnh phần cứng và phần mềm. Con số 40.000 của Việt Nam, 650.000 trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng khi các tín đồ Android được tận hưởng Samsung Exerpience, DEX, Pay, Bixby...
Và như thế, từ vị thế là nhà sản xuất phần cứng có lợi nhuận cao nhất thế giới và nhà sản xuất smartphone đứng đầu về thị phần, hành trình chuyển mình thành một thế lực phần mềm của Samsung sẽ tiếp tục một cách vũ bão. Google, Amazon và Microsoft hãy dè chừng: cái dớp lấn sân của cả thế giới hi-tech sẽ sớm bị gã khổng lồ Hàn Quốc phá bỏ trong tương lai gần.