Samsung Odyssey OLED G9 mang lại trải nghiệm hình ảnh mãn nhãn tới mức bạn quên mất rằng mình chỉ đang sử dụng một chiếc máy tính chứ không phải ngồi trong rạp phim hay đeo kính thực tế ảo.

Game thủ nào cũng muốn sở hữu một chiếc màn hình có độ phân giải và tần số quét cao. Thế nhưng điều đó là chưa đủ, khi công nghệ độ phân giải hay tần số quét đã lên đến đỉnh điểm, độ rộng của màn hình mới là yếu tố làm giới game thủ mê đắm. Chiều theo nguyện vọng đó, Samsung đã mang tới một trải nghiệm xem có thể nói là cực kỳ mãn nhãn trên chiếc Odyssey OLED G9. Với mức giá gần 50 triệu cho phiên bản G95SC, bạn vừa có trong tay một chiếc màn cong tuyệt mỹ có kích thước lên tới 49 inch (chiều dài màn hình đạt tới gần 1,2 mét), công nghệ OLED cho chất lượng hiển thị màu sắc và độ tương phản hoàn hảo đi kèm với những chỉ số được coi là trong mơ của mọi game thủ: thời gian phản hồi chỉ 0,03s, độ sáng 250 nits và độ phân giải 5,120x1,440px.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 1.

Thế nhưng những con số nói trên là chưa đủ để nói về Samsung Odyssey OLED G9, phải sử dụng thực tế bạn mới thấy Samsung không cố gắng đưa tất cả những gì cao cấp nhất, hiện đại nhất vào chiếc màn hình này chỉ để tạo ra một mãnh thú về mặt thông số. Odyssey OLED G9 là hiện thân rõ ràng nhất về việc công nghệ có thể giúp trải nghiệm con người trở nên thú vị hơn gấp nhiều lần như thế nào. Hãy đi từ những nhu cầu thường ngày để tìm hiểu lý do vì sao chúng tôi đánh giá chiếc màn hình này cao tới vậy.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 2.

Nói về cảm giác chơi game, “immersive” - từ tiếng Anh mô tả cảm giác được chìm đắm trong game một cách chân thực khó tả chính là đỉnh cao mà một tựa game hướng tới. Bất kỳ nhà sản xuất game nào có thể khiến giới phê bình đưa ra nhận xét “immersive” dành cho tựa game của mình, đó chắc hẳn là một thành công lớn. Nhưng giờ đây sẽ thật khó đánh giá điều này khi một chiếc màn hình với công nghệ vượt trội như Odyssey OLED G9 có thể mang lại trải nghiệm “immersive” cho bất kỳ tựa game nào.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 3.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 4.

Kích thước màn chéo lên tới 49 inch đi cùng với độ cong 1800R cho bạn cảm giác “ngập” trong bất kỳ tựa game nào có hỗ trợ tỷ lệ màn hình 32:9. Trên thực tế, số lượng tựa game hỗ trợ tỷ lệ màn hình này thì không hề ít, trong đó có rất nhiều siêu phẩm như Total War: WARHAMMER III, Sekiro: Shadows Died Twice hay Red Dead Redemption 2. Là một game thủ, nếu bạn đã trải nghiệm qua màn hình có tỷ lệ siêu rộng 32:9, tôi dám đảm bảo rằng bạn sẽ không thể quay về tỷ lệ bình thường 16:9 hay 21:9 được nữa. Vẫn là tựa game đó, nhưng qua góc nhìn siêu rộng của tỷ lệ 32:9, nó như biến thành một tác phẩm hoàn toàn khác vậy.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 5.

Một trong những điểm làm nên cảm giác “immersive” đó chính là độ cong của màn hình. Nhìn từ 2 bên, bạn mới cảm nhận được vì sao chiếc màn hình này có độ dài lớn đến như thế nhưng không hề tạo cho bạn cảm giác mỏi mắt vì phải nhìn sang 2 bên. Độ cong với thông số 1800R tạo cảm giác “ôm trọn” hình ảnh cho người sử dụng ở phía chính diện. Phải thừa nhận rằng, TV màn hình cong là một thử nghiệm thất bại nhưng màn hình máy tính cong thì lại là một bước đột phá chính xác. Vì đơn giản, khi bạn xem TV thì có thể ngồi ở các góc nhìn khác nhau, dẫn đến việc xem trên màn TV cong có thể gây khó chịu khi đổi chỗ nhưng với màn hình máy tính, chỗ ngồi của bạn không thay đổi trong suốt quá trình sử dụng. Vậy nên, một chiếc màn hình siêu cong, siêu rộng quả thực là một trải nghiệm vô cùng đáng giá.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 6.

Với những ai đã và đang sử dụng màn hình Odyssey G9 phiên bản thường thì điểm khác biệt lớn nhất có thể nhận thấy khi chuyển sang phiên bản OLED được phủ chấm lượng tử lần này đó là màu sắc và độ tương phản. Phải nói rằng công nghệ hiển thị trên màn hình OLED vẫn là điều gì đó vượt trội so với màn hình LED thông thường, kể cả khi được phủ chấm lượng tử để nâng cấp thành QLED. Khi chơi các tựa game có màu sắc tươi tắn như The Witcher 3, sự khác biệt là rất dễ nhận thấy: cảnh sắc thiên nhiên, hoa lá rõ ràng là sặc sỡ, nổi bật hơn rất nhiều. Nhưng phải trải nghiệm những tựa game có khung cảnh tối tăm như Diablo IV, bạn mới thấy rõ điểm nổi trội của màn hình OLED. Những chi tiết, khung cảnh trong bối cảnh hầm ngục, hang động thường bị mờ, nhòe với màn hình LED thông thường thì nay hiển thị rõ như bạn đang có mặt tại đó vậy, thông qua Odyssey OLED G9.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 7.

Odyssey OLED G9 khiến tôi quên luôn việc xem phim trên chiếc TV OLED S95C đặt ở phòng khách mà chuyển hẳn thói quen này lên chiếc máy tính. Như đã nói, lợi ích của chiếc màn cong chỉ thực sự phát huy tác dụng khi bạn là người ngồi chính giữa, không thay đổi vị trí - điều không phù hợp với một chiếc TV đặt ở phòng khách dành cho nhiều người xem cùng lúc. Nhưng với màn hình máy tính thì nó lại chuẩn xác đến bất ngờ.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 8.

Những bộ phim Netflix hay HBO quay trong điều kiện ánh sáng rất kém (ví dụ tập 4 Game of Thrones mùa 8 hay tập 3 mùa đầu tiên của The Witcher) trở nên dễ xem và cuốn hút vô cùng nhờ chất lượng hiển thị tương phản xuất sắc của công nghệ OLED. Chưa kể với lợi thế của màn hình chuyên dành cho gaming với tần số quét lên tới 240Hz, bạn có thể dễ dàng theo dõi chuyển động của con Strzyga khi nó tấn công Geralt trong hầm mộ, thậm chí có cảm giác như đang đứng ở đó để xem khung cảnh này vì vị trí ngồi khá gần so với việc ngồi xem TV thông thường, lại còn có thêm màn cong trợ giúp “ôm trọn” tầm nhìn nữa.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 9.

Điểm trừ của “chiếc màn hình đội lốt TV” đó là bạn chỉ có thể thưởng thức những tựa phim ấy một mình chứ không thể rủ ai xem cùng. Vì độ cong quá mức của chiếc màn hình này khiến cho góc nhìn từ phía 2 bên của người khác trở nên rất hẹp và khó chịu. Tuy nhiên, đây thực chất lại chẳng phải điểm trừ vì máy tính là chỉ để cho bạn dùng lúc đó chứ đâu phải chia sẻ cho ai khác nữa?

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 10.

Nếu bạn vẫn quen làm việc với một màn hình thì nâng cấp lên Odyssey G9 OLED sẽ không mang lại nhiều cảm xúc cho lắm. Thậm chí bạn còn có thể bị “ngợp” vì màn hình có quá nhiều khoảng trống để trải nghiệm. Nhưng nếu bạn là một người nghiện làm việc đa nhiệm giống như tôi, Odyssey G9 OLED là một sự lựa chọn không thể tốt hơn. Tôi vẫn quen làm việc với ít nhất 2 màn hình cùng lúc để có thể thao tác nhiều việc cùng một lúc nhưng với Odyssey G9 OLED, tôi nhận được còn nhiều hơn thế. Với độ siêu rộng của chiếc màn hình này, bạn có thể chia 3, thậm chí chia 4 màn hình để làm việc cùng lúc, tăng năng suất lên rất đáng kể. Dù vậy, cùng lắm thì tôi dùng chế độ chia 3 màn hình còn bình thường thì để chia 2, chỉ bằng thao tác kéo - thả rất đơn giản. Có lẽ cũng không có nhiều người sử dụng chế độ chia 4 một cách mượt mà. Nếu có thì đó chắc hẳn phải là một người vô cùng năng suất trong công việc.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 11.

Đi kèm với khả năng hỗ trợ đa nhiệm đó là tính năng bảo vệ mắt Low Blue Light, loại bỏ ánh sáng xanh giúp mắt bạn đỡ mỏi hơn khi làm việc trong thời gian dài, phù hợp với người làm việc nhiều trên máy tính. Bên cạnh đó, màn hình có bổ sung thêm loa. Với người quen dùng tai nghe thì đây không phải điều gì quá thú vị nhưng với cá nhân tôi, đôi lúc dùng tai nghe nhiều gây mỏi thì việc bỏ ra để nghe loa ngoài trên màn hình cũng giảm bớt được phần nào sự khó chịu. Mặc dù chất lượng loa trên chiếc Odyssey OLED G9 khá là tệ nhưng “méo mó còn có hơn không”, bạn không thể kỳ vọng một chiếc màn hình vừa có loa hay lại còn đẹp, xịn như này được.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 12.

Việc lắp đặt Odyssey OLED G9 dễ dàng đến bất ngờ. Bạn chỉ việc vặn đúng một con ốc cố định chân đế, còn lại tất cả đều chỉ cần gắn lên là xong. Mặc dù vậy, cần phải cẩn thận khi nâng màn hình đặt vào chân đế vì cân nặng lên tới hơn 9kg (tổng khối lượng cả chân đế rơi vào khoảng hơn 18kg). Được thiết kế để dành cho game thủ, vẻ ngoài hầm hố với màu bạc kim loại ấn tượng cùng mặt lưng gắn đèn LED RGB giúp căn phòng của bạn nhìn chung trở nên “ngầu” hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nhờ tiến bộ của công nghệ OLED, chiếc màn hình của Samsung có độ mỏng rất ấn tượng, đủ chiều lòng những người dùng khó tính nhất về mặt thẩm mỹ.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 13.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 14.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 15.

Odyssey OLED G9 chưa phải hoàn hảo 100%, tôi sẽ chỉ cho chiếc màn hình này 99% là cùng. Là một chiếc màn hình hoàn hảo cho game và nhu cầu xem phim nhưng có một điểm yếu về mặt hiển thị rất dễ nhận ra trên chiếc màn hình này khi bạn làm việc nhiều với văn bản. Mật độ điểm ảnh thấp cùng với độ phân giải chưa hẳn là cao nhất (Phiên bản Odyssey Neo G9 OLED “xịn” hơn với độ phân giải 7,680x2,160px mới là cao nhất với kích cỡ lên tới 57 inch) tạo ra cảm giác “răng cưa” trên chữ, đặc biệt nếu bạn để tỷ lệ chữ trong Windows ở mức 100%.

Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey OLED G9 - ước mơ của mọi người dùng máy tính - Ảnh 16.

Nếu bạn đẩy tỷ lệ chữ lên tới 125%, hiện tượng này sẽ hết nhưng với tôi thì cỡ chữ đó lại hơi to so với tầm mắt, nên đành chấp nhận mình sẽ sử dụng ở mức 110% dù chữ viết hơi “vỡ” một chút. Tuy vậy, điểm yếu này dễ dàng được chấp nhận vì tất cả những khía cạnh ở trên quá tuyệt vời. Nếu bạn muốn tìm sự hoàn hảo, phiên bản Neo OLED G9 sắp ra mắt chắc sẽ làm bạn hài lòng nhưng tôi tin rằng, mức giá dự kiến sẽ không dưới 2 lần phiên bản này.

Vì vậy, cho đến khi phiên bản cao cấp hơn của màn Odyssey OLED G9 ra mắt, đây vẫn là chiếc màn hình đáng mua nhất hiện nay, cho tất cả nhu cầu của một người dùng máy tính, với một mức giá dễ tiếp cận hơn rất nhiều.