
Mới đây, Samsung Việt Nam đã chính thức giới thiệu bộ đôi sản phẩm mới gồm Galaxy S25 Edge và Galaxy Ring đến thị trường trong nước. Dù thuộc hai nhóm thiết bị hoàn toàn khác nhau - một là smartphone, một là thiết bị đeo thông minh - nhưng cả hai đều gợi lên cùng một câu hỏi lớn ngay từ thời điểm ra mắt: ai sẽ là người sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu những sản phẩm này?
Một phóng viên công nghệ trên tay hai sản phẩm được Samsung ra mắt tại thị trường Việt Nam trong ngày 13/5: Galaxy S25 Edge và Galaxy Ring.
Bởi lẽ, cả Galaxy S25 Edge lẫn Galaxy Ring đều không đi theo lối mòn quen thuộc. Chúng được thiết kế với định hướng rất rõ ràng - khác biệt, đột phá và nhắm tới những nhóm người dùng cụ thể, chứ không phải số đông. Điều này khiến cho mỗi sản phẩm, dù có những điểm sáng về công nghệ hay thiết kế, đều đi kèm với những hoài nghi nhất định: về tính ứng dụng thực tế, về mức giá, và về khả năng tồn tại lâu dài trong một thị trường ngày càng khắt khe.
Galaxy Ring: Chú "unicorn" trong giới thiết bị công nghệ
Trước hết, hãy nói về Galaxy Ring. Chiếc nhẫn thông minh này thực tế đã được Samsung công bố từ đầu năm 2024, bên cạnh bộ ba Galaxy S24. Sau một thời gian mở bán giới hạn tại một vài thị trường vào giữa mùa hè năm ngoái, đến nay Galaxy Ring mới chính thức cập bến thị trường Việt Nam.
Samsung không phải là hãng đầu tiên phát triển sản phẩm dạng này - thương hiệu Oura mới là cái tên đi tiên phong với dòng smart ring chuyên theo dõi sức khỏe. Tuy vậy, Samsung là nhà sản xuất lớn đầu tiên thực sự đưa thiết bị này đến tay người dùng phổ thông với quy mô toàn cầu.
Ba phiên bản màu sắc của Galaxy Ring: Đen Titan, Bạc Titan và Vàng Titan.
Cảm nhận ban đầu cho thấy Galaxy Ring sở hữu đầy đủ các tính năng theo dõi sức khỏe cơ bản như đo nhịp tim, phân tích giấc ngủ, đánh giá mức năng lượng. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về tính năng, sản phẩm này không mang lại điều gì quá mới so với những chiếc smartwatch hiện tại. Câu hỏi đặt ra là: người dùng đã có smartwatch rồi, thì Galaxy Ring để làm gì?
Cảm giác đeo thực tế Galaxy Ring cho thấy chiếc nhẫn này hơi dày, và có lẽ người dùng sẽ phải tập làm quen.
Cá nhân tôi cho rằng, Galaxy Ring không nên bị hiểu nhầm là thiết bị thay thế đồng hồ thông minh - mà đúng hơn, nó là một thiết bị bổ trợ, đặc biệt là trong giấc ngủ. Không phải ai cũng thấy dễ chịu khi đeo một chiếc đồng hồ cả đêm, chưa kể đến việc smartwatch vẫn bị giới hạn về thời lượng pin. Trong khi đó, Galaxy Ring nhỏ gọn, nhẹ nhàng và gần như không gây cấn tay khi nằm nghiêng - trở thành một giải pháp lý tưởng cho việc theo dõi giấc ngủ chuyên sâu. Nó giống như một công cụ cao cấp, được sinh ra cho một mục đích rất cụ thể.
Có thể coi Galaxy Ring là một thiết bị "bổ trợ" cho smartwatch, đặc biệt là trong theo dõi giấc ngủ.
Với mức giá niêm yết 9.990.000 đồng, Galaxy Ring đang là thiết bị đeo theo dõi sức khỏe có giá cao bậc nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, kể cả khi bạn là một người sẵn sàng chi gần 10 triệu đồng để sở hữu, thì hành trình để có được thiết bị này cũng không hoàn toàn đơn giản. Thay vì mua trực tiếp như các thiết bị công nghệ thông thường, người dùng sẽ phải trải qua một quy trình gồm nhiều bước.
Cụ thể, sau khi đặt cọc và thanh toán toàn bộ chi phí, người dùng sẽ được Samsung gửi một bộ đo nhẫn miễn phí - nhằm xác định chính xác kích cỡ ngón tay. Sau khi khai báo số đo qua hệ thống, hãng mới tiến hành chuyển Galaxy Ring đến tay khách hàng. Trong trường hợp người dùng chọn phải size khan hiếm, Samsung cho biết thời gian chờ đợi có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến.
Quy trình đặt mua Galaxy Ring không dễ dàng như bạn nghĩ.
Ngay quy trình đặt hàng cũng cho thấy rằng Galaxy Ring chưa thực sự sẵn sàng để trở thành một món hàng tiêu dùng đại trà, vốn yêu cầu sự tiện lợi và nhanh chóng trong khâu phân phối. Thật sự, Galaxy Ring vẫn là một chú "unicorn" (kỳ lân) trong giới thiết bị công nghệ.
Galaxy S25 Edge: Kẻ mở đường thường phải chấp nhận những hoài nghi
Galaxy S25 Edge là thiết bị khiến mọi ánh mắt phải đổ dồn về trong sự kiện vừa diễn ra. Với độ dày chỉ 5,8mm, Samsung gọi đây là mẫu Galaxy S mỏng nhất từ trước đến nay - một con số đủ để khiến không ít người đam mê công nghệ cảm thấy tò mò và phấn khích.
Lượng người sẵn sàng bỏ làm/bỏ học vào một buổi sáng ngày thứ Ba để tới Samsung West Lake, Hà Nội trên tay chiếc Galaxy S25 Edge cho thấy đây không phải là một chiếc smartphone bình thường.
Nhiều người cho rằng Galaxy S25 Edge là màn "đón đầu" của Samsung với iPhone 17 Air - cũng có thiết kế siêu mỏng sẽ được Apple ra mắt vào cuối năm nay. Nhưng thực tế, Samsung đã làm điện thoại mỏng từ rất lâu rồi. Tôi vẫn còn nhớ chiếc Ultra SGH-X820 ra mắt năm 2006 chỉ dày 6,9mm, hay Galaxy A8 năm 2015 còn mỏng hơn - 5,9mm.


Galaxy S25 Edge không phải lần đầu tiên Samsung thử sức với điện thoại siêu mỏng.
Nhưng những thiết bị đó, dù gây chú ý lúc ra mắt, đều nhanh chóng rơi vào quên lãng. Lý do thì ai cũng hiểu: để đạt được độ mỏng ấn tượng, chúng thường phải đánh đổi quá nhiều. Và, ở thời điểm mà công nghệ di động đang trong giai đoạn phát triển vũ bão, có vẻ như việc đánh đổi đó khó có thể được người dùng chấp nhận.
Galaxy S25 Edge, ít nhất trên lý thuyết, không đi vào vết xe đổ đó.
1. Galaxy S25 Edge vẫn được trang bị con chip đầu bảng Snapdragon 8 Elite for Galaxy như các mẫu Galaxy S25 còn lại. Samsung cho biết hệ thống tản nhiệt của Galaxy S25 Edge được tùy biến để trở nên phù hợp với thiết kế mỏng, nhưng vẫn đem lại hiệu quả để giữ hiệu năng ổn định.
2. Dù chỉ có hai camera, nhưng cảm biến chính của Galaxy S25 Edge lại có độ phân giải 200MP, cao hơn mức 50MP của Galaxy S25 và S25+. Thực tế, độ phân giải này tương đương với Galaxy S25 Ultra, cho phép người dùng zoom quang học 2X bằng cảm biến. Kết hợp với camera ultrawide 12MP, về cơ bản, hệ thống camera kép của Galaxy S25 Edge cho công năng "một chín, một mười" so với Galaxy S25 và Galaxy S25+.
3. Galaxy S25 Edge hỗ trợ đầy đủ các tính năng Galaxy AI như các mẫu Galaxy S25 khác.
4. Các mẫu máy mỏng như iPhone 6 Plus từng khiến Apple gặp rắc rối trong quá khứ vì độ bền (hãy Google cụm từ "bendgate" để hiểu thêm). Samsung cho biết Galaxy S25 Edge được gia cố bằng khung titan và kính Gorilla Glass Ceramic 2, và mặc dù cần thêm thời gian để kiểm chứng, cảm nhận ban đầu là máy tương đối cứng cáp.
Trải nghiệm "thoáng qua" của Galaxy S25 Edge không cho thấy một hạn chế đáng kể nào.
Tất nhiên, một sản phẩm "tiên phong/thế hệ đầu" như Galaxy S25 Edge chắc chắn sẽ không hoàn hảo. Trong đó, viên pin 3.900mAh là "gót chân Achilles" của Galaxy S25 Edge mà chúng ta sẽ cần phải thử nghiệm kỹ hơn. Tuy nhiên, đây có thể là giới hạn tạm thời, trong bối cảnh công nghệ pin silicon-carbon mật độ cao đang trở nên dần phổ biến. Có tin đồn cho rằng Samsung đang thử nghiệm công nghệ này trên dòng máy gập tiếp theo, và nếu thành công, thời lượng pin của "Galaxy S26 Edge" có thể được cải thiện rõ rệt.
Nhưng, con số đáng quan tâm hơn cả là "29.990.000 đồng", tức là giá bán niêm yết của Galaxy S25 Edge tại thị trường Việt Nam. Mức giá này của Galaxy S25 Edge là ngang ngửa, thậm chí còn cao hơn cả Galaxy S25 Ultra - hiện đã bình ổn ở mức khoảng 25 triệu đồng.
Đối thủ lớn nhất của Galaxy S25 Edge chính là Galaxy S25 Ultra
Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: trong khi Galaxy S25 Ultra dày hơn nhưng lại cung cấp trải nghiệm toàn diện - pin lớn, camera đầy đủ, không phải đánh đổi bất kỳ yếu tố nào - thì ai sẽ là người dùng lý tưởng của Galaxy S25 Edge, một thiết bị vốn đặt thiết kế mỏng làm ưu tiên hàng đầu?
Tôi là kiểu người thích điện thoại nhỏ. Không phải vì tôi ghét màn hình lớn - ai mà chẳng thích một màn hình rộng rãi để xem video hay làm việc. Nhưng khi nhét một chiếc máy cỡ Ultra vào túi quần jeans, tôi luôn cảm thấy bất tiện, thậm chí khó chịu. Có lần tôi thử dùng một mẫu điện thoại màn hình gập dạng dọc - nhìn thì nhỏ, nhưng độ dày của nó khiến tôi phải bỏ cuộc chỉ sau một tuần. Nó lồi, cộm và cấn rõ rệt mỗi lần ngồi xuống.
Galaxy S25 Edge cho tôi thấy một góc nhìn mới, khi điện thoại dễ đút túi quần hoàn toàn có thể có kích thước lớn!
Galaxy S25 Edge lại khác. Dù có màn hình 6,7 inch, nhưng chính nhờ thân máy chỉ 5,8mm mà khi bỏ vào túi, cảm giác gần như… biến mất. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi thấy một chiếc flagship cỡ lớn mà vẫn mang lại cảm giác nhẹ nhàng, gọn gàng như một chiếc điện thoại mini. Nếu như mọi vật thể vốn có ba chiều - dài, rộng và cao/dày - thì Galaxy S25 Edge đã giải quyết được bài toán mà phần lớn nhà sản xuất vẫn còn bỏ ngỏ: chiều dày là thứ thực sự quyết định sự thoải mái khi mang theo bên người.
Ảnh chụp thử bằng camera "zoom" 2X crop từ cảm biến 200MP của Galaxy S25 Edge
Ngoài nhóm người dùng yêu thích sự nhỏ gọn và tính cơ động, một đối tượng khác mà Galaxy S25 Edge dường như đang hướng tới chính là những người xem công nghệ như một phần trong phong cách sống. Ngay tại sự kiện, bên cạnh khu vực trải nghiệm công nghệ, Samsung còn dành nhiều không gian cho hoạt động trình diễn, nơi xuất hiện của các người mẫu, những gương mặt nổi tiếng trong làng thời trang, và cả các fashionista có gu ăn mặc nổi bật.
Thời trang là một yếu tố được Samsung nhấn mạnh tại sự kiện ra mắt Galaxy S25 Edge
Điều này cho thấy rõ định hướng của Samsung: Galaxy S25 Edge không đơn thuần là một chiếc điện thoại, mà là một tuyên ngôn phong cách. Và khi đã đụng đến hai từ "thời trang", thì thật khó để đòi hỏi sự thực dụng, đặc biệt là về giá bán!
Nhưng cho dù bạn là người ủng hộ Galaxy S25 Edge hay nằm trong số những người cho rằng chiếc máy này quá đắt, quá kén chọn, thì cá nhân tôi vẫn tin rằng sự ra mắt của nó là một điều tích cực cho toàn bộ thị trường. Bởi lẽ, Samsung đã một lần nữa đóng vai người tiên phong - dám thử nghiệm những giới hạn mới của thiết kế công nghiệp, dám đặt ra câu hỏi rằng: một chiếc flagship liệu có thể vừa mạnh mẽ, vừa mỏng nhẹ đến mức nào?
Một phụ kiện (có vẻ như không chính thức?) biến Galaxy S25 Edge trở thành một chiếc "túi xách". Chắc chắn, nữ giới sẽ là một trong những đối tượng chính được Samsung nhắm đến trong lần ra mắt này.
Và điều đó, xét cho cùng, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dùng. Bởi công nghệ không đứng yên - một khi Samsung đã thành công trong việc đưa chip mạnh, camera lớn và loạt tính năng Galaxy AI vào một thiết bị chỉ dày 5,8mm, thì không có lý do gì những công nghệ này lại không thể xuất hiện ở các dòng máy tiếp theo. Tôi tin rằng bất kỳ ai cũng sẽ ưu tiên một chiếc điện thoại mỏng nhẹ hơn.
Những tin đồn gần đây về Galaxy Z Fold7 - được cho là smartphone màn hình gập mỏng nhất thế giới - khiến tôi càng tin chắc rằng Samsung đang đi đúng hướng. Và biết đâu, những gì Galaxy Z Fold7 làm được trong vài tháng tới, chính là nhờ vào bước đi mạo hiểm mà Galaxy S25 Edge đã khai phá hôm nay.
Galaxy S25 Edge là nền tảng công nghệ để Samsung tạo ra các sản phẩm mỏng nhẹ hơn trong tương lai.
“Mình đánh giá cao Samsung ở chỗ họ dám làm những thứ khác biệt, kể cả khi biết sản phẩm sẽ không dễ bán ngay. Giống như những mẫu điện thoại gập ở thời điểm ban đầu còn hạn chế, nhưng qua nhiều thế hệ đã trở nên hoàn thiện. Mình tin rằng Galaxy S25 Edge cũng sẽ như vậy.”, reviewer Rương Công Nghệ (Vật Vờ Studio) chia sẻ với tôi.