Đại đa số chúng ta biết về thành tựu lớn của dân tộc Việt Nam nói chung và của không quân Việt Nam nói riêng: tôi đang không nói về chiến tích bắn hạ B-52 (vì đã nói ở bài viết này rồi), mà về việc đã có một người con máu đỏ da vàng được ngắm nhìn toàn bộ dải đất hình chữ S từ trên Vũ trụ. Tròn 40 năm trước, ngày 23/7/1980, có một vị anh hùng với chiến công lẫy lừng đang ngồi trên quả tên lửa, bay với vận tốc xé bầu khí quyển mà tiến vào không gian bất tận.
Thế nhưng tôi dám chắc bạn không biết câu chuyện đằng sau nó, những khó khăn mà các chiến sĩ không quân năm xưa gặp phải, hay những kỷ niệm khó quên khi dấn thân vào một trong những sứ mệnh cao cả và nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại. Dám cá là bạn cũng giống tôi, chẳng biết tới tên họ đầy đủ của bốn vị anh hùng dân tộc được trao cho cơ hội lên quỹ đạo.
Bằng một cái giật mình trong đêm tối, khi đang viết bài chứng minh sự kiện con người bay lên Mặt Trăng là có thật thì nhận ra đã từng có người Việt Nam lên Vũ trụ, hòa với một chút may mắn trên đường đi "giao liên", tôi được ngồi trước bác Phạm Tuân, để hỏi vị nhân chứng lịch sử này về những chiến công lẫy lừng xưa kia. Tìm được tới nhà bác, xin phép bác dời buổi nói chuyện ra sân với cây cảnh, chim chóc và chút dịu mát của một chiều cuối thu, tôi đặt câu hỏi.
Cảm thấy may mắn vô cùng khi có dịp diện kiến anh hùng dân tộc Việt Nam, tôi cẩn thận soạn ra một bộ câu hỏi, mong muốn bác Phạm Tuân giải đáp được những thắc mắc đã tích tụ bấy lâu.
Thời điểm đó, phía Nga yêu cầu ta đưa sang bốn phi công để tuyển lấy hai người, và sau quá trình luyện tập thì sẽ chọn ra một người thôi. Lúc ấy, bác đang ở Liên Xô nên không được tuyển cùng các anh ở Việt Nam. Bác được biết tin ta dự định chọn anh Cốc vì anh có chiến công bắn hạ được nhiều máy bay nhất mà lại có sức khỏe cực kỳ tốt, nên rõ ràng anh Cốc là ứng cử viên số một rồi. Còn việc bác có mặt trong danh sách cũng ít nhiều để cho đủ số lượng.
Trong vòng tuyển loại kéo dài nửa tháng, kết quả cho thấy sức khỏe của các phi công đều tốt cả. Chỉ khi đến vòng cuối cùng, khi phải bước vào buồng thử sức chịu lực G trong vòng 10 phút, thì anh Cốc chỉ chịu được khoảng 6 phút. Anh xin phép về nghỉ để hôm sau thử lại nhưng cũng không thành.
Không rõ do may mắn ra sao, bác lại vượt qua được bài thử, ngồi đủ 10 phút trong buồng quay thử nghiệm. Khi nhận được kết quả, bác đã nghĩ ngay tới việc thử nghiệm phi công lên Vũ trụ cũng giống như thi hoa hậu vậy, người ta xếp thứ hạng từng người từng năng lực một, để rồi chọn ra người xuất sắc nhất.
“Không rõ do may mắn ra sao, bác lại vượt qua được bài thử, ngồi đủ 10 phút trong buồng quay thử nghiệm”.
Câu chuyện về bèo nổi lên chỉ vì các phóng viên nhà mình xoáy sâu vào quá thôi, chứ sự thực không như vậy đâu. Phi hành gia mang theo lên trạm Vũ trụ rất nhiều loài cây cỏ khác như lạc, đậu, … nhiều lắm. Mục đích đầu tiên là nuôi được cây cối trong Vũ trụ, cải thiện bầu không khí.
Hoa nở sẽ làm đẹp cuộc sống tinh thần của phi công trên đó. Xa hơn nữa, thực vật sẽ sinh sôi nảy nở để tạo thành nguồn thức ăn ngoài không gian. Sau này, những chuyến bay dài sang hành tinh khác mà không có tàu tiếp tế lương thực thì phi hành đoàn phải tự trồng thực phẩm mà ăn thôi. Đó mới là mục đích mang thực vật theo mình, chứ không phải chỉ mang danh “cầm bèo” lên Vũ trụ.
Bản thân bác tới từ xứ bèo Thái Bình, nên các phóng viên lại cứ vin vào chi tiết “cánh bèo” để nói cả câu chuyện.
“Đáng lẽ sẽ còn nhiều đợt thử nghiệm nữa, nhưng vì Liên Xô tan rã và chương trình Vũ trụ đó cũng vậy, nên không có cơ hội thí nghiệm tiếp nữa”.
Việt Nam ta có cụm từ “Hàng không Vũ trụ”, nhưng thực tế đây là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt, với những nguyên lý bay rất khác nhau. Máy bay cất cánh và duy trì độ cao nhờ không khí, còn tàu không gian và trạm vũ trụ trong môi trường chân không hoàn toàn, lên được không gian là tắt máy để cho mọi thứ bay theo quỹ đạo.
Ngồi trên máy bay chiến đấu thì căng thẳng và nguy hiểm lắm chứ, mà nội việc ngồi trên máy bay là nguy hiểm rồi, vì ngay dưới ghế phi công là thiết bị nổ có thể được phi công kích hoạt bất kỳ lúc nào. Thậm chí chưa cần cất cánh, máy bay nổ lốp trên đường băng là mạng sống phi công đã có thể gặp nguy hiểm. Đó là chưa kể tới việc bay vào chiến trận.
Nhưng cái cảm giác ngồi trên quả tên lửa thì nó mông lung lắm, bác ngồi trên độ cao 40 mét trước lúc tên lửa cất cánh cơ mà! Mình học máy bay thì chưa thấy quả tên lửa, xem nhiều thước phim về các chuyến khởi hành, mình chỉ biết là “À, rồi mình sẽ được ngồi vào quả tên lửa kia”; đến lúc nhìn tận mắt rồi thì bác mới choáng ngợp trước kích cỡ của nó. Ly kỳ lắm.
Tất nhiên là có những nguy hiểm riêng, nhưng hiển nhiên bác vẫn muốn thử nghiệm xem khả năng của mình như thế nào. Với máy bay, mình có toàn quyền điều khiển mọi chức năng trong buồng lái, nhưng sự thành bại của quả tên lửa do kỹ thuật công nghệ quyết định hết. Hỏng thì chết, mà tốt thì sống.
Nhiều lần phóng không thành công, nhiều phi hành gia hy sinh lúc hạ cánh hay thậm chí ngay trên bệ phóng nên Nga cũng có những mê tín riêng đấy! Trước khi bay, người ta chỉ dặn phải “tự tin” rằng con tàu và máy móc nó mang theo sẽ đối tốt với phi hành đoàn, và “bình tĩnh” xử lý mọi tình huống.
Người ta cũng yêu cầu kiêng khem nhiều thứ trước khi lên không lắm! Bác có nhớ một kỷ niệm như thế này: trước khi bay, chẳng ai đòi hỏi nhau gì to tát cả, mấy đồng chí lén lút ngồi uống với nhau một chén rượu vang. Đang nâng ly thì ông chỉ huy đi qua, nhìn thấy rồi mắng: “Sắp đến giờ bay rồi mà chúng bay vẫn ngồi uống rượu hả?”. Nói vậy chứ ông cũng hiểu tâm lý anh em trước giờ bay ra sao.
Sáng ngày 23 tháng 7 năm 1980, khi mọi người đã chuẩn bị ra ô tô rồi, chỉ huy gọi cả phi hành đoàn vào phòng và yêu cầu ngồi xuống ghế, và rằng tôi có ý kiến. Tất cả ngồi yên khoảng mấy giây thôi, rồi chỉ huy hô lớn “Đi!”, và thế là lên đường!
Bác hỏi mới biết: trước khi đi, tất cả ngồi tĩnh lặng một chút để lấy may mắn.
Trong khoang tên lửa, hai phi công luôn phải mặc bộ đồ phi hành gia để đảm bảo an toàn, ví dụ như khi khoang mất áp suất đột ngột hay bất cứ biến cố gì khác. Nhưng khi lên tới trạm thì bác mặc đồ của họ cấp cho, bác vẫn còn giữ bộ đồng phục trạm vũ trụ trên phòng kỷ niệm chương đấy!
Bộ quần áo mà anh hùng Phạm Tuân đã mặc khi bay trên quỹ đạo.
Đội bay luôn có một lái chính và một lái phụ, chỉ lúc cất hạ cánh mới chia chức vụ thôi chứ lên được trạm rồi thì mọi hoạt động nghiên cứu của mọi người đều như nhau. Bác cũng thực hiện công việc nghiên cứu như bao người khác.
Ăn suốt rồi cũng quen chứ. Giai đoạn trước khi được tuyển chọn, bác đã quen với bữa ăn của người Nga rồi, và trước khi bay một tuần, bác đã được làm quen với các thực phẩm dinh dưỡng trên trạm Vũ trụ. Tuy nhiên lên trạm cũng chẳng phải ăn nhiều đâu, vì làm việc trên đó không tạo cảm giác đói!
Bởi lẽ, ở trên trạm không phải đi lại nhiều, lúc nào người cũng lơ lửng trong không trung, chỉ sử dụng hai tay để “đi lại” thôi nên năng lượng tiêu hao rất ít. Nhưng mà mọi người cũng vẫn cứ ăn vặt thường xuyên ấy mà! Trên trạm, có cả một chỗ để đồ ăn vặt riêng mà ai cũng có thể tiếp cận. Chẳng khác sinh hoạt gia đình là mấy.
Nhìn từ trên cao, bác thấy rõ được sông ngòi và đỉnh núi nhấp nhô phủ tuyết, các đường bờ biển uốn lượn ra sao. Có thể chỉ rõ những đường nước trắng tạo ra bởi các con tàu biển cơ, hay khi bác bay qua Châu Phi là thấy những đốm khói điểm dưới mặt đất. Nếu không có mây, bác có thể nhìn thấy rõ địa hình Trái Đất ra sao.
Nhìn từ trên Vũ trụ, không thể thấy rõ mồn một được, nhưng bác vẫn nhìn được dáng của bờ biển Việt Nam, rồi thấy mũi Cà Mau chĩa ra biển. Thậm chí có thể phân biệt giữa thành phố, đồng bằng, có thể đoán được đâu là Hà Nội, bởi thấy được con sông Hồng chảy vắt ngang mà.
Bác chụp rất nhiều, tuy nhiên bác không được giữ. Trong tay bác là máy ảnh của Đức, bấm chụp liên tục nhưng đó đều là tư liệu nghiên cứu. Bác không rõ các bộ nghiên cứu của Việt Nam có mang về tấm nào không, nhưng theo nguyên tắc là không được giữ tài liệu.
Cũng không được mang nhiều lắm đâu.
Bác cầm theo lá cờ Tổ quốc, một nắm đất tại Ba Đình, di chúc của Bác Hồ và Tuyên ngôn Độc lập. Bên cạnh đó là một tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm ảnh của đồng chí Lê Duẩn. Tất cả đều được đóng dấu, ghi ngày tháng cụ thể. Bác chỉ giữ lại ảnh của đồng chí Lê Duẩn cho tới cách đây hai năm, bác tặng lại tấm ảnh cho gia đình bác Duẩn.
Để trả lời được câu hỏi của cháu, ta phải trả lời câu hỏi “Bay vào Vũ trụ để làm gì?” Môi trường Vũ trụ có mấy điểm đáng chú ý như thế này:
Vị trí rất cao, nên có thể quan sát mặt đất dễ dàng, có thể chụp ảnh và kết hợp với dữ liệu khảo sát trên mặt đất. Từ đó tìm hiểu về tài nguyên đất, tài nguyên biển mà ta có. Từ trên cao, ta có thể nhìn toàn cảnh dãy núi kéo dài như thế nào, đi theo hướng nào, các vết đứt gãy của núi và lục địa ra sao.
Điểm đáng chú ý nhất của việc nghiên cứu trên Vũ trụ đó là ta tận dụng được trạng thái không trọng lực. Bác nói một cách đơn giản như thế này: các nguyên tử, phân tử đều bị tác động bởi lực hút của Trái Đất, khi đun nóng chảy một tổ hợp dung dịch rồi để nó nguội, những gì nặng cũng sẽ chìm xuống dưới, khiến việc phân bố phân tử trong dung dịch không đồng đều. Nhưng trong môi trường không trọng lực, vật chất trong dung dịch được phân phối rất đều; đó chính là cách làm ra được các vật liệu dùng trong các thiết bị cao cấp.
Việc điều chế thuốc cũng vậy, thí nghiệm ở dưới mặt đất không cho ra một tổ hợp vật chất đồng đều, môi trường Vũ trụ sẽ giải quyết được vấn đề đó. Hay để bác ví dụ một nghiên cứu khác [về khoa học vật chất]: khi đun nóng một thanh kim loại nhất định, môi trường không trọng lực sẽ khiến từng chất bị tách riêng ra. Khi cho đông đặc lại, chất nào có nhiệt độ đông đặc cao hơn sẽ sớm kết lại rồi nổi lên trên, lần lượt như vậy ta sẽ tách được các tạp chất ra khỏi một khối hợp chất.
Dòng chú thích của bài báo năm xưa: “Đồng chí Phạm Tuân tiến hành thí nghiệm khoa học trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng 6 - Liên hợp 36 - Liên hợp 37” - Ảnh chụp qua máy thu hình.
Đó là những thí nghiệm tận dụng môi trường không trọng lượng, còn một mảng khác đó là thiên văn học. Khi ở trên không gian, không còn lớp khí quyển Trái Đất chặn tầm nhìn nữa, các kính viễn vọng sẽ dễ dàng quan sát những vùng không gian xa hơn. Bằng mắt thường, ban ngày bác vẫn nhìn thấy được cả Trăng cả sao cơ mà, không còn có gì che chắn cả.
Vậy nên những ống kính tiềm vọng đặt trên tàu Vũ trụ sẽ hiệu quả hơn nhiều. Như cháu thấy đó, nhiều kính viễn vọng ngày nay phát hiện được ra thêm nhiều hành tinh khác, nhiều hệ sao khác là vì thế.
Còn một loạt các nghiên cứu về thông tin liên lạc nữa. Ngày xưa, thời ta không có vệ tinh thì dùng các trạm sóng vô tuyến, nhưng cháu thấy bây giờ ta liên lạc với nhau “ngon lành” như thế nào rồi đấy. Đó là một số những thử nghiệm người ta thường thực hiện trong Vũ trụ.
Về bác, bác mang theo khoảng gần 40 thí nghiệm, đều nằm trong những phạm trù vừa nêu: cũng là luyện kim, chụp ảnh mặt đất, nghiên cứu về bề mặt lục địa và biển, … Thời gian có hạn nên bác chẳng thể kể từng thí nghiệm một được.
“Có khoảng 6 ngày trong không trung thôi, nhóm các bác phải chia nhau ra mỗi ngày, mỗi người làm bao nhiêu thí nghiệm”.
Bác có thể ngủ tốt! Chỉ có mấy ngày đầu mới lên trạm thì khó ngủ thôi. Điều kiện không trọng lượng khiến máu dồn lên não nhiều, chẳng khác gì việc ta ngủ chúc đầu xuống đất khi ở dưới mặt đất này vậy. Tương tự với việc nhiều người nằm gối thấp không ngủ được đó, nhưng cháu có thể tưởng tượng ngủ trên Vũ trụ nặng hơn thế nhiều.
Hai ngày mới lên, đầu lúc nào cũng căng ra nhưng rồi bác cũng quen. Ngủ ở trên đó thích lắm! Và vì mình lơ lửng trong cái túi ngủ nên trước khi nhắm mắt, phải nhớ buộc túi vào đâu đó kẻo bay phải anh em phi hành đoàn.
Cuộc sống của phi công trên trạm cũng đơn giản thôi ấy mà, cũng không khác mấy cuộc sống thường nhật dưới mặt đất. Ở lâu, anh em cũng tự tạo ra những trò tiêu khiển riêng. Ở trên cùng của trạm có một cái phòng tranh nhỏ, mỗi phi hành gia mang lên đó vài tấm hình, vài món đồ chơi để tạo cảm giác gần gũi cho cuộc sống trên trạm Vũ trụ. Vậy là giữ được tâm lý ổn định bên cạnh việc duy trì sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.
Trên đường lên trạm Vũ trụ, các phi hành gia phải tự mang theo tranh ảnh, đồ chơi để khuây khỏa giữa không gian tĩnh mịch.
Không kịp cháu ạ. Bác bay là thời điểm giữa năm 1980, đã thấy Liên Xô có dấu hiệu bất ổn rồi. Khi Liên Xô bắt đầu tan rã, các chương trình Vũ trụ cũng lụn bại dần.
Có nhiều người nêu lên những khía cạnh đó, rồi có những bằng chứng của họ như chỉ ra cờ bay trên Mặt Trăng không có gió ra sao chẳng hạn. Nhưng phải khẳng định thế này: Mỹ đã lên Mặt Trăng rồi. Chẳng có lý gì khi Mỹ chưa thành công mà Nga lại không lên tiếng phủ nhận điều đó.
Nhiều người đánh giá thế hệ trẻ thế này thế khác, nhưng bác phải nói rằng hoàn cảnh, điều kiện hòa bình khiến cho cuộc sống ngày nay như vậy. Điều quan trọng là chúng ta phải tin tưởng; bây giờ cuộc sống tốt hơn rồi, cả về vật chất lẫn tinh thần, không có lý do gì mà thanh niên thời đại mới không phát triển tốt. Có thể có những phần tử xấu, nhưng bác cho rằng khi biết suy nghĩ, con người đã vào khuôn khổ rồi thì họ sẽ khác.
Bác chỉ mong rằng thế hệ trẻ có thể hiểu chính mình, đánh giá đúng năng lực của mình để chọn một công việc phù hợp. Đã chọn rồi, hãy phấn đấu và cố gắng thực hiện nó. Đừng mơ màng quá, nhưng cũng đừng suy nghĩ nặng nề quá. Cái quan trọng nhất: Mình phải là chính mình.
Lỡ miệng hỏi một câu đời thực quá để rồi nhận về câu trả lời phải động não mà tự vấn bản thân, tôi ngồi thần ra mất … vài giây. Nhanh chóng “chữa cháy” cho cả mình và các anh em đi cùng cũng đang giật mình, tôi xin bác vài kiểu ảnh chụp lại kỷ vật của những năm tháng xưa: cái thời phi công hạ B-52 oanh liệt và 7 ngày lịch sử ngoài Trái Đất.
Tôi mong những tấm ảnh lịch sử dưới đây sẽ khiến bạn choáng ngợp - chính cái cảm giác mà tôi đã trải qua khi bước vào căn phòng chứa đầy chiến tích lịch sử.
Tôi biết anh hùng Phạm Tuân cũng có mong mỏi riêng: nhờ tôi chuyển tới bạn đọc câu chuyện của bác, những khoảnh khắc lịch sử bác trải qua và lời dặn của một người đã tận mắt chứng kiến nhiều thế hệ người Việt nối tiếp nhau trong vòng quay sự sống: sinh ra, lớn lên và tiếp tục sứ mệnh xây dựng xã hội, vun đắp cho Tổ quốc.
Tất cả đều bắt đầu từ việc xây dựng bản thân, “Mình phải là chính mình”.