Mở đầu bằng phiên bản Galaxy S năm 2010, dòng Galaxy S đã trải qua 7 phiên bản. Mỗi phiên bản lại là sự hoàn thiện, nâng cấp vượt trội so với người tiền nhiệm, để rồi làm nên dấu mốc hoàn mỹ, đại thành công của Galaxy S7/S7 edge.
Thế nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, thế hệ thứ 8 của dòng Galaxy S hứa hẹn sẽ là một quả bom tấn chưa từng có trong lịch sử smartphone, với thiết kế phi thường và những tính năng đặc biệt thú vị. Trước khi diện kiến vị vua mới của làng smartphone sẽ ra mắt vào 29/3 tới đây, ta sẽ cùng điểm lại các dấu mốc cho sự phát triển của dòng thiết bị nổi tiếng này.
Năm 2010 đã trở thành một dấu mốc lịch sử với Samsung khi hãng lần đầu tiên có được một bước đột phá để tiến vào thị trường smartphone Mỹ.
Công đầu trong thành tích đó thuộc về chiếc Samsung Galaxy S. Vào thời điểm smartphone Android đang thống trị bởi hai người khổng lồ HTC và Motorola, hai công ty đang chật vật tìm cách đánh bại iPhone, Samsung đã tìm ra cho mình một công thức riêng.
Chiếc Samsung Galaxy S nổi bật vào thời điểm đó nhờ một màn hình 4-inch rộng rãi, màu sắc sống động từ công nghệ Super AMOLED đặc trưng của Samsung.
Bên cạnh bộ xử lý 1 GHz đã trở nên phổ biến vào thời điểm đó, Samsung Galaxy S còn được trang bị GPU mạnh nhất vào thời điểm đó, mạnh hơn cả iPhone 4 ra mắt cùng năm. Trước khi iPhone 4 ra mắt, Galaxy S cũng là smartphone mỏng nhất vào thời điểm đó với bề dày 9,9mm.
Ngay khi ra mắt trong năm 2010, Galaxy S đã cán mốc doanh số 10 triệu máy và trở thành thiết bị Android đầu tiên đạt mốc doanh số này.
Sau thành công của chiếc Galaxy S, Samsung dường như đã tìm ra cho mình một công thức để chiến thắng trên thị trường smartphone vào thời điểm này, đó là thiết kế, màn hình hiển thị và tốc độ bộ xử lý. Và công thức đó đã được lặp lại với Galaxy S2 ra mắt vào năm 2011.
Cấu hình được nâng cấp tới mức chuẩn mực của smartphone Android, Galaxy S2 lại "ăn điểm" nhờ vào thiết kế của mình. Bốn cạnh thẳng với các đường bo tròn nhẹ ở bốn góc đã mang lại cảm giác thân thiện cho người dùng. Không những vậy, Galaxy S2 còn là một trong những chiếc smartphone mỏng nhất vào thời điểm đó, 8,5mm. Kỷ lục về độ mỏng của năm chỉ bị đánh bại khi chiếc Motorola Droid Razr ra mắt, nhưng khi đó đã là tháng Mười Một năm 2011, khi mà thị trường smartphone của năm đã đi đến hồi kết thúc.
Thành công của chiếc Galaxy S đã được kế tiếp bởi Galaxy S2, với doanh số xuất xưởng đạt 10 triệu chiếc trên toàn cầu chỉ sau 5 tháng. Bên cạnh đó, Samsung cũng qua mặt Apple về doanh số smartphone vào quý 3 năm 2011, và vươn lên dẫn đầu toàn cầu với thị phần 23,8%, so với thị phần 14,6% của Apple.
Tiếp tục công thức làm nên thành công của chiếc Galaxy S2, Galaxy S3 là sự nâng cấp mạnh mẽ về cấu hình và thiết kế so với người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, Samsung đã nhận thấy cuộc chạy đua về mặt cấu hình smartphone Android sẽ sớm chấm dứt khi nhiều thiết bị ngày càng có cấu hình tương tự nhau, và giờ là lúc chuyển sang khác biệt hóa về phần mềm.
Các tính năng thông minh xuất hiện trên Samsung Galaxy S3 vào lúc đó như ra lệnh bằng giọng nói S-Voice, hay màn hình thông minh Smart Stay, kết hợp hoàn hảo với thiết kế bo tròn mềm mại và tốc độ xử lý mạnh mẽ đã làm nên ưu thế cho thiết bị này khi cạnh tranh với HTC One X hay iPhone 4S.
Chiếc Galaxy S3 cũng là thiết bị Android đầu tiên có giá bán ra mắt cao hơn iPhone 4S khi thiết bị của Apple giới thiệu vào năm 2011. Nhưng con số 9 triệu thiết bị đặt trước chỉ 2 tuần sau khi ra mắt và doanh số 10 triệu chiếc chỉ sau 3 tháng mở bán đã biến Galaxy S3 thành thiết bị bán chạy nhất trong lịch sử
Sau thành công vang dội với thiết kế kiểu đá cuội mềm mại của Galaxy S3, năm 2013, Samsung quay trở lại với thiết kế mạnh mẽ cứng cáp trên chiếc Galaxy S4. Vẫn giữ những đường bo tròn ở các góc, nhưng các cạnh được làm phẳng hơn. Màn hình 5.0 inch lớn hơn nhưng kích thước thiết bị còn được thu lại hẹp hơn, mỏng hơn, đem lại cảm giác thoải mái khi cầm nắm, cũng như sử dụng. Màn hình 5.0 cũng làm nên một giới hạn chuẩn cho những chiếc smartphone sau này.
Tuy nhiên, lúc này việc chạy đua cấu hình đã trở nên bão hòa khi hàng loạt đối thủ cùng có phần cứng tương tự nhau, càng buộc Samsung phải chú trọng hơn đến các phần mềm bổ sung của mình để giúp người dùng tận dụng smartphone của mình dễ dàng hơn.
Sự ổn định và hài hòa về phần cứng và phần mềm so với các đối thủ khác cũng làm nên doanh số ấn tượng cho chiếc smartphone cao cấp này của Samsung. Chiếc Galaxy S4 trở thành smartphone bán chạy nhất lịch sử Samsung khi bán được 4 triệu chiếc trong 4 ngày, 10 triệu chiếc trong 27 ngày. Đặc biệt tại thị trường trọng điểm Mỹ, việc nhu cầu lớn vượt quá dự kiến của hãng đã khiến việc giao hàng tới một số người dùng thuộc mạng Sprint và T-Mobile chậm hơn lịch trình.
Năm 2014, thời điểm ra mắt chiếc Galaxy S5 là một năm bản lề cho việc tìm hướng đi mới với ngành công nghiệp smartphone thế giới. Chiếc Galaxy S5 ra đời với màn hình và cấu hình không có nhiều cải thiện so với phiên bản S4, một minh chứng quan trọng cho việc chạy đua cấu hình smartphone đã kết thúc. Cùng lúc đó, người ta cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các smartphone tầm trung với cấu hình dù chỉ bằng các flagship vài năm trước nhưng giá bán hấp dẫn hơn hẳn.
Galaxy S5 lại đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp của Samsung khi hãng đã tìm kiếm cho mình một công thức thành công mới. Trong khi cấu hình và kích thước màn hình không còn là ưu thế duy nhất, những tính năng bổ sung như cảm biến vân tay hay camera không đem lại hiệu suất như kỳ vọng. Hơn nữa, việc vẫn duy trì thiết kế vỏ nhựa bị xem là quá lỗi thời và "rẻ tiền" so với phân khúc cao cấp của thiết bị này.
Vẫn là smartphone được giao hàng nhanh nhất trong lịch sử Samsung khi xuất xưởng đến 11 triệu chiếc S5 trong tháng đầu mở bán. Đó không phải là tín hiệu xấu, mà còn là báo hiệu rằng Samsung sắp có bước chuyển mình vĩ đại.
Bộ đôi Galaxy S6/S6 edge chứng kiến ý tưởng độc đáo mặt kính cong tràn hai cạnh được thương mại hóa lần đầu tiên trên thế giới, tạo ra bước ngoặt vượt trội về thiết kế của ngành điện thoại di động.
Cảm biến vân tay được cải thiện đáng kể và có thể khiến người dùng quên đi việc nhập lại mật khẩu mở lần mở máy. Thêm vào đó, tính năng sạc không dây đã trở thành tiêu chuẩn trên toàn bộ dòng thiết bị, thay vì chỉ trên một vài phiên bản như trước kia. Trong khi camera được tăng cường độ mở (f/1,9 so với f/2,2) và tính năng chống rung quang học được bổ sung cho camera sau, Samsung là hãng đi đầu trong việc tăng cường camera trước, với gia tăng kích thước cảm biến để tăng độ nhạy sáng.
Giao diện phần mềm cũng đã được trau chuốt lại và trở nên liền mạch hơn với thiết kế của máy. Số lượng các "bloatware" đã được giảm bớt, kết hợp với một bộ xử lý với quy trình sản xuất mới, FINFET 14nm, gia tăng hiệu suất nhưng giảm năng lượng tiêu thụ.
Điểm nhấn về thiết kế của năm thuộc về chiếc Galaxy S6 edge và S6 edge Plus. Trong khi màn hình cong một phía là một thử nghiệm thú vị mà Samsung thực hiện trên chiếc Galaxy Note edge, với S6 nó đã trở thành một đặc trưng cho dòng flagship của Samsung. Với màn hình cong, Samsung tìm ra một cách tiếp cận để mở rộng khả năng tương tác của người dùng với thiết bị mà không phải gia tăng kích thước.
Và đây cũng là điểm nhấn thiết kế làm nên chuẩn mực của smartphone hiện đại mà Samsung đã đặt ra, để rồi sau đó, đại thành công với bộ đôi Galaxy S7/S7 edge.
Doanh số bộ đôi S6/S6 edge và S6 edge Plus dù chưa được như kỳ vọng, nhưng nó cho thấy Samsung đã biết cách lắng nghe người dùng để cải thiện trải nghiệm cho họ. Trong khi thiết kế khung kim loại nguyên khối được đánh giá cao, việc thiếu sót khe cắm thẻ nhớ và pin rời vẫn bị người dùng xem là các thiếu sót không thể bỏ qua.
Ngay lập tức, bộ đôi S7 và S7 edge đã mang khe cắm thẻ nhớ quay trở lại. Vẫn là pin liền nhưng dung lượng được gia tăng đáng kể làm nhu cầu thay pin của người dùng cũng không còn cần thiết, mà vẫn đảm bảo được thiết kế gọn gàng của thiết bị. Một tính năng thiết thực khác được mang trở lại đó là khả năng chống nước chống bụi theo tiêu chuẩn cao nhất, IP68.
Nhưng các cải thiện lớn nhất về trải nghiệm người dùng thuộc về phần mềm và giao diện người dùng với các tính năng thiết thực. Tính năng "Always On" cho phép hiển thị các thông báo, đồng hồ, lịch trên màn hình chờ mà tốn rất ít năng lượng. Màn hình này còn tự tắt hoàn toàn khi cảm biến nhận ra thiết bị được bỏ vào túi. Hai cạnh cong của S7 edge được tận dụng tốt hơn với các chức năng bổ sung tiện lợi hơn. Ngoài ra, với việc loại bỏ cảm giác cấn tay và các thao tác điều khiển bằng cử chỉ cũng khiến người dùng tương tác tốt hơn với thiết bị màn hình lớn mà không cảm thấy vướng víu.
Trong khi người dùng bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt về trải nghiệm giữa một smartphone cấp thấp và cấp cao, Samsung đã nâng thiết bị flagship lên một tầm cao mới với bộ đôi S7/S7 edge. Trong nửa đầu năm 2016, đã có hơn 13 triệu sản phẩm từ bộ đôi này được bán.
Một đặc điểm của Samsung là khả năng phát triển bền bỉ, khi mỗi lần họ vấp ngã là một lần họ lại tìm ra cách để đứng dậy và trở nên vững mạnh hơn. Lĩnh vực smartphone cũng không ngoại lệ, khi hãng liên tục ghi nhận các nhược điểm của mình để tìm ra cách khắc phục. Trong khi bộ đôi S7/S7 edge được xem là phiên bản hoàn thiện công thức thành công được khởi xướng từ bộ đôi S6/S6 edge, thì bộ đôi S8 và S8 Plus sắp ra mắt có thể sẽ nâng công thức đó lên một tầm cao mới.
Với các hình ảnh rò rỉ về Galaxy S8, dường như Samsung đang đẩy thiết kế smartphone tới một giới hạn mới. Trong khi những chiếc Xiaomi Mi Mix hay Sharp Aquos Crystal mới chỉ dừng lại ở "viền siêu mỏng", Galaxy S8 dường như sẽ mang tới khái niệm "không viền" đúng nghĩa nhờ thiết kế Infinity Display - "Màn Tràn Vô Cực".
Trái tim của thiết kế này là công nghệ màn hình cong với tấm nền AMOLED. Việc làm chủ và nắm đến 80% thị phần của công nghệ màn hình cao cấp này đã giúp Samsung có thể luôn đi trước các đối thủ. Ngay khi màn hình cong trở thành tiêu chuẩn với các flagship của những đối thủ khác, Samsung lại vượt lên trước bằng thiết kế không viền màn hình độc quyền của riêng mình.
Để tối đa hơn nữa khả năng tương tác của người dùng với thiết bị, Samsung không ngần ngại loại bỏ một đặc trưng khác của mình, đó là Logo của mình và cả nút Home cứng. Kết hợp với màn hình smartphone theo chuẩn mới, 18:5:9, giúp mở rộng hơn nữa khả năng hiển thị nội dung, nhưng không làm tăng chiều rộng, đảm bảo duy trì được sự nhỏ gọn của thiết bị để cầm nắm dễ hơn.
Một tính năng tin đồn đáng giá hơn cả, có thể giúp Galaxy S8 đột phá ra bên ngoài giới hạn của một smartphone thông thường, đó là Samsung DeX, một tính năng tương tự Continuum của Microsoft, cho phép người dùng kết nối điện thoại với màn hình và bàn phím ngoài để sử dụng nó như một máy tính thu nhỏ. Đây sẽ là một bước tiến mới về trải nghiệm người dùng với smartphone, giúp thiết bị này có thể lấn sang thị trường doanh nghiệp với những người mong muốn cải thiện hiệu suất làm việc của mình.
Dù vẫn còn là một ẩn số lớn, nhưng các tin đồn của chiếc Galaxy S8 đang cho thấy nó sẽ trở thành "sản phẩm đinh" của năm 2017. Khi nhiều người đang cảm thấy thế giới smartphone đã trở nên quá nhàm chán với cả Android và iOS, bộ đôi Samsung Galaxy S8 và S8 Plus đang khiến người dùng cảm thấy có gì đó đáng để họ chờ mong.