Vào năm 2010, khán giả yêu thích phim siêu anh hùng trên toàn cầu được dịp chiêm ngưỡng màn trở lại hoành tráng của Robert Downey Jr. trong vài tỷ phú công nghệ Tony Stark - Iron Man trong phần 2 của loạt phim cùng tên. Với cùng một truyền thống lâu năm của nhà Marvel, mọi bộ phim của hãng đều có một nhân vật cameo quen mặt - cụ Stan Lee, một trong những tác giả truyện tranh và nhà sản xuất lâu năm của hãng. Thế nhưng Iron Man 2, bên cạnh Stan Lee, còn có một cameo khác nổi tiếng chẳng kém, đó chính là Elon Musk.
- Ồ, chào Musk, mấy cái động cơ tên lửa Merlin ấy đỉnh thật đấy! - Tony Stark nói, đưa tay ra bắt với Elon Musk.
- Ừ, cũng là ý tưởng hay cho máy bay chạy điện nữa! - Elon trả lời, chẳng thèm giấu giếm sự tự tin. Và Tony Stark rời đi, không quên một lời mời hợp tác để ngỏ cho Musk. Một chút trùng hợp thú vị, cũng có thể là châm chọc nhẹ nhàng khi RDJ chỉ là tỷ phú công nghệ trên phim, còn bản thân Elon Musk mới chính là Iron Man ngoài đời, một gã tỷ phú ngông cuồng và lãng mạn đang dần đạt tới cảnh giới "siêu anh hùng" bằng những phát minh đi trước những giấc mơ đại chúng của nhân loại.
Elon Musk sinh ra tại Pretoria , Nam Phi vào ngày 18 tháng 6 năm 1971. Cái tên Elon Musk được đặt theo người cha mang quốc tịch Nam Phi Errol Musk, trong khi mẹ ông - Maye 'Haldeman' Musk là người Canada.
Elon lớn lên trong một gia đình khó khăn cùng bố mẹ, chị và em trai. Thuở nhỏ, Musk khá mơ mộng, ít nói và nhút nhát. "Những lúc đó, thằng bé như đang ở một thế giới khác. Ngày ấy, chúng tôi còn tưởng con có vấn đề về tai, còn vào thời điểm này, thấy con mình như thế thì tôi sẽ mặc kệ, vì tôi biết nó đang suy nghĩ về tên lửa, công nghệ hay những thứ tương tự." Cậu bé Musk hiện lên dưới lời kể của bà Maye Musk là một đứa trẻ thường thu mình vào mạch suy tư riêng như vậy đấy.
Elon Musk năm nay 46 tuổi, cao 1m88 và nặng tới 82kg. Trong một số thước phim tài liệu về cuộc đời ông, về thời khắc ông chờ đợi, trực chiến cùng cấp dưới vào những ngày phóng tên lửa Heavy Falcon lên vũ trụ, hình ảnh gã tỷ phú trẻ trung, phong độ trong trang phục giản đơn không che được cơ bắp tráng kiện thường khiến nhiều người liên tưởng tới Bruce Wayne - Batman - đang xông xáo lao vào thành phố Metropolis để cứu người trong đoạn phim mở đầu Dawn of Justice.
Cao lớn là vậy, thế nhưng Musk của những năm tháng ấu thơ lại còi cọc nhỏ con và thường xuyên bị bắt nạt dù học giỏi nhất lớp. Nam Phi vào những năm 70 của thế kỷ trước, bạn trông chờ một nền giáo dục như thế nào chứ? Kimbal Musk, em trai của Elon kể lại rằng Elon tuy hoàn thành xuất sắc việc học nhưng bản thân ông rất ghét phải đến trường. Việc bị bắt nạt dài hơi dường như đã góp phần tạo nên tính cách kiên định và cứng cỏi của Musk, đồng thời để lại cho ông một số dị tật ở vách ngăn mũi mà tới năm 41 tuổi mới khắc phục được nhờ phẫu thuật.
Chán ghét cuộc sống tù đọng ở quê hương, Musk quyết chí phải rời đi càng sớm càng tốt. Năm 17 tuổi ông nhập tịch Canada, chuyển đến sống cùng bà Haldeman và quyết tâm cắt đứt liên hệ với những gì trong quá khứ. Mỉa mai hơn, ông từng gửi khoản tiền 80.000 USD (khoảng gần 2 tỷ đồng) cho một ngôi trường ở quê nhà Nam Phi chỉ với điều kiện duy nhất: Đừng lẽo đẽo xin ông ủng hộ tiền xây sân vận động mới nữa.
Gọi là bước ngoặt cuộc đời cũng không phải, những một trong những mốc trọng đại thời niên thiếu của Elon Musk là khoản tiền 500 USD ông từng kiếm được khi bán phần mềm đầu tiên mình tự tay lập trình ra - một trò chơi chiến đấu không gian ảo với giao diện đơn giản tên Blastar. Phần mềm này được cậu bé Elon 12 tuổi lúi húi viết ra, và độ phức tạp được xây dựng cẩn thận trên nền tảng đơn giản của máy tính năm 1980 đã khiến nhiều người lớn phải ấn tượng, trong đó có cả một số tạp chí uy tín về công nghệ - điện tử. Đơn vị mua lại Blastar - tạp chí PC and Office Technology - thậm chí đã duy trì trò chơi tới tận năm 2015. Nói về đứa con đầu đời, Musk không hề khiêm tốn nói rằng đó chỉ là trò trẻ con, cơ mà vẫn hay hơn Flappy Bird nhiều.
Món tiền đầu tiên kiếm được nhờ lập trình và công nghệ giống một cái "nghiệp căn", tiếp tục hướng Elon đi theo con đường tiên phong danh dự này của nhân loại. Ở Canada, Elon tiếp tục con đường học vấn của mình cho tới khi nối gót Bill Gates, bỏ học để trở thành tỷ phú. Sau hàng loạt những thương vụ thành công, Elon Musk trở thành một trong những tài phiệt công nghệ lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những nhân vật mang tầm ảnh hưởng toàn cầu trong 2 năm 2017 và 2018.
Với thế giới, Iron Man là một giấc mơ. Với Elon Musk, bản thân ông là một kẻ mộng mơ.
Lớn lên vào những năm 70 của thế kỷ trước, Elon Musk sống thời niên thiếu trong sự ảnh hưởng của văn hóa đại chúng những thập niên cũ. Giống như James Halliday nghe nhạc Bee Gees, xem phim The Shining xưa cũ để tạo ra thế giới ảo ngập tràn hoài niệm "OASIS", Elon Musk cũng mang nhiều tình cảm với các ca khúc của David Bowie, trong đó có bài hát Starman huyền thoại.
"There's a starman waiting in the sky - He'd like to come and meet us"
"Có một kẻ du hành giữa các vì sao vẫn đang đợi chờ trên trời - Anh ấy muốn đến và gặp gỡ chúng ta."
Ca khúc ra đời năm 1972 của David Bowie đơn giản chỉ thể hiện nỗi cơ đơn tinh tế của một người đàn ông, lột tả cách anh đối diện với cõi lòng thăm thẳm như ngoài vũ trụ xa xôi (giống cái cách mà Coldplay thể hiện thông điệp gần giống trong bài Astronaut). Thế nhưng đứa trẻ Elon Musk lại có cách nhìn khác về bài hát ấy. "There's a starman waiting in the sky" - "Một kẻ du hành giữa các vì sao đang chờ đợi trên bầu trời." Thế nhưng làm gì đã có gã bộ hành nào giữa các vì sao theo lời của David Bowie? Người Nga cũng chỉ mới lên tới xích đạo vào năm 1961; người Mỹ cũng chỉ thô thiển cắm cờ lên Mặt trăng rồi trở về như thể đi dã ngoại vào năm 1969, không, không, chưa từng có một "Starman" nào trong lịch sử nhân loại, chưa từng có một gã bộ hành nào lang thang giữa các vì sao cả!
Thế là Elon Musk quyết định sẽ tạo ra điều đó.
Ngày 6/2/2018, chiếc Falcon Heavy - tên lửa lớn nhất mọi thời đại của công ty SpaceX - công ty mà Elon Musk sở hữu và phát triển - bay lên khỏi bệ phóng và hướng thẳng về vũ trụ xa thẳm. "To infinity and beyond" - Buzz Lightyear có lẽ sẽ nói vậy. Khối nhiên liệu khổng lồ được kích cháy để lại những đụn khói khổng lồ mất tới 3 ngày mới thực sự tan biến hết khiến hàng tá các nhà hoạt động vì môi trường không ngừng kêu ca, phàn nàn. Thế nhưng, những gì đển sau đó đã khiến nhân loại phải ngất ngây, khi tên lửa Falcon Heavy thực hiện các bước tách rời bộ phận để đưa theo nhân vật chính của cuộc du hành lần này ra khoảng không bên vành quỹ đạo Mặt trời.
Vào ngày thứ 3 của hành trình, tên lửa thực hiện lần đẩy cuối cùng của động cơ buồng trên, chính thức đưa Starman vào giai đoạn có tên "trans-Mars injection", hay nói cách khác là bước đưa Starman vào cuộc hành trình vô định ngoài vũ trụ - hành trình khiến báo chí phát rồ với chiếc ô tô điện màu đỏ trôi lửng lơ ngoài vũ trụ, đem theo một nhà du hành lặng im như thiên thu bất tận. Chuyến đi của Starman được phát sóng trực tiếp trên Youtube qua hình ảnh gửi về từ camera Roadster, tuy nhiên do pin dự phòng cho máy ảnh Roadster chỉ kéo dài được khoảng 12 giờ, thành thử những hình ảnh gửi về từ Starman cũng sẽ kết thúc khi tới gần vành đai sao Hỏa.
Không hề gì, vì ý định ban đầu của Musk cũng không bao gồm tham vọng bắt lấy bóng hình sao Hỏa.
Starman dường như du hành chỉ để thỏa mãn khát vọng của Elon Musk - một chàng geek tỷ phú với cái đầu tràn ngập mộng mơ - vì vậy, những bất cập về quy luật vật lý đối với Elon mà nói chẳng nghĩa lý chi hết. Ca khúc "Space Oddity" của David Bowie được bật trên chiếc xe màu đỏ của Starman thực chất cũng sẽ trở thành bài ca câm lặng giữa thiên hà xa xôi, khi mà chân không thì cách âm và những nền văn minh khác sẽ còn mất thêm nhiều năm ánh sáng nữa mới tìm tới được chiếc xe màu đỏ của Elon Musk.
"Starman là một trò vớ vẩn và thú vị. Với tôi mà nói, ngớ ngẩn và thú vị thật là tuyệt." - Elon đã nói về chiến dịch điên rồ của chính mình như vậy đấy. Hàng triệu USD đổ ra, 3 lần phóng hỏng tên lửa để rồi mục đích sau cùng chỉ là đưa một nhân vật không có thật vào không gian vô định, ngắm nhìn hành trình đơn độc của nó trong 4 tiếng, 13 phút, 10 giây rồi mất dấu. Sẽ có người coi việc làm của Elon là vô nghĩa, bản thân cha đẻ của Starman cũng gọi nó là một trò vớ vẩn và thú vị; nhưng sự thực có phải như thế không?
Hãy nhìn xem, vào thời điểm mà nhân loại đã nguội lạnh với hành trình chinh phục vũ trụ, Mỹ và Nga đã thôi chạy đua trên con đường thống trị thiên hà thì một gã tỷ phú tư nhân lại đủ sức kéo hàng nghìn người tới bờ Space Coast để chứng kiến chuyến bay lúc 3:45 chiều từ bãi 39A của Trung tâm Không gian Kennedy, gây tắc đường trong nhiều giờ. Gã cũng khiến hàng trăm đại diện của các báo đài phải đổ xô về đưa tin sự kiện vĩ đại này cùng lúc - sự tập trung đông đảo hiếm hoi chưa từng có kể từ tháng 7 năm 2011, lần phóng tàu con thoi cuối cùng vào vũ trụ và chuyến bay thử tàu Orion của NASA vào tháng 12 năm 2014.
Và việc làm của Elon Musk không giống như những bước mò mẫm của nhân loại trong nhiều năm qua vào khoảng tối ngoài kia. Musk tự tin gửi lời chào mừng của mình tới những nền văn minh chưa được biết đến bằng những thông điệp âm nhạc trên chiếc Tesla màu đỏ. Bản thân NASA, vào năm 1977 cũng từng đưa tàu thăm dò Voyager lên không gian và đem theo hai "đĩa vàng" - những album nhạc hay nhất nhằm miêu tả sự đa dạng của cuộc sống và nền văn hóa phong phú của Trái đất - như một món quà tới các nền văn minh ngoài hành tinh. Và, 41 năm sau, bạn nghĩ sao nếu một người sao Hỏa sẽ nhìn thấy Starman, lờ lững trôi cùng chiếc xe điện màu đỏ, bảng điều khiển hiển thị dòng chữ "Đừng hoảng loạn" trứ danh trong bộ truyện "The Hitchhiker's Guide to the Galaxy" ra mắt năm 1979 (đã làm cho Elon Musk mê mẩn suốt thời thơ ấu).
Ừ thì, Musk cũng làm thế để để quảng bá cho sản phẩm xe điện Tesla của mình, nhưng thế thì đã sao? Nếu giấc mộng của bạn được cả thế giới đón chào thì tội gì mà không kiếm tiền từ nó?
Elon Musk, bên cạnh việc là một thiên tài thì cũng là một gã tồi.
Tony Stark vào cuối phần phim thứ 3 của mình đã quyết định phá hủy toàn bộ 42 bộ Mark để đổi lấy lời hứa về một cuộc sống bình dị (nhưng siêu giàu) bên cạnh nàng trợ lý Pepper. Còn Elon Musk, đừng hòng gã làm vậy.
Tony Stark sau đó cũng lén lút trở lại làm Iron Man, tuy nhiên cũng hết sức yêu thương Pepper để xin nàng tha thứ cho việc đã thất hứa. Còn Elon Musk, một lần nữa, đừng hòng gã làm vậy.
Năm 2000, Elon Musk khi đó là một thanh niên 29 tuổi trẻ trung, đang cử hành hôn lễ với người vợ đầu Justine Musk. Ngay giữa đám cưới, Elon đã ghé sát tai vợ và thì thầm một câu sống để đời chết mang theo, rằng "Anh là cửa trên của cuộc hôn nhân này."
Cửa trên - "Alpha" - mà Elon nhắc đến, là một khái niệm cho quyền lực tuyệt đối trong một mối quan hệ, khi một người sẽ đứng ra làm chủ, đặt ra các quy định khiến người còn lại phải tuyệt đối tuân theo. Justine đã rất sốc khi nghe Elon nói vậy vào đám cưới, và chẳng bao lâu sau đó cô bàng hoàng phát hiện ra điều đó là sự thực, khi Elon thể hiện quyền lực của mình theo cách của một gã đàn ông gia trưởng và độc đoán.
Quãng thời gian ở với nhau, Justine sinh cho Musk tới 6 đứa con (con trai đầu mất vì bệnh hiểm nghèo). Họ chia tay vào năm 2008, và Musk đi bước nữa với cô đào nóng bỏng Talulah Riley thua Musk tới 17 tuổi. Ngay trong buổi sáng nộp đơn li dị với người vợ đầu, Elon Musk đã cắt thẻ tín dụng của vợ, chấm dứt chu cấp kinh tế cho người từng đầu gối tay ấp và đem tới cho mình 6 mặt con. Musk sau đó lao vào cuộc phiêu lưu tình ái cuồng nhiệt với nàng thơ mới Talula; mua cho nàng tới 3 chiếc nhẫn đính kim cương để dùng cho lễ đính hôn, lễ cưới và để đeo hàng ngày. Thế rồi, mật ngọt tình yêu qua nhanh, Talulah nhanh chóng cảm nhận được sức ép nghẹt thở từ "cửa trên" Elon Musk; cuộc hôn nhân của hai người xuống dốc nhanh chóng và kết thúc vào năm 2012 và 2016 (mỗi người nộp đơn ly hôn một lần).
Kể về người chồng cũ, Talulah nói rằng đã có lần cô phản kháng với Elon Musk mạnh mẽ, và rằng anh không phải ông chủ của cô. Elon đã đáp trả rằng: "Nếu em là nhân viên của anh thì anh đã sa thải em từ lâu rồi." Loại đàn ông tệ bạc nào lại nói với vợ những lời như thế chứ? Ấy vậy mà Elon Musk lại làm như thế đấy.
Elon Musk có thể rất lãng mạn, mộng mơ với thế giới của riêng mình, với khoa học vũ trụ và những phát minh kỳ lạ, thế nhưng gã không hề lãng mạn với chính những người mà lẽ ra mình phải yêu thương.
Những mối quan hệ của Elon Musk không phải là thứ duy nhất gây nên nhiều thị phi. Musk từng bị ném đá dữ dội khi bị cộng đồng mạng cho là "làm màu làm mè" trong lúc cả thế giới đang khẩn trương giải cứu đội bóng nhí Thái Lan kẹt trong hang Tham Luang. Chính Musk cũng thân chinh tới nơi để "giúp đỡ" nhưng lại bị gắn mác cản trở công tác cứu hộ, sau đó là những màn khẩu chiến qua lại khi phương án cứu hộ bằng tàu ngầm tự chế của ông bị đánh giá là không khả thi v.v... Bên cạnh những phát minh sáng giá, những cống hiến cho khoa học kỹ thuật thế giới, Elon Musk cũng có mặt tối mà chẳng ai muốn nhìn vào - thứ bóng tối phản diện mà trong góc khất mỗi người hùng đều nhẩn nha tồn tại, chờ đợi tới lúc bộc phát thành những hành động đáng chê trách.
Nhưng, công bằng mà nói, ai mà chẳng có những mặt tối như Musk? Nếu phán xét một cách công bằng, Musk và mỗi người trong số chúng ta có xứng đáng được tha thứ cho mọi lỗi lầm nếu đem về những thành công chói lóa như Tesla và SpaceX?
Có đôi lúc, Elon Musk giống với Batman hơn là Iron Man. Câu nói nổi tiếng của Harvey Dent trong "The Dark Knight" cũng đúng với Elon Musk tới kỳ lạ, khi gã đã "sống đủ lâu, cống hiến đủ nhiều" để thế giới dần chuyển con mắt soi mói qua những khoảng tối sau lưng gã. Không bàn về khối gia sản khổng lồ và trí tuệ thiên tài, Elon Musk dường như cô độc trong chính pháo đào Space X của mình, chẳng khác gì cái cách mà Bruce Wayne đương đầu với mọi biến cố từ Hang Dơi cả.
Thế nhưng, Batman còn có Bat Family giúp đỡ đôi lần; Steve Jobs còn có Tim Cook để san xẻ gánh nặng. Còn Musk, gã tự tay gánh vác lấy tất cả.
Ngày 17/08/2018, Arianna Huffington - Nữ đồng sáng lập và tổng biên tập của trang tin tức top đầu thế giới The Huffington Post có đăng tải một bức thư tựa đề "dành cho Elon Musk" - ngay trong khoảng thời gian khó khăn nhất của CEO Tesla và SpaceX.
Trong bức thư, ngoài những lời vỗ về tán dương cho thành quả mà người đàn ông ngông nghênh nhất làng công nghệ đã đạt được, Arianna còn khuyên Elon Musk nên giữ gìn sức khoẻ, bởi một con người thuộc về khoa học như Elon đang sử dụng cơ thể mình một cách thật sự phản khoa học. Elon Musk thường xuyên sử dụng cơ thể theo cái cách của Bradley Cooper trong phim Limitless, ông thường làm việc lên tới 120 giờ mỗi tuần, không ra khỏi nhà máy trong nhiều ngày liền, không gặp gỡ người thân. Về mặt này, Elon Musk chính xác là một Batman ngoài đời thực.
“Anh đang thể hiện một cách sử dụng năng lượng con người vô cùng lỗi thời, phản khoa học và phản tác dụng", Arianna nhấn mạnh trong lá thư gửi tới Elon.
Những người ngoài cuộc như chúng ta, hay Arianna Huffington, sẽ nhìn thấy ở Elon Musk một sự điên rồ và rất cực đoan trong cách theo đuổi sự nghiệp. Đối với chúng ta, việc hy sinh hạnh phúc và chính bản thân mình, kể cả cho ước mơ để đối mặt với sự suy sụp tinh thần, thể chất là không hề chính đáng. Dù gì, yếu tố con người vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Chúng ta đều biết rằng, một cuộc đời ý nghĩa cần có lý tưởng sống và được cháy hết mình để đạt được lý tưởng ấy, kể cả chết vì nó cũng đáng. Thế nhưng, vì theo đuổi cái lý tưởng ấy mà bất chấp sức khoẻ xuống dốc và tinh thần kiệt quệ thì có nên hay không?
Với Elon Musk, câu trả lời là có. Nếu không, gã đã chẳng chọn cho mình con đường khó khăn này, khi mà khối tài sản đã phình to tới mức sống vài đời như vua chẳng hết.
Người ta có một lý thuyết, rằng mỗi người sinh ra là một phần của "cây thế giới", mỗi sinh mệnh sẽ đóng góp một phần nào đó vào thế giới chung. Elon Musk đơn giản là đã chọn cho mình cách sống thiên hoàn toàn về "cống hiến", để rồi tạo nên một sự mất cân bằng đến méo mó tới đời tư bản thân và cách đối nhân xử thế với những người nhẽ ra gã phải thương yêu. Chúng ta có thể ghét cay ghét đắng Elon Musk khi đọc những bài báo tiêu cực về gã, thế nhưng bạn có cầm lòng được không khi thấy gã tỷ phú lẽ ra phải đang an nhàn ăn sung mặc sướng lại chạy đôn đáo trong những công xưởng bí bách, ngủ trên sàn, ăn trên sàn, không cả tắm rửa lẫn nghỉ ngơi? Bạn sẽ tha thứ cho gã chứ, nếu nhớ ra gã là kẻ đã đem đến giải pháp mang tính cứu vớt môi trường diện rộng với những chiếc xe không chạy nhiên liệu hóa thạch? Và bạn có làm vậy không, khi nhớ ra gã vẫn còn giữ được tâm hồn lãng mạn trẻ thơ khi phóng Starman vào khoảng không bao la ngoài kia.
Câu trả lời có là gì cũng không quan trọng. Elon Musk không cần bạn phải tha thứ đâu, cứ lặng im mà dõi theo những thành tựu hoặc chói loá, hoặc điên rồ của gã là được rồi!