Tóm tắt phần trước:
Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương (Kỳ 1)
Những bí ẩn của El Niño: Nguồn gốc, lịch sử và hiệu ứng cánh bướm hai bên bờ Thái Bình Dương (Kỳ 2)
- Năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn 16 vạn quân tấn công Chiêm Thành trong một thời kỳ hạn hán xảy ra liên miên. Cùng khoảng thời gian đó, dưới những cơn mưa xối xả ở lục địa Nam Mỹ, hoàng đế Topa Yupanqui của Inca đang chinh phạt đế chế Chimu nằm cách Đại Việt 19.000 km về phía đông Biển Đông.
- Nghiên cứu lịch sử cho thấy hiệu ứng cánh bướm từ El Niño đã nhúng bàn tay vào sự thịnh vượng cũng như sụp đổ của nhiều đế chế quân chủ trong quá khứ, từ triều đại Lý, Trần, Lê sơ cho tới vương quốc Chăm Pa, đế chế Chimu thậm chí Cách mạng Pháp.
- Thế nhưng, những bí ẩn về cơ chế hoạt động của El Niño mới chỉ được lật mở trong khoảng 4 thập kỷ trở lại đây. Các nhà khoa học hiện đại quan tâm đến El Niño, bởi hiện tượng thời tiết này có thể làm sụt giảm từ 0,5-1% GPD của nhiều quốc gia, đóng góp vào mức lạm phát toàn cầu và làm bay hơi hàng nghìn tỷ USD trong nền kinh tế thế giới
- Năm 2016, một trong những đợt El Niño mạnh nhất lịch sử đã gây ra cú rơi trên biểu đồ xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đó là năm Đồng bằng Sông Cửu Long phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ. 160.000 ha lúa đã bị thiệt hại tương đương mức giảm sản lượng 1,1 triệu tấn.
- Không những vậy, thiên tai mà El Niño gây ra còn làm bốc hơi 1,7 tỷ USD trong tổng sản phẩm quốc nội. Con số tương đương với mức giảm 1% GDP của Việt Nam năm 2016. Liệu những tai họa ấy có lặp lại trong năm 2023-2024, khi một lần nữa, các nhà khoa học quan sát thấy El Niño đang quay trở lại?
***
Tháng 5 năm 2023, khi mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những tin đồn về việc nhóm nhạc Blackpink sẽ đến Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu tại tổ chức Oxfam, đang nhìn chằm chằm vào một tấm bản đồ trên máy tính.
Không có những mảng đen, chấm hồng hay đường lưỡi bò nào cả, tấm bản đồ này là một phần của công việc mà anh đã thực hiện trong suốt 3 tháng qua, theo dõi sự thay đổi nhiệt độ hàng tuần trên bề mặt Thái Bình Dương.
Khu vực đáng quan tâm nhất lúc này là một hình chữ nhật có tên gọi "Niño 3.4" hay "vùng quan sát trọng điểm". Ngoài đời thực, "Niño 3.4" cách bờ biển Nha Trang khoảng 11.000 km về phía Đông - Đông Nam, tương đương 10 lần khoảng cách từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, hơn một phần tư vòng Trái Đất:
Xa là vậy, thế nhưng, những biến động dù chỉ 0,1 độ C ở khu vực này cũng có thể khiến những nhà khí tượng như tiến sĩ Huy lo lắng.
Bắt đầu từ khoảng tháng 2 năm nay, anh nhận ra nhiệt độ nước mặt ở vùng biển này cứ sau mỗi tuần lại ấm lên một chút. Dòng hải lưu vốn có màu xanh da trời ba tháng trước, bây giờ, đã chuyển hẳn sang màu cam và màu đỏ.
Bằng kinh nghiệm gần 20 năm nghiên cứu khí hậu, tiến sĩ Huy biết sắc đỏ đó có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam. 2023 sẽ không chỉ có "hồng và đen", Việt Nam còn đón một "cậu bé" nổi tiếng hơn cả nhóm nhạc Hàn Quốc đang quay trở lại.
Là một hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại trên quy mô toàn cầu (Nghiên cứu cho thấy El Niño có thể làm giảm từ 0,5-1% GPD của nhiều quốc gia, đóng góp vào mức lạm phát toàn cầu và làm bay hơi hàng nghìn tỷ USD trong nền kinh tế thế giới), hàng năm, các nhà khí tượng học được giao nhiệm vụ phải theo dõi sát những diễn biến để đưa ra được dự báo: El Niño có quay trở lại trong năm nay không?
Công việc thực sự khó, bởi dữ liệu lịch sử cho thấy hiện tượng thời tiết này thường diễn ra trong chu kỳ từ 2-7 năm với xác suất gần như ngẫu nhiên. Ví dụ, El Niño từng diễn ra vào năm 2009-2010, nghỉ tới 5 năm trước khi quay lại vào năm 2014-2016. Thế nhưng, đợt 2018-2019 thì El Niño chỉ mất 2 năm đã quay trở lại.
Giống như con ma trốn trong tủ quần áo, El Niño là thứ mà bạn biết nó ở đó, biết nó sẽ nhảy bổ ra nhưng không thể đoán trước được là khi nào.
Trong suốt 5 tháng đầu của năm 2023, không một nhà khí tượng học Việt Nam nào biết chắc chắn El Niño có trở lại vào năm nay hay không? Đó không phải bởi năng lực khoa học của chúng ta yếu kém, mà là vì không một ai thực sự biết điểm khởi đầu của El Niño? (Trong kỳ trước, chúng ta đã nói El Niño xảy ra như kết quả của một vòng lặp con gà và quả trứng).
Khác với những cơn bão, khi các nhà khí tượng đã hiểu toàn bộ cơ chế hình thành nên chúng, họ có thể lập trình ra các mô hình thời tiết để dự báo chính xác thời điểm hình thành, vị trí, cường độ và đường đi của bão trước cả khi cơn bão ấy xuất hiện.
Đối với El Niño, điều đó là không thể, hoặc ít nhất là chưa thể. Trong quá khứ, các nhà khí tượng đã thử nhiều mô hình dự báo nhưng chưa có mô hình nào dự đoán được năm sẽ diễn ra El Niño.
Một giải thích cho vấn đề này là dữ liệu chúng ta có được về El Niño còn quá ít. Trong khi El Niño đã tồn tại trên Trái Đất ít nhất 15.000 năm, các nhà khí tượng mới chỉ thực sự có dữ liệu về chúng trong khoảng 30 đợt El Niño gần nhất tính từ năm 1900.
Cùng khoảng thời gian đó, với khoảng 68 cơn bão xuất hiện mỗi năm trên các đại dương khắp thế giới, chúng ta đã có dữ liệu của hơn 8.000 cơ bão. Kho dữ liệu này giúp chúng ta dự báo bão dễ dàng hơn rất nhiều so với dự báo El Niño.
Vì vậy, hãy tưởng tượng vào đầu năm 2023, bạn có thể tung một quân xúc sắc 6 mặt để biết El Niño có xuất hiện hay không.
Với xác suất là 1/6, dự báo của bạn có độ chính xác tương đương bất kỳ một nhà khí tượng học nào ở Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia Hoa Kỳ (NWS) hay thậm chí Cơ quan Khí tượng và Điều hành Địa cầu (Met Office).
Xác suất El Niño chỉ tăng lên cách thời điểm nó xuất hiện khoảng vài tháng. Chẳng hạn, vào tháng 3 năm nay khi Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) thông báo El Niño có khả năng xuất hiện trong mùa hè, họ nói xác suất này là 60%. Con số tăng lên 62% trong tháng 4, sau đó nhảy vọt lên 90% trong tháng 5.
Độ chính xác của các dự báo được cải thiện, chính nhờ vào công việc mà tiến sĩ Huy đang thực hiện, quan sát nhiệt độ bề mặt Thái Bình Dương trong một khu vực gọi là Niño 3-4. Tính từ kinh độ 120°Tây đến 170°Tây và nằm giữa vĩ độ 5°Nam và 5°Bắc, NOAA gọi đây là "vùng quan sát trọng điểm" và đưa ra một công thức tạm thời giúp các nhà khí tượng học xác định năm X bất kỳ có phải năm El Niño diễn ra không:
Đầu tiên, điều kiện tiên quyết là nhiệt độ bề mặt biển (SST) ở vùng Niño 3.4 trong tháng phải cao hơn 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Thứ hai, họ tiếp tục quan sát mức chênh lệch nhiệt này trong nhiều tháng. Nếu có tháng độ giảm xuống ngưỡng 0,5 độ C, năm X chưa phải năm El Niño. Nếu mức nhiệt duy gì trong 3 tháng, NOAA sẽ chuyển sang điều kiện tiếp theo và cũng là cuối cùng.
Họ quan sát gió mậu dịch trên Thái Bình Dương. Nếu gió yếu đi, nó sẽ làm yếu vòng tuần hoàn Walker. Khi vòng tuần hoàn Walker yếu đi, gió mậu dịch lại càng yếu. Dấu hiệu của sự suy yếu này thể hiện ở chỗ những đám mây mang mưa rời xa Đông Nam Á, nhưng lại trồi lên nhiều hơn ở các quần đảo trung tâm Thái Bình Dương và bờ Tây.
Các dự báo El Niño đã xuất hiện từ tháng 3, nhưng phải hết tháng 5, tất cả các điều kiện trong công thức của NOAA mới thỏa mãn. "El Niño chính thức bắt đầu", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy viết trên Facebook cá nhân của anh vào ngày 9/6 với hơn 464.000 người theo dõi.
Dòng thông báo ngắn ngủi nhận về 14.000 lượt cảm xúc, 833 bình luận và 801 lượt chia sẻ. Để so sánh, hãy quay trở lại thời điểm đầu tháng 6 năm nay, khi tin đồn về Blackpink đến Việt Nam xuất hiện trên Theanh28 Entertainment, một fanpage giải trí có hơn 11 triệu người đăng ký, nhưng chỉ được chia sẻ lại 610 lần.
Vậy để thấy, hiếm khi nào sự quan tâm về một hiện tượng thời tiết lại thắng được một nhóm nhạc Hàn Quốc. Ở thời điểm đó, Blackpink đến hay không đến Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi. Còn El Niño thì chắc chắn đã tới.
Sức nóng mà hiện tượng thời tiết này tạo ra đang lớn hơn cả độ "hot" của nhóm nhạc nữ đứng đầu thế giới.
Tìm hiểu cơ chế hoạt động của El Niño trong kỳ trước, chúng ta đã thấy hiện tượng thời tiết này làm cho nước bề mặt ở Thái Bình Dương nóng lên. Nó san bằng đường thủy phân tầng nhiệt ở độ sâu hàng chục mét bên dưới mặt biển, giam cầm các dòng hải lưu lạnh và chỉ để lại nước nóng trên bề mặt.
Hệ quả là nhiệt độ trung bình của cả Thái Bình Dương sẽ tăng lên. Và bởi Thái Bình Dương chiếm tới 1/3 diện tích bề mặt Trái Đất, vào năm El Niño, cả hành tinh cũng sẽ bị biển làm cho nóng lên.
Theo mô hình theo dõi nhiệt độ toàn cầu của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NCEP), bắt đầu từ tháng tháng 6 năm nay, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng lên ngưỡng cao nhất mọi thời đại.
Chúng ta đang trải qua một mùa hè nóng nhất trong lịch sử khí tượng học, tính từ năm 1850, khi các số liệu thời tiết bắt đầu được thống kê. Trong đó, ngày 6/7 đã được xác định là ngày Trái Đất nóng nhất trong vòng hơn 100.000 năm trở lại đây.
Nhiệt độ trung bình mà mô hình của NCEP tính ra cho cả hành tinh hôm đó là 17,23 độ C – cao hơn chính kỷ lục trước đó 16,92 độ C được thiết lập vào năm 2016, cũng là năm El Niño mạnh nhất lịch sử.
Trong trường hợp bạn nghĩ 17,23 độ C vẫn còn lạnh hơn cả ở trong một căn phòng điều hòa, hãy nhớ đó là mức nhiệt độ trung bình của cả hành tinh. Con số được tính bằng cách cộng nhiệt độ ở tất cả các ô lưới tạo bởi kinh tuyến (0–360°E) và vĩ tuyến (90°S–90°N) trên Trái Đất lại rồi chia trung bình, bao gồm cả những vĩ độ ở Bắc Cực và Nam Cực nơi đang có nhiệt độ ngay lúc này nằm trong khoảng từ -18 cho đến 0 độ C.
"Trái Đất chưa từng nóng đến vậy, ít nhất là trong 125.000 năm trở lại đây", Paulo Ceppi, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn khẳng định.
Để dễ hình dung, 125.000 năm trước là giai đoạn Trái Đất nóng lên trong Kỷ Băng hà cuối cùng, người Neanderthal khi đó vẫn trong thời kỳ cực thịnh của họ và tổ tiên chúng ta, Homo Sapien chỉ vừa mới biết mặc quần áo.
Trong trường hợp bạn tự hỏi khi con người mới biết mặc quần áo thì họ đã đo nhiệt độ Trái Đất như thế nào? Câu trả lời là các nhà khoa học ngày nay có thể gián tiếp suy đoán được nền nhiệt của Trái Đất trong lịch sử hàng vạn năm thông qua nghiên cứu địa chất học, vòng cây cổ thụ và lõi băng.
Và chúng ta đang trải qua một mùa hè nóng hơn bất kỳ mùa hè của người Neanderthal nào trong lịch sử.
Tại Việt Nam, dữ liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn diễn ra El Niño, nhiệt độ trung bình các tháng đều sẽ cao hơn cùng kỳ những năm khác, nhiều địa phương có thể ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Ví dụ ngày 7/5 vừa qua tại Tương Dương-Nghệ An, nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 44,2 độ C. Đây là kỷ lục về nhiệt độ cao nhất đo được ở Việt Nam từ trước đến nay. Đến ngày 17/5 nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội cũng lên tới 41,3 độ C, là mức nhiệt tháng 5 cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Và đó mới chỉ là những gì xảy ra trước khi El Niño thực sự bắt đầu.
Trong vòng 30 ngày tiếp theo của tháng 6, đã có tới 21 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận ở các tỉnh thành Bắc Bộ. Điển hình là ngày 1/6, Mường La (Sơn La) nóng 43,8 độ C, vượt kỷ lục cách đây hai năm 3 độ và là nhiệt độ cao nhất từng đo được ở tỉnh này. Cùng ngày, Sa Pa (Lào Cai) mặc dù ở điểm cao trên 1.500 mét so với mực nước biển nhưng nhiệt độ cũng lên tới 29,4 độ C, cao hơn kỷ lục cách đây 45 năm 1,5 độ C.
Sang tới tháng 7, miền Bắc và miền Trung các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên cũng đã ghi nhận khoảng 20 ngày nắng nóng. Nhiệt độ trung bình ở Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn trung bình nhiều năm 1-1,5 độ C.
Trong những ngày này, có thêm ít nhất 12 kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ, đo được tại các trạm Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Nghệ An. Trong đó, Hà Giang ngày 17/7 nóng 39,5 độ, phá kỷ lục được xác lập cách đây gần 60 năm (38,6 độ C).
Các mô hình dự báo thời tiết cho thấy nắng nóng đã xác lập mức đỉnh trong tháng 7. Thế nhưng, bởi pha El Niño sẽ còn kéo dài cho tới cuối năm 2023, thậm chí sang tới năm 2024, nó vẫn sẽ khiến nền nhiệt của các tháng tới cao hơn từ 0,75 đến 1,5 độ C so với cùng kỳ.
Hệ quả là mùa hè năm nay được dự đoán là sẽ kéo dài đến hết tháng 9. Trong khi, mùa thu và mùa đông đến muộn, kết thúc sớm. Nhiệt độ trong mùa đông năm El Niño cũng cao hơn mùa đông cùng kỳ các năm khác.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: "Tháng 11/2023, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,0 độ C. Tháng 12/2023- 01/2024 nhiệt độ cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 11/2023, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C, tháng 12/2023-01/2024 nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ".
Dự báo cũng cho biết trong mùa đông năm nay, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam sẽ ít hơn trung bình, thời gian không khí lạnh hoạt động ngắn hơn, đồng nghĩa với mùa đông sẽ qua nhanh.
Thế nhưng, trước khi nói về những gì tiếp theo có thể xảy đến trong mùa thu đông El Niño, chúng ta phải nói đến một mùa sắp tới.
(còn tiếp ...)