Kỷ lục xuất khẩu gạo năm 2012 đã tồn tại hơn một thập kỷ, nhưng năm nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội vàng để phá vỡ nó, ngay trong một chu kỳ El Niño.

(Tiếp kỳ trước)

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 11.

Bão có bản chất là những xoáy thuận nhiệt đới mạnh, hình thành trên những vùng nước biển ấm. Các nhà khí tượng học cho biết điều kiện tiên quyết để hình thành bão nhiệt đới là phải có những cột nước biển ấm trên 26,5 độ C, rộng và sâu xuống ít nhất 46 mét tính từ mặt nước biển.

Nước biển ấm sau đó mới làm nóng không khí, đẩy chúng mang theo hơi nước bay lên cao để hình thành các cột mây giông. Điều này lại tạo điều kiện cho một vùng áp thấp hình thành phía bên dưới mặt biển, tiếp tục hút gió xoáy vào tâm và lặp lại hiệu ứng cho đến khi tạo được một hoàn lưu lớn lên thành bão.

Trong những năm El Niño, bởi đường thủy phân tầng nhiệt bị san phẳng, cột nước biển ấm có xu hướng trôi về phía Đông Thái Bình Dương. Hệ quả là bão cũng sẽ hình thành nhiều hơn ở phía Đông.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 12.

Các quốc gia ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương sẽ phải hứng chịu nhiều bão hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, các quốc gia ở phía tây, bao gồm Việt Nam chứng kiến số lượng bão và áp thấp nhiệt đới giảm.

Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy mỗi năm có khoảng 5-7 xoáy thuận nhiệt đới (bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới) ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, trong những năm El Niño con số này giảm xuống chỉ còn 0,42 cơn bão/tháng.

Mặc dù vậy, bão và áp thấp nhiệt đới trong năm El Niño sẽ tập trung vào giữa mùa, từ tháng 7 đến tháng 9, chứ không giàn đều sang tới tháng 11 như nhiều năm. Điều này khiến chúng ta cảm giác mùa hè El Niño sẽ có nhiều bão hơn, nhưng trên thực tế, số cơn bão trong năm giảm.

Vào mùa khô, đôi khi chúng ta cần một cơn bão thì bão lại không tới.

"Mọi người xem ảnh có thể thấy năm 2015 chỉ có 2 cơn bão đi vào đất liền của Việt Nam và hệ quả là cuối năm 2015, đầu năm 2016 hạn hán khốc liệt ở phạm vi 18 tỉnh thành của Việt Nam, đặc biệt ở Tây Nguyên và Mekong delta.

Năm 2019 chỉ có 2 cơn bão vượt qua được dãy Trường Sơn để gây mưa bên thượng nguồn sông Mekong, và hệ quả là đầu năm 2020 hạn hán xảy ra ở hạ lưu Sông Mekong. Năm 2019 cũng là năm có El-Niño", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho biết.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? (kỳ 2) - Ảnh 3.

"El-Niño 2023-2024 được dự báo có phương sai nhiệt độ trung bình là +1.5. Như vậy nó không khốc liệt như năm 2015-2016. Tuy vậy, điều bất lợi là lượng nước tích lũy của năm 2022 ở các hồ chứa không còn đủ dùng cho nửa năm 2023.

Đang vào mùa mưa nhưng hầu hết các hồ chứa thủy điện đã xuống mực nước chết. Ở phía Bắc, lượng mưa tuần đầu tháng 6 mới đủ thấm đất, sang tuần thứ 2 mới bắt đầu tích nước về hồ nhưng lượng nước khá ít chỉ đủ phát điện cầm chừng.

Thủy điện như ăn đong từng bữa. Vậy nên, nếu không có bão vào phía nam Trung Quốc như mọi năm thì sẽ không có hoàn lưu bão phía Tây Bắc và các hồ chứa vẫn đói nước. Kịch bản này sẽ khá bất lợi cho giai đoạn mùa khô cuối năm 2023 đầu năm 2024. Vừa thiếu nước phát điện, vừa thiếu nước sản xuất".

"Không ai mong có bão đến để rồi chạy bão bở hơi tai. Nhưng trong hoàn cảnh này, một vài cơn bão yếu với hoàn lưu bão tiến sâu trong đất liền sẽ có ý nghĩa với các hồ chứa", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy viết.

Thế nhưng, có một thực tế mà chúng ta phải đề phòng là bão trong những năm El Niño có khả năng sẽ mạnh và khó đoán hơn bình thường. Một lần nữa, nó đến từ việc cột nước biển ấm dịch về phía Đông.

Một nghiên cứu của Đại học Columbia cho thấy trong những năm El Niño, điểm khởi đầu của những cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương (khu vực hình thành bão ảnh hưởng tới Biển Đông và Việt Nam) thường bị trôi về phía đông và dạt xuống phía nam, nghĩa là gần xích đạo hơn, nơi có vùng nước ấm hơn.

Hệ quả của điều đó là bão sẽ có đường đi dài hơn trên biển. Bởi mặt biển khi đó đang ấm, bão sẽ được tiếp thêm nhiều nhiên liệu để trở thành những cơn bão lớn hơn. Đường đi của bão trong những năm El Niño vì thế cũng trở nên dị thường hơn.

"Sự dịch chuyển về phía đông trong quá trình hình thành bão năm El Niño cũng làm tăng thời gian và khoảng cách một cơn bão di chuyển trên mặt nước trước khi đổ bộ. 

Kết hợp hiệu ứng này với nhiệt độ bề mặt biển cao hơn trung bình, chúng cung cấp thêm năng lượng cho xoáy thuận nhiệt đới phát triển, và do đó, bão trong năm El Niño có khả năng đạt được cường độ lớn hơn so với năm ENSO trung tính", một nghiên cứu về bão nhiệt đới ảnh hưởng tới Biển Đông đăng trong cuốn "Hurricanes and Typhoons: Past, Present, and Future" cho biết.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 14.

Chẳng hạn, hãy nhìn vào vị trí hình thành và đường đi của bão Linda năm 1997, đó là năm xảy ra hiện tượng El Niño mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Bão Linda bắt đầu chỉ từ một vùng áp thấp trên biển phía đông Phillipines. Theo quy luật chung của áp thấp và bão nhiệt đới, khi vào tới đất liền chúng thì sẽ bị suy yếu do bị "bỏ đói" - bão không còn vùng biển ấm phía dưới để nuôi dưỡng gió và hơi nước cho hoàn lưu của nó phát triển. Kết quả là chúng sẽ tan đi.

Thế nhưng, vùng áp thấp tiền thân của bão Linda đã lách qua được tới hai eo biển ở Phillipines để vào Biển Đông. Sau đó, vì tiếp tục đường đi trên biển, áp thấp đã được tiếp thêm nhiên liệu để trở thành bão.

Nhận định Linda là một cơn bão hiếm thấy, Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt Bão Trung Ương khi đó đã liên tục thông báo và họp khẩn với các địa phương phía Nam để bàn cách đối phó. Nhưng vào năm 1997, không mấy ai tin bão có thể đổ bộ vào Nam Bộ vì khu vực này từ vài chục năm không hề có bão.

Chia sẻ trên VnExpress, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng ban chỉ đạo phóng chống lụt bão trung ương năm đó kể lại:

Khi ban chỉ đạo gọi về địa phương để cảnh báo bão, các quan chức địa phương đã phản hồi "trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng".

Thậm chí, một cán bộ địa phương còn lè nhè như say xỉn: "Biển Tây - biển Kiên Giang là vùng thánh địa, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này".

Những sự chủ quan đó đã khiến Linda, mặc dù không phải cơn bão mạnh nhất nhưng đã trở thành cơn bão gây thiệt hại thảm khốc nhất trong lịch sử 100 năm qua tại Việt Nam.

Đổ bộ Cà Mau với sức gió chỉ khoảng 100 km/h, bão Linda vẫn đánh chìm hơn 3.000 tàu cá, 107.890 căn nhà, làm ngập 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa, gây thiệt hại kinh tế hơn 7.200 tỷ đồng.

Tư liệu về cơn bão lịch sử Linda (1997). Nguồn: VTC.

Về thiệt hại về người, bão Linda đã khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.230 người bị thương. Tâm lý chủ quan năm đó đã khiến rất nhiều thủy thủ, ngư dân phải bỏ mạng ngoài khơi do không nghĩ bão sẽ tới.

Tại cửa biển thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có trên 500 người tử nạn, nhiều nhất là khu vực kinh Xáng Mới với khoảng 140 gia đình có phụ nữ mất chồng, mất cha. Nơi đây sau này được nhắc đến với cái tên ''làng góa phụ''

Hàng trăm thi thể được phát hiện do bị sóng cuốn vào bờ ở Việt Nam và Thái Lan trong vòng vài tuần sau cơn bão đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Cho tới tận ngày nay, bão Linda (1997) vẫn là bài học không bao giờ quên cho công tác phòng chống bão dị thường tại Việt Nam. Thực tế ấy đã tiếp diễn khi 2 trong số 6 siêu bão lớn nhất từng đổ bộ đất liền nước ta trong 20 năm trở lại đây chính là những cơn bão đến cùng năm El Niño:

Bão Ketsana đổ bộ vào Quảng Nam- Quảng Ngãi vào tháng 10/2009 khiến 179 người chết, 1.140 người bị thương và 8 người mất tích, bão Xangsane đổ bộ Đà Năng-Quảng Nam tháng 9/2006 khiến 72 người chết, 532 người bị thương và 4 người mất tích.

Những cơn bão này khiến Trung tâm Dự báo Thủy văn Quốc gia, một mặt nhận định bão sẽ giảm trong những năm xảy ra hiện tượng El Niño, nhưng mặt khác, luôn cảnh báo chúng ta phải "đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ" trong năm El Niño.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 16.


"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 17.

Trong khi bão dị thường chỉ là thứ mà chúng ta phải "đề phòng" vào năm xảy ra El Niño, nghĩa là chúng có thể đến hoặc không, thì Trung tâm Dự báo Thủy văn Quốc gia cho biết hạn hán, thậm chí hạn khốc liệt là thứ chắc chắn chúng ta phải đối mặt.

Các dự báo này được hỗ trợ bằng nhiều nghiên cứu đăng trên tạp chí VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences, Journal of Climate và International Journal of Climatology. Chúng cho thấy hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô ở Đồng bằng Sông Cửu Long có liên hệ mật thiết với hiện tượng El Niño.

Dữ liệu lịch sử cũng xác thực, đa số các đợt hạn hán nặng xảy ra ở khu vực này trong những thập niên gần đây đều trùng với năm El Niño xuất hiện, bao gồm 1983, 1987, 1988, 1990, 1992, 1993, 1997, 1998, 2003, 2004, 2009, 2010, 2016, 2019.

PGS-TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết :

"El Niño thường gây thâm hụt lượng mưa ở nhiều nơi trên cả nước, với mức phổ biến từ 25 - 50%. Vì thế, nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm 2023.

Do đó, chúng ta cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Trước đó, El Niño cũng đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015 - 2016 và 2019 – 2020".

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 18.

Đợt El Niño 2015-2016 mà tiến sĩ Mai Văn Khiêm nhắc tới là một trong những đợt El Niño mạnh nhất trong lịch sử loài người ghi nhận được. Trùng với khoảng thời gian đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm đổ lại.

Trong đợt hạn ấy, những cánh đồng trù phú ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ, bị "thiêu rụi", cây cối hoa màu chết khô do thiếu nước. Ở Tây Nguyên, những đồi cà phê bạt ngàn đã "chết cháy" và hóa thành củi cũng là do thiếu nước.

Trong khi đó, tôm nuôi không lớn nổi do nước mặn xâm nhập, hàu nuôi thì chết hàng loạt, trâu bò cũng chết khát vì thiếu nước. Những tháng đầu năm, chẳng khó khăn gì để thấy hình ảnh người dân ứa nước mắt khi nhìn hàng ngàn tấn hàu chết do xâm nhập mặn hay ngồi thẫn thờ trên cánh đồng lúa đang chết cháy và có nguy cơ trắng tay, ôm nợ vì ngập mặn. Những tháng đầu năm, chẳng khó khăn gì để thấy hình ảnh người dân ứa nước mắt khi nhìn hàng ngàn tấn hàu chết do xâm nhập mặn hay ngồi thẫn thờ trên cánh đồng lúa đang chết cháy và có nguy cơ trắng tay, ôm nợ vì ngập mặn.

Cuộc sống của người dân ở những vùng này bị đảo lộn hoàn toàn. Để cứu được những cây lúa, cây cà phê,... họ phải ngày đêm đào giếng bơm nước ngọt tưới cho cây trồng đang dần chết khát, phải mua rơm khô với giá đắt đỏ để cho bò ăn vì đồng ruộng đã chết khô.

Thậm chí, người dân còn phải mua nước sạch dùng cho sinh hoạt. Giá nước sinh hoạt ở Bến Tre trong mùa khô năm 2016 có thời điểm đã lên tới 60.000-80.000 đồng/m3. Trong so sánh, giá nước ở Hà Nội chỉ là 5.000 đồng/m3.

Theo số liệu của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, thiếu nước và hạn hán ảnh hưởng lớn đến diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với tổng tổng diện tích lần lượt là 15.823ha và 28.000ha. Hạn hán dẫn tới xâm nhập mặn đã khiến gần 23.000 ha lúa ở Đông Nam Bộ phải dừng sản xuất.

Tính đến cuối vụ, chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã có 160.000 ha lúa bị thiệt hại. Con số tương đương với hơn 10% diện tích xuống giống vụ đông xuân 2015-2016, khiến sản lượng lúa sụt giảm 1,1 triệu tấn.

Ước tính hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 đã gây ra mức thiệt hại khoảng 15.183 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch và xuất khẩu gạo năm 2016 của nước ta cũng chạm đáy chỉ còn 4,88 triệu tấn tương ứng với 2,2 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 19.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 20.

Giáo sư Phan Văn Tân, một chuyên gia khí tượng học đến từ Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho biết thiệt hại lớn mà El Niño năm 2016 gây ra là do chúng ta đã bị rơi vào thế bị động trong dự báo và ứng phó.

Vào năm 2015, căn cứ vào hiện tượng El Niño, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã cảnh báo sẽ có hạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng không nói được hạn sẽ xảy ra vào lúc nào. Do đó, cả người dân và chính quyền không ai quan tâm cho đến khi hạn hán tác động xấu đến toàn vùng.

Rút kinh nghiệm những gì đã xảy ra trong mùa khô 2015-2016, công tác dự báo xâm nhập mặn đã được ngành khí tượng, thủy văn cải thiện trong năm El Niño tiếp theo 2019-2020.

Dự báo thấy hạn mặn có thể xảy ra ở cuối vụ Đông- Xuân, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đã khoanh vùng 400.000 ha lúa ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang có khả năng bị ảnh hưởng. Cục chỉ đạo các địa phương này phải xuống giống sớm ngay trong tháng 10, trong khi 700.000 ha lúa ở các tỉnh còn lại xuống giống trong tháng 11 và 12.

Toàn Đồng bằng Sông Cửu Long phải kết thúc việc xuống giống trước ngày 10/1/2020 trong một giải pháp được gọi là "né hạn mặn" thường xảy ra vào cuối vụ.

Kết quả là trong vụ Đông Xuân 2019-2020, chỉ có 41.900 ha/1.541.000 ha tổng diện tích lúa gieo trồng toàn vùng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Con số chỉ chiếm tỷ lệ 2,7% so với thiệt hại lên tới 10% (tương đương 160.000 ha) trong vụ Đông Xuân 2015-2016. 

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 21.

Thành công trong công tác chống hạn mặn năm 2019-2020 đặc biệt có ý nghĩa, bởi đây là năm El Niño yếu hơn 2015-2016, nhưng hạn mặn lại xảy ra khốc liệt hơn do thủy triều cao và thiếu hụt nước thượng nguồn sông Mê Kông.

Giữ được vụ Đông-Xuân 2019-2020 đã giúp Việt Nam giữ được sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020. Cú rơi trên biểu đồ El Niño năm 2016 đã không lặp lại.

Chỉ từ việc thống nhất xuống giống sớm trong vụ Đông Xuân 2019-2020 ở Đồng bằng Sông Cửu Long, người nông dân đã vừa né được hạn mặn, lại trúng mùa lúa đúng thời điểm gạo thế giới lên giá.

Kết quả là xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 27% về sản lượng và 32,6% về giá trị. Những con số đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn năm 2020 trở lại mức trên 3 tỷ USD, cột mốc cao nhất sau gần một thập kỷ.


"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 22.


Người Việt Nam có một câu rất hay để nói về những tình huống xấu mà họ phải đối mặt: "Trong nguy thì có cơ". Là một đất nước nông nghiệp, El Niño chắc chắn sẽ gây ra tác động xấu đến Việt Nam.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong những năm chịu tác động của El Niño mạnh như 2015-2016, Việt Nam có thể mất tới 1,5% GDP, do sự sụt giảm 11,8% trong cơ cấu GPD ngành nông nghiệp. Riêng lĩnh vực cây trồng có thể bị sụt giảm tới 15,7%.

Đối với El Niño 2023-2024, dựa trên quan sát chênh lệch nhiệt độ mặt biển ở khu vực Niño 3.4, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy dự báo El Niño năm nay sẽ yếu hơn đợt El Niño lịch sử năm 2015-2016, nhưng sẽ mạnh hơn El Niño gây hạn mặn lịch sử 2019-2020:

"Năm 2016, phương sai nhiệt độ ở bề mặt biển khu vực cận xích đạo và ở phía đông nam Thái Bình Dương là 2,6°C so với trung bình nhiều năm. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay và đó là một trong những lý do El Niño năm đó đã tạo ra đợt hạn hán rất khốc liệt.

Còn năm nay, các mô hình dự báo phương sai nhiệt độ cho thấy mức chênh lệch nhiệt độ để gây ra El Niño có thể vào khoảng từ 1,8 - 2°C. Tuy thấp hơn năm 2016, nhưng lại cao hơn mức 1,2 °C của đợt El Niño 2019-2020".

Những năm El Niño trung bình như vậy, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết hiện tượng khí hậu này vẫn có thể gây ra mức giảm 4,88% trong tổng GPD nền nông nghiệp. Là một ngành kinh tế quan trọng ở Việt Nam, đóng góp vào hơn 1/5 tổng sản phẩm quốc nội và 2/5 tổng số việc làm, mức giảm này sẽ kéo tổng GPD của nền kinh tế sụt giảm khoảng 0,59%.

Tuy nhiên, không hẳn là không có những điểm sáng và cơ hội mới dành cho Việt Nam trong năm El Niño. Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn vào những tấm biểu đồ biết kể chuyện của ngành gạo.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 23.

Tạp chí Bloomberg cho biết bất kể năm nào El Niño xuất hiện, giá gạo thế giới sẽ tăng vọt. Điều này được thúc đẩy bằng dự báo El Niño sẽ gây ra hạn hán tại Đông Nam Á và Nam Á, nơi đang có 3 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan.

Ngay tại thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, 618 USD/tấn cho gạo 5% tấm và 598 USD/tấn cho gạo 25% tấm. Mà nguyên nhân đến từ chính những dự báo rằng El Niño sẽ trở lại trong 2023-2024.

Cụ thể, việc El Niño được dự báo là sẽ tới trong nửa cuối năm 2023 đã gây ra phản ứng trái chiều ở nhiều quốc gia, nhưng cùng mục đích là tăng dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực.

Indonesia trong tháng ba đã tuyên bố cần nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để dự trữ trong năm 2023. Trong khi đó, Ấn Độ lại cấm xuất khẩu gạo từ tháng 7 với cùng lo ngại rằng dự trữ gạo của họ đang giảm.

Trên thực tế, Indonesia và Ấn Độ là hai trong số các quốc gia phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ El Niño ở Đông Nam Á và Nam Á. Nghiên cứu cho thấy trong năm El Niño, tình trạng hạn hán, thiếu nước và cháy rừng thường xảy ra mạnh ở Indoneisa đe dọa nền nông nghiệp của họ.

Trong khi đó, Ấn Độ dù không tiếp giáp với Thái Bình Dương nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ xa bởi hiện tượng El Niño làm gió mùa đến muộn, lượng mưa sụt giảm và khô hạn gia tăng. Kết quả là cả hai vụ Kharif (vụ gió mùa) và rabi (vụ đông) của Ấn Độ đều bị giảm sản lượng khiến giá gạo tăng cao.

Ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam được cho là đứng giữa "cơ hội vàng" ở thời điểm này, khi chúng ta chịu tác động nhẹ hơn từ El Niño.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 24.

Trong 6 tháng đầu năm, tranh thủ được nhu cầu dự trữ của thế giới, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn gạo, với mức tăng trưởng 40% sang thị trường Phillippines, 70% sang thị trường Trung Quốc và đặc biệt là 2.500% sang thị trường Indonesia.

Kim ngạch của 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt 2,3 tỷ USD, cao hơn cả năm El Niño 2016 và tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước 2022. Quan trọng hơn nữa, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam vẫn có khả năng xuất khẩu thêm 4 triệu tấn gạo vào nửa cuối năm 2023.

"Nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 cần ít nhất 4 triệu tấn gạo. Năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,13 triệu tấn, với kim ngạch kỷ lục 3,45 tỷ USD. Dự kiến năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng thêm 1 triệu tấn so với năm ngoái", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

Nếu đạt được mục tiêu này, 2023 sẽ là năm kỷ lục mới dành cho ngành xuất khẩu gạo. Sản lượng gạo xuất khẩu sẽ phá mức đỉnh lịch sử 7,72 triệu tấn năm 2012 và lần đầu tiên tăng lên mức trên 8 triệu tấn.

Thế nhưng vẫn còn đó một lo ngại, "Liệu [Việt Nam] có đủ gạo cho nhu cầu xuất khẩu?", ông Hòa tự hỏi.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 25.

 

Như dự báo trước đó cho thấy El Niño 2023-2024 có thể gây ra hạn mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và ảnh hưởng tới năng suất của vụ Đông-Xuân năm tới.

Báo cáo "ASEAN Perspectives - Hiện tượng El Niño đổ bộ" của Ngân hàng HSBC tháng 7 cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tăng trong năm 2023, nhưng con số sẽ lại giảm xuống vào năm 2024, khi một đợt hạn mặn khốc liệt mới được dự báo là sẽ quay lại Đồng bằng Sông Cửu Long do ảnh hưởng từ El Niño.

Năng suất giảm đồng nghĩa với dự trữ gạo trong nước cũng giảm. Cộng thêm giá gạo trong nước gia tăng có thể sẽ khiến Việt Nam phải giảm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Thế nhưng, không phải không có những hi vọng. 

"El Niño in your area": Điều gì sẽ xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 20.

HSBC dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong năm 2023 nhưng sẽ giảm vào năm 2024 do tác động của El Niño.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, cho biết Việt Nam có một vùng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long nằm dọc theo biên giới Campuchia, rộng khoảng 1,5 triệu ha, trải dài qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. 

Là nơi sông Mekong vừa chảy vào Việt Nam, lại có hệ thống kênh đào dẫn nước lớn như Vĩnh Tế, Trung Ương, khu vực này luôn có đủ nước ngọt cho cây lúa. "Chúng ta có thể yên tâm về an ninh lương thực", giáo sư Xuân nói.

Theo GS Xuân, nước sông ở các khu vực Tây Nam Việt Nam gần như nằm ngang mặt ruộng. Ngược lại, Thái Lan cũng có dòng Mekong chảy qua nhưng lại thấp hơn nhiều so với mặt đất nên việc bơm nước lên rất khó. Vì vậy, khi hiện tượng El  Niño xảy ra kéo theo khô hạn, giảm mưa, nguy cơ thiếu nước tưới tiêu của Thái Lan cao hơn Việt Nam.

Một thay đổi lớn khác là sau nghị quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ năm 2017, những khu vực ven biển thường bị nhiễm mặn chỉ còn trồng lúa năng suất cao vào mùa mưa, tranh thủ nguồn nước ngọt. Vào mùa khô, người dân không trồng lúa nữa mà đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm theo hướng "thuận thiên".

"Sự thay đổi trên giúp giảm thiệt hại vào các đợt hạn mặn sau đó, còn hiệu quả sản xuất lại cao hơn", giáo sư Xuân nhận định. Ngoài ra, theo ông các giống lúa trong nước cho phép thu hoạch sau ba tháng nên có thể trồng tối đa ba vụ một năm. Còn giống của Ấn Độ, Thái Lan có vòng đời 4 tháng nên chỉ trồng được tối đa hai vụ. Vì vậy, năng suất lúa của Việt Nam cũng tốt hơn.

Thực tế, năng suất trồng lúa của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 liên tục tăng, vượt 6 tấn trên một ha. Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), mức này cao gấp đôi Thái Lan, nhiều hơn Ấn Độ 40%.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 27.

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng Việt Nam không miễn nhiễm với El Niño nhưng sẵn sàng thích ứng. Ông dẫn chứng sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, miền Tây đã có thêm nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ chứa nước ngọt, cống ngăn mặn. Năm 2019, khi El Niño quay lại, sản lượng lúa của miền Tây giảm 1%, thấp hơn nhiều mức âm 7% vào ba năm trước đó.

Hiện, khí hậu Việt Nam chưa có nhiều bất thường, trong khi Ấn Độ đã trải qua thời tiết khắc nghiệt do El Nino từ tháng 4 khiến quốc gia này phải sớm có hành động. Theo ông Thạch, đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo, hưởng lợi nhờ giá cao khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu.

"El Niño in your area": Điều gì sắp xảy đến với Việt Nam trong năm 2023-2024? - Ảnh 28.

Kỷ lục xuất khẩu gạo năm 2012 đã tồn tại hơn một thập kỷ, nhưng năm nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội vàng để phá vỡ nó, ngay trong một chu kỳ El Niño.

Vì vậy, hãy cùng trở lại với tấm biểu đồ của ngành gạo, thứ đã mở ra toàn bộ câu chuyện. Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến El Niño nhiều lần làm sụt giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm hiện tượng thời tiết này xuất hiện.

Thế nhưng, El Niño 2023-2024 dường như lại đang mở ra một cơ hội lớn cho ngành gạo. Người Việt Nam có câu "quá tam ba bận", những bài học kinh nghiệm từ El Niño 2015-2016 và El Niño 2019-2020 đã cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm để đối phó với hạn mặn khi El Niño tới. 

Nếu giữ được vụ mùa Đông Xuân 2023-2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay và năm sau nhiều khả năng sẽ phá kỷ lục cả về sản lượng và kim ngạch. Những mong cú rơi trên biểu đồ gạo năm 2016 không lặp lại,, biểu đồ xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có một đỉnh mới, phá vỡ đỉnh năm 2012 đã tồn tại hơn 1 thập kỷ.

Đó là lúc mối liên hệ giữa El Niño và tấm biểu đồ này chính thức bị xóa nhòa. El Niño có thể đến, nhưng những thiệt hại mà nó gây ra có thể được giảm thiểu đến mức tối đa vì chúng ta đã thích nghi được với hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Ứng phó với El Niño, ngay từ tháng 5/2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT nhận định sớm về khả năng tác động của El Niño đến nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới để các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngày 13/5/2023, Thủ tướng đã ra Công điện số 397/CĐ-TTg chỉ đạo những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương để chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Công điện yêu cầu:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước.

Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phân công 1 đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2023; chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương về mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.

Phối hợp các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trên cơ sở đó hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, sản xuất phù hợp, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.

Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.

Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng; tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp, bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Bộ Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các Nhà máy nước lớn rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng quản lý nhà nước được phân công.