Không khó để tưởng tượng, kỹ thuật IVG hay "tạo giao tử trong ống nghiệm" sẽ thay đổi toàn bộ thế giới mà chúng ta đang sống.

Có thể bạn đã nghe về thí nghiệm đột phá đó của Katsuhiko Hayashi, một nhà khoa học Nhật Bản chắc chắn sẽ còn được xướng tên nhiều lần nữa trong thập kỷ tới. Gần một năm về trước, vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, Hayashi công bố một nghiên cứu thoạt nghe khá lạc quẻ:

Anh ấy khiến hai con chuột đực có con được với nhau.

Để làm được điều đó, Hayashi lấy một nhúm tế bào da ở đuôi chuột đực trưởng thành, khử nhiễm sắc thế Y của nó rồi nhân đôi nhiễm sắc thể X. Khi đã có tế bào da đuôi XX, anh tiếp tục biến nó trở lại thành tế bào gốc, sử dụng một kỹ thuật được gọi là "tái lập trình tế bào gốc đa năng".

Tái lập trình tế bào gốc đa năng (iPSC) liên quan đến việc lấy bất kỳ tế bào nào trên cơ thể, đưa chúng vào môi trường nuôi cấy phù hợp để biến chúng trở lại thành tế bào gốc. Các tế bào gốc này giống với tế bào gốc phôi, sau đó có thể biến thành bất kỳ tế bào nào khác trên cơ thể.

Kỹ thuật này đã được phát triển từ năm 2006, cũng bởi một nhà khoa học Nhật Bản tên là Shinya Yamanaka, sau đó đã giúp Yamanaka đoạt giải Nobel Y học vào năm 2012. Hơn một thập kỷ sau, nó chỉ còn là một bước đệm cho thí nghiệm lớn của Hayashi, thứ hứa hẹn cũng sẽ điền tên anh vào bảng đề cử của một giải Nobel khác.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 1.

Sau khi biến được tế bào da đuôi chuột đực thành một tế bào mang nhiễm sắc thể XX giống chuột cái, công việc tiếp theo của Hayashi trở nên khá đơn giản. Anh chỉ cần nuôi những tế bào này lớn lên, rồi hướng dẫn chúng biệt hóa thành tế bào trứng.

Những quả trứng vượt qua được vòng kiểm tra sức khỏe sẽ được đem đi thụ tinh với tinh trùng của một con chuột đực khác. Phôi sau đó được cấy vào tử cung của một con chuột cái – nhưng chỉ để mang thai hộ.

Kết quả: 7 con chuột con đã ra đời từ phương pháp đột phá này. Chúng có 2 người bố mà không có bất kỳ người mẹ về mặt sinh học nào.

Công bố vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, nghiên cứu của Hayashi chắc chắn không phải là một cách để tôn vinh phụ nữ. Nhưng đừng quên rằng 5 năm trước, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Stem Cell, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã tạo ra được những con chuột con chỉ từ 2 chuột cái.

Về mặt lý thuyết, nếu sử dụng kỹ thuật tái lập trình tế bào gốc đa năng của Yamanaka, chúng ta có thể phá vỡ mọi ranh giới của sinh sản hữu tính:

Tinh trùng có thể được tạo ra từ con cái, trứng có thể được tạo ra từ con đực. Hai con cái có thể có con với nhau và hai con đực cũng vậy. Thậm chí, nếu lấy trứng từ con đực thụ tinh với tinh trùng từ con cái, vai trò người bố sinh học sẽ chuyển sang người mẹ và ngược lại.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 2.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 3.

Đáng nói là khi Hayashi công bố nghiên cứu của mình, anh ấy đã chọn trình bày nó tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế Lần thứ ba về Chỉnh sửa bộ gen người. Điều này ám chỉ: Kỹ thuật sinh sản mới sẽ không chỉ dừng lại ở các thí nghiệm trên chuột.

Được gọi là IVG (in vitro gametogenesis) hay "tạo giao tử trong ống nghiệm", nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đang chạy đua cùng các start-up sinh học để hướng nó đến những ứng dụng trên người. Mà theo như Hayashi dự đoán, thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ được thực hiện trong vòng 5-10 năm tới.

Sau đó thì… tất cả các cuốn sách giáo khoa sinh học trên Trái Đất sẽ cần được viết lại.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 4.

Katsuhiko Hayashi nhấc một chiếc đĩa nhựa trong suốt ra khỏi lồng ấp trong phòng thí nghiệm của anh tại Đại học Osaka,. "Bạn thực sự muốn xem các tế bào ấy đúng không?", vừa nói Hayashi vừa đặt chiếc đĩa xuống dưới kính hiển vi.

Qua thấu kính phóng đại, những tế bào của anh hiện lên lấp lánh như những hòn đảo nổi bằng bạc. Những hòn đảo nhỏ trong ống nghiệm này được gọi bằng thuật ngữ iPSC (induced pluripotent stem cells) hay "tế bào gốc đa năng cảm ứng".

"Gọi chúng là tế bào cảm ứng, bởi iPSC chỉ phát triển khi chúng chạm vào nhau", Hayashi giải thích. "Kết quả là chúng sẽ co cụm lại trông giống như một hòn đảo".

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 5.

Các tế bào gốc đa năng cảm ứng này chính là tiền thân của mọi cơ thể sinh học. Chúng xuất hiện trong giai đoạn phát triển sớm của phôi, bao gồm cả phôi người. Trong quá trình lớn lên của phôi, iPSC sẽ phân hóa thành từng loại tế bào khác nhau trên cơ thể.

Điều đó có nghĩa là sau quá trình mang thai, một số iPSC sẽ biến thành tế bào não, một số biến thành tế bào tim, một số biến thành tế bào da của bạn… Các nhà khoa học từng nghĩ quá trình trưởng thành của những tế bào gốc đa năng là một chiều, nghĩa là một khi phân hóa, chúng sẽ không bao giờ trở lại thành tế bào gốc đa năng được nữa.

Điều này giới hạn các nghiên cứu đưa iPSC vào ứng dụng, bất chấp việc chúng có thể là chìa khóa giúp con người chữa trị nhiều căn bệnh, từ tiểu đường, ung thư cho đến giấc mơ trẻ hóa cơ thể để trở nên bất tử.

Về mặt lý thuyết, bạn có thể dùng tế bào gốc đa năng cảm ứng của mình để thay thế cho bất kỳ tế bào nào bị hỏng hóc trên cơ thể. Nhưng bởi các tế bào này đã biến mất ở khoảnh khắc bạn được sinh ra, nếu muốn thu thập lại chúng, bạn sẽ phải sử dụng một cỗ máy thời gian, quay ngược trở lại thời điểm mẹ bạn đang mang thai bạn.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 6.

Sau đó, bạn phải thuyết phục mẹ bạn rằng bạn chính là con của mẹ bạn. Liệu mẹ bạn có cho phép bạn lấy một chiếc kim sinh thiết dài 10 cm, chọc qua thành bụng, xuyên qua nhau thai để thu thập được những tế bào iPSC của mình đang phát triển trong giai đoạn phôi sớm hay không?

Chưa nói đến chuyện một cỗ máy thời gian là phát minh bất khả thi, việc xuyên kim sinh thiết vào một thai nhi đang phát triển như vậy tiềm ẩn vô số rủi ro và chắc chắn không được bất kỳ hội đồng đạo đức nào thông qua.

Những hiểu biết trước đây của con người về iPSC, vì vậy, chỉ đến từ thí nghiệm trên động vật. Không có bất kỳ cách nào để ứng dụng tế bào gốc cảm ứng đa năng trên người, bởi việc thu thập chúng là bất hợp pháp.

Nhưng vào năm 2006, mọi chuyện đã thay đổi.

Đó là khi Shinya Yamanaka, một giáo sư nghiên cứu tế bào gốc người Nhật Bản đã tìm ra được cách biến tế bào da của chuột quay ngược trở lại thành tế bào gốc đa năng cảm ứng. Công việc được thực hiện bằng cách tiêm vào các tế bào này 4 yếu tố phiên mã Oct4, Sox2, Klf4, và c-Myc – sau này được gọi chung là "yếu tố Yamanaka".

Các yếu tố Yamanaka hoạt động như những công tắc trong tế bào, cho phép tế bào bật lại các chức năng biệt hóa giống như tế bào gốc đa năng cảm ứng. Từ đó, một tế bào da chuột có thể biến trở lại thành tế bào iPSC.

Sau đó, từ tế bào iPSC này, các nhà khoa học có thể biến chúng bất kỳ tế bào nào khác trên cơ thể chuột. Và trong nghiên cứu của mình, Hayashi đã sử dụng phương pháp của Yamanaka để biến chúng thành các tế bào trứng.

Từ bên trong lồng ấp, anh lấy ra một chiếc đĩa thí nghiệm hình chữ nhật khác để minh họa cách mình đã làm điều đó. Chiếc đĩa đang chứa trong đó những buồng trứng chuột thu nhỏ, thứ đang nuôi dưỡng những tế bào iPSC đảo ngược được từ tế bào da.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 7.
IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 8.

Dưới kính hiển vi, mỗi quả trứng này hiện lên trông giống như một quả bóng màu xanh phát sáng. Bạn thậm chí có thể đếm chúng. "Mỗi một buồng trứng này chứa khoảng 200 quả trứng. Và trong một thí nghiệm, chúng tôi có thể tạo ra 20 buồng trứng tất cả. Về cơ bản, bạn sẽ có được 4.000 quả trứng từ đó", Hayashi nói.

Năm 2012, Hayashi đã một lần làm dậy sóng cộng đồng khoa học khi công bố kết quả thí nghiệm cho thấy những quả trứng của anh đã thụ tinh thành công và tạo ra những con chuột khỏe mạnh. Đây là thí nghiệm đầu tiên chứng minh sự khả thi của công nghệ tạo giao tử trong ống nghiệm (IVG), mở ra một giai đoạn mà sinh sản không còn phụ thuộc vào tế bào mầm như trứng hay tinh trùng nữa.

Nếu như với công nghệ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) điều kiện tiên quyết mà bạn cần có để tạo ra phôi thai là trứng từ người mẹ và tinh trùng từ người cha. Bạn không thể giúp một cặp vợ chồng vô sinh có con được nếu người mẹ không có trứng hoặc người cha không có tinh trùng.

Phụ nữ lớn tuổi cũng không thể làm được IVF nếu họ không giữ trứng đông lạnh khi còn trẻ. Nam giới vô sinh vì không có tinh trùng cũng sẽ không thể làm IVF để có con. Nhưng với IVG, mọi khả năng đều có thể xảy ra.

Hayashi đã chứng minh bạn có thể phát triển một bào thai từ bất cứ tế bào nào trên cơ thể người cha hoặc người mẹ, đôi khi chỉ là một mẩu da của họ. Công việc liên quan đến việc biến tế bào đó trở lại thành tế bào gốc đa năng, rồi từ tế bào gốc đa năng thành trứng hoặc tinh trùng.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 9.

Hơn một thập kỷ sau đó, anh tiếp tục chứng minh IVG thậm chí có thể vượt qua cả rào cản giới tính. Trong thí nghiệm của mình, Hayashi đã tạo ra được những quả trứng chuột cái từ chính tế bào da đuôi của chuột đực. Sau khi thụ tinh, những quả trứng này đã phát triển thành phôi thai khỏe mạnh.

Kết quả là 7 con chuột đã ra đời từ tế bào của 2 con chuột đực, mà không cần đến một chuột mẹ. IVG đã được đẩy lên một tầm cao mới. Tại thời điểm này, nó đang mở ra lời giải cho vô số bài toán mà các công nghệ sinh sản trước nay như IVF không thể giải quyết được.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 10.

Tại một con phố yên tĩnh ở thành phố Austin, tiểu bang Texas, Diana và Paul Zucknick đang trở nên tràn đầy hi vọng khi họ đọc được nghiên cứu của Hayashi và các đồng nghiệp ở Nhật Bản. Mặc dù đã cưới nhau được hơn một thập kỷ, cặp đôi người Mỹ này vẫn chưa thể có con.

Diana năm nay đã 41 tuổi, Paul chồng cô là một kỹ sư máy tính và kém cô 2 tuổi. Cả hai đều phải nhận chẩn đoán vô sinh khiến việc thụ thai của họ trở nên khó khăn hơn bất kỳ cặp đôi nào khác.

Đối với Paul, vấn đề là anh không có đủ tinh trùng khỏe mạnh. Đối với Diana, buồng trứng của cô không đủ khỏe để tạo ra những quả trứng thụ thai được.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 11.

Các bác sĩ, trong nỗ lực giúp cặp đôi này mang thai, đã kê cho Paul vô số loại thuốc. Anh thậm chí phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật mở tinh hoàn, với hi vọng tìm thấy đâu đó trong hệ thống sinh sản của anh những tinh trùng hiếm hoi đang bị mắc kẹt.

Đối với Diana, cô đã trải qua tổng cộng 7 lần thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở 7 phòng khám khác nhau trên khắp nước Mỹ.

Mỗi lần cố gắng mang thai của họ đều rất gian nan. Cả hai phải trải qua hàng loạt xét nghiệm, siêu âm, tiêm hormone, lấy tinh trùng và cấy trứng nhưng đa số đều thất bại. Sau 10 năm nỗ lực, cho đến tận mùa hè vừa rồi, Diana mới đậu thai lần đầu tiên.

"Đó là lần đầu tiên que thử thai của tôi hiện lên hai vạch. Tôi đã gây bất ngờ cho Paul khi anh ấy vừa đi làm về. Chúng tôi đã rất phấn khích. Cảm giác lúc đó rất ngây ngất. Mọi thứ thật tuyệt vời", Diana nói.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 12.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay trong lần khám thai đầu tiên, Diana phát hiện phôi của mình đã bị sảy.

"Buồn vô cùng buồn", cô nhớ lại. "Nó giống như việc bạn mất đi một người thân trong gia đình vậy. Nhưng người thân đó thậm chí còn không được thừa nhận. Bởi tôi thậm chí còn chưa mang thai đủ lâu. Con tôi còn chưa thành hình và tôi không bao giờ gặp được con bé hay thằng bé. Tôi chưa bao giờ gặp được nó. Những ngày tháng đó là địa ngục tăm tối nhất trong cuộc đời tôi".

Trong căn nhà mà Paul đã xây sẵn phòng ngủ cho những đứa trẻ của anh, cặp đôi đã mua đất và xây nó kể từ sau khi cưới, họ có ý định sẽ đẻ ít nhất hai đứa trẻ. Nhưng hơn 10 năm sau đó, những căn phòng chỉ để trống.

"Thật là tàn nhẫn", Paul cho biết. "Tôi không có từ nào khác để mô tả nó ngoài sự tàn nhẫn".

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 13.

Bất chấp những nỗ lực thất bại hết lần này đến lần khác, cả Diana và Paul vẫn không bỏ cuộc. Bất kể khi nào rảnh, cặp đôi cũng lên mạng lùng sục các nghiên cứu mới nhất về vô sinh được đăng tải trên báo chí hoặc các tạp chí khoa học.

Đầu năm nay, họ tình cờ biết đến IVG và thí nghiệm mà các nhà khoa học Nhật Bản đang thực hiện. Về cơ bản, nếu bạn có thể lấy bất kỳ tế bào trên người nào và biến thành tinh trùng và trứng, Diana có thể có được những quả trứng khỏe mạnh từ tế bào da của cô ấy. Paul cũng có thể có được những tinh trùng khỏe mạnh.

Ngay cả khi cơ địa Diana không còn có thể mang thai, họ vẫn có thể lựa chọn phương pháp mang thai hộ. "Điều quan trọng là chúng tôi muốn có một đứa con cùng huyết thống với chính mình. Nếu các nhà khoa học có cách tạo ra tinh trùng từ DNA của chồng tôi và trứng từ DNA của tôi, chắc chắn 100% chúng tôi sẽ đăng ký tham gia thử nghiệm ấy", Diana nói. "Chúng tôi rõ ràng là những ứng viên hoàn hảo cho việc đó".

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 14.

Paul và Diana không phải cặp đôi duy nhất mong muốn có được những đứa con thực sự chung huyết thống. Cách 350 km về phía bắc thành phố Austin tiểu bang Texas là vùng đô thị phức hợp Dallas-Fort Worth của Mỹ. Tara Ferguson, một giám đốc đại lý bảo hiểm 30 tuổi cũng phải thốt lên khi cô đọc được nghiên cứu của Hayashi:

"Chà! Đó đúng là một công nghệ tuyệt vời. IVG thực sự là một yếu tố thay đổi cuộc chơi"

Sống với vợ của mình, Delilah, một cô gái 35 tuổi, Tara đóng vai chồng trong một cuộc hôn nhân đồng tính nữ. Điều đó có nghĩa là cặp đôi không thể có con theo cách tự nhiên. Họ đang phải chờ đợi tinh trùng từ một người hiến tặng để làm IVF.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là, ngay cả khi IFV thành công, nếu Delilah sinh con, đứa trẻ cũng không thực sự có huyết thống với Tara. Nếu được lựa chọn, cô ấy nói mình cũng sẽ làm IVG thay vì IVF truyền thống.

"Tôi thực sự khao khát cái cảm giác được nói với cô ấy, "Ồ em ơi nhìn xem, con có đôi mắt giống hệt em còn cái mũi thì lại giống anh"", Tara nói. "Và không chỉ những thứ thuộc về ngoại hình thôi đâu, cả tính cách và những thuộc tính cảm xúc nữa. Tôi cảm thấy ở trẻ con có một số yếu tố nhất định mà dù bạn có nuôi dạy theo cách nào đi chăng nữa, chúng vẫn có khuynh hướng có được tính cách đó từ di truyền".

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 15.

Cũng đang chờ đợi tinh trùng hiến tặng là Brenda Trinh và Amber Mauer. Cặp đôi LGBT 23 và 24 tuổi sống ở San Francisco vừa kết hôn sau 9 năm bên nhau. Vấn đề mà họ chưa thể có con là vì Trinh đã chuyển giới từ nam thành nữ. Mauer vẫn là nữ và vẫn có thể mang thai, nhưng Trinh thì không còn tinh trùng để làm điều đó.

Nếu cặp đôi thực hiện IVF từ tinh trùng hiến tặng, đứa trẻ sinh ra cũng sẽ không mang gen của Trinh "Tôi thì lúc nào cũng yêu Trinh và muốn đẻ một đứa trẻ giống với cô ấy", Amber nói. "Một đứa trẻ một nửa giống tôi, một nửa giống cô ấy là điều gì đó thực sự rất đặc biệt. Bạn có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng đó là đứa con của hai và chỉ hai chúng tôi", Trinh hoàn toàn đồng ý.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 16.

Trong số 3 cặp đôi, Brenda Trinh và Amber Mauer có lẽ là những người đang ở gần với giấc mơ của mình nhất, ít nhất là về mặt địa lý. Ngay trong Thung lũng Silicon, thuộc vùng vịnh San Francisco mà Trinh đang sinh sống, có một start-up công nghệ sinh học đang nhắm tới việc thương mại hóa công nghệ IVG trước năm 2025 tới.

Có tên là Conception, dịch ra Tiếng Việt nghĩa là "Thai nghén", công ty ra đời từ quyết tâm của Pablo Hurtado, một tiến sĩ hóa sinh người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Đúng 5 năm trước, Hurtado khi đó đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Osaka, công việc cho phép anh tới thăm phòng thí nghiệm của Hayashi, và ngay lập tức bị thuyết phục bởi công nghệ IVG mà các đồng nghiệp người Nhật đang phát triển.

Bản thân Hurtado cũng là một người đồng tính nam và muốn có con với bạn đời của mình là nam giới, do đó, anh đã trở về Mỹ và tự nghiên cứu kỹ thuật tạo giao tử trong ống nghiệm.

"Có một thứ gì đó nằm sâu trong tiềm thức thôi thúc tôi sinh ra một đứa trẻ có một nửa từ tôi và một nửa từ chồng mình. Hiện tại thì chúng tôi chưa có khả năng đó. Nhưng tôi đang cống hiến cả đời mình để cố gắng làm được điều đó", Hurtado nói.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 17.

Bắt đầu chỉ từ số vốn 1 triệu USD huy động được từ quỹ đầu tư mạo hiểm Hydrazine Capital, sau 5 năm thành lập, Conception bây giờ đã có trong tay 40 triệu USD, với hơn 40 nhà khoa học cùng làm việc trên công nghệ IVG.

Với quy mô phát triển này, Hurtado tự tin rằng họ sẽ sớm vượt qua được Hayashi và đưa IVG vào thử nghiệm lâm sàng sớm hơn cả các đồng nghiệp ở Nhật Bản. Trong so sánh với 2.000 trứng chuột mà Hayashi có thể tạo ra trong một thí nghiệm, Conception cho biết họ đang sở hữu công nghệ để tạo ra hàng triệu trứng cùng lúc.

Điểm khác biệt là thay vì sử dụng tế bào da, Hurtado và các nhà khoa học ở Conception sẽ dùng tế bào máu. Họ cũng tiêm vào đó các yếu tố Yamanaka để tái lập trình chúng thành tế bào gốc đa năng cảm ứng. Sau đó, từ các tế bào gốc này biến thành tế bào nang trứng.

Nhưng công nghệ IVG của Conception có thể đẩy số lượng trứng được nuôi cùng lúc lên đến hàng triệu quả, bên trong một cỗ máy sinh học nhỏ như máy nướng bánh mì. Nó dường như là một bí mật công nghệ riêng của Conception nên được bọc kỹ lại bằng hộp nhựa đen.

Hurtado giới thiệu chiếc "máy nướng bánh" này của họ có giá lên tới 90.000 USD, tương đương 2,1 tỷ VNĐ.

"Theo hiểu biết của chúng tôi, chưa ai có thể làm được điều đó với các tế bào mầm nhân tạo trong ống nghiệm", Hurtado nói. Anh cho biết Conception sẽ có thể tạo ra được trứng người sẵn sàng thụ tinh nhờ công nghệ IVG trong vòng một năm nữa, nghĩa là năm 2024 tới.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 18.

Khi được hỏi "Anh nghĩ thế nào về tuyên bố của Conception?", Hayashi cho biết anh khá hoài nghi về điều đó: "Không thể được", Hayashi nói. "Theo thiển ý của tôi – một năm – điều đó là không thể".

Hayashi cho biết với tốc độ nghiên cứu hiện tại, ít nhất cũng phải mất từ 5-10 năm nữa anh và các đồng nghiệp mới tạo ra được những quả trứng người sẵn sàng cho thử nghiệm IVG. Anh giới thiệu mọi người nếu muốn biết tốc độ phát triển của lĩnh vực này thì phải tới Viện Nghiên cứu Sinh học Con người Tiên tiến tại Đại học Kyoto.

Ở đó có nhóm nghiên cứu của giáo sư Mitinori Saitou, người đầu tiên - và duy nhất cho đến nay - công bố một bài báo khoa học có bình duyệt về việc sử dụng IVG để tạo ra trứng người thụ tinh được. 

(Nghiên cứu của Conception chưa được xuất bản trên bất kỳ tạp chí khoa học nào và bản thân những người phát ngôn của công ty rất thận trọng trọng việc tiết lộ chi tiết. Có thể họ xác định đó là một bí mật thương mại).

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 19.

Phòng thí nghiệm của giáo sư Saitou chắc chắn có quy mô nhỏ hơn Conception. Chỉ ba nhà khoa học chụm đầu vào một chiếc kính hiển vi quang học cũng đủ lấp đầy nó. Dưới ống kính, họ đang kiểm tra một mẻ trứng nuôi cấy được từ công nghệ IVG.

"Chúng tôi sử dụng cả tế bào chuột và tế bào người", giáo sư Saitou nói. "Và đây là phòng nuôi cấy tế bào, địa điểm quan trọng nhất. Tại đây, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu các tín hiệu hướng dẫn sự trưởng thành của tế bào, cùng với đó là các gen quan trọng cần thiết cho sự phát triển của trứng".

Giáo sư Saitou thừa nhận những quả trứng người mà ông tạo ra nhờ công nghệ IVG còn quá non nớt. Chúng chưa sẵn sàng để được thụ tinh và phát triển thành phôi người. Ngay lúc này, ông và Hayashi vẫn đang phải cùng nhau làm việc để tìm ra những tín hiệu hóa học nào cần thiết cho quá trình kích thích trứng người trưởng thành.

Điều đó có nghĩa là công thức từ nghiên cứu IVG trên chuột của Hayashi không thể được áp dụng cho con người, Saitou sẽ cần một công thức khác. Ông cũng cần phải đảm bảo những quả trứng người tạo ra được từ IVG hoàn toàn khỏe mạnh và không mang đột biến nguy hiểm.

"Trong một số trường hợp đột biến sẽ gây ra bệnh nguy hiểm, có thể là ung thư, có thể là sảy thai hoặc tử vong sớm", Saitou nói.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 20.

Cũng giống như các nhà khoa học ở Conception, giáo sư Saitou giữ bí mật tiến độ công việc mà ông đang thực hiện. Khi được hỏi ông đã tiến gần tới đích chưa, giáo sư Saitou từ chối trả lời. "Chúng tôi vẫn đang làm việc để hoàn thiện công nghệ. Nghiên cứu chưa được xuất bản nên tôi không thể biết được", ông nói.

Ngay sau đó, một trong số ba nhà khoa học trong phòng nhảy ra khỏi ghế. Anh ấy ôm chiếc đĩa thí nghiệm của mình đi sang phòng khác. "À anh ấy mang những tế bào ấy đi kiểm tra tình trạng ấy mà", giáo sư Saitou giải thích.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 21.

Không quan trọng là 1 năm, 5 năm hay 10 năm, một khi IVG được phát triển thành công, nó ngay lập tức sẽ thay đổi toàn bộ thế giới mà chúng ta đang sống. Giáo sư Saitou cho biết công nghệ mà ông đang phát triển có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về cả đạo đức, pháp lý lẫn xã hội.

"Vì vậy chúng ta phải hết sức thận trọng", ông nói. "Có rất nhiều vấn đề về đạo đức mà chúng ta thực sự phải suy tính".

Vấn đề đầu tiên chính là việc kỹ thuật sinh sản này về mặt lý thuyết sẽ phá vỡ định nghĩa của một gia đình truyền thống. Bởi các nhà khoa học có thể biến bất cứ tế bào nào trên cơ thể thành trứng hoặc tinh trùng, IVG sẽ có khả năng tạo ra các mô hình gia đình hoàn toàn mới.

Một đứa trẻ có thể được sinh ra từ 2 người mẹ, hai người bố và một người mẹ mang thai hộ, một người bố và một người mẹ mang thai hộ hoặc thậm chí chỉ từ một người phụ nữ duy nhất muốn có con với chính bản thân cô ấy.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 22.

IVG có thể tạo ra những mô hình gia đình hoàn toàn mới.

Trong trường hợp cuối cùng, khi một người phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân mà không muốn sử dụng tinh trùng hiến tặng. Cô ấy có thể biến chính tế bào da của mình thành một tinh trùng rồi cho nó thụ tinh với trứng của mình thông qua IVG.

"Nếu bạn có thể tạo ra phôi nhân tạo, điều đó có nghĩa là một người có thể tạo ra đứa con của chính mình. Vậy cha mẹ của đứa trẻ nên được xác định như thế nào?", Misao Fujita, một nhà đạo đức sinh học tại Đại học Kyoto, cho biết. "Nó sẽ làm xáo trộn cả xã hội".

Năm 2021, Fujita đã tiến hành một nghiên cứu điều tra dư luận xã hội để xem người dân Nhật Bản phản ứng như thế nào khi các nhà khoa học nước này đang đi tiên phong trong công nghệ IVG và trên đường tạo ra những đứa trẻ từ đó.

Kết quả cho thấy chỉ có 25% người được hỏi chấp nhận việc sử dụng IVG để tạo ra phôi thai người. 75% còn lại phản đối vì cho rằng các nhà khoa học đang cố gắng "đóng vai Chúa Trời". Và việc đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy từ việc làm mất đa dạng di truyền, xâm phạm nhân phẩm con người, bây bất ổn xã hội và tạo ra nhiều rủi ro cho thế hệ tương lai…

Về mặt pháp lý, Fujita cho biết Nhật Bản hiện tại còn chưa có luật công nhận trẻ em được sinh ra từ cha/mẹ đơn thân hoặc hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu IVG và hướng đến thử nghiệm trên người.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 23.

Tại Đại học Stanford, nhà đạo đức sinh học Henry Greely cho biết ông khá phấn khích khi đọc các nghiên cứu về IVG. 

"Tôi là một người hâm mộ ý tưởng này", Greely nói. Trong cuốn "Sự kết thúc của tình dục và tương lai sinh sản của loài người", Greely từng dự đoán những công nghệ như IVG sẽ khiến làm tình dục trở thành một thú tiêu khiển không hơn không kém. Chỉ trong vòng 20-40 năm nữa, đó sẽ không còn là cách mà phần lớn nhân loại chọn dùng để sinh sản, ông nói.

Thứ mà IVG vượt trội hơn sinh sản truyền thống là nó có thể mang lại những phôi thai hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu như trong IVF, bạn đã có thể chọn lọc sức khỏe của phôi nhờ vào việc xét nghiệm trứng và tinh trùng, thậm chí chọn lọc giới tính (mặc dù điều đó là vi phạm đạo đức và pháp luật). Tuy nhiên, quá trình chọn lọc này ít nhất vẫn bị giới hạn bởi số lượng trứng và lượng tinh trùng mà một cặp cha mẹ có thể có để lưu trữ.

Nếu không có đủ trứng và tinh trùng khỏe mạnh, việc làm IVF sẽ thất bại chứ chưa nói đến việc tạo ra những đứa trẻ theo ý muốn. Nhưng IVG thì khác. Nếu như bạn có thể tạo ra hàng triệu trứng và hàng triệu tinh trùng như Conception tuyên bố, quá trình chọn lọc sẽ được thực hiện triệt để.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 24.

Tất cả những cặp bố mẹ thực hiện IVG đều sẽ mong muốn mình sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Nhưng trong kịch bản mà Greely tưởng tượng, lòng tham của họ sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Có một đứa trẻ khỏe mạnh thôi là chưa đủ, IVG còn cho phép họ chọn lọc cả những đứa trẻ có chiều cao vượt trội, có màu mắt xanh, có tóc đen và thậm chí mang cả khả năng đặc biệt. Vậy tại sao không làm điều đó?

"Có tới 8 tỷ người trên Trái Đất, và bạn biết đấy, có một số người giàu rất hoang tưởng – tôi sẽ không nêu tên cụ thể - người mà tôi có thể tưởng tượng khi ông ấy nghĩ đến điều đó sẽ thấy nó thật tuyệt", Greely nói.

Vì vậy, ông lo lắng IVG giống như IVF hiện tại có thể sẽ chỉ là một công nghệ dành cho người giàu. Nó có thể làm nới rộng khoảng cách xã hội và làm mất sự công bằng trong phúc lợi y tế. Trong khi rõ ràng, cả người giàu và người nghèo đều có thể gặp vấn để sinh sản và cần đến IVF hoặc IVG như nhau.

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 25.

Cuối cùng, vì IVG là một công nghệ vượt bậc hơn IVF, nó có thể khuếch đại những vấn đề hiện có của IVF lên một cấp độ mới. Chẳng hạn như một câu chuyện từng lan truyền trên mạng xã hội Reddit vào năm 2019 từng nêu ra trường hợp:

Nếu một nhân viên dọn phòng khách sạn tìm thấy bao cao su chứa tinh trùng trong phòng lưu trú của một tỷ phú. Cô ấy có thể lấy toàn bộ tinh dịch từ chiếc bao cao su này, bơm sâu vào trong âm đạo để mang thai đứa con của tỷ phú đó. 

Người hầu phòng sau đó hoàn toàn có quyền kiện vị tỷ phú ra tòa và đòi hàng triệu USD bồi thường để nuôi con. 

IVF 2.0: Công nghệ sinh sản lấy trứng từ nam giới, tinh trùng từ phụ nữ, hứa hẹn xóa sổ bệnh vô sinh và giúp mọi cặp LGBT có con- Ảnh 26.

Greely thừa nhận IVG có thể bị lạm dụng trong tình huống tương tự, khi việc tạo ra một đứa bé không có sự đồng ý của ai đó thậm chí còn dễ dàng hơn. Một người hầu phòng, hay bất kỳ ai chỉ cần một tế bào da của ai đó, tỷ phú, người nổi tiếng, người già, thậm chí cả trẻ em hoặc người đã chết để tạo ra đứa con chung với họ.

Tất cả những kịch bản đen tối này chắc chắn sẽ làm chậm quá trình cấp phép cho IVG. Thế nhưng, trên thế giới vẫn có những người thực sự cần đến nó. "Tôi nghĩ công nghệ này sẽ mang lại hi vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh đang khao khát có một đứa con chung, chia sẻ một nửa di truyền của mỗi người", Greely nói.

Sẽ không có vấn đề gì nếu IVG trước mắt chỉ được giới hạn trong nhóm những cặp vợ chồng dị tính, đã thử mọi biện pháp thụ thai bao gồm cả IVF nhưng không có tác dụng. Các cặp vợ chồng đồng tính như Brenda Trinh và Amber Mauer, Tara Ferguson và Delilah có lẽ sẽ phải chờ đợi pháp luật cho phép họ có con chung qua IVG. Nhưng đối với các cặp đôi như Diana và Paul Zucknick, họ gần như có thể được tiếp cận ngay khi công nghệ này còn trong quá trình thử nghiệm.

"Tôi hoàn toàn hiểu IVG có thể dẫn đến những cách sử dụng phi đạo đức", Diana nói. "Nhưng tôi đâu muốn có một đứa con được thiết kế riêng. Tôi chỉ muốn một đứa bé có một chút gì đó giống tôi và một chút giống chồng tôi thôi".

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, giáo sư Saitou đồng ý với điều đó: "Khoa học luôn có mặt tốt nhưng cũng có… những tác động tiêu cực", ông nói. "Giống như bom nguyên tử hay bất kỳ sự phát triển công nghệ nào khác, mọi thứ đều có thể bị sử dụng vào mục đích xấu. Nhưng nếu bạn sử dụng nó một cách khôn ngoan, khoa học công nghệ sẽ luôn đem lại những giá trị tốt đẹp".

Tổng hợp