10 lỗi thường gặp khi bạn mới chập chững bước vào thế giới nhiếp ảnh (P1)

    Mr.Derpy,  

    Cùng xem qua 10 lỗi hay gặp nhất của những tay máy mới

    Những người mới làm quen với bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh thường mắc những lỗi cơ bản rất giống nhau. Những lỗi này, có thể sẽ là điểm phá cách khiến cho bức ảnh trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn, tuy nhiên đó là khi chúng được sử dụng với chủ đích rõ ràng. Với những người mới khởi đầu thì hầu như là họ mắc lỗi mà không hề hay biết và lỗi chỉ làm cho bức ảnh trở nên tệ hại . Và sau đây là 10 lỗi thường thấy ở những tay máy mới vào nghề 

    1.Màu sắc quá ảo, quá rực

    Màu sắc mạnh và “ảo” thường được sử dụng để gia tăng xúc cảm cho bức ảnh. Tuy nhiên khi sử dụng quá đà, thiếu tính toán, nó làm cho bức ảnh của bạn như bức tranh của một đứa con nít bôi màu be bét lên vậy

    Để tạo ra bức ảnh với màu sắc không quá lố, quá sai lệch, chúng ta cần một màn hình với chất lượng hiển thị tốt, không sai màu. Nếu không có chúng, bức ảnh thực tế khi in ra sẽ trông hoàn toàn khác xa với những gì bạn thấy trên màn hình. Rất nhiều trường hợp các nhiếp ảnh gia cân chỉnh màu sắc rất tuyệt vời trên các thiết bị hiển thị của mình nhưng khách hàng của họ lại thấy nó quá nhợt nhạt hoặc quá rực rỡ đến gai mắt.

    Dường như biến ảnh chụp thành tranh vẽ là một xu hướng chung của những người mới. Họ thường kéo thanh saturation quá đà để màu đậm hơn và nghĩ như thế là đẹp. Như thế vừa làm mất đi nội dung, lại khiến bức ảnh không còn tự nhiên và sinh động. Những bức ảnh như vậy có thể rất nịnh mắt và và là một bức avatar bắt mắt trên Facebook nhưng khi ảnh được in ra hay được xem trên các màn hình lớn, kết quả rất trái ngược. Một bức ảnh với màu sắc tự nhiên, trung thực và hài hòa mang lại ấn tượng nhiều hơn chúng ta nghĩ. Còn nếu muốn dùng màu sắc nhạt hay đậm, hay suy nghĩ thật kỹ mục đích của bức ảnh, mục đích của bản thân và tinh chỉnh sao cho phù hợp.

    Màu sắc quá gắt do kéo Saturation quá tay

    Màu sắc quá gắt do kéo Saturation quá tay

    Và như vậy, thay vì vẩy chuột tăng saturation, hãy cố gắng tìm kiếm những bức ảnh với màu sắc vốn dĩ mạnh sẵn trong tự nhiên. Hãy chú ý tới những chủ thể có màu sắc tươi sáng trong bối cảnh u ám. Hãy đầu tư hơn, đừng chụp vô tội vạ. Chọn thời gian chụp đúng lúc cũng là một điểm mấu chốt để tạo ra bức hình bắt mắt đấy. 

    2.Các bức ảnh không lấy đúng nét

    Một bức ảnh được lấy nét có chủ đích sẽ rất hấp dẫn. Nhưng để trở thành một nhiếp ảnh gia, chúng ta cần phải kiểm soát được khi nào cần cho chủ thể sắc nét, khi nào cần làm mờ. Không phải cứ cho chủ thể nổi bần bật trên tấm nền được xóa phông mờ tịt cũng là ảnh đẹp. Với chụp ảnh chân dung, điểm lấy nét sẽ phải ở đôi mắt. Mắt là cửa sổ tâm hồn, thể hiện mọi thần thái của người mẫu nên chúng sẽ phải là điểm nét nhất của bức ảnh. Một số camera bị back-focus hay front-focus khiến điểm lấy nét thực tế bị lệch khiến cho bức ảnh không nét đúng chỗ cần thiết, và do vậy chúng ta nên kiểm tra kĩ lại thiết bị trước khi đi chụp ảnh.

    Ngoài yếu tố lấy nét, rung tay cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ảnh bị mờ, mất nét. Có một công thức cần chú ý, tốc độ chụp tối thiểu luôn luôn bằng nghịch đảo của tiêu cự: Tốc cửa trập = 1/Tiêu cự. Tất nhiên những tay máy "cứng" có thể chụp ở tốc độ thấp hơn thế này nhiều nhưng đó là cả một quá trình luyện tập và hàng tá kinh nghiệm tự tích lũy. Tốc độ tối thiểu theo công thức này luôn luôn đảm bảo bức ảnh ít chịu nhất ảnh hưởng của rung tay nhất. Riếng đối với các vật thể chuyển động, tốc độ sẽ còn phải nhanh hơn nữa để bắt dính. Nếu như bức ảnh không đủ sáng, hãy tăng ISO và chụp với tốc độ cao và khẩu độ nhỏ. Khẩu độ quá lớn cũng khiến cho bức ảnh của bạn kém nét, đặc biệt khi chụp chủ thể ở cự li xa.

    3.Quên không bố cục ảnh

    Các nhiếp ảnh gia tầm cỡ có thể đảo lộn mọi thứ trong khuôn hình của họ để bức ảnh mang ấn tượng mạnh. Tuy nhiên việc bố cục lộn xộn hay quên không bố cục một cách vô ý chỉ khiến bức ảnh trở thành một mớ hỗn độn.Khi mới chập chững bước vào nhiếp ảnh, hãy cố tập theo các điều tự nhiên nhất, đúng sách vở nhất. Không phải làm như thế là kìm hãm sự sáng tạo, mà là tập luyện để sẵn sàng cho những đột phá của chính bản thân bạn sau này. Những gì cần thẳng hãy để nó thẳng, đừng cố gắng bóp méo nó vì nghĩ rằng như thế sẽ đặc biệt và thu hút hơn. Một bức ảnh chụp bị lệch sẽ khác rất nhiều khi được nắn lại bằng hậu kỳ.

    Một điều nữa cần chú ý, đó là để các cạnh khung hình trống trơn. Đưa một vật thể nào đó vào cạnh và góc khung hình sẽ giúp giữ lại ánh mắt người xem mà không “tuột” mất ra ngoài. Đó có thể là một nhánh cây, tòa nhà.... Hãy chú ý đến bức ảnh bên trên, viên thuốc gào khóc giữ mắt chúng ta lại sau khi lướt qua người bán hàng Trung Quốc. Đó là sự khác biệt rất lớn.

    Khi nhận thấy một điều gì đó thú vị, mọi người thường ngay lập tức dừng lại và “bắn” tới tấp. Thay vì vậy, chúng ta nên dừng lại và quan sát kỹ chủ thể trước khi chụp. Dành thời gian suy nghĩ về góc chụp, bố cục và ánh sáng trước khi bấm máy, kết quả sẽ tốt hơn trước rất nhiều.

    4. Chụp không đủ gần

    Nhiếp ảnh gia báo chí nổi tiếng Robert Capa đã nói rằng “Nếu ảnh bạn chụp chưa đủ đẹp, có nghĩa là bạn chụp chưa đủ gần”. Chúng ta nên tiếp cận gần hơn và tiếp xúc trực tiếp hơn, cố gắng bắt lấy chủ thể, đặc biệt là những ảnh cần bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ . Chủ thể như vậy sẽ trở nên to hơn trong khung hình cũng như nổi bật hơn và gần gũi hơn. Điều này rất hữu ích cho nhiếp ảnh chân dung, đường phố hay ngay cả các thể loại nhiếp ảnh khác.

    5.Cân chỉnh tương phản, phơi sáng và mức độ sáng/tối không chính xác

    Lựa chọn tông chủ đạo cho bức ảnh là điều quan trọng với một bức ảnh đẹp. Do vậy, chúng ta phải kiểm soát tốt mức tương phản, phơi sáng cũng như mức độ sáng tối. Khi chụp ảnh, nên hướng đến cú bấm máy có độ chính xác nhất có thể, nếu còn kém, bạn có thể chụp nhiều và chọn ra bức vừa ý nhất. Tuy rằng mức phơi sáng có thể chỉnh sửa bằng hậu kỳ, nhưng chất lượng cuối cùng của bức ảnh sẽ không tốt bằng việc bạn chủ động chỉnh ngay trong lúc chụp.

    Việc tinh chỉnh mức tương phản chính xác không hề đơn giản. Kéo tương phản lên quá cao, làm mất chi tiết vùng sáng, tối là lỗi cực kỳ hay gặp, ngay cả với những tay máy kỳ cựu. Không phải bức ảnh nào cũng cần thêm tương phản vì độ tương phản cần thiết phụ thuộc vào tình trạng ánh sáng tại thời điểm chụp. Lỗi thừa hay thiếu tương phản đôi khi cũng tại màn hình được thiết lập không chính xác gây sai lệch khi hậu kỳ.

    Bức ảnh được cân chỉnh sáng/tối hài hòa sẽ là một bức ảnh đẹp. Thông thường, bức ảnh sẽ giữ nguyên được chi tiết trong cả hai vùng sáng và tối, vùng sáng sẽ là vùng hướng mắt người xem đến và vùng tối là vùng hậu cảnh để làm nổi bật chủ thể mà người chụp muốn dẫn dụ cho người xem. 

    (Còn tiếp)

    Tham khảo: Digitalphotographyschool.com

    >>Tổng hợp các thiết bị nhiếp ảnh được ra mắt trước thềm Photokina 2014

    NỔI BẬT TRANG CHỦ